main billboard

Hồi tôi còn là một cô vợ trẻ, tôi bị sẩy một cháu lúc lọt lòng mà chính tôi cũng suýt vong mạng kỳ đó. Phải rất lâu sau sức khỏe tôi mới hồi phục lại, nhưng mắt tôi càng lúc càng yếu dần.

doi mat 2Nguyên tác: Vision, Tác giả: Rabindranath Tagore

I

Hồi tôi còn là một cô vợ trẻ, tôi bị sẩy một cháu lúc lọt lòng mà chính tôi cũng suýt vong mạng kỳ đó. Phải rất lâu sau sức khỏe tôi mới hồi phục lại, nhưng mắt tôi càng lúc càng yếu dần.

Chồng tôi lúc bấy giờ đang là sinh viên y khoa. Anh chẳng bỏ dịp để dùng tôi làm thí nghiệm kiến thức của anh nên anh tự mình chữa cho tôi.

Anh hai của tôi lúc ấy đang sửa soạn thi ra trường Luật. Một ngày nọ, anh đến thăm tôi và lo sợ cho tình trạng của tôi.

Anh cật vấn chồng tôi: “ Chú làm cái gì vậy? Chú sẽ làm hỏng mắt của Kumo mất thôi. Chú nên đem Kumo đến một bác sĩ nhãn khoa thật giỏi ngay lập tức. ”

Chồng tôi trả lời với vẻ bực bội: ” Sao chứ ! Một bác sĩ giỏi thì làm gì được hơn tôi nào? Trường hợp này đơn giản quá mà, mấy môn thuốc chữa nó, ai mà không rành. ”

Anh hai tôi cau mày trả lời chua chát: “ Bộ chú nghĩ là chẳng có gì khác biệt giữa chú và vị giáo sư trong trường Y Khoa chú đang học chắc?”

Chồng tôi cũng giận dữ đáp: “Nếu anh cũng lập gia đình, và nếu có một cuộc tranh cãi về tài sản của vợ anh, anh có nghe theo lời cố vấn của tôi về Luật không? Hả? Vì cớ gì mà anh lại cố vấn tôi về chuyện thuốc men?”

Trong khi cả hai đang cãi vã như thế, tôi tự nhủ thầm mình rằng trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Hai người này cứ to tiếng vậy thì chỉ có mình là chịu thiệt mà thôi.

Tôi cũng cảm thấy thật là bất công hết sức. Lý ra, khi gia đình tôi gả tôi đi, đáng lẽ họ cũng phải thường xuyên lui tới theo dõi tôi mới phải. Rốt cuộc, chỉ có chồng tôi là lo lắng mọi nỗi buồn vui của tôi thôi chứ đâu phải họ.

Từ hôm đó trở đi, chỉ tại vì cái bệnh mắt của tôi mà mối liên hệ giữa anh hai và chồng tôi trở nên thật là căng thẳng.

Một ngày nọ, khi chồng tôi phải vắng nhà, anh hai tôi bất ngờ đến nhà, mang theo một bác sĩ để khám cho tôi. Ông ấy xem xét mắt tôi thật cẩn thận và tỏ vẻ nghiêm trọng lắm. Ông bảo nếu cứ để như vậy thì rất nguy hiểm. Ông viết cho tôi một toa thuốc và anh hai tôi sai người đi mua ngay tức khắc. Khi ông bác sĩ lạ đi rồi, tôi van anh tôi đừng có can thiệp nữa, bởi vì khám chui như thế thì kết quả có được cũng chẳng hay ho gì đâu.

Chính tôi cũng ngạc nhiên vì mình dám có can đảm nói với anh tôi vậy. Từ trước đến giờ tôi vẫn sợ anh. Và tôi tin chắc là anh tôi cũng sửng sờ vì cái lớn gan của tôi. Anh im lặng ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo tôi: “Thôi được rồi Kumo. Anh sẽ không đem bác sĩ tới khám cho em nữa. Nhưng khi nào thuốc gởi về thì em nhớ dùng nhé. ”

Anh tôi đi rồi thì thuốc từ nhà thuốc được gởi tới. Tôi ôm liệng hết xuống giếng, thuốc bột, thuốc nước, luôn cả toa thuốc, mọi thứ tuốt tuột.

Chồng tôi bực bội vì chuyện anh tôi can thiệp nên quyết định trị chữa mắt cho tôi thêm cần mẫn. Anh lôi hết ra những mẹo chữa mắt anh tìm ra. Khi anh biểu tôi băng mắt thì tôi băng mắt; anh đưa tôi kính màu thì tôi mang kính màu; tôi nhỏ thuốc nước, tôi uống thuốc bột, tôi nuốt dầu cá thu dù cho cổ tôi có nhợn nhạo đi nữa.

Mỗi khi từ bệnh viện trở về, anh lại lăng xăng hỏi tôi cảm thấy thế nào, và tôi lúc nào cũng trả lời: “ Em thấy đỡ hơn nhiều lắm rồi. ” Thật tình tôi đã trở thành một chuyên viên phỉnh phờ. Khi tôi thấy rằng mắt tôi vẫn chảy nước ngày một nhiều hơn, tôi tự an ủi mình rằng cũng chẳng sao đâu, nước dơ ấy mà, chảy ra ngoài cũng tốt thôi. Và khi nước mắt tôi dần khô, tôi lại thấy hân hoan vì chồng tôi tài giỏi.

Nhưng đến một thời gian sau nữa thì nỗi đau đớn trở nên thật khó mà chịu đựng. Thị lực của tôi càng ngày càng tệ, mà đầu tôi thì đau nhức liên tục cả ngày lẫn đêm. Tôi thấy rõ chồng tôi trở nên quýnh quáng. Qua cách anh cư xử, tôi thấy rõ anh muốn gọi bác sĩ đến nơi rồi, vì vậy tôi mập mờ nói với anh là có lẽ nên mời một bác sĩ để nói chuyện cho biết.

Nghe tôi nói vậy, tôi thấy rõ chồng tôi thở ra nhẹ cả người. Anh gọi một bác sĩ người Anh đến mỗi ngày. Tôi chẳng hiểu hai người nói với nhau những gì, nhưng tôi cảm thấy rõ ông ta gay gắt với chồng tôi lắm.

Sau khi ông bác sĩ đi rồi, chồng tôi trầm ngâm rất lâu. Tôi cầm lấy tay anh an ủi: “Cái ông đó sao mà khó chịu quá. Sao anh không gọi một bác sĩ người Ấn có lẽ dễ chịu hơn. Ông bác sĩ đó chắc gì biết rõ bệnh mắt của em hơn anh. ”

Chồng tôi yên lặng một lúc rồi mới nói, giọng khàn đặc: “ Kumo, mắt em phải giải phẩu em ạ. ”

Tôi giả vờ giận anh vì anh đã giấu giếm tôi từ lâu nay: “ Em biết anh đã hay chuyện từ lâu rồi. Vậy mà anh không chịu nói cho em biết. Bộ anh cho là em là con nít, sợ chuyện mổ xẻ hay sao chứ. ”

Nghe tôi nói, chồng tôi lên tinh thần. Anh nói: “Đàn ông cũng đâu có mấy ai gan dạ đến không sợ chuyện mổ xẻ đâu em. ”

Tôi cười lớn: “ Ừ ừ, đúng vậy đó. Đàn ông chỉ tỏ ra anh hùng trước mặt vợ thôi hà. ”

Chồng tôi nhìn tôi buồn bã: ” Em nói đúng lắm. Đàn ông chúng anh thật là vô dụng. ”

Tôi lại cười sự nghiêm trang của anh: “Anh có chắc đàn ông các anh gan hơn đàn bà tụi em không đó?”

