main billboard

 

PHẦN NHẬP ĐỀ

 

 

1 Loài người không thể sống đơn độc, nên đã kết hợp thành xã hội. Nhưng chính sự kết hợp này lại đưa đến những sự xung đột: xung đột giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể. Sự xung đột này phát sinh vì những quyền lợi tương phản nhau. Để dung hòa quyền lợi, giải quyết các tranh chấp và bảo vệ sự sinh tồn của tập thể, loài người đã đặt ra luật pháp và bắt buộc những người sống trong tập thể phải tuân theo. Luật pháp trở thành một nhu cầu của xã hội, nên mới có câu: "Ubi societas, ibi jus" (Ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp).

Sự qui định của pháp luật có thể dựa trên hai căn bản: quyền lực và công lý. Quan niệm cổ thời dùng quyền lực để dành lấy công lý và tranh thủ phần thắng về mình. Trái lại, theo quan niệm hiện đại, quyền lực chỉ là một lợi khí để làm cho công lý sáng tỏ. (1)

Sự tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố công lý và quyền lực đã được nhà văn hào Pascal nêu rõ: "Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp công lý với quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý." (2)

2 Nhưng vấn đề đặt ra là giữa quyền an toàn cá nhân và quyền lợi của tập thể, luật pháp phải đứng ở chỗ nào?

Thoạt nhìn, chúng ta thấy quyền lợi của tập thể không đi đôi với quyền an toàn cá nhân. Mở rộng quyền của xã hội là làm giảm quyền tự do cá nhân và đòi nới rộng quyền an toàn cá nhân là hạn chế bớt quyền bính của xã hội. Cuộc tranh chấp giữa hai quyền này có lẽ không bao giờ chấm dứt.

Trong những năm vừa qua, đã có khuynh hướng tập trung mọi quyền hành vào tay chính quyền, hạn chế tối đa quyền tự do cá nhân để bảo vệ trật tự xã hội, nhưng phòng trào đòi giải phóng cá nhân không phải là không mãnh liệt.

Giữa những mâu thuẫn đó, vai trò của luật pháp là làm sao duy trì được trật tự xã hội mà vẫn bảo đảm được quyền an toàn cá nhân. Đó là vai trò phức tạp và tế nhị của luật pháp.

3 Học lý chủ trương rằng con người có những quyền căn bản mà luật pháp không thể nhân danh quyền lợi của xã hội để tước đoạt.

Chúng ta đang đối diện trước vấn đề Nhân quyền: "Một đề tài suy niệm bất tận của triết gia và sử gia, một mối ưu tư trường cửu của luật gia, dù là giáo sư, nhà lập pháp, thẩm phán, luật sư hay cảnh sát." (3)

Từ nguyên thủy, loài người có trước xã hội và có xã hội mới có luật pháp. Khi phải hy sinh một phần tự do cá nhân, con người vẫn được quyền đòi hỏi luật pháp quốc gia dành cho những bảo đảm cần thiết, để:

- Sự thật được tôn trọng,

- Nhân phẩm không bị chà đạp,

- Quyền tư hữu không bị xâm phạm.

Con người chấp nhận những hình phạt do quốc gia ấn định vì nhu cầu bảo vệ trật tự công cộng, nhưng quốc gia không thể bảo vệ mình một cách quá đáng bằng cách cư xử dã man với người phạm pháp. Chúng ta không chấp nhận quan niệm "Bảo vệ xã hội bằng cách hy sinh tự do cá nhân." (4) Nhưng, theo MARC ANCEL (5) , muốn bảo vệ xã hội, cần phải cải thiện cá nhân, vì cá nhân là thành phần của tập thể. Nói cách khác, phải "bảo vệ xã hội bằng sự bảo vệ con người trong xã hội đó."

