main billboard

...Đã đột nhập vào nhà uy hiếp chủ nhà để ăn cướp, cô con gái út phản kháng nên bị chúng bắn chết ngay tại chỗ, bà vú hoảng quá la lên cũng bị chúng bắn chết tốt.

LauDaiMa

Mùa Đông năm nay Đại bỗng có ý định thay đổi không khí bằng cách rời bỏ tiểu bang New York về miền nắng ấm Cali đón Noel một lần cho biết. Bà cô của chàng và cũng là người vú nuôi dưỡng chàng từ tấm bé cho nên chàng thương và kính nể bà chẳng khác gì mẹ ruột của chàng. Đã lâu lắm rồi, chắc cũng có đến 4 năm rồi chàng chưa gặp lại bà kể từ khi hai vợ chồng bà dời về San Jose ở với con gái. Để dành cho bà một sự ngạc nhiên bất ngờ, chàng không báo trước mà chỉ nhờ mẹ điện thoại dò hỏi khéo léo để biết chắc bà có ở nhà vào dịp Christmas và New Year là được rồi.

Trời San Jose hôm nay mưa mù mịt, máy bay bị “delay” trễ hai tiếng đồng hồ, thay vì 10 giờ rưỡi máy bay đáp xuống thì phải đến quá nửa đêm chàng mới được chui ra khỏi máy bay. Sau khi làm xong thủ tục thuê mướn, Đại lái chiếc Toyota Camry mới toanh đời 2012 ra khỏi phi trường San Jose trực chỉ về hướng đồi núi chùa Kim Sơn. Mưa lớn quá! Đại chẳng nhìn thấy gì hết, khó khăn lắm chàng mới tìm được con đường rẻ vào núi, đường đồi ngoằn nghoèo lượn khúc qua lại. Tuy là đã quá nửa đêm lại đang mưa, nhưng chàng cũng nhận xét được khá giống đường đèo Đà Lạt của VN. Chàng lái xe thật chậm, trên tay cầm lăm lăm tờ giấy hướng dẫn cũ xì do chính tay con gái của bà cô đã vẽ cách đây hơn 4 năm khi hộ tống hai vợ chồng bà cô rời khỏi New York. Nhưng lúc đó chàng đang bận công tác ở ngoài nước Mỹ nên đứa em trai kế phải đích thân làm công việc này.

Đây rồi! Đây rồi! Số 524, may mà bảng số nhà cắm ngay ngoài vệ đường cho nên chỉ cần để ý lanh mắt một chút khi đèn xe hơi quét qua một cái là đọc thấy ngay. Chàng nhanh tay bẻ lái quẹo ngay vào con đường kế bên bảng số nhà. Con đường thật lạ lùng, ngoằn nghoèo tối om, cây cối um tùm như đi vào hang động. Chàng có cảm tưởng con đường này hình như bỏ hoang đã lâu không người qua lại, xe chàng lái tới đâu, bầy dơi bị động vỗ cánh bay lung tung tới đó. Một lát sau chàng dừng lại trước một cánh cổng rào bằng song sắt đen thật cao và rộng như cánh cỗng dinh Độc Lập của nước VN ngày xưa. Cánh cổng không có khoá, tuy trời đất đang nổi cơn thịnh nộ, mưa gió sấm chớp ầm ì cũng không làm nó mở toang hoác, mà chỉ hở ra độ một gang tay đang sập ra khép vào dưới màn đêm mưa lất phất trông thật rùng rợn như những phim kinh dị của “Halloween” vào cuối tháng mười mỗi năm. Ngôi biệt thự trông đồ xộ, to lớn nhưng không được tân thời lắm! Nhìn lối kiến trúc của ngôi nhà, Đại đoán có lẽ được xây cất chắc cũng trên nửa thế kỷ là ít. Ngôi nhà to lớn như thế này mà không có lấy một bóng đèn đường ngoài những tia chớp của thiên lôi trên trời, thỉnh thoảng nhá nhá sáng lên kèm theo những tiếng nổ đùng đùng như dọa nạt hăm he Đại đừng có dại dột mà bước vào.

Đại ngồi trong xe đưa mắt quan sát cảnh vật chung quanh có đến hai phút rồi mới tắt máy xe. Chàng ngần ngại vô cùng khi phải bước xuống xe, lội bộ sâu vào sau cánh cổng sắt đen một khúc nữa mới tới được chính điện của ngôi biệt thự tối om, nằm chênh vênh trên cao trước mặt chàng trông lạnh lùng đến rợn người dưới trời vừa mưa vừa gió như thế này. Nhưng chẳng lẽ đã đến nơi rồi mà không vào? Thật ra chàng cũng có thể tự đẩy cánh cổng sắt sang một bên vì cổng không có gài rồi lái xe vào ngay trước cửa nhà mới bước xuống cũng được, nhưng đã tính làm “surprise” cho bà cô nên chàng không muốn ồn ào, đành phải bước xuống xe đi bộ đến gõ cửa vậy.

