main billboard

Các loài thú đã chịu ảnh hưởng như thế nào?

con chồn

Trận đại dịch Vũ Hán COVID-19 đã gây ra biết bao nhiêu là tai hại. Bao nhiêu chục triệu người nhiễm bệnh, mất mạng, mất công ăn việc làm, tiền bạc hao hụt thâm thủng, cả thế giới điên đầu lo lắng.


Ngày lễ Halloween cho trẻ em đi xin kẹo cuối tháng 10, 2020 đã xảy ra trong âm thầm, buồn tẻ.
Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh năm nay sẽ rất buồn vì gia đình, thân hữu không được tụ tập để mừng lễ chung, ăn uống trò chuyện với nhau.
Các em học sinh không được tới trường, gần đây thì vá víu học “online”, hệ thống giáo dục bị ảnh hưởng không ít.


Các buổi hội họp, sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế, các công ty phải đóng cửa hoặc nhân viên làm việc tại nhà, chịu rất nhiều thay đổi, khó khăn.

Sinh hoạt hằng ngày và suy tư đã phải đảo lộn. Với nhân loại thì thế, mà với thú vật thì cũng bị phản ứng dây chuyền, thiệt hại nhiều không kém.
Vậy các loài thú đã chịu ảnh hưởng như thế nào?

Mới đầu mùa dịch vào khoảng cuối năm 2019, một số trang trại nuôi gà đã phải buộc lòng tiêu hủy hàng triệu chú gà con.
Gà may mắn không bị lây nhiễm COVID-19, nhưng người làm thịt gà thì lại không được tới hãng để hệ thống dây chuyền xẻ thịt này hoạt động.
Số gà nuôi trong chuồng bị tồn ứ, nếu để gà con sống thì sẽ không đủ chuồng và điều kiện để nuôi lớn, nên chủ trang trại đành phải giết bớt để tạm thời giải quyết nạn “kê mãn”!

Các loài heo, bò cũng thế, vì một số nhân viên làm việc trong dây chuyền xẻ thịt này bị nhiễm cúm COVID-19, nên hệ thống này phải tạm đóng cửa một thời gian, gây xáo trộn trong các nông trại nuôi bò, heo.
Bơ sữa, khoai tây, nông phẩm cũng phải đem đổ bỏ rất nhiều. Cần mở ngoặc thêm là loại thịt bò Wagyu rất mắc tiền, trị giá hằng triệu đô Mỹ đã phải đem tặng không cho các người vô gia cư, các trung tâm người già vì các nhà hàng sang trọng chuyên bán loại thịt này bị đóng cửa trong thời gian dịch Vũ Hán.

Tại Đức, Tây Ban Nha, Ý và nhiều nơi khác trên thế giới, chim bồ câu lại phải chết đói vì không có thức ăn quen thuộc từ khách du lịch, thích “enjoy” việc cho chim ăn.
Như thế nạn cúm tai ác Corona đã gián tiếp làm chết rất nhiều giống chim hiền lành này.
Ở phía Đông của Yorkshire nước Anh, cảnh sát đã phải khuyến cáo người dân địa phương phải cẩn thận với những con mòng biển hung hăng sà vào xe, vào mặt người dân vì chúng chẳng còn ăn ké được những bữa ăn thừa du khách bỏ lại trên bãi biển như trước đây.

Tiếp theo đó, khi ngành du lịch bị tạm dừng, nguồn cung cấp thực phẩm cho các đàn khỉ từ các du khách vui tính cũng không còn đầy đủ. Vì đói, khỉ cha khỉ con đã phải tràn ra đường phố giành giật thức ăn, gây náo loạn.

