main billboard

Ngày thứ Sáu sau lễ Tạ ơn là ngày dân chúng Hoa Kỳ đi mua sắm rầm rộ nhất trong năm. Bắt đầu từ đó, ai nấy đều bận trí trang trí cây Nô-en, tìm quà tặng người thân, và sửa soạn sum họp gia đình trong dịp lễ Giáng sinh. Nhiều nhà giăng đèn quanh nhà, ban đêm sáng trưng; có người ra công dựng cảnh Chúa Hài đồng chào đời hay kết đèn thành hình Ông già Nô-en ngồi xe nai tuần lộc. Tối Chủ Nhật giữa tháng Mười Hai, cả nhà tôi đang kề rề ăn cơm thì Trọng em út từ ngoài cửa chạy vào la hoảng,

“Anh Ba Hoa, người ta đến trước nhà mình đông lắm, không biết để làm gì.”

Tôi ra trước hàng hiên thấy khoảng mười người mặc áo lạnh mùa Ðông và đội mũ len che kín đầu lố nhố trong sân. Một người bước ra đánh nhịp, và cả nhóm hát vang lên. Không biết họ làm như thế vì lý do gì, tôi hoảng hồn toan quay lưng chạy vào nhà. Nhưng Quỳnh Châu nhanh tay giữ lại, nói nhỏ bên tai tôi, “Họ hát dạo mừng Giáng sinh đó anh,” và cất tiếng hát theo,

O holy night, the stars are brightly shining,

It is the night of the dear Savior’s birth.

Long lay the world in sin and error pining,

Till He appeared and the soul felt its worth.

(Ô đêm thánh, ngàn sao sáng rỡ,

Là đêm đấng Cứu rỗi thân yêu đản sinh.

Lâu rồi thế gian tàn tạ nằm trong tội lỗi và lỗi lầm,

Ðến khi Người hiện xuống và linh hồn cảm thấy đáng giá.)

(Adolphe Adam & John Sullivan Dwight – “O Holy Night” [Ô Ðêm Thánh])

Nhóm du ca hát thêm một bài nữa trước khi đi qua nhà khác, tôi và Quỳnh Châu vỗ tay tiễn đưa. Tôi cười giả lả,

“Chồng em thiệt quê một cục, suýt nữa bỏ chạy!”

“Anh không biết, lo ngại cũng đúng thôi. Những bài hát mừng Chúa Giê-su ra đời (tiếng Anh là ‘carol’) đầu tiên viết bằng tiếng La-tinh từ thế kỷ thứ tư và thứ năm, nhưng đến thế kỷ thứ 13 mới được liên kết với lễ Giáng sinh. Những thánh ca đó dần dần được quảng bá trong dân gian, và đi hát dạo carol trong mùa Giáng sinh (tiếng Anh nói là ‘caroling’) trở thành truyền thống từ đời này sang đời khác bên Âu châu.”

“Sao cô vợ dễ thương rành sáu câu vậy?”

“Hồi học ở Stanford, em xa nhà năm mùa Giáng sinh và năm nào cũng được bạn mời về nhà ăn lễ với gia đình bọn nó. Ðôi khi bạn rủ em caroling như mấy người này.”
mong hay thuc
Thắm Nguyễn

Trong khi mọi người chuẩn bị mừng Giáng sinh, tôi, bác Kiệt, và bác Hòa chạy đôn đáo tổ chức tiệc ăn mừng năm mới (1976) để nhóm dân tỵ nạn cám ơn ân nhân bảo trợ, bạn mới hào hiệp, và hàng xóm tốt bụng. Bữa tiệc cử hành vào 5 giờ chiều thứ Bảy cuối năm ở hội trường Ðại sảnh Tín hữu của nhà thờ Ba ngôi Lutheran. Thư mời phổ biến khắp North Dakota, thống đốc và một số viên chức chính phủ tiểu bang cũng đến dự. Mẹ và bác Hòa gái cùng với các bà khác sửa soạn trước thức ăn suốt cả tuần lễ, ngày thứ Bảy khởi sự nấu nướng từ sáng sớm. Thực đơn gồm chả giò, cơm chiên Dương Châu, và phở, tất cả được quan khách nhiệt liệt ngợi khen. Tờ Bismarck Tribune gửi phóng viên đến dự, và số báo Chủ Nhật tường thuật bữa tiệc và đăng công thức nấu ăn của 3 món này.