Cánh cổng sắt nặng nề rít lên ken két khi Đại đẩy nó lớn hơn một chút để lách mình vào trong. Cho Đại có cái cảm tưởng hình như đã từ lâu nó không được xử dụng mở ra khép vào cho nên mới nặng nề và rỉ sét đến như vậy, hay là còn có một lối đi nào khác mà Đại không biết? Còn đang suy nghĩ vẩn vơ, một đàn dơi không hiểu ở đâu kêu lên en ét bay sà ngay trên đầu Đại, hốt hoảng Đại ngồi sụp xuống buông rơi cái túi xách cá nhân, kéo cao cổ áo che lấy đầu. Đàn dơi xà quần ồn ào một lúc rồi bay lên cao mất hút vào đêm tối, trả lại sự yên tĩnh như lúc đầu. Mưa không lớn lắm! Chỉ còn lại tiếng gió rít quật vùn vụt ngả nghiêng trên đầu cây ngọn cỏ khiến cảnh vật càng thêm ma quái. Đại đứng dậy, kéo cao cổ áo lên, đeo cái túi xách lên vai, thọc sâu hai tay vào túi áo “manteau” chạy nhanh về phía ngôi biệt thự, đầu óc chàng thật là hoang mang không hiểu tại sao con gái bà cô lại có thể ở chỗ hoang dã, kinh dị đến như vầy?

 Gõ cửa chán rồi đến nhấn chuông cũng chẳng có động tịnh gì, bên trong lại tối om khiến Đại không thể đoán được chuyện gì. Còn đang tiến thoái lưỡng nan, Đại có cảm tưởng có một luồng ánh sáng đang lớn dần phía sau lưng chàng. Đại quay lại chờ đợi, thì ra luồng ánh sáng từ phía bên hông nhà quẹo ra phiá trước rồi từ từ dừng lại trước mặt chàng. Hình như là một bà lão, tay cầm một ngọn đèn bão, có lẽ chạy bằng pin. Bởi ánh sáng không đủ để cho chàng nhận diện được già hay trẻ, chàng đoán được nhờ cách ăn mặc, dáng đi lom khom chậm chạp, và giọng nói đàn bà mà thôi. Không đợi cho chàng lên tiếng hỏi, người đàn bà nói:

- Đi theo tôi.

Đại líu ríu theo sau lưng người đàn bà vừa đi vừa liếc ngang liếc dọc lung tung để quan sát. Quái lạ! Nhà có người ở mà như nhà bỏ hoang không người chăm sóc, cây thì trơ cành trụi lá bởi mùa Thu lá rụng không nói làm gì, nhưng lối đi xung quanh nhà lại xào xạc những lá khô như chẳng bao giờ quét dọn. Người đàn bà dừng lại trước cánh cửa gỗ ở phiá sau của căn biệt thự, đưa tay vặn quả nắm bước vào, chàng nhanh nhẹn lách mình bước vào theo. Thì ra đây là nhà bếp và phòng ăn, điểm đặc biệt đầu tiên đập vào mắt Đại là những ngọn nến leo lét đặt khắp nơi và mùi ẩm mốc như đã từ lâu không người sinh hoạt thốc thẳng vào mũi chàng. Người đàn bà tắt cái đèn bão đặt lên bàn, đổi lấy cái đèn ba ngọn nến đang cháy leo lét dẫn Đại lên cầu thang. Đại lặng lẽ quan sát, dường như hiểu ý Đại, người đàn bà lên tiếng:

- Nhà này đã lâu không sài điện nữa rồi, ba ngọn nến này sẽ để lại phòng của cậu, tôi sẽ dẫn cậu đến phòng tạm ngủ, đừng làm ồn đánh thức cô Tư.

Bà lặng lẽ đi trước, Đại cũng âm thầm theo sau, hai cái bóng chập chờn in trên vách bởi ngọn lửa nến ngả nghiêng qua lại trông như bóng ma trơi. Người đàn bà dẫn Đại đi qua một dãy hành lang dài hun hút ở lầu một (dãy hành lang này nằm bên trong tòa lâu đài, hình như được trải thảm đỏ). Tất cả những hàng rào và tay nắm của lan can đều làm bằng đồng hay mạ vàng gì đó Đại không rõ, được chạm trổ rất tinh vi. Đại không ngờ gia đình con gái bà cô lại giàu và “xưa” đến như vậy, nếu không ở vào đêm tối với nhửng ánh sáng thấy mà ghê như thế này thì Đại có cảm tưởng như đang được chiêm ngưỡng những tòa castle của Pháp mà chàng đã có dịp viếng thăm qua một lần. Người đàn bà dẫn chàng quẹo sang một dãy hành lang khác, đến căn phòng cuối cùng, bà mở cửa trao cây đèn cầy ba ngọn cho chàng và nói vắn tắt:

- Bên trong có đầy đủ tiện nghi, khuya rồi! Đừng đi lộn xộn, ngủ ngon.