Một xã hội tự do, theo sự nhận định của Hội Nghị Delhi, (6) biết tôn trọng nhân vị, lấy những quyền cá nhân làm căn bản. Trong xã hội ấy, mọi định chế, kể cả quốc gia, không phải là chủ mà là công bộc của người dân. (7)

Cũng ở nơi đó, người lương thiện và người phạm luật đều phải được đối xử như một con người nguyên thủy đáng kính, đáng yêu; một tác phẩm huyền bí của Tạo hóa cả về thể xác lẫn tinh thần; một sinh vật thông minh hơn tất cả mọi động vật trên vũ trụ; một hình ảnh toàn thiện của Thượng Đế (8). Con người ấy cũng giống như những viên chức được xã hội trao cho nhiệm vụ ngăn ngừa và điều tra tội ác (Cảnh sát Tư pháp), hoặc nhiệm vụ thẩm vấn để tìm ra sự thực (Dự thẩm), hoặc ban phát công lý vô tư (Thẩm phán xử án), hoặc cải tà quy chánh tội nhân (nhân viên Trung tâm Cải huấn).

Đã có rất nhiều cố gắng ấn định những quyền căn bản của con người mà luật pháp không thể nhân danh trật tự và an ninh xã hội để xâm phạm đến, chẳng hạn như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được ký kết ngày 10-12-1948. Hiến Pháp và luật lệ của mỗi quốc gia cũng đã qui định những điều khoản nhằm bảo vệ quyền an toàn cá nhân. Mức bảo đảm tùy thuộc hoàn toàn vào tình trạng của mọi quốc gia và tăng giảm tùy theo các biến cố lịch sử trong từng giai đoạn.

4 Tại Việt Nam, những bảo đảm của quyền an toàn cá nhân đã được quy định trong Hiếp Pháp ngày 1-4-1967, được cụ thể hóa trong Bộ Hình Sự Tố Tụng ban hành do Sắc Luật số 027-TT/SLU ngày 20-12-72 và trong một số văn kiện lẻ tẻ. Bộ Hình Sự Tố Tụng là một trong năm bộ luật căn bản lần đầu tiên được điển chế bằng ngôn ngữ và văn tự thuần túy Việt Nam. Bộ luật này là "kết tinh của một công trình sáng tạo nghiên cứu, sưu tầm, du nhập các nguyên tắc luật pháp tiến bộ của thế giới, do nhiều luật gia danh tiếng, trong và ngoài ngành Tư pháp, góp sức thực hiện trong nhiều năm." Bộ luật mới này nhằm "xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị ngày thêm vững mạnh, an toàn pháp lý của dân chúng ngày một củng cố, nguyên tắc thượng tôn pháp luật ngày một chói sáng." (9)

Thủ tục tố tụng đầy đủ nhất dành cho một người thực sự phạm pháp rất là phức tạp và lâu dài. Khởi đầu là giai đoạn điều tra sơ vấn tại cảnh sát tư pháp (CSTP), tới giai đoạn thẩm vấn tại dự thẩm, qua giai đoạn xét xử trước tòa và kết thúc bằng giai đoạn thọ hình tại trung tâm cải huấn.

5 Kinh nghiệm cho biết hai giai đoạn đầu tại cơ quan điều tra sơ vấn và thẩm vấn khả quan trọng đối với người phạm pháp, vì trong khi sử dụng quyền hạn luật định, CSTP và dự thẩm có thể vo tròn, bóp méo sự thật. Chính ở trong hai giai đoạn này, số phận của người phạm pháp bị nhào nặn và đúc khuôn để đón chờ một bản án thích hợp. Nhưng thực sự, cuộc điều tra sơ khởi và thẩm vấn vẫn có nhiều điểm dị biệt.

Về mục đích, cuộc thẩm vấn nhằm khám phá tội phạm (découvrir l'infraction), để đưa bị can ra trước tòa xét xử. Ngược lại, cuộc điều tra sơ vấn lại nhằm dẫn chứng (prouver), nghĩa là hoạch định cuộc truy tầm và nhận ra thủ phạm để minh chứng sự phạm pháp.

