Tiếng Lương Tâm (Phần 6) Print
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 19:52

51-  THƯ NGỎ KÍNH GỬI
ÔNG NGUYỄN ĐẠT THỊNH, CHỦ BÚT DÂN VIỆT

Thưa ông,

1. Tôi xin lỗi ông về bức thư quá đường đột này, vì tôi chưa bao giờ gặp ông; tôi chỉ được biết ông qua mấy bài ông viết. Như vậy, thật ra tôi chưa được quen biết ông đủ để gửi thư này tới ông. Nhưng vì được biết dự định của ông qua mấy bài báo, có tính cách quan trọng và khẩn trương nên tôi thấy cần gửi thư này tới ông càng sớm càng tốt. Để khỏi dài dòng mất thời giờ của ông , tôi xin vào đề ngay. Tôi được biết là ông có dự định xuất bản tờ báo lấy tên là ‘QUÂN ĐỘI’. Chỉ đọc tên báo, ai cũng biết chủ trương và đường lối của tờ báo.

2. Theo đúng nghĩa và truyền thống, Quân Đội là đoàn người được huấn luyện chuyên môn, có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, dân tộc. Trong hiện tình của người Việt di cư, Quân đội là niềm hi vọng cao độ cho những người xa quê hương ao ước được có ngày về. Quân đội là nền tảng của bất cứ đoàn thể nào có mục đích gây dựng lực lượng để một ngày giành lại Quê Hương. Quân đội là xương sống của bất cứ tổ chức, hoạt động nào của người quốc gia trong mưu đồ giải thoát quê hương khỏi ách thống trị bạo tàn của cộng sản. Quân đội là bạn của mọi người dân, phải được mọi người dân ủng hộ. Quân đội là điểm tựa của dân, là chất xúc tác làm cho các phe nhóm hoà hợp với nhau, Quân đội là của toàn dân, không phe nhóm.

Trong khối người Việt di tản, dĩ nhiên có sự bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề. Nhưng Quân đội ở trên và ở ngoài mọi cuộc tranh chấp, mọi sự chống đối nhau. Quân đội chỉ có một lý tưởng, một chủ trương. Đó là làm sao gây dựng được sức mạnh trong tinh thần quốc gia để rút ngắn ngày về. Vậy mục tiêu gần nhất của Quân đội hiện nay, theo sự hiểu biết của tôi, là liên kết mọi hàng ngũ trong hàng ngũ cựu quân nhân, mọi tầng lớp dân chúng, mọi phe nhóm để tạo được sức mạnh hòng thực hiện được đại cuộc giải phóng Quê Hương.

3. Lần trước ông đến San Jose và hợp tác với Dân Việt trong chức vụ chủ bút. Thỉnh thoảng tôi được đọc bài của ông. Tôi rất thích mộ câu ông viết trong bài phân tích nhan đề ‘Đã Đến Lúc Phải Giải Quyết Tình Trạng Bất Ổn và Bất Lợi Hiện Nay’ đăng trong Dân Việt ngày 11-6-87. Câu đó như sau: Tôi (ông Thịnh) cũng nghĩ rằng đã đến lúc mà toàn thể người Việt vùng Vịnh cần tổ chức một đại hội để nói thẳng với cả hai phe ông Bài, Thiện và phía Toà Giám Mục rằng ảnh hưởng của cuộc tranh đấu nội bộ Công Giáo đã đến mức quá bất lợi không riêng cho giáo dân mà cho tất cả mọi người Việt Nam nữa.” Tôi rất mừng thấy là trong câu này ông đã tỏ ra có thiện chí và quan tâm để tìm một giải pháp thiết thực cho tình trạng cộng đồng Việt Nam. Tôi đã hoan nghênh ý kiến của ông và viết bài ủng hộ ý kiến đó trong Chính Nghĩa số 50 ngày 27-6-87. Tôi có gửi ông một bản sao. Tôi ao ước và thúc giục ông cố tiến hành ý kiến đó. Nhưng rồi tôi thấy đề nghị của tôi đã bị tan biến trong sự im lặng của ông.

4. Sau khi rời San Jose rời Hawaii một thời gian, ông trở lại  San Jose với chức vụ cũ trong tờ Dân Việt; đồng thời ông kêu gọi đồng hương giúp đỡ ông để ra tờ báo ‘QUÂN ĐỘI’. Tôi phải thưa thật với ông: Ở địa vị chủ bút Dân Việt, làm sao ông có thể nghĩ rằng đồng hương sẽ ủng hộ ông ra tờ ‘QUÂN ĐỘI’. Ai cũng biết rằng Dân Việt là tờ báo chống lại giáo dân tranh đấu. Như vậy, ông tự đặt ông vào vị trí của người chống giáo dân,  gây phe kết phái, ngược lại với chủ trương, đường lối và mục đích của Quân Đội. Giáo dân tranh đấu rất buồn về ông và mất tin tưởng ở thiện chí và thái độ khách quan của ông, vì họ thấy rằng ngay từ lúc đầu khi mới đến San Jose, ông chưa tìm hiểu họ đủ mà ông đã có thành kiến chống đối họ rồi. Làm sao họ có thể giúp đỡ ông trong dự định mới của ông được. Có lẽ ông nghĩ là ông không cần họ. Nhưng thưa ông, trên đời này, muốn thành công ta cần có sự ủng hộ của tất cả mọi người. Cho dù ông có thể xuất bản được báo ‘QUÂN ĐỘI’ đi chăng nữa, ông cũng sẽ tự tạo cho ông nhiều người đối nghịch và vì vậy, ‘QUÂN ĐỘI’ sẽ không còn là tờ báo của toàn dân. Thiếu những điều kiện này, tôi tự nghĩ ‘QUÂN ĐỘI’ sẽ làm được gì? Tôi thấy là ông đã bước lỡ, ông đã đặt cái cày trước con trâu. Ông đã tự tách rời khỏi một số người đông đảo mà sự nhiệt thành, hăng say cho đại nghĩa Quốc Gia và Quê Hương khó mà tìm thấy ở một đoàn thể nào khác. Tôi đã nhìn thấy nơi họ sự trung thành, tình đoàn kết, hy sinh cao cả. Chắc ông cũng thừa biết là trong số giáo dân này có rất nhiều các vị cựu quân, cán, chính thuộc hầu hết mọi cấp bậc, tầng lớp. Thật uổng thấy ông tách rời khỏi họ.
Tôi không dám có lời gì khuyên ông, tôi nghĩ ông không cần lời khuyên nhủ của ai cả. Tôi chỉ xin đưa ra một vài cảm nghĩ của tôi trên đây để tuỳ ông và độc giả nhận định.

5. Tôi có đọc mấy bài chỉ trích những hành động quá khứ của ông.Tôi cũng đã đọc mấy bài ông phân trần để trả lời những bài chỉ trích đó. Thật tình, tôi chỉ đọc cho biết. Theo tôi, quá khứ của một người tuy  quan trọng nhưng không thể tuyệt đối quan trọng. Trong đạo Công Giáo chúng tôi đã có biết bao vị Đại Thánh đã có một quá khứ xấu xa: Thánh Phaolô, Đavít, Augustino, Magdalena v.v. . . Điều quan trọng là trong hiện tại, nếu những hành động của một người gây được lòng tin cậy của đồng bào thì đồng bao sẽ nghe theo và ủng hộ người đó. Muốn thành công họ phải biết làm cách nào để người dân tin mình mà không sợ bị lừa dối. Một khi được lòng tin của dân thì tôi nghĩ không có việc gì khó cả.

Người dân ta vốn tính hiền hoà, thật thà; nhưng sau bao nhiêu lần bị lường gạt, đã trở nên đa nghi. Vì vậy, lấy được lòng tin của dân không phải là một điều dễ. Họ bắt đầu dùng trí suy nghĩ và nhận định phải, trái, không vội vàng nghe đâu tin đó. Trước kia họ dễ tin bao nhiêu thì nay họ dè dặt bấy nhiêu. Đó là một thái độ trưởng thành và đúng đắn.

6. Tôi đưa ra mấy ý kiến trên đây với tất cả lòng thành thực. Tôi chắc là nhiều người cũng có ý kiến như tôi. Tôi không có ẩn ý gì cả. Tôi tin rằng, hiện nay ông cũng như tôi và toàn thể đồng bào hải ngoại của ta đang khao khát tìm được những vị tài ba, đức độ đứng ra lãnh đạo để đồng bào biết đoàn kết, gạt bỏ mọi hiềm thù, biết thương yêu nhau, gây thành sức mạnh, bảo tồn được những gì quý giá của Quê Hương, Dân Tộc, mặc dù phải sống nhờ ở đậu nơi quê người, chờ ngày được trở về Quê Hươg yêu quý trong tự do, an bình.

Trân trọng chào ông.

Kính thư,


Đỗ Văn Hiến
761 Lottie St.
Monterey, SA 93940
Ngày 16-10-87

 

52-  LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA ÔNG TRƯƠNG TIẾN ĐẠT

Đây là thời gian mà tâm tư người Việt chúng ta bị giao động rất nhiều, vì sự chống đối giữa người Việt với nhau. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, thêm vào đó bây giờ chúng ta lại bị hoang mang, day dứt về những điều mắt thấy tai nghe, vì không biết đâu là thực, đâu là hư. Riêng với người Việt thì đây còn là một điều nguy hiểm nữa, vì bản tính của người mình dễ tin, vì thế mà có nhiều người đã có tâm trạng lợi dụng, lung lạc những người có lòng trí yếu ớt, không suy nghĩ, nghe đâu tin đó.

Tôi còn nhớ dịp di cư năm 1954 từ Bắc vào Nam, có rất nhiều người trên đường đến Hải Phòng để đáp tàu Mỹ vào Nam đã bị cộng sản chận lại tuyên truyền. Chúng nói, “Đồng bào đừng tin Mỹ. Chúng nó khám thấy mắt người nào tốt, nó sẽ tiêm thuốc mê rồi khoét mắt, ướp lạnh đưa về  Mỹ để thay cho những người Mỹ bị hỏng.” Thế mà cũng có nhiều người tin, quay trở lại.
Ngày nay người Việt mình đã cảnh tỉnh nhiều. Tuy vậy, vẫn còn có người dễ tin. Tôi xin trình bày mấy trường hợp điển hình sau đây với luận điệu xuyên tạc mà ông Trương Tiến Đạt thường hay sử dụng. Ai thiếu suy nghĩ sẽ bị lừa.

Trong bài nói chuyện nhan đề ‘Cuộc biến loạn tại San Jose’ của ông Đạt tại Civic Auditorium, San Jose, ngày 6-9-87 (được đăng trong Tín Hữu số 28 ngày 20-9-87) có nhiều sự xuyên tạc mà nếu không tinh ý thì dễ bị lừa, tin theo. Sau đây là một vài ví dụ:

1. Ông Đạt đã nói, “Trong báo Chính Nghĩa ngày 25-7-87 vừa qua, Ông Bài đã nhái chữ GOD là Thiên Chúa thành chữ DOG là chó.” Ông Đạt nói tiếp, “Thật là không thể nào tưởng tượng được mối hận thù của ông Bài đối với Thiên Chúa nó sâu đậm đến thế nào mà ông phải lôi Chúa ra để gọi là chó.” Tôi đã đọc bài của ông Đốc Gàn viết mà ông Đạt cho là của ông Bài trong số báo Chính Nghĩa nói trên, tôi không thể nào hiểu được tại sao ông Đạt lại có thể cắt nghĩa  như thế. Tôi nghĩ rằng chỉ người nào có óc lệch lạc, có định kiến, thù ghét ông Bài thì mới có thể xuyên tạc trắng trợn như thế được. Tôi xin trích lại đoạn văn đó trong bài của Đốc Gàn để độc giả nhận định.

Đoạn văn đó như sau:

“Một cụ khác nói:

- Cụ Đốc biết không. Đời thuở nào mà Đức Cha đem cho và cảnh sát vào nhà thờ để đàn áp giáo dân. Nhà thờ của Chúa chứ đâu phải của chó.
Anh thanh niên có bộ ria mép, ném điếu thuốc lá đang hút dở dang xuống sàn nhà và lấy chân di thật mạnh, với vẻ giận dữ:

- Chó vào nhà thờ là Chúa phải ra đi. Tiếng Anh Chúa là God và chó là Dog. Đức Cha đã đổi ngược GOD thành DOG. Cụ thấy ông Đức Cha này có thật là tệ tình không?

Đọc đoạn này, tôi thấy là hai giáo dân (đối thoại với nhau trong bài này) đã tỏ sự phẫn nộ đến tột cùng đối với hành động vô cùng sai quấy của ĐGM, vì họ thấy ĐGM đã tục hoá Thánh Lễ. ĐGM đã cho chó vào nhà thờ. Như vậy là ĐGM đã làm ô uế nhà Chúa. Chúa không thể dung túng hành vi phạm thánh này của ĐGM, nên “Chó vào nhà thờ là Chúa phải ra đi.”

Tôi đã hiểu đoạn văn này như thế và nếu độc giả bình tĩnh nhận định thì sẽ nhận thấy sự bực tức cùng cực của hai giáo dân nói trên đối với hành động phạm thánh của ĐGM. Anh thanh niên này đã hậm hực trách ĐGM là Ngài đã coi thường Chúa, là Ngài đã đổi ngược GOD thành DOG, chứ đâu có phải anh thanh niên này gọi God là Dog như ông Đạt đã xuyên tạc. Tôi thấy ý tưởng này rất rõ ràng mà sao ông Đạt lại cố tình vu cho tác giả là chửi Chúa. Tôi nghĩ đây là một trường hợp phạm pháp của ông Đạt đối với Ông Bài vì ông Đạt đã vu cáo Ông Bài với ác ý làm hại thanh danh ông Bài. Ai mà tin được ông Đạt.

2. Một ví dụ khác về sự xuyên tạc và ác ý của ông Đạt:

Ông Đạt đã cố tình mập mờ đánh lận con đen khi ông nói về bài ‘Nước Mắt Vong Bản’ của tác giả Lương Sĩ Hiệp đã đăng trong báo Đông Phương News, chống lại bài ‘Nước Mắt Đầy Máu’ của báo Dân Chúa. Báo Chính Nghĩa đã phải đăng lời minh xác quan trọng của toà soạn là “. . . Tuy nhiên, đăng lại bài ‘Nước Mắt Vong Bản’ không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn đồng ý hết với mọi quan điểm và lập luận của tác giả Lương Sĩ Hiệp . . .” Rõ ràng là bài đó chẳng những không phải của Chính Nghĩa mà Chính Nghĩa còn không hoàn toàn đồng ý với tác giả bài đó. Thế mà trong bài nói chuyện ở Civic Auditorium, Ông Đạt đã vu cho là bài đó của Chính Nghĩa. Tại sao ông Đạt lại cố tình xuyên tạc như vậy? Ai mà tin được ông Đạt.

Những điều hiển nhiên trên giấy trắng mực đen, có bằng chứng rõ ràng vậy mà ông còn xuyên tạc, bịa đặt thì thử hỏi những điều khác ông nói xấu về giáo dân và những người ông không ưa, không có xuất xứ, không có bằng chứng thì nó vô nghĩa và gian dối đến đâu? Ai mà tin được ông Đạt.

Với trí óc lệnh lạc, tự phụ, chủ quan của ông, thảo nào ông đã viết những điều không thể tha thứ được về Giáo Hội Công Giáo, chẳng hạn ông quả quyết là các Đức Giáo Hoàng, qua Công Đồng Vatican II, có chủ trương phá tan Giáo Hội Công Giáo (CGTL số 7, tháng 11-86). Trời ơi! Đức Giáo Hoàng có chủ trương phá tan Giáo Hội Công Giáo sao? Có ai hiểu được sự quyết đoán ghê sợ này của ông Đạt không? Chỉ có kẻ rối đạo mới nghĩ như thế. Thảo nào mà ông không coi lề luật của Giáo Hội ra gì cả. Ông cứ gào thét là giáo dân tranh đấu chống phá Giáo Hội, nhưng thực sự ông mới là người chống phá Giáo Hội bằng lời nói và việc làm của ông. Ông thử đọc lại những lời ông viết về Giáo Hội, về Đức Giáo Hoàng và nhìn lại đời sống của ông xem có hợp với luật Giáo Hội không. Một người như ông không có tư cách nói về Giáo Hội nữa. Ông càng nói về Giáo Hội, về giáo dân bao nhiêu thì người ta càng thấy sự sai lầm và ác ý của ông bấy nhiêu. Ai mà tin được ông Đạt được nữa?

Monterey ngày 10-10-87

53-  CHỨC VỤ CHÁNH XỨ CỦA CHA DƯƠNG ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG KHÔNG HỢP GIÁO LUẬT

Kể từ ngày được “tấn phong” chánh xứ Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, San Jose 16-8-86, Cha Dương đã bị giáo dân chống đối quá mãnh liệt đến nỗi ngay trong ngày tấn phong, ĐGM đã cho cảnh sát và chó săn đến tràn ngập trong, ngoài nhà thờ để đàn áp giáo dân chống đối. Trước đó vào khoảng ba tuần (21-7-86) cảnh sát và một số chức vị của Toà Giám Mục hộ tống Cha Dương về nhận nhiệm sở ở Họ Đạo hai lần, nhưng đã bị giáo dân ngăn chận, đẩy ra. Biến cố này đã xảy ra một cách rất quyết liệt khiến nhiều người đã phải kêu lên rằng trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu chưa bao giờ có một vụ Cha Sở về nhậm xứ mà bị giáo dân chống đối như vậy (CN số 4, ngày 26-7-86). Là giáo dân VN, ai cũng đã có lần tham dự hoặc chứng kiến cảnh Cha Sở cũ ra đi giữa sự thương tiếc bùi ngùi của giáo dân và cảnh đón tiếp Cha xứ mới với niềm vui mừng náo nhiệt của tất cả con chiên trong xứ. Tình nghĩa giữa chủ chiên và con chiên nó đậm đà quyến luyến và tưng bừng vui vẻ đầy tình người như vậy là vì chủ chiên thực lòng thương con chiên và con chiên thực lòng kính mến chủ chiên.

Vụ Cha Dương về nhậm chức ở Họ Đạo VN, San Jose đã hoàn toàn ngược lại truyền thống, phong tục quý giá của giáo dân VN. Nguyên nhân của biến cố này đã quá hiển nhiên, không còn ai không biết nữa. Sự chống đối này đã kéo dài hơn một năm trời rồi và chắc chắn sẽ còn kéo dài mãi, nếu không có một giải pháp thích hợp.

Theo giáo luật điều 1740 về lý do thuyên chuyển các vị Linh Mục coi xứ, thì đáng lẽ Cha Dương đã bị thuyên chuyển khỏi chức vụ chánh xứ từ lâu rồi. Nhưng tới nay Ngài vẫn còn được ĐGM giữ ở chức vụ đó. Tôi nghĩ đây là một tình trạng không hợp giáo luật. Tôi xin trích dịch giáo luật điều 1740 để độc giả nhận định. Điều 1740 qui định rằng:

“Khi việc mục vụ của một Linh Mục coi xứ, vì lý do nào đó, đã trở nên có hại hay ít nhất đã trở nên vô hiệu thì, dù không phải do lỗi nghiêm trọng của vị đó, vị đó cũng có thể được ĐGM coi địa phận thuyên chuyển ra khỏi xứ đạo” (When the ministry of any parish priest has for some reason become harmful or at least ineffective, even though this occurs without any serious fault on his part, he can be removed from the parish by the diocesan Bishop. – The Code of Canon Law, Collins page 308).

Việc Cha Dương trong chức vụ chánh xứ đã gây ra biết bao điều bất lợi, thù hằn, chia rẽ giữa những người trong gia đình, trong họ đạo, trong cộng đồng; và đã quá hiển nhiên là việc mục vụ của Cha chẳng những đã trở nên vô hiệu mà còn có hại nữa. Theo giáo luật điều 1740, ĐGM không còn lý do để giữ Cha trong chức vụ chánh xứ nữa.

Trong Bản Thông Cáo chung ngày 5-87 của ĐGM và hai ông Thiện, Bài có đoạn viết về Cha Dương như sau:

“Ngài (ĐGM) đã cẩn thận duyệt xét lại những điều phản đối và những ý kiến do ông Bài và ông Thiện trình bày một cách rõ ràng, liên quan đến việc bổ nhiệm Cha Phaolô Dương. ĐGM cũng đã duyệt xét lại lý do riêng của Ngài về việc bổ nhiệm đó. Ngài không tìm thấy bằng chứng nào để nghi ngờ khả năng và quyết tâm của Cha Dương để phục vụ giáo dân và chiếm được lòng kính trọng, sự tín nhiệm và sự hợp tác của họ, nếu Cha được tự do thi hành chức vụ.”

Những nhận định của ĐGM về Cha Dương trên đây không có gì phù hợp với giáo luật điều 1740 cả. Có thể Cha Dương có khả năng và quyết tâm để phục vụ giáo dân. Nhưng có một sự ngăn trở rõ rệt là giáo dân chống đối Cha trong chức vụ chánh xứ của họ (dĩ nhiên giáo dân có lý do để chống đối Cha, mặc dù ĐGM, vì “lý do riêng của Ngài”, không muốn biết lý do của giáo dân) và như vậy việc mục vụ của Cha Dương đã rõ rệt trở nên vô hiệu như đã được chứng minh bằng sự giáo dân chống đối Cha mãnh liệt hơn một năm nay. Xin phép quý vị để tôi nhắc lại lời lẽ trong Giáo luật điều 1740. Điều 1740 không hề đề cập đến khả năng hay quyết tâm của vị Linh Mục coi xứ mà chỉ nói đến “việc mục vụ của vị đó, vì lý do nào đó, đã trở nên có hại hay ít nhất đã trở nên vô hiệu thì, dù không phải do lỗi nghiêm trọng của vị đó, vị đó cũng có thể được ĐGM thuyên chuyển ra khỏi xứ đạo.” Trong phần chú giải tác giả còn nói một cách quả quyết như sau: “Cho dù việc thuyên chuyển này bao hàm một ý nghĩa bất lợi đi chăng nữa thì nguyên lý căn bản của thủ tục thuyên chuyển này cũng phải được áp dụng một cách dứt khoát, nghĩa là: ĐGM nên tìm một cách thích hợp để đem lại lợi ích cho các linh hồn. Do đó, điều 1740 qui định việc thuyên chuyển vị chánh xứ ngay cả khi vị chánh xứ này không có lỗi gì về việc mục vụ không hữu hiệu của mình.” (Đọc The Cannon Law: A Text And Commentary, page 1036).

Ta thấy rõ là Giáo Hội vô cùng quan tâm đến lợi ích và phần rỗi các linh hồn hơn bất kỳ một sự gì. Sự quan phòng của Giáo Hội thật là sáng suốt và lòng thương của Giáo Hội thật là chính thực.

Sau khi hiểu rõ Giáo luật điều 1740 rồi thì ta thấy là việc ĐGM còn giữ Cha Dương trong chức vụ chánh xứ Họ Đạo là không hợp với Giáo luật. Dù ĐGM có đưa ra lý lẽ gì đi nữa để bênh vực khả năng và quyết tâm của Cha Dương, nó vẫn không ăn nhập gì với điều 1740; vì theo điều luật này chỉ cần một lý do mà thôi để cho một vị Linh Mục coi xứ phải thuyên chuyển, đó là “việc mục vụ của vị đó không còn hữu hiệu nữa”. Ai cũng biết lý do trực tiếp của cuộc khủng hoảng trong cộng đồng giáo dân VN, San Jose hiện nay là vì sự bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ Họ Đạo. Như vậy thì làm sao việc mục vụ của Ngài còn có thể hữu hiệu được đối với giáo dân trong Họ Đạo?

Thật ra điều ngăn trở hiện nay của ĐGM trong việc giải quyết vấn đề Cha Dương không phải là do giáo dân gây ra, nhưng là do lòng tự ái của Ngài quá cao. Tuy vậy, trách nhiệm của vị chủ chiên đòi ĐGM phải đặt lợi ích và phần rỗi linh hồn của giáo dân trên tự ái của Ngài.

Trong suốt cuộc biến động này Ngài đã ỷ vào quyền lực của Ngài quá nhiều để đến nỗi gây ra bao nhiêu đau khổ, thiệt hại cho con chiên. Đã đến lúc Ngài nghĩ lại và dùng tình thương mà cảm hoá lòng người. Lịch sử cổ kim đã cho ta thấy rằng: nếu chỉ dùng quyền lực mà trị dân thì sẽ gây ra loạn lạc, nếu lấy đức mà cảm hoá lòng dân thì người dân sẽ được an cư lạc nghiệp, thái bình thịnh trị.

Nếu Cha Dương không tìm được cách nào để thay đổi được những cảm nghĩ của giáo dân đối với Cha thì việc mục vụ của Cha không thể nào đem lại lợi ích cho giáo dân được. Như vậy, xét về cả hai phương diện tình và lý ĐGM chỉ còn cách dứt khoát với Cha để đem lại bình an cho Họ Đạo, cho cộng đồng, cho địa phận và cho Giáo Hội. Ai cũng sẽ cảm phục lòng đại lượng và biết ơn Đức Giám Mục.

Trong bài trước (CN số 16) tôi đã có dịp trình bày là theo Giáo Luật điều 1740, chức vụ chánh xứ của Cha Dương đang ở trong tình trạng không hợp Giáo Luật. Lý do là việc mục vụ của Cha không còn hiệu quả đối với cộng đồng giáo dân VN trong Họ Đạo nữa; và vì lợi ích cho phần rõi các linh hồn (điềuquan trọng nhất đối với Giáo Hội) Cha Dương phải được thuyên chuyển ra khỏi Họ Đạo.

Trong bài này tôi xin trình bày về giáo luật điều 1741 (The Code of Canon Law, Collins p.308) nêu ra những lý do chính làm cho việc mục vụ của vị Linh Mục coi xứ trở nên vô hiệu, và vì thế vị đó phải được thuyên chuyển. Điều  1471 đưa ra 5 lý do này cũng đủ để vị Linh Mục coi xứ bị cất chức rồi. Trong 5 lý do này, tôi nghĩ là Cha Dương đã vướng vào 3, còn hai lý do kia (4 và 5) liên hệ đến việc hành chánh trong xứ đạo, nên xin miễn nói đến.
Sau đây là 3 trong 5 lý do được nêu ra trong điều 1471:

1. Cách hành động (của vị LM) gây tổn hại hoặc xáo động trầm trọng cho cộng đồng dân Chúa (A way of acting which is gravely detrimetal of disturbing to the ecclesial community);

2. Sự thiếu khả năng thích hợp hoặc sự đau yếu vĩnh viễn về tinh thần hay thể xác làm cho vị đó không thể làm tròn nhiệm vụ được (Ineptitude or permanent illness of mind or body  which makes the parish triest unequal to the task of fulfilling is duties satisfactorily);

3. Vị đó mất tiếng tốt đối với những giáo dân ngay thẳng, đứng đắn hoặc bị giáo dân có ác cảm; và nguời ta có thể thấy trước là những điều này sẽ không chấm dứt trong một thời gian ngắn (The loss of the parish priest’s good name among upright and serious-minded parishioners or aversion to him, when it can be foreseen that these factors will not quickly come to an end).

Về lý do thứ nhất: cách hành động gây tổn hại hoặc xáo động trầm trọng cho cộng đồng giáo hữu. Ai cũng đã nhìn thấy sự kiện này trong quá trình tranh đấu của giáo dân trên một năm nay rồi. Những hành động của Cha Dương trước và sau khi cuộc tranh đấu xảy ra, đã là nguyên nhân gây ra sự xáo động nghiêm trọng trong cộng đồng dân Chúa. Những hành động của phe nhóm Cha đã cố tình khiêu khích giáo dân trong các Thánh Lễ để cho Đức Giám mục sùng làm cớ cấm các Thánh Lễ tiếng Việt và các phép bí tích, gây tổn thương cho sự giữ đạo của giáo dân. Như vậy, việc mục vụ của Cha chẳng những không có lợi ích gì cho giáo dân mà lại còn gây ra bao nhiêu thiệt hại cho cuộc sống đạo của giáo dân nữa. Trong lời chú giải về lý do thứ nhất này có đoạn như sau:

“Đức Giám mục cố gắng bổ nhiệm một vị chánh xứ thích hợp (a suitable pastor) để tiến hành sứ mệnh của Giáo Hội và tăng triển sự hiệp thông sẵn có. Khi sự hiệp thông của giáo hữu bị tổn thương trầm trọng vì hành vi của vị chánh xứ thì sứ mệnh của Giáo Hội mà vị đó được thụ phong để phục vụ cũng bị tổn thương như vậy; do đó làm cho việc mục vụ của vị Linh Mục trở nên tai hại.” (The Code of Canon Law: A Text Amd Commentary, page 1037).  Điều đó đã đủ lý do để thuyên chuyển vị LM đó.

Về lý do thứ hai: Sự thiếu khả năng thích hợp . . . làm cho vị đó không thể làm tròn nhiệm vụ được. Điều này lại còn hiển nhiên hơn nữa; vì nếu Cha Dương có khả năng thích hợp với Họ Đạo thì làm gì có chuyện “No Fr. Duong” hơn một năm nay rồi. Về điểm này, người chú giải trong ‘The Code of Canon Law: A Text And Commentary’, trang 1036 đã bình luận như sau:
“Khả năng của vị Linh Mục coi xứ có thích hợp hay không, điều đó tuỳ thuộc vào trường hợp của xứ đạo: đặc tính của giáo dân trong xứ, số giáo dân nhiều hay ít và những chương trình của xứ đó . . .” Trong một đoạn khác tác giả nói tiếp: “Có thể một Linh Mục không có khả năng thích hợp với một xứ, nhưng lại có khả năng thích hợp với một xứ khác.” (trang 1038). Đó cũng là lý do để thuyên chuyển vị LM đó. Điều này làm tôi nhớ lại trong một cuộc họp báo ĐGM đã tuyên bố là Ngài thấy Cha Dương có khả năng phục vụ đắc lực khi Cha giúp xứ Mỹ. Rất có thể như vậy; nhưng đối với Họ Đạo VN thì sự chống đối Cha đã chứng tỏ rõ rệt là Cha không có khả năng thích hợp cho việc mục vụ ở Họ Đạo. Vậy ĐGM nên để Cha Dương giúp xứ Mỹ. Như thế là hợp với cách làm việc của Giáo Hội, có ích lợi cho mọi người, và tránh được xáo động trong cộng đồng, tránh được tiếng xấu cho Cha Dương, cho ĐGM, tránh được đau khổ cho Giáo Hội, và hợp Giáo luật. Một điều hợp tình, hợp lý như vậy mà sao ĐGM không muốn làm, nếu thật tình Ngài không muốn đồng hoá giáo dân VN vào các xứ Mỹ.

Về lý do thứ ba: Vị Linh Mục mất tiếng tốt và bị giáo dân có ác cảm. Hai lý do trên đã rõ về trường hợp của Cha Dương nhưng lý do thứ ba này rõ rệt hơn cả. Đối với giáo dân VN Cha Dương chẳng những đã mất tiếng tốt lại còn mang tiếng xấu nữa. Ngài đã bị tiếng xấu trước khi cuộc tranh đấu xảy ra; vì vậy giáo dân mới chống Cha quyết liệt như đã trình bày ở trên và trong bài trước. Tôi chỉ nhắc lại một vài việc xảy ra gần đây làm ví dự đã làm cho Cha mang tiếng xấu và làm cho giáo dân có ác cảm với Cha:

Việc Cha cho đăng bức tâm thư của Cha Tịnh thổ lộ tâm tình thầm kín với Cha đã làm cho giáo dân thấy Cha là người bất trung, bất tín. Giáo dân không thể nào tín nhiệm được Cha.  Một người thuờng mà có hành động bất tín này còn đáng cho mọi người khinh chê, bạn bè xa lánh, huống chi là một vị chủ chiên thì còn đáng ghê sợ đến đâu. Con chiên nào dám tin cậy mà bàn việc linh hồn, việc gia đình, việc vợ chồng với Cha nữa. Hành động này tỏ ra tư cách quá tầm thường, trí phán đoán quá kém cỏi của Cha Dương. Thêm vào đó Cha lại tỏ ra thái độ tự phụ đáng ghét khi Cha trả lời phóng viên của báo The Catholic Voice, ngày 25-5-87 về bức thư Cha Tịnh là “Tôi đã tha thứ cho Cha Tịnh rồi”. Câu trả lời đầy vẻ kiêu căng này không xứng đáng với đức độ của một vị Linh Mục. Tôi rất buồn phải dùng những lời lẽ chê bai cho bất cứ ai, huống chi là cho một LM. Thật là một điều bất đắc dĩ; nhưng khi tranh luận thì miễn cưỡng phải nói ra.

Sự ác cảm của giáo dân đối với Cha Dương  càng tăng thêm khi họ biết là Cha đã cố vấn cho ĐGM cấm Thánh Lễ, cố vấn cho Cha Sullivan cấm cản các Cha VN ngoài giáo phận San Jose không được nhận lời mời của giáo dân đến làm Lễ, cấm Cha Tân không được đến giải tội cho giáo dân; Cha còn gọi giáo dân là cộng sản. Như vậy thì tuyệt đường nhân nghĩa rồi còn gì. Làm sao việc mục vụ của Cha còn có hiệu quả đối với giáo dân. Như vậy ĐGM không còn lý do để giữ Cha trong chức vụ chánh xứ.

Trong  lý do thứ ba còn ghi một điểm nữa đòi sự thuyên chuyển là “khi thấy chấm dứt trong một thời gian ngắn.” Tác giả chú giải rõ thêm: “Nếu điều trên đây kéo dài quá 6 tháng thì đó là lý do để thuyên chuyển vị LM đó (trang 1038). Sự chống đối Cha Dương đã kéo dài chẳng những qua 6 tháng mà còn quá cả năm trời rồi, và vẫn chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Ta thấy là theo giáo luật điều 1740, 1741 thì Cha Dương phải được thuyên chuyển khỏi chánh xứ Họ Đạo VN từ lâu lắm rồi. Vậy việc Ngài còn giữ chức vụ chánh xứ Họ Đạo hiện nay là một việc trái với Giáo Luật. Giáo dân đang phải chịu sự bất công về quyền lợi cũng như về cách thi hành Giáo Luật bởi Đức Giám Mục.

Để kết luận, tôi chỉ còn biết nói rằng: Là giáo dân, con Giáo Hội, con Thiên Chúa, ta chỉ còn cách phải kiên nhẫn, đoàn kết, hy sinh và cầu nguyện nhiều để nhờ bàn tay Thiên Chúa can thiệp đem lại công bình và bằng an cho cộng đồng. Mặc cho ai trái giáo luật, mặc cho ai điêu ngoa, bịa đặt, chụp mũ, vu khống cho chúng ta, chúng ta cũng cứ một mực tôn trọng luật pháp đạo, đòi và giữ nhân cách của ta. Kẻ chống phá ta sẽ phải hổ thẹn vì hành vi thấp hèn, lời lẽ tục tĩu; diễu cợt hạ cấp, trơ trẽn và bỉ ổi của họ.

Tôi đề nghị là Cha Dương và những người bên Cha hãy gặp những đại diện giáo dân (chống Cha Dương) trên Tivi để tranh luận về những điều họ viết và nói từ trước đến nay, để mọi người VN nói chung và giáo dân VN nói riêng đuợc thấy rõ lập trường và quan điểm của họ. Tôi nghĩ đây là một đề nghị rất xây dựng; không ai có thể từ chối được.


 

54-  HOÀ GIẢI VÀ HOÀ BÌNH

 ‘Hoà giải’, hai chữ đẹp đẽ biết bao, nhưng cũng mong manh và khó khăn biết bao!

Gia đình là đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, là nơi có nhiều tình thương nhất; thế mà còn thường xảy ra những chuyện bất hoà. Một đôi khi chính những người trong gia đình cũng không hoà giải được với nhau. Nhưng nếu họ có thiện chí, họ thường tìm đến các vị linh hướng, các vị cố vấn gia đình hay các vị chuyên môn về tâm lý để nhờ các vị này giúp đỡ. Tuy vậy, không phải lúc nào hoà giải cũng thành công. Nếu hoà giải không thành công thì gia đình tan vỡ, vợ chồng ly tán, có khi còn oán thù hại nhau – như câu thơ Kiều: “Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi.” – con cái bơ vơ lạc lõng; anh em từ bỏ nhau, coi nhau không bằng “người dưng nước lã” Cái cảnh đau buồn này ta vẫn còn thấy xảy ra hàng ngày trước mắt ta. Ngay giữa những người thân yêu trong gia đình, họ hàng, mà hoà giải có khi còn khó khăn như vậy huống chi trong các đoàn thể, phe nhóm, tổ chức trong xã hội hoặc giữa các quốc gia. Chúng ta còn nhớ cuộc “Hoà đàm Ba-lê” và chiến tranh Việt Nam. Nguyên chỉ về hình dáng cái bàn dùng trong hội nghị (vuông, tròn, bầu dục, chữ nhật) mà cũng kéo dài cả mấy tháng trời mới đồng ý với nhau được.

Tuy khó khăn nhưng ai cũng cần, cũng muốn hoà giải; vì không có hoà giải thì không có hoà bình là điều quan trọng nhất trong đời sống con người. Ta có thể nói, có hoà bình là có mọi sự, không có hoà bình là thiếu mọi sự. Trong các giải thưởng Nobel hằng năm, người lãnh giải về hoà bình được ngưỡng mộ nhất. Trong bài giảng trên núi, Chúa chúc lành cho người đem lại hoà bình: “Phúc cho kẻ làm cho người hoà thuận . . .” Sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các Tông Đồ, lời đầu tiên Chúa nói với các Ngài là “Bình an cho chúng con”. Trong Thánh Lễ, lời duy nhất mà giáo dân nói với nhau là chúc bình an cho nhau. Lời cuối cùng vị Chủ Tế Thánh Lễ nói với giáo dân là “Chúc Anh chị em về Bình An”.

Trong mọi cuộc tranh đấu lớn nhỏ, phương cách tốt đẹp nhất là đem lại hoà bình là hoà giải. Trong suốt cuộc tranh đấu của giao dân San Jose, hết mọi nguời từ mọi phía, mọi cấp bậc đều mong, khao khát hoà giải. Sau bao nhiêu gian lao cay đắng, bây giờ ta mới tiến tới được giai đoạn hoà giải. Hai chữ ‘HOÀ GIẢI’ đang ở trong tầm của ta (chữ ‘ta’ tôi dùng ở đây có nghĩa bao gồm hết mọi người liện hệ trong cuộc tranh đấu, từ ĐGM, các Cha đến giáo dân). Ta phải cẩn thận đừng để nó vuột khỏi tay ta; vì một khi nó đã đi thì khó mà trở lại nữa. Có người nào ly dị rồi mà còn trở lại lấy nhau không? Hiếm lắm.

Hoà giải đòi hỏi nhiều cố gắng, kiên nhẫn, hy sinh và tài năng. ĐGM đã khôn ngoan trong việc mời hai ông Thiện, Bài tham dự uỷ ban hoà giải và mọi người đều vui mừng khi thấy hai ông đã nhận lời. Đó là một trách nhiệm rất nặng nề. Tất cả chúng ta phải cầu nguyện, đem hết khả năng để giúp cho công việc của quý vị trong ban hoà giải được đỡ phần gay go, khó khăn ngõ hầu đạt được thành công.

Cuộc tranh đấu này sẽ đi vào lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội địa phương, cộng đồng tỵ nạn VN nói chung và cộng đồng Công Giáo VN nói riêng. Mọi công việc, lời nói, hành động của những người liên hệ sẽ bị lịch sử phán đoán, công luận kiểm xét, phê phán. Phải nhìn xa trông rộng mới khỏi bị nhầm lẫn. Phải hành động ở ngoài vòng xúc cảm mới khỏi bị sai lầm. Phải vượt ra ngoài ảnh hưởng của mọi khuynh hướng nhất thời mới tránh khỏi phạm lỗi. MỘT KHI TRANG SỬ ĐÃ VIẾT THÌ KHÔNG XOÁ ĐI ĐƯỢC.
Biết bao nhiêu nguời vì đã không có ý thức lịch sử nên đã vấp phạm những lỗi lầm lịch sử. Ngày nay, nhìn lại, cuộc biến loạn lật đổ nền đệ nhất Cộng Hoà, ai cũng buồn tiếc cho dân tộc ta và nhận thấy là những kẻ chủ mưu đã lầm lỗi nhiều; vì lúc đó những kẻ có trách nhiệm trong biến cố này đâu có biết mở mắt nhìn xa trông rộng để biết được sự tai hại của việc họ làm. Họ không ý thức được lịch sử. Họ chỉ nghĩ đến bản thân họ, tư lợi của họ mà quên mất lợi ích của Quốc Gia, Dân Tộc. Thời gian qua mau. Nay những kẻ đó còn đâu! Nhưng lịch sử đã ghi tên tuổi và hành động của họ vĩnh viễn muôn đời cho các thế hệ mai sau phê phán.

Về phần Giáo Hội ta, vụ án Galilêo đã hơn một lần được nhắc lại trong báo Chính Nghĩa để nhắc nhở cho những Đấng có uyền và cho chính ta phải thận trọng tránh những lỗi lần tai hại cho Giáo Hội và cho chính bản thân ta. Nếu Giáo Triều thời đó biết nhìn xa trông rộng, vượt ra ngoài vòng ảnh huởng của những kẻ xu nịnh hoặc những kẻ có quyền thế thì ngày nay Giáo Hội đâu có bị vết nhơ đã đi vào lịch sử và không có thể tẩy xoá được. Ngày nay, nghĩ lại ai mà không buồn tiếc cho lỗi lầm đó của Giáo Hội.

Hiện nay giáo dân VN, Toà Giám Mục San Jose đang trải qua một biến cố lịch sử quan trọng cho đời sống mỗi người. Đức Giám Mục Du Maine, các Cha, Cha Dương, các người lãnh đạo các phe nhóm, những người liên hệ đều sẽ đi vào lịch sử. Chúng ta phải tỉnh táo và ý thức được việc làm của ta để rồi sau này chính ta và các thế hệ mai sau, khi nhìn lại cuộc tranh đấu này, chẳng những không hổ thẹn vì ta đã tránh được lầm lỗi mà còn hãnh diện về hành động đúng đắn, ngay thẳng, khôn ngoan của mình trong biến cố lịch sử này.

55-  CỰU CHIẾN BINH MỸ VÀ GIÁO DÂN VIỆT SAN JOSE

Chiến tranh Việt Nam đã làm cho nước Mỹ chia rẽ trầm trọng, từ các ngành, các sở, các cơ quan trong chính phủ đến các tầng lớp trong dân chúng, nhất là những năm cuối cùng của chiến tranh.

Nhiều cuộc xô xát có khi đẩm máu đã xảy ra giữa hai phe phản đối và ủng hộ chiến tranh. Người Mỹ đã phải công nhận là chưa bao giờ dân Mỹ bị chia rẽ như vậy kể từ thời kỳ nội chiến (1861 – 1865).

Trong bài tôi không dám bàn về nguyên nhân và tính chất của cuộc chiến tranh này vì đấy là công việc của sử gia. Tôi chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh di sản của chiến tranh. Đó là thái độ khinh dễ của một số người Mỹ đối với cựu chiến binh Mỹ tham dự cuộc chiến tranh này.

Trong các cuộc chiến khác: Thế chiến I, Thế chiến II, chiến tranh Cao Ly; khi người chiến binh Mỹ về nước, họ được tiếp đón nồng hậu. Có những cuộc diễn hành từ quận hạt đến các thành phố lớn để ca ngợi lòng dũng cảm của họ, để tri ân họ, gọi họ là những người con yêu quý nhất của đất nước. Nhưng khi người chiến binh Mỹ từ cuộc chiến tranh VN về, ngược lại, họ bị đối xử rất tàn nhẫn. Các chiến binh này đã bị khinh dễ, xa lánh, bị kỳ thị về công ăn việc làm; có người còn bị nhổ vào mặt bởi những người Mỹ phản chiến quá khích (Đọc Wounded Men, Broken Promises, by Robert Klein, Page 266).

Thử hỏi những người chiến binh này đã làm gì sai trái để đáng bị đối xử như vậy? Xét về mọi phương diện luật pháp và bổn phận công dân, họ có làm gì khác với những chiến binh trong các cuộc chiến tranh khác? Nhiệm vụ của họ là phải tuân theo pháp luật. Họ phải làm theo lệnh của vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của họ là Tổng Thống. Tại sao dân Mỹ lại đối xử với họ một cách bội bạc chỉ vì họ đã tuân theo pháp luật? Đó là một điều thật vô lý của người Mỹ.

Hãy đem hiện tượng này so sánh với hiện tượng giáo dân Việt Nam, San Jose đang tranh đấu cho quyền lợi của mình chống lại sự bất công mà họ phải chịu. Họ có làm gì sai đâu. Vì nếu họ sai thì chắc chắn Toà Thánh đã răn đe và bắt họ phải bỏ cuộc tranh đấu này rồi. Họ đã tuân theo giáo luật. Họ đang làm theo những lời dạy bảo của đương kim Giáo Hoàng là phải tranh đấu chống lại mọi sự bất công để “cố giữ gìn những phong tục, tập quán cổ truyền, những lễ nghi đạo giáo của quê hương”, để mưu ích cho sự giữ đạo của họ, của gia đình và con cháu họ.

Cũng như các chiến binh Mỹ, họ bị một số người chống đối, kỳ thị. Cái cảnh ô nhục của cảnh sát Milpitas bắt giữ giáo dân và dùng bút chì mờ vẻ vào mặt mũi, thân thể họ là một hành động kỳ thị, đàn áp, dã man; là một vết nhơ trong lịch sử của một cơ quan công lực. Sự a-dua của một số đồng hương đầy tự ti mặc cảm, xu nịnh kẻ có quyền thế để bôi nhọ, chụp mũ giáo dân là một hành động hèn hạ, làm nhục cho truyền thống dân tộc VN. Giáo dân VN trong cuộc tranh đấy này đã tìm thấy nơi nguời cựu chiến binh Mỹ một người bạn đồng hành; cả hai đã hành động theo luật pháp và cả hai đều bị một số người kỳ thị, chống đối.

Nhiều lúc tôi thấy thật khó hiểu người Mỹ. Tôi xin đưa ra trường hợp sau đây làm ví dụ. Người Mỹ đã và đang tìm mọi cách, bằng mọi giá để chuộc những người Mỹ mất tích trong chiến tranh VN. Đó là một điều cao quý của một dân tộc văn minh. Nhưng thử hỏi xét về phương diện tuân theo pháp luật và thi hành nhiệm vụ của một công dân thì những người mất tích kia có khác gì những người chiến binh Mỹ không? Ta thấy họ không khác gì nhau cả. Có khác là khác ở chỗ một đàng bị mất tích, một đàng bị thiệt mạng, bị tàn phế hoặc may mắn chỉ bị thương nhẹ nên thân thể còn nguyên vẹn. Vậy thì đáng lẽ họ cũng phải được chính phủ và dân chúng Mỹ lo lắng ân cần giúp đỡ như lo lắng cho những người mất tích. Tại sao họ lại bị bạc đãi? Dân chúng Mỹ đáng bị hổ thẹn vì đã bất công đối với các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN.

Người Mỹ đã phục thiện sau khi nhận ra sự sai lầm của họ đối với các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN. Không biết đến bao giờ các anh em “TÍN HỮU” và Cha Dương mới nhận ra sự sai lầm của họ đối với cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam?

Nhưng rồi sau những năm đau khổ nhục nhã, cái gì phải đến đã đến. Lương tri của con người đã thắng. Lương tâm của người Mỹ đã bừng tỉnh. Sau hơn 10 năm, bây giờ họ mới nhận ra là họ sai lầm trong cách cư xử của họ đối với các cựu chiến binh trong chiến tranh VN. Họ cố gắng chuộc lại lỗi lầm đó. Họ đã tổ chức những cuộc diễn hành, chẳng hạn như ở Chicago và New York City để đón rước các cựu chiến binh trong chiến tranh VN. Hàng triệu người đã tham dự cùng với các viên chức các cấp trong chính phủ. Các băng giấy, bông giấy (confetti) đã rải xuống từ trên các cao ốc như tuyết rơi, bao phủ đoàn người diễn hành. Một số cựu chiến binh, kẻ ngồi xe lăn, người chống nạn từ từ lê bước sau những đoàn người diễn hành vui tươi náo nhiệt, những ban nhạc hoà tấu những bản nhạc hùng tráng, cờ xí rợp trời giữa tiếng hoan hô reo hò vang động cả một vùng thành phố. Sau cuộc diễn hành là mít-tinh trọng thể. Các đại biểu các cơ quan chính phủ, đoàn thể đọc diễn văn ca ngợi công lao và sự hy sinh của những chiến sĩ anh hùng mà trước đây họ đã khinh rẽ phỉ báng. Người Mỹ đã biết phục thiện và, bằng cử chỉ này, họ đã hàn gắn lại vết thương chia rẽ trầm trọng giữa người dân Mỹ.
Giáo dân tranh đấu VN San Jose, cũng chỉ vì đã hành động theo giáo luật để bảo vệ tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và mưu lợi ích chung cho đời sống đạo của mình mà bị một số người kỳ thị, vu oan giá hoạ cho là chống phá Cộng Đồng, chống phá Giáo Hội. Giáo dân hành động theo lể luật của Giáo Hội mà bị gọi là ly khai thì có ai hiiểu được cách ly luận này không? Tôi thật không hiểu những người “Tín Hữu” này. Vì thế, đã nhiều lần tôi lên tiếng hỏi họ là giáo dân chống phá Giáo Hội ở chỗ nào? Nhưng, thay vì lên tiếng giải thích hoặc đối diện với giáo dân trên Tivi để tranh luận thì họ lại tìm mọi cách lẩn tránh rồi viết ra những lời đầy giận ghét, vu cáo, chụp mũ, lời lẽ tục tĩu, diễu cợt dơ dáy, hạ cấp. Họ lầm tưởng rằng họ càng “già mồm” bao nhiêu thì độc giả sẽ bị mê hoặc tin theo họ bấy nhiêu. Làm thế, họ đã quá khinh thường trình độ và trí thông minh của độc giả. Những bài vở tục tĩu, những diễu cợt bỉ ổi này sẽ còn mãi trên giấy trằng mực đen, sẽ là bằng chứng cho sự thấp hèn bất xứng của họ. Rồi đây, có lúc nó sẽ thức tỉnh và dày vò lương tâm họ. Họ sẽ thấy hổ thẹn. Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc, xin phép ra ngoài đề một chút để góp ý về bài phiếm trong Tín Hữu:
(Tôi thấy trong Tín Hữu, tác giả không có khả năng để viết phiếm. Ví dụ bài ‘Thị Phi’ của họ sặc mùi “tôm, cá”, trơ trẽn, vì họ đâu có tự biết mình. Thật là “tiểu nhân đắc chí tiếu hi hi.” Tội nghiệp cho ông Tiến Sĩ lo canh, trong bài ‘Thị Phi’, Tín Hữu số 29, ông nói là ông đã mất nhiều thì giờ để tìm trong các tự điển từ ngữ ‘hi-hi’ mà tôi đã dùng trong câu trên (CN số 11: Bài “Tôi đọc báo Tín Hữu”), nhưng tuyệt nhiên ông không thấy nó ở đâu cả. Ông nói ông chỉ thấy chữ ‘HY’ thôi. Ông chế diễu tôi là đã viết sai chữ ‘hy’ thành ‘hi’ để lừa bịp độc giả (!). Chuyện thật quá nhỏ mọn, không đáng cho độc giả mất thì giờ. Nhưng vì thấy ông coi đó là mộ điều quan trọng (ông đã viết dày đặc cả một trang báo (trang 25, Tín Hữu 29) để chế nhạo tôi về chữ ‘hi hi’ này, nên tôi muốn giúp ông hiểu:

- Trong ‘Hán Việt Từ Điển’ của Đào Duy Anh, phần thượng, trang 355, cột 2: “HY, trong nghĩa thứ ba, chỉ tiếng vì sợ mà kêu lên – Nóng gọi là hi hi”.

- Trong ‘Việt Nam Từ Điển’ của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, quyển thượng, trang 603, cột 2: “HI-HI c/g (cũng gọi là) HU HU – tiếng khóc nức nở: khóc hi-hi”.

- Trong ‘Từ Điển Tiếng Việt’ của Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, trang 483, cột 1: “Hi HI – tiếng khóc nhỏ: khóc hi hi”.

- Trong ‘Việt Nam Tân Tự Điển’ của Thanh Nghị, quyển một, trang 537, cột 2: “HI-HI – tiếng khóc nhỏ: khóc hi-hi. Onomatopée du bruit qu’on fait en pleurant” (từ tượng thanh).

Kẻ tiểu nhân, vì ngu xuẩn, không biết phân biệt phải với trái, cười với khóc, nên khi đắc chí chúng cười cũng như chúng khóc. “Tiểu nhân đắc chí tiếu hi – hi” là bởi vậy. Bây giờ ông Tiến Sĩ lô-canh hiểu chưa? Ông còn nghĩ tôi bịp độc giả không? Cũng như câu “chiếc áo không làm nên thày tu”, câu “Tiểu nhân đắc chí tiếu hi – hi” rất thông thường, nói ra ai cũng hiểu. Thế mà ông Tiến Sĩ lô-canh lại không hiểu! Ông mất công “tìm hết trong Tứ Thư Ngũ Kinh mà cũng không thấy,” nên ông đòi biết xuất xứ để kiểm chứng! Rồi ông “vật nát” mấy quyển tự vị mà cũng không thấy từ ngữ ‘hi-hi’. Tội nghiệp chưa!).

Tuy điều này thật là nhỏ nhen như tôi đã nói ở trên, nhưng ít nhất nó còn có tính cách tranh luận khả dĩ còn đáng bàn cãi. Đọc bài ‘Thị Phi’, ta biết được học thức của tác giả như thế nào và tư cách thấp hèn đến đâu.

Thật tình tôi thấy tội nghiệp cho họ hơn là tức giận họ vì sự ngu dốt của họ, nhất là khi họ nhân danh một tờ báo Công Giáo mà viết những lời lẽ dơ dáy bẩn thỉu, cay cú, hằn học, quàng xiên như kẻ khùng dại. Nó bất xứng đối với ngay cả một tờ báo không Công Giáo. Thật là hổ thẹn cho họ.

Khi họ đang mù quáng như vậy thì có những giáo dân, đoàn thể và cá các linh Mục VN muốn giúp đỡ để tìm một giải pháp đem lại bình an cho Cộng Đồng, nhưng đều bị họ chửi bới, vì họ dựa thế Đức Giám Mục.

Trước kia, vài ba tờ báo ở xa San Jose đã nhận được tin tức xuyên tạc của họ, nên đã đăng những bài vở có nội dung sai lầm, bất công đối với cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose. Với thời gian, các báo đó đã nhận ra sự gian dối của họ, nên sau đó đã tránh được những lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong quá khứ.

Người Mỹ đã phục thiện sau khi nhận ra sự sai lầm của họ dối với các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN. Không biết đến bao giờ các anh em ‘Tín Hữu’  và Cha Dương mới nhận ra sự sai lầm của họ đối với cuộc tranh đấu của giáo dân VN. Bao giờ họ mới tỉnh ngộ và phục thiện để không còn là gánh nặng cho giáo dân VN và cho ngay cả Đức Giám Mục, vì Ngài đã bị họ cố vấn sai lạc nên mới có tình trạng bất an tai hại như hiện nay?

Monterey, Ngày Cựu Chiến Binh 11-11-1987
(Veteran Day 1987)

56-  BÀI HỌC TRƯỚC MẮT

Khi ông Lewis Powell, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ về hưu hồi tháng 6-87, Tổng Thống Reagan đã chọn ông Robert Bork để thay thế. Lý do là vì ông Bork có khuynh hướng bảo thủ như Tổng Thống Reagan. Nhưng ông Bork đã không được Thượng Viện cũng như dân Mỹ (qua Poll) chấp thuận. Việc này đã gây ra nhiều bất bình giữa TT Reagan và Thượng Viện. TT Reagan tuyên bố là sẽ chọn một người khác có khuynh hướng như ông Bork để thách thức quyền hạn của Thượng Viện.

TT Reagan chọn ông Ginsburg là người mà TT nghĩ là cũng có khuynh hướng như ông Bork. Sự lựa chọn này hứa hẹn một cuộc “đụng độ gay go” giữa Tổng Thống và Thượng Viện (Nên nhắc qua lại là theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì Tổng Thống có quyền đề cử người ra làm Thẩm Phán Toà Án Tối Cao Liên Bang, nhưng phải được sự ưng thuận của đa số ở Thượng Viện. Tiểu Ban Tư Pháp Quốc Hội chưa kịp họp để phỏng vấn ông Ginsburg thì ông Ginsburg đã tự ý rút tên vì lý do là khi một nhà báo hỏi ông, trước kia ông có bao giờ hút bạch phiến không, ông trả lời là trong những thập niên 60’ và 70’ khi còn là sinh viên và là giáo sư luật khoa ông có hút vài lần. (Nên biết là trong những năm 60’ và 70’, có tới 70% sinh viên Mỹ đã hút hay thử bạch phiến). Ông biết là điều này sẽ gây cho ông nhiều khó khăn. Nên ông rút trước.

Việc ông Bork bị Thượng Viện từ chối và ông Ginsburg xin rút tên ra khỏi sự đề cử đã đem lại cho chúng ta một bài học quý giá, vì nó có nhiều điểm tương đồng với trường hợp của cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose chống lại sự bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ Họ Đạo Việt Nam.
Tổng Thống Reagan đã có “lý do riêng” để đề cử ông Bork và ông Ginsburg vì chắc chắn là hai ông này, với khuynh hướng bảo thủ, sẽ dùng quyền của mình trong chức vụ Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang để có những quyết định phù hợp với chính sách của TT Reagan.

Đức Giám Mục Du Maine, như Ngài đã tuyên bố trong Bản Thông Cáo chung của Ngài và hai ông Thiện, Bài cũng đã có lý do riêng để bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ Họ Đạo Việt Nam. Ngài không tuyên bố lý do riêng đó là gì. Giáo dân, vì đã gặp nhiều khó khăn với Ngài trong quá khứ nên họ càng có lý do để tin rằng “lý do riêng” của ĐGM là Cha Dương sẽ làm theo chính sách mục vụ của Ngài. Chính sách này đã được hoạch định tỉ mỉ trong bức thư Ngài gửi các Linh Mục VN đề ngày 31-5-84, theo đó sự đồng hoá giáo dân vào các xứ Mỹ đã được mô tả rõ ràng.

Cha Dương, trong những văn thư gửi ĐGM trước đây, vào năm 1984, đã tỏ ra hoàn toàn đồng ý với chính sách mục vụ của ĐGM, nghĩa là Cha tán thành chính sách đồng hoá và chống lại việc thành lập giáo xứ thể nhân cho giáo dân VN. Tôi xin trích lại một vài câu sau đây trong văn thư gửi Đức Giám Mục:

- “Chúng con (một số Linh Mục VN trong đó có Cha Dương) hoàn toàn không đồng ý với Uỷ Ban Đặc Nhiệm (về thỉnh nguyện thành lập giáo xứ cho người Việt Nam).

- Một cách tổng quát, chúng con đồng ý với Đức Cha về việc mục vụ cho người Việt Nam và Trung Tâm Công Giáo Việt Nam mà đã được viết trong lá thư gửi cho các Linh Mục VN trong giáo phận San Jose (thư đề ngày 31-5-84).

- Việc mục vụ bí tích phải cử hành tại các nhà thờ giáo xứ địa phương (Mỹ).
Khi đọc những văn thư này và thấy ĐGM bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ “lý do riêng” của Ngài thì ai cũng phải hiểu rằng Cha Dương sẽ thi hành chính sách mục vụ đồng hoá của ĐGM. Đó là lý do chính làm cho giáo dân cực lực chống đối Cha Dương.

Nếu Cha Dương thấy rằng giáo dân hiểu như thế là sai lầm thì xin Cha đứng ra cải chính với giáo dân. Cha thuyết phục giáo dân bằng cách xin ĐGM chấp thuận cho giáo dân có giáo xứ. Nếu được như thế thì tôi dám nghĩ là giáo dân sẽ không còn chống đối Cha như trước. Mọi sự sẽ trở lại bình thường và hoà bình sẽ được tái lập trong Họ Đạo.

Nếu ĐGM không có chủ trương đồng hoá giáo dân VN vào các xứ Mỹ, thì việc Ngài chấp thuận cho giáo xứ sẽ không có gì khó khăn vì đó là quyền của Ngài. Ngài cho lúc nào là được lúc đó. Dĩ nhiên ai cũng biết là còn phải có thủ tục giấy tờ. Nhưng một khi Ngài đã quyết định cho giáo xứ thì thủ tục giấy tờ chỉ còn là vấn đề thời gian thôi.

Nếu Cha Dương không thể làm được những điều trên đây thì tôi thấy rằng việc duy nhất còn lại mà Cha có thể làm cho phù hợp với sứ mạng Linh Mục là Cha xin từ chức vì lợi ích cho cộng đồng dân Chúa, cho Giáo Hội, cho Đức Giám Mục và cho chính Cha. Không ai có thể chê cười Cha mà chỉ có thể khen ngợi sự can đảm, tính cao thượng của Cha. Người ta không thể hiểu được, tại sao một việc hiển nhiên như thế mà không được giải quyết một cách hợp lý để đến nỗi nó trở thành một cuộc khủng hoảng tai hại và kéo dài quá lâu.

Ông Ginsburg, chỉ vì trước đây 20 năm, khi còn là sinh viên, đã hút bạch phiến mấy lần – dù là bây giờ ông nói là ông rất hối hận – thế mà còn bị chê trách và bị áp lực phải rút tên ra khỏi sự để cử vào chức vụ Thẩm Phán, tránh cho Tổng Thống Reagan, Quốc Hội và dân chúng Mỹ cái cảnh tranh luận chống đối nhau làm mất hoà khí. Vụ Tom Hayden đã được Ban Giám Đốc Đại Học San Jose giải quyết một cách khôn ngoan và mau chóng tránh được những sự lộn xộn bất hoà trong cộng đồng San Jose.

Trong những trường hợp trên đây, những kẻ liên hệ hoặc những người có quyền đã biết đặt lợi ích của quần chúng lên trên tham vọng và tự ái của mình. Cử chỉ đó thật là đáng khen. Địa vị của họ không vì thế mà giảm bớt uy tín, ngược lại, ai cũng khen tài lãnh đạo, lòng hy sinh của họ vì công ích quần chúng. Đó mới thật là đúng nghĩa của hai chữ ‘công bộc’.

Trường hợp ĐGM bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ Họ Đạo VN cũng giống hai trường hợp trên đây. Nhưng chỉ vì Cha Dương mà ĐGM đã không hành động như những người trên đây mới xảy ra sự bất an hiện nay. Người ta ước ao, do sự sáng suốt của ĐGM, lòng hy sinh của Cha Dương cho sự an hoà của gia đình Giáo Hội và lợi ích cho việc giữ đạo của giáo dân, cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết như hai vụ Ginsburg và Tom Hayden trên đây, để tránh cho mọi người, mọi cấp bậc sự bất hoà đang làm đau khổ cho cộng đồng giáo dân, gây thiệt hại cho mọi người.

Đáng lẽ vụ Cha Dương cũng phải được giải quyết sớm và mau lẹ như vụ Ginsburg và Tom Hayden. Tuy vậy, muộn còn hơn không, vì nếu không thì không biết bao giờ mới có bình an. Vậy xin Cha Dương đừng chần chừ nữa. Nếu Cha thấy rằng Cha không thể từ chức được thì xin Cha hãy ra gặp giáo dân, trấn an giáo dân về lập trường của Cha để họ vững tâm là chẳng những Cha không đi ngược lại nguyện vọng của họ mà Cha còn quyết tâm xin cho bằng được giáo xứ thể nhân cho giáo dân nữa. Đó là cách giải quyết hợp lý nhất. Nếu Cha quyết tâm Cha sẽ làm được như câu người Mỹ thường nói: “Where there is a will, there is a way.” (Tạm dịch: Muốn thì được)

Monterey ngày 1-12-87

57-  AI VI PHẠM SỰ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

Tôi có dịp đọc tờ CHÂN LÝ, bản thông tin hàng tuần của Cha Dương, trong đó Cha Dương đã dùng một câu làm nòng cốt cho tờ thông tin này. Đó là câu trích dịch của bài đáp từ của Đức Thánh cha cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại phiên họp ở Angeles. Câu đó như sau: “KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN LY KHAI HAY CHỐNG ĐỐI NHƯ MỘT CHÍNH SÁCH HAY MỘT PHƯƠNG PHÁP TRONG LÃNH VỰC GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI.”

Khi nhắc lại câu này ở tờ CHÂN LÝ, chắc Cha Dương đã tưởng rằng, theo câu này thì giáo ân VN tranh đấu đã sai, nếu áp dụng đúng ý nghĩa của nó. Nhưng theo tôi hiểu thì không phải như vậy. Câu này không thể áp dụng cho giáo dân tranh đấu được; mà nếu câu này được áp dụng cho cuộc biến động hiện nay tại San Jose thì chính phe Cha Dương, tức là những người liên hệ đến việc ủng hộ Cha trong chức vụ chánh xứ  đã làm sai chứ không phải giáo dân tranh đấu đã làm sai. Tôi xin trình bày như sau:

Xin quý vị cùng đọc lại câu trên: “Không thể chấp nhận ly khai hay chống đối như một chính sách hay một phương pháp trong lãnh vực giáo huấn của Giáo Hội.” Sự giáo huấn của Giáo Hội được thê hiện qua các giáo điều về tín lý, luân lý và các luật lệ trong Giáo Luật. Nếu Cha Dương suy nghĩ kỹ hơn thì Cha sẽ thấy là giáo dân tranh đấu đã không làm gì chống lại những lời giáo huấn của Giáo Hội cả, vì giáo dân vâng phục mọi giáo điều về tín lý, luân lý và mọi luật lệ trong Giáo Luật. Vậy xin Cha Dương cho biết giáo dân chống đối Giáo Hội ở những điểm nào trong phạm vi giáo huấn của Giáo Hội. Chống đối lệnh bất công của ĐGM về việc bổ nhiệm Cha Dưong và xin giáo xứ thể nhân chẳng những không vi phạm sự vi giáo huấn của Giáo Hội mà lại còn là thi hành đúng luật lệ của Giáo Luật nữa.

Bây giờ tôi xin chứng minh là phe Cha Dương, tức là những người liên hệ đến việc ủng hộ chức danh chánh xứ của Cha, đã chống đối giáo huấn của Giáo Hội vì họ đã không tôn trọng những điều trong Giáo Luật.

Cuộc biến động ở San Jose đã xảy ra vì những điều 518, 524, 1740, 1741 trong Giáo Luật đã không được tôn trọng. Đến giai đoạn này, chắc là ai cũng biết những điều đó là gì rồi. Tuy vậy, tôi xin tóm lược lại để độc giả dễ nhận định.

1. Điều 518 Giáo Luật cho phép lập giáo xứ thể nhân căn cứ vào nghi thức, ngôn ngữ, truyền thống của một sắc dân. Trong lời chú giải, tác giả viết, “Khi những nhu cầu tâm linh của sắc dân này không được thoả mãn (bởi nhà thờ địa phương) thì cần phải lập giáo xứ thể nhân cho họ. Giáo Hội địa phương cần tỏ ra quan tâm đặc biệt đến những người này khi họ muốn bảo tồn ngôn ngữ và phong tục của họ.” (The Code of Canon Law: A text and Commentary, by the Canon Law Society of America, p.418 – 419). Theo bản thống kê trong Đồng Vọng số tháng Mân Côi, 1985 thì trên toàn cõi nước Mỹ, Bề Trên đã cho phép giáo dân VN được có 17 giáo xứ Việt Nam. Bây giờ là 1987, chắc chắn con số này đã được tăng lên. Hầu hết những nơi này đã không có được điều kiện như San Jose. Vậy thì tại sao ở San Jose, giáo dân lại không được hưởng quyền lợi của mình để có giáo xứ thể nhân như điều 518 đã quy định? Để tìm câu trả lời, nhiều người đã nghĩ ngay đến bản báo cáo của của một số Linh Mục VN vùng San Jose, trong đó có Cha Dương, gửi lên ĐGM. Các LM này đã đồng ý với chính sách mục vụ đồng hoá của ĐGM. Các LM này còn thưa với ĐGM là “Trung Tâm Mục Vụ chỉ dành cho các hoạt động văn hoá, giáo dục, xã hội (chương trình ngắn hạn). Còn các việc mục vụ Bí Tích thì phải được cử hành tại các nhà thờ giáo xứ địa phương”. (Bút ghi cuộc họp nhóm Linh Mục VN (support group), ngày 13-9-84. Người ghi: Cha Dương) (Đọc CN số 5, trang 18, bộ cũ). Có lẽ vì nghe theo báo cáo của các vị đó phù hợp với chính sách mục vụ của ĐGM mà ĐGM không muốn cho giáo xứ thể nhân. Như vậy, ta thấy rõ là điều 518 Giáo Luật đã không được phe Cha Dương tôn trọng.

2. Điều 524 Giáo Luật đòi ĐGM phải cân nhắc cẩn thận trước khi bổ nhiệm một vị chánh xứ. “Để chọn đúng người cho đúng với chức vụ” (Place the right person in the right place) (page 424), ĐGM cần điều tra và tham khảo ý kiến của các LM am tường và nếu nhu cầu đòi hỏi thì Ngài cần tham khảo ý kiến của giáo dân (page 424). Trong việc bổ nhiệm Cha Dương, ĐGM đã hoàn toàn bỏ qua việc tham khảo ý kiến của giáo dân.

Chúng ta biết là ĐGM Du Maine đã áp dụng điều luật này cho giáo dân trong xứ Mỹ St. Vianney’s. Ngài đã tham khảo kỹ càng ý kiến của họ trước khi bổ nhiệm vị chánh xứ mới cho họ. Ở địa phận Monterey, ĐGM Shubsda đã tham khảo ý kiến giáo dân trong xứ St. Angela’s một cách kỹ lưỡng trước khi bổ nhiệm Đức Ông Maxwell thay Đức Ông Stieger trong chức vụ chánh xứ. Đó là hai trường hợp chúng tôi biết. Còn những trường hợp mà chúng tôi không biết, chắc chắn các ĐGM cũng làm như vậy, vì điều này đã được quy định trong Giáo Luật, điều 524. Vậy thì tại sao khi thuyên chuyển Cha Tịnh và bổ nhiệm Cha Dương là chánh xứ Họ Đạo, ĐGM đã không hề tham khảo ý kiến giáo dân? Và ngay cả khi giáo dân kêu xin Ngài tạm đình việc bổ nhiệm này lại, Ngài cũng vẫn không nghe và nhất định “tấn phong” trong cảnh ô nhục chó săn và cảnh sát tràn ngập trong và ngoài nhà thờ? ĐGM đã coi thường giáo dân VN. Ta thấy rõ là điều 524 Giáo Luật đã không được tôn trọng trong trường hợp này.

3. Điều 1740 và 1741 về lý do thuyên chuyển vị Linh Mục chánh xứ. Tôi đã trình bày trong bài nhan đề “Chức vụ chánh xứ của LM Dương đang ở trong tình trạng không hợp Giáo Luật”, đăng trong CN số 16 và 17 (bộ mới). Theo Giáo Luật thì Cha Dương phải bị cất chức chánh xứ từ lâu rồi, vì việc mục vụ của Cha không còn hữu hiệu nữa; và Cha bị giáo dân có ác cảm và chống đối mãnh liệt. Ngay cả những người ghét giáo dân tranh đấu và ủng hộ Cha Dương hết mình cũng phải công nhận rằng chức chánh xứ của Cha Dương là lý do chính gây ra sự rối loạn hiện nay. Cho dù đó không phải lỗi ở Cha, Cha vẫn phải bị thuyên chuyển, theo Giáo Luật trang (1036). Vậy, việc duy trì Cha Dương ở chức vụ chánh xứ là trái với Giáo Luật,  điều1740, 1741.

Theo những điều trình bày trên đây, tôi thấy rằng những người liên hệ đến việc ủng hộ Cha Dương trong chức vụ chánh xứ đã không tôn trọng những điều Giáo Luật kể trên. Không tôn trọng Giáo Luật thì có thể gọi là chống đối sự giáo huấn của Giáo Hội, vì Giáo Hội giáo huấn qua Giáo Luật. Còn về giáo dân tranh đấu, làm sao Cha Dương có thể nói là họ chống lại sự giáo huấn của Giáo Hội? Họ chống lại sự giáo huấn của Giáo Hội ở chỗ nào? Xin Cha Dương lên tiếng giải thích.
Cha Dương còn đưa ra 4 điều (trong Chân Lý), yêu cầu giáo dân tranh đấu thi hành. Tôi thấy 3 điều tự nó đã vô giá trị, nên không muốn bàn đến. Chỉ có điều thứ hai đáng nêu ra tranh luận ở đây. Đó là Cha yêu cầu “Trả lại ngay cơ sở Trung Tâm, vì là tài sản của Giáo Hội, của mọi tín hữu được quyền sử dụng.” Xin trả lời Cha Dương. Có ai cấm ai đến sử dụng Trung Tâm đâu. Điều trớ trêu là chính ĐGM chẳng những cấm các Cha đến Trung Tâm mà còn bắt hai Cha phó phải ra khỏi Trung Tâm. Như vậy là ĐGM cấm các Cha, chứ có phải giáo dân ngăn cản các Cha đâu. Ngay cả Cha Dương cũng có quyền đến Trung Tâm. Giáo dân chỉ chống đối Cha trong chức vụ chánh xứ Họ Đạo thôi. Vậy nếu Cha lấy tư cách chánh xứ mà đến nhận nhiệm sở ở Trung Tâm thì họ mới ngăn cản, bằng không, họ rất hoan nghênh Cha, nhất là nếu Cha đến gặp gỡ họ để giải toả mọi sự hiểu lầm giữa Cha và họ. Đó mới là thực sự Cha muốn hoà giải. Đó là điều tôi hằng mong ước nơi Cha, vì nếu không có hoà giải thì không thể nào giải quyết an bình, bền vững, lâu dài được.

Montery ngày 15-12-1987

58-  MƯU MÔ VỤNG VỀ VÀ ẤU TRĨ

Tôi đọc bài ‘Vì Muốn Giữ Độc Quyền Làm Lễ, phe nhóm LM Dương phá rối Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chánh Toà đăng trong Chính Nghĩa số 23, ngày 12-12-87, tôi rất ngạc nhiên nên muốn tìm hiểu về vụ này. Sau khi đọc bài báo trên, tôi cũng đọc tờ biên bản buổi họp ngày 24-11-87 giữa Cha Terence Sullivan, Tổng Quản Địa Phận; Cha Mervyn Sullivan, Cha sở Nhà thờ Chánh Toà và Cha Dương về vụ này đăng trong Tín Hữu số 30, đặc biệt Giáng Sinh 87. Tôi có mấy nhận định như sau:

Từ khi ĐGM cấm các Thánh Lễ tiếng Việt, giáo dân tranh đấu thường dự Thánh Lễ mỗi sáng Chúa Nhật tại Nhà Thờ Chánh Toà. Vì muốn tránh cho Thánh Lễ này bớt đông người, nên ban đại diện giáo dân tranh đấu đã đến gặp Cha sở Nhà thờ Chánh Toà để xin tổ chức cho họ một Thánh Lễ riêng lúc 5:45 chiều thứ bảy. Ban đại diện đã trình bày rõ ràng với Cha sở là lễ này hoàn toàn không liên hệ gì đến Cha Dương và phe nhóm của Cha vì họ đã có Thánh Lễ tiếng Việt rồi . . . Cha sở cũng hứa với ban đại diện như vậy. Cha sở đã tỏ ra rất thông cảm và hiểu lý do vì sao giáo dân đang chống lại sự bổ nhiệm Cha Dương. Nhưng giáo dân tranh đấu chỉ dự lễ 5:45 chiều thứ bảy ngày 5-12-87 một lần rồi lại trở lại lễ sáng Chúa Nhật như trước kia. Tại sao vậy? Những ai chỉ đọc Chính Nghĩa mà không đọc Tín Hữu hoặc chỉ đọc Tín Hữu mà không đọc Chính Nghĩa sẽ hoang mang không hiểu nội vụ ra sao và tại sao việc này không thành công. Nếu theo dõi cuộc biến động này kỹ càng và đọc các văn thư liên quan đến việc này thì thấy là không có gì khó hiểu cả.

Chúng ta phải công nhận là Cha sở Nhà Thờ Chánh Toà đã có thiện chí muốn giúp đỡ giáo dân, nhưng vì Ngài bị áp lực của Cha Tổng Quản Sullivan với sự cố vấn của phe nhóm Cha Dương nên mới xảy ra nông nỗi. Đọc tờ biên bản buổi họp của ba vị: Cha Tổng Quản, Cha sở Nhà Thờ Chánh Toà và Cha Dương, ta thấy là Cha Tổng Quản với sự cố vấn của phe nhóm Cha Dương đã dùng áp lực đối với Cha sở, định lợi dụng dịp này, để dần dần lấn chiếm, giành quyền cai quản giáo dân. Đây là một mưu mô rất vụng về và ấu trĩ. Các Ngài không biết rằng trong việc này giáo dân nắm phần chủ động sao? Thật vậy, Vì muốn tránh cho Thánh Lễ sáng Chúa Nhật bớt đông người nên giáo dân đã chủ động xin Thánh Lễ riêng lúc 5:45 chiều thứ bảy. Khi họ thấy mưu mô của phe nhóm Cha Dương định kiểm soát lễ đó, họ lại chủ động trởi lại Lễ sáng Chúa Nhật như trước. Khi họ bị thất hứa thì ai bắt được họ phải tiếp tục đi lễ chiều thứ bảy. Ai có thể cấm họ dự lễ sáng Chúa Nhật ở Nhà Thờ Chánh Toà? Như vậy có phải là giáo dân nắm phần chủ động không? Chỉ tội cho Cha Sở đã không giải quyết được gì lại còn phải thêm lễ chiều thứ bảy cho một nhúm người! Bây giờ, lễ này đối với Ngài “bỏ thì thương, vương thì tội”. Đó là giá Ngài phải trả khi Ngài không giữ được lời hứa với giáo dan vì áp lực của Cha Tổng Quản với sự cố vấn của phe nhóm Cha Dương.

Nói đến Cha Tổng Quản và Cha Dương, chúng ta nhận thấy là từ đầu khi có cuộc tranh đấu, hai vị này đã là nguyên nhân làm cho tình hình càng ngày thêm căng thẳng và lâm vào chỗ bế tắc như hiện nay. Tôi xin nhắc lại mấy ví dụ sau đây để độc giả thấy được tư cách và vai trò của hai vị này và của phe nhóm của họ:

Trước kia, trong những cuộc tiếp xúc giữa Cha Tổng Quản với đại diện giáo dân Ngài đã có thái độ hách dịch, nhục mạ đại diện giáo dân, nên họ không chịu hợp tác với Ngài nữa. Ngài tự ý “bãi nhiệm” Ban Chấp Hành Họ Đạo do giáo dân bầu lên theo đúng nội qui của cộng đồng, rồi Ngài tự ý chỉ định người mới thay thế. Ngài viết thơ cấm các Linh Mục Việt Nam ngoài giáo phận không được đến San Jose cử hành bất cứ nghi lễ hay bí tích nào cho giáo dân. Ngài nói mâu thuẫn, chẳng hạn trong cuộc đối diện với ông Bài trong chương trình ‘Face To Face’ trên Tivi, đài 11 ngày 3-6-86, Ngài nói là khi đưa Cha Dương về Trung Tâm Họ Đạo, Ngài có hô hào bỏ phiếu xem ai muốn chấp nhận Cha Dương, ai chống lại Cha Dương; nhưng giáo dân không chịu bỏ phiếu. Ông Bài trả lời lại là vì lúc đó bất ngờ, giáo dân chưa sẵn sàng, chưa tập họp đủ. Khi Ông Bài đề nghị là nếu Ngài muốn bỏ phiếu thì nên tổ chức đàng hoàng, thì Ngài lại nói bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Thế có phải là Ngài mâu thuẫn không? Không đứng đắn.
Còn về Cha Dương và phe nhóm của Cha, họ đã cố vấn sai lầm cho ĐGM. Vì thế, ĐGM đã có những quyết định thất nhân tâm, không hợp tình, hợp lý. Họ dựa thế ĐGM, hống hách, chửi bới giáo dân, gọi giáo dân là ly khai, là cộng sản. Họ tranh giành ảnh hưởng, gây xáo trộn trong Thánh Lễ. Họ cào đầu ăn vạ trong nhà thờ rồi vu cho giáo dân phá Thánh Lễ để ĐGM dùng làm cớ cấm các Thánh Lễ tiếng Việt. Họ nhục mạ Cha Tịnh, mặc dù bây giờ Cha Tịnh không còn ở đây nữa. Họ phơi bày trên báo chí thơ riêng của Cha Tịnh, trong đó Cha Tịnh vì đức khiêm nhường đã thổ lộ tâm tình thầm kín với Cha Dương. Họ còn ngang ngược tố cáo Cha Tịnh là cộng sản. Họ bịa đặt là Cha Tịnh vẫn còn lảng vảng ở gần San Jose để giật dây giáo dân tranh đấu...

Gần đây, Tín Hữu số 30, đặc biệt Giáng Sinh 87 cho đăng bài của Tiến sĩ Phan Viết Phùng, nhan đề ‘Nếu muốn cộng đồng bền vững’. Về đoạn cuối, ở trang 20, cột 2, Tiến Sĩ Phùng cũng ám chỉ Cha Tịnh là cộng sản hoặc thiên cộng sản. Ông đưa ra bằng chứng bằng cách kể lại một kinh nghiệm cá nhân của ông như sau: Vào khoảng 1976, ông được mời đến đọc kinh tại một gia đình quen ở San Jose. Khi ông đọc đến cau nói rằng gia đình này nguyện không theo “chủ nghĩa cộng sản vô thần”, thì ông thấy hai chữ “cộng sản” đã bị gạt bỏ. Ông tự đặt câu hỏi: Ai đã gạt bỏ hai chữ “cộng sản”, rồi ông tự tìm câu trả lời. Ông viết, “Ai đã làm việc đó? Câu trả lời dễ ợt. Ngoài LM Tịnh ra, còn ai dám bắt giáo dân tránh đọc hai chữ trong kinh nguyện?”
Nếu Tiến Sĩ Phùng căn cứ vào việc gạt bỏ hai chữ “cộng sản” trong câu “chủ nghĩa cộng sản vô thần” mà ông ám chỉ Cha Tịnh là cộng sản hoặc thiên cộng sản thì tôi thấy rằng ông quá hấp tấp, sai lầm. Tôi nói như vậy vì lý do như sau:

Về tín ngưỡng thì cộng sản là vô thần. Vậy chống vô thần thì đương nhiên là chống cộng sản rồi. Theo tôi, câu “chống vô thần” còn rộng nghĩa hơn câu “chống cộng sản vô thần”, vì có nhiều bè nhiệm vô thần nhưng không cộng sản, chẳng hạn như hội Tam Điểm (Franc-maÇonnerie). Hội này chống lại mọi tín ngưỡng. Vậy, “chống lại cộng sản vô thần” chỉ có nghĩa là chống một mình cộng sản vô thần mà thôi, còn “chống vô thần” thì chẳng những chống cộng sản mà còn chống cả những bè nhiệm vô thần không cộng sản nữa.
Tôi không biết Cha Tịnh hay ai đã có ý kiến gạt bỏ hai chữ “cộng sản” trong câu kinh này. Theo tôi, người đó hiểu biết về sự bảo vệ Giáo Hội chống vô thần hơn Tiến sĩ Phan Viết Phùng.

Tôi không có ý định phê bình chỉ trích các điểm khác trong bài của Tiến Sĩ Phùng vì mỗi người đều có quyền có ý kiến riêng của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, qua bài của ông, tôi nhận thấy ông là một người có khuynh hướng cực hữu trong Giáo Hội. Ông nói rằng, “Hội Đồng Giám Mục bị điều khiển bởi những thành phần cực tả trong cơ quan USCC . . .” và “Các Dòng lớn như Jesuit, Franciscan, Maryknoll, Dominican ngày nay cũng không tuân phục Giáo Hoàng nữa” (trang 8, cột 3). Với một người có tư tưởng quá kh1ch và định kiến như thế thì thật khó mà có được một cuộc đối thoại hữu ích.

Monterey ngày 6-1-1988

59-   SUY TƯ CỦA MỘT GIÁO DÂN

Dù bận rộn phải vật lộn với đời sống vật chất hàng ngày, dù phải lo âu các vấn đề khó khăn, cấp bách của riêng mình và của gia đình, con người vẫn thường có những giây phút riêng tư, trầm lặng, xa cách sự ồn ào, nhộn nhịp của ngoại cảnh để hướng vào nội tâm, thành thật sống với lòng mình, với những cảm nghĩ của mình để kiểm điểm những hành động, ý tưởng của mình, tìm biết lý do tại sao mình có những hành động, cảm nghĩ đó. Nhờ những giây phút này mà con người được biết mình hơn để cải tiến.
Riêng tôi, nhân dịp cuối năm tôi cũng có vài suy tư xin được chia sẻ với độc giả.

Điều làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều nhất trong năm qua là cộc biến động của cộng đồng giáo dân Việt Nam, San Jose. Dù không sống ở San Jose, tôi cũng thấy cuộc biến động này ảnh hưởng sâu xa đến tâm tư tôi, vì hai lý do chính: một là vì tôi là người công giáo, hai là vì tôi là người Việt Nam như tôi đã có dịp trình bày trong búc “Tâm thư kính gửi giáo dân đồng hương” đăng trong Chính Nghĩa số 44 trang 12 (bộ cũ). Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu, tôi đã gửi một bức thư đến ĐGM Du Maine, Cha Dương và giáo dân (thơ đó đăng trong Chính Nghĩa số 6, trang 2 (bộ cũ), nhằm mục đích kêu gọi mọi phía liên hệ hãy cố gắng nhân nhượng để chấm dứt ngay cuộc biến động này vì lợi ích chung cho cộng đồng, cho Giáo Hội. Sau khi nhận được thơ trả lời của Cha Tổng Quản Terence Sullivan, thay ĐGM với nội dung có tính cách hoàn toàn phủ định, tôi quyết định tự nguyện và ủng hộ cuộc tranh đấu này vì tôi thấy giáo dân đang bị chèn ép, bị đối xử bất công. Tôi kết luận là cuộc tranh đấu này có chính nghĩa, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, có lợi cho cuộc sống đạo của giáo dân, bảo tồn được truyền thống của dân tộc theo đúng đường lối mà Giáo Hội, qua những lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha và Giáo Luật, đã hoạch định cho người dân.

Ròng rã 20 tháng trời, bao nhiêu biến cố đau thương, thăng trầm đã xảy ra. Sự cứng rắn, cố chấp của ĐGM và sự đoàn kết kiên trì của giáo dân đã tạo ra tình trạng bế tắc. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì không biết bao giờ cuộc biến động này mới kết thúc. Ai cũng nhận thấy là tất cả những gì phải nói, phải làm thì đã nói, đã làm rồi. Giáo dân kêu xin ĐGM nhưng Ngài vẫn cứ làm ngơ. Giáo dân đề nghị với Cha Dương và phe nhóm của Cha hãy gặp giáo dân để đối thoại cho ra lẽ phải trái hòng tìm được sự dung hoà. Nhưng Cha Dương và phe nhóm Cha vẫn tránh né, rồi tìm cách vu khống, bôi nhọ, chụp mũ giáo dân và lập mưu tính kế để “rọ” giáo dân như mưu mô định kiểm soát Thánh Lễ 5:45 chiều thứ bảy ngày 5-12-87 tại nhà thờ Chánh Toà. Như vậy, thử hỏi ai là người có thiện chí, ai là người không có thiện chí để hoà giải? Không có đối thoại, làm sao có hoà giải? Không có hoà giải làm sao có giải quyết? Không có giải quyết làm sao có hoà bình? Nếu phe nhóm Cha Dương nghĩ rằng cứ kéo dài rồi nhóm tranh đấu sẽ dần dần tan rã thì tôi nghĩ đó là một giả định vô trách nhiệm, sai lầm và nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả tai hại, vì khối giáo dân càng ngày càng đoàn kết kiên trì. Cứ xem quang cảnh Lễ Giáng Sinh mà Cha Sở Mervyn Sullivan dành riêng cho giáo dân tranh đấu lúc 8 giờ tối ngày 24-12-87 thì thấy rõ. Buỗi Lễ đã diễn ra thật tốt đẹp. Nhà Thờ Chánh Toà đông chật ních người chưa từng thấy, việc phụng vụ được tổ chức chu đáo, việc ca hát rất đặc sắc, trang nghiêm, giáo dân dự lễ sốt sắng. Tất cả là một bằng chứng hùng hồn rằng khối giáo dân này đang kết hợp chặt chẽ, đang gắn bó keo sơn, vui buồn cùng có nhau, sướng khổ cùng chia sẻ với nhau, cùng kề vai sát cánh trên con đường họ đang đi vì họ tin tưởng mạnh mẽ rằng điều họ làm là điều phải.

Căn cứ vào hiện tình, tôi xin thử đưa ra mấy trường hợp mà, theo thiển ý của tôi, cuộc biến động có thể kết thúc:

1. Đức Giám Mục chấp thuận hai thỉnh nguyện của giáo dân.
2. Giáo dân tự ý bỏ cuộc.
3. Hoà giải giữa Toà Giám Mục và giáo dân tranh đấu.
4. Bề Trên can thiệp.
5. Cha Dương từ chức.

Theo kinh nghiệm đã qua, trường hợp 1 và 2 chắc là không có thể xảy ra, vì cả hai bên đã đi quá xa. Trường hợp 3 có thể xảy ra nhưng rất khó vì những tháng gần đây Toà Giám Mục đã không triệu tập Uỷ Ban Hoà Giải nữa. Nếu muốn hoà giải thì cần có dung hoà và tương nhượng mới mong đạt được kết quả. Nhưng trong quá khứ ĐGM đã tỏ ra không muốn dung hoà. Ngài chỉ muốn gò ép giáo dân phải tuyệt đối tuân theo lệnh của Ngài mà giáo dân cho là bất công. Nhiều người ao ước trường hợp 4 xảy ra, vì một khi Bề Trên ra quyết định thì ai cũng phải tuân theo. Tuy vậy, trường hợp này cũng khó xảy ra, vì ngay từ khi cuộc tranh đấu bắt đầu, Bề Trên đã được báo cáo về vụ này mà vẫn chưa lên tiếng can thiệp. Chính sự im lặng này đã làm cho cuộc tranh đấu còn kéo dài đến ngày nay. Càng suy nghĩ càng thấy khó khăn. Giả như trường hợp 4 xảy ra thì sẽ xảy ra như thế nào? Không lẽ Bề Trên bảo giáo dân là họ sai khi họ làm đúng. Vì nếu thật sự Bề Trên thấy giáo dân sai, thì tại sao không bảo giáo dân từ lúc đầu để tránh cho cuộc tranh đấu khỏi kéo dài đến ngày nay. Và nếu họ không sai mà bảo là sai chỉ vì mục đích muốn họ bỏ cuộc tranh đấu thì đây là một lầm lỗi chẳng những nghiêm trọng mà còn nguy hiểm nữa. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự quyết đoán sai lầm này? Đàng khác cũng khó cho Bề Trên nói là ĐGM đã làm sai, vì như thế ĐGM sẽ mất uy tín. Làm sao Ngài có thể cai quản địa phận được.

 Vậy theo sự suy luận hạn hẹp của tôi, chỉ còn một cách để chấm dứt cuộc biến loạn này một cách hợp lý, hợp tình, hợp pháp. Đó là trường hợp thứ 5: Cha Dương từ chức chánh xứ. Như vậy, ĐGM sẽ không mất uy tín vì theo Giáo Luật và lẽ thường thì một khi việc mục vụ của vị chánh xứ không còn hiệu quả và Ngài bị giáo dân có ác cảm – mặc dù đó không phải là lỗi của Ngài – thì ĐGM thuyên chuyển Ngài đi chức vụ khác (Canons 1740, 1741). Cha Dương cũng không mất uy tín, vì việc giáo dân không ưa LM cũng thường có thể xảy ra. Nhiều Cha xứ Mỹ cũng gặp trường hợp này và họ cũng tự giải quyết như thế. Cha Thánh Gioan Vianney cũng đã có lần bị giáo dân than phiền, không ưa Ngài, Ngài liền xin ĐGM đổi Ngài đi nơi khác. Một Cha khác sẽ thay Cha Dương về Họ Đạo, giáo dân và cha xứ sẽ hợp tác với nhau, cộng đồng giáo dân cùng sinh hoạt, sống đạo sầm uất rồi bắt đầu thủ tục giấy tờ xin ĐGM cho lập giáo xứ thể nhân.

 Theo thiển ý của tôi, đó là giải pháp thực tế nhất để ra khỏi bế tắc, để chấm dứt cuộc biến loạn và bình thuờng hoá sinh hoạt trong công đồng. Tôi nghĩ là nhiều giáo dân khác cũng có cùng một ý nghĩ như tôi. MỘT SỰ HY SINH NHỎ CỦA CHA DƯƠNG SẼ ĐEM ĐẠI PHÚC ĐẾN CHO CỘNG ĐỒNG VÀ GIÁO HỘI.

 Trên đây là mấy suy tư của tôi, một giáo dân đã ủng hộ cuộc tranh đấu cho hai thỉnh nguyện của giáo dân ngay từ giai đoạn đầu. Tôi đã ủng hộ với tính cách của một giáo dân không trực tiếp trong cuộc. Thật vậy, tôi chưa bao giờ dự một buổi sinh hoạt nào của giáo dân ở Trung Tâm. Tôi chưa bao giờ hội họp với Ban Chấp Hành. Thỉnh thoảng tôi có dự những buổi rước kiệu, Thánh Lễ chung với cộng đồng, những hoạt động xã hội như Văn Nghệ Tết, Giáng sinh, Picnic. Những bài tôi viết trong Chính Nghĩa tôi đã dựa hoàn toàn vào các tin tức trong các văn kiện sách báo đạo, đời, Việt, Mỹ, Tivi và những dịp nói chuyện với bà con, bạn bè; rồi suy luận, đúc kết mà viết ra. Tôi đã không bị ai ảnh hưởng hoặc mua chuộc. Tôi ủng hộ vì lòng xác tín của tôi đối với cuộc tranh đấu này và vì lý do tôi đã trình bày ở trên.

 Trong dịp đầu năm mới (Mậu Thìn) tôi xin hợp với mọi người cầu cho HOÀ BÌNH chóng trở lại với cộng đồng, để cuộc sống đạo của ta được lợi ích hơn, đồng thời làm rạng rỡ Giáo Hội Mẹ Việt Nam và bảo tồn được dân tộc tính của quê hương, như lời ông Phi-li-phê Trần Văn Hoài, Vị đại diện phụ trách Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ Tông Đồ Việt Nam Hải Ngoại, đã nói trong đoạn kết bức tâm thư của Ngài đề ngày 25-10-87: ‘GIÁO HỘI VIỆT NAM CHÚNG TA, NẾU MỖI NGƯỜI CHÚNG TA KHÔNG HỢP TÁC XÂY DỰNG THÌ AI XÂY DỰNG? DÂN TỘC VIỆT NAM CHÚNG TA, NẾU MỖI NGƯỜI CHÚNG TA KHÔNG HỢP TÁC BẢO TỒN THÌ AI BẢO TỒN?” Những lời nói tha thiết quý giá này của vị Đại Diện sẽ được mọi người giáo dân Việt Nam Hải Ngoại ghi nhớ nằm lòng. Nó sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc sống xa Giáo Hội Mẹ, xa quê hương yêu dấu.

Monterey ngày 20-1-1988

60-  TỪ KỲ THỊ, TÀN BẠO ĐẾN BỢ ĐỠ, XU NỊNH

 Nguyệt san Làng Văn số 36 tháng 8 năm 1987, trong mục ‘Ngoài Ngõ’ có đăng một truyện ngắn tóm tắt như sau:

 Anh Nguyễn Tri di cư sang Mỹ năm 75, lúc anh 12 tuổi. Năm nay anh 24 tuổi, anh mới được chọn để đóng phim trong loạt phim truyện Jump Street của màn ảnh Mỹ. Anh tâm sự, trong thời gian đầu sinh sống tại Hoa Kỳ anh rất khổ tâm vị bị kỳ thị chủng tộc nhất là thời gian theo học tại Trung Học St. Louis’ Kirwood, một trường nửa trắng nửa đen và anh là học sinh da vàng duy nhất. Anh bị cả hai nhóm đen lẫn trắng thi nhau đánh đập ngay trong buổi học đầu tiên. Lúc đó cậu bé Nguyễn Tri cao có 1.45 mét, nặng 40 ký. Cho tới khi cậu cao 1.75 mét, nặng 65 ký và đậu nhị đẳng huyền đai Thái Cực Đạo vào năm 17 tuổi, lúc ấy thì hết bị bắt nạt.

 Đây là một trong trăm ngàn ví dụ về sự kỳ thị chống lại người Việt Nam.

 Sau khi đọc truyện này tôi lại được đọ bài ‘Vietnamese fear cultural backlash’ của ký giả Delia M.Rios đăng trong San Jose Mercury News ngày 26-7-87. Trong bài này ký giả cho biết là phòng Thương Mại VN do ông Doanh Châu làm chủ tịch đã bị đập bể kiếng ba lần trong một tuần và người ta cho rằng có sự ganh ghét người VN ở San Jose là vì ba lý do sau đây:

 1. Sự thành công của người Việt trong giới thương mại.
 2.Vụ giáo dân VN chống đối ĐGM Du Maine.
 3. Vụ toàn thể người Việt chống lại Tom Hayden, một người phản chiến tích cực trong chiến tranh VN.

 Người ta cho rằng khối người VN sẽ trở thành một khối chính trị có thế lực, vì thế một số người Mỹ đã có phản ứng chống lại người VN, theo bài báo này.
 Thật ra ta không ngạc nhiên lắm về hiện tượng này, vì kỳ thị là phản ứng tự nhiên không những của nhân loại mà của cả thiên nhiên. Để khỏi dài dòng chứng minh tôi xin đưa ra một ví dụ đơn giản sau đây: Khi một người có một bộ phận trong cơ thể phải cắt bỏ và được thay thế bằng bộ phận của cơ thể người khác, điều mà các Bác Sĩ lo ngại nhất là cơ thể của bệnh nhân sẽ không chấp nhận bộ phận mới này (đây là một hình thức kỳ thị) và vì thế từ chối hợp tác làm cho con bệnh bị khó khăn.  Bác Sĩ phải dùng thuốc để từ từ tạo ra sự hợp tác giữa cơ thể và bộ phận mới. Ông Hofstatter, một nhà tâm lý học xã hội, đã nói, “Người ta phải chấp nhận rằng thành kiến chống lại những người của đoàn thể khác với mình là một hiện tượng ‘bình thường’ của đời sống xã hội loài người và không một người nào thoát khỏi thái độ này. (One must accept that prejudice against members of other group represents a ‘normal’ phenomenon of  human social life and that no one is free from this attitude.)” (Đọc Prejudice: Concept, page 440).

 Nhìn qua lịch sử các dân tộc và ngay trong nước Mỹ này, ta thấy câu nói trên là đúng. Ta cũng phải công nhận rằng nước Mỹ đã trải qua bao nhiêu khó khăn, bằng mọi cách, cố gắng xoá bỏ nạn kỳ thị. Biết bao nhiêu luật lệ đã được ban hành, áp dụng trong mọi cơ quan, mọi tầng lớp xã hội, nhưng cũng chưa xoá bỏ được nạn kỳ thị. Chính phủ Mỹ đã quyết tâm đến mức chở các học sinh trắng, đen đến học lẫn lộn với nhau trong các trường mà cũng chưa xoá được kỳ thị. Chỉ dùng luật pháp mà thôi thì chưa đủ, phải dùng giáo dục để thay đổi từ trong lòng con người mới mong giảm bớt dần dần được nạn kỳ thị.

 Để tránh ngộ nhận, tôi phải nói ngay rằng, tôi không hề có ý nói rằng tất cả người Mỹ đều có óc kỳ thị. Tôi muốn nhấn mạnh là thái độ kỳ thị này chỉ còn nơi một số người Mỹ quá khích và cố chấp.

 Ta nhận thấy sự kỳ thị được biểu lộ trong hai khuôn mẫu sau đây:

 1. Những người da trắng kỳ thị cho rằng những người khác màu da với họ là thấp kém và họ muốn giữ những người đó ở trong tình trạng thấp kém mãi. Nếu có dịp xem phim ‘Roots’ về người da đen ở Mỹ, ta sẽ thấy rõ điều này. Ngày xưa người da đen không được đi học, phải lao động cực nhọc, vì người da trắng muốn giữ họ ở mức độ thấp kém mãi mãi. Người da trắng đã tự cao tự đại nói rằng, “Những người da màu mà chúng ta kìm giữ ở mức độ thấp kém, thấy rằng ở mức độ đó họ sung sướng hơn là ở mức độ khác. (They (coloured) whom we keep in an inferior position are happier than they would be otherwise)” (Đọc Apes, Men and Morons by Hooton).

 2. Nếu những người da màu thành công trong các địa hạt như làm ăn, chính trị v.v . . . thì họ bị ghen ghét bằng những hành động hoặc cử chỉ đe doạ như ta đã thấy xảy ra ở nhiều nơi và gần đây ở San Jose. Trong Chính Nghĩa số 1 (bộ mới) trang 5 có đăng thư của Hiệp Hội Luật Sư Á-Châu về hành động tàn bạo của cảnh sát Milpitas đối với bốn người VN bị họ bắt giữ, do Luật Sư Angelo M. Ancheta ký tên đại diện, gửi báo SJ Mercury News, có đoạn như sau:

 “Trong những năm gần đây, người ta thấy có khuynh hướng bạo động chống lại người Á-Châu và da màu. Trong bản phúc trình về các vụ bạo động chống lại người Á-Châu, Uỷ Ban Nhân Quyền nhận xét rằng các hành động chống người Á-Châu dưới hình thức đánh đập, hăm doạ, lăng nhục đang xảy ra khắp nước Mỹ. Và vấn đề cần được trình bày với các cấp chính quyền và các tổ chức trong cộng đồng”.

 Tôi nghĩ rằng một số người Mỹ vẫn còn thái độ này đối với người Á-Châu nói chung và người VN nói riêng. Nếu chúng ta thành công trong các ngành nghề thì họ ghen ghét và lo sợ như là một đe doạ đối với địa vị độc tôn của họ. Ông Mc Entee, Giám Đốc Sở Giao Tế của quận hạt Santa Clara đã có một nhận xét rất ý nghĩa. Ông nói, “Sự phản ứng (của người Mỹ) về lực lượng chính trị của người VN sau vụ tranh chấp với ĐGM Du Maine và (Ban Giám Đốc) Đại Học thành phố San Jose đã nảy sinh từ cái mà ông gọi là thái độ “Cha Chú” (bề trên) của một số người Mỹ (Paternalistic attitude). Ông Mc Entee nói tiếp, đối với những người Mỹ này thì “baolâu người VN cứ ngoanngoãn và im lặng thì họ (người VN) là người ‘tử tế’.” (SJ Mercury News, July 26-87).

 Ông Phạm Kim Vinh trong bài ‘Cuộc chiến cho danh dự người Việt’ đăng trong Chính Nghĩa số 4 (bộ mới) đã phân tích rất rõ về  trường hợp này. Ông đã nói là muốn cho người bản xứ kính nể (như truyện Anh Nguyễn Trí ở đầu bài này) người Việt phải cố gắng để “thành công về mọi mặt dù điều này đễ gây ra sự ganh ghét có khi hận thù nữa”. Vậy nếu ta hèn yếu, nhút nhát, tự ti mặc cảm, chịu cúi đầu trước thái độ tự tôn của một số người Mỹ kỳ thị thì tức là ta càng khuyến khích sự kỳ thị này và, muôn đời, ta cứ phải cam chịu làm nạn nhân của nó.

 Cuộc tranh đấu của giáo dân VN chống lại lệnh bất công của ĐGM Du Maine cũng theo chiều hướng này. Giáo dân VN không mong muốn gì hơn là đuợc hưởng quyền lợi như giáo dân Mỹ và như Giáo Luật cho phép. Giáo dân VN hội đủ điều kiện để được giáo xứ thể nhân. Vậy xin ĐGM cho giáo dân được giáo xứ thể nhân theo giáo điều 518. Giáo dân VN không bao giờ dám đòi quyền bổ nhiệm cha xứ như mấy người vu cáo. Nhưng giáo dân xin được bày tỏ cảm nghĩ của mình đối với vị chính xứ như Giáo Luật cho phép và xin ĐGM dùng quyền của Ngài trong việc bổ nhiệm cha xứ theo tiêu chuẩn đã được đề ra trong giáo điều 524 như Ngài áp dụng với các giáo dân trong các xứ Mỹ. Thỉnh nguyên của giáo dân thật là giản dị và hợp luật, hợp tình, hợp lý. Vậy mà phe Cha Dương lại cứ cố tình xuyên tạc vu cho giáo dân là ly khai, là chống phá Giáo Hội. Điều đó tỏ ra họ cố chấp và có ác tâm, không xứng đáng với danh xưng của người Kitô hữu. Sự cố chấp và có ác tâm này càng được biểu lộ rõ rệt hơn trong vụ Milpitas.

 Khi cảnh sát Milpitas hành động tàn bạo đối với bốn người VN bị bắt giữ ngày 7-6-87, công luận Mỹ, Việt và nhất là Hội Luật Sư Á-Đông, toànthể các luật sư VN vùng San Jose và một số luật sư Mỹ trong đó có ông chủ tịch Luật Sư Đoàn Leonard B. Sprinkles, đã lên tiếng phản đối hành động tàn bạo và kỳ thị này để bênh vực nhân quyền của những người VN mà cảnh sát Milpitas đã vi phạm. Chính cựu cảnh sát trưởng Milpitas, James Murray đã nhận là nhân viên dưới quyền ông đã làm điều sai quấy, trái pháp luật và ông đã trừng phạt họ. Nhưng buồn thay! Mấy người VN trong Tín Hữu lại đi ca ngợi hành động phạm pháp này của cảnh sát. Họ trơ trẽn diễu cợt một cách ấu trĩ những người đã đứng ra để bênh vực đồng hương!

 Chúng ta không thể để cho người Mỹ đánh giá trị người VN chúng ta theo cái tư cách bợ đỡ, xu nịnh, hèn nhát của mấy người “Tín Hữu” này. Chúng ta không chịu để một quyền lực nào kỳ thị, đàn áp chúng ta, vì như vậy là thoái hoá trong khi những người Mỹ chân chính trong chính phủ cũng như ngoài dân gian đang ra sức diệt trừ nạn kỳ thị này vì nó là nọc độc của nhân loại. Chúng ta cũng không thể chấp nhận được cử chỉ bợ đỡ, xu nịnh vì nó làm mất tư cách và phẩm giá của con người Việt Nam chúng ta.

Monterey ngày 11-2-88

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 7