main billboard

 

Tôi muốn tin cuộc đời như trang sách giáo khoa.

Chuyện thật thà như theo gió diều bay…

(Tôi muốn yêu, tôi muốn tin cuộc đời – Nguyễn Xuân Thiệp & Lê Uyên Phương)

…Thằng bé chừng 12 tuổi. Nó nghe người lớn trong nhà nói với nhau: «Hắn chuồn rồi!» «Hắn» đây là ông tổng thống mà từ khi bắt đầu khôn lớn, nó vẫn thường thấy xuất hiện trên ti-vi trong các dịp lễ lạt. Mới hôm qua, hôm kia đây, nó còn thấy «hắn» hùng hổ, nghẹn ngào, hứa hẹn này nọ, vậy mà quay qua quay lại đã bỏ trốn mất tiêu rồi! Tại sao kỳ vậy? Ba Mẹ thường dạy nó phải chân thật, không được lừa dối. Nhưng hôm nay, đến tổng thống một nước mà còn nói dối, nó biết tin vào ai bây giờ?

Ðang ngủ, thằng bé choàng dậy vì một tiếng nổ xé óc. Bé Tủn khóc thét ở giường bên. Ba Mẹ cuống cuồng ôm thốc hai anh em nó đẩy vào gầm chiếc phản mà hồi còn sống, bà nội thường ngồi kể truyện cổ tích cho hai đứa nghe. Những tiếng nổ vẫn liên tiếp vọng tới, có khi làm rung chuyển nền nhà, có khi âm âm, rền rền như tiếng vang trong lu nước. Từng đợt, từng đợt. Ba nói thật nhỏ: Sài Gòn bị pháo kích. Mẹ lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện. Ðược một lúc, nó thiếp đi trong những tiếng thì thầm lo lắng…

Tủn nói với nó :

– Anh Hai coi nè, hai anh em mình cũng có cái ba-lô giống như Ba vậy đó hén!

– Tầm bậy! Ba-lô người ta đeo sau lưng, còn anh với Tủn có hai cái túi đeo vai của Mỹ, giống như mấy người y tá cứu thương vậy đó…

Ba Mẹ đã cẩn thận nhét vào đó một bộ quần áo ấm, một bịch gạo sấy, mấy hộp đồ hộp, cả miếng giấy bọc ni-lông có ghi tên tuổi, địa chỉ nữa. Nó nghe Tủn hỏi:

– Ðể làm chi vậy vậy mẹ?

Mẹ nhìn hai đứa, nước mắt rưng rưng:

– Ðể lỡ mai mốt tụi con có đi lạc như anh Hiển, còn có người dẫn về giùm.

Anh Hiển là anh họ của nó, con bác Tư. Gia đình bác Tư chạy từ Kontum vô đây, lạc mất anh Hiển. Ai cũng lo, cũng nhớ…

Thằng bé cảm thấy có điều gì khác thường đang xảy ra quanh đây. Ba nó tính trầm tĩnh, vậy mà bây giờ vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt. Nó thấy Ba lục lọi đống thư từ, hình ảnh, giữ lại một ít, còn bao nhiêu đốt bỏ hết. Mẹ nó hốt hoảng với hàng trăm tin đồn ngoài chợ. Riêng anh em nó được nghỉ học, nhưng lại bị cấm ra đường, thành thử chỉ loanh quanh trong nhà chơi chọi lính với nhau. Chơi chán, nó hé mắt nhìn qua hàng rào, thấy đường phố vắng ngắt như sáng Mồng Một Tết. Vài người qua lại vội vàng, mặt mày nhớn nhác. Có tiếng phành phạch trên cao. Mọi người dừng cả lại, ngửa mặt nhìn lên. Lần đầu tiên trong đời, nó thấy nhiều trực thăng đến như vậy, và bay gần nó đến như vậy. Nó thấy cả đến màu quần áo của người trong đó, có chiếc trực thăng đầy ắp người, có chiếc chỉ thấy mỗi viên phi công. Ðoàn trực thăng, như những con nòng nọc to đen, cứ lướt qua, lướt qua ầm ỹ trên đầu. Thằng bé ngẩn ngơ. Trực thăng chở người ta đi đâu vậy? Hay là cũng đi trốn, như ông tổng thống, hồi hôm?

