Lời nói có một sức mạnh phi thường, chúng có thể làm cho ta khổ sở hay hạnh phúc.

vơ chong
Vợ chồng ai cũng vậy, sau một thời gian sống chung thì thế nào tâm tánh cũng phải thay đổi chút chút... Chịu đựng nhau được hay không là chuyện riêng rẽ của từng gia đình và từng cá nhân mỗi người.

Vấn nạn ông hay bà nói nhiều, cằn nhằn (nagging), chì chiết (tiếng bên nhà hiện nay) là thực đơn của rất nhiều cặp vợ chồng trên thế giới.

Không thể phê phán ai đúng ai sai được. Chuyện gì cũng phải có nguyên nhân hết. Đàn bà nhìn vấn đề khác hơn đàn ông. Đây là một chân lý bất di bất dịch.

Sau đây là bài phỏng dịch (có thêm mắm muối) từ tài liệu: 9 Ways To Deal With A Nagging Wife by Waynet - 9 cách đối phó lại bà vợ hay cằn nhằn, cau có, dằn vặt, chì chiết.
http://waynet.hubpages.com/hub/9-Ways-To-Deal-With-A-Nagging-Wife
Mời bạn đọc chơi cho vui.

9 điều bạn luôn luôn phải nhớ

1- Luôn luôn bạn phải tạo cho bạn một nơi chốn riêng tư để ẩn thân (phòng riêng, dưới basement, trong garage, trên gác, cái chòi ngoài vườn, ngoài sân, sau hè...) để lánh mặt khi sắp có chiến tranh.
 Chỉ có nơi chốn đó bạn mới có được sự bình yên, tránh bị điên cái đầu và nhức nhối lỗ tai.

2- Khi thấy tình hình có mòi hơi căng thẳng, thì mau mau vọt liền ra khỏi nhà, vào tiệm bia làm bậy vài chai lấy lại tinh thần, đi dạo vòng vòng quanh xóm, hay xỏ giày chạy jogging một hồi chờ cho tình hình lắng dịu... Luôn luôn phải giữ vững lập trường như thế. Được vậy, bạn mới hy vọng có thể tránh bị nghe giảng morale nhức nhối lắm.

3- Giả câm giả điếc, giả mù sa mưa, không thèm quan tâm đến những gì bả (hay ổng) nói, không màng đến bả. Bả thấy lời chửi bới không có effet gì hết, riết rồi sếp sẽ chán đi và im miệng lại mà thôi.
Áp dụng triết lý của bộ khỉ tam không: không nghe, không thấy, không nói.

4- Khi biết bả sắp sửa “lên lớp” (danh từ đại học cải tạo), hãy tận dụng giác quan thứ 6 của mình để hóa giải lời vàng ngọc, và bạn cứ việc khen bừa đi hoặc hứa mua quà tặng cho bả... Sự kiện này sẽ làm đối tượng xao lãng đi nỗi bực tức và quên tuốt luôn việc rầy la và nói nhiều, nói lâu, nói bậy, nói dở.

5- Tạo điều kiện cho vợ bận rộn, như dẫn bả đi ăn phở, đi xem nhạc hội, hay nên làm việc chung với bà chị để bả vui mà quên đi sự bực bội và khỏi kiếm chuyện cằn nhằn bạn nữa.

6- Phản công bả bằng sự cằn nhằn của bạn (lấy độc trị độc hay dĩ độc trị độc). Bả sẽ cảm giác bị bạn rầy la và sẽ khổ tâm lắm nên sẽ không còn lãi nhãi với bạn nữa. Đối đế lắm thì bả làm đơn xin ly dị, cũng tốt mà thôi.

7- Khi vợ cằn nhằn thì bạn cứ cười thẳng vào mặt bả làm cho bả quê xệ đi. Nếu bả còn tiếp tục xài xể bạn thì bạn nên cười to hơn nữa.

8- Đánh nhẹ, đánh yêu một que kẹo bông gòn vào mặt bả, không đau đâu. Nếu may mắn có chút đường dính vào môi bà xã, bạn ghì chặt mặt bả và liếm cho hết đường.

9- Nếu bả sắp sửa cằn nhằn, bạn hãy đánh lạc hướng tư tưởng đó bằng cách biểu bả hãy nhìn kỹ vào trang phục bả đang mặc, hãy nhìn mái tóc em đi, khen bả là người đàn bà tuyệt vời nhất trên đời, quá sexy, tại sao chúng ta không ôm nhau lả lướt trong điệu nhạc nhạc tình ướt át...

Một số phản hồi từ độc giả

1- Cao niên Sam Mathew
Tôi đã lấy bả được 38 năm nay rồi. Bản chất và tâm tánh tôi thuộc loại tích cực nhưng vợ tôi làm cho tôi quá mỏi mệt vì bả là một người tiêu cực và thường hay cằn nhằn tôi không ngớt.
 Bả quá ham làm việc và bị ám ảnh về sự sạch sẽ một cách thái quá và bệnh hoạn.

Thú vui của bả là hay nhắc kể lại hoài những lỗi lầm đã qua của hai vợ chồng. Không ai có thể làm thay đổi được những gì đã xảy ra từ trước. Kể lại các chuyện đớn đau trong quá khứ chẳng khác nào lấy dao cắt vào da thịt mình. Lời nói có một sức mạnh phi thường, chúng có thể làm cho ta khổ sở hay hạnh phúc.

2- Waynet
Như vậy, đa số phụ nữ cằn nhằn là để mong sửa đổi người đàn ông? Nhưng không làm được, và bà lải nhải ông tới tấp để sau rốt là bà phải ra đi hay ông ta phải đi?
Cằn nhằn rõ ràng là điều xấu xa tồi tệ chẳng khác gì một sự tra tấn tinh thần.

