main billboard


 Mùa hè năm nay thế rồi cũng qua đi, mùa thu lại đến, thu với những con đường ngập lá vàng rơi, thu với những ngọn gió đầu mùa se se lạnh...

thay giao viet bang

Bụi phấn trên tóc thầy

                       ” Khi Thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi,
                          có hạt bụi nào rơi trên bục giảng
                          có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy…
                          (nhạc : Vũ Hoàng   thơ : Vũ Văn Lộc )

            Không biết bài hát được sáng tác từ lúc nào, nhưng khi mới nghe tôi đã thấy thích bài hát, lời thơ thật súc tích mà người nhạc sĩ soạn nhạc cũng không kém phần truyền cảm, thơ và nhạc bổ túc cho nhau đem lại cho người nghe một nỗi xúc cảm nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Với tôi cảm xúc đó lại càng sâu đậm tha thiết hơn, vì tôi có rất nhiều kỷ niệm về tuổi thơ thời mới cắp sách đến trường. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về những kỷ niệm thời học sinh của tôi, hồi tôi bắt đầu học tiểu học, trường Bàn Cờ ở gần nhà. Thời đó tiểu học có năm cấp lớp: lớp năm, tư, ba, nhì và nhất ( tức là lớp 1,2,3,4,và 5 ở Hoa kỳ). Tôi học lớp năm buổi sáng, trường học gần nhà lắm, mỗi sáng từ các con hẻm nhỏ chung quanh trường rợp một màu trắng đồng phục, các nữ sinh mặc áo quần trắng, nam sinh mặc quần tây dài hay sọt ngắn màu xanh dương đen, cũng áo sơ mi trắng; trên ngực áo trái có gắn huy hiệu bằng vải thêu tên trường. Trường tôi có cả nam lẫn nữ, nhưng đều học riêng.

Tôi nhớ hoài hồi đó tôi thích ăn xôi vò lắm, gần nhà có một bác nấu xôi vò rất ngon, sáng nào trước khi đi học món điểm tâm sáng của tôi cũng là xôi vò, mùi lá dứa, mùi đậu xanh nghiền và nước dừa trộn lẫn trong nồi xôi mới nấu chín bốc hơi thơm phức, tôi ăn mãi phát ghiền, cho tới bây giờ tôi chưa bao giờ được thưởng thức lại cái món xôi vò nào ngon như vậy cả. Tôi đã trải qua thời tiểu học thật vui, thời đó xã hội còn bình yên lắm, không có tệ nạn trẻ em bị bắt cóc nên bọn nhỏ tụi tôi, nhà ở gần trường là đi bộ tới trường học rồi về một mình, không cần bố mẹ phải đưa rước. Nhiều thầy cô nhà cũng ở gần trường nên lúc tan học cùng đi bộ về chung với học trò, tôi còn nhớ cô giáo dạy tôi lớp 5 tên là cô Hoa, cô có hai chị  là cô Mai và cô Hồng đều dạy cùng trường. Nhà các cô ở ngay cổng trước trường , vui nhất là giờ về đám học trò tranh nhau ôm những chồng tập vở bài làm trong lớp cô giáo đem về nhà chấm điểm. Buổi sáng hôm sau đi học có bạn còn chịu khó ghé qua nhà phụ cô giáo ôm chồng vở vào lớp phát ra cho cả lớp, chúng tôi rất sung sướng giúp cô giáo vì từ xưa tới nay ở xã hội nào qua bao thời đại người thầy giáo vẫn là một hình tượng cao quý, là thần tượng đối với học sinh; có khi ở nhà cha mẹ bảo không nghe, nhưng vào lớp thầy cô kêu là tuân theo răm rắp, cái chân lý nầy ngày nay tôi thấy vẫn còn tác dụng hiệu quả lắm ngay cả ở cái xứ văn minh như Hoa kỳ nầy.

