Tản Mạn Bầu Cử Print
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 06 Tháng 10 Năm 2008 06:22

Nguyễn Kim Ngân

10/04/08

Có thể nói chưa bao giờ tranh cử và bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ lại lý thú và hấp dẫn đến thế. Không phải vì lần này cuộc bầu cử mang sắc thái đối nghịch đảng phái (xưa nay có lúc nào mà chẳng Cộng Hoà hay Dân Chủ?). Kỳ tuyển cử này, hơn hẳn các kỳ trước, nó mang nặng ấn tượng về mầu da, chủng tộc, tuổi tác, và cả giới tính nữa: toàn là những yếu tố rất tế nhị, những bãi mìn gài ngay ở vùng biên giới của kỳ thị và phân biệt đối xử, những đại cấm kỵ của một xã hội văn minh dân chủ.

Nhưng còn hơn thế nữa, chưa bao giờ có cuộc tuyển cử nào mà các Đấng, các Bậc lại nhẩy vào cuộc mạnh dạn như kỳ này. Thử điểm vài khuôn mặt của các Đấng xem sao:

(1) Trước hết là Đức Tổng Giám Mục (TGM) Denver, Charles J. Chaput, O.F.M. Cap. với cuốn sách mới nhất kêu gọi con chiên của Ngài “phục vụ quốc gia bằng cách sống niềm tin Công Giáo trong đời sống chính trị.” Ngài nhắc nhở rằng ơn gọi của người tín hữu là làm sao cho Nước Chúa trị đến trong mọi chiều kích của đời sống con người.

(2) Tiếp đến là Đức Hồng Y (ĐHY) Justin Rigali, TGM Philadelphia, với lá thư gửi đến Quốc Hội (đang được phe Dân Chủ kiểm soát) nhân dịp họ đang cứu xét cái gọi là “Freedom of Choice Act”—(FOCA, S.1173 và H.R. 1964), một dự luật nhằm “tôn phong” việc phá thai lên hàng “quyền căn bản,” có nghĩa là trong suốt chín tháng mười ngày, nếu khám phá ra thai nhi “có vấn đề” về sức khỏe, thì nhân danh cái quyền căn bản ấy, con người cứ việc trừ khử nó đi. Còn ngon hơn nữa, toàn thể nhân dân Hoa Kỳ văn minh có bổn phận phải tích cực hỗ trợ việc “giải trừ hậu hoạ” này bằng tiền đóng thuế từ cấp tiểu bang cho đến liên bang.

(3) Gần đến ngày bầu cử, Đức TGM Naumann và ĐGM Finn của Kansas City đã cùng công bố thư mục vụ về bổn phận bầu cử của cử tri Công giáo, ý thức được tầm quan trọng của việc cân nhắc các ứng cử viên dựa trên lập trường của họ: ủng hộ hay chống đối các chính sách vốn tạo điều kiện cho điều gọi là “intrinsic evils” (những sự ác tự nội) được hoành hành.

(4) Phần ĐHY Francis George của TGP Chicago, Ngài đã nhắc nhở giáo dân của mình rằng “chúng ta không thể vừa hỗ trợ cho cái ‘status quo’ (nguyên trạng) của việc phá thai, lại vừa phục vụ cho thiện ích chung được.”

(5) Trong khi đó, Đức TGM John G. Vlazny của Portland, OR, vừa lên tiếng chỉ trích Thống Đốc Oregon Ted Kulongoski vì ông này đã trở thành “một cớ gây xáo trộn cho giáo hội Công Giáo và là một xì căng đan cho cộng đồng Công Giáo khi mở tiệc khoản đãi nhóm mệnh danh là “NARAL Pro-Choice Oregon.”

(6) Riêng ĐGM Joseph F. Martino của Scranton, PA, đã viết thư mục vụ nói về các vấn đề phò-sự-sống để đọc trong các Thánh Lễ nhân tuần lễ “Tôn Trọng Sự Sống.” Khi cho rằng các vấn đề này chưa bao giờ như hôm nay lại có nhiều ý nghĩa đến thế, Ngài tuyên bố sẵn sàng ‘sửa lưng’ các giới chức phò-phá-thai đang nhan nhản khắp nơi.

