Chính Trị và Anh Hùng Print
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Bảy, 27 Tháng 9 Năm 2008 23:41

Cách đây hai ngàn một trăm tám mươi năm, vua nhà Tần là Doanh Chính thống nhất Trung Hoa, tự hiệu là Tần Thủy Hoàng, ngụ ý muốn bảo cho người đời hay rằng giòng họ nhà ông sẽ đời đời cai trị Trung Quốc. Nhưng chưa trọn mười lăm năm và truyền nhau chưa hết hai đời thì nhà Tần đã bị lật đổ. Huyền thoại Trương Lương ra đời trong khung cảnh lịch sử này.

 Trương Lương là con cháu dòng dõi của nước Hàn (một trong sáu nước bị nhà Tần thôn tính.) Cha ông của Trương Lương đã năm đời làm tể tướng nước Hàn. Khi Hàn bị Tần diệt, Trương Lương liền đem hết sản nghiệp của mình đi tìm một thích khách để ám sát Tần Vương. Đến nước Triều Tiên làm Lương hải Quân, Trương Lương gặp một dũng sĩ với sức muôn người không địch, có thể múa đôi chùy nặng chừng năm trăm cân nhẹ như người thường cầm hai chiếc quạt.

 Trương Lương cùng người dũng sĩ liền về Bác Lãng Sa, đón Tần Thủy Hoàng đi săn ở đây mà giết. Kết quả quả chùy ngàn cân đã đập nát chiếc xe giá không có Tần Thủy Hoàng ngồi trong. Chết hụt, Tần Thủy Hoàng ra lệnh tầm nã Trương Lương. Khắp nơi mật vụ bủa lưới. Việc làm kinh thiên động địa kia khiến cho nhân dân khắp nơi tán tụng. Trương Lương còn trẻ lại làm việc động trời nên chỉ trong ít ngày Trương Lương đã trở thành một vị thiếu niên anh hùng, người của thần thọai trong đầu óc nhân dân.

  Nhưng trước mắt chính trị gia tài trí hơn người thì công việc ném chùy ở Bác Lãng Sa của Trương Lương chẳng qua chỉ là một hành vi vung kiếm vươn lên mà quyết đấu của kẻ thất phu, chỉ là một thứ "anh hùng cá nhân" thóat ly quần chúng không có tổ chức. Với hành vi "người hùng cô độc" đó thật khó lòng mà lật đổ cả một bộ máy bạo ngược của nhà Tần, khó lòng mà lãnh đạo được một cuộc cách mạng có trăm đầu ngàn mối.

  Tuy nhiên, ai cũng phải công nhận là cái phẩm chất "anh hùng cá nhân" của Trương Lương thật là đáng quý. Tấm lòng nhiệt thành "phò chánh nghĩa, giệt hung tàn", hành vi trượng nghiã sáng ngời: muốn cứu đời, cứu người, là cái bản chất qúy báu như viên đá kim cương nếu đem rèn luyện, mài dũa với sự hiểu biết nữa thì tất nhiên phải trở thành một thứ vũ khí vô song để đạp đổ bạo Tần.

  Trong số những chính trị gia lão luyện ấy có một người tên là Hoàng Thạch Công. Hoàng Thạch Công nhận biết mình ở vào cái thế "thế thời bất ngã dữ, lực bất tòng tâm", khả năng mình chỉ là khả năng ẩn dật một nơi để chỉ đạo cách mạng, nhưng không thể trực tiếp tham gia cách mạng. Khát vọng của Hoàng Thạch Công là tìm được một anh tài trong thiên hạ để mà truyền thụ, để mà giáo dục. Khát vọng ấy cũng chẳng khác gì lúc Trương Lương mong tìm thấy người dũng sĩ để ám sát Tần Thủy Hoàng.

  Lại nói về Trương Lương từ khi có lệnh tầm nã, chàng phải trốn tránh ngày đêm, mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ và lưu lạc mãi xuống phía Nam.

  Tài lẩn tránh của Trương Lương thần diệu thật, nhưng tài ấy mới chỉ che nổi mắt đám mật vụ, công an của Tần Thủy Hoàng, thế nhưng nhất định không thóat nổi con mắt tinh đời của Hoàng Thạch Công. Từ lúc chàng đến Hạ Bì, mỗi lần có việc đi ngang qua chiếc cầu bên con sông nhà ở Hạ Bì, thì nơi đây có một ông lão ngồi câu cá, vuốt chòm râu bạc ngắm con người tài hoa công tử Trương Lương. Ông lão gật gù thiết lập kế họach đầu tiên đối với Trương Lương là mài dũa cái "tâm lý kiêu ngạo" của chàng, vì chỉ có triệt tiêu đuợc hết tính kiêu ngạo mà ân cần học hỏi thì Trương Lương mới có trở nên một đấng anh tài hữu dụng.

