main billboard

Bộ luật dự trù được công bố ngày 8 tháng Tư, đề nghị loại bỏ hai diện bảo lãnh gia đình từ trước đến nay vẫn tạo điều kiện cho thân nhân người Mỹ gốc Á đến Hoa Kỳ sinh sống, đó là diện anh chị em (F4) và con cái quá 21 tuổi (F1) hay đã lập gia đình (F3) của/với công dân Mỹ.


WESTMINSTER (NV) - Những nét phác thảo chính về bộ luật cải tổ di trú ngày càng rõ nét, với một số điều có thể rất bất lợi cho cộng đồng di dân gốc Việt. Cụ thể, hai diện bảo lãnh anh em, và bảo lãnh con trên 21 tuổi (hoặc đã có gia đình), có thể sẽ phải chấm dứt.

caito luatditruGiới đấu tranh đòi hỏi cải tổ luật di trú tụ họp tại Los Angeles cuối tháng Chín năm 2012 để bày tỏ quan điểm. (Hình: Getty Images)

Điều quan trọng là, ít người Mỹ trong cộng đồng gốc Việt biết về sự xoay chuyển bất lợi này.

Gió đổi chiều

Tin tức mới nhất cho biết, hiện tám thượng nghị sĩ - được gọi là "Gang of 8" - đang ráo riết soan cho xong dự luật cải tổ di trú do lưỡng đảng bảo trợ. Bộ luật dự trù được công bố ngày 8 tháng Tư, đề nghị loại bỏ hai diện bảo lãnh gia đình từ trước đến nay vẫn tạo điều kiện cho thân nhân người Mỹ gốc Á đến Hoa Kỳ sinh sống, đó là diện anh chị em (F4) và con cái quá 21 tuổi (F1) hay đã lập gia đình (F3) của/với công dân Mỹ.

Hai diện bảo lãnh gia đình sẽ vẫn tiếp tục còn giá trị với dự luật này là bảo lãnh gia đình trực hệ (gồm vợ chồng, cha mẹ và con dưới 21 tuổi) của công dân Mỹ, và vợ chồng, con cái dưới 21 tuổi của người có thẻ xanh.

Giải thích lý do của đề nghị này, Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham, (Cộng Hòa, South Carolina), người được xem là lãnh đạo “Gang of 8,” nói “phải tập trung chính sách di trú vào những công nhân có tay nghề cao.” và không thấy có lý do gì cần phải dành Visas vào Mỹ định cư cho anh chị em của công dân Mỹ.

“Thẻ xanh là động cơ kinh tế của quốc gia," Thượng Nghị Sĩ Graham nói.

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP , ông Graham nhấn mạnh: "Ở đây, chúng tôi không đối diện với một tòa án gia đình, mà là phải giải quyết một nhu cầu kinh tế."

Như vậy, theo “Gang of 8,” cái giá phải trả cho việc phát triển kinh tế qua chính sách di dân là giảm số di dân vào Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình.

Dù chưa chính thức được công bố, dự tính dẹp bỏ các diện bảo lãnh gia đình nói trên đã tạo nhiều tranh cãi trong dư luận.

Phản ứng các giới

Cô Jessica Yamane, phụ tá pháp lý của tổ chức Asian Pacific American Legal Center (APALC), nói với Người Việt rằng APALC “đang phát động một chiến dịch vận động trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á toàn quốc,” yêu cầu “Gang of 8” xét lại đề nghị của họ.

Bà Laura E. Enriquez, hiện đang trình luận án tiến sĩ xã hội học tại UCLA, phát biểu trong một buổi hội thảo về cải tổ di trú tại Los Angeles cuối tuần qua, mạnh mẽ lên tiếng phản đối đề nghị của nhóm tám nghị sĩ, lập luận rằng bản chất cốt lõi của luật di trú Hoa Kỳ là ý niệm đoàn tụ gia đình. Vì thế nhiều cuộc tranh cãi quanh việc cần cải tổ bộ luật này xoay quanh việc làm thế nào để tránh việc làm tan nát gia đình, hay gây khó khăn cho những thân nhân muốn được đoàn tụ.

“Đề nghị loại bỏ việc bảo lãnh anh chị em và con cái trên 21 tuổi là đi ngược lại bản chất của chính sách trên.” Bà Enriquez nói.

