Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Hoài niệm chuyến viễn du

Hoài niệm chuyến viễn du PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Ngọc Bích (Hồi kí Vui Buồn Ðời Quân Ngũ)   
Thứ Tư, 03 Tháng 12 Năm 2008 04:38

Một buổi sáng tháng 10 năm 1970, tôi đã sửa soạn xong hành trang để đi du học. Bên trong chiếc vali Samsonite khá lớn vợ tôi mua chiều hôm trước, ngoài hai bộ quân phục đại lễ và vật dụng linh tinh, tôi còn nhét thêm bộ đồ veste dân sự để mặc lúc có dịp đi chơi cuối tuần. Tôi cũng chuẩn bị thêm một xách đeo vai, bên trong đựng giấy tờ quan trọng, một ít thuốc men, phòng khi bất ngờ gặp cơn trái nắng trở trời.

Khác hẳn với lần đầu tiên tiễn tôi lên đường tòng chinh, vào đầu năm 1964, lần nầy vợ tôi có vẻ vui mừng lắm. Nàng thức dậy sớm hơn mọi ngày, pha cà phê và sửa soạn món ăn điểm tâm cho tôi. Tôi có cảm tưởng nàng săn sóc tôi đặc biệt hơn ngày thường. Vợ tôi không quên đưa cho tôi một danh sách khá dài, trên đó nàng liệt kê các món hàng mỹ phẩm như nước hoa, son phấn và áo quần thời trang. Ðể làm cho vợ tôi vui lòng, tôi hứa, ngay khi tới Hoa Kỳ, tôi sẽ ghé “PX store” nơi bán hàng miễn thuế cho quân đội Mỹ và sĩ quan đồng minh, mua những món hàng mỹ phẩm mà vợ tôi ưa thích. Trước khi ra khỏi nhà, vợ tôi nắm tay tôi. Chúng tôi cùng cầu nguyện xin Thượng Ðế gìn giữ tôi được bình yên suốt cuộc hành trình xa nửa vòng trái đất. Tôi ôm hôn vợ tôi và ba đứa con. Cũng giống như vợ tôi, ba đứa con tôi lộ vẻ vui mừng, chứ không hề bịn rịn, buồn rầu như mấy năm trước; những lần tôi ở sư đoàn 25 về phép vài ngày rồi phải trở lại đơn vị. Tôi xách va li, vợ tôi đeo hộ tôi chiếc túi xách; chúng tôi bước ra đầu ngõ đón taxi. Chị người làm giữ ba đứa con tôi trong nhà. Hàng xóm ra đứng trước cửa, tò mò nhìn tôi trong bộ quân phục “đại lễ.” Thường ngày, họ chỉ thấy tôi mặc “treillis,” nên hôm nay thấy tôi mặc “đồ lớn”, ai nấy đều lấy làm lạ.

Chiếc xe taxi chạy từ từ rồi ngừng hẳn nơi bãi đậu xe của phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi bước xuống xe, trả tiền, lấy va li; rồi đi thẳng vào phòng đợi của phi trường. Ðợi chừng 10 phút thì đại úy T. đến. Chúng tôi cùng đi tới quầy gửi hành lý và trình vé lên máy bay. Tôi nắm tay vợ tôi và nhẹ nhàng cúi xuống, tặng nàng một nụ hôn nồng nàn trước khi chia tay. Hai giọt lệ từ từ lăn trên gò má, vợ tôi lấy khăn “mouchoir” lau nước mắt và chúc tôi đi bình an. Thiếu Tá Williams, sĩ quan liên lạc của cơ quan MACV, tiễn chúng tôi lên máy bay. Ông bắt tay từng sĩ quan một, và chúc chúng tôi một chuyến đi vui vẻ bình an. Tôi bước lên phía khung giữa máy bay, và chọn được một chỗ ngồi sát cửa sổ. Chiếc phản lực cơ 707 của hãng Pan America từ từ tiến ra phi đạo, người phi công gia tăng vận tốc, chiếc máy bay phản lực rú lên rồi nhẹ nhàng cất cánh. Tôi nhìn xuống phía dưới. Những dẫy nhà trong trại Phi Long, khu vực Lăng Cha Cả, khu Ngã Tư Bẩy Hiền, trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám hiện ra dưới mắt tôi, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi khuất sau những lớp mây trắng. Thế là tôi xa Sàigon, thành phố thân yêu, xa người vợ hiền và ba đứa con còn nhỏ dại để bước vào một chuyến viễn du đầy háo hức. Tôi đã thực hiện được một phần ước mơ ấp ủ từ thuở thơ ấu: Ðược ra ngoại quốc học thêm. Lần này, du học tại Hoa Kỳ, tôi cũng đã bước vào lứa tuổi Tam Thập Nhi Lập, với trách nhiệm và bổn phận của một sĩ quan đồng minh, với tâm niệm phải luôn luôn cẩn thận trong mọi lời nói, việc làm, để giữ danh dự cho Quân đội VNCH. Tôi tự nhủ mình phải giũ gìn tác phong đứng đắn, và tìm mọi cơ hội làm rạng danh cho hai chữ Việt Nam. Gọn gàng trong bộ đại lễ mầu “beige,” tôi cảm thấy mình có vẻ nghiêm trang, đứng đắn hơn một chút.

Trạm dừng chân đầu tiên, chúng tôi ghé phi trường tại căn cứ không quân Clarkfield, Phi luật Tân. Sau khi nghỉ ngơi chừng hơn một tiếng, máy bay tiếp tục cuộc hành trình. Mấy tiếng sau, lại ghé phi trường Guam, và rồi tới phi trường Hololulu. Tại thủ phủ của tiểu bang Hawaii, chúng tôi nghỉ ngơi chừng hai tiếng đồng hồ. Trong chặng cuối cùng, phi cơ bay thẳng tới phi trường ở căn cứ không quân Travis Air Force Base, gần San Francisco.