  Sẩm tối hôm đó, sương chiều mù trời, dưới sông nước cạn chảy trong veo. Trương Lương nét mặt trầm tư tản bộ ngắm cảnh, chàng chợt nhìn thấy ông lão ngư phủ vẫn ngồi câu cá đánh rơi chiếc dép xuống nước. Cũng vừa lúc ông lão cất tiếng gọi: "này chú em nhặt cho ta chiếc dép kia." Nghe tiếng gọi xách mé Trương Lương giận vô cùng nhưng nghĩ lại ông già yếu ớt, gân cốt chẳng được là bao nhiêu, hơn nữa sở dĩ ông ta thô lỗ chắc vì kém kiến thức, nên chàng trầm tĩnh bước xuống chân cầu nhặt dép. Đưa dép đến nơi chàng nghe thêm một câu nói chói tai nữa: "xỏ vào chân ta!" Câu nói vô lễ lần này không làm cho Trương Lương ngạc nhiên nữa mà làm nổi dậy trong lòng chàng tính hiếu kỳ. Chàng ngoan ngoãn vâng lời. Công việc xong ông lão đứng phắt dậy đi thẳng không thèm buông nửa lời cảm tạ.  

  Mấy ngày sau Trương Lương lại gặp ông lão ngồi câu cá ở đó, chưa kịp tỏ thái độ gì thì ông lão đã trỏ vào mặt chàng nói: "Này chú em, năm ngày nữa, đúng sáng sớm chú đến đây gặp ta." Y hẹn Trương Lương tới thật sớm, đã thấy ông lão có mặt ở đấy rồi. Vừa thấy mặt chàng ông lão đã quát mắng: "Hẹn với lão sao nhà ngươi đến chậm như vậy?" Nói xong ông quay ngoắt rảo bước và vói lại một câu: "Hẹn năm ngày nữa cũng buổi sớm. "

  Ngày hẹn tới Trương Lương dậy từ canh hai để sửa soạn, đến nơi gà vừa gáy tiếng đầu tiên nhưng vẫn không kịp vì ông lão đã có mặt tự bao giờ rồi. Bị mắng thêm lần nữa.

  Lần thứ ba Trương Lương quyết chí đến sớm hơn bằng cách chàng đến chờ ở nơi hẹn từ chập tối, ông lão mới hài lòng. Ông rút ở trong người ra một cuốn sách giấy mực cũ kỹ, bạc mầu thời gian, mà bảo với Trương Lương rằng: "Con hãy về đọc kỹ cuốn sách này, đây là cuốn sách dạy làm thầy vua. Con cần nỗ lực trong mười năm, mười ba năm nữa ta sẽ gặp lại con nơi chân núi Cốc Thành miền Sơn Đông."

  Mười ba năm trôi qua, Trương Lương theo phò Lưu Bang tranh thiên hạ, có việc khẩn cấp phải đi qua núi Cốc Thành, nhớ lời ước hẹn năm nào, Trương Lương có ý trông đợi ông lão, nhưng đợi đã nhiều ngày chẳng thấy ông lão đâu, chỉ thấy tảng đá vàng hình thù rất đẹp, Trương Lương chở tảng đá đem về lập miếu thờ.

  Mở chính sử Trung Hoa ra coi thì cái tên Hoàng Thạch Công không hề thấy ghi chép trong bất cứ cuốn sách nào. Ông xuất thân thế nào, tên thật và quê quán đều không ai hay biết. Hoàng Thạch Công hoàn toàn là một huyền thọai, Hoàng Thạch Công chính là bản thân lịch sử hiển hiện thành người dã sử để tô điểm thêm cho cái tài an bang tế thế tột bậc của Trương Lương.

  Cuộc đời và sự nghiệp của Trương phải có Hoàng Thạch Công thì mới thành tựu được. Mười ba năm sau vụ ám sát Tần Thủy Hoàng là mười ba năm Trương Lương theo học thầy Hoàng Thạch Công, nhưng ông thầy đó lại không có thực. Vậy thì lời dạy trong mười ba năm ấy đúng ra là lời dạy của lịch sử, của tiền nhân, của thực tế đấu tranh chính trị.

  Thắng trận Cai Hạ, giết Hạng Võ, và thu giang san về một mối xong, Trương Lương đã bỏ cuộc đời phú quý để vào rừng đi hái thuốc. Điều này cho thấy rõ bản chất của Trương Lương vốn dĩ là con người lãng mạn của người hùng cô độc, bất cần danh lợi, bản chất đương nhiên của một đệ tử thế gia.  

  Cho nên lúc Tần diệt Hàn cái bản chất lãng mạn anh hùng cá nhân kia tất nhiên là phải nhảy vào hành động chính trị bằng thái độ vô tổ chức, thiếu thủ đọan, phi chính trị, khủng bố. Lề lối tác loạn phi chính trị và khủng bố không đủ khả năng để tiêu diệt guồng máy thống trị bạo Tần. Trương Lương thất vọng trốn xuống miền Nam rồi ở đây chàng gặp những chính trị gia lão luyện giang hồ. Thể nghiệm bản thân và học hỏi những tư tưởng mới mẻ đầy thực tế, Trương Lương đã phát hiện thấy phương pháp diệt Tần. Lúc Trương Lương cúi xuống nhặt dép cho ông lão rồi quỳ xuống bỏ dép vào chân người lạ, chính là lúc mà Trương Lương đã từ bỏ hẳn cái học vô ích của mình từ trước đến nay, dứt khóat hẳn với cái thân phận danh gia tử đệ ra mặt đứng vào cái thế chính trị mới để lao vào cuộc đấu tranh chính trị của thân phận áo vải làm Hoàng Đế sau này là Lưu Bang. Cuộc đời mới của Trương Lương là trở nên một "chính trị gia lỗi lạc,"  một bậc anh hùng hào kiệt, tài trí hơn người, và thóat bỏ hẳn cái xác "anh hùng cô độc" trước kia.  TTU