Lần giở từng trang các Giai Phẩm Xuân Đinh Dậu này, độc giả sẽ cảm nhận được không khí xao xuyến, chộn rộn khi mùa Xuân đang về.
Giai Phẩm Xuân Đinh Dậu vùng Little Saigon. (Hình: Bùi Kim Ánh/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Tết đến Xuân về, cùng với bánh mứt ngày Xuân thì tờ báo Xuân là món quà Tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Trên phố Bolsa, tại Little Saigon, miền Nam California, báo Xuân của nhật báo Người Việt, Viễn Ðông, Việt Báo, Sài Gòn Nhỏ, Trẻ Magazine, VietStream, Chí Linh Thời Mới… như món quà tinh thần gửi đến những người Việt xa xứ.
Lần giở từng trang các Giai Phẩm Xuân Đinh Dậu này, độc giả sẽ cảm nhận được không khí xao xuyến, chộn rộn khi mùa Xuân đang về.
Người Việt
Điểm đặc biệt của báo Xuân Người Việt Đinh Dậu 2017 là chủ đề “Miền Nam Yêu Dấu” xuyên suốt, bạn đọc sẽ cảm nhận được một miền Nam trù phú, người miền Nam hào sảng, không nghĩ ngợi cho mình. Trong giai phẩm này, độc giả tìm hiểu người Pháp từng đón Tết trong triều đình Huế ra sao của tác giả Triệu Phong, hiểu vì sao lại gọi là bánh tét nhà và bánh tét chợ cùng nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, chơi những trò chơi dân gian mà người dân quê dùng để giải khuây trong ngày Tết qua bài “Lô tô và bài chòi ngày Tết” với tác giả Luke Bùi…
Tết cũng là dịp để bạn đọc theo chân nhà báo Trần Tiến Dũng leo lên núi Thất Sơn, hay lênh đênh cùng nhà báo Phan Trường Giang tìm hiểu những người chọn sông nước làm “kiếp thương hồ,” hoặc cùng tác giả Lê Ðỗ Bích Trân về thăm xứ kiểng Cái Mơn, rồi nghe nhà văn Nguyễn Trọng Tín kể chuyện Tết ở nơi tận cùng tổ quốc, và đi chợ ở nơi tận cùng nước Việt – đất Mũi Cà Mau…
Đọc Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu để xem nhà báo Đỗ Dzũng viết gì về bảy nữ dân cử gốc Việt giành chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử 2016, theo chân hai nhà báo Khôi Nguyên-Đỗ Dzũng bảy ngày từ Hà Nội đến Sài Gòn “rượt” theo Tổng Thống Barack Obama, đi chợ cùng nhà báo Quốc Dũng để biết người Little Saigon làm giàu nhờ bán “gà tươi đi bộ,” và một khi đến Little Saigon thì phải “ăn cho sướng” bởi vì quá nhiều nhà hàng Việt Nam cùng nhà báo Ngọc Lan… Báo dày 288 trang, giá $8.
Viễn Đông
Vì là năm Con Gà nên trang bìa báo Xuân Viễn Đông thu hút với hình ảnh chú gà trống oai phong lẫm liệt xù bộ lông cánh sặc sỡ, một chân co lên, miệng há hốc trong tư thế “sẵn sàng nghênh chiến.” Lật giở từng trang, tác giả Hoài Mỹ có bài viết thú vị về “Con gà cục tác lá chanh…” từ gà là loại gì, đến nguồn gốc gà, rồi biểu tượng gà, một số loại gà, và cả hình ảnh con gà trong văn học dân gian. Đặc biệt, tác giả sẽ giải thích trong 12 con giáp thì gà là con giáp thứ 10, mà nhiều người từng nuôi gà, làm thịt và ăn phở gà, ăn gà luộc với lá chanh nhưng chưa biết tại sao có câu “Con gà cục tác lá chanh?”
Tác giả Phan Thượng Hải sẽ làm độc giả hiểu rõ hơn về “Lịch sử cải lương và vọng cổ Nam Phần” khi mà “cải lương là một phần của văn hóa miền Nam từ những năm 1917-1918, thoạt đầu là những buổi trình diễn nhỏ ở nhà riêng, dần dần phát triển thành những đại ban cải lương với những buổi diễn có hàng ngàn người tham dự vào những năm trước 1975.” Nhưng “Tiếc thay, cải lương dần đi vào quên lãng hiện nay.”