Ở Thái Lan, cả ngàn con voi có nguy cơ chết đói sau khi nhiều trại nuôi thú này phải đóng cửa do lệnh “lock down” đại dịch.
Những con ngựa cũng bị “thất nghiệp”, thiếu ăn vì ngành du lịch đóng băng, chẳng ai được ngồi xe ngựa rong chơi trên các con phố nhỏ.
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, ít nhất 135 loại động vật hoang dã gồm 17 nhóm (lợn rừng, chồn, chim két…) đã chết oan ở Trùng Khánh.
Nguyên nhân tử vong là do nhiễm độc thuốc khử trùng virus Corona. Các loài cầm, thú này không chết vì chính bản thân con vi trùng Corona, mà vì các hệ lụy của nó.
Người Tàu đã xịt quá nhiều thuốc diệt trùng trong một không gian lớn, làm ảnh hưởng đến môi sinh của các giống vật này.

Rối tới rất nhiều sở thú ở khắp nơi trên thế giới bị bắt buộc đóng cửa gần cả năm nay, tiền bán vé vào cửa không có, mà vẫn phải bảo trì, thuê mướn mặt bằng, trả lương cho nhân viên, mua thức ăn cho thú nuôi, không biết chừng nào mới được mở cửa lại để gỡ vốn.
Rồi còn một loài vật nữa ít được nhắc tới trước đây cũng đang bị chết hàng loạt, ước tính lên tới cả 20 triệu con: Đó là loài chồn.

Chồn được nhiều nước nuôi để lấy da làm áo ấm mùa đông, làm nón, giày dép … lấy mỡ chồn làm các chất dầu đặc biệt.
Chồn theo truyền thuyết bị cho là Hồ Ly Tinh hiện thân, nay không biết vì mắc phải lời nguyền hay tử vi bị sao Tuần chiếu, mà đồng loạt phải “tru di tam tộc” như thế.
Cơ quan y tế thế giới WHO cho biết, COVID-19 gây ảnh hưởng đến chồn tương tự như với con người, chồn xuất hiện các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn như thở há miệng, mũi và mắt chảy nước.

Khi chồn bị nhiễm vi trùng COVID-19, vi trùng có thể bị đột biết “gen” và khi lây trở lại cho con người, sẽ trở thành dạng khác, các thuốc chích ngừa đang chế biến sẽ không trị được đúng bệnh, không hiệu nghiệm nữa.
Vì thế tại Đan Mạch, Hòa Lan và nhiều nước khác, chính phủ phải quyết định thiêu hủy hàng triệu con chồn, vừa tốn thêm tiền để đốt, để đem đi xa khỏi thành phố, vừa bị thiệt hại lỗ vốn trong ngành công nghệ này.

Số chồn nuôi ở Đan Mạch hàng năm cho ra tới khoảng 40% tổng sản lượng lông chồn trên thế giới, nay các chủ trại phải chịu phá sản, dù chính phủ nước họ có trợ giúp một phần.
Lông chồn cũng được dùng để cấy làm lông mi giả cong vút cho phái nữ, rất được ưa chuộng. Kiểu này tương lai các áo lông, các phụ kiện cần đến lông chồn sẽ lên giá khủng khiếp.

Cà phê “cứt chồn” cũng nổi tiếng trên thế giới. Lại cũng xin mở ngoặc thêm là kỹ nghệ nuôi chồn cũng như một số thú vật khác đã bị Hội Bảo vệ Thú vật lên án, các loài thú này bị ép cho ăn quá nhiều hoặc có loại lại bị đói không đủ ăn, bị sống trong các chuồng nuôi chật chội và có khi bị giết cách dã man để phục vụ sản xuất.
Quyết định giết chết hằng triệu con chồn này để tránh đột biến, tai hại cho toàn thế giới là việc được đánh giá cao, có tinh thần trách nhiệm đáng tôn trọng.

Nếu như ngay từ đầu bên Vũ Hán Trung Cộng, bên WHO biết nhận rõ tầm quan trọng của bệnh dịch, thông báo không dấu nhẹm và cùng cả thế giới lo tiến hành các biện pháp ngăn ngừa, thì chắc tình trạng đại dịch ngày nay không đến nỗi quá sức khó khăn tệ hại như bây giờ.