Khi anh hai của tôi đến thăm, tôi kéo anh sang một bên: ” Anh hai à, thuốc mà ông bác sĩ của anh cho tốt lắm, có điều rủi cho em là em dùng nhầm thuốc uống với thuốc bôi, vì vậy mắt em càng ngày càng tệ đi. Đến giờ này, mắt em cần phải mổ. ”

Anh tôi bảo tôi: “Tại vì chồng em muốn chữa cho em nên anh lâu nay không đến thăm em. ”

“Không phải đâu, ” tôi nói, “Thực ra, em giấu ảnh, tự chữa cho em theo lời bác sĩ của anh hai đó. ”

Thiệt tình, sao đàn bà cứ phải nói dối hoài. Khi chúng ta là mẹ, chúng ta nói dối để các con chúng ta an tâm, và khi chúng ta là vợ, chúng ta phải dối để cha của con chúng ta an lòng. Chẳng bao giờ chúng ta thoát ra được tình trạng như thế cả.

Lời dối trá của tôi có hiệu lực làm cho tình cảm giữa chồng tôi và anh tôi trở nên tốt đẹp hơn. Anh hai tôi tự trách mình đã phải làm cho tôi giấu giếm chồng tôi về chuyện chữa trị, còn chồng tôi thì tiếc hối đã không chịu nghe lời anh tôi khuyên từ lúc khởi đầu.

Cuối cùng, với sự đồng ý của cả hai người, một bác sĩ người Anh được mời tới và mổ con mắt trái của tôi. Con mắt ấy, tuy nhiên, đã quá yếu để chịu đựng cuộc giải phẫu, và thế là ánh sáng yếu ớt của nó tắt phụt. Rồi đến con mắt kia cũng dần dần chìm vào bóng tối.

Một ngày nọ, chồng tôi đến ngồi bên giường tôi: “ Anh chẳng còn thể trơ mắt ra mà nhìn em nữa. Kumo, hãy cho anh biết, có phải anh đã làm hư mắt em không?”

Tôi cảm thấy giọng của anh ẩm nước mắt nên tôi vội ôm tay phải của anh trong hai tay tôi và nói: ” Không đâu, anh đã làm rất đúng. Anh chỉ nên nghĩ đến những gì anh đã làm cho em thôi. Hãy tưởng tượng xem, nếu mà tự nhiên có một bác sĩ nào lạ hoắc đến lấy đi đôi mắt của em, làm sao em biết đâu mà an ủi. Em nghĩ mọi chuyện đều xảy ra tốt đẹp. Em rất mừng, an tâm rằng em đã mất đi ánh sáng trong tay anh. Khi Ramchandra thiếu một đóa sen để cúng Trời, ngài đã hiến dâng đôi mắt mình thay cho đóa hoa sen. Và em, em cũng đã dâng hiến đôi mắt mình cho Trời như thế. Từ đây, bất cứ khi nào anh thấy gì xinh đẹp thì anh hãy tả cho em nghe nhé, và em sẽ xem lời tả của anh như một món quà thiêng liêng từ thị lực của anh. ”

Dĩ nhiên là tôi không nói được trơn tru như thế, vì thật là khó mà nói được những điều ấy ra cùng một lần. Nhưng ngày này sang ngày khác, tôi đã suy nghĩ, gom góp từng chữ, từng lời. Khi nào tôi cảm thấy trầm uất, hoặc lúc nào niềm tin của tôi chợt nguội đi, hoặc khi tôi cảm thấy xót xa than trách cho thân phận mình thì tôi lại quyết tâm nhắc đi nhắc lại những câu trên, từng câu từng chữ một, như thể một đứa trẻ nhắc lại lời người lớn dạy nói. Làm vậy, tôi lại có thể thở một hơi dài, hít vào làn không khí trong trẻo của Tình Yêu và Bình Lặng. Đúng vào lúc hai chúng tôi cùng ngồi xuống với nhau, tôi đã nói được ra những gì trong tâm tôi cho chồng tôi hiểu.

“Kumo, ” chồng tôi nói, “ những gì lầm lỗi mà anh đã dại dột phạm phải, anh chẳng thể nào làm lại cho tốt đẹp được, nhưng anh có một điều anh có thể làm, đó là anh sẽ suốt đời ở bên em để đền bù cho đôi mắt của em với hết sức của anh. ”

“Không, không được đâu. ” Tôi nói, “ Em đâu thể đòi anh biến căn nhà của anh thành ra cái bệnh viện cho người mù được. Chỉ có thể có một cách thôi, là anh phải lấy một người vợ khác. ”

Với giọng hơi nghẹn ngào, tôi cố giải thích cho chồng tôi hiểu rằng chuyện đó cần lắm. Tôi bật ho, cố giấu đi cảm xúc của mình, nhưng anh đã kêu lên:

“ Kumo, anh biết anh là một tên ngốc, một tên ba hoa, đủ thứ, nhưng anh đâu phải là kẻ tệ bạc. Nếu mà anh lấy vợ thêm lần nữa, anh xin thề với em, anh xin thề độc với đấng cao cả của anh- Gopinath- rằng nếu anh làm vậy, xin Trời phạt anh, như phạt kẻ giết người ghê gớm nhất, giáng xuống đầu anh hình phạt độc địa nhất. ”

Ôi trời, tôi chẳng bao giờ, chẳng đời nào lại để cho chồng tôi lại thề độc đến thế. Nhưng nước mắt đã nghẹn lời tôi và tôi không sao nói ra được nỗi hân hoan trong lòng. Tôi giấu khuôn mặt mù lòa của tôi xuống gối, nức nở, khóc, khóc mãi. Cuối cùng, khi dòng nước mắt đã vơi, tôi kéo đầu anh xuống ngực mình:
“ Anh ơi, sao anh lại thề độc địa như vậy chứ? Anh nghĩ rằng em đòi anh phải lấy vợ khác chỉ để cho anh hưởng thú vui một mình anh sao? Không đâu, em chỉ ích kỷ thôi, bởi vì người vợ mới của anh sẽ thay em phục vụ anh như những gì em đã làm lúc còn sáng mắt. ”

“Phục vụ ư? “ Anh la lên, “Phục vụ thì đã có mấy gia nhân. Bộ em tưởng anh điên hay sao mà lại rước một đứa nô lệ vào nhà mình, và lại còn cho nó sẻ chia cái ngai vàng của Nữ Thánh của anh nữa, hả?”