Trả lời Người Việt qua email, luật sư Jacob Sapochnick, chuyên về luật di trú, cho biết dù có được thông qua, ông không nghĩ là luật sẽ có hiệu lực với các hồ sơ đã nộp.

“Vì vậy, những ai còn đang do dự thì làm đơn bảo lãnh ngay cho anh em, vì nếu được thông qua, luật cũng phải chờ một thời gian mới có hiệu lực, và đây là lúc phải quyết định gấp.” Ông khuyên.

Về lập luận của Nghị Sĩ Graham, là phải đánh đổi việc phát triển kinh tế qua chính sách di dân với số visas trước đây dành cho người di dân vào Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình, luật sư Sapochnick không đồng ý:

“Giải thích như vậy là không hợp lý. Không cần phải đổi diện này lấy diện kia. Trong nhiều năm giúp thân chủ làm đơn bảo lãnh anh em, tôi biết đa số người chờ đi chuẩn bị rất kỹ cho nghề nghiệp của mình để qua đây có việc làm ngay. Họ là những người sẽ trực tiếp đóng góp cho kinh tế Hoa Kỳ, bất kể có do anh em bảo lãnh hay không.”

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng Thống Obama, hôm thứ Tư bày tỏ niềm tự tin là bộ luật di trú của Hoa Kỳ sẽ được cải tổ xong vào cuối mùa Hè năm nay, mặc dù bộ luật đang được soạn thảo có một số điều đi ngược với quan điểm của ông.

Trong bài nói chuyện tại trường Del Sol High School, Las Vegas, Nevada, cuối Tháng Giêng, Tổng Thống Obama tạo cho nhiều người niềm hy vọng là thời gian đợi dài đằng đẵng để được đoàn tụ với người thân có thể được rút ngắn, khi ông nói, “là công dân Hoa Kỳ, không việc gì quý vị phải chờ đợi nhiều năm dài trước khi được đoàn tụ với gia đình và người thân tại Mỹ.”

Một trong những điều được Tổng Thống Obama đề cập đến lúc đó là nâng giới hạn tối đa số người được vào Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh. Cụ thể, Tổng Thống Obama dự tính sẽ nâng tối đa số di dân đến Mỹ theo diện gia đình từ 7% đến 15% tổng số người được vào Mỹ từ mỗi quốc gia.

Phản ứng của người Mỹ gốc Việt thu nhỏ trong phạm vi cải tổ di trú sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoàn cảnh của gia đình họ như thế nào? Bà Phạm thị Oanh, có thẻ xanh, 62 tuổi, nhà ở Huntington Beach, xin bảo lãnh cho hai con trai đã lớn nhưng chưa lập gia đình vì “chờ đi bảo lãnh,” cho biết đã nộp đơn từ cuối năm 2005 đến nay, nói với báo Người Việt là bà “chỉ quan tâm đến việc hồ sơ đã nộp xin bảo lãnh cho con có bị ảnh hưởng không."

Ông Trần Ngọc Hưng, công dân Mỹ, 45 tuổi, dân cư Fullerton, nộp đơn bảo lãnh anh chị 8 năm rồi nhưng "chưa thấy rục rịch gì," từng nói rằng ông hy vọng luật di trú mới sẽ không phải chờ lâu như trước, bây giờ trầm ngâm: “Thật ra thì anh em kiến giả nhất phận, nếu chính quyền cần thấy phải điều chỉnh như thế mới tốt thì cũng hợp lý thôi.”

Ông Trần Văn Hoàng, 70 tuổi, dân cư Westminster, hiện không làm đơn bảo lãnh gia đình, có một ý kiến khác: “Người Việt mình ai cũng thích quây quần với thân tộc, gia đình. Tôi mong khi mọi điều khoản của dự luật ngã ngũ, các dân cử gốc Việt sẽ phát động một chiến dịch vận động cho thật lớn để nói lên nhu cầu của cộng đồng chúng ta.”

(Trong số báo ngày mai, chúng tôi sẽ đăng tải bài phân tích, nhận định của trung tâm Pháp Lý APALC về dự luật cải tổ di trú của "Gang of 8" cùng những ảnh hưởng cụ thể với vấn đề di trú của cộng đồng gốc Việt. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ có những chi tiết hướng dẫn cách vận động giới dân cử nhằm loại bỏ các dự thảo có thể ảnh hưởng đến cộng đồng).