Đại cầm lấy ngọn đèn cầy lí nhí:

- Cám ơn.

 Chàng đóng cửa phòng lại, đứng dựa lưng vào cửa đưa cao ba ngọn nến lia qua lia lại trước mặt quan sát. Căn phòng cũng khá rộng, cách bày trí hơi giống cung điện vua chúa thời xưa, đồ đạc trong phòng từ giường tủ, bàn ghế đều là đồ cổ xưa loại quí, tốt, ngoại trừ cây đàn dương cầm loại Baby Grand thì có vẻ hơi tân thời một chút. Phiá bên tay trái của Đại là cái cửa ra vào hai cánh hình vòng cung, một nửa dưới là gỗ, một nửa trên được gắn bằng kiếng với những ô hình quả trám. Tuy ánh sáng lờ mờ trong phòng chỉ là ba ngọn nến, nhưng Đại cũng đoán được đó là loại kiếng màu giống mấy tấm kiếng của nhà thờ tây phương thời xưa. Cánh cửa được ăn thông ra ngoài balconny nhìn xuống sân biệt thự, nhưng bố bảo chàng cũng không dám mở cửa bước ra mặc dù chàng chẳng nhìn thấy gì ngoài những lằn chớp sáng thỉnh thoảng loé lên bên ngoài, cho chàng được thấy thêm tấm kiếng cửa ô quả trám có nhiều màu xanh, đỏ, vàng, tím. Tiếng gió hú liên hồi rít qua khe cửa nghe rởn tóc gáy, thêm ánh sáng quái lạ bên trong ngôi biệt thự và sự tiếp rước của bà già không biết là địa vị gì trong nhà này đã làm cho chàng phải e dè hồi họp nếu không muốn nói là sợ sệt. Chàng thoáng có chút hối hận đã không gọi báo trước cho bà cô biết để bây giờ nửa đêm nửa hôm chàng chẳng cục cựa gì được cả. Chẳng lẽ lồng lên đòi đánh thức bà cô dậy hay sao? Chính chàng đã muốn dành sự ngạc nhiên cho bà cô mà! Bây giờ có lẽ sự ngạc nhiên không phải dành cho bà cô nữa mà cho chàng mới phải.

 Còn đang miên man suy nghĩ , Đại nghe thoang thoảng tiếng hát nho nhỏ của con gái:

- Đừng bỏ em một mình!... Đừng bỏ em một mình!... Trời lạnh quá! Trời lạnh quá!... Sao đành bỏ em một mình...

Đại nghe ớn lạnh xương sống dựng cả tóc gáy có cảm tưởng như lạc vào tòa lâu đài ma. Tiếng hát càng lúc nghe càng lồng lộng thê lương giữa đêm hôm thanh vắng, rõ mồn một như tiếng oan hồn khóc than từ mộ sâu vọng về. Tiếng hát dường như nhỏ dần và ngừng hẳn lại khi đi ngang qua cửa phòng chàng. Rồi như nghe ngóng một hồi, tiếng hát lại rên lên nho nhỏ: “Đừng bỏ em một mình...”. Chịu hết nổi Đại nạt lớn:

- Ai?

Tiếng hát ngưng bặt, Đại cũng im ru không dám nhúc nhích, mệt mỏi và căng thẳng quá độ, nếu trời không mưa gió chắc Đại đã tông cửa chạy ra xe đi ngủ khách sạn cho rồi. Chàng chán nản đặt cây đèn nến lên bàn, chẳng buồn làm vệ sinh cá nhân, để nguyên cả áo “manteau” chàng toan buông mình nằm đại xuống giường nghỉ đỡ cho khoẻ sáng mai rồi tính thì ngoài cửa lại vang lên... lần này không phải là tiếng hát nữa! Mà là tiếng khóc thút thít, tức tưởi của con gái. Đại thở dài, hai tay bưng lấy đầu khe khẽ kêu lên: “Trời ơi!”. Bên ngoài tiếng khóc vẫn dai dẳng, nức nở từng hồi. Coi bộ không ra là không được, Đại lại cầm lấy cây đèn nến mở cửa bước ra. Tiếng khóc phát ra từ một người con gái xõa tóc dài rũ rượi mặc bộ đồ ngủ trắng, khoác áo choàng trắng, đang ngồi bó gối ngoài hành lang gục mặt thổn thức cách cửa phòng chàng độ 5 bước chân. Chàng bước lại gần cho ngọn nến rọi sáng cô gái hơn một chút rồi hỏi:

- Khuya rồi! Sao cô không về phòng ngủ mà lại ngồi đây khóc?