Ðang đọc truyện tranh với em Tủn, Ba ào về, lùa mẹ con nó ra xe. Mỗi người lủng lẳng một cái túi bên hông. Xe chạy về hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Ðường bị mấy chú lính bồng súng, chăng ngang cuộn dây thép gai, chặn không cho xe qua. Ba quành ra bến tàu. Nó thấy xe cộ bỏ ngổn ngang, áo quần vứt bừa bãi, giấy tờ bay loạn trong gió như ai đang rải truyền đơn. Còn bến tàu vắng ngắt bóng người. Ba như điên cuồng, cho xe chạy tới chạy lui dọc bờ sông, miệng cứ lẩm bẩm: «Chẳng lẽ họ bỏ đi hết cả rồi sao?» Mẹ khóc tấm tức. Em Tủn ngủ gục. Còn nó nhìn quanh, nghe dâng lên trong lòng một niềm thích thú kỳ lạ, niềm thích thú được sống những giờ phút bất thường, được lao mình vào những nguy biến, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà từ trước tới giờ, nó chỉ được đọc trong sách, nay đang hiển hiện trước mắt, sống động và nghẹt thở. Ba cho xe chạy loanh quanh một hồi rồi ghé nhà bác Ba. Nhà khóa cửa. Cả gia đình bác Ba, bác Tư đi đâu hết rồi? Nó tính hỏi, nhưng thấy mắt Ba long lên, miệng mím chặt, nên nó sợ, ngồi im thin thít. Trên đường về, thằng bé thoáng thấy một xác người mặc đồ thuỷ quân lục chiến nằm sấp bên vệ đường, máu đọng vũng bầm. Dường như Ba có cho xe chạy chậm lại, sau lại vút phóng nhanh qua. Mẹ thôi khóc, mặt tái xanh, mắt thất thần…

tho dai1

Hồ Đắc Vũ

Sáng nay, thằng bé thấy có lá cờ ngồ ngộ treo trước ty cảnh sát. Nửa đỏ, nửa xanh, với ngôi sao vàng ở chính giữa. Giống như ngôi sao mùa Giáng Sinh nó vẫn cắt và dán vào vở giờ thủ công. Vài nhà hàng xóm cũng mới treo lá cờ đó. Mẹ dúi vào tay nó tờ 5 trăm đồng hình con cọp còn thơm mới, biểu nó qua tiệm sách bên kia đường mua cờ về treo cho giống với người ta. Mua xong, nó còn được một người tự xưng là «chú bộ đội» xoa đầu khen ngoan. «Chú bộ đội» coi còn trẻ măng, mặc quần áo xanh giống như đồ lính của Ba, nhưng rộng thùng thình, nói giọng Bắc nghe kỳ kỳ, không trầm ấm như giọng bác Thuần, bạn ba nó. Thằng bé về khoe, nhưng mẹ gạt đi và còn dặn nó không được kể lại cho Ba nghe. Nó thắc mắc, tại sao vậy, chuyện đâu có gì mà phải giấu Ba, mà giấu diếm với nói dối có khác nhau là bao nhiêu…

Mấy bữa nay, Mẹ khóc hoài. Còn Ba cứ có một câu, an ủi tới lui:

– Người ta thông báo chỉ phải tập trung học tập có 1 tháng, đâu có lâu la gì. Thì cũng giống như anh đi công tác ở Cần Thơ vậy thôi. Em đừng có lo.

Tuy vậy, có lần nó thấy Ba quay ra, mắt loang loáng nước. Rồi cũng tới ngày Ba đi. Trời chạng vạng tối. Ba xoa đầu nó, dặn:

– Con ráng nghe lời mẹ, đừng có ăn hiếp em Tủn, nghe con!

Nó cúi đầu dạ nhỏ. Tủn vòi vĩnh:

– Ba đi mau về. Nhớ mua đồ chơi cho Tủn nghe Ba!

Nó nắm lấy tay Tủn, thấy Ba ôm Mẹ hồi lâu rồi leo lên ngồi đằng sau xe Suzuki của anh Thái con bác Ba. Mấy mẹ con đứng ngoài cổng nhìn cho tới lúc bóng xe mất hút ở đầu ngã tư. Mẹ quay vô nhà, mếu máo khóc. Nó cũng rơm rớm nước mắt. Em Tủn lè nhè: con muốn đi ngủ, Mẹ mắc mùng cho con…

Mẹ nói với nó:

– Con đập con heo đất để Mẹ gom tiền lại đi đổi.