Bắt cá bằng tay không là một bài viết thú vị của tác giả Trân Hương. Theo tác giả, cá Grunion là loại cá đặc biệt, dài khoảng 15 cm, thân mảnh, chỉ có ở vùng bờ biển California của Mỹ và Baja California của Mexico. Đặc biệt là chỉ được bắt cá bằng tay không, nhưng một số người vì lòng tham đã dùng cả rổ để bắt. Phía sau câu chuyện này là gì, mời độc giả tìm đọc.
Nhà báo Thanh Phong kể câu chuyện cảm động “Máu mủ trùng phùng” viết về một em bé Việt Nam trên đường tìm tự do, mẹ và em của em bị lật tàu chết thảm, bố lấy vợ khác, đem em sang Nhật rồi bỏ rơi, em phải đi bới đống rác tìm kế sinh nhai, sau cùng được cô gái Nhật lấy làm chồng. Trong lúc ông bà ngoại và các dì ở Hoa Kỳ và Việt Nam lạc mất cháu hơn 20 năm, ngày đêm trông ngóng, tình cờ trong ngày giỗ mẹ em, gia đình tìm ra được cháu đang ở Nhật và cuộc trùng phùng mừng vui khôn tả. Câu chuyện thật đầy bi thương nhưng kết cục có hậu. Báo dày 274 trang, giá $8.
Việt Báo
Năm Con Gà, Việt Báo Tết giới thiệu “Sách Tết Đinh Dậu 1957 Ấn Bản Nhân Văn Giai Phẩm Cuối” của tác giả Alex Thái Đ. Võ, và đến nay đã là một chu kỳ 60 năm. Theo tác giả “Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017 tác giả mong được chia sẻ một số thông tin và sự kiện chung về tạp chí ‘Giai Phẩm’ và báo ‘Nhân Văn.’ Nhưng đặc biệt hơn là để giới thiệu đặc san ‘Sách Tết 2017,’ được nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm xuất bản sau khi chính quyền Hà Nội đình bản và cấm tờ ‘Nhân Văn’ và tạp chí ‘Giai Phẩm,’ để ngày Xuân người đọc còn nghĩ đến tinh thần quật cường của những văn nghệ sĩ và trí thức góp phần tạo nên phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.”
Năm Đinh Dậu 2017 cũng tròn 60 năm điện ảnh của nữ tài tử Kiều Chinh. Nhà thơ Du Tử Lê viết: “Nhìn lại 60 năm Kiều Chinh, tôi nhớ hình ảnh người nữ diễn viên đã thủ diễn những vai nữ thuộc đủ mọi sắc dân Á Châu Thái Bình Dương. Từ Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, tới Hawaii… Rất nhiều phim trong số này, trở thành tài liệu giảng dạy về văn hóa, lịch sử Á Châu tại các trường học Hoa Kỳ.” Và nhà thơ nhận xét: “Với tôi, Kiều Chinh là ‘niềm hãnh diện Việt.’ Hành trình 60 năm điện ảnh của bà chưa một lần gián đoạn, dù đó là cái năm 1975 đổi đời.”
Ngoài thơ, truyện, ký, biên khảo, báo còn có nhiều bài “Viết về nước Mỹ,” là một cuộc thi thường niên của báo. Báo cũng có một số bài chính luận và nhân vật, như “Nhà thơ, bầu trời đêm và những vết thương mở” do tác giả Thắng Đào trò chuyện với Ocean Vương – một nhà thơ gốc Việt tiêu biểu trong năm tại Hoa Kỳ và còn rất trẻ, sinh năm 1988; tác giả Huỳnh Kim Quang khởi sự loạt bài tưởng niệm và nhắc tới những con số rợn mình qua bài “100 năm Cách Mạng Vô Sản Nga – làn sóng đỏ những thống kê đen tối;” tác giả Hồ Văn Đồng viết về “Tàn sát Cao Đài, Hòa Hảo, giết Tạ Thu Thâu;” tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa với “Trung Quốc từ danh đến thực”… Báo dày 324 trang, giá $10.
