main billboard

Ngoài đặc tính ở dơ, ăn mắm tôm, uống nước trà, ăn trầu và hút thuốc lào, con người Đốc Gàn còn có một nét độc đáo khác. Đó là bộ RĂNG ĐEN.

    Năm quan mua lấy miệng cười
  Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

         (Hình: Võ Thương An) 

  Thời xa xưa, ở Việt Nam, không có nghề nha sĩ, tức là nghề niềng răng, nhổ răng, chà sạch răng hay trét lỗ răng sâu. Một khi răng đã nhuộm đen rồi, tức răng được mặc áo giáp thì chẳng sợ vi trùng tấn công. Nhưng cái kẹt của Đốc là lớp keo nhuộm lâu ngày bị mòn, mà thợ nhuộm răng thời buổi này kiếm khó hơn là nha sĩ. Một hôm, Đốc đến phòng mạch của một nữ nha sĩ trẻ để nhờ coi sóc vài chiếc răng long. Cô nha sĩ này trông người nhỏ con, nhưng vặn răng thì nhanh kỷ lục. Chỉ thoáng vài phút là đã lôi ra cả chục chiếc răng như chơi. Đáng sợ thiệt! Nhìn một đứa bé trong phòng nha sĩ đi ra, khóc thút thít, Đốc sợ quá, muốn bỏ về. Chèng đéc ơi! Nhổ răng gì mà đau vậy cơ à, con nít cũng phải khóc! Đốc coi vậy mà nhát hơn con nít!

Sau khi cô nha sĩ đưa kính soi rồi thọc cả cái kim dài nhọn vào miệng, kiểm soát từng cái răng một của Đốc, cô nói:

- Răng cụ Đốc hư hết rồi! Phải làm hàm răng giả.

Đốc vừa hét vừa khóc rống lên:

- Ối! Thế thì chết! Đau lắm! Đau lắm!

Cả phòng mạch xôn xao, mấy cô y tá chạy vào coi xem chuyện gì mà kinh khủng vậy. Nhưng chẳng có chuyện gì cả! Họ nhìn Đốc, cười tủm tỉm với nhau, rồi bỏ đi ra. Đốc hỏi cô nha sĩ:

- Thế làm răng giả thì tốn bao nhiêu?

- Thưa cụ Đốc, hết khoảng vài ngàn đô.

Đốc Gàn lẩm bẩm: "Vài ngàn đô? Có mấy cái răng giả mà sao mắc thế nhỉ." Rồi Đốc hỏi lớn:

- Vậy lão trả bằng tiền giả hay tiền thật?

Cô nha sĩ nhìn thẳng vào mặt Đốc, ngạc nhiên:

- Cụ Đốc nói gì cháu không hiểu? Cụ phải xài tiền thật chứ sao lại xài tiền giả? Cảnh sát bắt chết!

- Cô làm răng giả cho lão thì lão phải trả tiền giả cho cô chứ!

Cô nha sĩ bây giờ mới hiểu ý cụ Đốc. Cô cười đáp lại:

- Thưa cụ, cháu làm răng giả cho cụ, nhưng cụ dùng răng giả mà ăn thật, ăn bình thường như là răng thật, vì thế cụ phải trả cho cháu bằng tiền thật chứ lại!

Đốc Gàn thấy cô nha sĩ này nhanh nhẩu và hóm hỉnh lắm, lại nói tiếng Việt lưu loát, nên hỏi tiếp:

- Vậy lão nhổ nhiều răng như vậy, cô có chương trình "nhổ một tặng một" không?

- Dạ có! Cháu có chương trình còn ngon hơn vậy nữa. "Nhổ một tặng hai" cơ!

Đốc Gàn cười xòa:

- Lão hỏi cô vậy thôi, chứ đời nào mà lão chịu đeo răng giả. Để lão về ngậm nước muối một thời gian cho răng nó chặt lại. Sau đó rồi hãy hay. Sao hôm nay khám như vậy, cô tính bao nhiêu đây, để lão trả?

- Dạ, tiền khám hôm nay thì cháu biếu cụ để lấy thảo, nhưng xin cụ trả cho cháu hai trăm.

Đốc thắc mắc:

- Ủa, sao kỳ vậy? Đã nói không tính tiền mà sao còn bắt lão phải trả những hai trăm? Tiền gì vậy?

- Thưa cụ! Lúc nãy cụ la lớn trong phòng khám, làm cho hai người khách của cháu ở ngoài sợ quá, bỏ về luôn. Vậy cụ trả cho cháu mỗi người khách bỏ đi là một trăm. Vị chi cả thảy là hai trăm!

