"Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”

csvn chientranh viettrung


“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?  
Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần.
Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian.
Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.
Vua Lê Thánh Tông (1473)

Do thực tại địa lý, do hoàn cảnh nhân văn và lịch sử và do những quan niệm về chính trị, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề vô cùng  phức tạp và tế nhị.  Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc Việt Nam và tồn tại cho đến tận ngày nay.  Trong bài này người viết trình bày một  cách tổng quát vấn đề biên giới  Việt – Trung qua các triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, với nội dung gồm có ba phần: phần thứ nhất nói về tính cách phức tạp của  biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phần thứ hai  nói về chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ của các triều đại Việt Nam ở miền biên giới này và phần thứ ba dành cho một số những cuộc tranh chấp điển hình.

Bài này được viết nhằm cung cấp cho độc giả một vài sự kiện quan trọng và những nhận định liên hệ tới nỗ lực của tổ tiên người Việt trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ đất nước, một nỗ lực không ngừng nghỉ kể từ ngày lập quốc cho đến những ngày hiện tại.

Tính cách phức tạp của vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc

Khi tìm hiểu vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhận xét đầu tiên người ta có thể đưa ra là cho đến thời kỳ Pháp thuộc, giữa hai nước không có đường biên giới như người ta quan niệm ngày nay mà chỉ có những vùng biên giới mà thôi. Đặc tính này bắt nguồn không những từ thực tại địa lý ở nơi tiếp giáp giữa hai quốc gia mà còn do những yếu tố nhân văn, lịch sử và quan niệm về chính trị của các triều đại trị vì nữa.

Trước hết là về địa lý. Giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có núi cao hay sông lớn có thể dùng làm ranh giới thiên nhiên.

–  Những sông hay những núi được viện dẫn như những đường phân thủy chỉ là những đồi hay sông nhỏ, có khi chỉ được biết tới một cách mơ hồ và đã trở thành đầu mối của những tranh chấp.

Điển hình là sự  lẫn lộn hay cố tình lẫn lộn giữa sông Đổ Chú và một sông nhỏ khác ở thượng nguồn của sông Chảy trong vụ tranh chấp về biên dưới giữa hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ thuộc trấn Tuyên Quang của Việt Nam và phủ Khai Hóa thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào năm 1728.

Cũng vậy, với các núi Xưởng Chì hay Diên Xưởng, núi Tụ Long mà người viết dám chắc là các giáo sư sử địa hiếm người biết đến ngay cả nghe đến các địa danh này.

Các rặng núi lớn có hình cánh cung ở phía đông của sông Hồng thay vì nằm ngang theo hướng tây – đông để làm ranh giới giữa hai nước lại xòe ra theo hình nan quạt và mở rộng về phía bắc khiến cho sự xâm nhập từ phương bắc xuống trở thành dễ dàng.

Nhiều sông của Trung Quốc lại có nguồn từ trên đất Việt Nam hay ngược lại.  Tính cách núi liền núi, sông liền sông của địa lý chính trị ở biên giới Hoa Việt này không những đã làm cho việc ngăn chặn các cuộc xâm lăng qui mô của người Tàu từ phương bắc xuống  trở thành vô cùng  khó khăn cho người Việt, mà còn làm cho ranh giới giữa hai nước không bao giờ ổn định.

Về phương diện nhân văn, miền biên giới Việt – Trung không phải là nơi cư trú của người Việt hay người Tàu mà là của nhiều sắc dân thiểu số của các miền núi như  Tày, Nùng, Thổ, Mán…

– Những dân này đã ở cả hai phía,  ranh giới cư trú thường không rõ ràng.  Nhiều nhóm đã từ Trung Quốc di cư xuống Việt Nam qua nhiều giai đoan lịch sử khác nhau.

Những con số được ghi trong tác phẩm Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ  của các soạn giả Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, xuất bản năm 1930 ở Hà Nội, dưới thời Pháp thuộc, có thể cho ta  một khái niệm về tính cách thiểu số  của người Việt cư ngụ ở miền này so với các dân miền thượng.