Khi anh nói đến chữ “Nữ Thánh”, anh nâng mặt tôi lên trong tay anh, hôn lên trán tôi, ngay giữa hai chân mày. Đúng ngay giây phút ấy, con mắt thứ ba huyền nhiệm, ngay chỗ anh đặt chiếc hôn, bỗng mở choàng ra và tôi đột nhiên được thánh hóa.

Tôi tự nhủ thầm: ” Hay quá. Mình không còn có thể phục vụ anh với những việc nhà tầm thường nữa được, nhưng mình sẽ bước lên một cấp cao hơn. Mình sẽ nhận thiên ân từ trên cao, sẽ thôi không cần phải dối trá, không cần phải nói quanh. Tất cả những gì nhỏ mọn chi li, những gì đạo đức giả trong đời trước sẽ bị tẩy xóa sạch trơn, mãi mãi. ”

Hôm ấy, trong lòng tôi biết bao nhiêu mâu thuẫn cứ lãng vãng suốt. Nỗi vui về ý nghĩ rằng chồng tôi đã thề sẽ không bao giờ lấy vợ khác bám chặt, mọc rễ trong tim tôi không dứt ra được nữa. Nhưng vị nữ thánh vừa mới được phong ngôi trong tôi lại nói: ” Này cô kia, rồi sẽ có một lúc phải để cho chồng cô xóa lời thề mà lấy người khác chứ. ” Rồi người đàn bà trong tôi lại cãi: “ Có thể lắm, nhưng mà thề là thề, làm sao khác được. ” Rồi Nữ Thánh trong tôi lại trả lời: ” Chẳng có lý do gì mà cô lại không buông bỏ lời thề kia được. ” Và người đàn bà trong tôi lại nói: ” Những gì cô nói cũng đúng, không nghi ngờ gì; thế nhưng anh ấy đã lỡ thề rồi. ” Cứ vậy, hai bên đối đáp nhau mãi. Cuối cùng, Nữ Thánh cau mày lặng yên, và bóng tối hãi hùng trùm hết lên tôi.

Chồng tôi ăn năn hối lỗi chẳng chịu cho mấy người làm giúp tôi; anh dành làm lấy hết. Lúc đầu, lòng tôi hân hoan biết bao khi phải dựa vào chồng tôi mọi điều kể cả những chuyện nhỏ mọn nhất. Đó là một cách giữ chồng tôi phải luôn luôn ở bên tôi, và nỗi khao khát có anh bên cạnh tôi càng lúc càng tăng kể từ khi tôi trở thành mù lòa. Việc anh sẻ chia cùng tôi khi tôi không còn thị lực khiến cho những giác quan khác của tôi cũng đòi hỏi được như thế. Không có anh bên cạnh, tôi có cảm tưởng như tôi bị lơ lửng giữa trời, rối nùi, chẳng bám víu vào được cái gì hết.

Trước kia, mỗi khi chồng tôi ở bệnh viện về trễ, tôi thường mở cửa sổ ngóng ra đường. Con đường ấy là cái mắc xích tiếp nối thế giới của anh với thế giới của tôi. Giờ đây, vì mù, tôi mất đi cái mắc xích ấy, cả người tôi đều loay loay đi tìm anh. Cái cầu nối giữa tôi và anh sụp đổ, và bây giờ chỉ còn là một hố sâu chẳng thể vượt qua. Khi anh rời tôi ra, vực sâu ấy càng há rộng thêm ra. Tôi chỉ còn có thể ngồi đợi cho đến khi anh băng qua nó, nối lại bờ anh với bờ tôi mà thôi.

Tuy nhiên, nỗi mong đợi căng thẳng như thế, sự nương tựa gắn bó như thế chẳng bao giờ là điều tốt cả. Một người vợ đã là một gánh nặng cho người chồng rồi, nghĩ cho cùng thì đèo thêm một gánh nặng mù lòa vào nữa sẽ làm cho đời sống người chồng thật khó mà chịu đựng nổi. Tôi tự hứa rằng mình chỉ nên chịu đau khổ một mình thôi, đừng có lôi chồng tôi vào cái màn đen tối tăm mênh mông nữa.

Chỉ trong một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên, tôi tự mình mò mẫm làm hết mọi công việc trong nhà, sử dụng hết khả năng của xúc giác, thính giác, và khứu giác. Nói cho đúng, tôi chẳng bao lâu nhận ra là mình làm còn tốt hơn cả trước kia nữa, bởi vì thị giác thường hay làm cho chúng ta bị xao lãng hơn là giúp đỡ chúng ta tập trung. Và như thế, khi đã vượt qua được điều ấy, khi mắt tôi không còn khả năng hoạt động nữa, các giác quan khác lặng lẽ thay thế chúng làm việc một cách toàn hảo.

Khi tôi đã thực tập và đã đầy đủ kinh nghiệm rồi, tôi không còn để chồng tôi phải làm việc nhà giùm tôi nữa. Ban đầu, anh chua chát than phiền là tôi đã tước đoạt, không cho anh được hối lỗi, nhưng tôi không tin. Anh nói gì thì nói, tôi đã cảm nhận được sự khoan khoái của anh khi anh thôi chẳng còn phải động đến việc nhà. Phục vụ một người vợ mù chẳng bao giờ làm cho đời một người đàn ông thấy toàn hảo cả.

 

II

Cuối cùng thì chồng tôi cũng học xong chương trình y khoa. Anh chuyển từ Calcutta đến một thành phố nhỏ để thực tập. Nơi vùng đồng quê này, tôi cảm thấy rất vui vì qua sự mù lòa, tôi như cảm ra được vòng tay của mẹ. Tôi xa nơi sinh ra để đến Calcutta lúc tôi lên tám. Trong mười năm sau đó, sống giữa thành phố lớn, ký ức của tôi về nơi chôn nhau cắt rốn dần nhạt phai. Nếu tôi còn sáng mắt, Calcutta với cuộc sống tất bật đã lọc đi những ngày tôi còn bé. Nhưng khi tôi đã mất đi ánh sáng, lần đầu tiên tôi biết rằng Calcutta chỉ quyến rũ được đôi mắt thôi chứ chẳng làm đầy được tâm trí. Và giờ đây, trong mù lòa, những hình ảnh thời thơ ấu của tôi lại chiếu sáng rực rỡ một lần nữa, như những ngôi sao từng chiếc hiện ra trên bầu trời chiều cuối ngày.

Đó là vào tháng Mười Một khi chúng tôi rời Calcutta để đi Harsingpur. Đây là vùng lạ đối với tôi, nhưng mùi hương và tiếng động của vùng quê như ôm lấy tôi, ép sát vào tôi. Cơn gió nhẹ buổi sáng thổi đến tươi mùi đất mới cày, mùi hương hoa cải vàng thật là ngọt nhẹ, tiếng sáo mục đồng ngân vọng từ xa, và ngay cả tiếng xe bò cót két khi lăn trên con đường làng mấp mô cũng làm cho thế giới của tôi tràn vui thích. Ký ức của tôi về cuộc đời cũ, với tất cả hương nồng và âm thanh khó tả trở thành hiện tại sống động mà đôi mắt mù lòa của tôi không thể nào bảo rằng tôi đã sai lầm. Tôi đã quay về quá khứ, sống lại thời thơ ấu của mình. Chỉ có một điều vắng mặt: mẹ tôi không còn ở bên tôi nữa.

