Phản ứng của VN trước các cuộc xâm lược kế hoạch của Trung Quốc Print
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 22 Tháng 9 Năm 2008 08:33

Bài của Greg Torode and Shi Jiangtao
Ngày 5-9-2008
Hiệu đính: Blooger  Trần  Hoàng
(South China Morning Post)

 * Bắc Kinh phủ nhận về những lời đe doạ trên mạng trực tuyến

Việt Nam đã phản ứng chính thức đối với Trung Quốc về cái được gọi là "những kế hoạch xâm lược" xuất hiện trên các trang web của đại lục có nội dung được nêu ra chi tiết cho hành động xâm lược bằng quân sự toàn diện của Trung Quốc đối với quốc gia này.

 Hà Nội đã hai lần triệu các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đến để bày tỏ những mối quan ngại của mình đối với tài liệu nào đó, mặc dù không rõ nguồn và xuất hiện không chính thức, đã gây lo lắng cho giới chức trong ngành ngoại giao và quân sự tại thủ đô của Việt Nam sau khi những tài liệu này xuất hiện lặp đi lặp lại trong tháng qua.

 Những chi tiết kế hoạch được giả định về một cuộc xâm lược trong 31 ngày, khởi đầu với những cuộc tấn công bằng tên lửa trong 5 ngày từ mặt đất, biển và trên không và đạt đến cao điểm trong một cuộc xâm lược cần đến 310.000 binh lính từ các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và từ Biển Đông càn quét vào bên trong lãnh thổ Việt Nam. Việ gây tắc nghẽn hệ thống điện tử từ các trung tâm liên lạc và truyền mệnh lệnh của Việt Nam được đề cập đến, cùng với việc khoá chặt các tuyến hải lộ trong vùng Biển Đông.

"Việt Nam là mối đe doạ to lớn đối với sự an toàn của các vùng lãnh thổ của Trung Quốc, và là chướng ngại lớn nhất cho bước phát triển hòa bình của Trung Quốc," các kế hoạch được tung lên trang Sina.com và ít nhất ba trang web khác đã tuyên bố như vậy.

 "Hơn nữa, Việt Nam còn là trung tâm chiến lược trong toàn bộ vùng Đông nam châu Á. Việt Nam phải được chế ngự trước tiên nếu như Đông nam Á lại nằm dưới sự kiểm soát [của Trung Quốc] một lần nữa."

 "Từ tất cả những viễn cảnh này, Việt Nam là một mẩu xương cứng khó nuốt."

 Trong một tuyên bố liên quan tới tờ South China Morning Post, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng xác nhận rằng Việt Nam đã đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh "có hành động sao cho những bài báo có nội dung đó sẽ không xuất hiện lần nữa kể từ đây vì chúng có thể sẽ làm tổn hại cho các mối quan hệ song phương."

 "Đây là thứ thông tin không thích hợp, chống lại khuynh hướng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cho việc phát triển trong khu vực và trên thế giới và không nằm trong những lợi ích của mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc," ông Dũng nói.

 Ông cho biết thêm là Trung Quốc đã chấp nhận những yêu cầu của phía Việt Nam và "nói rõ rằng bài báo không phản ánh lập trường của chính phủ Trung Quốc."

 Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh nói rằng " những giọng điệu khác biệt" trên internet đại diện cho những hành vi mang tính cá nhân "chỉ bởi một nhúm người, không đại diện một chút nào cho lập trường của phía Trung Quốc."

"Chính phủ Trung Quốc gắn tầm quan trọng đối với sự phát triển các mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và tích cực hết lòng cho việc củng cố rộng rãi mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam," ông nói.

Các nguồn tin từ chính phủ Việt Nam cho biết họ đang bị bối rối khi những bài báo vẫn còn được lưu trên mạng trực tuyến, trong khi họ tin rằng Trung Quốc tích cực kiểm soát nội dung chứa trong các website của đại lục.

 Nhiều quan chức tin rằng những bài báo này có thể đã được châm ngòi bởi những căng thẳng dâng lên quanh vấn đề Biển Đông đang gây tranh cãi, nơi Bắc Kinh mới đây đã và đang gây sức ép để các các hãng dầu lửa quốc tế rút lui những hợp đồng thăm dò dầu khí của mình với Việt Nam.