(7) Nhưng không ai mạnh miệng bằng Đức TGM Burke, cựu TGM St. Louis, vừa được cất nhắc làm Chánh Án Toà Thượng Thẩm tại Rôma. Trong bài phỏng vấn mới nhất với ZENITH, Ngài đã nhận định rằng: “Đến hôm nay, Đảng Dân Chủ đang có nguy cơ tự biến mình trở thành “đảng của thần chết” do bởi lập trường của nó về các vấn đề đạo đức sinh học, như tác giả Ramesh Ponnuru đã viết trong cuốn sách của ông, nhan đề “Đảng của Thần Chết: Dân Chủ, Truyền Thông, Toà Án và Khinh Miệt Sự Sống Con Người.” Ngài rất lấy làm tiếc, vì trước đây Dân Chủ là đảng đã giúp tổ tiên cha ông Ngài, là những người Công giáo di dân được hội nhập vào trong xã hội Hoa Kỳ trù phú và thịnh vượng này. Nhưng nay thì không còn như thế nữa. Đó là chưa kể một số các vị khác, tuy không thuộc tầng lớp các Đấng, các Bậc, nhưng cũng có những tiếng nói rất nặng ký, tỉ như David Bereit, Giám Đốc Chiến Dịch Toàn Quốc “40 Ngày vì Sự Sống” (ý nói 40 ngày trước bầu cử) nhằm đánh thức và khơi lên niềm hy vọng của một nền văn hoá sự sống. Một nhân vật khác, David Blankenhorn, tuy là một đảng viên Dân Chủ cấp tiến, nhưng đứng trước cao trào hôn nhân đồng tính, ông đã dùng bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times để lên tiếng bênh vực hôn nhân truyền thống, coi đó là như là món quà mà xã hội ban cho thế hệ tương lai, bởi lẽ theo ông, hôn nhân truyền thống chính là tờ chứng chỉ cho phép người ta có con có cái.

Thì ra, dưới mắt các Đấng, thật là chướng tai gai mắt cái cảnh tượng các vị Dân Chủ...gộc, lại là con chiên đạo…gốc, thế mà cứ phùng mang trợn má tuyên bố vung vít rất…sốc. Càng chọc sùng các Đấng hơn nữa là việc các vị ấy, vốn xưa nay vẫn là con chiên ngoan đạo, nhất quyết không bỏ lễ Chúa Nhật, lại cứ tỉnh bơ xé đám đông khăng khăng xông lên rước lễ (Chẳng biết có vị nào đang làm Thừa Tác Viên Thánh Thể không? Hỏi nhỏ thế thôi!). Chủ trương chính yếu của các vị dân cử này là: con người, với tư cách là một cá thể tự do, có toàn quyền chọn lựa và quyết định tất cả mọi việc, từ ly dị, ngừa thai, phá thai, sống chung ngoài hôn nhân, cho đến đồng tính, an tử, nghiên cứu tế bào gốc và kể cả cái vụ nhân giống con người. Ôi thôi, toàn là các thứ ‘kỵ rơ’ nặng với niềm tin Công Giáo. Vâng, tôi phò-chọn-lựa mà!

Phò-chọn-lựa

Trước hết, ta thử bắt mạch lập trường phò-chọn-lựa xem sao. Thoạt nhìn, ta thấy ngụy trang kiểu này có vẻ an toàn. Đã là người, ai lại chẳng phải chọn lưạ? Ngặt một nỗi, đã chọn là phải lựa, lý do đơn giản là mình không thể chọn hết, không thể vơ vét hết. Cứ nhìn vào một chọn lựa đơn giản nhất như đi mua giầy chẳng hạn. Từ trước khi đi, bạn có thể đã bị điều kiện hóa một cách nào đó rồi, tỉ như giá cả, kiểu cọ, mầu sắc. Đó là chưa nói đến việc phải “hy sinh” cả sở thích cá nhân để “vãn hồi” nền trật tự và hoà khí trong gia đình (trường hợp nội tướng bạn đã “ấn định” và đã chọn dùm trước cho bạn một loại giầy nào đó rồi). Như thế, chưa cần nói gì đến chuyện lớn lao, ngay trong cái việc cỏn con vừa nói, ta cũng đã như bị kìm kẹp, không thể hoàn toàn làm chủ khả năng chọn lựa của mình rồi. Rõ ràng là bạn chọn mà không được lựa. Rõ ràng là bạn quyết định, mà hoá ra có người đã quyết định dùm rồi.