Trước hết là ở tỉnh Lạng Sơn. Trong số  85.300 cư dân  của tỉnh này, người Kinh hay người Việt chỉ có 3.120 người tức 4%, trong khi con số  người Thổ là 38.900 người hay 36%, người Nùng là 37.500 người hay 44%, và người Hoa là 3.800 hay 4%.[i]

Ở Cao Bằng, trên tổng số dân là 87.000 người, số người Kinh  chỉ có 1.200 người hay 1,4%, còn người Thổ là 39.930 người hay 46%, người Nùng 38. 750 người hay 44%, còn lại là người Tàu.

Còn ở Hà Giang thì trong tổng số dân là 69.600 người, người Kinh chỉ có 1.000 người, tức 1,4%, so với 20.600 người Thổ hay 31%, còn lại là người Lô Lô, 30%, người Mán, 14%…  Các miền giáp ranh giữa các tỉnh này và các tỉnh miền Nam Trung Quốc do đó đã trở thành những vùng biên giới giữa hai nước.

 Sự tùy thuộc vào nước này hay nước kia một phần nằm trong tay các thổ tù trưởng tức các lãnh tụ của các dân địa phương và sự trung thành của họ từ đó tùy theo chính sách của chính quyền trung ương đối với họ.

Về quan niệm chính trị của các triều đình liên hệ, vì là những miền đất ở xa kinh đô của cả hai nước Hoa, Việt, các vùng biên giới này được coi như những miền đất cơ mi hay ky mi là những miền đất làm phên giậu cho triều đình trung ương.

– Đây là  một hình thức cai trị lỏng lẻo nhằm liên kết những miền đất xa xôi thay vì cai trị trực tiếp trong chế độ hành chánh thời cổ, ít nhất từ thời nhà Đường của Trung Quốc mà Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã tả rõ trong câu “Cơ mi các bộ man hoang ở ngoài.”

Các thổ tù trưởng do đó được cha truyền con nối cai trị lãnh thổ riêng của mình với điều kiện tuân phục triều đình trung ương.

Vượt lên trên các địa phương, quan hệ giữa các triều đình Trung Quốc và các triều đình Việt Nam cũng mang phần nào tính cách phong kiến của Á Đông theo đó Việt Nam chỉ là một chư hầu của Trung Quốc, lãnh thổ Việt Nam cũng là lãnh thổ Trung Quốc.

Điều này thường được thể hiện qua lời nói hay các thơ văn của các sứ giả Trung Quốc khi được các vua Việt Nam hỏi thăm về sức khỏe sau những cuộc hành trình tới kinh đô Việt Nam.

Việt Nam thường được người Tàu gọi là Giao Chỉ, hiểu ngầm là Giao Chỉ Quận, là một quận của nước Tàu qua tước phong các vua Tàu phong cho các vua Việt Nam là Giao Chỉ Quận Vương kể từ thời Vương Liễn nhà Đinh, kèm theo với danh vị Tiết Độ Sứ  là một chức quan của người Tàu, kể cả sau khi tước vị An Nam quốc vương đã được phong cho vua Lý vào năm 1174 và Việt Nam chính thức trở thành An Nam Quốc và kéo dài rất lâu về sau này.

Thái độ phong kiến luôn luôn coi Việt Nam là Giao Chỉ quận này đã giúp cho các hoàng đế Trung Quốc giữ được thể diện mỗi khi phải nhượng bộ và trao trả lại những đất mà họ đã chiếm của Việt Nam, vì theo họ, trong thiên hạ đất nào chẳng là đất của thiên tử.

Rõ rệt nhất và gần với ta nhất là trong sắc văn của vua nhà Thanh viết vào năm Ung Chính thứ sáu, năm Bảo Thái thời Vua Dụ Tông nhà Lê (1728), gửi cho vua Việt Nam về việc trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long cho Việt Nam, đoạn chính có viết: “Mới đây Ngạc Nhĩ Thái (Tổng Đốc Vân Nam và Quý Châu thời đó) đem bản  tâu của quốc vương (vua Việt Nam thời đó) tiến trình, lời lẽ ý tứ trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm (vua Thanh) rất vui lòng khen ngợi.  Vả lại, 40 dặm ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại vi của trẫm, không có chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương (vua Việt Nam) được đời đời giữ lấy.”[ii]  Nói cách khác sự phân chia biên giới giữa hai nước Hoa, Việt mang nặng tính cách lịch sử và quan niệm chính trrị cổ thời. Đó là những giới hạn có tính cách hành chánh nhiều hơn là phân ranh quốc tế.

Chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ ở các miền biên giới của các triều đại quân chủ Việt Nam

Chủ trương này được xác định rất rõ ngay từ thời nhà Lý qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt và được khẳng định bởi các triều đại kế tiếp.

–  Trong bài Nam Quốc Sơn Hà tác giả  đã khẳng định sự cương quyết của triều đình nhà Lý là sẽ không dung tha bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào lãnh thổ nước mình.  Nhưng đó là một thứ tuyên ngôn nói với người ngoài, với kẻ địch, một kẻ địch lớn hơn và mạnh hơn gấp bội nước Việt Nam thời đó.

Lê Thánh Tông, bốn thế kỷ sau, năm Hồng Đức thứ tư (1473), khi dụ Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy là người ở trong nước đã nghiêm khắc khẳng định: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần.  Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian.   Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”[iii] Lời dụ này vừa là một nghiêm lệnh, vừa là một sách lược.

 dentho vualtton
Đền thờ Vua Lê Thánh Tông ở Thị xã Sơn La

Đó là không được nhượng bộ dù là nhượng một thước núi, một tấc sông, vì đó là của cha ông để lại, phải cương quyết  tranh biện bảo vệ đến cùng không cho kẻ địch lấn dần ngay tự bước đầu ở mức độ địa phương. Nếu kẻ địch không nghe thì triều đình sẽ sai sứ sang biện bạch phải trái theo phương thức ngoại giao.  Còn kẻ nào dám đem dù là một tấc đất  dâng cho giặc thì không phải chỉ là bị tử hình mà thôi, mà còn  bị tru di nghĩa là giết ba họ nữa. Đây là hình phạt nặng nhất của thời quân chủ, một tội dành cho những kẻ khi quân, phản quốc.

Thực thi chủ trương và đường lối kể trên, các nhà cầm quyền quân chủ Việt Nam đã phải đương đầu vừa với các thổ châu mục của mình, vừa với các quan lại địa phương Trung Quốc ở miền giáp ranh với những địa điểm tranh chấp và với  triều đình Trung Quốc. –  Đối với các thổ mục địa phương, các chính sách được dùng là vừa uyển chuyển, vừa khoan dung, phủ dụ, vừa kết thân, vừa cứng dắn, nghiêm khắc trừng phạt với mục tiêu trước sau không đổi là giữ vững biên cương.  Đối với các quan lại và triều đình Trung Quốc thì nhún nhường, khéo léo, lựa những danh sĩ thông minh, lanh lẹ, có tài biện luận, đồng thời kiên trì tranh đấu, không bỏ cuộc, cố gắng duy trì sự tranh chấp, không nhượng bộ để thiệt thòi cho nước mình hầu có thể đặt vấn đề lại sau này.

Để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị lỏng lẻo, để cho các châu mục cha truyền, con nối như các họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng , họ Chu, họ Giáp, họ Thân, họ Hà, họ Đèo… tự trị trong các lãnh thổ của họ, các vua nhà Lý còn dùng hôn nhân để ràng buộc họ chặt chẽ hơn với triều đình trung ương, không phân biệt kinh thượng.

Việc các vua nhà Lý gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam khá nhiều như  năm 1029 Lý Thái Tông gả Công Chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu là Thân Thiện Thái, năm 1082, dưới thời Lý Nhân Tông, Công Chúa Khâm Thánh được gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh, năm 1142, dưới thời Lý Anh Tông, Công Chúa Thiều Dung  được gả cho Dương Tự Minh là thủ lãnh châu Phú Lương, năm 1167, cũng dưới triều Lý Anh Tông, Công Chúa Thiên Cực được gả cho châu mục  Lạng Châu là Hoài Trung Hầu… Trước đó Tống Sử hay một sách khác thời nhà Tống cũng chép là tổ tiên của họ Thân, trước mang họ Giáp, là Giáp Thừa Quí lấy con gái của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, con Thừa Quí là Thiệu Thái, lại lấy con gái của Đức Chính, tức Lý Thái Tông, rồi con Thiệu Thái là Cảnh Long, lại lấy con Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông…  Ngược lại, Lý Thái Tông lại chọn con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng đưa về làm hoàng phi.

