main billboard


Cũng may Suối Kiết là một ga lớn trên tuyến đường xe lửa Nam-Bắc, nên tất cả các chuyến tàu chợ và suốt đều phải ngừng lại,...

TauLuaVeDem2
Chiều hăm chín Tết năm 1978, Trại Cải Tạo Huy Khiêm của tỉnh Thuận Hải rộn hẳn lên vì ngày mai cho tới mồng Hai Tết, đoàn tù khổ sai của Việt Nam Cộng Hòa tạm nghỉ lao tác, được đổi khẩu phần Tết với đường, thịt heo, cơm trắng không độn và một bao thuốc "có cán". Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái danh sách phóng thích tù nhân vào mỗi dịp Tết về, sẽ được "cán bộ" gọi trong buổi sinh hoạt hôm nay.


Đúng 1 giờ trưa chiều Ba Mươi Tết năm đó, trại có mười người được nhận giấy phóng thích về nguyên quán trình diện. Quỹ trại không có tiền cho tù nhân mua giấy xe đò xe lửa, nên ai lo mạng nấy bằng cách lội bộ, từ Huy Khiêm tới Ga Suối Kiết xa chừng 30 cây số. Tám giờ tối cả bọn tới nhà ga thì đã lỡ chuyến tàu chợ, nên đành phải chờ chuyến tàu suốt Bắc-Nam, Nam Bắc vào lúc 11 giờ khuya cuối năm. Trong bọn chỉ có tôi về Phan Thiết, còn lại đều ở rất xa tận Sài Gòn, Nha Trang... Chia ly rồi sắp chia ly nữa, anh em chỉ đành ngậm ngùi trao gởi, hứa hẹn.


Trong khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, mọi nhà cài then đóng cửa đón mừng năm mới, thì chúng tôi cũng đang chờ phút giây thay đổi của đất trời. Ga Suối Kiết nằm cheo leo trong rừng lá, cạnh vách núi Ông cao ngất hùng vỹ, bao quanh vài chục nếp nhà lá lụp xụp của các công nhân hỏa xa và dân làm gỗ. Có lẽ hôm nay mọi người đã về quê ăn Tết nên xóm nhỏ thật đìu hiu không có một chút sinh khí, chứng tỏ nàng Xuân chưa ghé chốn này.


Cũng may Suối Kiết là một ga lớn trên tuyến đường xe lửa Nam-Bắc, nên tất cả các chuyến tàu chợ và suốt đều phải ngừng lại, dù khách có hay không. Về đêm, núi rừng càng buốt cóng lạnh căm. Bộ quần áo trận năm nào dù đã được đắp thêm chục mảnh vá, vẫn không ngăn nổi cái sắt se xa xót, như từ một cõi mộ địa, theo cái lạnh xâm chiếm tâm hồn những bóng ma đang lạc lõng trong đêm Xuân, không biết rồi sẽ về đâu, để kiếm chút hơi ấm của tình quê.


Trong cái hiu hắt của đêm buồn, cũng đủ để mọi người nhìn rõ hình ảnh của sự cô đơn nơi ga lẽ, từ những thanh sắt han rỉ tróc sơn trước quầy bán vé, cho tới hàng ghế gỗ mọt đầy vết bẩn. Tất cả bỗng dưng được trùng phùng một cách ngẫu nhiên với những người tù không bản án, những quân, công, cán, cảnh của VNCH bại trận, vừa được phóng thích trong đêm Tết quạnh quẽ, buồn rầu. Phải vui lên một chút để mừng năm mới, thay vì mượn rượu phá thành sầu, cả bọn lại chụm đầu vào nhau, rít chung vài bi thuốc lào ăn Tết, trong khi bên ngoài gió núi lồng lộng thổi, tạt sương muối vào mặt mũi da thịt, khiến cho cơn lạnh đói càng thêm hành hạ mọi người.


