main billboard

Chúng ta hầu như im lặng về những tội ác của chủ nghĩa Cộng sản.

Nha Tho Duc Ba Paris
Trong 2,000 năm qua, Âu Châu đã trải qua rất nhiều biến cố và đổi thay – từ  các vương quyền thời Constantine của Đế quốc La-mã (306-377) đến triều đại Philip của Pháp vào Thế kỷ 13, 14, tiếp đó là thời Phục hưng rồi thời kỳ cách mạng khoa học, đến thời đại ánh sáng và sau cùng là các làn sóng cách mạng xã hội tại Pháp và  cách mạng vô sản vào Thế kỷ 20 với hai trận đại chiến và cuộc Chiến tranh Lạnh.

Chính từ sau thời Phục hưng và kéo dài tới đầu thế kỷ 20, nền văn minh Ki-tô giáo của Âu Châu đã tỏa rộng ra nhiều lục địa khác.
Sự bành trướng ảnh hưởng ấy đã đánh dấu thời kỳ huy hoàng nhất của Âu Châu cùng lúc với giai đoạn cực thịnh của chủ nghĩa thực dân.

Các nước Âu Châu thi nhau đi xâm chiếm thuộc địa, từ Phi Châu đến Mỹ Châu, Á Châu.
Tại Á Châu, hầu hết các nước – kể cả Trung Hoa và Ấn Độ, hai nước rộng lớn với những nền văn minh lâu đời –  đều bị các nước Tây Âu nhỏ hơn chinh phục, trừ Nhật Bản nhờ đã chọn con đường canh tân sớm.

Riêng Việt Nam, một nước ở Viễn Đông,  không nhỏ hơn nước Pháp nhưng đã bị đánh bại và bị xâm chiếm vì yếu hơn về sức mạnh quân sự.
Cùng với đoàn quân viễn chinh, người Pháp đã đem theo vào Việt Nam khẩu hiệu: “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ”.

Những tư tưởng cao đẹp ấy đã thấm nhuần nhiều thế hệ người Việt qua các tác giả nổi danh như Rousseau, Voltaire, Montesquieu.
Ảnh hưởng hàng ngàn năm của văn hóa Trung Hoa trong xã hội Việt Nam đã bị phai nhạt vì sự lấn áp và hấp dẫn của nền văn minh Tây phương rực rỡ cả về kỹ thuật, lẫn triết học.

Tuy nhiên, thật mỉa mai, cùng lúc ấy chế độ thuộc địa đã dùng bạo lực đàn áp những cuộc nổi dậy để mưu giành lại độc lập cho Việt Nam.
Nhiều người yêu nước đã bị tù tội, lưu đày, và xử tử, nhưng sự đối kháng ít khi đình chỉ, kể cả lúc chế độ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam phát triển tới mức huy hoàng nhất vào đầu thế kỷ 20.

Hiện tượng ấy đã cùng lúc phơi bày “hai nước Pháp” khác nhau. Một nước Pháp của những kẻ đi chinh phục đất đai, tàn bạo, và mặt khác là một nước Pháp  của những triết gia, nhà văn, nhà thơ với những tư tưởng vĩ đại đã tạo ra một phong trào canh tân ở Việt Nam, hướng về nước Pháp như một trung tâm của văn minh Tây Âu.

Nhiều người đã sang Pháp học hỏi về khoa học, kỹ thuật, triết học, kinh tế, chính trị, hay tìm phương cách giải phóng Việt Nam khỏi ách thực dân.
Một trong những người này là Nguyễn Tất Thành, về sau đội dưới một tên giả là Nguyễn Ái Quốc.