 Cô gái không thèm ngước mặt lên, cũng chẳng nói chẳng rằng, đôi vai cô run lên từng hồi theo nhịp thổn thức của tiếng khóc. Đại quỳ xuống một bên nói nhỏ:

- Cô không muốn ngủ cũng phải để cho người khác nghỉ ngơi chớ!

Cô gái ngẩng mặt lên, nước mắt đầm đìa, nói qua tiếng nấc:

- Mặc kệ tôi! Can gì đến ông. Rồi cô lại gục xuống tiếp tục nức nở.

Đại ngẩn người, cô gái rất đẹp lại rất trẻ, chỉ độ mười tám, mười chín là cùng. Thấy cô có vẻ đau khổ, chàng thương hại hỏi:

- Cô có chuyện gì buồn mà khóc dữ vậy? Có cần tôi giúp gì không?

 Cô gái trả lời như hờn dỗi:

- Không cần!.

Đại đẩy cây nến ra xa một chút rồi ngồi xuống bên cô gái:

- Cô cứ ti tỉ khóc trước cửa phòng tôi như thế này làm sao tôi ngủ được?

 Cô gái ngẩng đầu lên, vừa quệt nước mắt vừa hỏi:

- Ông mới tới hở?

Đại gật đầu:

- Đáng lý ra tôi đến từ sớm kìa! Nhưng vì máy bay bị trể cho nên vừa mới đến tức thì. Xin lỗi! Có lẽ sự trễ muộn của tôi làm cô thức giấc?

 Cô gái nhìn vào xa xăm:

- Ông đến sớm hay muộn ăn nhằm gì đến tôi. Tối nào tôi chả hát và khóc như vậy, đã bao nhiêu năm nay rồi mà có ai thèm để ý đâu? Rồi đột nhiên cô quay hẳn sang Đại, nhìn chàng với cặp mắt long lanh kỳ lạ nói:

- Nhà này đã lâu không hề có khách viếng bao giờ, ông là người đầu tiên. Ông là ai? Tại sao lại đến đây? Ông không sợ à? Ông có biết tôi và bà già ban nãy dắt ông vào đây là ai không?

Đại trả lời như phân trần:

- Xin lỗi! Tôi không biết, tôi ở New York đến San Jose thăm bà cô tôi. Tôi không báo trước vì định dành sự ngạc nhiên cho bà, không ngờ vì khí hậu thời tiết ảnh hưởng làm chuyến bay bị “delay” quá trễ... chàng bỏ lửng không nói tiếp.

Đầu óc chàng thắc mắc không biết cô bé này là ai, liên hệ thế nào với gia đình bà cô mà sao chàng không hề được gặp và nghe nhắc đến bao giờ. Sự yên lặng kéo dài có đến một phút, đêm tịch mịch, ánh đèn cầy leo lét làm bóng cô gái lung linh tựa sương khói khiến Đại có cảm tưởng như đang ngồi trong nhà quàn thì đúng hơn, chàng lên tiếng phá vỡ bầu không khí ma quái:

- Cô chắc thân thiết với chủ nhà này lắm?

Cô gái nghiêng đầu nét mặt nghinh nghinh nhìn Đại, khuôn mặt không còn rầu rĩ như lúc đầu nữa, cô trả lời với nụ cười có chút tinh nghịch:

- Thân! Thân lắm là đằng khác, ông muốn biết lắm hở? Cô khoác tay: Ngày mai đi! Sáng mai mọi việc sẽ sáng tỏ hết. Rồi cô bắt chuyện: Ông đến đây chơi, có dự tính viếng thăm chùa Kim Sơn không? Gần đây thôi! Ngôi chùa rất đẹp.

Đại gật đầu:

- Tôi có nghe nói. Bởi vậy năm nay tôi mới lấy phép xuống thăm bà cô luôn tiện viếng thăm ngôi chùa mà tôi chỉ được nghe qua miệng mọi người chứ chưa được chính mắt nhìn thấy. Cô ở gần đây chắc thường đi lễ chùa?

Đôi mắt cô gái sụp buồn:

- Đã lâu lắm rồi tôi chưa hề được đạt chân đến cửa chùa. Tôi rất muốn được lên chùa để nghe kinh mà chẳng ai đưa tôi lên cả.

