main billboard


Ông Hồ Chí Minh đã đóng một màn kịch tồi tệ nhứt trong lịch sử dân tộc: tiếng khóc và những giọt nước mắt của ông là tiếng khóc và những giọt nước mắt của một tên đểu cáng!

khoc

Tôi rất sợ đi “khám” bác sĩ. Cứ như bị đưa ra tòa. Lần nào bác sĩ bảo “không có tin xấu”, tôi ra về thơ thới hân hoan. Gặp lúc bác sĩ tuyên bố “một cơ phận nào đó có vấn đề” hay “chưa rõ nguyên do”, tôi lại mất ăn mất ngủ vài ngày. Không biết tôi có vấn đề tâm lý nào không, nhưng dứt khoát là tôi không bao giờ chịu đi gặp bất cứ chuyên gia tâm lý, tâm lý trị liệu hay cố vấn tâm lý nào cả. Về sức khỏe tâm lý, tôi chủ trương tự “khám” lấy. Và cứ theo những tiêu chuẩn thông thường, tôi thấy mình vẫn còn đủ cả thất tình“hỉ nộ ái ố...”

Trong những biểu hiện của thất tình, tôi lại thấy mình vẫn còn có hai thứ cảm xúc và phản ứng rất bình thường và “rất người” là cười và khóc. Mỗi sáng khi thức dậy tôi vẫn cố gắng cười với cuộc sống. Còn cười để tiêu sầu giải khoây thì hầu như ngày nào tôi cũng đọc được một chuyện tiếu lâm do mấy ông bạn già chia sẻ trên “meo đàn”.

Riêng về “khả năng” khóc thì tôi thấy mình cũng có thừa. Một trong những kỷ niệm vẫn còn in đậm trong ký ức non dại của tôi là những lần khóc dối. Đó là những lần tôi khóc mà chẳng có giọt lệ nào chịu trào ra khóe mắt cả và đa số những tiếng khóc nhè như thế được nhắm thẳng vào mẹ tôi. Thường thì mẹ tôi chịu thua và phải thỏa mãn những yêu cầu của tôi. Nhưng cũng có lúc bà bỏ thí và tôi là người thua cuộc. Càng lớn tôi càng nhận ra đây là một thứ khí giới không mấy hữu hiệu.

Lúc nhỏ, tôi khóc dối cũng nhiều, mà khóc thiệt, nghĩa là khóc tức tưởi, cũng không phải là ít. Đó là những lần, sau nhiều ngày trốn học, tôi bị các “bà xơ” đưa ra trước “tòa án nhân dân” của cả lớp, dùng cán cờ đánh bầm mông và bắt phải ra giữa lớp để xin lỗi mọi người. Nhưng khóc với tất cả sự căm giận vẫn là những lần tôi bị ông cha sở tát sưng hai má giữa nhà thờ chỉ vì tội không chịu đi học giáo lý.

Tuổi thơ, tôi đã biết khóc thành tiếng và có nước mắt. Nhưng không hiểu sao kể từ lúc lên trung học, tôi lại giã từ tiếng khóc và những giọt nước mắt. Tôi nghĩ có lẽ tôi đã chịu ảnh hưởng nặng của những tư tưởng của thi sĩ Pháp, Alfred de Vigny vào thế kỷ 19, đặc biệt là bài thơ “La mort du loup”(cái chết của con sói) trong đó tôi học thuộc lòng và mang ra tâm niệm mấy câu: “Than vãn, khóc lóc, cầu khẩn đều là hèn nhát cả. Hãy nhiệt tình làm bổn phận lâu dài và nặng nề của bạn, trong con đường mà Số Phận đã muốn kêu gọi bạn. Rồi sau đó, cũng như ta, hãy đau khổ và chết mà không hề mở miệng” (gémir, pleurer, prier est également lâche...). Vì nghĩ rằng khóc lóc là hèn yếu cho nên tôi luôn tập ý chí để cố nén giữ những cảm xúc trong lòng. Duy chỉ có một lần tôi không thể kìm hãm được cảm xúc đó là buổi sáng ngày 29 Tết năm 76, khi tôi nhận được tin mẹ tôi bất thần ra đi. Tôi đã khóc và có lẽ đó là lần cuối cùng tôi đã khóc thành tiếng. Từ đó cho đến nay, dĩ nhiên tôi vẫn khóc, nhưng có khi chỉ là “những tiếng khóc khô không lệ”.

Với tôi, tiếng khóc vẫn là âm thanh tuyệt dịu nhứt và nước mắt vẫn là những viên ngọc đẹp nhứt trong cuộc đời. Dĩ nhiên, phải là những tiếng khóc và những giọt nước mắt trào ra từ chính tấm lòng của con người.

