"...Kể từ lần đầu tiên đến giờ đã trên 10 năm, cứ mỗi lần họp mặt lại có thêm vài ba anh hay chị em mới trong gia đình sư phạm xưa đến tham dự. Con số mỗi lần họp mặt nay thường xuyên đã lên tới trên dưới hai trăm người...."
GARDEN GROVE, California (NV) - Vào sáng ngày Chủ Nhật tuần này 21 tháng 7, Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại lại có cuộc họp mặt thường niên tại nhà hàng Diamond Seafood, 8058 Lampson Ave., Garden Grove, CA 92841, để nối kết thêm sự khắng khít đã có từ ngày ra trường đi “gõ đầu trẻ.”
Trường Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: suphamsaigon.com)
Cho biết về mục đích những cuộc họp mặt của Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại, cựu giáo chức Lê Minh Phú vui vẻ nói: “Năm nào cũng phải có ít ra là một lần gặp gỡ nhau. Kể từ lần đầu tiên đến giờ đã trên 10 năm, cứ mỗi lần họp mặt lại có thêm vài ba anh hay chị em mới trong gia đình sư phạm xưa đến tham dự. Con số mỗi lần họp mặt nay thường xuyên đã lên tới trên dưới hai trăm người. Vui lắm anh ạ, hàn huyên ấm lạnh chán rồi quay ra hát cho nhau nghe, kể lại những chuyện xưa trong nghề Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư, nhưng ai nấy đều rất khó khăn chật vật trong cuộc sống vì ở xứ nào ngay cả Hoa Kỳ cũng vậy, giới dạy học đều nghèo cả. Nhưng bù lại được cái đi đến đâu cũng gặp lại học trò cũ, phần nhiều là mình không nhớ hết nhưng chính các anh chị học trò cũ ấy lại kể ra vanh vách những kỷ niệm xưa. Về tinh thần thì giới dạy học chúng tôi lại giầu hơn các ngành nghề khác. Nay cũng chính vì thế mà chúng tôi nặng tình với nhau lắm.”
Sư Phạm Sài Gòn ngày xưa được các chính phủ đệ I và đệ II Cộng Hòa rất quan tâm. Ngay từ khi mới về nước thành lập chính phủ, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm đã phải nghĩ ngay đến một nền giáo dục sao cho thích hợp với hoàn cảnh đất nước bị phân chia (1954), một nửa nước mới được Pháp trao trả toàn quyền nên việc tổ chức lại nền giáo dục quốc gia Việt Nam rất là quan trọng để làm sao có được một thế hệ mới phục vụ hữu hiệu cho đất nước. Một trong những mục tiêu về giáo dục của chính phủ khi ấy là phải gấp rút xây cất trường học cũng như đào tạo cấp thời hàng ngũ giáo chức. Giáo chức lúc này phải là những cán bộ của đất nước nghĩa là họ phải có ý thức sâu sắc về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với tương lai đất nước, bên cạnh chuyên môn sư phạm của mình.
Do đó các lớp Sư Phạm Cấp Tốc đã được mở ra trong những năm đầu của ngành Sư Phạm Sài Gòn để nhanh chóng trong vòng một vài năm có thể đáp ứng tạm thời cho nhu cầu giáo dục ở miền Nam đang được phát triển vì số học sinh gia tăng sau khi hòa bình được lập lại và trật tự quốc gia được vãn hồi sau năm 1954.
Nhớ lại thời gian ấy, nhiều thành viên trong Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn còn nhắc nhở: “Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn là một trong ba trường đại học mà sinh viên được ăn lương từ khi theo học cho đến khi ra trường. Ðó là Quân Y, Quốc Gia Hành Chánh, Nông Lâm Súc và Sư Phạm. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì còn là đời học sinh, sinh viên nhưng đến khi ra trường được cử về các địa phương phụ trách, bỗng cảm thấy mình lớn hẳn lên, đạo mạo ra. Nhiều nơi heo hút như trên cao nguyên miền Trung, cả tỉnh mới có một trường trung học, nên người dạy được dân chúng kính nể đến độ làm cho mình phải ngượng ngập, phải luôn tự hỏi không biết mình có xứng đáng được hưởng những trân trọng đó hay không. Cho nên phải nói giới giáo chức khi ấy là những người phải cố gắng cho mình có bộ mặt đạo đức cũng như những hành vi, lời nói trong giao tiếp thường ngày. Những cố gắng ấy sau này đã được trả công bội hậu về phương diện tinh thần. Ðó là niềm kính yêu còn trọn vẹn nơi các học trò xưa mà nay có những người đã trở thành ông kia bà nọ hay những thương gia giàu có đầy quyền lực kim tiền. Nên gặp nhau đây như để lại được sống trong cái không khí học đường ngày xưa, kể cả khi còn cắp sách đến trường hay khi đã xách cặp hàng ngày đi vào các lớp học.”
Nhắc lại giáo dục ngày xưa, không khỏi nhắc đến công lao đóng góp của giới giáo chức VNCH cho những thế hệ sau khi mà, sau 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản chiếm được miền Nam, người ta có nhiều dịp so sánh hai nền giáo dục Bắc và Nam từ kiến thức, học thức cho đến đạo đức từ trong học đường ra ngoài xã hội của học sinh các cấp.
Giáo chức ngày xưa, thời VNCH cũng là những chiến sĩ trong mặt trận xây đắp nền dân chủ cho đất nước và dân tộc. Họ cũng đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Nhiều người đã bị du kích Việt Cộng sát hại chỉ vì giảng đến tinh thần ái quốc, dân chủ của nền Cộng Hòa Việt Nam, nhắc đến những tính chất Nhân Bản, Khai Phóng và Tự Do trong giáo dục, điều mà những người cộng sản húy kỵ. Nhiều giáo viên vẫn tận tụy đến những vùng mất an ninh, xôi đậu để duy trì lớp học có khi chỉ còn năm bảy em đến lớp vì du kích cộng sản ngăn cấm, vì chiến tranh mà Cộng quân đến núp trong lòng dân để phục kích quân đội VNCH. Họ đã hy sinh không kém gì những chiến sĩ VNCH khắp 4 vùng chiến thuật.
Ban tổ chức năm nay khá là hùng hậu với 12 cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn thuộc đủ các khóa từ khóa Sư Phạm Cấp Tốc, khóa 1 cho đến khóa 13, dưới sự điều động của Giáo Sư Hội Trưởng Dương Ngọc Sum và Phó Hội Trưởng GS Nguyễn Tử Quý.
Riêng phần văn nghệ do cựu giáo sinh Bích Thủy phụ trách. MC do hai cựu giáo sinh Mai Minh và Huê Mỹ phụ trách. Còn tay hòm chìa khóa tổ chức là cựu giáo chức Lê Minh Phú ở số điện thoại (714) 933-7911, email: