Dịch vụ an táng từ Mỹ về Việt Nam Print
Tác Giả: Huy Phương/VOA   
Thứ Bảy, 03 Tháng 10 Năm 2009 20:00

Tại những nơi có nhiều người Việt sinh sống, đã có dịch vụ nhằm đáp ứng ước muốn của những người muốn được chôn cất tại Việt Nam sau khi qua đời.

Trong câu chuyện sau đây, mời quý vị theo dõi các chi tiết do một chuyên viên về tang lễ ở California, trình bày về việc đưa tro hoặc quan tài từ Mỹ về Việt Nam.

 
 Ông Nguyễn Sắc cho hay trong những năm qua có nhiều người Việt tại Mỹ muốn được an táng tại Việt Nam sau khi qua đời
Ông Nguyễn Sắc đã có giấy phép hành nghề tang lễ tại tiểu bang California từ 5 năm qua. Với giấy phép này, ông có thể hợp tác với tất cả các nhà quàn trong tiểu bang để lo thu xếp tang lễ cho những gia đình nào cần đến.

Đối với người của tiểu bang khác, ông Sắc có thể làm việc với các nhà quàn ở địa phương để chuyển sang California, rồi từ đó sẽ chuyển về Việt Nam.

Ông cho biết trong những năm vừa qua, có nhiều người Việt tại Mỹ có quyết định được an táng tại Việt Nam sau khi qua đời, và nhiều gia đình đã nhờ đến dịch vụ của ông, hoặc là đưa nguyên thi hài về, hoặc là chỉ cần đưa tro về.

Đối với ý định đưa nguyên thi hài về Việt Nam ông Sắc cho biết các thủ tục như sau:

“Tất cả khởi đầu với một tờ giấy ở Việt Nam, chỗ mà mình định đưa quan tài về. Gia đình bên Việt Nam phải xin giấy phép ở phường xã để chôn cất ở Việt Nam. Tiếp theo là giấy nhập cảnh do đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Việt Nam tại Mỹ cấp. Thứ ba là giấy kiểm dịch của Bộ Y Tế Mỹ, xác nhận không có bệnh truyền nhiễm. Thứ tư là giấy kiểm dịch của Bộ Y Tế Việt Nam trong đó cho phép thông qua cửa khẩu."

Thời gian làm các thứ giấy tờ này lâu hay mau tùy theo trường hợp:

“Nhanh nhất vào khoảng 4 ngày, còn trung bình khoảng 7 ngày. Có những trường hợp 10 ngày, nếu qua đời vì tai nạn hoặc vì nguyên do không rõ thì có thể lâu hơn”.

Trước khi đưa tiễn người quá cố về Việt Nam, gia đình thân nhân có thể tổ chức nghi lễ an táng

Trước khi đưa tiễn người quá cố về Việt Nam, ở bên Mỹ gia đình thân nhân bạn bè có thể tổ chức nghi lễ an táng gồm có lễ nhập quan, các buổi thăm viếng, cầu kinh, tụng niệm như bình thường. Và một điều quan trọng là thi hài phải được ướp bởi một chuyên viên khác, có giấy phép của tiểu bang.

“Về mặt kỹ thuật, xác phải được ướp và bỏ trong quan tài có bọc kim loại và niêm phong kín. Phải có giấy của chuyên viên ướp xác chứng nhận đã đạt tiêu chuẩn để có thể di chuyển trên đường quốc tế”.

Theo lời ông Nguyễn Thêm của công ty quan tài mộ bia Tobia, khi ướp xác, các chuyên viên thường dùng hóa chất có pha mầu để làm cho da trở lên hồng hào, hóa chất này được hòa lẫn với khoảng 10 lít nước để dùng máy bơm vào cơ thể qua các động mạch ở đùi và cổ. Thuốc sẽ đi qua tim và các hệ thống tuần hoàn của máu, đẩy tất cả máu đã đông khô ra khỏi cơ thể qua các tĩnh mạch được cắt từ bên ngoài da. Các chuyên viên cũng dùng nhiều dụng cụ khác nhau để khai thông các cục máu đông cứng. Sau đó, số lượng máu và nước trong cơ thể sẽ được thải xuống cống rãnh hay được giao cho một công ty đặc biệt phụ trách phần vụ này mang đi.

 
Luật California không đòi hỏi phải ướp xác trươc khi an táng 

Luật California không đòi hỏi xác phải được ướp trước khi an táng, nhưng nếu thi hài không được an táng trong vòng 24 giờ, hoặc người quá cố qua đời vì bệnh truyền nhiễm, hoặc thi hài được di chuyển đến nơi khác bằng đường hàng không, thì bắt buộc phải ướp.

Về chi phí cho một lần di chuyển quan tài từ Mỹ về Việt Nam, ông Nguyễn Sắc, Giám đốc Tang lễ của California cho biết:

“Từ các thành phố San Francisco hay Los Angeles của California về Việt Nam thì hiện nay phí tổn từ 8.500 đến 9.000 đôla, tùy theo về Tân sơn Nhất hay Nội Bài. Từ đó đi đến đâu nữa thì phải tính thêm. Giá tiền thay đổi tùy theo quan tài mình chọn và tùy theo có tổ chức thăm viếng ở bên Mỹ trước khi về Việt Nam hay không”.

 
Một số người quá cố ước muốn được hỏa táng trước khi đưa tro về Việt Nam. Trong trường hợp này theo ông Nguyễn Sắc thủ tục sẽ đơn giản hơn và chi phí cũng thấp hơn: 
“Về tro thì đơn giản hơn nhiều. Không kiểm soát chặt chẽ như thi hài vì hộp tro nhỏ hơn. Thứ hai, các giấy tờ cũng đơn giản hơn. Chỉ có giấy phép bên Mỹ cho phép chôn cất bên Việt Nam để có thể mang ra khỏi phi trường đi về Việt Nam. Còn vấn đề kiểm dịch thì bên Mỹ không buộc phải có thứ giấy đó, nhưng bên Việt Nam vẫn đòi phải có giấy kiểm dịch, thực ra đã là tro rồi thì không có gì phải lo ngại nữa. Tuy nhiên, bên Việt Nam vẫn buộc phải xin giấy đó; nhưng nếu định mang tro về nhà thì tôi thấy cũng chẳng có ai xin phép cả. Tóm lại về tro thì phía Mỹ chỉ cần giấy để mang lên máy bay thôi. Nếu không muốn tự mang về thì chúng tôi cũng có thể gửi bằng đường bưu điện được, cho nên thủ tục đơn giản hơn nhiều. Chi phí có đắt hay không tùy theo có tổ chức thăm viếng hay không, nếu không thăm viếng thì khoảng 1 ngàn đôla cũng có thể về tới Việt Nam. Hoặc trung bình có thăm viếng thì độ 3 ngàn trở lại”.

Ông Nguyễn Sắc cho biết trong thời gian hành nghề từ 5 năm qua ông đã thu xếp nhiều chuyến mai táng từ Mỹ về Việt Nam, riêng từ đầu năm đến nay ông đã phụ trách đưa về Việt Nam khoảng 20 quan tài từ California.