Trong suốt 15 tiếng đồng hồ trên không, chúng tôi được các nữ tiếp viên phi hành mời dùng nước ngọt, và các thứ bánh. Bữa ăn chiều thì thịnh soạn hơn, có “beefsteak” ăn với khoai tây chiên và “cocktail” trái cây tráng miệng nữa. Các tiếp viên phi hành thì cứ một điều “Yes, Sir”, khiến tôi có cảm tưởng rằng các phụ nữ nầy đều đã được huấn luyện rất thuần thục về môn giao tế nhân sự! Các cô tiếp viên phi hành của hãng hàng không Pan America trong đồng phục mầu xanh da trời, trông thật xinh đẹp dễ thương. Họ đội mũ mầu xanh đậm có cài huy hiệu của hãng máy bay. Tất cả đều ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự. Họ nhắc nhở hành khách cột dây an toàn, để chuẩn bị cho máy bay hạ cánh. Chiếc phản lực cơ giảm dần tốc lực. Tôi nghe những tiếng bánh đáp mở ra. Phi cơ từ từ hạ cánh. Thành phố San Francisco về đêm trông y như một biển ánh sáng; những ánh đèn mầu nhấp nhánh như những viên kim cương giát trên tấm thảm đen bên dưới. Qua khung cửa nhỏ của máy bay, tôi thấy xa lộ hai chiều rực lên ánh sáng. Mỗi bên có bốn đường xe chạy. Dòng xe chạy dài thẳng tắp, xe cộ nối đuôi nhau chạy hai chiều ngược xuôi, đèn pha mở sáng trưng. Từ trên máy bay nhìn xuống, mấy xa lộ trông giống như những con rắn khổng lồ đang uốn mình bò dưới ánh đèn rực rỡ. Chiếc phản lực cơ từ từ tiến vào chỗ đậu đã định sẵn. Hành khách chuẩn bị bước ra để tới nơi nhận hành lý. Trong số hơn 30 sĩ quan thuộc các quân, binh chủng được gửi đi du học các ngành chuyên môn tại Hoa Kỳ, chỉ có đại úy T. và tôi là học ở Virginia xa mãi tận miền Ðông Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi được chuyển sang một máy bay khác. Số còn lại được đại úy Steve, sĩ quan liên lạc, hướng dẫn đến các máy bay nội địa để bay qua các tiểu bang có khóa học chuyên môn.

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi đã tới phi trường Richmond, thủ phủ của tiểu bang Virginia, cách Fort Lee, nơi chúng tôi sẽ theo học khoảng 45 dậm.

Chúng tôi đến Virginia vào giữa Mùa Thu, khi rừng phong đang thay lá, đổi mầu từ xanh, vàng, sang mầu cam và đỏ ối. Từ xa trông rừng phong giống như một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp. Ðại Úy Scott, sĩ quan liên lạc của Trung Tâm Ðiều Hành Tiếp Vận Lục Quân Hoa Kỳ, tới đón chúng tôi tại phi trường Richmond. Ðại úy Scott đã từng phục vụ ở Việt Nam trong đơn vị tác chiến. Ông lập gia đình với một phụ nữ Việt Nam nên ông có vẻ dành nhiều thiện cảm cho hai sĩ quan Việt Nam chúng tôi. Tiểu bang Virginia còn được mệnh danh là xứ của các cặp tình nhân yêu nhau! Với phong cảnh trữ tình và khí hậu mát dịu như thế, Virginia thật xứng đáng với danh xưng nầy.

Sau một giờ di chuyển, chúng tôi đã tới “campus” của Fort Lee. Ðại úy Scott đưa chúng tôi tới một dẫy nhà thật dài có hành lang nối từ đầu dẫy tới cuối dẫy. Khu lưu xá nầy dành riêng cho các sĩ quan đồng minh sử dụng trong thời gian tham dự khóa huấn luyện. Chúng tôi mỗi người được cấp một phòng với đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn vậy. Cứ cách hai ngày, lại có người tới hút bụi, lau chùi bàn ghế và thay khăn trải giường.

Trường được xây cất trên một khu đất rộng hơn 100 mẫu. Tòa nhà chính là một cao ốc 12 tầng, phía dưới có “basement” và các tòa nhà phụ thuộc dùng làm các phòng huấn luyện. Cơ sở nầy là Trung Tâm Ðiều Hành Tiếp Vận Lục Quân Hoa Kỳ (United States Army Logistics Management Center). Cơ sở mênh mông có đủ thứ, nào là câu lạc bộ, cư xá cho sĩ quan, bưu điện, ngân hàng, cây xăng, một số cửa hàng và Quân tiếp vụ. Phía ngoài cổng có trạm gác của quân cảnh... Sau khi đã ổn định chỗ ăn, chỗ ở, buổi chiều chúng tôi được mời tham dự một bữa tiệc tại câu lạc bộ sĩ quan do đại tá chỉ huy trưởng khoản đãi các sĩ quan đồng minh. Ðây cũng là dịp để giới thiệu chúng tôi với các huấn luyện viên và nhân viên nhà trường. Ðại úy T. và tôi đều mặc quân phục đại lễ có gắn huy chương thòng. Nhân dịp này, mỗi người chúng tôi được giới thiệu với một người bảo trợ (Sponsor); mục đích là để hướng dẫn người khóa sinh trong những ngày đầu mới tới Hoa Kỳ. Phần đông các người bảo trợ đều là huấn luyện viên của nhà trường.

