'Biển' Galilee Print
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm /Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Ba, 20 Tháng 7 Năm 2010 13:53

 Biển Galilee (Galilê), tuy được nhắc đến trong Kinh Thánh là “biển,” nhưng thực ra là một hồ nước ngọt có mực nước thấp hơn mực nước biển nằm ở miền Bắc nước Israel,

cạnh cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Hồ Galilee là đất thánh của Thiên Chúa Giáo vì nơi đây Chúa Jesus (Giêsu) đã từng rao giảng và làm nhiều phép lạ.

 Hồ nước ngọt nơi Chúa Giêsu từng rao giảng


Bình minh trên “biển” Galilee. “Biển” này thực ra là một hồ nước ngọt.

Sáng ngày Chủ nhật, 28 tháng 2, 2010 phái đoàn hành hương chúng tôi rời tu viện các bà sơ dòng Tiểu Muội ở Nazareth để đi viếng biển hồ Galilee và các Nhà thờ,

 Thánh tích quanh vùng thung lũng xanh tươi đó. Hồ Galilee nằm về phía Ðông và cách Nazareth chỉ khoảng 30 miles (48 km) và cách thủ đô Jerusalem 140 miles (224 km) về hướng Bắc.

Nằm cạnh bờ Tây hồ là thành phố Tiberias dân số 40,000 người vào năm 135 SCN từng là thủ đô của người Do Thái sau khi bị đế quốc La Mã cấm sinh sống ở Jerusalem, họ phải dời cư về hồ Galilee và nơi đây trở thành trung tâm văn hóa của người Do Thái nên còn được gọi là “Jerusalem Talmud” có nghĩa là “Jerusalem Văn Hóa” để phân biệt với Jerusalem bị La Mã chiếm đóng.

Hồ Galilee còn có tên là Hồ Genezareth hoặc là Hồ Tiberias là một hồ nước ngọt lấy nước từ những con suối ở phía Bắc vùng Ðồi Golan trước kia là đất của Syria mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967.

Hồ Galilee nằm dưới mực nước biển 209 mét là hồ nước ngọt nằm thấp nhất trên địa cầu trong khi Biển Chết (Dead Sea) cũng thuộc Israel là hồ nước mặn nằm thấp nhất địa cầu.

Diện tích của hồ Galilee là 166 km vuông, chiều dài nhất 13 miles (21 km), chiều rộng nhất 8 miles (13 km) và nơi sâu nhất là 141 ft. (43 m).

Hồ Galilee được Thánh kinh Tân Ước nói đến rất nhiều là nơi Chúa Giêsu rao giảng và làm nhiều phép lạ, cũng là nơi Thánh Phêrô (Peter) cùng các môn đệ hành nghề chài lưới và cùng theo Chúa trong hành trình rao giảng tin mừng khai sáng đạo Thiên Chúa Giáo. Do đó từ thời đế quốc Byzantine vốn theo đạo Thiên Chúa, hồ Galilee được xem là nơi Chúa sinh sống, là thánh địa thu hút rất đông tín đồ đến hành hương.

 Chúng tôi cũng là những tín đồ hành hương, khách hành hương cũng là du khách, trong khi du khách chỉ vãng cảnh, ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên còn người hành hương thêm niềm tin tôn giáo, tìm đến để chiêm bái những nơi giáo chủ của họ từng sinh sống và hành đạo.

Nhà thờ Chúa Trao Quyền Cho Phêrô (peter primacy)

Hôm nay chúng tôi đến để chứng kiến nơi Chúa Giêsu đã từng sinh sống và bước đi trên những con đường Chúa và các môn đệ đã từng bước qua và nhìn tận mắt những nơi đã được ghi lại trong thánh kinh qua những việc như:

-Chúa Giêsu bắt đầu công việc rao giảng (Matthew 4:12-17, Luke 4:14-15): “Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng tin mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.’”

-Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Matthew 4:18-22, Luke 5:1-11): “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.”

Ngoài ra trên hồ Galilee, Thánh kinh còn ghi lại những phép lạ như Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước biển để đến ghe các môn đệ đang chài lưới, Chúa làm lặng sóng lúc biển động và làm phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá thành nhiều, đủ cho năm ngàn người ăn trong lúc nghe Chúa giảng trên bờ hồ.

Di tích hội trường Do Thái gần nhà Phêrô ở Capernaum.

Chúng tôi đến hồ Galilee vào thời tiết mùa Xuân, trời lại mưa có lúc tạnh với nhiều mây xám trên bầu trời và mặt hồ bình yên lặng sóng.