Hồi đó ở mấy lớp tiểu học cô giáo khen tôi viết chữ đẹp, rõ ràng; bài tập viết nào của tôi cũng được cho điểm cao nhất là 8. Năm học lớp nhất, lớp cuối cùng của cấp tiểu học, cô giáo Hương rất thương tôi vì năm đó tôi học giỏi, lần nào viết chính tả cô cũng kêu tôi lên bảng viết. Tấm bảng có trục quay ngược ra phía sau, cô đọc bài cho cả lớp nghe và viết vào tập, còn tôi lên đứng phía sau viết vào bảng, để sau đó sẽ quay bảng lại cho cả lớp cùng sửa lỗi, lần nào bài chính tả của tôi cũng 0 lỗi, được điểm 10.Lúc cầm viên phấn viết bài trên bảng, có lúc tôi đã chợt có ý nghĩ sao mình giống như cô giáo trẻ đang giảng bài cho học sinh trên bục giảng;  khi tôi viết bảng bụi phấn đã bay đầy trên tóc trên áo của tôi. Tôi đâu có ngờ mười mấy năm sau tôi cũng đã trở thành một cô giáo thực sự đứng trên bục giảng, bên dưới là học sinh ngồi chăm chú nghe. Tôi nhớ có lần cô giáo đọc bài chính tả là một đoạn văn trong quyển truyện của nhà văn Thanh Tịnh, nói về ngày tựu trường của tác giả, tôi thích lắm đoạn văn nầy đọc mãi đến thuộc lòng “ Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức hoang mang những kỷ niệm của ngày tựu trường. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : Hôm nay tôi đi học..”

Hồi đó tôi đọc hoài đoạn văn nầy mà không chán, cuối năm học tôi được hạng nhất, phần thưởng của tôi là một cái cặp đi học, một mớ bút viết cùng tập vỡ và điều tôi thích nhất là một số sách truyện thiếu nhi, trong đó có cuốn truyện của Thanh Tịnh và truyện dịch sang tiếng Việt của nhà xuất bản Trung tâm học liệu từ nguyên tác “Le livre de mon ami” của Anatole de France. Tôi thích thú với mấy quyển truyện nầy lắm, cứ xem đi xem lại mãi đến thuộc lòng vì tôi rất thích đọc sách; ở nhà tôi có cả một tủ sách lớn của anh hai tôi sưu tầm, có đóng dấu “ tủ sách gia-đình QN “ ở  gáy sách mà có mấy khi tôi được mở tủ lấy sách xem đâu, anh tôi nói tôi còn nhỏ chưa được xem, bao giờ lớn bằng anh thì sẽ được đọc; nhưng cuối cùng tôi chưa có dịp đọc tới thì trong một trận hoả hoạn tủ sách nhà tôi bị cháy tiêu làm tôi cứ tiếc nuối mỗi lần nghĩ tới.

Trường học Ma Soeur

         Cuối năm lớp nhất, tôi thi rớt vào đệ thất trường Gia Long. Cùng năm nầy ba tôi bất ngờ lâm bệnh nặng phải nằm bệnh viện mấy tháng để trị bệnh; gia đình gặp cảnh khó khăn vì chỉ có mình ba đi làm nuôi cả nhà. Người dì em ruột kế mẹ tôi, tuy không dư dả gì, nhưng thương chị thương cháu, dì không có gia đình, sống tự lập một mình; dì đã đem tôi và đứa em trai kế về nuôi, đóng học phí cho hai chị em đi học ở một trường dòng do các Sơ sáng lập và điều hành. Thế là tôi học ở đấy suốt 7 năm trung học, còn em trai tôi chỉ học vài ba năm rồi nó đòi về nhà lại.Từ năm đầu tiên vào trường học , tôi đã nhìn các Sơ bằng ánh mắt thật ngưỡng mộ và kính phục, vì Sơ nào cũng còn rất trẻ và …đẹp nữa; vậy mà các Sơ đã có can đảm từ bỏ cuộc sống bình thường mang cuộc đời tươi trẻ phục vụ cho lý tưởng cao cả mà các Sơ đã chọn. Trường học cũng ở gần nhà dì, hàng ngày tôi đi bộ tới trường, lúc mới vào đệ thất tôi xúng xính trong cái áo dài đồng phục màu xanh da trời.

 Đó là một trường đạo do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán điều khiển, trường nhỏ thôi rất ít lớp nhưng có cả hai cấp, tiểu học có cả nam và nữ, nhưng trung học thì chỉ nhận nữ sinh thôi. Trường còn có nội trú cho học sinh ở xa và còn là một dòng tu cho các bạn nữ xin vào tu tập một thời gian thử thách trước khi chính thức trở thành một nữ tu thực sự. Hồi đó tụi học sinh chúng tôi gọi các bạn đó là các chị đệ tử; họ cũng trạc tuổi chúng tôi, cũng ngồi học chung các môn học; có khác là hết giờ học bọn tôi đi về nhà còn các chị ở lại nhà dòng trong trường lo việc tu tập để trở thành một nữ tu trong tương lai mà tôi được biết họ cũng phải trải qua nhiều thử thách cam go trước khi trở thành một nữ tu chính thức. Các Sơ trong trường đều còn rất trẻ và rất dễ thương, lại nói chuyện hay, dễ thuyết phục người nghe lắm; ngay chính dì tôi vốn là một phật tử mà khi tiếp xúc với Sơ Hiệu Trưởng cũng phải xiêu lòng mà cho tôi học tại trường suốt cả 7 năm trung học. Năm tôi mới vào trường học đệ thất, Sơ hướng dẫn lớp tôi là Sơ Jeanne còn trẻ lắm, Sơ dạy môn Việt văn, Sơ giảng bài rất thu hút chúng tôi ngồi nghe say mê. Tôi nhớ hoài trong chương trình có học về các nhà văn, nhà thơ miền Nam, tôi có học về Kiên Giang, ông có những bài thơ nói vể mẹ mà tôi rất thích, trong đó có bài thơ “Khói trắng’’ tôi thuộc lòng mãi đến bây giờ. Lên đệ lục có Sơ Lucie dạy môn địa lý, Sơ có cặp mắt to đen, hai má lún đồng tiền mỗi khi Sơ cười. Hồi đó tôi thích học môn địa lý lắm vì mình được biết nhiều về các quốc gia trên thế giới, mỗi nước có một đặc điểm và thể chế chính trị khác nhau. Phần lớn các Sơ rất giỏi tiếng Pháp, Sơ Marie Yvonne dạy tiếng Pháp có gương mặt nhỏ nhắn, cái miệng chúm chím khi cười, Sơ đọc tiếng Pháp nghe líu lo như chim hót. Có lúc tôi đã tự hỏi tại sao các Sơ đẹp quá mà lại đi tu sống đời khổ hạnh kềm chế mình như vậy thật phí quá, đó là một suy nghĩ nông cạn của tôi lúc đó, sau nầy càng lớn lên tôi mới càng thấy cảm phục sự hy sinh quên mình phục vụ cho tha nhân tùy theo tín ngưỡng của mỗi người tin vào Đấng thiêng liêng.

