Home Tin Tức Thời Sự Những tiểu bang nào quyết định?

Những tiểu bang nào quyết định? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Chúa Nhật, 05 Tháng 10 Năm 2008 06:15

Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 02, 2008


Ngày hôm qua, ban vận động của Nghị sĩ John McCain đã giảm số phim quảng cáo trên truyền hình và rút bớt nhân viên ra khỏi tiểu bang Michigan. Họ sẽ chuyển tài nguyên và nhân lực sang các tiểu bang Wisconsin, OhioFlorida.

Tất nhiên, đây là một cách đối phó với tình trạng số cử tri ủng hộ ông McCain, nghị sĩ tiểu bang Arizona, đang xuống thấp so với ông Barack Obama. Trên toàn thể nước Mỹ, cộng kết quả các cuộc nghiên cứu dư luận rồi chia lấy trung bình, ông nghị sĩ Illinois đang dẫn trước trên 5 điểm (49% - 43.3%).

Nhưng tại sao ông McCain lại chọn Michigan để rút quân và 3 chọn tiểu bang kia làm nơi tập trung hỏa lực? Nguyên nhân chính, là do hệ thống bầu cử của nước Mỹ. Hiện nay trong 50 tiểu bang có một số tiểu bang sẽ đóng vai quyết định ai làm tổng thống Mỹ năm tới.

Dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu bầu sau cùng là của các tiểu bang. Ðại biểu của các tiểu bang họp thành Cử Tri Ðoàn (electoral college) để bỏ phiếu. Mỗi tiểu bang được quyền bỏ một số phiếu nhất định, lớn bằng con số nghị sĩ (2 phiếu cho mỗi tiểu bang) cộng với con số dân biểu (cao thấp tùy theo dân số). Ứng cử viên tổng thống chiếm đa số ở tiểu bang nào sẽ nhận được tất cả số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó. Dù ông Obama thắng ở New York với tỷ số nào, ông cũng sẽ nhận được tất cả 31 phiếu cử tri đoàn của New York. Dù ông McCain thắng ở Texas nhiều hay ít ông cũng được hưởng tất cả 34 phiếu ở đó. Năm nay cả nước sẽ có 538 phiếu cử tri đoàn; ứng cử viên nào chiếm được 270 phiếu sẽ thành tổng thống (Nếu mỗi người được 169 phiếu, các dân biểu Hạ Viện sẽ quyết định). Người quan sát cần đếm số phiếu cử tri đoàn mỗi ứng cử viên đang chiếm được, nó quyết định thắng bại.

Nhìn vào kết quả nghiên cứu dư luận ở từng tiểu bang, hiện giờ đã có thể đoán ứng cử viên nào chắc chắn thắng ở đâu. Nếu ai dẫn trước đối thủ trên 10 điểm thì chắc sẽ thắng ở tiểu bang đó. Thí dụ tại Texas (34 phiếu) ông McCain đang được trên 48% cử tri tín nhiệm, ông Obama được dưới 38%, tỷ số đó khó thay đổi. Ở Massachusetts (12 phiếu) Obama được 52% so với 38% cho McCain, cũng chắc chắn.

Nếu chỉ chênh lệch từ 5 đến dưới 10% thì hy vọng thắng, nhưng vẫn chưa được coi là chắc chắn vì trong một tháng sẽ còn nhiều thay đổi. Nếu một ứng cử viên chỉ dẫn trước đối thủ với số chênh lệch dưới 4% hay 5% thì coi như chưa quyết định. Ðó là những tiểu bang được coi là “ngang ngửa.” Cả hai ứng cử viên sẽ phải dồn sức vận động trong một tháng cuối cùng này ở các tiểu bang này.