Nói thế để thấy rằng cái khẩu hiệu ‘pro-choice’ thực ra chẳng nói lên điều gì cả, bởi lý do đơn giản: sống là phải chọn lựa. Điều đáng nói là, kể từ khi ông bà nguyên tổ đã lựa chọn lầm, lũ cháu con của ông bà cứ vết xe cũ ấy mà đi. Chọn lựa sai, quyết định lầm đã trở thành thói quen hàng ngày của con cháu Ađam Evà. Hẳn nhiên, nếu đã chọn lầm thì có thể chọn lại (kiểu như nếu đã nói lộn thì xin nói lại). Thế nhưng có những điều chỉ được chọn có một lần, và nếu lần ấy mà chọn lầm rồi thì cứ hay lộn hoài. Đây là một dẫn chứng. Trong một đám cưới nọ, sau rất nhiều bài diễn văn, chúc mừng, cảm ơn từ hai họ, đến lượt cô dâu lên để gọi là kết thúc chương trình, như sau: “Trước khi kết thúc, con xin một lần nữa gửi lời cảm ơn tất cả quý vị đã bỏ thì giờ quý báu đến dự buổi tiệc cưới của con hôm nay. Vì là lần đầu tiên, chắc chắn có nhiều sai sót, nên con xin quý vị miễn thứ cho.” Thế là cử tọa được dịp xì xào tới…khuya. Vì có nhiều sai sót như thế, cho nên thiên hạ cứ tiếp tục lấy nhau, rồi ly dị, lại lấy nhau, rồi lại ly dị. Một vòng lẩn quẩn!

Trở lại với vấn đề chọn lựa. Chính bạn chọn lập trường phò-chọn-lưạ. Vấn đề còn lại là chọn lựa điều gì? Điều tốt hay xấu? Điều đúng hay sai? Điều phải hay trái? Điều có ích lợi hay gây phương hại cho chính mình hay cho người khác? Xem ra cái định nghĩa đúng nhất cho một quyết định tự do và nhân bản, đó chính là lựa điều tốt hảo, chọn điều đúng đắn, và dứt khoát không lựa chọn điều gian dối sai quấy. Cái nghịch lý của quyết định tự do con người nằm ở chỗ ấy. Phúc họa của con người cũng đến từ chọn lựa này. Rốt cuộc, định mệnh con người và thế giới này cũng do đó mà được xác định.

Nếu chọn lựa chỉ một đôi giầy mà đã lắm chuyện, huống chi một lựa chọn có tầm ảnh hưởng đến một mạng người, đến cả một thế hệ con người: việc chọn lựa phò-phá-thai.

Quyền phá thai

Không chỉ ngụy trang dưới danh xưng “phò-chọn-lựa,” người ta còn hô hào, chủ trương rằng: đây là một thứ quyền, quyền làm chủ thân thể mình, quyền được cắt bỏ, hủy hoại bất kỳ phần thân thể nào không đúng như ý mình, cứ y như là một thứ của nợ cần thanh toán cho xong. Thực ra tất cả đều bắt nguồn từ quan niệm hết sức duy vật về tình dục và về sự sống con người. Giáo dục phái tính được đưa vào trường học nhằm chỉ dẫn cho học sinh tiến trình quan hệ sinh lý nam nữ với hình ảnh minh họa ba chiều rõ nét, để rồi kết thúc buổi học bằng việc...phân phát bao cao su nhằm bảo đảm an toàn, trước là chống căn bệnh của thế kỷ, sau là (và nhất là) để đề phòng...dính bầu. Từ quan niệm duy vật ấy, người ta cứ yên tâm cho rằng phôi nhi hay thai nhi chỉ là một mớ tế bào nhầy nhụa, không có một định mệnh nào cả (nói gì đến quyền sống, hoạ chăng là quyền được...phá bỏ hay trừ khử, nếu kế hoạch bị bể, hay như ‘tai nạn’ xẩy ra ngoài ý muốn). Tiên sư cái đám chống phá thai, họ chỉ rắc rối: “Bộ tôi không có quyền quản lý và quyết định thân thể tôi sao? Phá bỏ hay giữ lại là quyền của tôi, mắc mớ gì đến các anh! Đi chỗ khác chơi cho người ta làm việc.”

