main billboard

Thế thì bà cũng như ông, đều cần đến nhau, đều phải tựa vào nhau, để cùng xây dựng một cuộc đời chung.

 

Có một cô gái vào hỏi ý kiến cha sở về người yêu của mình. Cha sở khuyên cô :

 

- Anh ta chỉ có cái mã bên ngoài, chứ còn tính tình thì nát bét. Nào rượu chè say xỉn, nào cờ bạc xì phé…

 

Thế nhưng cô gái nhất định không chịu nghe theo lời khuyên bảo vì  anh chàng này giàu có. Cô mơ tới một cuộc sống nhung lụa với nhà lầu xe hơi, ti vi tủ lạnh…Và cô ta đã trả lời với cha sở :

 


- Ít là con phải nhìn thấy một cái gì bảo đảm đã chứ.

 

Hôn lễ của họ được cử hành một cách long trọng và dềnh dang với tiệc tùng linh đình. Nhưng chỉ ba tuần lễ sau, cô ta trở lại gặp cha sở với khuôn mặt sưng vù vì bị chồng đánh trong một cơn say.

 

Lúc đó Cha sở mới bảo :
- Bây giờ thì mắt con đã nhìn thấy cái  gì bảo đảm rồi chứ ?

 

Trước khi bước vào cuộc sống lứa đôi, anh đờn ông cũng như chị đờn bà đều âm thầm đưa ra cho mình những tiêu chuẩn để chọn lấy một người bạn đời, nếu không tuyệt vời và hết ý, thì cũng phải trên mức trung bình một chút, để rồi cùng nhau dệt nên những giấc mộng vàng. Những tiêu chuẩn ấy thay đổi tuỳ nơi, tuỳ thời và cũng tuỳ người.

 

Chẳng hạn anh đờn ông, thấm nhiễm lời các cụ ta ngày xưa dạy bảo, thì nhất định phải chấm cái nết, bởi vì cái nết đánh chết cái đẹp. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều anh đờn ông lại nhắm mắt chạy theo cái đẹp, bởi vì cái đẹp đè bẹp cái nết. Và còn nhiều tiêu chuẩn ăn theo khác nữa.

 

Riêng đối với các chị đờn bà, vấn đề xem ra có vẻ nhiêu khê và phúc tạp hơn. Trong lúc ngồi “tán hươu tán vượn” với nhau, các chị thường nhỏ to về ba tiêu chuẩn: Một là đẹp trai, hai là tốt bụng và ba là lắm tiền. Thế nhưng, hiếm thấy một đối tượng nào hội đủ cả ba tiêu chuẩn này. Hay nói theo kiểu ngày nay là “ba trong một”, nghĩa là ba tiêu chuẩn trong một con người.

 

Nếu chịu khó nhìn xem và suy gẫm, hẳn bàn dân thiên hạ sẽ nghiệm ra những sự thật sau đây, tuy không trúng phóc một trăm phần trăm, thì ít ra cũng được bảy mươi hai phần dầu.

 

Này nhé, những người đờn ông tốt bụng, thì thường không được đẹp trai. Trong khi đó, những người đờn ông đẹp trai, thì thường lại không tốt bụng. Còn những người đờn ông vừa đẹp trai, lại vừa tốt bụng, thì thường bị người khác phỗng tay trên mất rồi, nghĩa là họ đã cưới vợ, đã lập gia đình, chẳng đợi tới lượt mình.

 

Tiếp đến, những người đờn ông không đẹp trai cho lắm, nhưng tốt bụng, thì thường không có nhiều tiền. Trong khi đó những người đờn ông không đẹp trai cho lắm, nhưng tốt bụng và có nhiều tiền, thì lại thường nghĩ rằng đờn bà con gái theo đuổi họ chỉ vì…tiền. Còn những người đờn ông đẹp trai, nhưng không có tiền, mà theo đuổi đờn bà con gái, thường chỉ là để…”đào mỏ”!

 

Sau cùng, những người đờn ông hơi bị đẹp trai, nhưng không mấy tốt bụng, thì lại nghĩ rằng đờn bà con gái không phải là phái đẹp. Trong khi đó, những người đờn ông hơi bị đẹp trai và tốt bụng, đồng thời cũng luôn nghĩ rằng đờn bà con gái chính là phái đẹp, thì lại thường là những kẻ nhát gan, dị ứng với phụ nữ và chẳng bao giờ dám bước cái bước đầu tiên đi vào con đường tình yêu.

 

Vì vậy, dẫu có đốt đèn đi giữa ban ngày thì cũng khó mà tìm thấy một người đàn ông phù hợp với những tiêu chuẩn và đáp ứng được những đòi hỏi của mình. Chuyện đơn giản, thế mà lại hoá ra phức tạp. Thôi đành phải chọn lấy một anh chồng được xếp vào hạng “thường thường bậc trung”, và tự an ủi lấy mình:

 


- Chồng ta áo rách ta thương,
  Chồng người áo gấm, xông hương mặc người
.

 

Thế nhưng, nào đã hết đâu. Sau khi đã yên bề gia thất, anh chồng thường thường bậc trung này mới để lộ ra bộ mặt thật của mình. Và bộ mặt thật ấy ấy mới khó thương làm sao. Gã xin liệt kê mấy điểm chính, vốn thường làm cho anh chồng trở nên…xấu xí.

 

Điểm thứ nhất là óc gia trưởng và độc đoán

 

Anh chồng luôn cho ý kiến của mình là đúng, là phải, còn ý kiến của chị vợ là sai, là trái. Nhiều anh chồng đã lên tiếng khinh bỉ và coi thường chị vợ: Ôi giời, đàn bà con gái biết chi mà nói. Bao giờ anh chồng cũng lấy cái “lý đoán” của mình mà áp đảo và buộc chị vợ  phải nhắm mắt vâng theo răm rắp, đúng với cốt cách “gia trưởng” ngày xưa: Phu xướng, phụ tùy. Chồng đã phán, thì vợ phải chấp hành nghiêm chỉnh.

 


Rồi những lời nói ngọt như đường cát mát như đường phèn của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, mặc dù không có cánh, thế mà bỗng dưng bay đi đâu mất tiêu, chỉ còn đọng lại những lời chua chát và gắt gỏng.

 

Nếu rước kia: Anh anh, em em, thì bây giờ lại: Mày mày, tao tao…Thậm chí còn: Con mẹ mày, con mụ nọ, cái con chết bầm kia…Rồi anh chồng cũng sẵn sàng dành cho chị vợ tất cả những món cao lương mỹ vị, bằng những tiếng chửi bới cộc cằn, lôi cả bố mẹ, ông bà và tổ tiên không biết bao nhiêu đời ra mà riếc  móc. Anh chồng cứ nghĩ rằng: Càng nói to, càng gắt gỏng thì chân lý và phần thắng sẽ thuộc về mình.

 

Trước kia anh chồng chiều chuộng nâng niu theo kiểu: Cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Còn bây giờ thỉnh thoảng lại cho nồi niêu xoong chảo bay ra ngoài sân, rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. 

 

Điểm thứ hai là những thói hư tật xấu

 

Đờn ông con trai hay sa đà vào những thói hư tật xấu, chẳng hạn như rượu chè, cờ bạc, trai gái…Thử tưởng tượng xem liệu có chị vợ nào chịu đựng nổi một anh chồng lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu, hay một anh chồng, mặc dù không đến độ sáng say, chiều xỉn và tối lăn quay, nhưng lại thích tổ chức ăn nhậu triền miên khói lửa: Nay thết đãi bạn bè ở nhà, mai mời khách khứa đi ăn tiệm, mốt làm đám giỗ linh đình để bà con họp mặt…

 

Đối với anh ta, cuộc đời chỉ có nghĩa với những tiệc nhậu. Tôi nhậu, vậy tôi hiện hữu. Còn nhậu là còn tất cả. Hết nhậu là hết mọi sự. Chẳng cần phải nghĩ đến việc tiết kiệm và phòng xa. Chẳng cần phải cảm thông với những cực nhọc của vợ con trong việc nấu nướng, cung phụng, hầu hạ và dọn dẹp.

 

Chuyện rằng: Mỗi buổi chiều đi làm về, chị vợ lo chợ búa, cơm nước, còn anh chồng thì đi đón con. Khổ nỗi giờ con tan học cũng là “giờ đẹp”, “giờ vàng” để bố đi nhậu. Vì thế, anh chồng thường để con nước mắt ngắn dài đứng chờ bố trước cổng trường. Con tan học lúc 4g30, nhờ cô giáo giữ hộ tới 5g30 vì anh còn phải tranh thủ chén thù chén tạc với bè bạn một lúc. 