Ngày đầu tiên đi học cũng vui vì chúng tôi có dịp gặp gỡ, nói chuyện với các sĩ quan đồng minh từ các quốc gia tự do đến. Huấn luyện viên yêu cầu từng khóa sinh đứng dậy xưng danh, cấp bậc và cho biết mình từ quốc gia nào đến. Khi tới phiên chúng tôi đứng lên tự giới thiệu, biết cả hai chúng tôi đều là những sĩ quan đã có kinh nghiệm trận mạc trên chiến trường Việt Nam, tất cả các sĩ quan bạn đều đứng dậy, đồng loạt vỗ tay hoan nghênh. Lớp chúng tôi có 40 khóa sinh, phần đông đến từ các quốc gia thuộc khối tự do. Cũng có 8 sĩ quan Mỹ tham dự khóa học nầy. Trước khi đến lớp, mỗi khóa sinh được phát một tập bài học dầy cộm để chuẩn bị. Nhờ đã đọc qua nội dung bài học từ đêm hôm trước, nên khi tới lớp, huấn luyện viên giảng thì tôi thu thập được ngay... Phương thức huấn luyện của Hoa Kỳ rất thoải mái. Trước khi vào bài, huấn luyện viên thường kể một câu chuyện tiếu lâm khá vui, có liên hệ ít nhiều đến đề tài giảng dạy, làm cả lớp cười, và không khí lớp học vui nhộn hẳn lên. Khóa sinh cũng được phép mang cả ly cà phê nóng để trên bàn, uống tự nhiên. Nhưng nếu muốn hút thuốc thì phải đợi tới giờ ra chơi và hút ở ngoài sân. Khóa học chú trọng tới cả lý thuyết lẫn thực hành. Mỗi khi sĩ quan huấn luyện viên giảng bài xong, ông chia chúng tôi ra từng nhóm, mỗi nhóm mười người, để thảo luận và thực tập những điều vừa học. Thời gian huấn luyện trôi đi thật êm đềm trong tinh thần thân hữu giữa các sĩ quan đồng minh chúng tôi như: Iran, Ấn Ðộ, Hồi Quốc, Israel, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Việt Nam. Nói về quân phục và cấp bậc thì mỗi quốc gia đều có quân phục riêng và lon lá cũng khác nhau. Duy chỉ có cấp tướng thì mang sao giống nhau mà thôi. Ðiểm đặc biệt là trong thời gian học tại Virginia và thủ đô Washington DC, chúng tôi được lãnh phụ cấp gấp đôi nếu so sánh với các sĩ quan bạn được huấn luyện tại các tiểu bang khác vì giá sinh hoạt ở hai địa phương nầy tương đối cao. Vào những ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi thường đi chơi chung với nhau. Ðại úy T. và tôi thường lân la vào PX, một thứ cửa hàng bách hóa bán đủ loại mặt hàng, kể cả rất nhiều loại mỹ phẩm cho phụ nữ. Ðại úy T. còn độc thân, chẳng tha thiết những món hàng này, nên chỉ đi theo tôi coi cho vui thôi. Nhớ lời hứa với vợ tôi hôm tiễn chân ở phi trường, tôi đem theo tờ giấy, trên đó ghi cả mấy chục món hàng; nào là son phấn, các thứ nước hoa, nữ trang các loại, khăn san quàng cổ, kem dưỡng da. Tôi mất khá nhiều thì giờ mới lựa chọn cho đúng với những món hàng vợ tôi đã căn dặn. Tôi cũng không quên lựa hai con búp bê biết nhắm mắt mở mắt cho hai cô con gái tôi, và chiếc xe hơi nhỏ chạy bằng pin cho thằng con trai bốn tuổi. Khi mua sắm gần xong, tôi mới sực nhớ vợ tôi còn dặn mua cho nàng vài chiếc “soutien” nơi ngực! Có lẽ một số quý bạn phái nam cũng không khác gì tôi. Có những cái trong đời sống vợ chồng đã quá quen thuộc, mà khi cần phải nhớ chi tiết, chúng ta đều không thể nhớ nổi. Ðó là lúc tôi đứng tần ngần cả chục phút trước hàng hàng lớp lớp những chiếc “soutien” đủ mầu, đủ kiểu, đủ mọi kích thước. Tôi cứ đi đi lại lại, nhìn tới nhìn lui, mà không thể quyết định được cần phải mua cho vợ mình SIZE nào! Thời gian đó ở Việt Nam, quí vị phụ nữ vẫn còn dùng số 32, 33, 34 cho đến khoảng 40 ngoài để xác định kích thước y phục bên trong và bên ngoài. Do đó, kích thước vợ tôi dặn dò, theo hệ thống Việt Nam, không thể tính tương đương với kích thước ABCD gì đó của Mỹ được. Mà dù có phương pháp, hay công thức tính toán đó, tôi cũng mù tịt! Mấy năm sống chung với bà xã, có bao giờ tôi để ý nàng mặc áo lót loại gì, kích thước ra sao đâu. Nên bây giờ, tôi cứ đứng tần ngần, chưa biết quyết định ra sao. Rất may, từ dẫy bán đồ gia dụng bên cạnh, một nàng nữ quân nhân Hoa Kỳ xuất hiện. Cô nàng khoảng hăm ba, hăm bốn, tóc vàng mắt xanh, gọn gàng trong bộ đồng phục nâu nhạt của lục quân. Nàng thuộc loại người Mỹ nhỏ con, không thuần giống Anglo-Saxon. Tôi nghĩ là nàng gốc Âu châu. Khi còn cách chừng bốn thước, tôi mới nhận ra nàng đeo lon trung úy.

Tôi giở mũ, khẽ nghiêng mình, tươi cười:

- Chào trung úy. Tôi là đại úy Vũ, đến từ Việt Nam.

Nàng cũng cười, nhẹ nhàng nói:

- Chào đại úy Vũ. Tôi là trung úy Piloti, Kelly Piloti.

Nhưng ông có thể gọi tôi là Kelly. Tôi có thể giúp ông được việc gì không?

Tôi ngập ngừng:

- Trước hết, tôi phải xin lỗi cô về sự đường đột nầy. Nhưng tôi vào đây mua một số đồ dùng cho vợ tôi. Một trong những thứ cần mua đó là.

Nghe tôi trình bày, trung úy Kelly vui vẻ giúp tôi ngay. Khi tôi cho nàng biết nàng cứ chọn cho tôi mấy cái “soutien” nịt ngực cùng cỡ với cái nàng đang mang, một nét cười hóm hỉnh thoáng hiện trên môi nàng. Chúng tôi trao đổi vài câu chuyện thời tiết, mưa nắng. Trước khi từ giã, Kelly viết vội số điện thoại, trao cho tôi:

- Xin gọi cho tôi, nếu anh cần điều gì.

Tôi liếc nhìn bàn tay phải của Kelly. Chỉ có một chiếc nhẫn mặt ngọc xanh đơn giản. Bàn tay trái của nàng vẫn còn trơn. Lúc ra quầy tính tiền, thấy tôi trả hơn 300 dollars cho các món hàng vừa mua, cô thâu ngân viên nhìn tôi cười thân thiện:

- Chắc đại úy mua những món hàng này cho người yêu? Có phải không?

Tôi gật đầu:

- Ðúng như vậy. Tôi mua quà tặng cho vợ tôi và ba đứa con... Cô bán hàng cám ơn, chúc tôi một ngày vui. Cô nói:

- Vợ và các con ông là những người rất may mắn!

Trên đường ghé qua bưu điện để gửi gói quà về cho vợ con, tôi chợt nghĩ đến Kelly, người sĩ quan Mỹ tôi vừa gặp. Tôi tự hỏi nàng cho tôi số điện thoại với mục đích gì. Phải chăng nàng có lòng tốt, muốn giúp đỡ một sĩ quan đồng minh mới đến Mỹ lần đầu tiên, chưa quen với lối sinh hoạt ở đây? Hay nàng đang cô đơn, muốn bắt đầu một liên hệ mới lạ? Nhưng rồi y tưởng tôi trở về với những lời vợ tôi nhắn nhủ trước khi chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi mường tượng ra nước da trắng, làn môi hồng xinh đẹp, mái tóc bồng bềnh, hơi quăn tự nhiên của nàng. Tôi nhớ đến ba đứa con nhỏ của tôi. Hai đứa con gái, mấy tuần trước ngày tôi lên đường, cứ nhắc đi nhắc lại mỗi bữa cơm chiều “Bố nhớ mua búp bê nhắm mắt mở mắt cho con nhé!” Thằng con trai tôi thì cứ lôi tấm hình chiếc xe đồ chơi mầu đỏ, mui trần, cháu cắt được từ cuốn catalog SEARS, chỉ cho tôi xem, nài nỉ “Bố mua cho con chiếc xe giống y như chiếc nầy nhé!”