- À ra vậy. Té ra làm nghề nha sĩ có nhiều cái khoản hơn người. Cô có biết cô hơn người ở chỗ nào không?

- Dạ, thưa cụ! Cháu chả thấy hơn ai được chỗ nào cả. Cháu bị chồng ăn hiếp hoài à!

Đốc giơ hai tay lên trời như muốn phân trần điều gì bí hiểm lắm:

- Trời ơi là trời! Cô giỏi dang, cô hơn người xa thật là xa mà cô không biết. Cô muốn ra lệnh cho ai, cô muốn dạy dỗ ai thì người ta cũng phải nằm êm rơ cho cô nói. Chồng cô làm sao ăn hiếp được? Này nhé, cô cứ đưa chồng cô lên cái ghế này, bắt nằm ngửa, há miệng ra, rồi cài cái miếng cao su vào miệng anh ta, như cô vừa cài vào miệng tôi đó. Thế là cô tha hồ mà nói, muốn nói ngang nói ngược, muốn dạy dỗ gì cũng xong. Cô khoá miệng thiên hạ rồi thì ai mà cãi được nữa! Thế có phải cô hơn người không nào?

Chuyện nha sĩ chắc kể hoài không hết. Một anh chàng kia có chiếc răng đau chịu không nổi. Tình cờ, chàng đi ngang qua một cửa tiệm vẽ cái răng với hàng chữ "Ở đây nhổ răng không đau". Anh chàng khoái quá, bước vào xin nhổ chiếc răng đau mà không đau. Chỉ năm phút là xong, anh trả tiền ra về. Nhưng chừng một tiếng sau, thuốc tê hết hiệu lực, anh vẫn thấy đau răng, liền soi gương thì hỡi ơi! Chiếc răng đau còn nguyên. Anh bực mình trở lại phòng mạch khiếu nại:

- Tại sao chiếc răng đau của tôi không nhổ mà lại đi nhổ chiếc răng không đau.

 Người thư ký trả lời tỉnh bơ:

- Ơ cái anh này, rõ dở hơi chưa? Anh không đọc hàng chữ quảng cáo ngoài kia sao? Ở đây chúng tôi chỉ nhổ "răng không đau" để gắn răng vàng vào, chứ chúng tôi có nhổ "răng đau" bao giờ đâu?

- Thế mà tôi cứ tưởng ở đây nhổ răng đau mà không đau!

Té ra, cái chữ nghĩa Việt Nam sao mà nó hóc hiểm thế này. Ai mà hiểu cho nổi?

Hồi Mục Sư Martin Luther King, Jr. còn sống, Đốc Gàn đã cùng ông và 250.000 người khác có mặt trong cuộc biểu tình tuần hành ngày 28-8-1963 theo một lộ trình 700 dặm Anh từ miền Nam Alabama đến Hoa Thịnh Đốn, dừng lại tại Công Trường Quốc Hội và nghe bài diễn văn của Mục Sư với câu nói lịch sử: "Tôi có một ước mơ, một ngày nào đó ở tiểu bang Alabama... những đứa trẻ da đen, trai lẫn gái, sẽ có thể nắm tay với những đứa trẻ, trai lẫn gái, da trắng và xem nhau như anh chị em".

Đốc nói với Mục Sư King:

- Người Việt Nam chúng tôi rất trân trọng và thán phục cuộc tranh đấu của người da đen quý ông. Phong tục chúng tôi rất trọng màu đen. Mục Sư coi đây nè.

Đốc nhe hàm răng đen cho Mục Sư coi và nói tiếp:

- Đây là bộ răng đen của tôi. Cha ông chúng tôi dạy rằng: "Cái răng, cái tóc là góc con người". Ý nói hàm răng và bộ tóc quan trọng vì biểu lộ phong thái con người, do đó phải giữ gìn cẩn thận và săn sóc chu đáo hàm răng, mái tóc cho tươm tất. Con người dễ có cảm tình với người khác là nhờ mỗi khi mở miệng cười, hàm răng có đẹp hay không. Chỉ cần nhìn bộ tóc chải chuốt cẩn thận là người ta biết ngay người đó có phong thái chững chạc.

Mớ tóc của người Việt chúng tôi bẩm sinh Trời đã cho đen rồi. Đẹp khỏi chê! Còn về nét đẹp của răng, cha ông chúng tôi không thích răng trắng như răng bò. Thế nên các cụ nhuộm đen cho nó đẹp. Vả lại ở vào thời chưa có bàn chải đánh răng, chưa có nha sĩ chùi răng, nhổ răng thì việc nhuộm răng đen là một phương pháp tốt nhất để bảo vệ hàm răng khỏi bị sâu.

