Nhận Ðịnh Về Tài Liệu “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”. Print
Tác Giả: Luật sư Tạ Văn Tài   
Thứ Sáu, 17 Tháng 9 Năm 2010 10:28

 Liệu ta có thể thấy Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng là một lý thuyết gia cho cuộc vận động đi đến giải pháp thống nhất tòan lực quốc gia và hình thành một nền dân chủ với nhân quyền và thịnh vượng hay không?


 
 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, TT George Bush và Chủ tịch
Hồ Cẩm Đào
NHẬN ÐỊNH VỀ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN: “VIỆT NAM TRONG THẾ CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ MỚI”.

          Năm 1969 khi còn là sinh viên Luật Khoa Ðại Học Sài Gòn, Thiên Ý đã nhân danh thanh niên Việt Nam hai Miền Bắc và Nam Việt nam để viết thư ngỏ kêu gọi lãnh đạo hai bên tìm một giải pháp chấm dứt cuộc “đổ máu vô ích” cho thanh niên. Năm 1977, ông đã viết bản thảo đầu tiên tài liệu nói đây, phổ biến hạn chế trong bạn bè. Năm 1978, ông tham gia Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam và đã viết lại theo yêu cầu của tổ chức; sau đó ông bị công an bắt cầm tù và họ đã yêu cầu ông viết lại lần thứ ba. Sang Hoa Kỳ năm 1992, ông khai bút viết lại lần thứ tư và 1995 cho ra mắt độc giả. Năm 2005, ông có sửa lại chút ít khi in lại và dùng cuốn tài liệu này trong buổi sinh họat ngày 6 tháng 11, như một lời giải đáp đưa ra trong nhiều lời giải đáp khác cho chủ đề “Việt Nam đã và đang đi về đâu?”.

      Cuốn sách có 4 phần gồm 14 chương, Phần I (hơn 30 trang) nói tổng quát về nền tảng bang giao quốc tế (trong quan hệ giữa các nước giầu và nghèo). Phần II (54 trang) bàn về thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc. Phần III (dầy nhất, 271 trang) bàn trong chương I (tr.113-136) về “chủ nghĩa thực dân cũ” (Pháp) và  “Thực dân mới (Liên Sô và Mỹ); trong chương II (tr.137-148) về việc kết thúc cuộc chiến Việt Nam mà Thiện Ý cho rằng chỉ là cuộc chiến tranh ý thức hệ do các cường quốc phát động, Việt Nam là nạn nhân; bàn trong chương III, dài nhất (tr.149-350), về ba bước Việt Nam đã và đang đi qua theo thế chiến lược quốc tế mới: một là Miền Nam Việt Nam đã bị Mỹ cho ‘triệt tiêu’ (tr.151-199); hai là chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã và đang bị ‘triệt tiêu ‘’ bởi Trung Quốc và vì phân hóa nội bộ (tr.199-260); và ba là có những lý do quốc nội và quốc tế khiến Việt Nam chưa suy sụp ngay, tuy nhiên cũng đang bị “triệt tiêu’ trong hòa bình (tr. 261-349); sau hết chương IV của Phần IIIû thẩm định tổng quát về thực tại Việt Nam và cuộc đấu tranh của phe quốc gia. Phần IV phác họa trong chương I hình ảnh Việt Nam trong tương lai mà tác giả lạc quan cho là sẽ đạt được, và ông đề nghị trong chương II một giải pháp tòan cuộc ba giai đọan để hóa giải các mâu thuẫn quốc-cộng để tiến tới một Việt Nam Dân Chủ Dân Tộc và thịnh vượng.

     Liệu ta có thể thấy Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng là một lý thuyết gia cho cuộc vận động đi đến giải pháp thống nhất tòan lực quốc gia và hình thành một nền dân chủ với nhân quyền và thịnh vượng hay không?

I.-CÁC ƯU ÐIỂM CỦA MỘT LÝ THUYẾT GIA.

      Chúng tôi thấy Thiện Ý đã đưa ra những nhận định chuẩn xác về thời cuộc, những tiên liệu đi trước thời đại, những đề nghị thực tiễn của một người yêu nước trên lập trường dân tộc, và theo một phương pháp luận vững chắc, rất biện chứng pháp.