Những ý nghĩ về vợ con, cùng với biết bao kỷ niệm yêu thương chúng tôi đã chia xẻ, những bồi hồi xúc động của ngày chúng tôi mới quen nhau, niềm hoan lạc tràn trề suốt tuần lễ trăng mật ở Huế, những lần nàng bồng bế con nhỏ, vượt chặng đường vất vả từ Saigon, vào Chợ Lớn, dầm mưa dãi nắng, tìm đường đón xe xuống Cần Giuộc thăm tôi ở chỗ đóng quân, tiếng các con tôi ríu rít, tranh nhau kể chuyện nhà cho bố nghe, đứa nào cũng giành để được ngồi vào lòng bố trước! Nhớ đến tất cả những điều đó, tôi thấy bây giờ mình sẽ thật tầm thường, nếu đành lòng dấn bước vào một phiêu lưu tình cảm, dù là nhất thời, với bất cứ một người phụ nữ nào. Ði bộ qua hai khúc đường ngắn, tôi đã đến trước bưu điện. Bước vào trong, tôi lựa mua một thùng carton nhỏ, đến bên chiếc ghế dài ở góc phòng, đặt thùng lên, lấy những món đồ cần gửi về ngay, cho vào, dán băng keo lại, ghi địa chỉ gia đình tôi. Rồi tôi ôm thùng, đứng xếp hàng. Rất may, chỉ chờ có hai người là đến lượt tôi gửi. Tưởng tượng ra niềm vui thích của vợ con tôi khi nhận được thùng quà, bao nhiêu nỗi mệt nhọc tan biến hết. Cũng biến đi luôn hình ảnh nàng trung úy Mỹ tóc vàng mắt xanh tôi vừa gặp sáng nay.

Tôi giữ mảnh giấy ghi số điện thoại của Kelly suốt thời gian tôi ở Virginia. Tôi có đi mua đồ PX đôi ba lần nữa nhưng không gặp lại nàng. Cho đến khi rời Virginia để đi thụ huấn ở một căn cứ khác tại Washington DC., chưa lần nào tôi gọi cho nàng.

Là tín hữu, nên mỗi sáng Chúa Nhật tôi thường đi tới nhà thờ Tin Lành nhóm họp, và nghe giảng. Lúc đầu chưa quen đường nên tôi nhờ một người bạn đến đón tôi đi nhà thờ, cách chỗ tôi học khoảng 7 dậm, thuộc thị trấn Petersburg. Ðây là một thị trấn nhỏ, nằm ở Ðông Nam tiểu bang Virginia. Dân số thị trấn nầy vào khoảng hơn mười ngàn người. Nếp sống ở đây bình lặng; dân chúng có vẻ rất hiếu khách. Mỗi khi tôi bộ ở ngoài đường, gặp bất cứ người nào đi ngược chiều, trông thấy tôi, họ đều tươi cười, nói “Hi!” Tôi quen biết hai gia đình có con em đang chiến đấu tại Việt Nam, nên lần nào gặp tôi ở nhà thờ, họ cũng vồn vã hỏi thăm về tin tức bên nhà. Họ cũng mời tôi đến nhà dùng bữa ăn tối với họ. Ðặc biệt gia đình Johnson dành cho tôi nhiều cảm tình thân thiết. Ông Johnson khoảng ngoài năm mươi, làm thợ điện. Bà Johnson cũng trạc tuổi ông, ở nhà làm công việc nội trợ. Ông bà có hai người con trai. Người con lớn 22 tuổi đang đóng quân tại Ðà Nẵng. Anh lính thủy quân lục chiến nầy vừa được lên trung sĩ, sau hai năm chiến đấu ở Việt Nam. Nghe tôi nói tôi đã từng đến thăm Ðà Nẵng và Huế, ông bà rất thích thú, muốn tôi mô tả cho ông bà nghe hai thành phố nầy như thế nào, vùng đồng quê bên ngoài thành phố ra sao, và bãi biển China Beach, Mỹ Khê, Sơn Trà có giống như bãi biển ở Hawaii không? Tôi thông cảm được lòng thương nhớ con của ông bà Johnson. Khi tôi đóng quân tại các địa điểm quanh tỉnh Long An, cha tôi cũng thường nhìn lên bản đồ địa phương vùng nầy, để xác định vị trí tôi đang ở. Có lần, sau bữa ăn chiều, ông Johnson lái xe đưa tôi trở về trường. Ông chở tôi dọc theo con sông Appomatox chạy qua thành phố, phía Nam thủ phủ Richmond. Ông kể cho tôi nghe, vùng đất hiền lành này, cách đây hơn một trăm năm, đã chứng kiến những trận đánh đẫm máu giữa hai miền Nam Bắc, trong cuộc Nội Chiến tương tàn dưới thời Tổng Thống Abraham Lincoln. Chính tại nơi đây, đạo quân hùng mạnh của tướng Ulysses Grant đã vây hãm Petersburg trong suốt mười tháng liền. Khi Nam quân tại Petersburg đầu hàng, thủ phủ Richmond cũng sụp đổ nhanh chóng, dẫn đến việc bại trận nhục nhã của chính quyền ly khai miền Nam. Danh tướng Grant chấp nhận sự đầu hàng của tổng tư lệnh quân đội miền Nam, Robert Edward Lee, cũng bên bờ sông Appomatox này.

Ðáp lại lòng hiếu khách của ông bà Johnson, tôi biếu ông bà những món đồ mỹ nghệ Việt Nam tôi đã mang theo, để ông bà trưng bầy ở phòng khách.

Sau những sinh hoạt cuối tuần, chúng tôi trở lại lớp học, tinh thần cảm thấy phấn chấn hơn. Những lúc huấn luyện viên hỏi ai có ý kiến gì mới lạ không, tôi cũng mạnh dạn đưa tay xin phát biểu. Tôi so sánh sự khác biệt trong việc điều hành mãi ước của Việt Nam và mãi ước của Hoa Kỳ. Tôi cũng nói về những kiến thức hữu ích tôi thâu thập trong khóa huấn luyện sẽ được đem áp dụng để cải tiến ngành mãi ước nơi xứ sở tôi. Khóa học của tôi là Khóa Ðiều Hành Mãi Ước Quốc Phòng (Defense Procurement Management Course). Tôi học rất chăm chỉ. Tối nào, tôi cũng ôn lại bài đã học trong ngày, và đọc trước bài giảng hôm sau. Tôi chép đi chép lại những từ ngữ chuyên môn, và học thuộc lòng định nghĩa các nguyên tắc đấu thầu. Do đó, mỗi khi làm TEST, tôi thường được điểm tối đa. Các sĩ quan giảng viên đôi lúc khen ngợi tôi trước mặt tất cả lớp học. Tôi vui mừng và hãnh diện; vì ít nhất cũng góp phần làm cho học viên các nước đồng minh phải nể nang hai chữ VIỆT NAM.