Mới đây, tôi thấy tổng thống Barack Obama của Hoa kỳ khóc. Khuôn mặt ông đẫm nước mắt và ngón tay trỏ của bàn tay phải của ông đưa lên để quẹt những giọt nước mắt. Tôi cứ tưởng tổng thống Obama đã khóc khi đến thăm các nạn nhân của trận bão Sandy vừa qua tại New York. Đọc kỹ bản tin, tôi mới biết ông đã khóc hai lần: một lần tại thành phố Des Moines, tiểu bang Iowa, chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử và lần thứ hai tại Chicago, một ngày sau khi ông được tin tái đắc cử. Chắc chắn, đây chỉ có thể là những giọt nước mắt cảm động, cảm động vì sự hy sinh của ban tranh cử và sự nâng đỡ của các ủng hộ viên, cảm động vì quá vui mừng trước tin tái đắc cử.

Các nhà lãnh đạo chính trị ngày nay không muốn hoặc không thể che giấu vì hổ thẹn nếu khóc trước công chúng, bởi vì họ xem đó như một biểu lộ tình cảm chân thành của mình. Trong sinh hoạt chính trị, tiếng khóc và những giọt nước mắt có khi cũng có sức thuyết phục bằng những bài diễn văn hùng hồn. Cho nên ngay cả những con người vốn được xem là cứng rắn và lạnh lùng cũng có lúc phải “nói” bằng tiếng khóc và những giọt nước mắt. Người đàn bà được mệnh danh là “Iron Lady” (người đàn bà sắt đá) Margaret Thatcher, thủ tướng lừng danh của Anh quốc từ năm 1979 đến năm 1990 (thủ tướng lâu nhứt trong thế kỷ 20) đã rơi lệ khi rời khỏi văn phòng thủ tướng lần cuối cùng hồi năm 1990. Lạnh lùng theo truyền thống cố hữu của các nhà lãnh đạo trong điện Kremlin, vậy mà dạo tháng 3 vừa qua, tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga cũng đã khóc khi thắng cử, mặc dù việc tái cử của ông được thế giới Tây phương xem như một trò hề của các nhà độc tài của thời đại. Người ta cũng thường nhắc đến những tiếng khóc và những giọt nước mắt của một “người hay khóc ở Quốc hội” là ông John Boehner, đương kim chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ (x. Hà Tường Cát, Nước mắt Obama, NgườiViệt online, 10/11/12).

Bị “đâm sau lưng” cho nên trong bài diễn văn đọc khi rời khỏi chiếc ghế thủ tướng, ông Kevin Rudd đã gần như không cầm được những tiếng nấc uất nghẹn và những giọt nước mắt. Có lẽ người Úc nào cũng tin rằng đây không phải là những giọt nước mắt trên sân khấu, mà là những cảm xúc xuất phát từ tận đáy lòng của một chính trị gia bị phản bội.

Khóc là động từ được “chia đều” cho mọi người, bất luận nam phụ lão ấu, giàu nghèo, thông minh, đần độn hay ở trong địa vị nào trong xã hội. Đã mang tiếng khóc vào đời thì có lẽ bao lâu còn hít thở không khí là còn khóc, không khóc thành tiếng và có nước mắt thì cũng khóc trong lòng. Có khác nhau là ở chỗ khóc dối và khóc thiệt mà thôi. Trên sân khấu, các diễn viên thường khóc “giả”. Người ta có thể cảm động vì tiếng khóc “giả” ấy, nhưng chẳng có ai trách các diễn viên vì đã khóc giả cả. Người ta cũng chẳng chê trách những người khóc mướn trong các đám ma. Họ được trả tiền để khóc mà. Thế giới có lẽ cũng chẳng hẹp hòi để lên án cái đám đông dân chúng bị cưỡng bách phải khóc lóc thảm thiết trong đám tang của một lãnh tụ độc tài như đã xảy ra trong thiên đàng cộng sản Bắc Hàn dạo tháng 12 năm năm ngoái, khi “lãnh tụ muôn vàn kính yêu” Kim Jong Il nằm xuống.

Tiếng khóc và những giọt nước mắt là những gì thánh thiêng nhứt trong con người, cho nên chỉ có hạng người xử dụng nó để lừa bịp người khác mới đáng lên án mà thôi. Liệu ngày nay, ngay cả những người cộng sản gộc, có người Việt nam nào còn tin ở tiếng khóc “tru tréo” của văn nô Tố Hữu dành cho đồ tể Staline nữa không? Và tôi cũng tin rằng có lẽ đa số người Việt nam trong nước cũng chẳng xem những tiếng khóc nức nở của ông Hồ Chí Minh dành cho các nạn nhân của Cải Cách Ruộng Đất là chân thật.

Người công giáo như tôi thỉnh thoảng có nghe những tiếng khóc của một số tín hữu khi vào tòa xưng tội với linh mục. Khóc lóc ăn năn là biểu hiện của sám hối. Không ai đo lường được mức độ thành thật của những tiếng khóc này. Nhưng ít nhứt, bí tích cáo giải của Đạo công giáo đòi hỏi hối nhân phải thực sự sám hối, nghĩa là nhìn nhận những sai phạm và thiệt hại mình đã gây ra cho bản thân hay tha nhân và chấp nhận “đền bù”. Không đền bù bằng tiền bạc của cải phải trả lại cho tha nhân vì những thiệt hại mình đã gây ra thì ít nhứt cũng phải làm một số hành động hay cử chỉ nào đó, như đọc một lời kinh chẳng hạn, để nói lên quyết tâm sám hối của mình. Chỉ với điều kiện này thì may ra tiếng khóc và những giọt nước mắt mới thực sự là biểu hiện của lòng sám hối. Bằng không đây chỉ là những tiếng kêu vô nghĩa và là những giọt nước mắt cá sấu mà thôi.