Sài Gòn Nhỏ
Nhân vật chính trên bìa Giai Phẩm Xuân Sài Gòn Nhỏ là hình ảnh chú gà trống hiên ngang, kiêu hãnh. Và “Năm Dậu nói chuyện gà,” hãy đọc những phân tích về gia đình họ gà, gà tây gà ta, tiểu sử các dòng họ nhà gà trên thế giới, tìm hiểu đá gà thú vui hay cờ bạc, rồi gà trong thi ca… cùng tác giả Nguyễn Quý Đại. Độc giả cũng không nên bỏ qua bài viết “Những năm Dậu trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 20” của tác giả Triệu Phong.
Đọc “Những cái Tết từ một thời đã mất” của tác giả Thi Phương để cùng chiêm nghiệm “Trước năm 1975, tức cách đây 41 năm, cái Tết vui biết bao, cho dù ngay cả trong năm cuối cùng Ất Mão tận thế hay trong những năm chiến tranh kéo dài từ 1960.” Từng lời thủ thỉ của tác giả về Tết của một thuở ấu thơ giờ đây chỉ còn là tiếng thở dài “Những cái Tết đó nay chỉ còn trong tâm tưởng bị trĩu nặng bởi những mất mát của thời thế […] Còn đâu tiếng pháo. Còn đâu hàng xóm. Còn đâu bà con như những gia đình nhỏ trong một gia đình lớn […] Chúng ta mất, nhưng may thay có một thời chúng ta đã có như thế. Những thế hệ sau này, cái gì sẽ bù đắp được những gì con cháu chúng ta không có và sẽ không bao giờ có?”
Với “2016: Vùng đất hứa không còn cực lạc,” tác giả Hoàng Ngọc Nguyên phân tích rõ hai biến cố, đó là “dân Anh bỏ phiếu quyết định nước Anh rút khỏi Liên Âu – nay người ta quen gọi là Brexit, và dân Mỹ bỏ phiếu quyết định ông Donald Trump là tổng thống thứ 45 của họ.” Tác giả kết luận: “Sau kinh nghiệm đắt giá năm nay, nước Mỹ càng cần phải nhanh chóng tìm giải đáp cho những bài toán chính trị bị hỏng, dân chủ bị lạm dụng, nợ chính phủ đã trở thành nếp, và bất đồng trong quan điểm về quan hệ quốc tế. Thế giới khó ổn định và thịnh vượng nếu không có nước Mỹ, và…” mời độc giả tìm đọc bài viết này.
Ngoài ra, bạn đọc còn đọc được nhiều bài viết hay, đặc sắc trong giai phẩm như “Tết của ba miền Bắc-Trung-Nam” cũa Quỳnh Nhi, “Nhớ lại Tết Đinh Dậu” của Xuân Mỹ, “Tết quê hương” của Hoàng Hải Thủy, “Di Linh trên đường lên Đà Lạt” của Phạm Quốc Bảo, “Câu chuyện của cây” của Trùng Dương, “Hoài niệm Xuân xưa” của Uyên Vũ, “Xuân xưa Huế vàng” của Túy Hồng, “Ngày Xuân đọc thơ chữ Hán” của Trần Mộng Tú, “Văn hóa ẩm thực ngày Tết trong tâm thức Vũ Bằng” của Trần Hoài Anh, “Viết cho ai đọc” của Thụy Khuê… Báo dày 356 trang, giá $8.
Ða dạng sắc màu báo Xuân Đinh Dậu tại Little Saigon. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Chí Linh Thời Mới
Là một Giai Phẩm Xuân đậm tính văn hóa, truyền thống, Chí Linh Thời Mới Xuân Đinh Dậu 2017 có bài viết “Thờ cúng tổ tiên – Nét đẹp trong phong tục Việt” của tác giả Huỳnh Hải. Đó còn là câu chuyện “Hoàng cung triều Nguyễn đón Tết Nguyên Đán như thế nào?” của Thơm Quang, “Vua Nguyễn tổ chức lễ nghi, yến tiệc gì trong dịp Tết?” của Đại Dương, “Lễ dựng nêu trong hoàng cung Huế xưa” của Nhật Châu…
Xuất xứ của “Chuyện xin xăm” là gì? Tác giả Lê Vĩnh Huy sẽ kể chi tiết quá trình xin xăm “ban đầu, lời thánh phán được ghi trực tiếp trên 49 thẻ xăm cả thảy, đó là những câu văn ngắn cực kỳ cô đọng do các vu sư đời Đường đặt ra. Qua các đời sau, theo sự phát triển của Đạo giáo, dần dần hình thành các loại xăm khác nhau, từ 49 thẻ thành 64 thẻ theo Dịch quái, rồi thành 100 thẻ để dự đoán thế sự.” Tuy vậy, tác giả cho rằng “Ngoại trừ số ít chùa chiền trong Nam còn giữ được nét đẹp của văn hóa xin xăm, còn thì đều là những thứ bát nháo thần chẳng ra thần ma chẳng ra ma.”