 Dù quên mình vì Đạo nhưng các Sơ cũng phục vụ cho đời. Thời gian 7 năm học với các Sơ, học sinh chúng tôi cũng rất nhiều lần tham gia các công việc từ thiện, như đi thăm các cô nhi viện và đi uỷ lạo thương bệnh binh tại các Quân y viện. Các Sơ đã đem đạo vào đời và xem đời là môi trường thử thách đạo của mình. Khi tôi học đệ nhị cấp (từ lớp 10 trở lên), các môn học của tôi có thêm các thầy cô ở các trường ngoài vào dạy song song với các Sơ. Tôi nhớ thầy toán là thầy M. một giáo sư toán có tiếng của trường Pétrus Ký thời đó, thầy nhỏ con lại hay đỏ mặt mắc cở. Thầy Ng. dạy Triết năm lớp 12 cũng nhỏ con nhưng có đôi mắt ướt át rất đẹp, nhất là hàng mi cong vút, trong lớp tôi có bạn cũng đã mê mệt ánh mắt nhìn như thu hút của thầy giống như tài tử Alain Delon đẹp trai của Pháp, nhưng đó chỉ là những tình cảm nhẹ nhàng bâng quơ của tuổi mới lớn mà thôi.

            Hồi đó, từ năm mới vào đệ thất tôi đã tập tành viết văn, làm thơ mà chắc chỉ là thơ con cóc .Năm học lớp 11, cuối năm thi Tú tài 1, tôi tưởng mình đã bị “trợt vỏ chuối” rồi vì mê làm báo trong trường. Cũng may Trời còn chút thương nên cuối cùng con nhỏ cũng đậu. Qua năm lớp 12, chương trình học quá nặng, chuyên chở cuốn vạn vật ban A dày cộm toàn là các cơ quan, bộ phận lục phủ ngũ tạng của con người, thêm môn triết học khô khan; rồi nào Vật lý, Hóa học, Sinh ngữ chính, phụ và Sử, Địa, Công dân. Với ngần ấy môn học phải “nuốt” vào bụng để cuối năm thi Tú tài 2, cái điều kiện để vào đại học, ấy là chỉ nói về những đại học chỉ ghi danh vào học thôi, chứ còn đại học phải thi tuyển vào lại là vấn đề khác. Vậy mà “cử một” (tú tài 1) tôi vẫn chưa ngán, cái tật mê làm báo vẫn chưa bỏ, lại xông xáo bận bịu làm báo tường, rồi báo xuân đem đi bán giao hữu với các trường bạn; chưa hết tôi còn viết bao nhiêu là lá thư, thiệp chúc gửi cho các anh chiến sĩ ngoài chiến tuyến nhân dịp lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên đán.

Trường tôi còn tổ chức những buổi đi thăm viếng, ủy lạo thương binh ở các Quân-y-viện Hoàng-Hoa-Thám, Thủ-Đức hay đồn Địa-phương-quân ở Bình-chánh. Trong các dịp nầy không hề vắng mặt tôi; để rồi hậu quả cuối cùng là “thi không ăn ớt thế mà cay”, tôi thi rớt đợt một tú tài 2. Ngày đi xem kết quả, bạn bè có tên đậu trên bảng hớn hở vui mừng trò chuyện vui như pháo tết, còn tôi lủi thủi lặng lẽ trốn biệt mọi người, tránh không ngó mặt ai…Tôi hối hận quá đã làm ba mẹ không vui vì lỗi lầm của mình, dù mẹ tôi tội nghiệp không nỡ rầy la tôi. Cũng may sau đó còn có đợt 2 cho thi lại, tôi tự cấm cung mình, nhất quyết chuộc lỗi với gia đình, ngày đêm miệt mài ôn tập cho lần sau, và cuối cùng thì tôi cũng giật được mảnh bằng tú hai, thế là tôi có thể họp mặt ăn mừng với các bạn đã đậu lần trước, họ đã có lòng chờ đợi đám bạn thi lại. Thầy Cô đã dạy chúng tôi cũng có mặt chung vui, chúng tôi đã trải qua một buổi họp mặt thật vui, thật cảm động, vì sau lần gặp gỡ đó, mỗi đứa đi một nơi vào đại học hay ra đời đi làm, có bạn ở xa thì về quê, và Thầy Cô nữa, biết còn dịp nào gặp lại…