Đại thắc mắc:

- Cô không thể tự một mình đi sao?

Cô gái không trả lời vào câu hỏi mà ngập ngừng hỏi Đại:

- Ông... có lẽ sùng đạo Phật lắm phải không?

- Tại sao cô hỏi vậy?

 Cô gái đưa tay chỉ vào ngực Đại:

- Tôi thấy ông đeo tượng Phật.

Đại cúi xuống nhìn, thì ra ban nãy ở trong phòng cảm thấy ... ghê ghê cái không khí quái đản của căn nhà này, phản ứng tự nhiên chàng đã luồn tay vào ngực kéo sợi dây chuyền tượng Phật lộ ra ngoài áo để tự trấn an mình. Đại cười ngượng ngập:

- Thật ra tại tôi thần hồn nhát thần tính... nhưng mà hỏi cô chứ giữa đêm hôm khuya khoắt, tại sao cô không ngủ mà lại đi lang thang giữa một tòa nhà rộng thênh thang như thế này? Lại còn hát lên những lời nghe... Đại lắc đầu không nói tiếp.

 Cô gái che miệng cười nói tiếp lời Đại bỏ dở nửa chừng:

- Không lọt lỗ tai chút nào phải không? Ông sợ hả?

- Nếu là cô, cô có sợ không?

 Cô gái gật gù:

- Kể ra ông cũng thành thật, bây giờ nhìn thấy tôi ông có còn sợ không?

- Nếu cứ ở trong phòng mà tưởng tượng thì sợ thật. Rồi Đại tự giới thiệu: Tôi tên Đại, xin lỗi cô tên gì? Ngày mai chúng ta có thể cùng đi chùa Kim Sơn được không?

Cô gái trả lời rất khó hiểu:

- Tôi không đi được, ai cho tôi vào? Rồi cô vừa gật đầu vừa nói tiếp: Nhưng nếu có ông giúp đưa được tôi lên chùa thì tốt quá. Tôi tên Thắm, Đỗ Lệ Thắm.

Đại kêu thầm trong đầu: Trời đất! Cái tên nghe kỳ cục, đã “đổ” lệ mà còn thắm nữa thì chắc cuộc đời cô bé này phải khóc dài dài. Không hiểu nghĩ sao Đại gật đầu quả quyết:

- Tôi hứa! Ngày mai sẽ đưa cô lên chùa.

 Cô gái mừng rỡ nắm lấy tay Đại kêu lên:

- Thật hả? Ông chịu giúp đỡ đưa tôi lên chùa?

Đại cảm thấy một luồng khí lạnh chuyền qua thân khi bàn tay cô gái vừa chạm vào da thịt chàng. Đại rụt tay lại kêu lên:

- Trời đất sao tay cô lạnh thế này! Không khéo bị cảm mất, phòng cô ở đâu? Để tôi đưa cô về phòng nghỉ.

Cô gái trả lời không sao và đưa tay chỉ vào phòng chàng nói tiếp:

- Trước kia tôi ở phòng này nhưng bây giờ thì không phải nữa rồi. Nếu ông không ngại, tôi có thể vào thăm lại căn phòng của tôi không?

Đại cầm cây nến đứng qua một bên nhường lối:

- Cô cứ tự nhiên.

 Cô gái đứng lên vừa đi vừa giao hẹn:

- Ông đã hứa ngày mai đưa tôi lên chùa là ông phải giữ lời hứa đấy nhé!

Đại gật đầu:

- Cô có thể tin ở tôi, một khi tôi đã hứa là tôi sẽ làm.

- Thế ông có thể cho tôi mượn sợi dây chuyền tượng Phật của ông không? Sáng mai ông lên lầu trên, cô gái đưa tay cao khỏi đầu chỉ thẳng lên trần: Phòng tôi ở trên này, tôi sẽ trả lại cho ông, ông sẽ biết chi tiết và lý do vì sao tôi thích được... ở chùa để nghe kinh, niệm Phật.

Đại đặt cây đèn nến lên nắp cây đàn Piano, tháo sợi dây chuyền đeo vào cổ cô gái nói:

- Nếu cô thích, tôi tặng cô đó! Mai mốt tôi “thỉnh” cái khác cũng được.

 Cô gái kêu lên:

- Không được! Tôi không nhận được, tôi chỉ mượn tạm ông đêm nay để... làm tin cho chắc ăn ông không nuốt lời, sáng ngày mai chúng ta gặp nhau ở lầu trên, ông bắt buộc phải lấy lại sợi dây chuyền thôi! Rồi ông sẽ hiểu, bây giờ đừng hỏi gì nhiều, rồi cô cứ suýt xoa: Cám ơn ông, ông tốt quá! Tôi chưa thấy người đàn ông nào tốt như ông, họ toàn là kẻ xấu và độc ác. Rồi cô ngồi xuống bên cây đàn, mở nắp bấm bấm vài nốt nói: Tôi đàn tặng cho ông nghe một bài nhé! Cây đàn này của tôi, tôi đã từng học qua chắc đàn cũng không tệ lắm!