Về động lực thúc đẩy, cuộc điều tra thường được mở ra dưới áp lực của công luận đang bị khích động và kinh hoàng trước tội phạm. Quần chúng bắt buộc cơ quan điều tra phải hoạt động tức thời và mau lẹ để có thể chận đứng ngay các hành vi tội lỗi, như luật gia Chambon đã viết: "Tội phạm tạo ra trong khu vực chung quanh một tình trạng giống như giới nghiêm, thu hẹp trong không gian và thời gian. Khi đó, công lực được nhất thời toàn quyền hành động, vì tình trạng khẩn trương biện minh cho các hành động ấy. Vào lúc đó và ở nơi đó chỉ có một việc phải làm, đó là bắt giữ ngay kẻ phạm tội vì sự tự do của hắn làm nguy hại cho mọi người." (10)

Nhưng tất cả đều thay đổi khi nộị vụ được đưa tới dự thẩm. Công luận không còn chú trọng tới tội phạm nữa mà lại sợ rằng bị can sẽ phải xét xử, tù đày oan ức. Đặc điểm của công luận là vậy. Ghét đấy rồi lại thương đấy. Khi tội ác vừa xảy ra, quần chúng thường căm phẫn, đòi trừng phạt đích đáng, nhưng với thời gian, dư luận lắng dịu, và khi bị can nhận lãnh hình phạt, dân chúng lại thương hại cho số phận tội nhân.

Về môi trường hoạt động, cuộc điều tra sơ vấn thường được diễn ra ngay tại phạm trường. Ở đó, chưa có sự va chạm giữa nghi can với xã hội cáo tố, mà chỉ có sự xung đột hỗn tạp giữa sức mạnh của nhân viên công lực với tổ chức gian phi.

Trái lại, tại cơ quan thẩm vấn, mọi việc được diễn tiến trong cảnh trang nghiêm trật tự. Bị can đã được nhận diện và có quyền biện hộ cho hành vi của mình. Dự thẩm sẽ bình tĩnh lắng nghe, phân tích và quy nạp các bằng chứng cũng như sự kiện buộc tội hay gỡ tội bị can.

6 Cuộc điều tra sơ vấn có thể đem lại nhiều lợi ích cho việc phát động công tố quyền, nhưng có lẽ cũng đưa tới nhiều nguy hiểm cho tự do cá nhân, khi luật nới rộng quyền cho hình cảnh lại làm những hành vi mà theo bản chất, thuộc lãnh vực thẩm vấn. (11)

Trước đây, cuộc điều tra sơ vấn chỉ có tính cách bán chính thức (officieuse), không hợp pháp (illégale), hay ngoài pháp luật (extralégale). Các biên bản của CSTP chỉ được coi là chuẩn bị bằng chứng, chứ không phải là bằng chứng, nên ít có giá trị pháp lý trước tòa. (12) Nhưng ngày nay, Bộ Hình Sự Tố Tụng (HSTT) đã nâng cuộc điều tra lên một địa vị quan trọng trong thủ tục hình sự. (13) CSTP được đặt dưới quyền điều khiển của biện lý, chịu sự giám sát và kiểm soát của chưởng lý và phòng luận tội (điều 12 HSTT), có nhiệm vụ vi chứng các vụ phạm pháp, thu thập bằng cớ và truy tầm thủ phạm, khi chưa mở cuộc thẩm vấn (điều 13 HSTT).

Tuy có một số hành vi CSTP được thực hiện trong trường hợp phạm pháp quả tang cũng mang tính chất cưỡng hành như những hành vi của dự thẩm, nhưng Bộ HSTT đã coi bản chất pháp lý của các hành vi cảnh sát trong cuộc điều tra khác với bản chất pháp lý của các hành vi thẩm cứu trong cuộc thẩm vấn. (14)

Thực vậy, điều 61 HSTT quy định:

"Khi biện lý đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, nhiệm vụ của hình cảnh lại chấm dứt.