Tôi cùng mấy bạn thanh niên độc thân đứng ngoài cửa đón khách. Ông thống đốc dừng lại bắt tay và niềm nở hỏi thăm từng người. Một bạn tên Phiến có tiếng ưa phát ngôn bừa bãi nhe răng cười duyên và phang ra một câu xanh rờn,

“You are very handsome (Ông đẹp trai quá)!”

Ông thống đốc trạc lục tuần, thuở thiếu thời là nông dân làm việc đồng áng nên da mặt dãi dầu nắng mưa trông rất khắc khổ, giật mình vì câu khen không nhằm chỗ, nhưng không hề bối rối; ông quay sang cười với bà vợ,

“Bà thấy không? Vậy mà bà chê tôi xấu xí hoài!” và trả lời Phiến, “Năm tới ta tái ứng cử, con nhớ nhắc mọi người bỏ phiếu cho anh thống đốc già ‘đẹp trai’ này nhé!”

Chúng tôi cảm động khi thấy 3 cặp vợ chồng Việt – Mỹ, vợ Việt chồng Mỹ, ở nơi khác lái xe đường xa đến dự. Ðầu tiên, tôi há hốc mồm ngạc nhiên khi bất ngờ gặp lại Tú Anh, cô bé hàng xóm của tôi ở Ban Mê Thuột. Nàng nhỏ hơn tôi 5, 6 tuổi, hồi đó hay sang nhà tôi chơi và quấn quýt bên tôi như bóng với hình, và sau đó gặp lại tôi một lần ở Sài Gòn trước ngày 30 tháng Tư. Russ chồng nàng trạc tuổi tôi, cao lòng ngòng với khuôn mặt hiền lành và nụ cười chất phác, và nói tiếng Việt khá thành thạo. Ngày phục vụ ở Việt Nam anh là hạ sĩ bộ binh rồi bị Việt Cộng bắt làm tù binh. Về North Dakota anh là nông dân, từ nông trại gia đình anh lái xe tới mất khoảng một tiếng đồng hồ.

Cặp thứ hai là Phượng và chồng là Dean. Phượng người nhỏ thó, tóc ngắn, nước da ngăm đen, và nói năng dịu dàng. Nàng lớn lên ở Hố Nai Biên Hòa, sau khi đậu Tú tài II vào làm việc trong căn cứ Không quân Biên Hòa, và gặp Dean là hạ sĩ quan Không quân Hoa Kỳ. Hai người yêu nhau, làm đám cưới, và đến năm 1973 cùng về Mỹ. Giống như Russ, Dean làm ruộng và nuôi bò cùng với cha và ở cách Bismarck không tới một tiếng đồng hồ. Và cũng giống như Tú Anh, Phượng được gia đình chồng cũng như cộng đồng thôn dã chung quanh một lòng kính mến.

Nếu nói tôi sững người khi trông thấy Thúy Hạc thì khá nhẹ. Dáng mảnh khảnh thướt tha, mặt trái xoan, làn da trắng mịn, và hàm răng đều đặn, nàng trông rất quen nhưng tôi không nhớ ra đã thấy hay gặp ở đâu. Người thiếu nữ tóc dài đẹp tuyệt vời cũng ngẩn ngơ nhìn tôi, Ralph chồng nàng xin lỗi,

“Chúng tôi ở Dickinson và xem nhầm giờ bắt đầu nên đến trễ.” Dickinson chỉ cách Bismarck 100 dặm Anh về phía tây, nhưng thuộc về múi giờ khác và đi sau Bismarck một tiếng đồng hồ.

“Không sao, chúng tôi còn thức ăn Việt Nam đủ cho một nửa thành phố Bismarck này,” tôi đưa hai người đến bàn Phiến ngồi và nhờ tiếp đãi, trong lòng không ngớt băn khoăn.