Tiền dành dụm của thằng bé từ Tết năm ngoái tới giờ. Nó nhì nhằng:

– Con heo của con còn mới, đập bể uổng, Mẹ!

Mẹ gắt lên:

– Con đừng có lộn xộn. Lẹ lên, để Mẹ còn đi, không thôi người ta không cho đổi tiền nữa bây giờ!

Mẹ lúc này hay la nó với Tủn hơn hồi xưa. Nó len lén đi kiếm cây búa. Trước khi xuống tay, nó thì thầm:

– Heo ơi, tao thương mày lắm, nhưng tao thương Mẹ tao hơn, và tao còn nhớ Ba dặn là phải nghe lời Mẹ nữa.

Nó đập nhẹ hều, con heo đất màu hồng láng bóng vỡ tan. Nó cũng thấy có điều gì đó, ở sâu trong người nó, vỡ theo. Ðếm được 976 đồng. Nó nhẩm tính. Còn 24 đồng nữa là được một ngàn. Một ngàn dư sức mua trọn bộ truyện tranh Phan Tân-Sĩ Phú với Lữ Hân-Phi Lục. Nó thấy tiếc. Phải chi hồi trước mình mua dần dần… Mẹ đi khỏi. Nó khoá cửa, dẫn Tủn ra đường chơi. Người ta xếp hàng rồng rắn ở bàn đổi tiền từ hồi sáng sớm. Nó nghe người lớn nói với nhau như vậy. Ði ngang qua tiệm tạp hoá của ông Tàu, nó thấy giấy vụn đủ màu bay giăng giăng, rơi đầy đất. Lượm coi. Thì ra là những mảnh tiền giấy màu xanh con voi, màu cam con cọp, màu tim tím con nai. Nó ngước lên. Ông Tàu đứng trên lầu, tay cầm kéo cắt từng xấp tiền rồi tung ra trong gió. Ông Tàu kêu to, kêu hoài:

– Tiền của ngộ đó, cho các nị đổi đó! Ăn cướp chớ đổi cái gì!

Chắc ông Tàu điên rồi! Nó kéo em Tủn tránh xa. Một hình ảnh thoáng qua trong đầu. Ðâu một hai bữa trước ngày “giải phóng”, nó thấy chú Kiên nhà ở đầu đường đứng trên lầu cao 6 tầng liệng dĩa hát văng khắp nơi. Những chiếc dĩa hát màu đen, màu cam, màu đỏ xoay tròn, bay loang loáng trong nắng, chao qua chao lại rồi không biết rơi xuống đâu. Nó đứng trong hàng rào, đâu có chạy ra lượm được. Hồi đó, nó tiếc mấy cái dĩa hát giùm chú Kiên. Bây giờ, nó tiếc xấp tiền bị ông Tàu cắt vụn. Nó không hiểu tại sao người lớn lại làm vậy? Ðể làm chi?

Thằng bé được kết nạp vào Ðội Thiếu niên Tiền phong, đeo khăn quàng đỏ. Ở trường, nó sinh hoạt với chi đội của lớp. Cuối tuần, nó sinh hoạt với chi đội của phường. Trong các buổi diễn hành, nó hãnh diện bước đều trong tiếng trống ếch rộn ràng, giữa hàng cờ và khẩu hiệu đỏ vàng rực rỡ. Nó nghĩ thầm: đi Hướng Ðạo hồi xưa cũng vui, nhưng đâu có nhộn nhịp như bây giờ, đâu có cờ, có trống, đâu có người đứng hai bên đường nhìn nó với các bạn nhịp nhàng bước qua. Lúc đó, nó quên mất tiêu những bữa cơm độn bo bo với khoai mì ít thịt nhiều rau, quên cái dáng ủ rũ với khuôn mặt dàu dàu của mẹ, quên cả những thèm thuồng cục kẹo, cây cà-rem vẫn thường hành hạ anh em nó bấy lâu nay. Nó thấy vui giữa đám đông, lòng phơi phới…

