Chợ Trời và những con người ‘chịu thương chịu khó’ Print
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Tư, 03 Tháng 10 Năm 2012 06:13

Nghề bán chợ trời đòi hỏi người có thể lực, chịu nóng chịu lạnh giữa trời, lái những chiếc xe vận tải nặng nề và phải khiêng vác dọn dẹp hàng hóa vất vả.
Tại chợ trời Golden West, từ khi có các đợt người Việt định cư tại Nam Cali là đã có những gian hàng do người Việt làm chủ. Nghề bán chợ trời đòi hỏi người có thể lực, chịu nóng chịu lạnh giữa trời, lái những chiếc xe vận tải nặng nề và phải khiêng vác dọn dẹp hàng hóa vất vả.

        Gian hàng nusery của chị Trương Thị Lan tại Golden West.

Nhìn quanh chúng ta thường thấy những người chủ gian hàng chợ trời, người Mễ to lớn dềnh dàng chịu khó giữa thời tiết, nhưng không ngờ trong số người buôn bán chợ trời tại đây lại có một phụ nữ Việt Nam, dáng người nhỏ thó, lại đủ lòng kiên trì, chịu khó suốt mười năm nay, bươn chải để nuôi một mẹ già và ba đứa con ăn học thành người.

Chị Trương Thị Lan, hiện ở Anaheim, theo gia đình sang Mỹ năm 1984 theo diện con lai. Cuộc hôn nhân sóng gió để lại cho chị một gánh nặng, khiến từ đó chị lăn vào cuộc sống vất vả. Không ai nghĩ rằng một người đàn bà yếu đuối như chị lại có thể phấn đấu, chịu khó làm một nghề tay chân cực nhọc như một người đàn ông mạnh khỏe.

Trong bức ảnh chụp gian hàng cây cảnh của chị Lan, chiếc xe vận tải to lớn, cồng kềnh chứa đầy các loại cây và vật dụng gia đình phía tay mặt là chiếc xe mỗi cuối tuần chị lái ra đây để dọn hàng và chiếc van màu trắng bên cạnh do con gái chị lái. Thứ Bảy và Chủ Nhật từ 5 giờ sáng, chị và ba con đã có mặt tại khu Chợ Trời Golden West, dựng bạt căng lều và đem các loại cây, hoa từ hai chiếc xe xuống. Phải mất hai tiếng đồng hồ mới dọn xong gian hàng “nursery” để chờ khách đến mua. Ðể có được một gian hàng tương đối có đủ mặt hàng, những ngày trong tuần chị phải lái xe đi mua cây từ các nông trại xa để có được giá rẻ, giao sỉ cho các nursery. Nếu cuối tuần có khách cần mua các loại cây cảnh đặc biệt, chị sẵn sàng đi kiếm và mang lại nhà cho khách.

18 năm nay, chị Lan là một single mom làm việc vất vả như một người đàn ông tháo vát, da chị sạm đen suốt ngày trên chiếc vận tải, đi về giữa các nông trại và hai ngày cuối tuần phơi nắng, chịu lạnh giữa trời.

Ba người con của chị, ngày nay đã trưởng thành, cô con gái đầu 25 tuổi, đang làm việc ở một bệnh viện tại quận Cam, con trai thứ, 22 tuổi, đang theo học UCI và cô gái út chưa thấy mặt cha, ngày nay đã tốt nghiệp trung học. Nhưng không một ngày cuối tuần nào chúng vắng mặt bên gian “nursery” của chị. Thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tuần từ 5 giờ sáng, bốn mẹ con chị đã có mặt tại chợ trời, xuống xe các vật dụng, cây cối, căng lều bạt sắp xếp để đón khách và gần 3 giờ chiều lại thu xếp cho vật dụng lên xe lái về nhà. Xong việc nhà vào khoảng 4 giờ chiều, cậu con trai còn sang phụ tiếp dọn hàng với ông chủ gian hàng bên cạnh để kiếm thêm chút tiền.