 1.- Nhận định chuẩn xác về thời cuộc:

     Ông đã trình bầy rất rõ và chuẩn xác về sự phân hóa trong đảng Cộng Sản Việt Nam (tr. 217-225) và thái độ của các thành phần dân chúng Việt Nam trước thời cuộc, dưới sự cai trị khắc nghiệt của đảng CSVN(tr.226-245) kể cả những sai lầm về chính sách kinh tế (tr.245-256).

      Ông phân tích khách quan về những khuynh hướng và tương quan lực lượng của hai phe người Việt Nam Quốc Gia và người Việt Nam Cộng Sản (tr.264-320). Sau đổi mới, những người CSVN giảm bớt hãnh diện về chủ nghĩa cộng sản, ít nói về chủ nghĩa Mác-Lê, ngần ngại nhận mình là đảng viên cộng sản (tr. 264) vì trải qua cuộc khủng hỏang mất niềm tin vào chủ nghĩa (tuy rằng không giám thú nhận sai lầm). Thiện Ý viết “chưa bao giờ chế độ cộng sản Việt Nam mềm như lúc này” và muốn sử sự khác hơn để “có hậu về sau” (tr.274-275).Trong khi đó thì phe quốc gia lại thấy được lý tưởng  tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền là “tất thắng”, là chính nghĩa “sáng ngời hơn bao giờ hết”, là “chân lý bất diệt của lòai người”.(tr, 276-278)

      Tác giả cũng nhận định đúng về chiều hướng bang giao quốc tế, nhất là “Thế chiến lược quốc tế mới” của các cường quốc. Chiến tranh lạnh khởi sự chấm dứt từ khi TT. Mỹ Nixon sang Tầu năm 1972, đưa đến việc chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Sau đó Liên Sô tiến hành “cải tổ” cơ cấu không thành, đi đến tan rã, cũng khiến chế độ Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải “đổi mới” để tồn tại thêm thời gian.

      Ngoài ra, theo tác giả, lý do thực hiện chiến lược quốc tế mới là các nước giầu muốn giúp các nước nghèo đi vào ổn định và phát triển, để họ, các nước giầu, có thể an hưởng giầu sang, không bị quấy phá. Nhận xét này đúng với quan niệm mới của Hoa Kỳ; chẳng hạn, muốn giúp giải quyết các khó khăn nơi các quốc gia nghèo, yếu kém mà họ gọi là “failed states” (các quốc gia thất bại), vì nếu không giải quyết, nơi đó sẽ xuất phát các họat động khủng bố và khủng bố sẽ lan tràn sang Mỹ và các nước giầu. Ðồng thời, một khi các quốc gia nghèo phát triển được, cũng giúp sự phồn vinh của nền thương mại quốc tế: họ  sẽ là thị trường tiêu thụ sản phẩm do các nước giầu sản xuất. Nhưng chúng tôi không đồng ý với tác giả khi cho rằng các quốc gia giầu có mục tiêu khai thác các nước nghèo như một thứ chủ nghĩa “Siêu thực dân” trong thời đại hiện nay.

      Riêng thái độ của Mỹ đối với chế độ đương quyền Việt Nam, tác giả nhận xét cường quốc này, sau khi bỏ cấm vận và lập bang giao, thì đã và đang thực hiện đối sách hòa dịu để chuyển hóa chứ không muốn khuynh đảo (tr. 320-326). Ðiều này chúng tôi đồng ý và chỉ xin viện dẫn lời ông Ðại sứ Mỹ Marine tại Việt Nam “Nước Mỹ không có chìa khóa để mở cửa nhà tù” cho những người Việt nam nào về nước rồi làm bậy, bị bắt. (Nhưng trong phần sau, chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến không đồng ý về các giai đọan bang giao Mỹ-Việt trước năm 1975).

2.- Thiện Ý đã có những tiên liệu đi trước thời cuộc:

      Ngay từ  thập niên 70, Thiện Ý đã tiên liệu cái hướng đi hòa bình của các thế lực quốc tế và việc hướng tới hòa giải, nhân quyền, dân chủ và nhân sinh của các quốc gia, như là những lý tưởng, cứu cánh hằng cửu của nhân lọai.