Ðây có lẽ là niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày du học tại Hoa Kỳ. Thời gian đi học ở Mỹ cũng là kỷ niệm rất đẹp, một giai đoạn đáng nhớ trong đời quân ngũ của tôi. Từ đó về sau, ở trong nước, tôi có được gửi đi tham dự vài khóa huấn luyện chuyên môn; nhưng không bao giờ tôi còn được trải qua những kỷ niệm vui như thời gian học ở Hoa Kỳ. Ngoài đại úy T. ra, tôi cũng có một số bạn sĩ quan đồng minh để thỉnh thoảng nói chuyện gẫu, ngoài những giờ học ở trường. Cuối tuần, chúng tôi đến PX mua quà cho người thân yêu, lên phố Tầu để thưởng thức món ăn Á Châu. Ăn hoài thức ăn Mỹ cũng ngán, và không hợp khẩu vị, nên ra chợ Tầu, tôi thường tìm đến mấy tiệm bán hủ tiếu để mua mì, xá xíu, cơm chiên. Dần dần, tôi mua gạo, nồi cơm điện, trứng, lạp xưởng, nước mắm, rau cải và các thứ gia vị, đem về phòng, tự nấu cơm mỗi buổi tối. Nấu mãi cũng thành quen. Tôi trở thành một đầu bếp nhà nghề, nấu nướng và dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng như bất kỳ một bà nội trợ nào. Cứ trong vòng một tiếng sau khi rời khỏi lớp, tôi đã có cơm dẻo, canh nóng, ăn rồi.

Chỗ tôi đang theo học là một căn cứ huấn luyện ở xa thị trấn. Khu vực quân sự này rất yên tĩnh, và biệt lập với khu dân chúng cư ngụ. Cả căn cứ này gọi là Fort Lee, mang tên vị tướng Robert Edward Lee, người đã trực tiếp chỉ huy Nam quân, trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Cách Fort Lee khoảng 7 dậm, có một viện bảo tàng chiến tranh rất rộng. Viện bảo tàng được xây dựng bên trên khu đất hơn một trăm năm trước đã là chiến trường đẫm máu giữa hai phe: tướng Grant chỉ huy lực lượng Bắc quân, và tướng Lee, chỉ huy lực lượng miền Nam.

Sau khi cuộc nội chiến kết thúc được bốn năm, tướng Grant trở thành vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ. Ông trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, tổng cộng là tám năm trên ngôi vị quyền lực cao nhất. Nhưng về sau, chính quyền của ông bị tai tiếng nhiều với các vụ hối mại quyền thế, và tham nhũng.

Chỉ trong vòng một trăm năm, người ta đã biến khu vực chiến trường thành một viện bảo tàng chiến tranh. Du khách đến thăm mỗi phòng trưng bầy chỉ cần bấm vào nút điện. Máy tự động sẽ chiếu hình và tường thuật rành rẽ các trận đánh. Các dẫy nhà xung quanh trưng bầy các loại vũ khí đạn dược, gươm giáo và quân phục thời nội chiến. Du khách có thể đi tản bộ trên các lối mòn dưới những tàn lá xum xuê của những cây cổ thụ tới gian hàng bán đồ kỷ niệm. Tại gian hàng này, người ta bán áo thung in hình cờ của quân đội miền Nam hoặc các địa danh ghi dấu những trận đánh nổi tiếng. Họ cũng bán những bưu ảnh chụp những làng quê, những thị trấn lừng danh trong cuộc Nội chiến. Ngoài ra, còn có những khẩu súng lục, súng trường giả, mô phỏng theo kích thước các vũ khí quân đội hai bên đã dùng hơn một trăm năm trước.

Một lần, Ðại tá Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện mời đại úy T. và tôi tới tư gia dự tiệc. Ông đích thân dùng xe nhà đến đón chúng tôi lúc 5 giờ chiều. Xe của ông là chiếc station wagon Ford Fairlane đời 1968. Tuy đã dùng hai năm rồi, nhờ ông săn sóc cẩn thận, chiếc xe Ford tám máy này còn rất mới. Băng trên rộng, và cần sang số tự động đặt ở ngay bánh lái, nên chúng tôi được mời ngồi phía trên với ông luôn. Ðại tá Mc Wain cho chúng tôi đi dọc bờ sông Appomatox. Những rặng liễu mọc ven sông rũ xuống thật đẹp. Mặt sông êm ả. Trẻ con đùa giỡn, chạy nhảy trên những thảm cỏ xanh ven bờ sông, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên những tấm vải sặc sỡ trải dưới bóng cây, với nước uống và thức ăn bầy sẵn.

Ðại tá nói:

- Picnic là sinh hoạt rất phổ biến trong các gia đình người Mỹ chúng tôi. Ở bên Việt Nam, các ông có sinh hoạt đó không?

Tôi đáp:

- Thưa đại tá, gia đình tôi ở thủ đô Sài gòn. Chỗ duy nhất trong thành phố đủ rộng để gia đình đi picnic là Thảo Cầm Viên.

Ðại úy T. tiếp lời tôi:

- Ngoài ra, nếu muốn thoải mái hơn, chúng tôi có thể đi ra ngoại ô, khu Thanh Ða, hay về phía Thủ Ðức, xa lộ Biên Hòa. Tại những khu vực này, có những khoảng đất để picnic được.

Nhà đại tá Mc Wain là một biệt thự xinh xắn, nằm cách trường chúng tôi khoảng tám hay chín dậm. Xe vừa vào đến ngõ, chúng tôi đã thấy bà Mc Wain đứng trước cửa chính. Là một phụ nữ khoảng trên dưới năm mươi, bà ăn mặc giản dị, trang điểm vừa phải. Ðại tá giới thiệu hai chúng tôi. Bà đưa tay bắt, và niềm nở mời chúng tôi vào bên trong. Ðại tá McWain tiếp chúng tôi ở phòng khách trong lúc bà đi vào trong chuẩn bị bữa ăn. Không đầy mười lăm phút sau, bà bước ra, tươi cười:

- Mời quy vị vào. Bữa ăn tối đã sẵn sàng. Chúng tôi cám ơn bà, và theo sau đại tá Mc Wain, bước vào phòng ăn. Ðại tá cho chúng tôi biết thức ăn đãi chúng tôi tối nay do chính bà vợ ông nấu nướng. Bà Debra Mc Wain rất lịch thiệp và nhanh nhẹn. Ông bà đãi chúng tôi một bữa cơm rất thịnh soạn gồm có gà đút lò, thịt bò hầm, khoai nghiền, khoai chiên, và các thứ rau đậu. Ðại tá khui chai rượu vang đỏ, rót vào bốn ly pha lê có chân, trịnh trọng mời mọi người cùng ông nâng ly. Thấy không có ai dự bữa ăn tối cùng ông bà, ngoài chúng tôi ra, tôi hỏi:

- Ông bà được bao nhiêu người con?