Lưu bút ngày xanh

            Tháng 6, ở Hoa kỳ là mùa bãi trường, rải rác các ngày trong tháng 6 hầu hết các trường học của các cấp lớp đều tổ chức ngày cuối năm cho học sinh bằng buổi lễ khen thưởng thành tích học tập của các em trong niên học, đặc biệt là học sinh của năm học cuối của các cấp, như lớp 6 là năm chót của elementary school (cấp mẫu giáo); lớp 8 là năm chót của middle school, và sau năm lớp 12 (high school) nếu tiếp tục học các em sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học, bắt đầu cho một con đường học tập mới , một hướng đi mới đòi hỏi học sinh phải cố gắng nhiều hơn, phải vận dụng trí óc nhiều hơn mới đạt được kết quả cuối cùng là có được một nghề nghiệp vững chắc bảo đảm trong tương lai.
            Tháng sáu mỗi sáng đi làm, chạy xe ngang các trường học, nhất là trường trung học, không biết là do ấn tượng có sẵn trong đầu, mà tôi thấy các học sinh năm chót trung học nầy đi có vẻ như vội vã, bận rộn hơn, có phải các em muốn tranh thủ thời gian ngắn ngủi còn ở trường để gặp thầy, gặp bạn, gặp những người thân  quen. Với tôi, tuổi 16, 17 là tuổi đẹp nhất của thuở học trò; có lẽ tôi đã lấy kinh nghiệm của bản thân mà nói thế. Ở tuổi nầy mình chưa đủ lớn dể có những suy nghĩ dứt khoát chín chắn khi phải quyết định hay lựa chọn môt viêc gì; cũng không còn quá ngây thơ hồn nhiên như các em nhỏ mỗi ngày tung tăng chạy nhảy trong sân trường chơi trò năm mười cút bắt với các bạn. Tuổi 16, 17 các em có những nét dễ thương với mối tình học trò thật ngây thơ hồn nhiên, những nỗi rung động đầu tiên khi chợt thấy trái tim sao đập mạnh mỗi lần nghĩ đến “ai đó”, hay cảm thấy hai má đỏ bừng bừng khi “ai đó” nhìn mình, rồi hay ngượng ngùng mắc cở đỏ mặt khi bị bạn bè chọc ghẹo, ghép đôi .Các nhạc sĩ, thi sĩ, cả văn sĩ đã tốn bao giấy mực sáng tác những bài hát, bài thơ hay bài văn, câu truyện rất hay về cái tuổi bắt đầu lớn nầy.
            Con trai tôi hổm rày “vác” về nhà một cuốn Yearbook thật to và dày, in giấy màu láng rất đẹp, ở xứ sở văn minh , thời hiện đại có khác; không như thế hệ của tôi mấy mươi năm trước, cuốn lưu bút thật khiêm nhường, nghèo nàn, chỉ giản dị đơn sơ bằng giấy trắng, chúng tôi cắm cúi viết tay từng trang một, rồi cắt, dán, đóng thành tập nhỏ rất thủ công; nhưng mà tôi thích thế đấy, vì nó là cả tâm huyết, là sự sáng tạo, nhiệt tình của chúng tôi. Tôi còn nhớ năm cuối cùng của cấp tiểu học, tôi đã mua một quyển tập giấy ca-rô, khổ nhỏ như cuốn tập 100 trang của học sinh để ghi chép các môn học. Đám học sinh chúng tôi gọi quyển tập ca rô đó là cuốn “lưu bút ngày xanh”, tụi tôi chuyền tay nhau ghi chép vào đấy, có bạn viết, hay vẽ hoặc làm thơ, dán hình vào đấy,  tôi nhớ thời đó hai câu thơ sau đây được dùng rất quen thuộc trong hầu hết những quyển lưu bút  “ Dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ mà đau lòng nầy”.