Hình như Giao Thừa sắp đến trong mông mênh cùng tận, như những năm nao, tôi lại âm thầm lâm râm cầu nguyện cho mẹ già, em gái, cho vợ con, bạn bè, đồng đội, đồng bào... được may mắn an bình trong buổi hổn mang dâu bể. Hởi ơi giờ này không biết mẹ già em thơ, vợ con... có còn như những ngày Xuân dấu ái trước năm 1975, giao thừa đi lễ chùa, xin xăm hái lộc, nhà có vui Xuân đón Tết hay gia đình cũng lại như tôi, tại sân ga nơi rừng núi thẳm tăm tối lạnh lẽo này, cô đơn, đói lạnh và nhục nhã trùng trùng.


Kỷ niệm xưa từng mảng lại trôi bềnh bồng trên mắt, lén lút dẩn dắt đưa tôi về thuở hoa niên, khi những cánh hoa phượng đỏ ối nối hàng, dọc theo con đường Nguyễn Hoàng dẫn vào lớp học, đã bắt đầu rụng rơi lã tã giữa các trang lưu bút, trên từng rèm mắt ô môi, cũng là lúc bọn học trò nghĩ hè làm gã giang hồ lãng tử, trên những chuyến tàu hỏa chui Phan Thiết-Sài Gòn rồi Sài Gòn-Phan Thiết, đi hoài vẫn không thấy chán.


Rồi những ngày dài chinh chiến, định mệnh lại đẩy đưa tôi về chốn cũ Long Khánh-Bình Tuy-Phan Thiết. Tuy tàu hỏa đã bị gián đọan nhưng suốt con đường sắt từ Mường Mán về Gia Ray, con đường mòn Võ Xu tới Suối Kiết, kể cả những suối rạch, bải đá ven sông La Ngà, đều là những lối lại qua quen thuộc, đã cùng tôi chắt chiu suốt đoan đường tuổi trẻ. Làm sao quên được những ngày dừng quân ở Văn Phong, Mường Mán ngày ngày ngồi ngâm nga tách cà phê đen ngon tuyệt nơi quán lẽ ven sông, ngó nhìn các chuyền tàu xuôi ngược. Giờ đây cảnh xưa vẫn nguyên vẹn, riêng tôi thì ôm một tầng trời sầu thảm không đáy, lạc lõng trên quê hương hận thù với kiếp sống nào hơn loài cỏ cây.

Rồi thì tàu cũng đến, chúng tôi chia tay trong nước mắt, cuối cùng ai nấy hấp tấp lên tàu như kẻ trốn nợ trong đêm trừ tịch, giữa tiếng còi tàu lanh lãnh thét vang, phá tan cảnh tịch mịch của rừng núi âm u, nghe sao quá ảo nảo lạnh lùng.

Chuyến tàu suốt Sài Gòn-Phan Thiết đêm nay ế ẩm, nhiều toa hành khách vắng ngắt lạnh tanh, không như ngày thường chen chân không lọt. Có lẽ mai là mồng Một Tết Nguyên Đán, nên ai cũng muốn ở nhà để xum họp với gia đình. Đất trời buồn mênh mông quá, thêm gió thổi vi vút từ hai bìa rừng thả hơi lạnh khắp nơi, nhưng tôi vẫn muốn ngồi ngoài hành lang để được nhìn lại quang cảnh cũ Trong các toa tàu, đèn đóm tối om, dăm ba hành khách nằm dài trên ghế như đã ngũ tụ lâu rồi.


Mặc kệ, tàu vẫn chạy xiết trên đường sắt như con thú điên, với hai ánh đèn pha phá tan màn đêm tăm tối. Hỡi ơi cuộc đời sao oan nghiệt quá, trong lúc nhà nhà đang đầm ấm chờ đón chúa xuân, thì tôi trong một tối ba mươi tết, buồn rầu nơi toa xe lửa lạnh lẽo này, yên lặng nép mình trong cô quạnh, để đón một mùa Xuân vàng úa nữa, sắp rơi xuống bờ vai của cuộc đời.


Trong giờ phút năm cũ sắp tàn, con tàu cũng hối hả lướt qua từng ga: Vắng Sông Dinh, Sông Phan, Suối Vận, Mường Mán rồi Phú Hội vừa đúng 12 giờ rưỡi sáng. Thế là năm mới đã qua và tôi cũng đã lỡ dịp nghiêng mình chào đón nàng Xuân mới trên quê hương mình.