Kể từ lúc đó, biện lý tự đảm nhiệm cuộc điều tra"…

Điều 65 HSTT: "Nếu dự thẩm có mặt nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý cùng các hình cảnh lại đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ, và kể từ lúc đó, dự thẩm tự đảm nhiệm cuộc điều tra"… (15)

Vì tính cách quan trọng và thời sự của vấn đề, trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến giai đoạn đầu tiên trong thủ tục hình sự. Đó là "NHỮNG BẢO ĐẢM CỦA NGHI CAN (16) TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA SƠ VẤN".

7 Những viên chức nào lãnh nhiệm vụ điều tra sơ vấn?

Theo Bộ HSTT, đó là các cảnh sát tư pháp.

Cảnh Sát Tư Pháp gồm có:

- Sĩ quan CSTP hay hình cảnh lại,

- Nhân viên CSTP,

- Viên chức và nhân viên được luật pháp giao phó một số nhiệm vụ CSTP (điều 13 HSTT).

1. SĨ QUAN CẢNH SÁT TƯ PHÁP hay HÌNH CẢNH LẠI

8 a) Theo điều 15 Bộ HSTT, các viên chức kể sau đây có tư cách hình cảnh lại:

1) Biện lý, phó biện lý và dự thẩm,

2) Quận trưởng hành chánh tại các tỉnh,

3) Chỉ huy trưởng cảnh sát từ cấp quận trở lên, chỉ huy phó từ cấp tỉnh trở lên, trưởng cuộc cảnh sát xã,

4) Viên chức hành chánh cảnh sát có tư cách hình cảnh lại do sắc lệnh của thủ tướng ban cấp, (17)

5) Sĩ quan hay tiểu đội trưởng quân cảnh điều tra tư pháp được bổ nhiệm bằng nghị định liên bộ Tư Pháp và Quốc Phòng chiếu đề nghị của chỉ huy trưởng quân cảnh.

Theo tinh thần của điều 15 HSTT, phải hiểu rằng biện lý, phó biện lý và dự thẩm tuy có tư cách hình cảnh lại, nhưng không phải là sĩ quan CSTP, tức hình cảnh lại.

Sở dĩ luật pháp ban cấp tư cách hình cảnh lại cho một số người, vì muốn công việc của họ có một giá trị pháp lý trước tòa và đồng thời bảo vệ một cách đặc biệt cho họ trong nhiệm vụ tìm kiếm chân lý. Mọi sự phạm pháp trong khi thi hành chức vụ đều được xét xử theo thủ tục đặc biệt (điều 655 và kt. HSTT), vì bảo đảm cho hình cảnh lại cũng là bảo đảm cho chính quyền lợi nghi can vậy. Nhưng biện lý, phó biện lý và dự thẩm đều là các thẩm phán đã được hưởng đặc quyền tài phán theo một quy chế riêng (điều 655 HSTT, Dụ số 3 ngày 29-3-1954). Các vị thẩm phán này giữ những vai trò đặc biệt là truy tố và thẩm vấn. Để hành sử nhiệm vụ, biện lý và dự thẩm được quyền điều động các sĩ quan CSTP hay hình cảnh lại.

Trên nguyên tắc, biện lý và dự thẩm không phải là hình cảnh lại, lý do vì họ không phải thề "làm tròn nhiệm vụ sĩ quan CSTP" (điều 15 khoản chót HSTT). Đúng ra, với tư cách biện lý và dự thẩm, họ có quyền hành động như một hình cảnh lại. Thực vậy, bất cứ lúc nào biện lý cũng "có thể tự mình thực hiện hay truyền thực hiện những hành vi cần thiết để truy tầm và truy tố những vi phạm luật hình" (điều 34 khoản 1 HSTT).