Đối với những lãnh tụ đã làm phản như trường hợp cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao, các vua cũng tỏ ra rất khoan dung.

Mở đầu, năm 1038, khi Nùng Tồn Phúc  xưng đế chống lại triều đình , Lý Thái Tông thân chinh đi đánh bắt được Tồn Phúc đem về kinh xử trảm, con là Trí Cao và vợ là A Nùng chạy thoát được và trở về lập ra nước Đại Lịch, tiếp tục chống lại vào năm 1041. Lý Thái Tông lại thân chinh đi đánh, bắt được Trí Cao nhưng thương tình cha và anh đã bị giết nên không những tha cho về lại còn sai sứ đến tận nơi phong hàm thái bảo.

Sau đó mẹ con Trí Cao lại xưng đế, làm phản, chống lại cả hai triều Tống, Việt nhưng cuối cùng bị đánh thua phải bỏ chạy sang nước Đại Lý rồi chết ở đó.  Hai lần làm đại nghịch  nhưng các triều đình Việt Nam đương thời và sau này vẫn tỏ ra rất khoan nhượng với họ Nùng và những người liên hệ, bằng cớ là ở Cao Bằng các vua Việt Nam vẫn để cho người địa phương lập đền thờ cả hai mẹ con Nùng Trí Cao.

Hai đền này nằm trên hai ngọn núi trong số bốn ngọn bao  bọc chung quanh tỉnh Cao Bằng là núi Kỳ Cầm ở phía bắc (đền thờ Nùng Trí Cao), và núi Kim Phả ở phía đông (đền thờ A Nùng, gọi là đền Bà Hoàng), cho đến năm 1930 hãy còn.

dentho nungtricao
Nhà Tổ, nhà Tăng, và đền thờ  Nùng Trí Cao

 Chính sách được goi là hòa thân này cộng thêm với vị trí gần gũi với kinh đô Thăng Long của người Việt hơn là kinh đô của người Tàu và chắc chắn các đường tiếp tế các sản phẩm của miền đồng bằng và miền biển, nhất là muối từ châu thổ Sông Hồng chắc chắn đã là những tác tố vô cùng trọng yếu của sự trung thành của các châu mục với các triều đình Việt Nam hơn là với triều đình Trung Quốc.

Trong cách tranh biện để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, người ta thấy công tác đã được thực hiện ở hai cấp địa phương và trung ương.  Ở địa phương các thổ mục đóng vai trò chính yếu . Vì là người địa phương, họ nắm vững tình hình từ địa lý thiên nhiên  qua từng con sông, từng ngọn suối, từng trái đồi, từng cột mốc… đến tình hình dân cư với những ruộng nương, nhà cửa, đền thờ của họ, biết rành rẽ hơn những quan lại được cử từ miền xuôi lên.  Không những thế, vì được tự trị, những lãnh thổ được trao cho họ được họ coi là phải cẩn trọng giữ gìn.  Chỉ đến khi cần phải tranh luận phải trái giữa hai triều đình trung ương, vai trò của các nhà trí thức, các sứ thần mới được đặt ra.

Một số những cuộc tranh chấp điển hình

Với chủ trương bảo vệ từng thước núi, từng tấc sông, các triều đại quân chủ Việt Nam một mặt đã cương quyết đấu tranh để bảo vệ những phần đất đã có, mặt  khác đã kiên trì đòi lại những lãnh thổ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, ngoại trừ hai trường hợp nhượng đất quá nhiều dưới thời Hồ Quí Ly hay dâng đất dưới thời Mạc Đăng Dung.  

Cả hai trường hợp này, đặc biệt là trường hợp Mạc Đăng Dung, những người chủ trương đã bị hậu thế lên án nặng nề. Cả hai triều đại này đều bị gọi là ngụy, không phải chỉ vì có nguồn gốc là do sự thoán nghịch mà ra mà còn là vì những hành động bị coi như là phản quốc nữa.   Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, đã viết về Mạc Đăng Dung như sau:

”Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ…. Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được.”[iv]

Trên bình diện tích cực, trong phần cuối của bài này, ta nhìn lại ba trường hợp điển hình trong đó các vua quan Việt Nam nói riêng, và người Việt Nam nói chung, đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn và cương quyết trong công cuộc bảo vệ biên cương của nước mình. Đó là là các cộc đấu tranh để đòi lại châu Quảng Nguyên, các châu Vật Dương, Vật Ác thời nhà Lý và vùng mỏ đồng Tụ Long trong những giai đoạn sau này.