Trên tàu, ai nấy đều thức dậy, đang chuẩn bị xuống ga Phan Thiết. Tất cả đều xa lạ, hờ hững, buồn rầu, im lặng như bóng tối, không ai chúc nhau một lời ngắn ngủi dù là ngày Tết. Bỗng đâu đấy nơi một thôn xóm nào đó, dọc theo con đường sắt vang lên mấy tràng pháo chuột, bóng sáng lập lòe như muốn đuổi theo con tàu, khiến cho hồn thêm buồn rầu thương tiếc. Nỗi náo nức thầm kín vừa lóe lên, chợt tắt hẳn khi nghĩ đến thực tại não nùng.


Hỡi ôi! mấy chục năm về trước, tôi, người lính trẻ xa nhà vẫn đam mê chạy đuổi theo những giọt mưa Xuân giữa trời lửa loạn. Nay trong buổi Xuân về, người lính già lội ngược thời gian tìm vết ngày thơ như còn giấu đâu đó, nơi vòm trời đồng đội, và em, và những Tết cuối cùng trong quân ngũ, để ngẩn ngơ bàng hoàng xúc động, như thể vừa bước chân lên con tàu về quê hương, của những Tết ấm yên hạnh phúc đầu đời.


Nên có bài thơ buồn tặng bạn bè trong đêm trừ tịch nơi quê người:


    Sáu nhăm tuổi vẫn đời phiêu bạt

    như thuở rong chơi buổi thiếu thời

    gác trọ buồn hiu mình với bóng

    nỗi sầu thiên cổ cháy tim côi


    Ngao ngán hoàng hôn trong ngục đá

    võ gầy mộng ảo bước lang thang

    ai đem thương nhớ vào trong lệ

    khiến tuổi xanh mơ đã ố vàng


    Một sáng tàn Thu rời xóm học

    một chiều cô lạnh giã từ nhau

    một ngày về phép buồn ly cách

    nhìn chiếc xe hoa rẽ lối nào


    Từ đó trăng xưa mờ tuổi mộng

    đạn bom ru điệu máu quân hành

    rừng khuya bản thượng dài cô tịch

    chờ giấc chiêm bao cũng lạnh tanh


    Bước chân lận đận đời chinh chiến

    vẫn chẳng nguôi ngoai nỗi đoạn trường

    rượu có làm hờn sôi thệ nguyện

    nhưng không xóa hết lệ thương vương


    Rồi nuốt thêm đau ngày rã ngũ

    súng gươm gãy rỉ khóc bên đường

    tuổi tàn đời quẩn theo tiền kiếp

    nghiên bút chôn vào cõi gió sương


    Quê người chạy giặc mờ nhân ảnh

    thăm thẳm chia xa những bến đời

    em một bờ sông, ta ngỏ lạ

    tha phương quán gió đếm mưa rơi


    Quanh quẩn tìm nhau trong cổ mộ

    bạn bè dâu bể biết còn ai

    những thằng tri kỷ về lòng đất

    muốn nhớ nhìn mây để thở dài


    Phan Thiết quê xa trời bảng lảng

    Mường Giang, biển mặn nước chung dòng

    đứng nghe bầy sếu kêu ra rả

    bừng dậy niềm đau ngập nhớ mong


    Thơ viết nghìn trang chưa thấy đủ

    mẹ ơi, trăm nẻo cứ mong tìm

    chiều chiều mẹ đứng bên cầu nhỏ

    đáy mắt già nua dõi bóng chim


    Mấy chục năm ròng trên xứ lạ

    tóc xanh rồi bạc vẫn chưa về

    chinh y, vó ngựa thời say tỉnh

    dò dẫm tàn theo khúc nhạc mê


    Soi gương ngơ ngẩn buồn thê thảm

    mấy chục năm xa, vẫn muộn phiền

    tủi thẹn nhìn ngày qua tháng lại

    biết về đâu hỡi bước cô miên?