 

Tôi có thể thấy căn nhà của tôi với những cây đa thật lớn vươn lên dọc theo cái ao làng. Tôi có thể hình dung trong mắt tôi bà nội tôi đã già ngồi trên sân, mái tóc phất phơ không cài, phơi lưng cho ấm, tay vắt đậu lăng thành từng viên tròn để phơi khô dùng trong việc nấu ăn. Nhưng chẳng biết sao mà tôi không thể nhớ lại được những câu ca mà bà thường ư ử với cái giọng run run yếu ớt của bà. Buổi chiều, mỗi khi tôi nghe tiếng đàn súc vật chộn rộn, tôi gần như có thể thấy bóng dáng mẹ tôi đi quanh mấy cái chuồng với ngọn đèn dầu trên tay. Mùi cỏ ướt và mùi khói rơm đậm đà như xuyên thẳng vào tim tôi. Và tôi dường như có thể nghe được từ xa, tiếng chuông chùa đổ vang theo gió từ bờ sông vọng về.

Calcutta, với cái náo động và những chuyện lê la làm cho tim đông cứng lại. Ở đó, tất cả những sinh hoạt đẹp đẽ của đời sống mất đi sự tươi mát và ngây thơ. Tôi còn nhớ một hôm, một người bạn tôi đến nói với tôi: “ Này Kumo, sao bạn lại không nổi giận vậy? Tớ mà bị chồng đối xử với tớ như bạn thì tớ chẳng bao giờ thèm nhìn mặt ổng nữa đâu !”

Bạn tôi đang cố tìm cách làm cho tôi căm phẫn bởi vì chồng tôi đã chần chừ lâu mới chịu mời bác sĩ đến chữa cho tôi.

Tôi nói: “Chuyện tôi bị mù đã là một điều khổ rồi, tại sao còn làm khổ mình thêm bằng cách để cho cái ghét trương lên chống lại chồng tôi?”

Bạn tôi lắc đầu không bằng lòng chút nào khi nghe một đứa con gái mới lớn như tôi nói chuyện như bà già xưa cổ. Bạn tôi khinh miệt bỏ đi mất. Nhưng cho dù tôi hôm ấy trả lời thế nào đi nữa, những lời bạn tôi nói hôm ấy đã để lại chất độc, và một khi nọc độc đã được chích vào tâm rồi thì chẳng bao giờ có thể trục nó ra khỏi hoàn toàn được.

Đó, bạn thấy không, Calcutta với những chuyện ngồi lê như thế làm tim ta cứng lại, nhưng khi tôi trở về lại đồng quê thì tất cả những hy vọng, niềm tin, và hết thảy những gì tôi ôm ấp trong đời suốt thời thơ ấu lại tươi mới và long lanh sáng. Trời lại đến với tôi, chứa đầy tim tôi và thế giới của tôi. Tôi lạy Trời và thưa với Ngài rằng:
“ Con biết Ngài lấy đi đôi mắt của con là một điều tốt. Xin Ngài ở cùng con. ”

Ờ, tôi đã nói thêm ra đấy. Tôi nói thêm là “ Xin Ngài ở cùng con” chứ thật ra là phải nói “ Con xin tin ở Ngài. ” Cho dù rằng chúng ta bị lấy hết chẳng còn gì thì chúng ta cũng vẫn phải tiếp tục sống thôi.

 

III

Chúng tôi sống với nhau hạnh phúc được mấy tháng trời. Chồng tôi đã có tiếng là một bác sĩ đáng trọng. Cùng với tiếng tăm là tiền bạc cũng đổ vào.

Tuy nhiên có cái gì đó không được đàng hoàng trong vấn đề tiền nong. Tôi không thể đưa ra một sự việc cụ thể nào, nhưng vì người mù thường có những cảm nhận sắc bén hơn người khác. Tôi có thể nhận ra sự đổi thay của chồng tôi từ khi sự giàu có được tăng lên.

Khi anh còn trẻ, anh quan niệm về công bằng rất sâu sắc, thường nói cho tôi nghe về ước vọng giúp người nghèo của anh một khi anh được hành nghề. Anh thường tỏ ra bất mãn đối với những người chuyên nghiệp nào không chịu bắt mạch cho một bệnh nhân trừ khi họ trả tiền trước đã. Nhưng bây giờ tôi nhận ra có sự khác biệt. Anh trở nên lạnh lùng. Có lần một phụ nữ đến van anh mở lòng cứu cho đứa con độc nhất của bà nhưng bị anh thẳng tay từ chối. Và khi tôi tự mình xin anh giúp bà, anh đã làm một cách miễn cưỡng.

Lúc chúng tôi chẳng giàu có gì, chồng tôi thường chẳng ưa chuyện tính toán tiền bạc. Anh thường nói thẳng ra như thế. Nhưng từ khi tiền trong nhà băng lớn dần, anh lại hay lân la hàng giờ với mấy tên cô hồn làm việc cho một nhân viên của chủ đất, rõ ràng là nhắm vào những việc không hay ho gì.

Chồng tôi đã lạc nẻo rồi sao? Người chồng mà tôi biết trước khi tôi mù, người chồng đã hôn tôi lên trán, giữa hai chân mày, đã từng nâng tôi lên hàng thánh nữ, bây giờ đang trở thành gì vậy? Những kẻ mà đương không bị một cơn bão đam mê làm cho rơi xuống thành bụi thì vẫn có thể trỗi dậy với lòng thiện. Nhưng một kẻ, ngày qua ngày, bị khô khốc đi vì chính tâm đạo đức của mình; kẻ để cho con ký sinh bên ngoài gặm dần đến đời sống bên trong của mình, những kẻ ấy một ngày kia sẽ cùng đường mà chẳng có cách nào chữa được.

Sự chia cách do khiếm thị chỉ là một điều nhỏ thuộc phạm vi vật lý, nhưng cái làm cho tôi nghẹt thở khi tìm hiểu ra vì sao mà chồng tôi không còn bên tôi nữa và anh đang đứng nơi nào trong suốt thời gian cả hai chúng tôi cùng biết là tôi đang bị mù, đó mới là một sự ly thân thật sự.

Tôi, với tình yêu còn tươi nguyên, lòng tin không chuyển gãy, vẫn giữ trong tâm mình một án thờ. Nhưng chồng tôi thì đã rời ra khỏi cái bóng mát không bao giờ già nua và tàn phai ấy. Anh đã nhanh chóng biến mất vào trong những cánh đồng hoang khô cháy trong lúc khao khát tìm vàng.

Đôi lúc tôi ngờ rằng biết đâu mọi sự chẳng thể tệ đến vậy, rằng có lẽ tôi đã cường điêu, hóa sự việc chỉ vì tôi mù. Biết đâu cái thấy của tôi lại chẳng lệch lạc. Đáng lẽ tôi nên chấp nhận thế giới của mình như nó là. Sự phân vân của tôi đồng thời lại như ngọn đèn giúp chồng tôi theo dõi được hết những biến đổi trong tâm tình và trong ảo tượng của tôi.