Sang Pháp năm 1911 với nghề làm bồi trên tàu biển, Nguyễn Ái Quốc đã học hỏi về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tại đất nước của “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ”, và trở thành một đảng viên sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp vào năm 1920, rồi sau đó được đưa sang Nga đào tạo thành một cán bộ Cộng Sản quốc tế để trở về Việt Nam năm 1945 với tên mới là Hồ Chí Minh, tìm cách nắm quyền lãnh đạo các lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày nay, ở Thế kỷ 21, hơn 80 triệu dân Việt Nam đang ăn cái trái đắng do Hồ Chí Minh đem từ Pháp về gieo trồng, trong lúc cái gốc cây già cỗi tại nước Pháp đã suy tàn cùng với phong trào cộng sản quốc tế sau sự sụp đổ của Liên Sô và khối Cộng Sản Đông Âu.
Trong những cuộc bầu cử gần đây tại Pháp, đảng Cộng Sản chỉ chiếm được khoảng hai phần trăm tổng số phiếu bầu.
Paris vẫn rực rỡ đèn hoa, trong lúc Sài-gòn – một thời từng được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông” – đã bị mất tên và quằn quại dưới bạo lực cộng sản.

Những gì đã xảy ra trong mối tương quan giữa Việt Nam và Pháp trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ vừa qua rất đáng được nhắc tới trong lúc chúng ta thảo luận về đạo tắc của lịch sử và luân lý của các sử gia.

Mối tương quan giữa Việt Nam và Pháp là một liên hệ đáng buồn, đặc biệt là với những người Việt Nam đã trở thành nạn nhân trong cuộc tranh chấp vừa qua trên đất nước của họ.
Thật vậy, khi chủ nghĩa thực dân bị suy sụp sau Thế Chiến II, chính sự tái chính phục Việt Nam của người Pháp đã làm cho Hồ Chí Minh và các đảng viên cộng sản của ông ta trở thành “những kẻ giải phóng” chiến đấu để giành độc lập cho đất nước của họ.

Mỉa mai thay, ngay sau khi được giải phóng khỏi Đức Quốc-xã, Charles de Gaulle, người anh hùng của nước Pháp tự do, đã đưa quân trở lại Việt Nam để toan tái lập chế độ thuộc địa.
Cuộc phiêu lưu đầy tham vọng này  đã gây ra một cuộc “chiến tranh giải phóng không cần thiết” (do cộng sản nhân danh) và một cuộc “chiến đấu chống cộng giả hiệu” (do người Pháp nại ra) kéo dài tám năm (1946-1954), chỉ chấm dứt sau khi quân đội Pháp bị đánh bại tại trận Điên Biên Phủ.

Cuộc chiến tranh không cần thiết này đã có thể tránh được nếu chính phủ Pháp thời ấy cũng đối xử một cách khôn ngoan với cựu thuộc địa như người Anh đã làm với Ấn Độ, Mã Lai và Singapore nhờ đó các nước này đã không bị rơi vào gông củm Cộng Sản.
Sau chiến thắng Điện Biên, Hồ Chí Minh được chia tặng quyền thống trị miền Bắc Việt Nam tại Hội nghị Genève năm 1954.  Pháp còn ở lại Việt Nam thêm hai năm cho đến khi một chính thể dân chủ được thành lập tại miền Nam với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

“Cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai” (1960-1975) là một cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt vào miền Nam Việt Nam, nhưng vì  tuyên truyền của Cộng Sản, khuynh hướng thiên tả của truyền thông Tây phương, thái độ ganh tị của giới cầm quyền Pháp mưu tìm lại một vai trò đã mất tại cựu thuộc địa – sự tham chiến của người Mỹ đã bị lên án, và cuộc chiến ấy đã được nhìn từ Tây phương như một cuộc “chiến tranh giải phóng”, và Hồ Chí Minh được tô vẽ như một “lãnh tụ quốc gia” vĩ đại.

Huyền thoại này chỉ đổ vỡ sau khi Cộng Sản Bắc Việt xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, dốc toàn lực đánh chiếm miền Nam Việt Nam vào tháng 4 nặm 1975, với viện trợ quân sự của Liên Sô và Trung Cộng.
Sau khi chiến thắng, CSVN đã dựng ra hàng trăm trại tập trung cải tạo trên khắp nước, nơi hàng trăm ngàn người đã bị đày ải nhiều năm trong tình trạng đói khổ.