Sau này dù chơi thân với Thúy Hạc, tôi vẫn không biết gì nhiều về thân thế của nàng. Nàng nói tiếng Anh lưu loát và đúng giọng như người sinh trưởng ở Mỹ, nói tiếng Việt giọng Nam lịch sự và hòa nhã, và nghiêm mặt nói lảng sang chuyện khác khi ai hỏi về đời tư nàng. Ralph là đại úy tâm lý chiến khi phục vụ ở Việt Nam, hai người lấy nhau rồi về Mỹ năm 1973, và Ralph làm cán sự xã hội trong dưỡng trí viện ở Dickinson.

Nhờ quen biết với 3 cặp vợ chồng này, hoạt động giải trí cuối tuần của nhóm bạn chơi thân với tôi trở nên phong phú và đặc sắc. Chúng tôi gồm có Phiến và 3, 4 anh cựu quân nhân Hải quân lớn tuổi hơn tôi, có anh gần tứ tuần, rất tháo vát và có nhiều sáng kiến. Phiến đa tài, chịu khó, và khi đi chơi chung thường bao thầu luôn phần công việc đáng lẽ tôi phải phụ giúp,

“Anh Ba Hoa làm thợ vịn chỉ vướng tay vướng chân người khác. Xê ra cho tui nhờ!”

Chúng tôi kéo nhau đi thăm nông trại cả đoàn; lúc nào chủ nhân cũng vui mừng thết đãi và yêu cầu ở lại chơi qua đêm. Trẻ con tha hồ chạy nhảy, đi xe đạp, hay ra đồng thả diều, các bà xúm vào bếp nấu món ăn Việt Nam, và bọn đàn ông tự động đi bắt “gà đi bộ” làm thịt. Nông trại có chuồng gà là căn nhà nhỏ nuôi vài trăm con gà ban ngày thả đi ăn rong, tối mới gọi về chuồng ngủ. Muốn ăn thịt heo tươi thì kêu chủ nhân dẫn sang nông trại nuôi heo gần đó mua con heo con giết thịt ăn liền.

Thỉnh thoảng chúng tôi đặt mua con bê. Chủ nhân mang bê ra đồng bắn chết để chúng tôi xẻ thịt, nhặt cành cây khô làm củi, và nổi lửa làm bê thui ăn nhậu tại chỗ. Có lần thằng Sang mang theo hai chai rượu uýt-ki (whiskey) còn lưng nửa. Con bê vừa ngã xuống, em tôi nhảy tới cắt tiết, hứng đầy vào chai, và lắc đều rồi chuyền tay cho mọi người uống; nó nói,

“Rượu ngưu huyết, tức là tiết bò, bổ dương hết sảy.”

Tôi chết nhát lắc đầu, nhưng Dean chồng Phượng chịu chơi cầm chai tu, không chịu kém em tôi. Trong nhiều năm sau, mỗi lần gặp tôi Dean cười ngỏn ngoẻn chỉ cậu con trai út,

“Ðó là kết quả của chai uýt-ki bổ dương của anh Sang.”

Những dịp cuối tuần nghỉ 3 ngày về mùa Hè, chúng tôi đi cắm trại, chọn địa điểm là hồ lớn hay cánh rừng gần Dickinson, và rủ gia đình Thúy Hạc đi cùng. Tới nơi chúng tôi tìm khoảng đất phẳng kín gió để cắm lều rồi dẫn trẻ con đi câu cá, bơi lội, hái xà-lách-xoong bên bờ hồ và dâu hoang trong rừng, và đôi khi lén bẫy chim. Tôi giữ nhiệm vụ nhóm lửa lò than và nướng cá câu dưới hồ lên và thịt nướng các bà ướp sẵn ở nhà mang theo. Cả bọn nhậu nhẹt tưng bừng, ba hoa chuyện trên trời dưới đất, và đàn hát lăng nhăng đến khi mệt nhoài thì chui vào lều nằm ngủ. Sau một đêm ngoài trời, hôm sau chúng tôi về nhà Thúy Hạc tiếp tục ăn uống và vui chơi như lúc đi thăm nông trại; Ralph chồng nàng thường là người đầu tiên bỏ cuộc đi ngủ trước. Nàng luôn luôn âu yếm săn sóc tôi, nhưng nói bằng tiếng Anh nên không ai để ý.