3- Hmania
Tôi thật sự phải làm gì bây giờ. Luôn luôn là lỗi do tôi. Bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi là người bị trách mắng. Tôi không biết phải đối xử thế nào.
Tôi là người rất bình tĩnh và chân thật, nhưng bà ta lại trách cứ tôi bất cứ việc gì. Nếu tôi nói trắng thì bả lại nói đen, nếu tôi nói cộng (+) thì bà ta nói trừ (–). Vậy tôi phải làm gì bây giờ, trời ơi?

4- Ben
Tôi nghĩ rằng việc đàn bà cằn nhằn và la mắng sẽ làm hại người đàn ông tốt. Các bà ơi! Tại sao các bà không chịu để người ta yên thân. Cách hay nhất là phớt lờ không cần quan tâm đếm xỉa gì đến bà ta.

5- Ujagbe
Cuộc đời quá ngắn ngủi cho nên không nên sống với một bà vợ có tật cằn nhằn. Theo phong tục Nigeria (Phi châu) vợ phải trung thành, hy sinh, biết nghe lời và chung thủy.
Ngày nay thì khác đi. Tiếp xúc với văn hóa Tây phương đã làm nhiều bà vợ Phi châu trở nên ương ngạnh và nói nhiều quá. Riêng bà nhà tôi thì rất hỗn hào, thường chửi bới tôi mỗi khi có dịp, dù rằng chính tôi là người kéo cày nuôi cả gia đình.

6- Jane (phụ nữ)
Sau đây là điều bí mật. Không phải đàn bà nào cũng cằn nhằn trước bất cứ một chuyện nhỏ nhặt nào đâu. Mấy bà la mắng là tại vì họ không hài lòng đó thôi!
Họ không hạnh phúc được vì nét mặt cũng như cử chỉ của ông chồng có vẻ như không tôn trọng ý kiến của người vợ và hạ thấp người ta xuống.
Nghĩ theo hướng này thì bà vợ càng la mắng thêm, và đến một lúc nào đó thì hạnh phúc vợ chồng phải đổ vỡ.

7- Mathew
Chúng tôi lấy nhau được 37 năm rồi, nhưng càng ngày cái tật nói nhiều của bả càng trở nên tồi tệ thêm.
 Bất cứ chuyện gì bả cũng quy lỗi vào tôi được. Bả không bao giờ biết nói “xin lỗi” (sorry) và “làm ơn” (please).

Để xin được hai chữ bình an cũng như để tránh khỏi bị khùng điên, có lúc tôi muốn để bả yên một mình nhưng tôi không thể thực hiện được vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Sống với bả chẳng khác nào tôi sống trong địa ngục.

Chính tôi đã dạy bả lái xe 36 năm về trước. Mỗi năm tôi lái xe 10 lần nhiều hơn bả, nhưng mỗi khi tôi cầm volant là bả có ý kiến linh tinh, dạy khôn tôi phải thế này thế nọ, làm tôi phát điên lên.
Không còn một chút hy vọng nào nữa hết. Giờ đây, để được yên thân tôi phải qua phòng khác ngồi đọc sách để thư giãn.

Hôn nhân chỉ có ở thiên đàng mà thôi nhưng trước đó phải sống trong địa ngục trần gian cái đã, để sau đó mới có thể lên thiên đàng được. Thật là đắng cay và chua xót trong cuộc sống hằng ngày.
Phải chăng đây là nỗi đau khổ lớn nhất như Kinh Thánh đã viết.

8- Jamiesweeney
Wow! Thật là vui sướng vì tôi thuộc về lớp xưa. Hai vợ chồng tôi đều tương kính lẫn nhau nên rất hòa hợp trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng đây là tâm tính (mentality) của hôn nhân.

Nếu cả hai người đều nghĩ: “Tôi có thể làm gì cho vợ/ cho chồng tôi?” thay vì nghĩ: “Ổng hay bả có thể làm gì được cho mình?” thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
Đây là sự khác biệt giữa lòng tử tế xuất phát từ con tim so với tánh vị kỷ chỉ nghĩ, chỉ biết có mình mà thôi.

Đây là Luật Tương hỗ Phổ quát: “Hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn họ đối xử với mình”.

Mượn bài “Hậu quả ăn hủ tíu dai” thay cho kết luận
http://www.tredeponline.com/post/archives/33493

“...Hóa ra, đàn ông rất hay bị đàn bà rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng. Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách. Lấy vợ bị vợ đay nghiến. Về già lại bị con gái kêu ca.

* Đàn ông luôn tỏ ra bất mãn với “bệnh nói nhiều” của phụ nữ, thậm chí coi đó là một giấc mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Trong khi đó, hầu hết phụ nữ lại cho rằng họ buộc phải nói nhiều để “chiến đấu” với tật xấu của bạn đời.

Theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người đàn ông. Trái lại, không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền miên

Một cuộc điều tra 3.000 người đàn ông ở Thượng Hải với câu hỏi:
 “Tính xấu của vợ mà anh ngán nhất?” thì 86% người trả lời: “Nói nhiều”.

Các nhà tâm lý học cho rằng, hầu hết đàn ông đều sợ cái tính nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ, khi anh ta bị mẹ mắng mỏ.
Đàn ông lẩn tránh các lời khuyên của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẩn tránh lời dạy bảo của mẹ.

Hóa ra, đàn ông rất hay bị đàn bà rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng. Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách. Lấy vợ bị vợ đay nghiến. Về già lại bị con gái kêu ca...”
 (Ngưng trích bài Hậu quả ăn hủ tíu dai - Không biết tác giả).