Sau nầy lớn hơn chút nữa, bước vào bậc trung học, có dịp đọc lại cuốn “lưu bút” hồi tiểu học, thấy nó đầy vẻ “cải lương” đi kèm với hai câu lục bát trên. Nhưng thật tình mà nói chính cái nét “cải lương” đó đã tô đậm vẻ ngây thơ trong sáng của tuổi mới cắp sách đến trường, nghĩ sao viết vậy, không rào trước đón sau, không màu mè sáo ngữ. Cái tính cách đáng yêu của tuổi học trò cấp tiểu học là đó! Tôi vẫn còn giữ kỷ niệm năm học cuối cùng , một nhóm bạn thích làm báo như tôi đã chung nhau làm một cuốn báo nhỏ (tạm gọi là lưu bút cũng được), viết tay rồi đóng lại thành cuốn mỏng, khổ nhỏ như cuốn tập học trò, trong đó một vài bài thơ, vài bài viết ngắn của các bạn trong nhóm; những câu thơ , câu văn mộc mạc chân thành, không trau chuốt nhưng chứa đầy kỷ niệm, đầy tình cảm bạn bè suốt thời gian chung học. Phần giấy trắng còn lại chúng tôi dành cho các Thầy Cô của năm học cuối lưu bút cho học trò, cho các bạn cùng lớp chuyền tay ghi lại “lưu bút ngày xanh”. Đến bây giờ, sau mấy chục năm rồi, mỗi lần đọc lại cuốn lưu bút kỷ niệm nầy, tôi vẫn thấy bồi hồi một nỗi buồn bâng khuâng, một nỗi luyến tiếc nhung nhớ xa xăm. Bạn bè thời đó giờ tôi không biết tin tức của ai hết, theo tuổi đời thì cũng đã quá lục tuần, chắc cũng đã thành bà nội, bà ngoại, hay lập gia đình muộn màng tuổi già con mọn. Trong các bạn cùng học hồi đó, có hai bạn đã vắn số sau khi xong lớp 12 không lâu, một bạn đang học thì chẳng biết lý do gì bỏ học vào tu ở một dòng nữ tu ở Đà lạt. Thế là thời đẹp nhất của tuổi học trò đã qua đi… qua đi…


Nỗi buồn hoa phượng

             Ở Việt Nam, thấy hoa phượng nở là biết mùa hè đã đến, học sinh sắp bãi trường. Hầu như trường học nào ở Việt Nam cũng có vài cây phượng vỹ trong sân trường; ngay cả ở các lề đường trong thành phố cũng rợp màu phượng đỏ, phượng vàng. Màu hoa phượng nên thơ như thế, chả trách các nhạc sĩ, thi sĩ có thời đã thi nhau sáng tác những ca khúc, những bài thơ nói về hoa phượng, về những mối tình tuổi học trò ngây thơ. Ở bên đây, dọc hai bên lề của nhiều con đường, có loại cây cao  cành lá  tỏa rộng, hoa màu tím hoa cà, cánh hoa cũng hơi giống hoa phượng ở Việt Nam, loại hoa nầy cũng nở rộ vào mùa hè,  nên nhiều người gọi là hoa phượng tím. Con đường tôi đi qua mỗi ngày rất lạ, hai bên lề đường cũng đầy hàng cây phượng tím, nhưng có điểm đặc biệt là thỉnh thoảng chen giữa phượng tím lại lẻ loi một cây phượng vàng hay đỏ, cứ như thế suốt cả một con đường dài. Sáng nào tôi cũng chạy xe trên con đường nầy, nhưng buổi sáng tôi ít có thời gian để nhìn ngắm hoa phượng nở; chỉ có lúc trở về quá trưa, tôi chạy xe thong thả trên đường vắng, có lúc mải mê hồi tưởng, tôi đã chạy xe quá con đường ngang quẹo về nhà một quãng rất xa để rồi phải vòng xe trở lại. Cũng có vài lần thấy thấy hoa tím, rồi hoa vàng, hoa đỏ rụng đầy đường rất đẹp, tôi đã tấp xe bên lề say mê nhìn rồi tha hồ thả trí tưởng tượng của mình phiêu du khắp nơi; có lẽ đấy là những giây phút tâm trí tôi thật là thoải mái, nhẹ nhàng, tôi như quên hết hiện tại với cuộc sống chen chúc vôi vã. Tôi đắm mình trong ký ức, trong hồi tưởng; có ích lợi chăng khi tôi làm như thế? Tôi mặc kệ nếu lúc đó có ai nói tôi tâm thần hay sống không thực tế; chỉ biết giây phút đó tôi được sống thật với chính tôi, trọn vẹn cho tôi là đủ, không cần thiết phải biện hộ thanh minh cho ai hiểu hay thông cảm với mình. Cuộc sống con người vốn “sắc sắc không không” mà ! !