Đại cười gật đầu nhưng ngượng ngập khi nghĩ đến cái lỗ tai tồi tệ của mình, chàng nghe nhạc gì cũng như đàn khẩy tai trâu, chả phân biệt được hay dở là gì cả. Ai đàn chàng cũng thấy hay như nhau, mà ca sĩ nào hát chàng cũng nghe hết xẩy cả, miễn đừng tệ quá như trả bài là chàng “chấm”... đậu tuốt luốt. Bởi vậy, mỗi lần bạn bè đàn đúm bàn về thế giới âm nhạc là chàng bù trớt. Có lẽ vì vậy cho nên chàng đâu biết thưởng thức tiếng đàn của cô gái, hay vì quá mệt mỏi chàng ngả người xuống giường và “khò” lúc nào không hay, trong khi tiếng đàn của cô gái vẫn thánh thót vang lên lồng lộng không ngừng...

 Cái cell phonne rung và reo lên từng hồi ở thắt lưng quần đánh thức Đại dậy. Cái hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Đại là bức ảnh bán thân của cô gái hồi đêm được vẽ bằng sơn dầu thật to treo ở góc phòng mà đêm hôm qua vì tối quá nên chàng không để ý, thì ra căn phòng này là của cô ta thật. Có lẽ đêm qua thức khuya quá nên mệt mỏi, chàng uể oải trả lời phôn:

- A lô!

- Đại đấy hở cháu?

Hình như tiếng bà cô, Đại ngồi bật dậy:

- Cô Hải hả? Sao cô biết số cell phone của cháu mà gọi?

- Cháu đang ở đâu? Đêm qua thức khuya lắm hay sao mà giờ này chưa dậy? Mẹ cháu vừa gọi cho cô xong, mẹ cháu bảo tối hôm qua cháu đến San Jose thăm cô mà sao hôm nay đã 12 giờ trưa rồi vẫn không thấy cháu gọi về nhà nên mẹ cháu sốt ruột gọi hỏi cô. Cô có biết gì đâu? Cô bảo cô chưa gặp cháu, mẹ cháu mới đưa số cell phone của cháu cho cô. Thế nào? Chắc là cháu đến khuya lắm hay sao mà không ghé cô?

Đại hốt hoảng ngồi bật dậy ngó dáo dác cảm thấy có điều gì không ổn, sợ bà cô lo lắng chàng nói dối:

- Xin lỗi cô! Hôm qua máy bay bị trễ quá nửa đêm, sợ mất giấc ngủ của cô chú và gia đình nên cháu về khách sạn, mệt quá nên ngủ quên, một chút xíu cháu sẽ chạy đến cô ngay được không? Bây giờ cháu đi chuẩn bị đây.

- Được rồi! Cô chờ, nhớ điện thoại về cho mẹ cháu kẻo bà sốt ruột, nhá!

Đại cúp máy xong trong lòng thắc mắc: Chết cha! Không biết mình đang ở nhà ai đây? Chẳng lẽ đêm qua gõ cửa lộn nhà? Tại sao chủ nhà lại tử tế cho người dẫn mình vào đây? Nhớ tới lời hẹn với cô gái đêm qua, chàng lật đật phôn về cho mẹ yên tâm xong vớ lấy cái túi xách đeo lên vai rón rén mở cửa phòng bước ra, chàng thận trọng từng bước một lần theo hành lang đến cầu thang để lên lầu trên. Tầng trên này rộng thênh thang, được ngăn làm đôi bằng một bức vách thật rộng và cao in hình bức tranh bãi biển rợp bóng dừa xanh trông thật mát con mắt, nơi Đại vừa bước lên là phân nửa lầu phía sau của ngôi nhà, dùng làm phòng giải trí và tập thể dục. Nhìn chung các dụng cụ, máy móc đồ chơi game, đồ tập thể dục mặc dù đã “démodé” có tới chục năm nhưng vẫn còn văn minh hơn cách bài trí trong phòng ngủ đêm qua, mặc dù các cửa sổ và cửa cái ăn thông ra baconny phía ngoài sân vẫn là hình vòng cung với lớp kiếng đủ màu xưa lắc. Tất cả đều phủ một lớp bụi mờ, chứng tỏ đã lâu không có ai đụng đến, vậy thì cô gái ở đâu? Đêm hôm qua rõ ràng cô gái nói với mình là cô ta ở tầng trên này mà, chẳng lẽ ở phòng phía ngoài? Đại nhanh chân đi dọc theo hành lang vòng ra phiá sau của bức tranh bãi biển là căn phòng phía bên ngoài hướng ra phía mặt tiền của ngôi nhà. Căn phòng này cũng rộng không kém gì phòng trong, nhưng trống trơn không có đồ đạc gì ngoài một cái tủ bằng gỗ gụ cẩn xà cừ kiểu VN để thờ, kê sát vách tường, dựa lưng vào mặt sau của bức tranh bãi biển ngăn đôi hai phòng, hướng thẳng ra cửa cái ăn thông với baconny bên ngoài mặt tiền của ngôi nhà.

