main billboard

Hiện nay tại Việt Nam, mạng xã hội (social network) là nơi mà hàng loạt từ ngữ tiếng lóng xuất hiện. Chúng được nhiều người, nhất là giới trẻ, sử dụng và dần dần phổ biến trong công chúng.

Một số Việt kiều hải ngoại về Việt Nam khi  nghe nhiều con cháu mình hoặc giới trẻ nói nhiều từ ngữ rất lạ nên khó hiểu. Đó chính là những kiểu nói tiếng lóng (slang).

Hiện nay tại Việt Nam, mạng xã hội (social network) là nơi mà hàng loạt từ ngữ tiếng lóng xuất hiện. Chúng được nhiều người, nhất là giới trẻ, sử dụng và dần dần phổ biến trong công chúng. Người ta có thể sử dụng những tiếng lóng này trong lối nói chuyện tiếu lâm hàng ngày (informal). 

Sau đây là loạt bài giải thích các tiếng lóng hiện nay tại Việt Nam (xuất hiện rất nhiều trên internet), sắp xếp theo từng chủ đề.

Kỳ 1: Chủ đề thanh niên mới lớn

Trẻ trâu: Chỉ những thanh niên choai choai (cả nam lẫn nữ) mới lớn, chưa nhận thức được hết những việc mình gây ra, thích đua đòi, đua xe, chưng diện, ngông cuồng, gây gổ, đâm chém, làm bất cứ việc gì, miễn là được nổi tiếng, nhiều người biết đến. Ví dụ: Thằng đó mới 15 tuổi mà đua đòi hút thuốc lá, đúng là đồ trẻ trâu!

Sửu nhi: là cách nói tương đương với "trẻ trâu" (biến thể từ "sửu" là con trâu, "nhi" là đứa trẻ)

Thả thính: cố tình thu hút người hoặc vật khác đến với mình nhằm vì mục đích nào đó. Thường là tìm cách lôi cuốn, tạo sức hấp dẫn cho bản thân để người khác thích mình và nảy sinh tình cảm với mình. Ví dụ: Bộ hôm nay muốn "thả thính" em nào hay sao mà ăn mặc bảnh bao vậy?

FA: Chỉ tình trạng chưa hoặc không có người yêu, chưa có bồ, đang cô đơn, đang ế. Xuất phát từ chữ "Forver Alone" trong tiếng Anh. 

Gấu: Tức là bồ, là người yêu (nhưng chưa phải vợ chồng). Ví dụ: Tối nay tao đi coi xi-nê với "gấu" rồi. 

Thánh: Tức là người có khả năng xuất chúng, hoặc tài giỏi, hoặc mưu mẹo trong một lĩnh vực nào đó. Ví dụ: "Thánh văn chương", "Thánh đua xe", "Thánh nói láo". Thường mang nghĩa châm biếm người đó.

Đào mộ: tức là lục lọi, nhớ lại những chuyện xưa cũ của một người nào đó rồi đem ra kể lại. Thông thường các câu chuyện được "đào mộ" là các câu chuyện tiếu lâm, gây cười.

Anh hùng bàn phím: là những người thường hay chỉ trích, dạy đời, hoặc chỉ biết nói quan điểm, chính kiến của mình ở trên internet (đánh bàn phím) chứ không dám lộ diện danh tánh, không dám làm ngoài đời thực (anh hùng rơm) Ngoài đời họ chẳng làm gì việc ra hồn.