Nhận được giấy “thăm nuôi học tập”, Mẹ chuẩn bị suốt cả tuần nay. Nó phụ Mẹ sắp xếp mọi thứ sao cho gọn gàng, không thiếu những món Ba viết thư dặn, cũng không được dư quá số ký-lô quy định. Nào là thuốc lá, thuốc lào, đủ thứ thuốc chữa bịnh, rồi gạo sấy, nước mắm khô, ruốc chà bông, lạp xưởng, hột giống, quần áo… Thứ gì Mẹ cũng muốn thêm vô, cân tới cân lui rồi lại bỏ ra. Loay hoay mãi tới tối hôm qua mới cột được mấy cái giỏ lại. Bữa nay, mấy Mẹ con lục đục từ sớm tinh mơ. Lúc khoá cửa nhà, nó thấy Mẹ hơi là lạ. Phải rồi, từ lâu lắm, nó không còn thấy Mẹ trang điểm nữa. Sáng nay, với chút phấn hồng, chút môi son, nó thấy Mẹ trẻ đẹp ra nhiều, nhất là ở đôi mắt viền chì đen, long lanh ướt rượt… 3 Mẹ con lên đường. Xe lam, xe đò, lại xe lam. Sau cùng, mọi người bị dồn lên mấy chiếc GMC, chạy gập ghềnh một lúc trong đường rừng rồi mới tới trại “học tập cải tạo” của Ba. Ðợi hồi lâu trong mấy ngôi nhà lợp tranh mà nó nghe loáng thoáng người lớn gọi là «lán», thằng bé thấy một đoàn người đen đủi, ốm tong teo, gánh gồng lỉnh kỉnh từ xa bước tới. Mọi người đổ xô đến bên rào kẽm gai. Nó nghe Mẹ kêu: «Ba kìa mấy đứa! Ba kìa!» Nó nhướng cổ nhìn. Ba nó đâu? Ai cũng ốm nhom ốm nhách, đâu có ai to con như Ba nó đâu? Cuối cùng, nó cũng nhận ra Ba giữa đoàn người. Cuối cùng, mẹ con nó cũng ngộp thở giữa vòng tay ôm của Ba. Mẹ khóc. Ba mím chặt môi. Em Tủn miệng mếu xệu, lúng búng nói: «Con thương Ba, con nhớ Ba nhiều lắm!» Còn nó, tự nhiên nước mắt cứ chảy dài. Trước khi gặp Ba, nó đã tự nhủ: ráng đừng khóc, con trai lớn rồi, khóc kỳ thấy mồ! Vậy mà… Có lẽ tại nó thấy chung quanh, ai cũng khóc. Cũng có lẽ tại nó không ngờ Ba lại đen, lại gầy, lại già đến như vậy. Rồi mấy Mẹ con líu ríu theo Ba vào một căn «phòng» của «lán», chỉ có mỗi một chiếc chõng tre để ngồi. Ba móc trong giỏ lác ra mấy cái lông nhím nhọn hoắt, một chùm lông chim màu xanh da trời làm quà cho anh em nó. Mẹ được một cặp lược sắt chạm trổ thật đẹp do chính tay Ba làm lấy. Mẹ lôi thức ăn ra bày la liệt trên chõng tre. Toàn là món ngon mà nó vẫn thèm thuồng từ bấy lâu nay, vậy mà tự dưng, nó không thấy đói. Ngay cả em Tủn tham ăn nhất nhà cũng chỉ nhấm nháp một miếng chả lụa rồi thôi. Mẹ vừa tiếp cho Ba ăn vừa khóc thút thít. Mẹ khóc hoài, hai ba đợt từ hồi nãy tới giờ. Ba hỏi thăm ông bà ngoại, gia đình bác Ba, bác Tư. Em Tủn khoe: «Con học giỏi nhất lớp, được chọn làm ‘Học sinh Tiên tiến’ đó Ba!» Nó cướp lời: «Con cũng vậy nữa Ba ơi, con còn được bầu làm ‘Cháu ngoan bác Hồ’ nữa, vì con hoạt động Ðội tốt…» Nó chợt có cảm giác cái nhìn của Ba hơi là lạ. Nhưng chỉ thoáng qua. Ba xoa đầu anh em nó khen giỏi, rồi ôm hai đứa vào lòng thật lâu. Nó ngửi thấy mùi chua chua từ cái áo Ba mặc, và mùi nắng cháy trên da. Hồi xưa, đâu có bao giờ Ba ôm tụi nó như vầy. Hồi xưa, nó sợ Ba lắm. Thương Ba mà thấy xa cách Ba. Bữa nay, lần đầu tiên trong đời, nó mới cảm thấy thật gần Ba nó. Nó như muốn lấn em Tủn, muốn rúc sâu hơn nữa trong vòng tay Ba. Dọc theo hai má, nó nhận rõ đường chảy chầm chậm và nóng hổi của giọt nước mắt. Nó để yên, không giấu diếm, không chùi quẹt và nghe lòng bỗng dưng nhẹ bổng. Ba khịt khịt mũi. Mẹ vẫn thút thít từ nãy tới giờ. Nó quàng tay ôm em Tủn, nhận ra vai Tủn rung rung. Cả nhà khóc. Thằng bé thấy ngồ ngộ và tự nhiên muốn cười, muốn hét thật to…