Ðại tá Mc Wain đáp:

- Chúng tôi được hai cháu, một trai và một gái. Cả hai đều đang theo học đại học ở ngoài tiểu bang. Lâu lâu mới về thăm chúng tôi một lần.

Sau bữa ăn, chúng tôi trở ra phòng khách uống cà phê. Mãi tới gần 9 giờ tối, chúng tôi mới đứng dậy, xin phép trở về trại. Trước khi từ giã, tôi tặng ông bà một bức tranh sơn mài mô tả cảnh đồng quê Việt Nam thời thái bình. Ðại tá Mc Wain từng có thời gian phục vụ ở Việt Nam. Lúc đó, ông làm cố vấn tại vùng 4 chiến thuật. Khi về nước, ông mua một số sản phẩm tiểu công nghệ ở miền Tây. Những món đồ này đang được trưng bầy trong tủ kính tại phòng khách. Ông cũng có thú sưu tầm súng ống: từ khẩu súng lục rất nhỏ của Tiệp khắc tới khẩu AK 47, súng trường Mas. 36, súng garant M1, tiểu liên Thompson. Những khẩu súng nầy, ông treo trên tường, trong phòng làm việc của ông. Tại phòng này, đại tá Mc Wain cũng chỉ cho chúng tôi xem một nón cối cũ của Việt cộng, có dấu đạn xuyên qua thành mũ, do một người bạn thân tặng cho ông. Tôi nghĩ đó là một chiến lợi phẩm người bạn ông thâu lượm được tại chiến trường. Căn nhà ông bà đang sống là một biệt thự hạng trung. Vườn nhà ông bà, cả trước lẫn sau đều có những thảm cỏ xanh cắt xén rất đẹp mắt. Ðiểm đặc biệt, dù là chỉ huy trưởng một căn cứ, ông không sử dụng một người lính nào vào việc tư cả. Ông cho chúng tôi biết, ông chỉ có một người lính lái xe Jeep đến đón ông đi làm mỗi sáng.

Thấm thoát, thời gian trôi qua quá mau. Mới ngày nào vừa nhập học mà nay đã tới ngày mãn khóa sau khi thi “Final”. Buổi lễ mãn khóa diễn ra rất trang trọng tại hội trường của Trung tâm. Các sĩ quan đồng minh trong quân phục đại lễ chỉnh tề đứng thẳng hàng ở phía trước, gần sát sân khấu. Huấn luyện viên đọc tên từng khóa sinh bước lên nhận “Diploma” do Ðại tá Chỉ huy trưởng đích thân trao cho. Mỗi khóa sinh tốt nghiệp đều được chụp hình lưu niệm với đại tá Mc Wain và các sĩ quan giảng viên. Sau đó chúng tôi được mời dự tiệc từ giã do nhà trường khoản đãi. Các sĩ quan đồng minh từ các quốc gia tự do siết tay nhau, nói lời giã biệt, hy vọng có dịp nào gặp lại.

Ngày hôm sau, chúng tôi được xe của nhà trường chở lên Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải Quân Hoa Kỳ (Headquarters Naval Material Command) để tham dự một khóa học nữa. Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải Quân nằm sát bên bờ sông Potomac thuộc Washington DC, tiểu bang Maryland. Ở căn cứ này, tôi thấy các tầu Hải quân Hoa Kỳ cập bến tấp nập, nhộn nhịp. Chúng tôi trình diện và được biết khóa Phân Tích Giá Cả Quốc Phòng và Kỹ Thuật Thương Lượng (Defense Cost and Price Analysis and Negotiation Technique Course) sẽ khai giảng vào ngày hôm sau. Tại Bộ Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải quân, không có phòng cho sĩ quan trú ngụ. Vị sĩ quan liên lạc đưa cho chúng tôi tờ giấy ghi địa chỉ mấy khách sạn gần nhất. Sau khi điện thoại liên lạc, chúng tôi thuê được một phòng tại một khách sạn giá cả tương đối, nằm cách Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải quân khoảng 8 dậm. Phương tiện di chuyển là xe bus, nên rất thuận tiện. Thường thường, chúng tôi thức dậy từ 6 giờ sáng, dùng điểm tâm ngay tại khách sạn; rồi đón xe bus ngay góc đường đi tới trường. Thời gian di chuyển mất khoảng 45 phút. Chúng tôi tới trước giờ học, nên có thì giờ trò chuyện, kết thân với các bạn đồng khóa, đủ mọi quốc tịch. Cũng giống như khóa học ở Fort Lee, trong buổi học đầu tiên, chúng tôi tự giới thiệu họ tên, cấp bậc, và tên quốc gia của mình. Huấn luyện viên thường là Sĩ quan Hải quân; nhưng cũng có vài huấn luyện viên dân sự nữa. Các bài vở thường được phát cho khóa sinh mang về đọc trước, để khi huấn luyện viên giảng bài, khóa sinh có thể thâu thập mau hơn. Xen kẽ các giờ học là giờ ra chơi. Các khóa sinh được mời dùng cà phê và bánh ngọt.

Chúng tôi thường dùng bữa ngay tại “cafeteria” của Bộ Chỉ Huy rồi tiếp tục lớp buổi chiều. Chúng tôi học 5 ngày một tuần nên vào dịp “weekend”, cũng có nhiều sinh hoạt và nơi chốn để tiêu khiển và du ngoạn.

Một kỷ niệm vui trong thời gian cư ngụ tại Washington DC, là buổi đi thăm Tòa Bạch Ốc. Khách sạn nơi chúng tôi cư ngụ chỉ cách Pennsylvania Blvd, nơi có Tòa Bạch Ốc chừng hơn 1 dậm. Vào ngày cuối tuần, dân chúng Hoa Kỳ cũng như du khách được phép vào thăm Tòa Bạch Cung. Tôi rất vui được đi với đám đông này để sau khi đã qua nhiều trạm kiểm soát an ninh, vào tận bên trong, thăm nơi sinh sống và làm việc của vị nguyên thủ Hoa Kỳ.

Thật là một điều vui thích khi được nhìn tận mắt chỗ ăn, chỗ ở và nhất là văn phòng hình bầu dục, nơi tổng thống làm việc. Tôi nghĩ đây là một quốc gia tự do nên mọi sinh hoạt của tổng thống, người dân Hoa Kỳ được biết rất tường tận. Ngoài Hoa Kỳ ra, tôi thiết nghĩ không có một quốc gia nào mà người dân lại được tự do đến thăm viếng chỗ ăn ở, làm việc của Tổng thống, theo ngày giờ ấn định vào cuối tuần, như ở Hoa Kỳ.