Khi đó, "biện lý có tất cả quyền hạn của một hình cảnh lại" (điều 34 khoản 3 HSTT). Riêng trường hợp phạm pháp quả tang, khi biện lý tới phạm trường, nhiệm vụ hình cảnh lại chấm dứt, biện lý có thể tự đảm nhiệm cuộc điều tra hay ra lệnh cho hình cảnh lại tiếp tục công việc điều tra (điều 61 HSTT). Còn dự thẩm, chỉ trong trường hợp phạm pháp quả tang, "nếu có mặt nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý cùng các hình cảnh lại đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ và kể từ lúc đó, dự thẩm tự đảm nhiệm cuộc điều tra, dự thẩm cũng có thể ra lệnh cho các hình cảnh lại tiếp tục công việc điều tra" (điều 65 khoản 1 HSTT) (18)

Nếu quan niệm rằng biện lý và dự thẩm là hình cảnh lại thì đó là một sự vi hiến. Thực vậy, sĩ quan CSTP hay hình cảnh lại ở trong guồng máy CSTP, chiếu điều 14 HSTT. Nhưng theo điều 12 HSTT, guồng máy này do biện lý điều khiển: "CSTP do các sĩ quan, viên chức và nhân viên chỉ định trong tiết này đảm nhận dưới sự điều khiển của biện lý". Hậu quả là dự thẩm - thuộc ngành xử án - lại chịu sự điều khiển của biện lý - thuộc ngành công tố - hiển nhiên trái với nguyên tắc phân nhiệm và phân quyền đã được Hiến pháp 1967 chấp nhận tại điều 3 và 78. (19)

9 b) Ngoài ra, theo điều 21 Bộ Quân Luật, "Tư Pháp Cảnh Sát Quân Sự sẽ do các nhân viên sau đây phụ trách dưới quyền của Tổng Trưởng Quốc Phòng:

- Các đoàn trưởng, giám đốc kho, và phân đội trưởng,

- Các chánh sự vụ các sở quân sự và các sĩ quan đã có tuyên thệ coi việc quản trị các sở trong quân đội,

- Các ủy viên chính phủ, các dự thẩm quân sự và các biện lý. (20)

10 c) Điều 33 Luật số 009/68 ngày 23-10-1968 về tổ chức và điều hành Giám Sát Viện quy định: "Sau khi tuyên thệ, giám sát viên có tư cách tư pháp cảnh lại trong phạm vi hành sử quyền giám sát." Vậy bản chất pháp lý cuộc điều tra của Giám sát viện có phải là cuộc điều tra sơ vấn không?

Đối chiếu Luật số 009/68 với Bộ HSTT 1972, chúng ta thấy cuộc điều tra sơ vấn có nhiều điểm khác biệt với cuộc điều tra của Giám sát viện:

1) Giám sát viên tuy có tư cách hình cảnh lại, nhưng không được hành sử những quyền căn bản dành cho một hình cảnh lại. Thực vậy, hình cảnh lại được quyền tự ý tạm giữ người vì nhu cầu điều tra trong 24 giờ (điều 57 khoản 1 HSTT) và được xin triển hạn không quá 7 ngày (điều 57 khoản 3), nhưng giám sát viên mỗi khi muốn câu lưu một người, không có quyền ký lệnh mà phải yêu cầu biện lý sở tại tạm thời câu lưu (điều 24 khoản 2 Luật số 007/68). Nếu so sánh với điều 23 của Luật này thì không nhất thiết bắt buộc biện lý phải thỏa mãn lời yêu câu của giám sát viên. Hơn nữa, việc khám xét và sai áp tang vật của giám sát viên không có tính cách bao quát như quyền của các hình cảnh lại khác.

2) Mục đích của cuộc điều tra sơ vấn nhằm phát động quyền công tố đối với các vi phạm luật Hình, trong khi chủ đích cuộc điều tra của Giám sát viện không hẳn đưa tới việc trừng trị về hình, mà có thể chỉ áp dụng biện pháp chế tài về kỷ luật (điều 27 Luật số 007/68).