Mẹ nói với nó: «Con dắt Tủn đi chơi loanh quanh khoảng 15 phút để Ba Mẹ nói chuyện riêng.» Nó dạ nhỏ, nắm tay em Tủn bước ra. Phía sau «lán» đã là rừng, có những con đường đất ngoằn ngoèo ngang dọc. Thằng bé tưởng tượng tới cảnh Ba đi chặt tre, lấy lá buông mỗi ngày, qua lại trên những con đường này. Chợt Tủn kéo tay nó. Trên một khoảng đất ngập nắng lơ thơ cỏ, anh em nó thấy mấy chục con bướm đậu chen chúc. Những con bướm to, đẹp mà nó chưa bao giờ thấy bay lượn giữa Sài Gòn, đang xoè cánh nằm yên. Như là đang phơi nắng. Như là bướm giả Mẹ thêm vào mấy bình hoa vải hồi xưa. Tự nhiên nó nín thở, như sợ lũ bướm biết đến sự có mặt của anh em nó. Bỗng ào một cái, Tủn chạy vào giữa khoảng đất. Bướm bay túa lên quanh em, như đám lá khô bị cuốn tung trong cơn trốt nhỏ. Tủn quay cuồng, tay quơ loạn mà rốt cuộc không bắt được con bướm nào hết trơn. Hai anh em được một mẻ cười khoái trá. Dắt tay em Tủn về, nó thoáng thấy Ba Mẹ đang ôm nhau nằm trên giường. Nghe động, Ba choàng dậy nhìn tụi nó, mắt long lanh, miệng cười cười. Nó thấy bên má phải của Ba có một vệt đỏ kéo dài xuống tới miệng. Mẹ lúng túng ngồi dậy, sửa lại áo quần, đầu tóc. Em Tủn say sưa kể lại chuyện bắt bướm. Nó chưa kịp nói gì, đã nghe tiếng kẻng vang vang. Ba nói hết giờ thăm nuôi rồi. Mẹ lại bắt đầu khóc, vừa khóc vừa thu dọn thức ăn trên chõng tre. Ba móc 2 chiếc giỏ lác đầy ắp vào đòn gánh, lẳng lặng gánh lên vai rồi nắm tay mẹ bước ra. Anh em nó lếch thếch theo sau. Tới hàng rào kẽm gai, Ba bước vô. Mấy Mẹ con dừng lại. Người đứng chung quanh bắt đầu gọi, gào, rồi khóc. Em Tủn, một tay níu quần Ba, một tay lay chú bộ đội cầm súng gác cửa: «Chú bộ đội ơi, thả Ba con ra đi, Ba con hiền lắm mà, con thương, con nhớ Ba con lắm, chú bộ đội ơi!» Tối hôm đó, nó trằn trọc hoài, không sao ngủ được. Nó thuộc nằm lòng 5 điều “bác Hồ” dạy: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. “Bác Hồ” dạy phải yêu đồng bào. Hình ảnh “chú bộ đội” hất tay Tủn ra, đẩy Ba chúi nhủi tới trước làm nó nghẹn. Ba với “chú bộ đội” là đồng bào mà, tại sao…? “Bác Hồ” dạy phải thật thà. Ba đâu có đi học tập như nó xách cặp đến trường. Ba đâu có đi lao động như nó cầm chổi quét đường mỗi sáng Chủ Nhật. Ba đi tù, ba bị lao động khổ sai mà, tại sao…? Những câu hỏi «tại sao» cứ quay cuồng bám cứng lấy thằng bé, cuối cùng đột ngột kéo tuột được nó vào giấc ngủ, chập chờn, náo động từng cơn mộng dữ…