Thế nhưng chẳng dính líu trực tiếp đến COVID-19, khoảng 500 ngàn con cá mập sẽ bị bắt và giết chết, vì thuốc chủng ngừa COVID-19 cần có thành phần chất squalene được lấy từ loài cá này.
Trước đây, đã có khoảng 2,7 triệu con cá mập bị giết hàng năm để lấy chất squalene làm mỹ phẩm.
 Squalene là một hợp chất được chiết xuất từ gan cá mập, là một thành phần cần thiết để giữ độ ẩm trong mỹ phẩm.
Hợp chất này cũng được sử dụng trong vaccine sốt rét và cúm như một đối tác tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch.

Thú vật được nuôi để giết lấy thịt, tạo thành sản phẩm phục vụ con người là điều phải chấp nhận, dù đôi khi làm con người trở thành “ác”, nhưng với COVID-19, do các điều kiện đặc biệt phải giết chết hằng loạt, sẽ gây mất cân bằng trong thiên nhiên và sẽ có nhiều tai hại khác mà con người chưa lường tới trước được.

Biết ra sao ngày sau?

Tương lai sau khi đại nạn COVID-19 này chấm dứt, sẽ còn biết bao hệ lụy khó khăn mà con người, thú vật và thiên nhiên phải gánh chịu hậu quả lâu dài.
Thuốc chích ngừa COVID-19 sắp có, nhưng những thứ cần thiết cho việc chủng ngừa như kim chích, chai đựng, nước đá khô loại cực lạnh để bảo quản vaccine khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng đang thiếu hụt, mọi công ty liên hệ đang cố gắng để khắc phục.

Trở lại với con người, thì nhiều thống kê cho thấy tỉ lệ bệnh trầm cảm, ly dị, vợ chồng tranh cãi đánh đấm nhau lên cao hẳn trong mùa đại dịch.
Cảnh sát ghi nhận số trường hợp phụ nữ bị bạo hành phải kêu cứu có nơi lên đến 11% hơn với con số trước đây, có lẽ vì suốt ngày ở nhà bị bực bội, tiền bạc công việc khó khăn eo hẹp, nên các gia đình đã phản ứng tiêu cực.

Trước những khó khăn, cái ác mà con người toàn cầu đang phải đối diện, nào là lũ lụt, cháy rừng, ô nhiễm không khí, bất đồng chính kiến chánh trị, nào là bệnh dịch to lớn nguy hại, cầu mong con người ngày càng khôn ngoan hiểu biết hơn, ngày càng có nhiều biện pháp để cải thiện đời sống, giúp thế giới sống no đủ, tốt đẹp, gần với thiên nhiên, với Chân, Thiện, Mỹ hơn.

Cũng cầu mong mau có thuốc chích ngừa để chống lại bệnh dịch COVID-19, để mọi sinh hoạt trở lại bình thường, vui vẻ hơn, kinh tế phát triển trở lại.
Ngoài ra, ước gì cũng có loại thuốc chủng ngừa về tinh thần, để ai nấy đề cao cảnh giác quan tâm tới nhau hơn, tránh được bệnh ích kỷ chỉ lo cho bản thân, thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi tai hại lớn cho người khác, tránh được sự vô cảm, chiến tranh trong gia đình và xã hội.

Loại thuốc chích ngừa cho tâm hồn đó, bạn và tôi, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đóng góp, đều cần cùng tâm nguyện để chúng có thật, được áp dụng thường xuyên để giúp cho đời sống tâm linh con người, giúp cho xã hội ngày càng phát triển.

Tôi tin khi ai nấy đều ý thức, nhường nhịn quan tâm đến nhau, tránh chà lẫn nhau, tránh tàn phá môi trường thì mọi việc sẽ toàn thiện hơn, cái Thiện sẽ thắng cái Ác.

Xin đề cao ý thức và cầu nguyện cho nhau.