Chiến thắng của Cộng sản đã đẩy hàng triệu “thuyền nhân” ra biển khơi bất chấp nguy hiểm đi tìm tự do trên những con thuyền gỗ nhỏ, mà khoảng một phần ba đã bỏ thây trên biển.
Ngày nay, nhân dân Việt Nam đang sống dưới một chế độ tàn bạo mà tội ác đã được lược kê trong cuốn “Sách đen của Chủ nghĩa Cộng sản” của Stéphane Courtois và năm tác giả khác, cùng với tội ác của những chế độ cộng sản khác đã tàn sát hơn một trăm triệu người vô tội trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, đang có nhiều người bị cầm tù chỉ vì muốn sử dụng những quyền tự do căn bản mà người dân ở phương Tây đã được hưởng từ lâu – như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do diễn đạt tư tưởng.

Từ nhiều năm nay, Ủy Ban Các Nhà Văn Bị Cầm Tù thuộc Văn Bút Quốc Tế đã nỗ lực hoạt động để bảo vệ những nhà văn, nhà báo bị đàn áp một cách có hệ thống và bị giam cầm tại Việt Nam.
Các tổ chức nhân quyền khác ở Âu Châu cũng đã không ngừng lên tiếng kết án sự đối xử bạo ngược của CSVN với chính người dân Việt Nam.

Âu Châu ngày nay đang biến đổi, và đối diện với những thử thách lớn vào đầu Thế kỷ 21.
Để đối phó với những vấn đề trước mắt và tương lai, Âu Châu cần có cái nhìn chính xác và can đảm về những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì đang diễn ra trong hiện tại, không phải chỉ ở Âu Châu mà ở cả thế giới bên ngoài, với đạo tắc của lịch sử và lương tâm của những nhà viết sử.

Các sử gia phương Tây trả lời thế nào về lời ta thán của Alan C. Cors, một giáo sư về môn lịch sử trí thức Âu Châu tại Đại Học Pennsylvania:
 “Phương Tây chấp nhận một tiêu chuẩn kép kỳ quái về lịch sử không thể tha thứ được. Chúng ta nhắc lại tội ác của chủ nghĩa Quốc-xã gần như mỗi ngày; chúng ta đem những tội ác ấy để dạy cho con cháu chúng ta như là những bài học lịch sử và luân lý tuyệt đối; và chúng ta đem nhân chứng đến từng nạn nhân.
Trừ một số rất ít ngoại lệ, chúng ta hầu như im lặng về những tội ác của chủ nghĩa Cộng sản.”

Và đây là tội ác của cộng sản mà ông ta đã vạch ra:
 “Trong lịch sử loài người, chưa từng có cớ lý nào  đã sản xuất nhiều bạo chúa máu lạnh, nhiều người vô tội bị tàn sát và nhiều trẻ mồ côi hơn là chủ nghĩa xã hội khi nắm quyền.
Nó vượt qua với cấp số nhân tất cả các hệ thống khác trong việc sản xuất xác chết.”

Đã tới lúc các sử gia Âu Châu và Mỹ cần nhìn nhận sự sai phạm trong quá khứ và nhận thức đầy đủ về sự tàn bạo hiện hữu tại Việt Nam.
Không sử gia lương thiện nào có thể viết về tình trạng hiện nay tại Việt Nam mà không lên án sự vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản hiện tại và lên án giai cấp thống trị thối nát đã được tạo lập qua bạo lực, tù đày và sát nhân.

Chỉ khi nào “Tự do, Huynh đệ và Bình đẳng” được thực thi tại Việt Nam thì người dân mới có tự do thực sự và sống trong hòa bình.

*(Chuyển ngữ từ bài tham luận bằng Anh ngữ “Lights of Paris, Tears of Saigon” phát biểu tại 40th International PEN Conference: “An Ethical Attitude to History as a Source of Peace”, Bled, Slovenia)
(40th International PEN Conference: An Ethical Attitude to History as a Source of Peace)
LIGHTS OF PARIS, TEARS OF SAIGON
History of a tragic relationship
By Son Tung (Vietnamese Abroad PEN)