Home Phiếm Các Tác Giả Cái nhà cầu

Cái nhà cầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Bảy, 04 Tháng 10 Năm 2008 05:41

Huy Phương

 

 Thường thường tôi mang tiếng viết tạp ghi “đứng đắn và hiền lành”. Đứng đắn và hiền lành có nghĩ là không nói cái gì “tục”, cái gì “bẩn”, và những cái gì “ác”, nhưng hôm nay tôi bắt buộc phải viết về cái nhà cầu, nói theo nhiều cách là cái nhà “xí”, cái “cầu tiêu”, nhà “vệ sinh” hay là cái “lăng Bác” tùy theo ý thích của mỗi người. Chính cô Pamela Badcock 35 tuổi ở tiểu bang Kansas đã có cho tôi sự hứng thú để viết về cái nhà cầu. Tính cô nhút nhát và yếu đuối, thuở nhỏ, mỗi khi có cái gì lo lắng, sợ hãi thì cô chui vào ngồi ở trong nhà cầu. Bốn bức vách của cái nhà cầu có thể che chắn cho cô xa sự sợ hãi, có lẽ điều này ám ảnh cô nên từ hai năm nay, cô đã vào “ngồi” luôn trên cái bàn cầu, ăn uống, ngủ và làm việc “tiểu, đại” ngay trên cái bàn cầu đến nỗi da thịt cô muốn dính luôn vào mặt bàn cầu, khiến người ta phải cưa luôn cái chỗ cô ngồi để đem theo cô vào bệnh viện.  

Tôi hiểu và thương cô, vì thời thơ ấu tôi cũng đã có những thảm kịch gia đình vì sự bạo hành trong gia đình. Mỗi lần tôi nghe tiếng khóc thét kêu gào của mẹ tôi, chỗ mà tôi có thể ẩn náu duy nhất trong cái nhà này là cái cầu tiêu nằm tuốt sau vườn nhà. Đêm khuya, tôi có thể sợ ma, sợ bóng tối nhưng tôi còn sợ hơn tiếng la khóc của mẹ tôi và những đứa em đang thức giấc, ôm choàng lấy nhau. Tôi nhỏm dậy, xuống giường và chạy vội, mở cửa ra vườn, chui vào cái cầu tiêu dựng bằng tre tranh đầy bóng tối. Ở đây, tôi chỉ cần bịt tai lại là không còn nghe gì nữa hoặc nghe những tiếng la khóc rất mơ hồ. Cũng có lúc tôi ngồi co rúm, yên lặng rồi ngủ quên, sau đó có lẽ khá lâu, thức giấc giữa tiếng côn trùng trong khu vườn vào ban khuya, cảm thấy run lên vì sợ hãi, tôi lại vùng chạy vào nhà và tiếp tục vùi đầu trong giấc ngủ, không còn nhớ gì những chuyện đã qua. Ở nhà quê, tuy vẫn có một nhà cầu sau vườn, nhưng mỗi khi đi học về buổi chiều, hay những ngày nghỉ học tôi vẫn có cơ hội hưởng được cái sướng sau “nhất Quận Công” (1) của một thời thơ ấu.  

Cầu tiêu quả là một cõi riêng biệt, nghỉ ngơi trong tĩnh lặng (rest in peace), vì trong những ngày tù tội, đang lao động nặng nhọc, thỉnh thoảng đưa tay kêu toáng lên với bọn canh tù, xin đi cầu một cái. Ở trong một cái bụi rậm nào đó, khuất xa cái bản mặt mấy đứa AK kè kè trong tay và cả thằng đội trưởng “lấy điểm”, chăm chăm lo cho đủ chỉ tiêu, mình có thể “phè cánh nhạn” ít ra cũng được dăm ba phút nhàn tản trong cái đời tù khốn nạn, “tai nghe chim hót trên cành cây, mắt trông bướm lượn trên bãi cỏ”. Những ngày mới đến Mỹ, đi làm hãng đứng suốt hằng giờ, tứ chi ê ẩm, thì cầu tiêu cũng là cái “cõi riêng” để có thể “thư giản” đôi chút. Vậy thì cái cầu tiêu đâu có gì là dơ bẩn, thối tha. Tuy vậy nhưng bây giờ nghĩ lại cái lối ngồi phải bẻ gập đầu gối lại, ép cái bụng vào đôi vế thì chắc không có ai làm được. Cứ nhìn cái cầu tiêu nhà bà mẹ trong cuốn phim ngắn “Daughter from Danang” chiếu mấy năm trước đây mà thấy cả một dĩ vãng kinh hoàng.