 

Điểm thứ ba là tật lười biếng 

 

Nhìn vào nhiều gia đình, gã thấy có những ông chồng đã sống rặp theo khuôn mẫu của Tú Xương ngày xưa, nghĩa là :

 


- Việc nhà phó mặc cho bu nó,
  Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

 

Hay như ca dao cũng đã diễn tả:
- Bố tôi hay tửu hay tăm,
  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.
  Ngày thì ước những ngày mưa,
  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

 

Thảo nào mà các chị vợ vốn thường hay tâm sự:

 


-“Tôi suốt ngày ở chợ, công việc nhà cứ dồn ứ. Ông nhà ấy hả? Đố mà đụng tay. Có hôm 11 giờ đêm tôi vẫn còn phải cặm cụi lau nhà”.

 


- “Ông nhà tôi cũng có hơn gì đâu, nhà cửa bề bộn, kể cả khi thau đồ dơ chất cao tới nóc, ông cũng không thèm đụng tới. Vậy chứ có ai ới đi uống cà phê là ông lao đi ngay”.

 

Nếu có giúp được một tí, thì với bàn tay “hậu đậu” không hỏng trước, cũng sẽ hỏng sau, như câu chuyện vui được báo Phụ Nữ kể lại:

 

Ông bố kia tắm cho đứa con lên bốn. Xong việc, ông “kiêu hãnh”:

 


- Thấy chưa, bố hoàn toàn có thể tắm cho con đó, vậy mà mẹ con cứ chê.

 

Đứa con lý nhí:

 


- Nhưng bố ơi, lúc nào tắm cho con, mẹ cũng cởi giày ra rồi mới dội nước.

 

Và nếu ông bố khác biết cởi giày cho con, thì không chừng ông ta lại xát xà phòng trước khi dội nước. Đờn ông tệ quá vậy sao?

 

Cộng thêm vào đó là cái tật bừa bãi, bạ đâu quăng đấy, bởi vì cái trật tự của anh chồng chính là cái vô trật tự dưới mắt chị vợ. Thậm chí có anh chồng còn chân thành nguyện ước: Xin cho các bà xã đi vắng lâu lâu một chút, để bọn đờn ông không phải dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, nhà cửa và nhất là tối lên giường khỏi phải rửa chân. Thật là hết biết. 

 

 Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ trên, đó là có những anh chồng đa đoan công việc, để rồi thường xuyên vắng mặt, không lo lắng gì cho người vợ và cũng chẳng chăm sóc gì đến đàn con. Thực vậy, có những anh chồng, khi đã đam mê một vấn đề gì đó, thì quên ăn quên ngủ, quên cả vợ lẫn con, đổ dồn mọi nỗ lực, mọi cố gắng vào vấn đề đó.

 

Chẳng hạn đam mê hoạt động chính trị, xông xáo hết chỗ này đến chỗ khác, ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà, cả đời lăn lóc với những hoài bão chưa một lần trở thành sự thực. Một là thường xuyên vắng nhà để hoạt động thế này, thế khác. Hai là lúc nào cũng bất mãn, phản đối, tuyên bố vung vít để rồi kết thúc bằng cách nằm dài trong nhà giam, nhà tù mà bóc  lịch.

 

Chẳng hạn đam mê bắt mối “áp phe”, tìm tiền kiếm bạc. Đối với họ, tiền bạc là tất cả, có một thế lực vạn năng, nên suốt ngày suốt tháng, họ vội vã chạy đi kiếm tìm, nay mối này mai mối khác, không còn thời giờ nào để ngó ngàng đến vợ con, tỉ tê tâm sự và chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn đối với người vợ. Về đến nhà là hùng hục ăn. Ăn xong lại lăn ra ngủ để lấy sức cho ngày mai còn mánh mung.

 

Những anh chồng này đã có một quan niệm sai lạc về chị vợ. Đối với họ, chị vợ chỉ là kẻ đầy tớ, con ở hay như một dụng cụ trong gia đình. Chị vợ chỉ là kẻ làm đồ nhậu để đãi bè bạn, một chiếc máy để thỏa mãn những nhu cầu sinh lý hay sản xuất ra những “tí nhau”. Họ không bao giờ nghĩ rằng: Chị vợ chính là người phụ tá, người cộng tác đắc lực, người bạn đường cùng đi với mình suốt dọc cuộc sống.