Như đã nói ở phần trên, Ðại úy T. và tôi thuê chung một phòng tại một khách sạn hạng trung bình. Phòng này có hai giường riêng biệt, nên đôi khi cũng hơi bất tiện vì không có bức tường ngăn cách. Tôi còn nhớ một kỷ niệm vui vui trong thời gian du học tại Mỹ. Ðại úy T. còn độc thân, khỏe mạnh, đẹp trai, lại hào hoa nên có nhiều “kiều nữ” da trắng mắt xanh muốn kết bạn. Tiền lương lãnh ra, anh thường dùng vào việc mời các em đi du hí, tiệc tùng vào dịp cuối tuần. Anh có một số bạn gái Mỹ; nhưng thân thiết nhất vẫn là em Lisa.

Ðại úy T. có lần tâm sự với tôi:

- Con Lisa nó “mết” moa lắm. Ừ, mà quả thật con bé có bộ ngực vĩ đại lắm! Lớn cỡ như B.B! Moa thích nó ở chỗ đó, toa ạ!!!

Một hôm, sau bữa ăn chiều, T. nhấp một hớp nước trà, rồi đề nghị với tôi:

- Nầy toa! Chiều mai moa có hẹn với con Lisa tại đây! Moa cần cái phòng nầy chừng 3 tiếng đồng hồ thôi. Vậy, sau giờ học, toa cảm phiền đi xem chiếu bóng, rồi về trễ giùm moa được không?

Tôi miễn cưỡng:

- Ừ, nếu bạn muốn thì tôi tạm lánh mặt mấy tiếng; nhưng chỉ một lần này thôi nhé! Lần sau nếu muốn, xin làm ơn tới thăm em Lisa ở apartment giùm tôi!

Giữ đúng lời hứa với đại úy T., sau giờ học chót ở Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải Quân, tôi đón xe bus tới một tiệm ăn của người Hoa, kêu một đĩa mì xào thập cẩm và một ly cà phê sữa nóng. Ăn uống no nê, tôi đi tản bộ đến một rạp chiếu bóng gần đó. Thủ đô Washington DC vào giữa tháng 12, trời mau tối và có gió lạnh buốt. Vài hạt mưa lất phất thổi vào mặt, như báo hiệu đêm nay sẽ có tuyết rơi đây. Tôi lật cổ áo khoác ngoài lên, kéo sát mũ casquette gần trán. Tới cửa rạp, tôi trả tiền mua vé rồi vô bên trong xem. Hôm đó rạp chiếu phim về cuộc đời Ðại tướng Patton, một danh tướng của Mỹ thời Ðệ nhị Thế chiến, người đã chiến thắng quân đội Ðức quốc xã tại chiến trường Âu Châu. Phim này tương đối có giá trị, nên tôi quyết định xem kỹ, ngồi cho đến hết phim. Tôi sực nhớ, hôm tiễn chân tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất, vợ tôi nói nửa đùa nửa thật:

- Xong khóa học, anh nhớ về đúng ngày với em nhé! Ðừng nghe theo lời dụ dỗ của các “kiều nữ da trắng mắt xanh”, mà trốn ở lại là em giận đó, nghe anh!

Tôi mỉm cười, trấn an nàng:

- Yên chí đi em! Anh chỉ thích “ăn dưa giá, cá kho” thôi! Ăn thịt “beefsteak Mỹ” dai lắm, răng anh nhai không nổi đâu!

Vợ tôi biết tôi có y trêu chọc, khẽ nhéo vào tay một cái, rồi nói:

- Anh chỉ ưa nói “xạo” thôi! À, mà em nhớ có lần anh nói với em là anh chỉ thích “Cơm nhà, quà vợ” thôi mà!

Tôi gật đầu như chấp nhận sự thật mà vợ tôi vừa nêu ra, nhưng qua ánh mắt đăm chiêu, tôi cũng thấy nàng có nhiều lo lắng trong lòng; vì vừa phải đi làm, có ba đứa con mọn lại thêm chị người làm lâu lâu giở chứng đòi về quê thăm gia đình. Giữ lời hứa với vợ tôi, tôi cảm thấy không hứng thú gì khi đám bạn hữu sĩ quan đồng minh rủ đi “ăn chơi” tại xứ sở văn minh nầy. Tôi quyết liệt trả lời không đi, viện cớ khóa học khá bận rôn và bài vở nhiều, mặc cho những lời chọc quê là “thỏ đế”. Ngoài những giờ học trong tuần, có thì giờ rảnh rỗi, tôi thích làm những công việc gì ích lợi và giải trí lành mạnh hơn.

Nhìn đồng hồ lúc đó hơn 10 giờ tối, tôi vội vàng ra khỏi rạp. Ðúng như lời tôi tiên đoán, ngoài trời tuyết đang rơi lả tả, làm mặt đường trắng xóa. Tôi đi bộ ra ngoài đường giữa cơn mưa tuyết. Từ trong vài căn nhà, ánh đèn giăng mắc trên cây Giáng sinh nhấp nhánh, văng vẳng đâu đây tiếng hát quen thuộc bản nhạc nổi tiếng mùa Giáng sinh tuyết trắng “White Christmas” nghe thật day dứt. Tôi nghĩ tới vợ con tôi cách nhau nửa vòng trái đất, giờ này đang chuẩn bị trang hoàng cây Nô-ên đón mừng Chúa giáng trần. Nghĩ tới vợ con, lòng tôi lại dạt dào dâng lên niềm nhớ nhung vô vàn. Ðây là Giáng Sinh đầu tiên tôi xa nhà và đang đi giữa trời mưa tuyết.

Tôi vẫy một chiếc taxi và trở về khách sạn. Ðến nơi, thì cũng đúng lúc đại úy T. tiễn Lisa về. Thoáng thấy tôi, Lisa ngả đầu chào, có vẻ hơi sượng sùng. Nàng bước vội ra xe, nhưng cũng không quên đưa tay ra hiệu, gửi tới T. một cái hôn gió. Vừa vào tới cửa, tôi hỏi đại úy T:

- Mọi sự tốt đẹp cả chứ bạn?

T. cười sung sướng:

- Bữa nay quân ta thắng lợi. Thành công 100%! Lúc đầu “moa” cũng tưởng mấy tháng nay xa nhà không làm “chuyện” đó, sợ rằng súng ống sẽ bị trở ngại tác xạ. Nhưng đạn đã lên nòng rồi, bắn rất tốt. Không bị “kẹt” phát nào. Cám ơn “oa”nhiều lắm!

Tôi hỏi thêm:

- Thế có ăn uống gì tẩm bổ không?