Ca dao Việt Nam có câu:

Răng đen ai nhuộm cho mình,
Để duyên mình thắm, để tình ta say.

hoặc câu khác:

Môi son lại điểm má hồng,
Hàm răng đen nhức ai lòng chẳng say!

Ngày xưa nghệ thuật trang điểm sắc đẹp của nữ giới Việt Nam là cặp má hồng và hàm răng đen óng ả. Chính hình ảnh này đã làm mê say biết bao chàng trai:

Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Năm quan mua lấy miệng cười,
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

Và người con gái cũng rất tự hào về sự gắn bó giữa hàm răng đen với cuộc tình duyên của mình:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Mục Sư King nghe đến đây có vẻ khoái chí lắm, hỏi tiếp:

- Thế sao răng của Đốc Gàn không được đen cho lắm?

Đốc Gàn nhe răng cười:

- Răng của tôi là thứ răng cải mả. Đồ bỏ rồi! Răng cải mả là răng nhuộm đen, nhưng sau một thời gian, chất đen bị phai mờ và trở nên loang lổ vừa đen, vừa trắng, lại vừa vàng. Trông mất vệ sinh quá sức lẽ mình! Muốn cho răng được đen nhánh óng ả như hạt na thì phải năng nhuộm lại. Mỗi lần nhuộm răng phải vất vả lắm.

Ông Mục Sư có vẻ tò mò:

- Thế thì người Việt nhuộm răng làm sao và nhuộm bằng gì?

Đốc Gàn nhổ nước trầu vào ống, rồi say sưa nói về cách nhuộm răng:

- Nhuộm răng đen là cả một nghệ thuật. Cụ Toan Ánh trong cuốn "Phong Tục Việt Nam" đã chỉ cách nhuộm răng như sau:  

"Răng chỉ bắt đầu nhuộm khi đã thay xong lượt răng sữa, và đã có một số răng hàm. Nhuộm răng chia làm hai lớp, lớp đầu nhuộm cho răng có màu đỏ, sau đó mới nhuộm màu đen lên màu đỏ. Muốn nhuộm răng màu đỏ, phải dùng cánh kiến tán nhỏ. Vắt chanh vào bột cánh kiến này rồi để kín trong bảy ngày cho chất chua của chanh ăn vào bột cánh kiến.

"Dùng bột cánh kiến pha chanh này phết vào những mảnh lá dừa hoặc lá cau, bản to bằng chiều cao cái răng, rồi lúc đi ngủ ấp vào hai hàm răng. Màu cánh kiến qua đêm sẽ ăn dần vào men răng, và răng lúc đó lờ lờ, qua độ bảy đêm, răng sẽ nhuốm màu đỏ già cánh dán.

"Màu đỏ như vậy kể là đã nhuộm xong. Bây giờ phải bước sang lớp thứ hai nhuộm răng đen. Thuốc nhuộm răng đen vẫn dùng cánh kiến, nhưng lần này bột cánh kiến không hòa lẫn với chanh, lại hòa với lá phèn đen. Hai thứ nghiền lẫn để quyện lấy nhau, rồi cũng phết vào lá cau hoặc lá dừa rồi ấp lên hàm răng. Chỉ cần nhuộm đen hai đêm là răng đen nhánh. Bấy giờ, muốn để màu đen đó khỏi lạt phai đi, phải chiết răng.

"Chiết răng nghĩa là làm cho răng giữ mãi được màu đen. Người nhuộm răng sẽ ngậm những ngụm nước dưa chua. Nước dưa chua có chất giữ màu cho răng. Ngậm và súc miệng nhiều lần bằng nước dưa chua, màu đen sẽ ăn liền vào răng và hàm răng đen bóng.

"Sau khi đã chiết răng thì màu răng không phai được nữa, người ta mới lại ăn uống, nhai như thường."  (4)

Mục Sư King có vẻ thích thú về câu chuyện của Đốc Gàn. Ông nói:

- Xin hết lòng cám ơn Đốc Gàn về chuyện nhuộm răng đen theo phong tục Việt Nam.

Đốc Gàn rít một điếu thuốc lào rồi thủng thẳng kết thúc câu chuyện:

- Trong cuộc đời này không thiếu những chuyện thay trắng đổi đen. Tóc bạc người ta nhuộm thành đen cho... trẻ ra. Tóc đen người ta nhuộm thành hồng, thành tím, thành vàng cho... hấp dẫn. Thiên hạ còn nhuộm cả móng tay, móng chân, cả cặp môi, cặp má. Nhưng rùng rợn hơn nữa, người ta còn nhuộm đen luôn cả danh dự và cuộc đời người khác. Còn riêng ngài, ngài đang pha trộn, hòa hợp da đen với da trắng. Chúc ngài sớm thành công.

