Home Văn Học Tùy Bút Tết Nhất

Tết Nhất PDF Print E-mail
Tác Giả: GS Nguyễn Hữu Quang   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 20:12

Tháng giêng ăn Tết ở nhà, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

Nhân dịp Tết Kỷ-mão, xin thử phân-tích tiếng Nôm ghép Tết Nhất, thường được dùng trong khẩu-ngữ "Tết Nhất đến nơi rồi". Theo cố-giáo-sư Lê Ngọc Trụ tiếng Tết là do chữ Nho tiết 節 sinh ra và Tết Nhất là nôm hoá tiếng đôi tiết-nhật còn gọi là lễ-tiết, nghiã là ngày lễ (Pháp-ngữ là nói là fête hay jour férié, Anh-ngữ nói là holidays).

Trước thế-kỷ thứ 17, tiếng Việt còn nhiều song-tiết (một tiếng đọc thành hai âm-tiết). Như trong Tiếng Nôm tối cổ  % mà cổ-nhân khi viết chữ theo cột đã vô-tình phân thành hai chữ 文 郎 Văn-lang, nguyên đọc là mlang (vì chữ  văn chỉ là chỉ là phù-hiệu của thanh mẫu ml) và có nghĩa là làng. Người Mường (Mlường < mlàng) có nghĩa là người làng, vì chẳng qua họ là người Việt chính-cống, rút lên rừng núi, chống giặc ngoại-xâm phương bắc. Quan lang chính là viên quan của làng. Hai vị anh-hùng dân-tộc đánh đuổi giặc Minh về Kim-lăng đều là người Mường 100%: Bình-Định-Vương Lê Rị (người đời sau vì kỵ húy đọc trại thành Lị rồi Lợi), nguyên-quán làng Lam-sơn, huyện Lương-giang, phủ Thọ-xuân, tỉnh Thanh-hóa. Tôi vụng nghĩ Ngài nguyên-quán làng Bản-thủy, phủ Quảng-xương tỉnh Thanh-hoá bởi chưng phương-ngữ làng này rất đăc-biệt vỉ tôi có nghe qua hồi đi tản-cư. Còn Ức-trai Tiên-sinh nguyên-quán làng Chi-ngại, huyện Phượng-sơn (Chí-linh), tỉnh Hải-dương. Ngày nay dân Thái-lan (Thailand) vẫn gọi nước của họ là Mường-Thái. Ngay đến quốc-danh của nước rộng nhì thế-giới là Canada cũng có nghĩa là làng! Thế mới hiểu tại sao “phép vua thua lệ làng”. Làng cũng có nơi gọi là láng, như phủ Thọ-xuân, Thanh-hoá, có láng Xuân-phả, láng Yên-lãng v.v. Ngoại-ô Sài-gòn cũng có láng Thọ (người Pháp viết thành Lantho, người Việt tái-phiên-âm thành Lăng-tô: sự đời khéo lắm trò quanh quẩn!).

Cho nên khi đọc thơ cuả Đại-Việt-nho Nguyễn Trãi (Quốc-âm Thi-tập) hay cuả Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh-Khiêm (Bạch-vân Quốc-ngữ-thi), ta thường bắt gặp vài câu thơ sáu chữ bắt làm bẩy chữ như:

Phú-quý co-seo, sương ngọn cỏ

(QÂTT, Bài số 73 trong bản Nôm cuả Ân-sư, Cụ Sơn-mai Hoàng Khôi).

Tiếng Nôm cổ co-seo, đọc nhanh thành "kseo", nay đổi thành seo hoặc teo, có nghiã là co lại, săn lại. Tôi vụng nghĩ câu thơ này thoát ý từ câu thơ Đỗ Phủ, trong bài Tống Khổng Sào Phủ:

Phú-quý hà như thảo đầu lộ.

 富   貴   何   如   草   頭   露。

Nghiã là:   
Phú-quý như sương đầu ngọn cỏ.

Chữ Nôm kseo viết với chữ liêu có dấu âm cự 巨 (k) phủ đầu.

Chữ Nôm "Tết" vì mượn tự-hình cuả chữ Hán "tiết", nên có thể đọc thành năm âm: tiết (tiết trời, tiết tre), tét (bánh tét), Tết (giỗ Tết, Tết chạp), tít (xa tít mù tắp), tịt (tịt ngòi). Vì hai âm "tít, tịt" nghe không được thanh-nhã cho lắm, nên bị loại ngay vòng đầu.