3) Thời gian một đương sự bị câu lưu trong cuộc điều tra của Giám sát viện lâu hơn thời gian tạm giữ trong cuộc điều tra sơ vấn. Hội đồng Giám sát viện có 7 ngày, kể từ khi lệnh tạm câu lưu được thi hành, để phúc quyết lệnh câu lưu của các giám sát viên điều tra. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, giám sát viên có 3 ngày tròn để phúc trình và chủ tịch Giám sát viện có 7 ngày để triệu tập hội đồng nghe thuyết trình kết quả điều tra (điều 25 và 26 Luật số 009/68). Nhưng hình cảnh lại chỉ được tạm giữ nghi can trong 24 giờ và xin triển hạn không quá 7 ngày (điều 57 HSTT).

Vì những điểm khác biệt đó, chúng ta phải đi tới một kết luận như giám sát Phạm Đình Hưng rằng: "Về thủ tục, tòa án phải tôn trọng một thủ tục chặt chẽ quy định trong Bộ HSTT hoặc Dân Sự Tố Tụng, còn hội đồng Giám sát viện áp dụng linh động một thủ tục hết sức giản dị quy định bởi Luật số 009/68 và Nội quy Viện". (21)

Ngoài ra, cũng theo vị giám sát kể trên, về phương diện thực chất, có vài điểm tương đồng giữa các hành vi của Giám sát viện với các hành vi hành chánh hoặc hành vi tài phán, nhưng "theo quan niệm hình thức, hành vi thi hành nhiệm vụ (hay quyền) giám sát của cơ quan giám sát tối cao này phải được mệnh danh là hành vi giám sát. Hành vi giám sát khác hẳn hành vi lập pháp của cơ quan lập pháp, hành vi hành chánh của cơ quan hành chánh và hành vi tài phán của cơ quan tư pháp." (22)

Do đó, cuộc điều tra của Giám sát viện không hẳn là cuộc điều tra hành chánh hay tư pháp như điều tra sơ vấn và thẩm vấn, mà chỉ là cuộc "điều tra giám sát" hết sức đặc biệt, có thể nói cũng đặc biệt như định chế Giám sát viện trong cơ cấu tổ chức thượng tầng quốc gia vậy.

Sở dĩ Giám sát viện phải có tư cách hình cảnh lại là để đem tín lực cho biên bản điều tra của giám sát, khiến cho công tố viện có thể căn cứ vào đó phát động quyền công tố và cũng để với tư cách này, theo giám sát Trần Đại Khâm, "các vị giám sát có quyền hạn đối với các sĩ quan CSTP phụ tá biện lý, như các vị biện lý và dự thẩm." (23)

11 2. NHÂN VIÊN CẢNH SÁT TƯ PHÁP

Gồm có:

1.- Nhân viên cảnh sát hành dịch, ngoại trừ những viên chức có tư cách hình cảnh lại,

2.- Xã trưởng, phó xã trưởng an ninh (điều 19 HSTT).

12 3. VIÊN CHỨC VÀ NHÂN VIÊN CẢNH SÁT TƯ PHÁP ĐẶC BIỆT

Đó là những nhân viên thuế vụ, quan thuế, thủy lâm hữu thệ được quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ thuộc phạm vi trách nhiệm của họ (điều 22 HSTT).

Vậy để thống nhất danh từ, trong cuốn sách này, chúng tôi dùng chữ "Cảnh Sát Tư Pháp" để chỉ các sĩ quan CSTP, nhân viên CSTP và viên chức CSTP đặc biệt, tất cả được đặt dưới quyền điều khiển của biện lý, triệu dụng của dự thẩm và giám sát và kiểm soát của chưởng lý Phòng Luận Tội. Còn chữ "Hình cảnh lại" để chỉ riêng các sĩ quan CSTP, không bao gồm biện lý, phó biện lý, dự thẩm, ủy viên và phó ủy viên chính phủ tại các tòa án quan sự.