Quảng Nguyên là tên cũ của một châu thuộc tỉnh Cao Bằng, từ thời nhà Lê được đổi thành Quảng Uyên.  Dưới nhà Lý, để trả đũa việc Lý Thường Kiệt và Tôn Đản sang đánh các châu Khâm, châu Liêm và châu Ung thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc vào năm 1075, năm 1076 nhà Tống sai Quách Quì sang đánh Đại Việt .  Bị quân Đại Việt chống trả kịch liệt lại không hợp thủy thổ, quân Tống bị thiệt hại nặng nề phải rút lui, nhưng vẫn giữ các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô, Mậu và huyện Quang Lang. Trong số các châu huyện này Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả vì Quang Lang, sau này được nhà Lê đổi là Ôn Châu  là cổ họng của châu Ung, còn Quảng Nguyên là nơi có nhiều mỏ vàng và mỏ bạc. Để thu hồi lại hai châu này, nhà Lý đã dùng cả quân sự lẫn ngoại giao.

Huyện Quan Lang đã được Lý Thường Kiệt chiếm lại không lâu sau đó, có lẽ cùng lúc với các châu Tô Mậu và Môn.   Riêng châu Quảng Nguyên, việc đòi lại phức tạp hơn vì khả năng sản xuất vàng bạc của địa phương này.  Ở đây đường lối  ngoại giao đã được sử dụng.

Hai lần nhà Lý đã sai sứ bộ sang  thương nghị.  Lần thứ nhất không thành công vì các quan địa phương nhà Tống viện cớ  lời biểu của vua Lý có dùng có dùng chữ húy của triều Tống không nhận.  Lần thứ hai, sứ bộ do Đào Tông Nguyên cầm đầu, đem theo năm con voi làm đồ cốngvới lời yêu cầu nhà Tống trả lại các  đất  quân Tống đã chiếm.  Nhà Tống ưng thuận với điều kiện nhà Lý trả lại tất cả những  dân các châu Khiêm, Liêm và Ung đã bị quân của Lý Thường Kiệt và Tôn Đản bắt về Đại Việt trước đó.  Nhà Lý ưng thuận và Quảng Nguyên đã trở về với Đại Việt.  Sự hoàn trả Quảng Nguyên cho Đại Việt đã làm cho nhiều người bên nhà Tống bất mãn. Hai câu thơ châm biếm: “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim”  có nghĩa là vì tham voi Giao Chỉ nên mất vàn Quảng Nguyên mà các tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca dịch sang thơ là “Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên” đã được họ làm trong trường hợp này. Thắng lợi này xảy ra vào năm 1079 dưới thời Lý Nhân Tông.

 dentho chua1cot
Chùa Một Cột

Thành công trong việc đòi lại châu Quảng Nguyên và một số đất khác ít năm sau, Việt nam đã không thành công trong việc đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác từ trước đã bị các thổ mục họ Nùng dâng cho nhà Tống, mặc dầu  sứ bộ nhà Lý do Lê Văn Thịnh, vị thủ khoa của khoa thi đầu tiên của người Việt cầm đầu đã tranh luận gay gắt.  Phản bác lại chủ trương của các quan nhà Tống cho rằng các đất nà là của Tống vì do các thổ mục địa phương dâng cho nhà Tống vì họ qui phục nhà Tống., Lê văn Thịnh lý luận rằng  “Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm pháp luật cũng không dung. Huống chi, bọn chúng lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quí vị hay sao?”

Không những quyết tâm bảo vệ lập trường, các vua quan Đại Việt còn tỏ ra rất kiên trì.  Các cuộc thương nghị đã diễn ra cả thảy sáu lần những đều bị nhà Tống khước từ, cuối cùng đã bị bỏ dở.

Thắng lợi trong việc đòi lại được mỏ đồng Tụ Long xảy ra vào năm 1728, năm Bảo Thái  thứ 9, thời Vua Trần Dụ Tông.  Thắng lợi này có thể coi là điển hình nhất trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của các triều đại quân chủ Việt Nam.