     Ðiều này khiến ông có quyền nói rằng trong vấn đề dân tộc Việt Nam, người Quốc Gia có thể tin tưởng vào các lý tưởng sáng ngời của lòai người này; và cũng có thể coi mình là kẻ thắng trận trên bình diện lẽ phải, chân lý.  Chế độ cộng sản ở Việt nam có thể tự hào đã thắng trên trận địa cuộc chiến VN, nhưng bây giờ cũng phải theo đuổi, đề cao các mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bình, dân chủ, văn minh” vốn là mục tiêu lý tưởng đấu tranh mà người Việt Nam Quốc gia theo đuổi bao lâu nay. Do đó, Thiện Ý đã dùng những danh từ để mô tả thế tiến thóai tương lai giữa các phe Việt Nam. Theo ông người quốc gia có thể dùng sức mạnh đấu tranh đẩy người cộng sản lùi dần về phía dân chủ.

      Ông đã viết những câu đầy tin tưởng:”đa số người cộng sản nhìn về hướng dân tộc theo chủ nghĩa yêu nước” (Tr. 329); phe cấp tiến muốn tìm một lối thóat danh dự cho các cụ lãnh đạo bảo thủ của đảng, gần đất xa trời cả rồi. Sau khi các cụ mất, các thế hệ lãnh đạo sau sẽ “chối bỏ đức tin” và trút hết trách nhiệm cho những kẻ đã ra đi, nằm dưới lòng đất, nói rằng họ chỉ là những kẻ vâng lệnh, vô trách nhiệm trước nhân dân (tr. 330-332)

3.Thiện Ý đưa ra những đê nghị thực tế của một người yêu nước.

      Mặt khác, khi hăng say vì lý tưởng dân chủ và nghĩ đến sự tàn phá của các thế lực ngọai bang, phía cộng sản cũng như phía Mỹ, đối với đất nước Việt Nam, thì ông đã coi ông Hồ Chí Minh là công cụ của đế quốc đỏ Liên Sô, nhưng khi đề nghị ”ba giai đọan” đi đến “nền dân chủ nhất nguyên dân tộc” (Hội Nghị Hóa Giải Lãnh Ðạo, Hội Nghị Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, và hình thành chế đô Dân Chủ Nhất Nguyên Dân Tộc, với việc bầu Quốcc Hội Thống Nhất Tòan Lực Quốc Gia có sự giám sát quốc tế), thì Thiện Ý đã thực tế, chứ không ảo tưởng, khi đề nghị là chính quyền trong nước chủ động trong việc tổ chức các giai đọan đó và mọi chuyện phải xẩy ra trong vòng hợp pháp, hòa bình, bất bạo động. (tr. 415-426).

      Thiện Ý đã trải qua 6 nhà tù mà không hận thù, vẫn vì lòng yêu nước mà đề nghị việc dân chủ hóa Việt Nam một cách thực tiễn. Vì ông đã thấy là giữa đại đa số dân tộc với nhau thì đã hòa giải từ lâu rồi, chỉ cần giải quyết mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo  giữa các phe Quốc-Cộng mà thôi.

      Ðề nghị “Hóa giải mâu thuẫn lãnh đạo” đã đi tiên phong nhiều năm trước những đề nghị gần đây trong chính quyền Việt Nam và giới Việt Kiều về việc tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi, để tìm cách xích lại gần nhau, giữa các trí thức Việt Nam ở trong nước và hải ngọai. Những đề nghị của Thiện Ý đã thức thời, hợp thời từ lâu rồi. Chúng tôi nghĩ là sẽ đề nghị Thiện Ý tham gia hội nghị giữa trí thức hải ngọai và trí thức trong nước, một khi người ta hỏi lại ý kiến chúng tôi lần nữa về việc này.

      Thiện Ý cũng đã thực tiễn khi nêu rõ thành phần tham dự các hội nghị không cần phải là đại diện chính thức qua thủ tục bầu cử (rất khó thực hiện khắp các nước có Việt Kiều hải ngọai) mà chỉ cần những đòan thể và cá nhân có tinh thần dân tộc  dân chủ được mời.