Thời gian một tháng có thể làm nhiều cử tri đổi ý kiến. Họ thay đổi vì các ứng cử viên vận động ráo riết hơn, hoặc dùng các độc thủ nặng nề hơn, những đòn gây ấn tượng mạnh nhất sẽ được đưa ra gần ngày chót để khi bỏ phiếu dân chúng chưa quên. Những biến cố bên ngoài bất ngờ cũng có thể chuyển hướng mối quan tâm của người dân Mỹ. Năm 1980, Tổng Thống Regan chỉ được chiếm ưu thế trong dư luận 5 ngày trước khi bỏ phiếu. Cho nên trong một tháng cuối cùng này cả hai ứng cử viên sẽ chú trọng đến những tiểu bang nào còn ngang ngửa. Ðó là những tiểu bang nào?

Một mạng lưới theo dõi bầu cử đáng tin cậy là RealClearPolitics (RCP) đã phân loại 50 tiểu bang ở Mỹ làm ba loại: Chắc chắn (cho mỗi ứng cử viên); Có thể (cho một trong hai người); và Ngang ngửa (Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào).

Cho đến ngày hôm qua, RCP nhận thấy khi tính những tiểu bang có vẻ chắc chắn chọn ai rồi, Nghị Sĩ John McCain đã kiếm được 158 phiếu cử tri đoàn; còn Nghị Sĩ Barack Obama đang có 171 phiếu. Có 7 tiểu bang nghiêng về một trong hai người, với 93 phiếu cử tri đoàn, trong đó ông Obama đang được nhiều hơn. Nhưng trên toàn thể nước Mỹ, còn khoảng 9 tiểu bang nữa mà tình trạng còn ngang ngửa. Tổng cộng các tiểu bang này còn 116 phiếu cử tri đoàn để cho hai ông McCain và Obama chiếm lấy, từ nay cho tới ngày bỏ phiếu.

Trong số 9 tiểu bang ngang ngửa này, có 8 tiểu bang đã bầu cho Tổng Thống Bush năm 2000 (Ohio, Nevada, New Hampshire, Virginia, North Carolina, Missouri, Indiana và Florida), đến năm 2004 ông Bush bị thua ở New Hampshire. Tiểu bang Minnesota đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ trong hai năm đó, nhưng năm nay cũng thuộc loại ngang ngửa. Từ Mùa Hè đến nay, hai ứng cử viên tổng thống dùng mọi phương tiện để bảo vệ những thành trì là những tiểu bang đã bầu cho đảng mình trước đây. Ðồng thời, họ ách tấn công và chiếm lấy những tiểu bang vốn thuộc đảng kia.

Trước Tháng Tám, ban vận động của Nghị Sĩ John McCain đã nhắm tấn công tiểu bang Michigan vì nhận thấy những điểm yếu kém của ông Barack Obama ở đây. Michigan đã bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ trước đây, nhưng tỷ số thắng thấp (3 đến 5%). Năm 1980 Tổng Thống Reagan đã thắng cử nhờ những người lao động da trắng ủng hộ, mà Michigan là một nơi dẫn đầu. Năm nay ông Obama đã không tranh cử sơ bộ ở Michigan, để cho bà Clinton độc chiếm, cho nên ông ta không có một hệ thống cơ sở trong tiểu bang này. Ngược lại, ông McCain đã thắng cử sơ bộ ở Michigan năm 2000 (hơn ông Bush) và năm 2008. Một trọng điểm khác là vấn đề mầu da.

Các cuộc nghiên cứu cho biết cử tri da trắng dễ bị mầu da ảnh hưởng nhất là khi họ sống ở những vùng mà mối bất hòa chủng tộc căng thẳng, vì những nạn trộm cắp, bạo loạn, băng đảng. Ngược lại, ở những nơi không có những vấn đề xã hội vì lý do chủng tộc thì người da trắng không mấy ai phân biệt mầu da. Oregon là một tiểu bang không thấy vấn đề chủng tộc, ông Obama đang thắng điểm ở đó. Còn tại Michigan thì từ lâu mầu da là một vấn đề xã hội căng thẳng, có khi ngấm ngầm, có khi bùng nổ. Khi nhìn thấy ông Obama chỉ dẫn trước vài điểm, ban vận động của ông McCain từ Tháng Chín đã tấn công Michigan để khai thác các nhược điểm của đối thủ.