 

Hơn thế nữa, nơi người phụ nữ, con tim chiếm một địa vị quan trọng và chi phối toàn bộ cuộc đời của họ. Bởi vậy, họ thích được để ý, được nâng niu và chiều chuộng. Đem về cho chị vợ tiền bạc mà thôi chưa đủ, mà còn phải đem về cho họ một tình yêu thương chân thành và đậm đà.

 

Nếu cứ kể tội đờn ông, thì nói mãi nói hoài cũng chẳng hết. Đứng trước những điểm làm cho khuôn mặt anh chồng ra xấu xí, nhiều chị vợ đã phát biểu:

 


- Thà bỏ quách đi cho nhẹ nợ.

 

Thế nhưng, nói vậy mà không phải vậy đâu. Theo tác giả Trần Triều trên báo Phụ Nữ: Số người than phiền thì nhiều, nhưng số người “dám bỏ quách đi” thì lại rất ít. Thậm chí, miệng cứ bảo rằng “bỏ”, nhưng lỡ có ai mon men lại gần, thì liền nhảy dựng lên ngay:

 


- Củi mục mà để trong rương,
  Ai mà rớ tới, trầm hương của bà!

 

Vì vậy, phương thế vừa hợp tình lại hợp lý nhất, đó chính là học cách “sống chung với lũ”. Muốn sống chung với lũ, thì chị vợ cần phải cố gắng nhìn vào những điểm tốt của anh chồng. Lúc bấy giờ, cuộc đời sẽ nhẹ nhõm và tươi vui hơn nhiều.

 

Nếu anh chồng mà lúc nào cũng canh xem nhà có vết bẩn để lau, nắm rõ nhà còn bao nhiêu ký gạo, đo lọ muối, đếm củ hành củ tỏi…thì e rằng chị vợ lại càng khó mà sống.

 

Biết đâu, những thói xấu đó đã làm nên một người đờn ông đầy nam tính. Chẳng thế mà từ xưa ông bà mình đã “bênh” cánh đờn ông:

 


- Khôn ngoan cũng thể đờn bà,
  Dẫu rằng vụng dại cũng là đờn ông.

 

Để “túm” lại, gã xin mượn đỡ mấy vần thơ, do một anh bạn sưu tầm được và đã gửi cho gã.
 
Thơ của Tú Xương:

 

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
 
Hoạ lại của Tú Thịt:
Cái nhà, cái cửa, cái ông chồng,
Ba cái lôi thôi thật mất công.
Nếu phải bỏ gì trong mấy thứ,
Bỏ nhà, bỏ cửa, giữ ông chồng.
 
Vì vậy, một tác giả Khuyết Danh mới có thơ rằng:

 

THẾ GIỚI THIẾU ĐÀN ÔNG

 

Nếu thế giới này thiếu các ông,
Khác chi vườn cảnh thiếu lao công.
Một màu ảm đạm thê lương sẽ,
Biến khắp mọi nơi cảnh vắng không.
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Đêm nằm bà phải quấn chăn bông.
Chăn bông dù ấm không bằng được,
Nằm sát kề bên nách của chồng.
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Ra công trang điểm để ai trông?
Đầu bù tóc rối ai chê trách?
điểm trang thì cũng uổng công.
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Đi làm về trễ chẳng ai mong.
Chẳng ai tựa cửa mà trông ngóng,
Thui thủi nghe sao lạnh cõi lòng….
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Lấy ai phục vụ chẳng đòi công?
Lấy ai sai bảo như đầy tớ?
Chẳng có ai hơn được quý ông.
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Nơi đâu bà trút hết cơn khùng?
Nơi đâu hứng hết cơn hờn giận?
Chịu đựng bao lời nói tứ tung.
 
Nếu thế giới này thiếu các ông,
Quý bà mắn đẻ cũng như không.
Loài người tuyệt chủng đâu còn nữa,
Nói phét cho vui có phải không?

 
Thế thì bà cũng như ông, đều cần đến nhau, đều phải tựa vào nhau, để cùng xây dựng một cuộc đời chung. Đó phải chăng chính là quy luật của muôn đời.

Gã Siêu  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.