Một ngày nọ có một người Hồi Giáo đã lớn tuổi đến nhà tôi. Ông ta nhờ chồng tôi đi khám cho đứa cháu gái. Tôi có thể nghe ông van nài: “ Nhưng thưa Bác Sĩ, tôi nghèo quá, xin bác sĩ đi cùng tôi và đấng Allah sẽ giúp đỡ ông. ” Chồng tôi trả lời một cách lạnh lùng: “ Chuyện Đấng Allah giúp gì cho tôi chẳng có gì quan trọng, tôi chỉ muốn biết là ông trả gì cho tôi mà thôi. ”

Nghe đến đó, tôi thầm nghĩ sao mà Thượng Đế không làm cho tôi điếc luôn như đã làm tôi mù cho xong. Ông già thở ra một hơi dài rồi bước ra. Tôi vội bảo người tớ gái chạy theo và đưa ông ta về phòng tôi. Tôi đứng ngay cửa mở ra nhà trong, đặt ít tiền vào tay ông và nói: “Xin ông nhận cho tôi chút này đem về cho cháu gái của ông rồi tìm một bác sĩ nào đáng tin cậy mà lo cho cháu, đồng thời xin cầu nguyện cho chồng tôi, ông nhé. ”

Suốt ngày hôm ấy, tôi chẳng ăn uống gì được. Đến chiều, khi chồng tôi thức giấc ngủ trưa, anh hỏi: “Sao em xanh vậy?”

Tôi đang tính nói như thể tôi đã từng nói: “Ồ, chẳng có gì đâu anh. ” Nhưng những ngày phỉnh gạt dối trá kia đã qua rồi, vì vậy tôi chỉ đơn giản trả lời anh: “Em đã ngần ngại lâu nay muốn nói cùng anh đôi lời. Thật là khó nói ra hết những điều em nghĩ một cách chính xác. Ngay bây giờ đây em cũng có thể không nói đúng những gì em nghĩ trong đầu. Nhưng em tin là anh cũng đã cảm biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta đang càng ngày càng xa cách nhau. ”

Chồng tôi cười gượng và nói: “ Thay đổi là luật tự nhiên mà em. ”

Tôi nói: “Em biết vậy, nhưng vẫn có những điều tồn tại đời đời. ”

Chồng tôi bỗng nghiêm mặt: “ Có nhiều người đàn bà ngoài kia đang có những mối đau buồn thật sự: có người chồng kiếm không ra tiền; có người chồng chẳng hề yêu thương họ. Còn em, em cứ quay quắt chẳng vì cái gì cả. ”

Thế là tôi chợt hiểu rất rõ rằng chính sự khiếm thị của tôi đã ban cho tôi cái khả năng thấy được một thế giới cao hơn cái thế giới vô thường này. Vâng, đúng vậy. Tôi không giống những phụ nữ khác, và chồng tôi sẽ không bao giờ hiểu được tôi cả.

 

IV

Đời sống hai chúng tôi lại tiếp tục với bổn phận đều đặn trong một thời gian sau đó cho tới khi một việc xảy ra đã bẻ gãy sự nhàm chán. Một người Dì của chồng tôi đến thăm chúng tôi. Câu đầu tiên sau khi chúng tôi chào hỏi nhau của bà là: “ Này, Kumo, chị bị mù lòa thiệt là tội cho chị quá, nhưng tại sao chị lại bắt chồng chị phải khổ theo chị chi vậy? Chị phải kiếm cho chồng chị một cô vợ khác đi chớ. ”

Tiếp đó là một khoảng yên lặng ngỡ ngàng. Giá mà chồng tôi nói một câu phản đối nào đó, hoặc cười vào mặt bà ấy thì chắc là chuyện cũng qua rồi. Nhưng anh lại lắp bắp, ngập ngừng, và cuối cùng thì lúng túng, nói một cách ngớ ngẩn: “ Ủa, Dì nghĩ vậy hả? Thiệt sao? Dì đừng nên nói vậy. ”

Bà Dì quay sang tôi: ” Kumo, Dì nói có chi sai?”

Tôi cười giả lả: “ Sao Dì không hỏi một người nào khác đúng cương vị hơn trả lời cho Dì? Thằng móc túi có bao giờ xin phép người chủ cái ví trước khi móc túi họ đâu kìa. ”

Bà chỉ trả lời một cách thẳng thừng: “ Chị nói đúng đó. Này Abinash, anh qua đây Dì hỏi riêng chút chuyện. Sao, anh nghĩ sao về chuyện đó?”

Sau đó vài ngày, ngay trước mặt tôi, chồng tôi hỏi bà Dì xem bà có biết cô gái nào con cái gia đình đàng hoàng nào thì giới thiệu tới giúp tôi việc nhà cửa. Anh biết mười mươi là tôi đâu cần ai giúp, nhưng tôi giữ yên lặng.

“Úi dào, thiếu gì !”, bà Dì đáp. “ Ông anh họ của Dì có đứa con gái đang vừa tuổi lấy chồng đấy, mà lại ngoan hết sức. Ông bà già nó mà có được anh làm rễ thì mừng lắm đó nghen. ”

Chồng tôi lại cười ngượng nghịu, nói: “ Mà cháu có nói gì chuyện cưới xin đâu nào.”

Bà Dì hỏi: “Anh nghĩ sao mà nói vậy? Có con cái nhà ai đàng hoàng tử tế mà lại khi không chạy vào nhà anh ở mà lại không có cưới xin?”

Chồng tôi phải công nhận bà Dì nói phải, và rồi ngậm im bối rối.

Tôi đứng một mình giữa những cánh cửa đóng kín của sự mù lòa sau khi chồng tôi đã rời khỏi nhà. Tôi ngẩng xin Trời, van cầu Ngài hãy thương xót cứu lấy chồng tôi.

Ít ngày sau đó, khi tôi mới bước ra khỏi phòng nguyện ở nhà trong thì đã thấy bà Dì đến cầm lấy hai tay tôi, vừa cầm vừa nói lớn: “ Kumo, đây là con nhỏ mà Dì nói hôm trước đó. Nó tên là Hemangini. Nó mong gặp chị lắm. Hemo! Tới đây Dì giới thiệu chị con nè. ”

Chồng tôi cùng lúc cũng bước vào phòng. Anh có vẻ ngạc nhiên khi thấy cô gái lạ trong nhà và tính rút lui, nhưng bà Dì đã đon đả: ” Abinash, anh chạy đi đâu vậy? Không cần đâu. Đây là Hemangini, con gái của anh họ Dì tới thăm anh nè. Hemo, cúi đầu chào anh đi con. ”

Làm bộ ngạc nhiên, chồng tôi hỏi dồn bà Dì về cô gái, với những câu tại sao, thế nào, bao giờ …

Tôi thấy rõ cái trơ trẽn của tình thế nên nắm tay Hemangini dắt vào phòng của tôi.