Nếu quả đúng như vậy, thì thật là đau đớn và hẩm hiu cho số phận của cả một thế hệ trẻ tương lai: chỉ rặt một lũ “khách không mời mà tới,” hay toàn là những thứ “chết hụt,” “sống sót,” vì may mắn thoát khỏi trong gang tấc lưỡi hái định mệnh của các bác sĩ tử thần. Mỗi bé thơ ra đời sẽ tiếp tục khóc, không vì bất cứ lý do gì khác ngoài nỗi tủi nhục phải hứng ngay lấy lời nguyền rủa chát chúa: “Ai chờ đợi mày? Ai mong thấy mặt mày?” Thì ra mấy ông nội bà nội chống phá thai chỉ vẽ chuyện, ấm ớ bỏ mẹ: làm gì có cái thứ gọi là “quà tặng yêu thương của Thượng Đế,” nghe cứ y như là thần thoại!

Nếu người ta có thể nại tới quyền chọn lựa để trừ khử cái đám bào thai bầy nhầy, thì hẳn nhiên người ta sớm muộn cũng sẽ nhân danh quyền lựa chọn ấy để tự tử (hầu chết cho sướng). Và rồi sẽ tới ngày người ta nhân danh quyền lựa chọn để thanh toán nhau!

Thực ra đòi hỏi của Tin Mừng lúc nào cũng đầy thách thức. Đòi hỏi của luân lý Kitô giáo lúc nào cũng mang tính tuyệt đối và bất khả nhượng bộ. Tạm dùng hình ảnh này cho dễ hiểu. Giả như có một nền văn minh ngoại lai từ một hành tinh xa xôi nào đó tràn đến đe doạ huỷ diệt hành tinh chúng ta, trừ khi chúng ta đồng ý vi phạm một trong các giới luật tuyệt đối của Chúa. Câu hỏi đặt ra như thế này: vi phạm luật Chúa hay là để cho cả trái đất bị hủy diệt, đâu là điều phải làm, xét về mặt luân lý? Với quan điểm Công giáo, câu trả lời đúng sẽ phải là: thà cứ để cho trái đất bị hủy diệt chứ không được vi phạm giới luật của Chúa. Câu để đời của vị thánh trẻ 15 cái xuân xanh, Đaminh Saviô, học sinh của thánh Don Bosco, một cách tuyệt vời, cô đọng quan niệm tuyệt đối ấy: “Thà chết chứ không phạm tội!” Với não trạng tương đối hóa tất cả, bất cần tất cả, kể cả Thượng Đế, con người hôm nay càng ngày càng xa lạ với lối đặt vấn đề như vừa nói.

Có người bảo: “Công giáo các anh không được áp đặt quan điểm nặng mùi tôn giáo lên quyền quyết định của người khác.” Đồng ý! Tuy nhiên, nên nhớ, việc chống phá thai CHƯA phải là một vấn đề tôn giáo. Trước hết và trên hết, nó là vấn đề về nhân quyền!

Khi phá thai, người ta đã tước đi cái “quyền được sống” của những sinh linh bé bỏng không những chưa đủ khả năng tự vệ mà trái lại còn phải trông chờ tất cả vào sự chăm chút ân cần của người khác. Đó không phải là nhân quyền đó sao?

Từ chuyện “Tôi được sinh ra như thế”...

Đây là lý lẽ rất dễ nghe thấy khi người ta muốn biện minh cho lối sống buông tuồng mất nết của mình. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh sinh tử giữa thiện và ác đến hồi quyết liệt như thế này. Tội nguyên tổ đang hoành hành trở lại trong thế giới hôm nay, trong thế hệ hiện thời. Người ta thi nhau nuông chiều xác thịt (ai mà không thích sống sung sướng), sống theo bản năng dục vọng (vì tôi được sinh ra như thế mà). Lạc thú trở thành mục tiêu của đời sống, bất chấp luật lệ, bất chấp giá trị, bất chấp luân thường đạo lý. Con người mặc nhiên đang để mình ‘rơi tự do’ xuống ngang bằng với thú vật. Thật rùng rợn khi tưởng tượng đến cảnh hủy diệt Thiên Chúa dành cho Sôđôma và Gômôra, hai thành phố lừng danh của Sấm Truyền Cũ, vốn đang mọc lên đâu đó trên đất nước này, California hay Massachusetts, hoặc tại cả hai nơi và nhiều nơi khác nữa không chừng!