Nhưng tình trạng kinh tế đã thay đổi bản đồ tranh cử, vì cuộc khủng hoảng tài chánh đang diễn ra đã khiến nhiều người hết tin tưởng vào chính phủ Bush, một chính phủ Cộng Hòa. Cơn thoái trào hiện nay ảnh hưởng tới kinh tế Michigan rất nặng. Tỷ số thất nghiệp ở Michigan cao nhất trên toàn quốc; tỷ số số nhà bị sai áp cao gấp đôi toàn quốc. Trong hai tuần qua số người ủng hộ ông Obama đã tăng, lên tới số chênh lệch 7% (49 - 42).

Ðó là một lý do khiến ông McCain mới rút bớt quân khỏi Michigan. Nhưng có lẽ lý do quan trọng hơn là ông thấy cần bảo vệ hai thành trì của mình đang bị địch tấn công. Ngày Thứ Ba, có những cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy ông Obama đã dẫn trước ông McCain ở hai tiểu bang Ohio và Florida. Giữa Tháng Chín, ông McCain còn trên chân ở Florida (3%) và Ohio (2%). Tuần này, ông Obama đã vượt lên, hơn 7%. Ðó là hai tiểu bang then chốt đối với ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa, ông Bush đã thắng ở đó. Ðể mất về tay đối thủ thì hết hy vọng. Cho nên ông McCain đã phải thu quân các nơi về củng cố lại hai mặt trận này.

Có thể làm mấy con tính để thấy tình thế buộc ông McCain phải chuyển quân. Trước hết là xem binh tình bên địch. Ông Obama đang ăn chắc 171 phiếu, còn ông McCain được 158 phiếu, ở những tiểu bang nghiêng hẳn về một bên. Ông Obama có thể thắng ở những tiểu bang đang hơi nghiêng về phía ông, trên 5%. Ðó là Michigan (17 phiếu cử tri đoàn), Pennsylvania (21 phiếu), Washington (11), New Mexico (5), New Jersey (15). Ðem cộng với các tiểu bang chắc chắn, ông sẽ được thêm 69 phiếu cử tri đoàn, cộng với 171 thành 240 phiếu. Ông McCain sẽ tính toán rằng nếu để mất Florida (27 phiếu) thì ông Obama sẽ có 267 phiếu, chỉ cần chiếm thêm được New Hampshire (4 phiếu) nữa là lên trên con số 270! Nếu ông Obama thua Florida nhưng chiếm được Ohio (20 phiếu) thì cũng thành 260 phiếu cử tri đoàn, ông ta chỉ cần đoạt được Minnesota (10 phiếu) nữa là ăn chắc!

Tóm lại, trong tháng cuối cùng của cuộc tranh cử, chúng ta không cần chú ý đến mặt trận toàn quốc mà chỉ cần theo dõi dư luận ở những tiểu bang ngang ngửa để đoán kết quả sau cùng ra sao. Các cuộc nghiên cứu dư luận cũng có thể sai vì chỉ làm theo phương pháp thống kê chứ không hỏi ý kiến tất cả mọi người, đưa ra kết quả cao hay thấp 3% so với sự thật, gọi là sai số. Vì thế những mức chênh lệch 5%, 6% không đáng tin cậy lắm.

Hai ứng cử viên sẽ còn phải vận động gay go trong bốn tuần lễ sau cùng này. Họ sẽ còn nhiều đòn ngầm, đòn hiểm chưa đưa ra. Còn 2 cuộc tranh luận giữa hai ông McCain và Obama, sau khi ông Biden và bà Palin đã lên đài. Chưa biết trên thế giới còn có biến cố nào sẽ làm cho dân Mỹ lo lắng! Bầu cử là một hoạt động quan trọng của chế độ dân chủ tự do. Ðối với người quan sát, còn là một hoạt cảnh rất hào hứng.