Tôi lấy tay sờ mặt mũi, tay, tóc của cô gái, đoán chừng cô chỉ khoảng mười lăm, rất xinh đẹp.

Thấy tôi sờ mặt, cô bật cười lớn: ” Í, chị làm cái gì vậy? Bộ chị tính thôi miên em hả?”

Giọng cười dòn tan của cô đã quét sạch hết đám mây đen dăng ngang hai chúng tôi. Tôi quàng tay phải qua cổ cô: “Nhỏ à, chị đang tìm cách thấy em đó thôi. ” Và tôi lại dùng tay trái sờ lên khuôn mặt mịn màng của cô.

“ Tìm cách thấy em là sao?” Cô lại cười khanh khách. ” Bộ em là bí ngô trồng trong vườn nhà chị hay sao mà chị phải rờ rẫm để coi thử em có bị mềm không?”

Tôi chợt nghĩ ra là cô chưa biết tôi mù. Tôi nói: “Nhỏ à, chị bị mù em ạ. ”

Cô ngậm câm. Tôi có thể cảm thấy được đôi mắt to ngây thơ của cô tò mò nhìn vào mặt tôi. Tôi biết đôi mắt ấy chứa chan thương hại. Rồi cô tỏ ra nghĩ ngợi, hoang mang, và ngập ngừng nói: “À, giờ thì em hiểu rồi. Đó là lý do vì sao mà chồng chị vời bà Dì tới đây ở, phải không?”

Tôi trả lời: “Không, em lầm rồi. Anh ấy đâu có mời. Tự bà ấy đến thôi. ”

Hemangini lại cất tiếng cười trong trẻo. “ Thiệt đúng là Dì ấy. Tới không ai mời thiệt là ngộ. Nhưng mà khi Dì ấy đã tới nhà rồi, em nói cho chị biết, khó mà mời Dì ấy đi lắm đó nghen. ”

Rồi cô ngưng cười, có vẻ phân vân: “ Nhưng sao ba em lại gởi em tới đây chi vậy? Chị cho em biết được không?”

Đang lúc chúng tôi đang nói chuyện thì bà Dì bước vào phòng. Hemangini hỏi: “ Dì ơi, khi nào thì mình đi về?”

Bà Dì nổi giận: “ Hỏi gì kỳ vậy? Tao chưa thấy đứa nào mà choi choi như mày. Mới tới đã hỏi khi nào về. ”

Hemangini nói: " Đối với Dì thì được vì đây là nhà cháu của Dì. Nhưng con thì sao? Con đã nói với Dì là con không có ghé đây. ” Nói rồi cô cầm tay tôi hỏi: “Chị nghĩ sao chị?”

Tôi kéo cô vào lòng mình nhưng chẳng nói gì cả. Bà Dì thấy khó xử, Bà cảm thấy mình không làm chủ tình thế được, vì vậy bà đề nghị hai dì cháu ra ngoài đi tắm.

“ Không, hai chị em con sẽ đi chung với nhau.“ Vừa nói, Hemangini vừa tựa sát người vào tôi. Bà Dì chịu thua, sợ rằng làm quá thì cô ta sẽ phản đối.

Trong lúc cùng đi xuống sông, Hemangini hỏi: “ Sao chị không sinh cháu nào vậy?”

Câu hỏi của cô làm tôi giật mình. Tôi trả lời: “ Chị làm sao biết được? Trời không ban cho chị cháu nào thì chị chịu thôi. ”

“ Không phải vậy đâu, “ Hemangini nói nhanh. ” Chắc chị phải có làm một điều gì đó tội lỗi lắm. Như bà Dì em kìa. Dì cũng đâu có con. Chỉ tại tâm Dì ấy dữ lắm. Tâm chị có dữ không?”

Câu nói làm tôi đau lòng. Tôi không có câu trả lời nào cho chuyện ác, dữ. Tôi chỉ thở dài não nuột, nói thầm trong lòng: “ Ngài ơi, chỉ có Ngài mới biết lý do tại sao mà thôi. ”

Hemangini la lên: ” Trời đất, làm gì mà chị thở dài vậy. Trước giờ có ai thèm bận tâm xem em nói gì đâu. ”

Tiếng cười của cô vang vọng trên sông.

 

V

Sau vụ này tôi tìm biết được rằng chồng tôi thường hay bỏ ngang việc làm. Anh từ chối không đi xa, và thường khám bệnh nhân một cách vội vàng, ngay cả khi bệnh nhân đang ở gần ngay đó.

Hồi trước, anh chỉ vào nhà trong vào buổi ăn trưa và tối. Nhưng nay, vì lo lắng cho tiện nghi của bà Dì, anh thường ghé thăm bà bất cứ giờ nào. Tôi biết là anh đến phòng bà ngay lúc anh tới bởi vì bà cất tiếng gọi Hemangini đem cho bà cốc nước. Ban đầu thì cô bé cũng vâng lời, nhưng về sau thì cô tuyệt đối từ chối.

Rồi bà trở giọng gọi nhỏ nhẹ: “Hemo, hemo ơi, Hemangini!” Nhưng Hemangini chỉ đeo cứng lấy tôi, thương hại tôi. Cảm giác tội nghiệp, buồn rầu cho tôi làm cho cô ngậm tiếng. Một đôi khi, cô co người tựa vào tôi như một con vật bị săn đuổi, không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình.

Vào thời gian ấy, anh hai tôi từ Calcutta tìm xuống thăm tôi. Tôi biết anh ấy rất có tài quan sát và là một vị quan tòa rất nghiêm khắc. Tôi sợ chồng tôi phải đứng về phía bên bị, phải chống chế trước tòa. Vì vậy tôi quyết định giấu giếm anh tình trạng đang xảy ra bằng cách giả vờ vui vẻ cười nói. Nhưng tôi sợ rằng tôi đã làm hơi quá trớn. Chuyện nói cười rộn ràng đâu phải là cá tính của tôi.

Chồng tôi bắt đầu lộ ra nóng ruột cứ hỏi anh tôi ở lại bao lâu. Cuối cùng, thái độ mất kiên nhẫn của chồng tôi gần như trở thành xấc xược làm anh tôi chẳng có cách gì hơn là giã biệt. Trước khi đi, anh đặt tay lên đầu tôi, để vậy một lúc rất lâu. Tôi cảm thấy tay anh run run và nước mắt nhỏ xuống khi anh cầu lành cho tôi.

Tôi còn nhớ rõ đó là một chiều tháng Tư và là một ngày hội chợ. Dân chúng đến dự chợ đang sửa soạn trở về nhà. Trong không khí có hơi hướm của một cơn bão lớn đang kéo về. Mùi đất ướt và làn gió ẩm tràn ngập không gian. Tôi không bao giờ đốt đèn trong phòng mình, sợ rằng tôi ở một mình, lỡ ra áo quần bén lửa hay tai nạn xảy ra thì sao. Tôi ngồi trên sàn trong căn phòng tối, cầu nguyện với Thượng Đế về thế giới mù lòa của mình.