                                                                                          o O o

Vài năm sau, các cuộc cắm trại tập thể và họp mặt ở nhà Thúy Hạc thưa dần rồi ngưng hẳn. Tôi và Quỳnh Châu vẫn ghé thăm và ngủ đêm nhà Thúy Hạc vì thằng Sang đã thôi việc trạm xăng và trở lại trường, học kế toán ở Ðại học Tiểu bang tại Dickinson (Dickinson State College). Em tôi ở nội trú và cuối tuần đi làm bartender (pha rượu và phục vụ nước uống trong quán ba) nên không về Bismarck.

Mùa Thu năm 1978, Quỳnh Châu cùng bé Bích Mạc đi Âu châu thăm gia đình nàng một tháng. Tôi ở nhà giữ lệ cuối tuần lên Dickinson chơi với thằng Sang. Một sáng thứ Bảy, tôi dậy sớm trong ngôi nhà trống vắng, nhớ vợ con da diết, mong được nói chuyện với một người bạn nào đó, và rời nhà sớm hơn thường lệ. Lái xe vào driveway (lối xe đi từ ngoài đường vào sát nhà hay cửa ga-ra) nhà Thúy Hạc, tôi nhớ ra hôm ấy Ralph đưa hai cậu con trai về tiểu bang Indiana thăm bà nội. Tôi bấm chuông, không ai ra; chắc nàng có việc đi đâu đó.

Tôi vào nhà bằng cửa sau và ngồi đợi trong phòng khách. Trên bàn chưng bày bình hoa hồng nhung đỏ thắm còn tươi – Thúy Hạc có sở thích y hệt như tôi. Tôi rót cà-phê pha sẵn trong chiếc máy lọc tự động Mr. Coffee ra uống, cà-phê khác với loại tôi quen dùng nhưng mùi vị thấy vô cùng quen thuộc. Ðợi khá lâu không thấy nàng về, tôi bỗng nghi ngờ rón rén bước vào hành lang dẫn tới phòng ngủ. Cửa phòng mở hoác, tôi choáng váng trước cảnh mộng huyễn mơ hồ như đã thấy nhiều lần: Người đàn bà nằm nghiêng trên giường trong bộ áo quần ngủ lụa hồng, tựa đầu lên chiếc gối thêu hoa, và mắt khép mơ màng. Tôi mê mẩn bước lại gần, sắp cúi xuống hôn lên đôi môi mời mọc. Chợt một tiếng nói từ thâm tâm nổi lên, “Ðây là mộng, không phải thực!” Giật mình thức tỉnh, tôi nhắm nghiền mắt lại để xóa tan mộng cảnh, bước ra driveway, và lên xe ngồi gục đầu trên tay lái.

Ba ngày sau, tôi nhận được một bức thư gửi tới sở làm. Thư viết bằng lối chữ thảo của người Mỹ, không ký tên người gửi,

Em vừa giận vừa biết ơn anh. Giận anh đã từ chối sự hiến dâng của em là một thiếu phụ rất kiêu kỳ. Biết ơn anh đã kềm chế để không phạm lỗi với QC và không để em lỗi đạo với R.

Anh ơi, từ ngày gặp anh lần đầu, em luôn ngủ mơ thấy trong một kiếp xa xưa nào đó của em – và của anh, mình là đôi vợ chồng hạnh phúc bên nhau. Trong kiếp hiện tại, ý nghĩ, lời nói, và cử chỉ của em khi mình gặp nhau là dư âm của kiếp đó. Ôi, cái nghiệp duyên luân hồi của thế gian!

Gần đây em quyết định vĩnh viễn xa cách anh, nhưng lại ước mong mang theo một giọt máu của anh, tựa như có lại con gái mình đời trước. Em theo dõi nhiệt độ cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt và biết chắc cuối tuần qua là thời kỳ trứng rụng, thời điểm thuận tiện để thụ thai. Em sắp xếp bố cảnh như trong kiếp xưa, nhưng số phận không cho em toại ý.

Thằng Sang điện thoại báo tin vợ chồng Thúy Hạc dựng bảng bán nhà và đã dọn đi nơi khác, đi đâu không rõ. Tôi không bao giờ gặp lại nàng, dù trong giấc mơ.

                                                                                                                                           NNH