Thằng bé thấy thinh thích mỗi lần lén ngó con bé. Cũng là bài hát «Cùng nhảy múa chung quanh vòng…», cũng là một nút thắt khăn quàng, cũng là cách đánh tay nhịp đều theo chân bước, mà sao ở con bé, có cái gì uyển chuyển dịu dàng, càng nhìn càng ưa. Hay tại mắt con bé sáng, miệng con bé tươi, tại tóc con bé cột dây thun tung tẩy bên vành tai trắng hồng? Hay tại con bé diện đồng phục trường bà sơ, áo trắng váy xanh, trong khi mấy đứa con gái khác của chi đội mặc quần tây hay đồ bộ mỗi lần đi sinh hoạt? Thằng bé cũng không rõ tại sao, chỉ biết có lần nó sướng rơn, khi trong vòng chơi, được nắm tay múa đôi với con bé. Con bé còn cười với nó nữa, thiệt tươi, má trái lúm đồng tiền. Nghĩ lại, nó cứ thấy vui vui trong bụng…

Thành Ðoàn đang phát động phong trào «Kế hoạch nhỏ xây dựng con tàu Thống Nhất», sức nhỏ góp phần vào công trình lớn xây dựng lại đất nước. Cùng với thiếu nhi khắp nơi, chi đội nó gom giấy vụn, sắt vụn lại, bán lấy tiền để góp vào quỹ mua đoàn xe lửa mới, sẽ chạy từ Nam ra Bắc. Nó nhủ thầm, mình phải gắng sức, vì mới tuần rồi, chị phụ trách đã nói trước chi đội: «… nhất là các em nào có người thân còn đang “học tập cải tạo”, các em càng phải cố gắng lập thành tích, có như vậy, người thân của các em mới có hy vọng quay về đoàn tụ với gia đình trước thời hạn…» Như vậy, Ba sẽ mau về, Mẹ thôi khóc, anh em nó sẽ lại được sống trong khung cảnh gia đình hạnh phúc, êm ấm như ngày xưa, thời trước “giải phóng”. Mới nghĩ tới đó, nó đã thấy vui vui trong lòng. Mình phải ráng, nó tự động viên, mình phải ráng… Sáng nay, mấy đứa trong phân đội rủ nhau đi nhặt sắt vụn. Tụi nó tìm thấy một đống lớn, gồm sườn xe đủ loại, chất gần xưởng cưa của chú Tám. Với mấy trăm ký-lô sắt đó, thế nào tụi nó cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành «Dũng sĩ Kế hoạch nhỏ», được giấy khen và huy hiệu cho coi! Nó không quên: và Ba sẽ mau về nữa! Mấy đứa đều chuẩn bị kỹ lưỡng, nào găng tay để khỏi bị phong đòn gánh, nào đòn bẩy, nào dây thừng, nào xe cút kít. Ðến nơi, cả bọn hăng hái nhào vào việc, đứa kích, đứa đẩy, đứa kéo. Trưa. Ai nấy nhễ nhãi mồ hôi, thở hồng hộc. Thằng Thu la to: «Ðã kéo được 4 cái sườn xe, ráng thêm một chút rồi nghỉ, tụi bay, bữa nay mình đạt chỉ tiêu rồi!» Chiếc sườn xe thứ năm, rỉ sét gần hết, bắt đầu rung lên, rồi dịch chuyển theo hướng đẩy của nó. Bỗng chân thằng bé hổng đất. Một luồng hơi nóng hất văng nó đi. Lơ lửng, thằng bé ngửi thấy mùi khét, như mùi khét toả ra từ da thịt của ba, và màu đỏ của những đêm lửa trại Hướng Ðạo hồi xưa, của lần cháy kho đạn mới đây, của máu, của cờ, của khăn quàng… Nó còn thoáng thấy một vành tai trắng hồng, đôi mắt ngơ ngác của Tủn và mái tóc đen của Mẹ xõa dài, giăng kín rồi phủ chụp xuống nó.

Thằng bé chết, vài năm sau chiến tranh. Vì lựu đạn nổ vô tình? Vì trái mìn gài cố ý? Để làm gì? Tại sao? Những câu hỏi «tại sao» của nó tích tụ từ nhiều năm qua vẫn chưa có ai chịu trả lời.

Không một ai muốn trả lời.

CN