Đại bước lại gần bàn thờ quan sát không khỏi giật mình suýt té ngửa khi nhìn thấy sợi giây chuyền của mình treo tòn ten trên tấm hình của cô gái đêm qua đặt trên bàn thờ, kế bên tấm hình cô gái là bức ảnh bán thân của một người đàn bà đã già mà khi nhìn kỹ chàng hết hồn lùi lại té lăn cù trên sàn nhà. Trời đất! Chính là bà lão đêm qua đã đưa chàng vào đây, ba chân bốn cẳng, chàng phóng thật nhanh xuống cầu thang quên cả việc lấy lại sợi dây chuyền của mình. Bất kể nhìn thấy chỗ nào có vẻ là “exit” chàng phóng vào ngay. Xuống đến tầng dưới cùng của ngôi biệt thự là chính điện của phòng tiếp khách rộng thênh thang, cao chót vót nhìn thẳng lên nóc nhà tròn hình cái tháp, được lợp bằng lớp kiếng đủ màu giống như kiếng của các cửa sổ và cửa cái vậy. Đại nheo mắt cúi xuống bởi ánh nắng chói chang xuyên qua lớp kiếng đủ màu rọi xuống làm chàng chói mắt. Đại thở hỗn hển, đưa tay vặn quả nắm của cửa chính để ra ngoài, nhưng chàng xoay thế nào cánh cửa cũng không chịu mở, chàng quay lại, đưa mắt quan sát những balconny chung quanh bên trong ngôi biệt thự, nhận ra cánh cửa căn phòng hồi đêm chàng ngủ và nơi đã ngồi tâm sự với cô gái đêm qua ở lầu một. Chàng bỗng dưng bình tỉnh trở lại, đi trở lên căn phòng thờ, đến trước bức hình cô gái lâm râm khấn vái:

- Cô Thắm! Tôi biết cô không phải là người ở chốn nhân gian này nữa! Không biết có phải trời run rủi không mà đêm qua tôi đã lạc vào căn nhà này để rồi được gặp cô. Tuy không hiểu vì lý do gì cô chưa được siêu thoát cho nên đã gửi gấm tâm sự cùng tôi. Những gì tôi đã hứa với cô đêm qua, tôi sẽ làm. Tuy nhiên việc trước mắt, xin cô giúp tôi mở được cửa để đi về nhà, sau đó tôi sẽ lên chùa Kim Sơn nhờ thầy lập đàn làm cỗ siêu độ cho cô và người đàn bà đêm qua đã dẫn tôi vào đây.

 Chàng vừa khấn xong, bức ảnh của cô Thắm trên bàn thờ ngã nằm xuống hất tung sợi dây chuyền văng vào người chàng. Đại không sợ một chút nào hết mà còn nhanh tay hứng lấy sợi dây chuyền đeo trở lại vào cổ mình (chẳng phải đêm qua cô gái đã nói với chàng sáng nay trả lại sợi dây chuyền cho chàng hay sao?) Đại mở túi xách lấy ra một chiếc máy ảnh digital, lật tấm hình của Thắm lên, rút ra khỏi khung ảnh, đem ra chỗ sáng, vừa chụp vừa khấn: Xin cô phù hộ tôi chụp hình cô được rõ ràng để mang cô lên chùa an vị. Chụp xong, chàng lồng tấm ảnh trở lại khung kính, mắt chàng đập vào những hàng chữ đề phía sau tấm ảnh:

ĐỖ LỆ THẮM

 Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1977 tại CA

 Mất ngày 01 tháng giêng năm 1997 hồi 1 giờ 25 phút sáng tại CA

Đại lấy giấy bút ghi lại cẩn thận, đến bức ảnh bà già chàng cũng làm y như vậy. Khi đọc những hàng chữ phía sau tấm hình của bà già, chàng ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngày, tháng, năm và giờ tử của hai người giống hệt nhau. Trước khi đặt hai tấm hình trả lại trên bàn thờ, Đại kéo ngăn tủ bàn thờ quan sát tìm kiếm, thấy có hộp quẹt, nhang và cây chổi lông gà. Chàng cẩn thận quét bụi bàn thờ sạch sẽ rồi mới đặt hai bức hình trở lại chỗ cũ, thắp ba nén nhang rồi mới quay mình bỏ đi. Lần này chàng thong thả vừa đi vừa quan sát, chàng nhận ra con đường dẫn vào nhà bếp. Nhưng chàng không dám bước trở lại con đường cũ đêm qua để ra bằng cửa sau nữa! Vì không biết bên trong ánh sáng như thế nào cho nên chàng cứ men theo hành lang chói ánh nắng trên trần rọi xuống bên trong phòng khách mà đi xuống chính điện đến ngay cửa chính cho nó... đỡ sợ.

Khi đã đứng trước hai cánh cửa chính ra vào của toà biệt thự, Đại nín thở run run đưa tay định mở nắm cửa thì cánh cửa đã tự động mở ra chờ đợi, Đại tuy có giật mình nhưng cũng nhanh nhẹn chui tọt ra ngoài ngay vì sợ chậm trễ cánh cửa đổi ý đóng sập lại thì chết. Chàng vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa là cánh cửa tự động sập vào ngay, Đại đưa hai tay chận lấy ngực thở một cái phào. Chàng tò mò đưa tay vặn thử quả nắm để mở cửa xem sao, nhưng cánh cửa vẫn khoá chặt như chưa từng mở ra bao giờ. Trước khi quay lưng đi, Đại đưa tay “bái bai” và nói:

- Tạm biệt cô Thắm, tôi sẽ làm theo lời đã hứa với cô đêm qua.

Rồi Đại chạy nhanh ra xe “đề” máy cho xe lùi trở lại ra đường cái, con đường này chỉ đủ cho một chiếc xe chạy mà thôi! Nếu muốn quay đầu xe thì phải chạy qua cánh cổng sắt vào bên trong sân biệt thự rộng thênh thang mới có chỗ “U-turn” được, còn đậu như Đại chỉ có nước “de” thụt lùi mà thôi. Nhưng Đại đâu có care, thoát được ra khỏi ngôi nhà... kinh dị này là chàng mừng rồi. Ra đến đường cái, check lại cái số nhà chàng mới thấy mình hồ đồ, thì ra vì mưa bão che mắt đã làm chàng nhìn lộn số 574 ra thành số 524.

Về đến nhà bà cô, chàng dò hỏi mới biết, ngôi biệt thự đó của một gia đình người VN, đã bị một nhóm thanh niên bịt mặt (có lẽ là bạn bè xấu của người con trai lớn vì không biết chọn bạn mà chơi nên mới xảy ra thảm kịch). Đã đột nhập vào nhà uy hiếp chủ nhà để ăn cướp, cô con gái út phản kháng nên bị chúng bắn chết ngay tại chỗ, bà vú hoảng quá la lên cũng bị chúng bắn chết tốt. Đứa con trai nhìn thấy em gái mình chết thảm như vậy đã phát điên phải vào bệnh viện thần kinh một năm sau mới được xuất viện. Cha mẹ cô gái vì đau buồn không muốn nhìn ngôi nhà thấy lại cảnh xưa và cũng vì con trai họ, sợ nó nhìn thấy cảnh cũ lại phát bịnh trở lại nên cả gia đình đã chuyển sang Pháp ở với gia đình người con gái lớn. Căn nhà trương bảng bán mãi không được cũng thôi, thỉnh thoảng chủ nhà cũng cho người vào quét dọn, nhưng không biết họ nhìn thấy cái gì mà họ tông cửa chạy bán sống bán chết. Từ đó! Ngôi nhà bỏ không chẳng còn thấy ai lai vãng đến nữa ngoại trừ chủ nhà mà thôi! Nhưng chắc có lẽ cũng đã lâu lắm rồi họ không trở về ngôi nhà cho nên Đại mới nghe mùi ẩm mốc và bụi bám như vậy.

Ngay ngày hôm đó, để giữ đúng như lời đã hứa với Thắm đêm qua, chàng xúc tiến ngay việc đưa Thắm và người vú già lên chùa. Chàng in ra hai tấm hình ghi ngày sinh, ngày tử của hai người rồi nhờ thầy ở chùa Kim Sơn làm một mâm cơm, tụng kinh, niệm Phật xin an vị và làm lễ nhập tự cho Thắm và người vú già. Bản thân chàng cũng tự nguyện đọc cho nàng một tuần kinh để hồi hướng công đức cầu cho linh hồn Thắm sớm được siêu thoát về miền cực lạc.