Trên lý-thuyết, tiếng "tiết" gồm cả hai nghiã thời-không: trong không-gian, "tiết" là mấu (tiết tre), là gióng (lóng), là đốt; trong thời-gian, "tiết" lại là thời khoảng chia theo khí-hậu. Thí dụ kép: 24 tiết-khí vừa là 24 tiết-điểm phân-bố đều trên quỹ-đạo hình ellipse cuả trái đất, vừa là 24 thời-điểm dương-lịch trung-bình cuả một năm tiết-khí 節氣: Đông-Chí 冬至 (21-22.12); Tiểu-Hàn 小寒 (5-6.01), Đại-Hàn 大寒 (20-21.01); Lập-Xuân 立春 (4-5.02), Vũ-Thủy 雨水 (19-20.02); Kinh-Trập 驚蟄 (5-6.03), Xuân-Phân 春分 (21-23.03); Thanh-Minh 清明 (4-5.04), Cốc-Vũ 穀雨 (19-20.04); Lập-Hạ 立夏 (5-6.05), Tiểu-Mãn 小滿 (21-22.05); Mang-Chủng 芒種 (6-7.06), Hạ-Chí 夏至 (21-22.06); Tiểu-Thử 小暑 (7-8.07), Đại-Thử 大暑 (23-24.07); Lập-Thu 立秋 (7-8.08), Xử-Thử 處暑 (23-24.08); Bạch-Lộ 白露 (7-8.09), Thu-Phân 秋分 (21-23.09); Hàn-Lộ寒露 (8-9.10), Sương-Giáng 霜降 (23-24.10); Lập-Đông 立冬 (7-8.11), Tiểu-Tuyết 小雪 (22-23.11); Đại-Tuyết 大雪 (7-8.12). Do hiện-tượng tuế-sai (Precession of the equinoxes), điểm xuân-phân đi giật lùi rất chậm trên hoàng-đạo với chu-kỳ dài khoảng 26000 năm.

Hay như tiết Thượng-nguyên (Rằm tháng giêng), tiết Trung-nguyên (Rằm tháng bẩy), tiết Hạ-nguyên (Rằm tháng chín), tiết xuân, tiết hàn-thực, mùng ba tháng ba, ăn đồ nguội: Đêm đêm hàn-thực ngày ngày nguyên-tiêu (Lý Văn Phức).

Người Tầu thì có: Tư-pháp-tiết (11.01), Nông-dân-tiết (4.02), Hí-kịch-tiết (15.02), Quân-nhân-tiết (3.09), Giáo-sư-tiết (28.09) tức ngày đản-sinh cuả Đức Khổng-phu-tử, Song-thập-tiết (10.10), Thế-giới Nhân-quyền tiết (10.12) v.v.

Chính ngày mùng Một Tết Hán-văn gọi là Nguyên-đán hay Nguyên-nhật, chứ không gọi là Nguyên-đán-tiết, trong khi tiếng Việt lại gọi là Tết Nguyên-đán.

Trong mấy chục tiếng ghép với tiết trong tiếng Việt chỉ có hai ngoại-lệ là Tết Đoan-ngọ (mùng năm tháng năm) và Tết Trung-thu (Rằm tháng tám), mà bài ca-dao dẫn thượng nói là:

Ăn Tết Đoan-ngọ trở về tháng năm.

Và: Tháng tám chơi đèn kéo quân …

Điều đó cũng dễ hiểu, vì đối với trẻ con từ Tết nọ đến Tết kia lâu quá, nên người lớn mới đặt ra hai Tết này để trẻ con có dịp vui chơi. Ngày xưa, Tết Đoan-ngọ trẻ con đươc ăn cơm nếp giết sâu bọ và được đeo bù-tu, bù túi. Còn Tết Trung-thu thì được ăn bánh Trung-thu đủ loại, chơi con giống, rước đèn Trung-thu, xem đèn kéo quân.

Sau này đôi khi tiếng Tết bị lạm-dụng, như khi nói Tết Độc-lập, Tết Congo …

Danh từ tét dùng để chỉ một loại bánh nếp hình trụ có nhân đậu xanh và thịt heo như bánh chrưng, có mặt khắp ba miền Bắc, Trung, Nam từ trước thời Pháp-thuộc chứ không phải như người ta thường tưởng lầm là chỉ có tại hai miền Trung và Nam, vì ở ngoài Bắc có bánh tầy (tày) là loại bánh tét lớn, và ngược lại bánh tét là bánh tầy nhỏ.

Còn tét khi là động-tự có nghiã là dùng dây lạt buộc bánh, cắt bánh ra làm nhiều miếng. Tét bánh trưng thì cắt bánh ra làm chin miếng như chin ô cuả Lạc-thư, tức thần-phương bậc ba vậy. Ai có đọc Lĩnh-Nam Chích-quái 嶺南摭怪 (LNCQ) cuả Trần Thế Pháp, một Việt-nho không biết sống về thời nào (hai Hán-nho Vũ Quỳnh và Kiều-Phú chỉ là người nhuận-sắc), cũng đều biết truyện "Bánh chưng, bánh tét" (sic). Ngay nhân-vật chính trong truyện là Lang Liêu (chàng Liêu), Hoàng-tử thứ chin cuả Hùng-Vương thứ ba, đọc theo Ức-trai Tiên-sinh là Tét Kseo cũng bị đọc trại thành Tiết Sêu, Tiết-Liêu rồi Tiết-Liệu.