13 Các CSTP cần có những thẩm quyền rộng rãi để khám phá tội phạm, nhưng những quyền này không thể phương hại đến quyền lợi của nghi can.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong khóa họp năm 1957 đã duyệt y bản điều lệ tối thiểu về sự đối đãi với các người bị giam, có đoạn như sau: "Ngay khi bị bắt, mỗi người được nhận một bản thông cáo cho biết chế độ giam cứu, kỷ luật nhà giam, cách thức để xin chỉ dẫn làm đơn khiếu nại và các điểm cần thiết để sử dụng mọi quyền hạn của mình và có thể hòa mình với đời sống nhà giam. Nếu người bị giam mù chữ, bản đó phải được đọc lên. (24)

Nếu luật pháp quy định đúng mức giới hạn quyền an toàn cá nhân và triệt để tôn trọng các bảo đảm này thì quyền bính của xã hội và quyền an toàn cá nhân sẽ tùy thuộc vào nhau và bổ túc cho nhau. Quyền bính của xã hội bảo đảm quyền an toàn cá nhân và làm cho quyền này được thể hiện trong thực tế. Nó ngăn cản không cho các thành phần trong xã hội lạm dụng tự do để xâm phạm an ninh và trật tự xã hội, cũng như xâm phạm quyền lợi của tha nhân, vì sống theo luật của xã hội không phải là sống nô lệ mà là được bảo vệ. Con người có lý trí, sống trong xã hội có luật pháp thì được tự do hơn sống cô lập chỉ biết theo ý mình. Điều cốt yếu là cần có một hệ thống luật và một tổ chức bộ máy hành chánh, tư pháp và chính trị lành mạnh.

"Ngày nay người ta đã ý thức rằng tôn trọng một cách quá đáng các quyền cá nhân, có thể bất lợi cho cộng đồng, cho xã hội, vì cá nhân và xã hội thường có những quyền lợi tương phản. Vì thế nên nhân danh quyền lợi chung của cộng đồng, ngày nay người ta chỉ coi nhân quyền như những quyền tương đối mà thôi. Chúng có thể bị hạn chế vì mục đích công ích." (25)

Nhưng chính trong khi hạn chế quyền tự do cá nhân, xã hội luôn luôn phải dành cho cá nhân những bảo đảm cần thiết. Dựa trên ý niệm đó, Hiến Pháp ngày 1-4-1967 đã quy định "Quốc gia tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân và quyền biện hộ." (điều 7 khoản 1).

Do đó, chúng tôi sẽ phân tách những bảo đảm của nghi can trong hai lãnh vực:

Phần I: QUYỀN BIỆN HỘ CỦA NGHI CAN

Phần II: QUYỀN AN TOÀN CÁ NHÂN CỦA NGHI CAN

Chú thích:

(1) VŨ VĂN MẪU, Dân Luật Khái Luận, 1961, tr. 18

(2) "La justice sans la force est impuissante, la force sans la justice est tyrannique; il faut donc mettre ensemble la justice et la force et pour cela faire que ce qui est juste soit fort, ou que ce qui est fort soit juste."

(3) "Les droits de l'homme: vaste champ de méditation pour le philosophe et l'historien; permanent sujet de préoccupation pour le juriste - que celui-ci soit professeur, législateur, magistrat, avocat, policier" - LARGUIER, La protection des droits de l'homme dans le procès pénal - Revue internationale de Droit Pénal, 1966, tr. 97.

(4) Học phái Phạm tội học Ý Đại Lợi chủ trương - XC. NGUYỄN QUANG QUÝNH, Hình Luật Tổng Quát, Lửa Thiêng 1973, tr. 94-102.

(5) Tác phẩm "Défense sociale nouvelle", xuất bản lần thứ nhất, năm 1954 được coi là Bản Tuyên Ngôn đầu tiên bảo vệ xã hội tại Pháp quốc. - XC. NGUYỄN QUANG QUÝNH, La politique criminelle Vietnammienne, Thèse 1963, tr. 61-69.

(6) Họp ngày 5-1-1959 quy tụ luật gia của 53 nước.