   4.- Phương pháp luận vững chắc của một lý thuyết gia- Ðó là ưu điểm thứ tư của Thiện Ý.

      Mới đầu khi đọc những chữ  “lý luận”, “thực tiễn” trong các lập luận của Thiện Ý, hoặc cách trình bầy “ba bước”, “ba giai đọan” trong việc diễn tả các diễn biến thời cuộc (triệt tiêu Nam Việt Nam, triệt tiêu chế độ CS, đi đến hòa bình, ổn định, dân chủ. . .) y như là ba giai đọan biện chứng pháp “đề, phản đề, tổng hợp đề”, người đọc có cảm tưởng ông bị ngồi tù và sống nhiều năm trong chế độ CS nên bị tiêm nhiễm cách trình bầy và lập luận của người CS. Ðiều này chính tác giả thừa nhận là đúng, vì đó là chủ đích ông muốn dùng “gậy ông đập lưng ông” đối với phía người CS vốn hay dùng biện chứng, lý luận đi đôi thực tiễn để tuyên truyền mê hoặc để lôi kéo quần chúng (tr.270).

      Dầu sao, “ba bước” hay những “giai đọan” của lập luận do Thiện Ý đưa ra, trong đó lồng vào rất nhiều dữ kiện để củng cố cho sức thuyết phúc, đã khiến người đọc có cảm tưởng đang đọc một luận án thi Thạc Sĩ, với những luận cứ chặt chẽ trải dài trong nhiều trang giấy.

KẾT LUẬN VỀ PHẦN ƯU ÐIỂM:

      Những ưu điểm trên khiến chúng tôi có cảm tưởng như đọc một tác phẩm kinh điển của Lê Nin hay Mao Trạch Ðông, hoặc của học giả, nhà tranh đấu Việt nam như Nghiêm Xuân Hồng (Ði Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng...) hay của Nguyễn Ngọc Huy (Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn...)

II. NHƯỢC ÐIỂM

      1.- Khuyết điểm đầu tiên chúng tôi suy ra từ ưu điểm cuối cùng (lý luận 3 giai đọan: đề, phản đề, tổng hợp đề). Ðó là cách thức trình bầy hay danh từ dùng một đôi khi có tính công thức.

   a) Vì bàn đến hai phe đối lập Quốc-Cộng, nên Thiện Ý đưa ra cho giai đọan tổng hợp đề là hòa bình, hòa giải là phải có yếu tố trung lập. Nhưng trong thời đại sau chiến tranh lạnh giữa các đại cường và họ sống hòa bình và cònï liên minh với nhau chống khủng bố nữa, không có vấn đề phải trung lập với ai nữa. Cứ xét sự suy tàn của Phong Trào Phi Liên Kết thì rõ.

   b) Cũng vì dùng danh từ công thức “Chủ nghĩa thực dân mới”, cho nên Thiện Ý đã gán cho Liên Sô và Mỹ những điều oan uổng. Có thể họ là những đế quốc muốn ảnh hưởng đến các tiểu nhược quốc, nhưng không khống chế các nước nhỏ như những thuộc địa và họ cũng không hành động để cố ý ’‘triệt tiêu ‘ các chế độ ở Việt Nam.

      Làm gì có chuyện Mỹ và Liên Sô làm mất chủ quyền các nước nhỏ đến nỗi nhân sự tối cao của các nước nghèo “căn cứ trên những dấu hiệu từ Tòa Bạch Ốc, Ðiện Cẩm Linh”, và nước giầu “luôn luôn duy trì bất ổn, nội lọan và chiến tranh nơi các nước nghèo để khai thác lợi nhuận” (tr.26, 27)