Trời tròn, đất vuông; bánh tét tròn, bánh chưng vuông. Vả chăng, hình chiếu cuả bánh tét, đặt dọc theo trục tung y’y, lên mặt phẳng trực-đạc zOy cuả tam-diện quy-chiếu, sẽ cho ta hình ảnh quẻ Kiền mà Hệ-từ Hạ-truyện VI/1 : "Kiền dương-vật dã = Kiền là vật dương". Lại thêm ai lại ăn bánh dầy vào dịp Tết bao giờ? Chắc là ở vùng tác-giả LNCQ ở, không có bánh tét mà chỉ có bánh tầy, mà tầy lại vần với dầy, nên ông thế bánh bánh dầy bằng bánh tầy cho tiện việc. Thế thì trong truyện hoàng-tử Tét Kseo (seo) dâng vua cha hai thứ bánh chưng và bánh dầy vào dịp Tết, hẳn là cán cân nghiêng về phiá bánh tét. Chắc hẳn, về sau vì kiêng tên tiền-nhân nên mới đọc trại tét thành Tết. Còn tiếng nhất thêm vào sau tiếng Tết, chẳng qua là chỉ để bảo ngày Tết là ngày quan-trọng nhất trong năm.

Ba ngày Tết theo truyền-thống bao giờ cũng phải có đôi câu đối đỏ để dán trên cột hai bên bàn thờ. Hồi tôi dạy tại Cơ-sở Giáo-dục Tráng-niên Bách-Việt tại đường Pasteur Sài Gòn, vào dịp Tết Kỷ-dậu (1969), tôi cũng có một đôi câu đối đỏ để dán trên hai cột trước cửa ra vào cuả Trung-tâm:

An Thổ Đôn Nhân, Bách-Việt Dương Hồi Xuân Hữu Cước;
Lạc Thiên Tri Mệnh, Thiên Môn Âm Khứ Phúc Vô Cương.

Nghiã là:
Yên chốn ở, đôn-đốc điều nhân, khí dương về Bách-Việt, xuân có cẳng;
Vui lẽ trời, biết mệnh trời, nhà nhà, khí âm đi. phúc không bờ.
Hai mệnh-dề chữ Nho là lấy từ Hệ-từ Thượng-truyện IV/3: "Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu, an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái.
Vui lẽ trời, biết mệnh trời, nên chẳng lo, yên chốn ở, đôn-đốc điều nhân, nên hay yêu thương đồng loại".

Cụ Thương Nguyễn Công Trứ, lúc còn hàn-vi, có làm câu đối vào dịp Tết:
Chiều ba mươi, nợ hối tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mùng một, rượu say túy-lý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Ngày xưa ở quê nhà, Tết bắt đầu từ trừ-tịch (đêm Ba mươi Tết), bằng nghi-thức cúng gia-tiên lúc giao-thừa, để đón rước ông bà, ông vải về. Suốt ba ngày Tết ai ai cũng lo đi thăm họ hàng, bạn bè và người quen:

Mùng một Tết nhà mẹ cha,
Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy.

Mãi đến hết ngày mùng bẩy Tết (nhân-thắng-tiết), trùng với ngày kỷ-niệm Trận Đống-đa, Vua Quang-Trung đại-phá quân Nhà Thanh, nhà nhà hạ cây nêu, làm lễ tiễn đưa Ông Bà, mới thật là hết Tết.

PHỤ-LỤC

Vè Mười Hai Con Giáp

Tuổi
TÝ là con chuột nhà.
Bắt vịt, bắt gà, soi ngách, đào hang.

Tuổi
SỬU con trâu kình càng,
Cày chưa hết buổi đã mang cày về.

Tuổi
DẦN ông cọp chỉn ghê,
Bắt người móc họng, tha về non cao.

Tuổi
MẸO là con mèo ngao,
Hay quấu, hay quào, ăn vụng quá tinh.

Tuổi
THÌN rồng ở mây xanh,
Làm mưa làm gió, ẩn mình trong mây (1).

Tuổi
TỴ rắn ở ngọn cây,
Nằm khoanh trong bọng có hay việc gì !

Tuổi
NGỌ ngựa ô đen sì,
Ỷ mình cứng vó ngại gì đường xa.

Tuổi
MÙI là con dê chà,
Có sừng, có gạc, râu ria um tùm (2).

Tuổi
THÂN con khỉ ở lùm,
Trèo qua trèo lại, lọt ùm xuống sông.

Tuổi
DẬU con gà vàng lông,
Có mỏ, có mòng, sớm gáy o o.

Tuổi
TUẤT là con chó cò,
Nằm quanh trong lò, lỗ mũi lọ lem.

Tuổi
HỢI con heo ăn hèm,
Ăn dơ uống dáy, thân lem lấm bùn.

(1) Có bản chép là :
Tuổi THÌN rồng ở thiên-đình,
Nghề thường luyện võ, ẩn mình trong mây.

(2) Có bản kể khác :
Tuổi MÙI thân ở trong rừng,
Tai nghe tiếng sấm vẫn từng nhảy ghê.