Để kết luận ta có thể nói là trong suốt mười thế kỷ tồn tại, các triều đại gọi là quân chủ Việt Nam đã luôn luôn quan tâm đến sứ mạng vô cùng thiêng liêng là bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.  Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, trường kỳ và tế nhị, đôi khi nguy hiểm, trong đó từ vua quan, nho sĩ trí thức, hoàng phi, công chúa… đến các dân thiểu số ở các vùng biên giới xa xăm đều đã cùng nhau đóng góp cho nỗ lực chung.

Điều đáng chú ý ở đây là trong chính sách hoà thân của các triều đình thời đó, các vua đã hy sinh luôn cả hạnh phúc cá nhân và gia đình của chính mình, đem các công chúa gả cho các thổ tù trưởng ở những vùng biên cương hẻo lánh, xa xôi vào lúc giao thông liên lạc còn vô cùng khó khăn, hiểm trở.  Nỗi nhớ thương, đau đớn, xót xa khó có thể tưởng tượng là lớn lao đến chừng nào.

Nói như vậy nhưng ta cũng không nên quên tình cảm và sự can đảm của các thổ tù trưởng miền biên giới dành cho Triều Đình Việt Nam.  Giữa triều đình Trung Quốc, mạnh hơn, các thổ tù trưởng này đã lựa chọn triều đình Việt Nam và từ đó họ đã gặp phải không ít khó khăn.  

Cuối cùng là các nhà trí thức. Vai trò của những nho sĩ được trao cho trách nhiệm đi sứ để biện minh cho chủ quyền của nước mình cũng không phải là một việc làm đơn giản, dễ dàng, không vất vả và không nguy hiểm.  Lời dặn dò gần như là cảnh cáo của Lê Thánh Tông dành cho Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư (1473) được dẫn trên đây, đã nói lên điều đó.  Nhưng cuối cùng thì, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, họ đã thành công trong sứ mạng thiêng liêng, cao cả của mình khiến người sau khi đọc đến những đoạn này không chỉ kính phục mà thôi mà còn ngậm ngùi, thương xót nữa.

Giáo sư Phạm Cao Dương
California – Những ngày cuối năm 2015          

Nguồn: BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA /LỜI TÒA SOẠN:

Trong cuộc bảo vệ sự toàn vẹn – chủ quyền lãnh thổ lãnh hải sinh tử hiện nay đối với người láng giềng khổng lồ phương Bắc; nhận lời mời của Nhật báo Văn Hóa Online, Giáo sư Phạm Cao Dương đã gởi cho Văn Hóa bài viết về vấn đề hệ trọng này nhân ngày đầu năm Dương lịch 2016.

Xin gởi đến quý bạn đọc vài hàng tiểu sử Giáo sư Phạm Cao Dương:

Giáo Sư Phạm Cao Dương, Tiến Sĩ Sử Học Đại Học Paris- Sorbonne, trước năm 1975 giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon, đồng thời là Giáo Sư Thỉnh Giảng tại các Đại Học Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Đà-Lạt, Cao Đài…Ngoài việc dạy học, GS Phạm Cao Dương còn là Hội Viên của các Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Hội Đồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học và Ủy Ban Điển Chế Văn Tự của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong phạm vi khảo cứu, Giáo Sư Phạm Cao Dương là tác giả của nhiều sách và bài nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh trong đó có các tác phẩmVietnamese Peasants Under French Domination, do Trung Tâm Nam và Đông Nam Á, Đại Học Berkeley và University Press of America cùng ấn hành năm 1985 và nhiều sách hay tài liệu giáo khoa khác. Giáo Sư Dương cũng từng là cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Nam và Đông Nam Á của Đại Học Berkeley Hoa Kỳ và Trung Tâm Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học Pháp.

Sau năm 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục hoạt động trong các ngành giáo dục và nghiên cứu. Ông đã từng giảng dạy các môn về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt  Nam Học tại các Đại Học UCI, UCLA, CSU Long Beach, CSU Fullerton…

[i]   Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ. Hà Nội, Lê Văn Tân, 1930, in lần thứ tư, tr 61.

[ii]   Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập hai.  Hà Nội: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, Nhà Xuất Bản Giáo Dục,  1998, tr. 468-469.

[iii]   Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II,  Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, tr. 462.

[iv]  Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển II.   Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 17.