Giữ Gìn Nhạc Cổ Print
Tác Giả: SE sưu tầm   
Chúa Nhật, 22 Tháng 7 Năm 2012 08:42

Khó nhất hiện nay là giữ gìn văn hóa cổ, đặc biệt là nền âm nhạc cổ.

Đơn giản vì nghề cổ nhạc, dù ở miền Nam hay miền Bắc VN, đều kiếm tiền rất là vất vả, và thường khi chẳng kiếm được xu nào, mà lcòn lỗ thê thảm.Có thể hỏi các nghệ sĩ cổ nhạc là biết, từ cải lương, vọng cổ Miền Nam, tới bài chòi, hát bộ Miền Trung, và tới hát xoan, hát quan họ Miền Bắc...

Có phải kinh tế thị trường đã làm cho người nghe chạy theo nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng kông...? Hay có phải, các nhạc sĩ Việt Nam không trình bày nhạc cổ ra thị trường theo một kiểu cách thích nghi?

Báo Hà Nội Mới trong bài viết nhan đề “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Nghĩ từ đêm nhạc "Ca trù hát khuôn"…” của nhà phê bình Minh Ngọc cho thấy vài tia hy vọng.

Bài viết trích:

“Trong khi nhiều CLB Ca trù hoạt động lay lắt, nhiều đêm diễn mà khán giả ít hơn ca nương, kép đàn thì đêm "Ca trù hát khuôn" của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào tối 13-6, nhiều người đã phải ra về vì hết chỗ. Điều đó cho thấy ca trù vẫn có thể "sống khỏe", miễn là được tổ chức đúng cách, rõ chất lượng nghệ thuật...

Ca trù có mặt ở 14 tỉnh, thành phía Bắc nhưng sau gần 3 năm được UNESCO vinh danh, lượng người theo học tăng không đáng kể. Ở CLB Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng), người yêu ca trù phải tự bỏ tiền nuôi CLB và vận động con em theo học. Một số "báu vật nhân văn sống" mất đi khi chưa kịp được hưởng chính sách đãi ngộ như Nghệ nhân Phan Thị Mơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Kim (Thanh Hóa)… ít nhiều khiến việc truyền dạy di sản gặp khó khăn...

Đêm "Ca trù hát khuôn" của Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức diễn ra không màu mè, không quảng bá rầm rộ nhưng thu hút khán giả bởi chất lượng nghệ thuật đích thực. Chỉ trong khoảng một giờ, Nghệ nhân Kim Đức cùng học trò đã chinh phục khán giả qua các làn điệu "khuôn vàng thước ngọc" với nhiều thể cách như "Bắc phản", "Hồ Tây", "Bút huê thảo", "Tràng An hoài cổ", "Tỳ bà hành"... Kết thúc mỗi làn điệu là tiếng vỗ tay không ngớt, tiếng thầm thì ngợi khen. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả là làn điệu "Tỳ bà hành", do Nghệ nhân Kim Đức thể hiện...”

Tuy nhiên, cũng có điểm để suy nghĩ: nếu ca trù thành công như thế, có thể nào quảng diễn ra khắp nước, hay ít nhất là ở các tỉnh Miền Bắc, chiếc nôi của ca trù, hay không?

Và kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các hình nghệ thuật tương tự hay không: như cải lương và vọng cổ ở Miền Nam, bài chòi và hát bội ở Miền Trung?

Và còn hàng trăm làn điệu khác nữa, ở nhiều vùng khác.

Thêm một câu hỏi nữa: các nhạc sĩ có thể chuyển thể, cải biên để làm thành những thể nhạc mới, nhằm dựng một trường thành văn hóa cho VN trước làn sóng xâm nhập tràn ngập nhạc ngoại hiện nay?