Ðây là vùng đất nằm sâu dưới mực nước biển nếu vào mùa Hè khí hậu nóng bức chắc sẽ ngột ngạt vô cùng.

Ðịa điểm chúng tôi viếng đầu tiên là nhà thờ Peter Primacy nằm ở làng Tabgha cạnh bờ phía Bắc của hồ Galilee.

Ðây là vùng đất quê nhà của Thánh Phêrô và ông là môn đệ được Chúa trao quyền cai quản giáo hội sau khi Chúa chịu hành hình trên thập giá.

Theo Thánh kinh của Thánh Gioan chương 21 viết rằng: Chúa Giêsu xuất hiện lần thứ 3 cùng các môn đệ kể từ ngày Chúa sống lại tại bờ hồ Galilee.

Trong đêm trước Phêrô cùng vài môn đệ khác đem thuyền ra hồ nhưng không bắt được con cá nào. Buổi sáng một người đàn ông xuất hiện trên bờ là kêu họ thả lưới về phía mạn phải con thuyền. Các môn đệ theo lời thả lưới và bắt được rất nhiều cá đến nỗi không kéo được lên thuyền.

Lúc ấy ông Phêrô mới nhận ra Chúa và nhảy xuống nước đi vào bờ để gặp Người. Các môn đệ khác ngồi trên thuyền và kéo lưới đầy cá phía sau thuyền. Khi họ lên bờ Chúa Giêsu sửa soạn than nướng cá cùng với bánh mì và họ cùng ăn sáng với nhau (Gioan 21:9).

Người ta tin rằng nơi Chúa ăn sáng trên tảng đá “Mensa Christi” nằm ngay chính điện trong nhà thờ Peter Primacy hiện nay. Sau bữa ăn sáng, Chúa Giêsu trao quyền dẫn dắt giáo hội cho Thánh Phêrô với lời nói: “Hãy cho chiên của ta ăn” (Feed my sheep) (Gioan 21:15-19).

Từ đó Thánh Phêrô đi sang các nước rao giảng đức tin, là vị giáo hoàng tiên khởi của Công Giáo và ông đã tử đạo tại Roma dưới thời bạo chúa Nero vào khoảng năm 64 SCN khi truyền đạo sang La Mã.

Trong nhà thờ xây ngay trên di tích ngôi nhà Thánh Phêrô.

Chúng tôi xem lễ sáng Chủ Nhật trong nhà thờ Thánh Phêrô này do linh mục hướng dẫn đoàn cử hành.

 Nhà thờ xây bằng đá xanh trên phần còn lại của nhà thờ từ thế kỷ thứ 4 và hiện do dòng Fransico trông nom.

Phía ngoài sân nhà thờ cây cối xanh tươi nhìn ra bờ biển hồ Galilee buổi sáng mùa Xuân mặt nước xanh phẳng lặng mặc dù trời nhiều mây xám.

Ngoài khơi có vài con thuyền nhỏ mỗi thuyền chỉ một vài ngư phủ đang chài lưới buổi sáng. Nhìn về phía Nam thành phố Tiberias nhà cửa trăng trắng chi chít trên sườn núi thoai thoải.

 Sân nhà thờ có tượng đồng Chúa trao quyền cho Thánh Phêrô đang quỳ, phía dưới ghi dòng chữ “Feed my sheep.” Về phía Bắc bên trong đất liền cách một vùng cây cối có nhà thờ Bánh Và Cá (Church of the Loaves and Fishes) ghi lại phép lạ Chúa đã làm nhưng chúng tôi không có tới.

Nhà thờ Tám Mối Phúc Thật

Chúng tôi lên xe đến nhà thờ Tám Mối Phúc Thật (Church of Beatitudes) ở về Tây và cũng bên trong đất liền trên một ngọn đồi.

Ðây là nhà thờ Công Giáo nhưng có kiến trúc kiểu như đền Hồi, bình đồ hình vuông với 4 hành lang 4 mặt. Giữa phía trên là một mái vòm bán cầu đặt trên bệ 8 cạnh tượng trưng cho Tám Mối Phúc Thật.

Nhà thờ do kiến trúc sư Barluzzi xây năm 1938 do chính phủ Ý thời Mussolini tài trợ, nhà thờ nay cũng thuộc dòng Francisco trông coi.

Tọa lạc trên ngọn đồi cùng tên Beatitudes, phong cảnh nơi đây rất bình yên thanh tịnh, nhìn phía dưới là biển hồ Galilee nước xanh mặt phẳng như tờ.