 Vào đến Saigon tôi mới thấy người ta làm nhà cầu ngay trong nhà ở, không riêng biệt như những nhà vườn ở Huế, có dịp sang tới Mỹ lại thấy giá như kẹt có ngủ ở trong cầu tiêu cũng chẳng sao, nếu nhớ lại những tháng ngày cũ đi xe lửa ở Việt Nam, hành khách nằm ngồi chen chúc, phải ngủ trên cả lối đi, sát cánh cửa ra vào cầu tiêu trên toa xe. Tôi lại có dịp nhận xét vì sao ở Pháp và ở Úc, người ta lại phải rắc rối làm cái cầu tiêu riêng biệt với cái phòng tắm vừa choán diện tích, vừa bất tiện cho những người đi cầu muốn tắm hay người tắm muốn đi cầu. Tôi cũng đã trông thấy tại nhà một người bạn ở Paris, một cái bồn tiểu được xây bên cạnh một cái bồn cầu, y như chuyện một nhà thông thái khoét hai cái lỗ, một lớn một nhỏ ở cánh cửa và giải thích với người hàng xóm hỏi chuyện là cái lỗ lớn cho con chó to, và cái lỗ nhỏ cho con mèo cưng của ông. Ở Mỹ, thì phòng tắm được hiểu như là cái cầu tiêu, vì tuy hai mà một. 

 Ngày xưa ở Việt Nam dù một gia đình có hai chục người đi nữa thì cũng chỉ có một cái nhà cầu, cũng như những ngôi nhà xây đựng đã quá lâu ở Mỹ có khi bốn phòng ngủ mà chỉ có một nơi làm vệ sinh. Cứ nghĩ mỗi buổi sáng thức dậy đi làm mà cái nhà cầu đang kẹt người thật là đại nạn, cho nên ngôi nhà lý tưởng ngày nay là một ngôi nhà có ba phòng ngủ nhưng có đến bốn phòng tắm (cầu tiêu) vì một còn dành cho khách, và người mua nhà ai cũng biết đến con số bathroom: 3, 2.25, 2.50 hay 2.75. Thì ra càng văn minh chừng nào thì người ta xem chuyện ấy là quan trọng. Có lẽ ngày xưa ở Việt Nam, việc đi làm quá nhàn hạ, kẻ trước người sau, có nín đi một tí cũng được, mà không nín thì có bụi chuối hay gốc cây nào đó sau vườn cũng xong. 

 Bây giờ người Việt cũng có cái lối đọc sách trong nhà cầu như Âu Mỹ mới ác. Vào nhà những người quen, không thấy tác phẩm của mình nằm trong kệ sách mà nằm trong nhà cầu, nếu là tác giả của những cuốn sách ấy, bạn nghĩ sao? Bạn có than phiền với gia chủ là đã coi thường văn chương của mình, xếp vào loại chỉ đáng đọc trong nhà cầu không, hay là lặng lẽ thu vào tay áo đi thủ tiêu mà không cho chủ nhà hay. Trước đây cũng đã có ông nhạc sĩ nói là mình chỉ sáng tác nhạc trong cầu xí, vẫn có người ầm ầm khen hay, thì văn chương của ta được đọc trong nhà cầu cũng là vạn hạnh lắm rồi, còn hơn là bị mang đi gói xôi hay mắm ruốc. 

Ký giả Bùi Bảo Trúc có kể chuyện một nhà xuất bản rất thành công với những cuốn sách “Bathroom Reader”, những cuốn sách với bài viết ngắn vừa đủ làm xong chuyện ở dưới (?), thì ở trên cũng đọc xong. Không biết “bạn tôi” có ám chỉ ai không, nhưng chuyện ấy cũng làm cho tác giả bài tạp ghi này cũng giật mình, vì mình cũng có thói quen viết ngắn, vừa đủ thời gian, không lỏng mà cũng không đặc.  

(1)“...nhì ỉa đồng”.