Cứ nghĩ đến kiểu nói “tôi được sinh ra như thế” là tôi bất giác nhớ đến buổi học giáo lý ở nhà thờ Sao Mai (vùng Chí Hoà, Ngã Ba Ông Tạ) năm xửa năm xưa. Cha chánh xứ hồi ấy là linh mục Phaolô Lê Nguyên Kỷ. Khi dậy giáo lý cho con nít, ngài hay có kiểu nói lơ lửng để trẻ con “điền vào chỗ trống.” Hôm ấy, cha giảng về sách Sáng Thế Ký: “Thiên Chúa dựng nên trời đất trong ___ (ngày).” Trẻ con nhao nhao lên cùng lúc: “Bẩy.” Cha giảng tiếp: “Thiên Chúa dựng nên người ta có nam và có ____.” Bỗng có tiếng nhanh nhẩu vang lên: “Bắc.” Cả bọn chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau một lúc, không hiểu trời trăng mây nước gì ráo. Tại sao không là “nữ” mà lại là “bắc”? Thì ra hồi ấy, khi mới di cư (từ Bắc) vào Nam, mối căng thẳng bắc nam luôn là đề tài nóng hổi, xẩy ra hàng ngày, suốt ngày cứ hết Bắc kỳ lại đến Nam kỳ, có nam thì phải có bắc, thành ra mới có chuyện méo mó “Thiên Chúa dựng nên người ta có nam và có...bắc” là như vậy.

...đến chuyện đi bỏ phiếu cho sự thật

Câu chuyện tếu này phản ảnh một thực tế không thể phủ nhận: đó là con người hay sống theo thói quen, có khi thói quen rất méo mó, dị hợm, nhưng riết rồi tưởng thật, để rồi cứ sống y như thật vậy, và kế đó là bắt cả người khác cũng phải công nhận là thật như mình tưởng vậy. Sống ở đất Hoa Kỳ cực kỳ dân chủ này, trong khi cả xã hội là một thứ “melting pot” hầm bà lằng các giống người, thì nguyên tắc căn bản chính là phải “chấp nhận nhau trong tinh thần tương kính.” Xã hội này tồn tại được cũng nhờ nguyên tắc dân chủ ấy. Tuy vậy, một nguyên tắc khác cũng căn bản không kém, nếu không nói là căn bản hơn, đó là việc tôn trọng sự thật, chấp nhận sự thật, bởi vì theo Thánh Kinh, chỉ có sự thật mới giải phóng con người mà thôi. Sự thật lịch sử là như thế nào? Thiên Chúa chỉ dựng nên “Adam and Eve” (theo lối nói Anh Ngữ), chứ Ngài có dựng nên “Adam and Steve” bao giờ đâu! Con người chỉ vẽ chuyện ấy thôi! Chúng tôi tôn trọng và chấp nhận quý vị (qúy vị có mất mát gì đâu, quyền lợi quý vị vẫn còn y nguyên mà). Thế nhưng quý vị cũng phải tôn trọng sự thật, và nhất là đừng bắt chúng tôi công nhận sự vẽ vời của quý vị.