Tác giả Long Hy với bài viết thú vị về “Phong tục ngày Tết bí ẩn của các dân tộc thiểu số Việt Nam” như đi ăn trộm lấy may và niêm phong đồ bằng giấy, người Pu Péo hát thi với gà, gội đầu bằng nước gạo chua, người H’Mông với tục vỗ mông, người Thái gọi hồn vào dịp Tết, người Cao Lan dán giấy đỏ từ nhà tới chuồng gà, người Giẻ Triêng ném xôi lên mái nhà và Tết ăn than, người Pà Thẻn thờ bát nước lã…
Tạp chí còn nhiều bài viết đặc sắc như “Phong tục Tết trâu cúng ‘ông chuồng – bà chuồng’” của Minh Khuyên, “Vì sao ông Địa… luôn cười?” của Hoàng Phương, “Người Châu Á cúng ông Táo như thế nào?” của Bích Ngọc, “Người Nhật giữ lại truyền thống gì khi ăn Tết Dương Lịch?” của Trần Anh Minh, “Chuyện lạ ở xứ nuôi gà… to ‘quá khổ’” của Xứ Đoài, “Xưởng sản xuất miếu thờ ở Đài Loan” của Hồng Hạnh, “Tân Định, thức cả trăm năm” của Hoàng Nguyên Vũ… Báo dày 244 trang.
VietStream
“Đi Mỹ ăn món Việt” là bài viết thú vị của tác giả Ngô Dương khi cho rằng “Cả nước Mỹ cùng… phở. Ngày nay, trên khắp nước Mỹ, người ta có thể tìm thấy nhà hàng món Việt ở khắp mọi nơi, không chỉ ở những tiểu bang, thành phố hay khu đông người Việt sinh sống – thường được gọi chung là Little Saigon, như cách người ta dùng Chinatown cho các khu phố người Hoa bên ngoài Trung Quốc.”
“Sống trong một đất nước mà thông tin bị kiềm chế gắt gao bởi nhiều tầng lớp, từ não trạng độc đoán của nhà cầm quyền cho đến nỗi sợ hãi vô hình từ thâm tâm của mọi công dân.” Vì lẽ đó, tác giả Uyên Vũ đã khắc họa chi tiết “Facebook – quyền lực mới của người Việt” và mong rằng “Giữa bộn bề những vấn nạn của quê hương, chúng ta hy sọng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự khai sáng của một nền văn hóa nhân bản sẽ hàn gắn và vá đắp lại tổ quốc của chúng ta đang trên đà mục ruỗng.”
Câu chuyện thời sự mà VietStream mang đến là “Buôn người hay buôn bán bộ phận cơ thể” của tác giả Toàn Chân. Đó không chỉ là câu chuyện mua bán thận từ một người sống để cung cấp cho nhu cầu và đòi hỏi của “những du khách đi thay cơ phận,” mà còn là câu chuyện giết hàng chục ngàn tín đồ Pháp Luân Công để cung cấp bộ phận cho kỹ nghệ ghép thận bất hợp pháp. Và còn là câu chuyện từ Việt Nam như “thu gom trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có những bài nhận định về tình hình chính trị-xã hội của những tác giả, học giả tên tuổi như Lê Mạnh Hùng với “Trận hải chiến Hoàng Sa 1974,” Lê Phan với “Tổng Thống Donald Trump và tương lai,” VietStream phỏng vấn Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn… Báo dày 220 trang.