      Nói về Việt Nam, không thể nói hai miền Việt Nam có chiến tranh là do làm công cụ cho hai “đế quốc đỏ” và “đế quốc trắng” hay “thực dân mới” (tr.121), bởi vì nguyên do sâu xa cũng là sự giết hại lẫn nhau của hai phe quốc cộng, tức là một cuôc nội chiến ; và không thể nói ông Hồ “giành thuộc địa kiểu mới cho Liên Sô chứ không phải giành độc lập cho dân tộc” (tr. 119); và rồi ngay trang sau (tr. 120) Thiện Ý lại công nhận cuộc chiến 1945-1954 là “cuộc kháng chiến tòan dân chống thực dân Pháp, không phân biệt chính kiến”. Cũng không thể nói đế quốc Trung Cộng đã chủ động triệt tiêu CSVN và đã “gài bẫy cho CSVN sa lầy tại Cam Bốt”(tr.199, 204). Thực tế CSVN đã muốn khống chế một liên bang Ðông Dương Cộng Sản từ lâu, và đã tràn quân sang Cam Bốt vì bị khiêu khích. Việt Nam cũng không bị Trung Cộng ‘triệt tiêu ‘ mà đang “cải tổ” (transformation) theo gương Trung Quốc.

       Cũng không thể nói miền Nam Việt Nam là công cụ do Mỹ chủ động sai phái, Mỹ cho các tướng lãnh “trúng thầu công cuộc chống cộng”(tr.156), CIA lũng đọan, Thượng tọa Trí Quang cùng với CS (tr.157), Mỹ chọn Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng Thống (tr. 159) (thực ra Phật giáo và Công giáo thỏa hiệp như vậy) ; Mỹ hạ uy tín hay bôi đen các lãnh tụ chống cộng (tr.165), bỏ lại nhân viên Trung Ương Tình Báo Việt Nam ở số 3 Bến Bạch Ðằng cùng với hồ sơ để CS có thể bắt vào tù tòan bộ những người có thể khuynh đảo CS sau này (tr.321); chương trình HO là nhằm đưa ra khỏi nước những thành phần có thể khuynh đảo chế độ, sau khi đã bị diệt hết ý chí chống cộng sau những năm dài trong nhà tù cải tạo (tr.322). Nếu cho rằng Mỹ và Việt cộng có mục tiêu chung là ‘triệt tiêu’ Việt Nam Cộng Hòa (tr.151-155,183)... Thử hỏi nếu Mỹ muốn VNCH rơi vào tay Cộng Sản thì tại sao có hiện tượng “Hội chứng Việt Nam” tại Mỹ và Mỹ hận thù mà cấm vận Việt nam trong 20 năm trời? Nhưng rồi ở trang 179, Thiện Ý lại tự nói điều chỉnh lai khi viết ”Thật ra Mỹ chẳng muốn VNCH sụp đổ như thế đâu, chẳng qua phải chọn lựa một giải pháp chẳng đặng đừng. . . Hoa kỳ quả là không muốn cưỡng tửï VNCH. . .”

   2.- Vài chi tiết lỗi thời còn lại trong sách.

      Vì nhiệt tình, Thiện Ý giữ  nhiều chi tiết cụ thể quá trong khi tiên liệu thời cuộc:tỉ như năm nào sẽ có biến cố gì, ai sẽ làm gì. Nhưng vì thời gian 10 năm từ ngày ấn hành đâu tiên năm 1995 đến 2005 , một  số diểm không còn đúng đã trở thành lỗi thời. . .

      Lẽ ra Thiện Ý chỉ nên có những tiên đóan, đề nghị tổng quát hơn và chỉ ghi các khỏang thời gian hay giai đọan của các biến cố mà không cần ghi rõ năm tháng. Tuy nhiên Thiện Ý cũng đã dự kiến điều này nên đã viết “Sự kiện, nhân sự có thể khác, thời gian và diễn biến các sự kiện có thể dài, ngắn, đảo lộn. . .” (tr.341).

KẾT LUẬN

     Những nhược điểm trên đều là những khuyết điểm nhỏ, hoặc là do sự giải thích các hiện tượng lịch sử quá nhiệt tình với xác tín của mình, cho nên có vài sai lạc so với thực tế. Ðiều này cũng giống như Marx, Lênin hay Mao khi viết các tác phẩm kinh điển của mình mà thôi, cũng có những nhận định quá khích, lỗi thời.

Boston,Hoa Kỳ ngày 12 tháng 10 năm 2005

                     Luật sư Tạ Văn Tài

Tiến Sĩ Chính Trị học,Nguyên giáo sư các Ðại Học Luật Khoa Việt Nam, hiện là giảng sư và Phụ khảo nghiên cứu Harvard Law School.