(7) Norman S. Marsh: Historique du Congrès de Delhi, Revue de la Commission Internationale de Juristes, 1959, tr. 11, N 1, tr. 55.

(8) Genesis, 1, 27

(9) Trích diễn văn ngày 30-4-1973 của Tổng Thống VNCH đọc tại Pháp đình Saigon.

(10) "Le crime crée dans sa zone voisine une sorte d'état de siège limité dans l'espace et le temps, où la force publique est momentanément toute puissante, l'état de nécessité justifiant ses actes. En un instant et en ce lieu une seule chose compte, l'arrestation du criminel don’t la liberté est un danger pour tous." (CHAMBON, Les nullités substantielles ont-elles leur place dans l'instruction préparatoire? JCP, 1954, I, 1170).

(11) G. STEFANI et G. LEVASSEUR, Procédure Pénale, 7è édit. Dalloz 1973, tr. 246 và 247.

(12) BLONDET, La légalité de l'enquête officieuse, JCP. 1955. I. 1233.

(13) và (14) G. STEFANI et G. LEVASSEUR, op. cit., tr. 251, 238 v à 239.

(15) Các điều 61 và 65 HSTT Việt Nam tương đương với các điều 68 và 72 HSTT Pháp Quốc:

Art. 68 CPP: L'arrivée du procureur de la République sur les lieux dessaisit l'officier de police judiciaire. Le procureur de la République accomplit alors tous actes de police judiciaire prévus au présent chapitre.
Art. 72 CPP: Lorsque le juge d'instruction est présent sur les lieux, le procureur de la République ainsi que les officiers de police judiciare sont de plein droit dessaisis à son profit. Le juge dìinstruction accomplit alors tous actes de police judiciaire prévus au présent chapitre.

(16) NGHI CAN (suspect): Danh từ mới được Bộ HSTT dùng để chỉ người bị tình nghi liên can vào một vụ phạm pháp và đang bị điều tra trong giai đoạn sơ vấn.

(17) Thủ tướng chính phủ đã ký Sắc lệnh số 019-SL/Th.T/PC.1 ngày 15-1-1974 thừa nhận một số viên chức có tư cách hình cảnh lại phục vụ tại Bộ Tư Lệnh và các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh, thị xã và quận.

(18) Bộ HSTT Pháp quốc đã không coi biện lý và dự thẩm có tư cách hình cảnh lại:

Art. 15: La police judiciaire comprend:
1. Les officiers de police judiciaire,
2. Les agents de police judiciaire,
3. Les fonctionnaires et agents auxquels sont attribuées par la loi certaines fonctions de police judiciaire.
Art. 16: Ont qualité d'officier de police judiciaire:
1. Les marires et leurs adjoints,
2……

(19) Điều 3 HP: Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt…
Điều 78: Thẩm phán xử án và thẩn phán công tố được phân nhiệm rõ rệt và có quy chế riêng biệt.

(20) Nguyên văn điều 21 Bộ Quân Luật bằng tiếng Pháp như sau:
La police judiciaire militaire est exercée, sous l'autorité du ministre de la défense nationale:
- Par les chefs de corps, de dépôt et de détachement,
- Par les chefs de service iet les officiers d'administration assermentés des divers services de l'armée,
- Par les commissaires du Gouvernement, les juges d'instruction militaires et leurs substituts.

(21) Giám sát viện Đệ Nhị Cộng Hoà, Saigon 1970, tr. 131.

(22) Op. cit. tr. 137.

(23) Op. cit. tr. 50.

(24) Ensemble des règles minima pour le traitement des détenus - Règle 351.

(26) Nguyễn Quang Quýnh, Nhân Quyền trong Hiến Pháp Việt Nam, 1967, Tập San Nghiên Cứu Hành Chánh, tập X, số 4/167, tr. 57.

 

MỤC LỤC   *   NHẬP ĐỀ   *   PHẦN 1   *   PHẦN 2   *   TỔNG KẾT