Me va conThế rồi một mùa hè

            Mùa hè năm nay thế rồi cũng qua đi, mùa thu lại đến, thu với những con đường ngập lá vàng rơi, thu với những ngọn gió đầu mùa se se lạnh. Con trai tôi đã xong bậc trung học, nó đang chuẩn bị hành trang để bước vào ngưỡng cửa đại học với nhiều điều mới lạ, nhiều khám phá. Có lẽ nó đang rất háo hức tò mò để bước chân vào. Cũng con đường nầy mấy chục năm trước tôi đã đi qua, và đã kết thúc thật đầy đủ; nhưng rất tiếc cái mục tiêu cuối cùng tôi muốn nhắm tới nữa chừng đã bỏ dỡ, để lại cho tôi sự nuối tiếc mãi cho đến bây giờ.Tôi thương con tôi khi thấy nó đang chuẩn bị những bước đi đầu tiên tới tương lai mà nó đã tự chọn, với những thử thách, những khó khăn có thể đang chờ đón nó; nhưng tôi tin tưởng con tôi sẽ vững vàng vượt qua để đạt đến mục tiêu cuối cùng nó đã lựa chọn, đừng dở dang nữa chừng như tôi. Cái nếp sống thực tế, độc lập trong xã hội Hoa kỳ phần lớn có một ảnh hưởng tốt trong suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ lớn lên ở Mỹ.

