main billboard

NATO có khả năng xử lý hay không ?

jens stoltenberg

 Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, trong một buổi họp báo tại Bruxelles, ngày 28/02/2020. AFP - FRANCOIS WALSCHAERTS



Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn bận tâm về đối thủ truyền kiếp là Nga, đau đầu với thành viên ngỗ nghịch là Thổ Nhĩ Kỳ, giờ phải hứng thêm mối đe dọa từ Trung Quốc.


Cường quốc gia Đông Á xa xôi về mặt địa lý, giờ trở thành « mối bận tâm ngày càng lớn của NATO », đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng dịch tễ Covid-19.

Chính sách thông tin « gắp lửa bỏ tay người » của Trung Quốc

Trước hết, NATO lo ngại về « những chiến dịch bóp méo thông tin, giờ không chỉ do Nga tiến hành, mà còn đến từ Trung Quốc », theo một quan chức cấp cao của NATO, được Le Figaro (24/04) trích dẫn.

Bắc Kinh nhắm đến chiến lược « đổi trắng thay đen », phủ nhận trách nhiệm để dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, lan rộng khắp thế giới.
Trước tiên, ngay từ ngày 12/03, Trung Quốc đã « đổ lỗi » cho Mỹ mang virus corona vào Vũ Hán nhân Đại Hội Thể Thao Quân Đội Thế Giới vào tháng 10/2019, dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Tiếp theo, « lỗi » của Mỹ lại được đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ám chỉ trên mạng Twitter ngày 23/03, trong đó tin thứ hai nhắc đến « hàng loạt ca viêm phổi hoặc có triệu chứng tương tự » xuất hiện ngay sau khi trung tâm nghiên cứu lớn nhất của Mỹ về vũ khí hóa học và sinh học, căn cứ Fort Detrick ở bang Maryland, bị bất ngờ đóng cửa vào tháng 07/2019.

Không dừng ở đó, ngày 12/04, đại sứ quán Trung Quốc tiếp tục đăng một bài nhận định của một « nhà ngoại giao ở Paris », theo đó « chiến thắng của Trung Quốc trước dịch bệnh khiến họ (các nước phương Tây) cay đắng ».

Châu Âu và Mỹ bị dịch Covid-19 tác động nặng nề nhất, không phải do lỗi thiếu minh bạch của Trung Quốc, mà do đã « đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus và chậm trễ đưa ra các biện pháp tương xứng ».
Dù bộ Ngoại Giao Pháp triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối, nhưng bài viết vẫn còn trên trang của đại sứ quán hôm 24/04.
Publicité

Tung tiền mua ngành công nghệ trọng điểm

Mối lo ngại thứ hai, được ông Mircea Geoana, phó tổng thư ký NATO, đề cập với Atlantic Council, Trung Quốc cũng như « các đối thủ chuyên chế của NATO có thể sẽ biến cuộc khủng hoảng kinh tế (do Covid-19 gây ra) thành cơ hội để lợi dụng điểm yếu và mua lại những cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp chiến lược ».
Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có nhiều nước là thành viên của NATO, đã đưa ra cảnh báo hôm 21/04.

Dù nhìn chung, đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu đã giảm đi trong ba năm gần đây, nhưng Bắc Kinh « vẫn quan tâm đến khả năng tiếp cận chiến lược các lĩnh vực công nghệ », theo giải thích với AFP của ông Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics ở Berlin, chuyên về Trung Quốc.
Vì vậy, theo chuyên gia Đức, cần phải cảnh giác đối với « các nước, trong đó có Trung Quốc, có cơ chế hoạt động khác về kế hoạch kinh tế và không phải là những đối tác trong chính sách an ninh » của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như của NATO.

Cuối cùng, dù Trung Quốc không phải là một mối đe dọa ngay sát sườn NATO như Nga, nhưng đang tác động trực tiếp đến an ninh của khối, thông qua các cuộc tập trận chung với Nga, tầu ngầm của Trung Quốc xuất hiện ở Địa Trung Hải, phát triển lĩnh vực không gian mạng…

Trong tuyên bố chung nhân cuộc họp thượng đỉnh năm 2019, kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, lần đầu tiên, lãnh đạo các nước thành viên lưu ý về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia chi đến 230 tỉ đô la hàng năm cho quốc phòng (đứng thứ hai sau Mỹ với 730 tỉ đô la).

Dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để NATO xác định lại mối đe dọa Trung Quốc vì « trong thời gian rất lâu, Trung Quốc không có chỗ trong tiềm thức trong nội bộ NATO », theo nhận định với báo Le Figaro của ông Hubert Védrine, người vừa được bổ nhiệm vào nhóm tư vấn về tương lai của NATO.
Tuy nhiên, theo vị cựu ngoại trưởng Pháp này, « vấn đề nằm ở chỗ, liệu đến lúc hiểu được điều này thì NATO có khả năng xử lý hay không ? ».