 Vào tháng Bảy, tờ The Post này đã có bài viết cho biết phái viên của Trung Quốc đã cảnh báo hãng ExxonMobil - hãng dầu lửa lớn nhất thế giới - rằng hoạt động kinh doanh tại đại lục trong tương lai của hãng này có thể gặp rủi ro trừ phi nó rút ra khỏi những thỏa thuận tại các mỏ dầu miền nam và miền trung Việt Nam. Các nhà quản trị của ExxonMobil cho biết vị thế pháp lý của Việt Nam ở khu vực này là vững chắc.

 Song Xiaojun, một chuyên gia về quân sự tại Bắc Kinh, đã mô tả những kế hoạch được tung lên internet, mà một bản trong đó có tựa đề "Một trận đánh để đưa lãnh thổ này vào vòng trật tự", như là một trò cười.

"Hầu như, đó chỉ là một trò chơi của một nhúm các tay tài tử về quân sự và nó hoàn toàn chẳng có giá trị gì về quân sự," ông cho biết.

Ông còn nói hiện vẫn có một số người ở cả hai quốc gia này có thể không quên được những mối thù của nước mình.

 "Trung Quốc và Việt Nam có những hệ thống chính trị tương tự nhau và cần phải thống nhất để chống lại Hoa Kỳ, kẻ thù chung của cả hai nước," ông nói. Rõ ràng Hoa Kỳ đang cố gắng xoay chuyển Việt Nam theo hướng chống lại nước Trung Quốc đang nổi lên."

 Ông Song đã coi công việc thăm dò dầu khí của ExxonMobil trên Biển Đông như là sự khiêu khích.

"Chúng ta cần phải luôn được báo động về âm mưu giả định có thể xảy ra đằng sau cái được gọi là kế hoạch xâm lược và những thứ khiêu khích khác. Những người có đầu óc xét đoán ở cả hai nước đều nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc không có lý do gì để nghĩ tới việc xâm lược Việt Nam trong khi quốc gia này cần tạo dựng mối quan hệ bạn bè tốt đẹp với láng giềng của mình."

 Ông nói chính phủ đại lục cũng cần phải học một bài học từ vấn đề này.

 "Các giới chức cần có trách nhiệm hướng dẫn công luận trong quan hệ với các quốc gia khác và làm sao cho lập trường của mình về những vấn đề phức tạp được rõ ràng và dễ hiểu. Chính phủ không nên tạo ra bất cứ cơ hội nào cho những kẻ chuyên gây chuyện và những suy đoán có hại."

 Carl Thayer, một nhà phân tích kỳ cựu về quân sự Việt Nam tại trường đại học Quốc gia Úc, đã nói rằng không thể nghĩ là Trung Quốc sẽ cân nhắc một cuộc xâm lược như vậy trong bối cảnh khu vực thời hiện đại, song ông đã cảnh báo rằng vụ việc này làm nổi lên khả năng về thứ "chủ nghĩa dân tộc cực đoan" trong cả hai bên.

 "Nó có thể dễ dàng trở thành bộ phận của một khuynh hướng dễ bị tổn thương. Trung Quốc phản đối về các hành động phản kháng chống Bắc Kinh tại Hà Nội và rồi Việt Nam cảm thấy mình phải phản ứng lại theo cách nào đó tương tự," GS Thayer nói.

Chiến lược quân sự của Việt Nam hiện tại từ lâu đã gắn với việc ngăn chặn Trung Quốc hỗ trợ cho những tuyên bố về lãnh thổ của mình bằng sức mạnh, ông nói.

 Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cả hai chính phủ đã thực hiện việc xây dựng lại mối quan hệ trong những năm gần đây, bất chấp những căng thẳng kéo dài sau cuộc xung đột biên giới chớp nhoáng nhưng đẫm máu năm 1979.

Cũng như việc làm cho sâu đậm thêm những mối quan hệ anh em giữa các nhà lãnh đạo đảng cộng sản, hai bên đã đạt được những tiến bộ trong giải quyết các tranh chấp trên 1.400km biên giới đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, những tuyên bố mang tính đối nghịch liên quan tới những vùng đất giàu tiềm năng dầu lửa bên dưới Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vẫn là một điểm then chốt trong mối xích mích giữa hai nước.