“ Ngài ơi, ” tôi khóc, “Con không thấy được mặt Ngài, con mù lòa. Con xin vin chặt vào tay lái hướng dẫn của Ngài cho tới khi tay con đẫm máu. Nhưng sóng đánh lớn mạnh quá sức con rồi. Ngài còn thử thách con cho tới khi nào nữa, Ngài ơi, bao lâu nữa đây?”

Tôi gục đầu lên cạnh giường và bắt đầu khóc. Trong khi tôi khóc, tôi cảm thấy thành giường động đậy nhẹ. Rồi cảm thấy Hemangini ngồi bên cạnh tôi. Cô ôm lấy cổ tôi, yên lặng gạt nước mắt cho tôi. Tôi không biết tại sao chiều ấy cô lại ngồi đợi ở nhà trong, hoặc tại sao cô lại nằm một mình ở đó lúc chiều xuống. Cô chẳng hỏi tôi gì, chỉ đặt bàn tay mát lạnh của cô lên trán tôi, hôn tôi, rồi bước ra.

Sáng hôm sau, Hemangini nói với bà Dì khi tôi còn ở đó: “ Nếu Dì muốn ở lại thì cứ việc, nhưng con không ở lại đâu. Con về với người nhà của con đây. ”

Bà Dì bảo cô gái là cô không phải đi một mình, bà cũng đi với cô. Rồi vừa cười, vừa ỏng ẹo, bà lôi ra từ trong một cái hộp nhung một bộ nhẫn gắn hạt trai.

“ Coi này Hemo,” Bà nói “ bộ nhẫn đẹp quá trời này là anh Anibash của Dì mua tặng cho con đó. ” Hemanini giật lấy cái nhẫn trong tay bà Dì: “ Coi này Dì, coi con nhắm có tài không nhen, “ và cô vung tay ném cái nhẫn vào cái bể chứa to ngoài cửa sổ.

Bà Dì sửng sờ, ngạc nhiên, vừa lo, vừa tức, xù lên như con nhím. Bà quay qua tôi, nắm chặt tay tôi.

“ Kumo”, bà cứ nhắc đi nhắc lại mãi, “ chị đừng có mách cái trò trẻ con này cho Anibash nghen. Nó nghe được, nó giận lắm đó. ”

Tôi phải trấn an bà, bảo bà đừng sợ. Tôi sẽ không hở môi nói cho chồng tôi hay đâu.

Hôm sau, trước khi từ giã, Hemangini ôm lấy tôi, và nói: ” Chị yêu ơi, chị nhớ em nha chị, đừng quên em nha chị. ”

Tôi lấy ngón tay rờ đi, rờ lại khuôn mặt của cô và nói: “ Em à, người mù có trí nhớ dai lắm em. ”

Tôi kéo cô sát vào tôi, hôn lên tóc cô, trán cô. Thế giới của tôi bỗng trở nên xám ngắt. Tất cả những gì xinh đẹp, tiếng cười và sự trẻ trung thanh thoát vừa mới thành hình thật gần gũi với tôi đột nhiên tan biến khi Hemangini từ biệt. Tôi cứ vươn tay ra, tìm bắt xem tôi còn lại những gì trong thế giới trống trải hoang vu của mình.

Chồng tôi sau đó đi vào, làm như thể thở phào vì họ đã đi hết ra khỏi nhà, nhưng rõ ràng là anh nói cho có, nói cho cường điệu thôi chứ thật ra là rỗng tuếch. Anh cứ làm như chuyện bà Dì đến thăm nhà đã làm cho anh mất thì giờ không làm việc được.

Trước, chỉ có sự mù lòa của tôi đã ngăn tôi với chồng tôi. Bây giờ lại có thêm một vách ngăn khác nữa, đó là tin tức về Hemangini bỗng nhiên bặt tăm. Chồng tôi làm như lạnh lùng thờ ơ, nhưng tôi biết anh vẫn có thư từ liên quan đến cô.

Đầu tháng năm, một buổi sáng người tớ gái của tôi vào phòng tôi và hỏi tôi: “ Không biết người ta đang sửa soạn làm gì ngoài bờ sông vậy Cô? Mà Ông Chủ đi đâu vậy cô?”

Tôi biết có chuyện gì đó quan trọng lắm, nhưng tôi chỉ nói với cô ta: “ Tôi không nói được. ”

Người tớ gái chẳng dám hỏi thêm, chỉ thở dài đi ra khỏi phòng.

Tối ấy, chồng tôi đến tìm tôi.

“Anh phải đi khám bệnh cho một người dưới quê, ” anh nói. “ Sáng mai anh sẽ phải đi sớm lắm, và chắc cũng phải ở lại đôi ba ngày mới về. ”

Tôi vụt dậy tụt xuống giường, đứng trước mặt anh, la lớn: ” Tại sao anh lại nói dối em?”

Chồng tôi lắp bắp: ” Anh dối, mà anh dối em cái gì?”

“ Anh sắp lấy vợ.

Anh lặng yên không trả lời. Trong một lúc thật lâu, căn phòng im ngặt không một tiếng động. Tôi đánh vỡ cái lặng yên bằng cách la lớn: “ Anh hãy trả lời em đi, hãy nói, đúng vậy đi. ”

Anh trả lời: “ Đúng vậy. ” như tiếng lập lại yếu ớt.

Tôi la to: ” Không, em không cho phép anh. Em phải cứu anh, không để cho anh bị trừng phạt khủng khiếp vì tội lỗi của anh. Nếu em mà không làm được điều này thì em làm sao mà là vợ anh, em làm sao mà thờ phụng đấng tối cao của em được chứ. “

Căn phòng im cứng như một tảng đá. Tôi rũ người xuống sàn, ôm lấy đầu gối chồng: “Em đã làm gì?” Tôi hỏi. ” Em đã không hoàn tất điều gì? Anh hãy nói thật cho em biết. Vì cớ gì mà anh phải kiếm một người vợ khác?”

Chồng tôi nói một cách chậm rãi: “ Để anh nói thật cho em nghe. Anh sợ em. Sự mù lòa của em đã nhốt em vào trong như một cái pháo đài mà anh không có cách gì tìm lối vào được. Với anh, em không còn là một người đàn bà bình thường. Em như là Đấng Thiêng Liêng của anh. Anh không thể sống đời sống thường ngày với em được. Anh cần một người đàn bà, một người đàn bà bình thường, một người để anh được tự do la rầy, tâm sự, âu yếm, cau có. ”

Trời ơi, hãy vạch tim tôi ra mà xem ! Tôi có là gì khác hơn một người đàn bà bình thường? Tôi vẫn là đứa con gái như lúc tôi vừa mới làm đám cưới, đứa con gái rất cần mọi thứ để tin tưởng, để phó thác, và để thờ phụng.

Tôi không nhớ một cách chính xác những lời tôi thốt ra. Tôi chỉ nhớ rằng tôi đã nói: “Nếu em là một người vợ đúng nghĩa, xin Trời hãy chứng giám cho em, xin anh đừng làm điều ấy, xin anh đừng bẻ gãy lời thề. Trước khi anh phạm tội, hoặc là em sẽ trở thành bà góa, hoặc Hemangini sẽ chết. ”

Tôi lại ngã xuống sàn, ngất đi. Khi tôi tỉnh dậy, trời vẫn còn tối. Chim chóc lặng yên. Chồng tôi đã ra đi.