Không như những gian hàng khác đôi khi phải thuê mướn người phụ, nhờ các con hiếu thảo, chị tiết kiệm được một số tiền lớn. Chị cho biết số doanh thu mỗi tuần từ $1,500 đến $2,000, vốn liếng không nhiều, chủ yếu lợi tức là nhờ vào công sức của mình.

Chị Trương Thị Lan thú nhận, nghề chợ trời không làm giàu, tuy vất vả nhưng đời sống gia đình cũng khá sung túc.

Một nghề tự do

Chọn một loại hàng mua đi bán lại ít vất vả hơn, chị Phạm Thị Tuyên ở Santa Ana, sang Mỹ từ năm 1988, làm chủ một gian hàng tạp hóa bán các đồ trang sức và vật dụng gia đình có giá thấp từ một hai đô la một món. Loại tạp hóa này chị đi mua tại từ những nhà bán sỉ từ vùng Los Angeles hay China Town mang về, tiền lời mỗi món tuy ít, nhưng số lượng bán ra nhiều.

          Các em phụ việc thu xếp lều bạt sau một này vất vả.

Chồng chị làm nghề tiện mỗi tuần chỉ có được một ngày nghỉ cuối tuần, nên chị để anh lo việc nhà và trông con nhỏ, công việc ngoài chợ trời là của chị. Phụ việc khiêng, dọn hàng cuối tuần giúp chị có hai cậu em, một hiện nay là sinh viên, một làm hãng. Chị Tuyên cho biết, tuy nghề bán chợ trời có phần vất vả, vì phải đứng suốt ngày ngoài trời, nhưng được cái giờ giấc tự do, chị dành thời gian để đưa đón các con, ngoài giờ ở trường, còn đưa con đi học đàn, học bơi lội.

Ngày nay con trai lớn chị đã lên đại học, cháu nhỏ mới 12 tuổi, nhờ job của chồng và nghề cuối tuần của chị, gia đình coi như ổn định, nhà mua đã trả xong.

Khu chợ trời được tổ chức trên khu parking của sinh viên, tiền rent hiện nay tương đối còn rẻ: $40 mỗi ngày cho mỗi đơn vị gồm 2 “parking space”. Tùy nhu cầu buôn bán, chủ các gian hàng có thể thuê hai hay ba đơn vị. Với tiền thuê chỗ còn rẻ, nên nghề bán chợ trời hiện nay vẫn còn là nghề kiếm ra tiền nên những người chậm chân không còn chỗ thuê, phải nghĩ đến việc sang lại các gian hàng đang hoạt động với số tiền không nhỏ.

Nghề phụ việc ở chợ trời

Vào thời điểm 1990-2000, lương của một người phụ việc chợ trời là $50 mỗi ngày. Công việc phụ việc bắt đầu từ 5 giờ sáng, dọn hàng ra cho chủ, đứng bán hàng và khoảng 2:30 chiều bắt đầu “thu quân”. Buổi cơm trưa do chủ đài thọ.

Michael Lê, cư dân Garden Grove, hiện nay là sinh viên của OCC về ngành business, học thêm crimminal justic tại Golden West đã dành cuối tuần để phụ việc cho người chú, một cựu sĩ quan hải quân, chủ một gian hàng bán quần áo hiện diện gần hai mươi năm tại đây. Anh cho biết lương phụ việc bây giờ mỗi ngày được $70, tuy vậy có nơi chủ chỉ trả $60. Nếu công việc chỉ có phụ dọn hàng ra buổi sáng và chiều dọn hàng về thì chỉ được trả $30 thôi.

Chúng tôi tò mò hỏi “Liệu có các sinh viên du học trong số các em phụ bán chợ trời tại đây không?” thì Michael Lê trả lời chắc nịch: “Chắc chắn là không! Nghề phụ việc này quá vất vả, có lẽ chỉ dành cho các sinh viên nghèo, chịu khó mà thôi!”