Tôi đã xem thước phim ghi lại cảnh Hồ Chí Minh đọc báo cáo trước Quốc hội khi nhìn lại kết quả của cuộc cải cách ruộng đất. Ông đã khóc và hai lần lấy khăn tay lau nước mắt. Tôi không tin đây là tiếng khóc và những giọt nước mắt được tuôn ra vì mạng sống của trên 150 ngàn người bị ông ra lệnh đấu tố và hành hạ cho đến chết. Cho dẫu ông đã công khai làm điều mà người cộng sản gọi là “tự phê”, nhưng rốt cục chính ông, người ra lệnh tiến hành cải cách ruộng đất, Trường Chinh, người thừa hành và vô số cán bộ cộng sản đã nhúng tay vào máu của người dân vô tội, đều lấy nước rửa tay và tự “xá giải” cho mình. Cho tới nay vẫn chưa có một tòa án nào đem tội ác tày đình này ra xét xử. Có “xưng thú” nhưng chẳng có “sám hối” và cũng chẳng có một “đền bù” nào cả. Ông Hồ Chí Minh đã đóng một màn kịch tồi tệ nhứt trong lịch sử dân tộc: tiếng khóc và những giọt nước mắt của ông là tiếng khóc và những giọt nước mắt của một tên đểu cáng!

Từ đó đến nay, những người cộng sản vẫn tiếp tục màn kịch khóc lóc tồi tệ ấy. Điển hình nhứt là mới đây, kết thúc Hội nghị trung ương VI vừa qua, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, cũng theo đúng sách của Hồ Chí Minh, đã đọc diễn văn trong uất nghẹn gần như khóc lóc để cũng gọi là “tự phê”, nghĩa là để tự “xá giải” cho nhau vì bao nhiêu tội ác gây ra cho dân tộc. Tham nhũng ngập đầu và công khai như một thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không những không hề bị truy tố và mang ra xét xử tại bất cứ một tòa án nào, mà vẫn tiếp tục ngự trị trên chiếc ngai bất khả xâm phạm của ông. Ra trước Quốc hội, ông này cũng chỉ cần “nhận trách nhiệm chính trị” là xong.

Đã là người, ai cũng còn có khả năng khóc. Nhưng tôi tin rằng những kẻ suốt đời chỉ biết khóc dối, khóc láo, khóc đểu như Hồ Chí Minh và những người cộng sản...e khó có thể khóc thật. Nếu họ còn khả năng khóc thật thì với một đất nước đầy dẫy bất công, khốn khổ, chết chóc do chính họ tạo ra, họ có khóc lóc và chảy nước mắt suốt một đời cũng chưa đủ.

Những tiếng khóc và những giọt nước mắt chân thành không thể không đi kèm với quyết tâm sám hối và cải hóa.

“Một tên cướp, sau khi đã tung hoành ngang dọc, bỗng cảm thấy mệt mỏi, muốn trút bỏ gánh nặng tội lỗi và làm lại cuộc đời. Anh tìm đến với một vị linh mục để xưng tội. Vị linh mục bảo anh ta làm một việc “đền tội” khác thường, đó là hãy đi chôn cất tất cả những người chết mà anh ta gặp, đồng thời hãy khóc lóc như thể đó chính là những người thân yêu của mình. Và để làm bằng chứng, vị linh mục trao cho anh một cái chai nhỏ để anh hứng lấy những giọt nước mắt ấy. Anh ra về và nghe ở đâu có đám tang, liền tìm đến đó. Nhưng mắt anh vẫn cứ ráo hoảnh, chẳng nhỏ được một giọt nước mắt nào cả. Anh liền than thở với Chúa về nỗi khổ đau là mình không thể nào khóc được. Thật là bất ngờ, anh bỗng thấy từ khóe mắt của tượng Chúa những giọt nước mắt long lanh chảy xuống. Chính lúc đó, tự nhiên nước mắt của anh cũng trào dâng. Anh đã hứng lấy vào chai những giọt nước mắt ấy. Từ lúc đó, anh đã hiểu được thế nào làm sám hối và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách ăn ngay ở lành và sống lương thiện.” (Gã Siêu, Khóc, mạng lưới Dũng Lạc).

Ngẫm nghĩ về nụ cười tiếng khóc, tôi lại nhớ đến lời khuyên của ai đó: “Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người nhìn con mỉm cười, còn con thì lại khóc. Con hãy sống như thế nào để khi ra đi, mọi người bật khóc, còn con thì lại thanh thản mỉm cười.”