Suốt ngày hôm ấy, tôi ngồi trước bàn thờ trong phòng nguyện ở nhà trong. Đến chiều, mưa, bão, sấm, sét ào ào quét qua nhà, lắc căn nhà rung lên từng chập. Rạp người trước bàn thờ, tôi không xin Trời cứu chồng tôi khỏi cơn bão, dù rằng tôi biết anh đang nguy hiểm ngoài sông kia. Tôi chỉ cầu xin cho dù tôi có mệnh hệ nào, cũng xin Ngài cứu anh khỏi tội anh sẽ phạm.

Đêm qua đi. Suốt cả ngày hôm sau tôi cũng vẫn ngồi một chỗ cầu nguyện. Chiều đến, có tiếng lay cửa, đập cửa ồn ào. Khi tông cửa ra, người ta thấy tôi nằm ngất dưới đất bèn khiêng tôi về phòng.

Cuối cùng khi tôi đã hoàn toàn tỉnh táo, tôi nghe có người thì thầm trong tai tôi: “Chị ơi!”

Tôi thấy tôi đang nằm trong phòng mình, kê đầu lên gối của Hemangini. Lúc tôi nhúc nhích đầu mình, tôi nghe tiếng soàn soạt của lụa, thứ lụa may áo cưới.

Trời hỡi Trời, lời cầu xin của tôi chẳng được đáp. Chồng tôi đã rơi vào tội lỗi.

Hemangini cúi đầu xuống, thì thầm: ” Chị thương mến ơi, em tới đây để xin chị ban phước lành cho cuộc hôn nhân của chúng em đây. ”

Lúc đầu, người tôi đông cứng lại như thể một cây gỗ mà thân vừa bị sét đánh cho bật rễ. Nhưng rồi tôi ngồi dậy, đau đớn nói: ” Tại sao chị lại không chúc phúc cho em chứ. Em có làm gì sai đâu?”

Hemangini cười phá lên vui vẻ: “Sai! Khi chị lấy chồng thì cái gì cũng là đúng. Tới phiên em lấy chồng thì chị lại gọi rằng sai !”

Tôi gượng cười theo cô, lòng thầm nhủ: “ Lời con cầu thật ra cũng chẳng phải là lời chung cuộc. Ý nguyện của anh ấy mới là lời quyết định. Xin Trời hãy trừng phạt con đây, nhưng xin họ để yên cho con giữ vững niềm tin và hy vọng vào Trời không lay chuyển. ”

Hemangini cúi người trước mặt tôi, chạm tay vào chân tôi. Tôi nói: “ Chị cầu cho em được hạnh phúc,” tôi làm dấu ban phép lành cho cô, “ và luôn luôn sống trong thịnh vượng. ”

Hemangini vẫn chưa chịu hài lòng: “ Chị ơi, chị chỉ cầu phúc cho em thôi thì chưa đủ. Chị phải làm cho hạnh phúc của chúng em được hoàn toàn. Chị phải chấp nhận cho chồng em vào dưới mái nhà chị, hãy dùng bàn tay thánh thiện của chị mà chúc phúc cho anh ấy nữa chị nhé. Để em đưa anh ấy vào nha chị? ”

Tôi nói: “ Được rồi em. Em đưa anh ấy vào đi. ”

Môt lúc sau, tôi nghe tiếng bước chân rất quen tiến vào và rồi câu hỏi: “ Kumo, em khỏe không?”

Tôi giật mình vùng dậy, cúi rạp sát người xuống sàn, kêu lên: “ Anh hai! ”

Hemangini bật cười lớn: “ Giờ này mà chị còn gọi là anh hai à? Trật lất! Phải gọi là Em trai, véo tai, cù ảnh, bởi vì ảnh lấy em gái của chị mà ! “

Giờ thì tôi hiểu rồi. Chồng tôi đã được cứu thoát. Anh đã không phạm tội.

Tôi biết trước kia anh tôi đã quyết định là không bao giờ lập gia đình. Đến khi mẹ tôi mất đi, bà cũng chưa hề nhắc đến lời cầu xin anh lấy vợ. Nhưng chính vì tôi, đứa em gái của anh, nỗi đau khổ của tôi đã làm anh bỏ qua ý nguyện của anh. Anh lập gia đình chỉ vì thương tôi mà thôi.

Nước mắt vui mừng ứa lên mắt tôi, tràn xuống má. Tôi cố hết sức mà vẫn không ngăn được. Anh hai tôi vuốt tóc tôi, còn Hemangini thì ôm lấy tôi mà cười lớn.

Suốt đêm ấy, tôi nằm thao thức không ngủ được, lo lắng đợi chồng về. Tôi khó mà tưởng tượng được chồng tôi sẽ xấu hổ và thất vọng đến thế nào.

Đến thật khuya, cửa phòng tôi mở ra nhè nhẹ. Tôi ngồi dậy trên giường, lắng nghe.

Đó là tiếng chân của chồng tôi. Tim tôi đập hỗn loạn trong ngực. Anh đến bên giường, ôm tay tôi trong tay anh:

“ Anh hai của em đã cứu anh khỏi bị hủy diệt. Anh đã bị kéo xuống càng lúc càng thấp chỉ vì một lúc cuồng điên. Sự mê đắm đã quàng vào anh, làm anh không sao thoát được. Chỉ có Trời mới biết được anh đã mang nặng những gì khi anh bước xuống tàu hôm ấy. Bão tràn xuống sông, che cả bầu trời. Giữa cơn hãi hùng, anh chỉ mong cho anh được chết đuối cho rồi, để gỡ ra được những sợi dây rối rắm mà anh đã tự cột vào người. Khi anh tới Mathurganj, anh nghe cái tin đã làm cho anh thấy mình tự do. Đó là tin anh hai đã lấy Hemangini. Anh không thể nào kể cho em nghe được nỗi hân hoan và xấu hổ của anh khi nghe tin đó. Anh vội vã leo lên tàu trở lại. Trong phút giây được giải thoát ấy, anh hiểu rằng anh không thể nào hạnh phúc khác hơn với ai, trừ em. Em là Nữ Thánh của anh. "

Tôi vừa cười vừa khóc, nói với anh: ” Không, không, không. Em không còn muốn làm Thánh nữa đâu. Em chỉ muốn làm người vợ nhỏ bé của anh thôi. Em chỉ là người đàn bà bình thường thôi. ”

“ Em yêu, ” chồng tôi nói. ”Anh cũng muốn nói cho em nghe điều này. Đừng có làm anh mắc cỡ bằng cách gọi anh là Ông Trời của em nữa. ”

Ngày hôm sau, cái thành phố nhỏ bé thật là tưng bừng với tiếng chuông ngân nga, nhưng chẳng ai nhắc nhở gì tới cái đêm cuồng điên ấy, đêm mà suýt nữa mọi thứ đều tiêu vong.