Thấy Mục Sư thích thú với chuyện răng cỏ, Đốc Gàn hỏi:

- Sao? Ngài có đồng ý để Đốc nhuộm răng đen cho không?

Mục Sư vội vàng xua tay:

- Không. Mọi thứ trong người tôi đều đã đen ngòm cả rồi. Chỉ còn có bộ răng là trắng thôi. Xin cứ để vậy.

- Thế ra chính ông cũng không thích cho mọi thứ trong người ông trở thành mầu đen?! Ông nghĩ vậy là phải. Con người ta cũng phải có chỗ đen chỗ trắng. Đen cả cũng không đẹp, mà trắng cả cũng không nên! Trắng trắng, đen đen cần phải hòa hợp, hòa đồng.

Xã hội cũng vậy! Người da đen tại Hoa Kỳ đã thành công trong cuộc cách mạng chống kỳ thị màu da. Người da đen tại Hoa Kỳ cần thúc đẩy mọi sắc dân khác làm một cuộc cách mạng đề cao lòng yêu nước và quý trọng đất nước Hoa Kỳ, cái nôi của Tự Do, Dân Chủ và Bình Đẳng của thế giới.

Người da đen cũng cần sát cánh với các sắc dân khác để phát động một cuộc cách mạng chống mọi tội phạm trên đất nước Hoa Kỳ này. Các nhà tù tại Hoa Kỳ không phải là nơi chỉ để giam giữ những tù nhân mà đa số là người da đen.

Hoa Kỳ mang danh là một nước tạp chủng thì các sắc dân phải sống hòa hợp, hòa bình, trong tình nghĩa yêu thương. Nhờ vậy, Hoa Kỳ mới trở thành một vườn hoa đầy đủ hương sắc trong cảnh thái bình, thịnh vượng được.

Khi dựng nên con người, Thượng Đế muốn rằng mọi người nam nữ phải được bình đẳng về nhân phẩm. Tuy vậy, về sắc diện và quyền tự do quyết định cho cuộc đời mình thì không ai giống ai. Mỗi người là một kiệt tác duy nhất và độc nhất của Thượng Đế.

Công tác cuối cùng của Thượng Đế trong tiến trình tạo dựng con người là lựa chọn màu da. Ngài bỏ con người lên lò nướng. Mẻ đầu, Ngài để non lửa và lấy ra sớm quá, nên màu da hơi trắng. Lớp da trắng chịu phong sương, vất vả, cực nhọc không được dai bền, nhưng đã có cái đầu thay thế tay chân. Người da trắng chơi những môn thể thao cần sức mạnh như đánh bốc hay banh chầy thì không được sung sức cho lắm, nhưng làm việc trí tuệ thì thành công vượt bực. Đầu óc thế tay chân là vậy!

Đến mẻ nướng thứ nhì, Thượng Đế để lửa già và nướng lâu hơn một tí. Có mùi khen khét! Hóa ra nước da bị cháy đen thui lui. Nhưng cũng nhờ nước da đen mà sương gió, nắng mưa chẳng nhằm nhò gì. Việc tay chân nặng nhọc người da đen chẳng xá kể chi, nhưng việc trí óc thì lại có vẻ hơi lơ là một tí.

Rút kinh nghiệm cho lần nướng thứ ba, Thượng Đế phải vất vả hơn. Ngài thổi, Ngài quạt, Ngài căn giờ, Ngài vật lên, lộn xuống, xoay qua, xoay lại. Khi bỏ ra thì nước da không trắng quá, cũng không đen quá. Đó là da vàng. Người da vàng sức khoẻ và trí tuệ được chấm điểm là quân bình: Sức mạnh không kém người da đen, mà trí tuệ cũng không thua người da trắng.

Tóm lại, Đen, Trắng, Vàng đều là tuyệt tác phẩm của Thượng Đế. Ngài đã trao cho con người - bất luận mầu da - được cai trị mọi loài thụ tạo khác trên trái đất này. Nhân loại không thể kỳ thị nhau vì màu da, mà phải sống hài hòa, bổ túc lẫn cho nhau, để đưa thế giới đến cuộc sống hòa bình và thịnh vượng.

Ấy, đại loại những suy tư của Đốc Gàn thuộc loại tưng tửng, man mát như vậy.

Người đời cười tớ là điên thật,
Tớ lại cười ai giả thánh hiền.
(thơ Nguyễn Trọng Cẩn)

 _____________________________________

(4) Toan Ánh, "Phong Tục Việt Nam - Từ bản thân đến gia đình", Khai Trí 1968, tr. 150

   
 Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua
Hình:  Trung Tâm Mimosa
(Bìa CD Hương Cố Nhân)