Chưa bao giờ như hôm nay, người ta vận động bầu bán để thông qua, hay để nói “Yes, No” trước một sự thật. Khi người ta đặt vấn đề về sự thật, thay vì khẳng định nó, thì chỉ có thể là vì người ta hiểu sai hoặc cố tình bóp méo sự thật đó thôi. Thật là đơn giản! Đức GM Jamie Soto của Sacramento, trong bài nói chuyện nhân cuộc hội thảo về thừa tác vụ cho người đồng tính tổ chức tại Long Beach, CA, ngày 18 tháng 9 vừa qua, đã nêu đích danh cái Ngài gọi là “cảm quan méo mó” của con người thời đại. Ngài nói: “Dục tính đã bị giản lược vào vấn đề sở thích và hưởng thụ khoái lạc cá nhân bất cần trách nhiệm và tôn trọng đối với tha nhân.” Trong khi đó, Đức TGM Charles Chaput của Denver lại hết sức phân minh giữa “personal” (cá nhân) và “private” (riêng tư). “Đức tin,” Ngài nói, “tuy tự bản chất mang tính cá nhân, nhưng không bao giờ mang tính riêng tư cả. Bởi lẽ, tương quan của con người với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô thì bất khả phân với mối tương quan con người có với tha nhân.” Thì ra hành vi cá biệt của tôi, cho dù thế nào chăng nữa cũng ảnh hưởng đến những người đang sống cạnh tôi, một cách nào đó. Một viên đá nhỏ rớt xuống đại dương mênh mông cũng vẫn tạo được một đợt sóng, dù chỉ là đợt sóng lăn tăn!

Suy nghĩ cuối cùng

Kinh tế suy sụp, thị trường chứng khoán cà giựt, ngân hàng vỡ nợ, công ăn việc làm cứ mất dần, nhà cửa xuống dốc không phanh, mà “loan” thì ngày càng khó, chiến tranh thì cứ tiếp diễn...trăm ngàn những thứ bết bát kiểu này phải chấm dứt ngay lập tức, không thể kéo dài mãi như thế này được, không thể kiên nhẫn thêm được nữa. Phải thay đổi, thay đổi hay là chết! Không còn lựa chọn nào khác! Quá đúng, phải không bạn? Nhớ đi bầu để thay đổi, thay đổi tức thời và dứt khoát. Cái quần đã quá dơ, lại còn như cái giẻ rách, thì còn đợi gì mà không thay ra?

Chỉ có vài điều xin lưu ý bạn: (1) nhớ thay chiếc quần cũ rách bằng chiếc quần mới, thực sự có “chất lượng” hơn, (2) nhớ mặc cho đúng kiểu, đừng mặc đằng trước ra đằng sau kẻo người ta cười cho, và (3) nhất là đừng thay mặc quần bằng mặc...váy, trừ trường hợp bạn đã quyết định mua vé đi Thái Lan để đổi... đời!

Xin cùng tham khảo:

- Anthony Le, Cẩm Nang về Bầu Cử Xã Hội và Trách Nhiệm của Lương Tâm Công Giáo. www.vietCatholic.net (10/03/08)
- Archbishop Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., Public Servants and Moral Reasoning. www.catholicculture.org
- Justin Cardinal Rigali, Letter to Congress Regarding FOCA. www.catholicculture.org
- Francis Cardinal George, O.M.I., Letter on the Church’s Teaching on Abortion. www.archdiocese-chgo.org (09/02/08)
- Archbishop Neumann and Bishop Robert Finn, Proposed Freedom of Choice Act (FOCA) Would Increase Abortions. www.ewtn.com (10/03/08)
- Catholic Voters Must “Limit Evil” with Their Vote, Kansas City Bishops Say. www.ewtn.com (09/15/08)
- Bishop of Cranton Pledges Vigilance in Correcting Pro-choice Catholic Politicians. www.ewtn.com (10/03/08)
- Archbishop of Portland Rebukes Catholic Oregon Governor for Hosting Abortion-rights Fundraiser. www.ewtn.com (10/03/08)
- Archbishop Burke Talks about Democrats as “Party of Death” and Denying Communion. www.ewtn.com (10/01/08)
- Full Interview: Archbishop Burke Laments “Party of Death”. www.ewtn.com  (10/03/08)
- Bishop’s Defense of Church Teaching at Gay Ministry Conference Draws Attendees’ Ire. www.ewtn.com
- Robert Imbelli, Catholic? Prove It? www.catholicculture.org
- Richard W. Garnett, Misreading Cardinal George. Chicago Tribune, Monday, September 15, 2008
- David Blankenhorn, Protecting Marriage to Protect Children. Los Angeles Times, September 19, 2008
- Genevieve Pollock, 40 Days Revive Hope for Life: Interview with National Campaign Director David Bereit. www.zenith.org (09/23/08)
- David R. Carlin, Can a Catholic Be a Democrat? How the Party I Loved Became the Enemy of My Religion? Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 2006