Dù sao với tâm tình của một người mẹ, tôi vẫn luôn cầu mong con trai tôi sẽ chọn đúng con đường nó đi và chung thuỷ với sự lựa chọn đó. Những ngày chuẩn bị mọi thứ cho con tôi sắp vào nội trú trường đại học, tôi cố dấu nỗi buồn trước mặt mọi người, nhưng khi ngồi một mình tôi vẫn thấy ngậm ngùi buồn bã. Đứa con độc nhất tôi đã dành hết tình thương lo lắng đưa đón nó đi học mỗi ngày, và hầu hết trong các sinh hoạt của nó trong trường tôi đều hiện diện bên con, suốt từ lúc nó mới vào mẫu giáo cho tới ngày nó tốt nghiệp trung học , mẹ con gần gũi biết bao. Ngày con làm lễ kết thúc năm học cuối cùng, ngồi ở hàng ghế phụ huynh, nghe kêu tên con nhận lãnh những huy chương, giấy khen trong thành tích học tập, mẹ mỉm cười mà nước mắt chảy vì cảm động khi thấy con học giỏi, kết quả học tập của con là phần thưởng quý giá nhất mà con đã dành tặng mẹ, là niềm an ủi ấm áp hiệu quả nhất mỗi khi mẹ nghĩ đến. Bây giờ con sắp đi học xa, mỗi ngày mẹ không còn đưa đón con nữa, mẹ không còn lo miếng ăn giấc ngủ quần áo cho con, không còn nhắc con đi ngủ sớm để mai vào lớp không ngủ gục… Với mẹ lúc nào con cũng là đứa con nhỏ bé ngây thơ  để mẹ lo cho con từng chút, tình thương của mẹ muôn đời với con bao la không tận không cùng…
          Hôm bố mẹ cùng đưa con vào trường bắt đầu những ngày nội trú đầu tiên xa nhà, dọc đường bố im lặng chạy xe, mẹ cũng ngồi im cố không lên tiếng nói vì sợ sẽ không dằn được cảm xúc trước mặt bố và con, bố cần bình tĩnh để lái xe, mẹ cũng tránh cho con suy nghĩ. Trong suy nghĩ của mẹ lúc nầy chợt thắm thiá mấy câu ca dao mà lúc nhỏ mẹ thường nghe “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập gềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học, mẹ đi trường đời“. Mẹ muốn ví von câu ca dao nầy lại như sau “ ...Con bắt đầu đi trường đại học, Mẹ tiếp tục đi nốt quãng đường đời” . Đến nơi vào tới phòng ngủ của con và các bạn, mẹ lặng lẽ xếp từng chiếc quần chiếc áo của con vào tủ, xếp đặt đồ đạc lên bàn học cho con, mẹ đã cố dằn xúc động không nói gì hết. Đến lúc rồi cũng phải quay về, bố siết chặt tay con như muốn truyền hết tâm tình của cha dành cho con, còn mẹ chỉ vò tóc rồi vuốt má con nói nhỏ “bố mẹ về nghe!” rồi mẹ quay đi liền khi nước mắt đã bắt đầu rớt ra. Mẹ biết, chắc lúc đó con cũng buồn cũng áy náy khi thấy bố mẹ trở về căn nhà nhà kỷ niệm từ giờ hàng ngày đã vắng bóng con. Dọc đường về nhà, bố im lặng lái xe, mẹ cũng im lặng suốt, vì mẹ biết chỉ cần một tiếng nói nào bật lên thì nỗi buồn trong mẹ sẽ vỡ oà ra ngay. Về nhà bước vào phòng, đi ngang qua bàn học của con, dường như mẹ đã đuối sức vì phải ngăn nỗi xúc cảm suốt ngày, nên mẹ đã sụp xuống ngay bàn học của con mà khóc như chưa được khóc, nỗi nghẹn ngào đã lên cao độ. Có lẽ bố con muốn tôn trọng tình cảm của mẹ, và bố con cũng cùng cảm xúc như mẹ, nhưng là đàn ông bố phải mạnh mẽ hơn, nên bố lái xe lánh mặt lúc đó.Buổi tối ngồi ăn cơm trong không khí buồn bã, bố mẹ cố cho xong bữa cơm, tối đó bố ngủ sớm hơn thường ngày.

          Thời gian bao giờ cũng là liều thuốc hiệu quả nhất làm dịu đi mhững nỗi buồn đau, mất mát. Con bây giờ đã vắng nhà hơn một tháng mà mẹ cứ tưởng con đi xa lâu lắm rồi.Trường con học không xa quá, bố vẫn chịu khó đón con về nhà mỗi cuối tuần rồi đưa con đi lại chiều chủ nhật. Con đã có vẻ mạnh dạn trưởng thành hơn, mẹ cũng tôn trọng sự độc lập của con, nhưng mẹ vẫn kín đáo săn sóc con, vì với mẹ bao giờ con cũng vẫn là đứa con trai nhỏ bé dễ thương của mẹ, mẹ vẫn muốn đem theo hình ảnh đẹp đẽ đó của con theo cho đến cuối đời mẹ sau nầy, và mẹ vẫn muốn nhớ hoài mấy câu hát :
       “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua, tìm đâu những ngày xinh như mộng. Ngày thơ biết tìm đâu, ngày thơ biết tìm đâu, tìm đâu biết tìm đâu đâu giờ…” ( trích bài hát “Những ngày thơ mộng”  của Hoàng Thi Thơ).

 (Để nhớ ngày con trai vào đại học 09/2014)