 Cây cối trồng xung quanh là những cây cọ với những tàng lá xòe ra trông rất u nhàn. Nhà thờ được xây trên núi ngày xưa Chúa đã giảng về Tám Mối Phúc Lành được diễn tả trong thánh kinh như sau:

Bài Giảng Trên Núi - Tám mối Phúc (Luke 6:20-23):

“Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

Nhà của Thánh Phêrô ở Capernaum

Sau đó chúng tôi ngồi xe men theo bờ hồ lên hướng Bắc đến vùng Capernaum viếng căn nhà của Thánh Phêrô ở ngày xưa và cũng là nơi Chúa Giêsu từng cư ngụ sau khi rời quê hương tuổi thơ ở Nazareth. Capernaum là một làng chài ở bên bờ Tây Bắc của biển hồ Galilee.

Hiện nay làng chài chỉ còn lại là một di tích cổ điêu tàn với những nền nhà bằng đá nhưng nơi đây đã từng có người sinh sống từ năm 150 TCN cho đến năm 750 SCN với dân số khoảng 1,500 người. Người La Mã khi xâm lăng đất Do Thái chưa từng đặt chân đến làng này.

Những di tích các nền nhà, đền thờ Do Thái chỉ mới được khai quật từ những năm 1800 cho đến nay và những khám phá mới nhất được công bố trên Internet vào năm 2003.

Công tác khảo cổ phần lớn được thực hiện bởi dòng Francisco và được tài trợ bởi chính phủ Ý. Khám phá quan trọng nhất vào năm 1968 là tìm thấy nền nhà của Thánh Phêrô trong một quần thể nhà ở xây từ thế kỷ 1 SCN.

Làng chài Capernaum được Tân Ước đề cập đến nhiều lần: trong Tin Mừng của Thánh Luke đó là nơi tọa lạc các ngôi nhà của 4 môn đệ là Phêrô (Peter hay Simon Peter để phân biệt với môn đệ khác cũng tên Simon), Anrê (Andrew, anh của Peter), Giacôbê (James) và Gioan (John) cũng như của người thu thuế là Matthew.

 Làng chài là nơi Chúa chọn 4 môn đệ đầu tiên là Peter, Andrew, James và John. Theo Tân Ước viết bởi Matthew chương 4, câu 13 làng chài cũng là nơi cư ngụ của Chúa Giêsu.

Theo Luke 4:31-44 Chúa Giêsu đã từng giảng dạy trong hội trường Do Thái Giáo ở Capernaum trong ngày Sabbath (Thứ Bảy là ngày nghỉ của đạo Do Thái). Ở Capernaum Chúa cũng chữa lành bệnh cho một người đàn ông bị quỷ ám và chữa bệnh nóng sốt cho mẹ vợ của Thánh Phêrô.

 Hiện ngôi đền thờ Do Thái vẫn còn di tích tại đây với nền nhà, vài bức tường và nhiều cây cột tròn. Riêng ngôi nhà của Thánh Phêrô chỉ còn lại nền nhà và phần dưới của những bức tường bằng đá tròn đen, hiện người ta xây một nhà nguyện ngay bên trên nền nhà của Thánh Phêrô.

Món đặc sản Cá Phêrô trong nhà hàng bên hồ Galilee.

Rời làng chài chúng tôi đi ăn trưa trong một nhà hàng xây sát cạnh bờ hồ với món đặc sản ở đây là món Cá Phêrô (Peter's Fish.

Nhà hàng phía nhìn ra hồ để trống không xây tường để khách vừa ăn vừa ngắm cảnh, thực khách rất đông đủ mọi quốc tịch do các Tour hành hương đưa đến và nhà hàng làm ăn rất khấm khá vì biết khai thác món đặc sản này.

Món Cá Phêrô là cá rô Phi (Tilapa) được chiên theo kiểu chiên xù với dầu mỡ thật nóng cho các vi cá dựng đứng lên.

Cá bày trong dĩa lớn đi kèm miếng bánh mì tròn dẹp, một lát khoai tây hấp to bảng còn xà lách thì ăn bao nhiêu cũng được, cứ đến quày xà lách lấy cùng với dầu giấm, gia vị.

Món đặc sản Cá Phêrô được tính là 15 Euro (tương đương với 20 đô la Mỹ) trong khi ở California cá rô Phi được bán với giá 1.99 USD 1 pound tương đương với 4 USD 1 kg. Cá rô Phi ở Cali người ta nuôi trong trại cá, chắc là Cá Phêrô cũng được người Do Thái nuôi nên mới có nhiều và cùng cỡ như nhau.