Ðại úy T. đáp:

- Úi chào, em mang nào là nho tươi và táo, lột ra dâng tận miệng cho “moa. Em chiều “moa” lắm. Xong việc, “moa” vào tắm, em theo vào kỳ lưng cho “moa” và hai đứa tắm chung với nhau, y như vợ chồng mới cưới vậy, “toa” ạ!

T. đắc chí nói tiếp: Không ngờ mình lại còn sung sức như thế!

Tôi nói:

- Cậu là trai tơ mà: nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ bữa nay! Nhưng thôi mà! Ngủ đi, kẻo không, sáng mai tới lớp mà ngủ gà, ngủ gật là nhóm sĩ quan đồng minh nó cười chọc quê đấy!

Buổi sáng hôm sau, lại có trận bão tuyết kèm theo những cơn gió lốc thổi rất mạnh. Tuyết vẫn rơi đều đều cao tới cả hai tấc. Dọc đường, có xe của sở công chánh đi cào tuyết; và tôi cũng thấy mấy cây trồng ven đường bị gió mạnh thổi trốc gốc, làm kẹt xe cộ trên một vài đoạn đường. Nhiều trường cho học sinh nghỉ học vì sợ bão tuyết đến bất chợt. Tuy có bị kẹt một vài đoạn đường, nhưng cuối cùng xe bus vẫn đưa chúng tôi tới nơi. Từ trạm xe bus đi tới trường, chúng tôi phải đi bộ khoảng 100 mét. Căn cứ hải quân được xây cất sát bờ sông Potomac nên gió mạnh từ bờ sông thổi như muốn xô chúng tôi xuống bờ sông. Những lúc gió thổi quá mạnh như thế, chúng tôi dừng lại, hai tay ôm cứng cột điện, chờ gió dịu đi mới tiếp tục bước tới.

Chúng tôi tới trễ khoảng 1 tiếng. Huấn luyện viên cho biết hôm nào mưa bão lớn như bữa nay, chúng tôi có thể ở lại phòng và điện thoại báo cho trường biết, thì không sao cả. Hôm nay, chúng tôi học tới bài học về kỹ thuật thương lượng giá cả. Huấn luyện viên cho chúng tôi thảo luận về đề tài này, và cho coi vài khúc phim biểu diễn cách thức trước và sau khi thương lượng. Sau đó, huấn luyện viên chia ra từng toán, mỗi toán bốn người để thực tập. Sau mỗi bài học, đều có phần thi và kỳ thi mãn khóa.

Ðêm Giáng sinh 1970, tại thủ đô Washington D.C, tôi được người bạn cùng lớp là thiếu tá hải quân Glenn Williams mời tới nhà anh dùng cơm chiều. Sau đó, anh chị đưa tôi đi dự lễ ở nhà thờ, cách nhà anh khoảng bẩy dậm. Ngoài trời tuyết vẫn rơi nhưng bên trong nhà thờ, tôi cảm thấy ấm cúng lạ thường. Bên trên, phía trước tòa giảng, những chậu cây “poinsettia” cánh đỏ nhụy vàng rực rỡ, nổi bật giữa mầu lá xanh. Tấm màn nhung đen phía sau gắn dòng chữ bạc “JOY TO THE WORLD.” Tôi lắng lòng nghe những bản hợp ca tưng bừng bầy tỏ niềm hân hoan của những người con Chúa muốn chia sẻ niềm vui lớn lao vì Ngôi Hài đã xuống trần cứu vớt thế gian. Những đoạn thơ ngắn do các em thiếu nhi khoảng chín mười tuổi diễn tả sự tích Chúa Giáng Sinh, xen lẫn những bản song ca du dương và vài bản đơn ca thánh thót... Mục sư giảng một bài giảng ngắn, chừng 15 phút, kêu gọi mọi người hãy đến cùng Hài Nhi trong máng cỏ năm xưa để nhận được Niềm Vui Mừng Vĩnh Cửu.

Tôi để trọn tâm hồn mình hướng về Chúa, trong không khí trang nghiêm của giáo đường. Tôi cảm nhận tình thương bao la của Cứu Chúa, khi Ngài bằng lòng từ bỏ địa vị cao sang trên Thiên Quốc, giáng trần để cứu vớt nhân loại. Sau khi tan lễ, các tín hữu trong hội thánh xuống “basement” của nhà thờ để cùng nhau dự tiệc Giáng sinh, theo hình thức “potluck”. Thiếu tá Glenn giới thiệu tôi với vị mục sư và các tín hữu. Ai nấy đều tỏ ra niềm nở và thân thiện với tôi. Ðây là lễ Giáng Sinh đầu tiên tôi sống xa gia đình. Tôi rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy vợ chồng con cái người ta vui vẻ bên nhau. Tôi nhớ vợ con tôi thật nhiều, và mong cho chóng tới ngày mãn khóa học để trở về với gia đình.

Thời gian ở Washington DC, một buổi chiều cuối tuần, tôi có dịp đi thăm sở thú. Sở thú tại đây rất lớn và sạch sẽ. Các con thú được cho ăn uống đầy đủ, và được các bác sĩ thú y chăm sóc, nên con nào con nấy đều khỏe mạnh. Có nhiều giống vật lạ, và các loài chim quí hiếm thuộc vùng nhiệt đới, mà tôi chưa từng thấy ở sở thú Sài Gòn. Ðiểm đặc biệt tôi nhận thấy tại thủ đô của Hoa Kỳ, là phần đông cư dân thuộc thành phần khá giả thường sống ở ngoại ô. Tại trung tâm thủ đô, thường chỉ có những khu phố thương mại, dinh thự, đền đài, các tòa đại sứ, các cơ sở tài chánh và hành chánh mà thôi.

Thấm thoát, đã tới ngày mãn khóa. Sau khi thi cuối khóa, nhà trường tổ chức lễ mãn khóa. Hải quân Ðại tá R.G. Freeman chủ tọa buổi lễ mãn khóa. Ông đích thân trao chứng chỉ tốt nghiệp cho từng sĩ quan; và sau đó, đãi tất cả chúng tôi một bữa tiệc trước khi chia tay. Chúng tôi nhận đầy đủ giấy tờ, kèm theo vé máy bay cùng 7 ngày đi đường có phụ cấp. Từ Bộ Chỉ Huy Tiếp Liệu Hải quân tại Washington DC về đến Travis Air Force Base, California, khóa sinh có thể chọn phương tiện đi bằng đường xe lửa, xe bus hay máy bay. Vì muốn đi qua nhiều tiểu bang nên chúng tôi chọn đi bằng xe bus Greyhound có máy lạnh. Xe chạy suốt ngày đêm qua nhiều trạm. Chúng tôi có dịp ngắm xem nhiều phong cảnh đẹp ở Hoa Kỳ. Khoảng 5 ngày và 5 đêm, xe bus chạy liên tục chúng tôi đã về tới San Francisco để chuẩn bị hồi hương.