Home Văn Học Tùy Bút Năm Canh Lục Đục...

Năm Canh Lục Đục... PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long   
Thứ Hai, 07 Tháng 2 Năm 2011 12:04

                                                                         

      Đêm qua anh đến chơi đây,
      Giầy giôn anh diện, ô tây anh cầm


      Canh tư bước sang canh năm
      Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ
      Hỏi ô, ô mất bao giờ
      Hỏi em em những ỡm ờ không thưa
      Rầy mai ngày nắng ngày mưa
      Lấy gì đi sớm về trưa với tình…


     Bài thơ của Trần Tế Xương trên đây rất phổ biến, thật nhẹ nhàng lãng mạn. Nó lãng mạn cách kín đáo dù đã nêu lên hình ảnh có trai có gái cùng mấy câu đối thoại thân mật, đùa giỡn, trách móc, bịn rịn đầy tình tứ.

      
     Sự liên hệ giữa hai nhân vật anh và em trong bài thơ thế nào nhỉ ? Thử đoán coi. Đúng hay sai cũng chẳng quan trọng gì. Đọc qua, phần đông số người có thể sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một bên là các quan viên đi giầy giôn, cầm ô tây, hào hoa phong nhã, mang một bụng đầy văn chương thi phú, một bên với nhà hát ả đào, êm đềm chướng rủ màn che, thấp thoáng các nàng ca kỹ vấn khăn vành giây, mặc quần lĩnh trắng, đàn ngọt hát hay.


     Sự liên hệ giữa em và anh thế đấy! Biết hay không biết cũng chẳng sao đâu, có thể mới “đêm qua anh đến chơi đây” là lần đầu, có thể con đường tới thăm em đã mòn lối cỏ từ lâu, và quan trọng là mỗi khi gặp gỡ, thực sự cả anh và em đều háo hức nhiệt tình thù tạc để qua một đêm là chương trình cạn kiệt chẳng còn gì mới mẻ đãi đằng nhau nữa, sự nôn nóng hừng hực qua đi như cơn lốc, nhưng đâu phải vì  vậy mà mới đầu canh năm anh đã lục đục dậy rồi, làm em cũng tỉnh ngủ, thao thức, bèn dấu cái ô tây như thầm trách anh chẳng nghĩ đến chút tình “đêm nằm năm ở”.


     Anh đến chơi với giầy giôn, ô tây thật là kẻng. Có thể vì sự lạ-ổ đã đánh thức anh dậy sớm, cũng có thể anh chẳng muốn để ai biết anh đã tới đây nên mới tinh mơ mà đã sửa soạn từ biệt trở về, trong khi em còn nằm trơ trơ một mình, áy náy, ngẩn ngơ như thiếu sót, chưa xong nhiệm vụ, làm anh muốn chấm dứt những phút giây thần tiên tao ngộ.


     Hay là anh còn nặng kiếp thư sinh, đêm đêm thường quen giấc trở dậy sớm như thế để dùi mài kinh sử qua mấy lời mời gọi dỗ dành âu yếm của vợ hiền:
    
     Canh tư bước sang canh năm,
     Trình anh dậy học chớ nằm làm chi.
     Nữa mai chúa mở khoa thi
     Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh…

     Nói cho ngay, giầy giôn, ô tây kể ra thì hơi xưa, ngày nay không còn hợp thời nữa, mà sao cũng khiến nhiều kẻ càng đọc càng tần ngần tiếc rẻ cho mình sinh bất phùng thời, thật không may chẳng được hòa đồng cùng huynh đệ, bằng hữu xỏ đôi giầy giôn, cầm chiếc ô tây, nhởn nhơ bơi lội trong cái thế giới thanh lịch cao sang ấy.
     Canh tư bước sang canh năm là thời điểm còn khuya khoắt. Đấy là lúc vừa qua giờ Sửu đầu giờ Dần, Chiếc đồng hồ treo tường vừa thong thả buông ba tiếng,đường phố bên ngoài vắng tanh dưới ánh đèn vàng leo lét, như vậy là hơi sớm quá, cũng theo thi sĩ Trần Tế Xương trong bài thơ “Chiêm Bao” in nơi cuốn sách “Việt Thi” của Lệ Thần Trần-Trọng-Kim thì, bấy giờ
    
     Thiên hạ có khi đang ngủ cả,
     Việc gì mà thức một mình ta.
 
     Tuy nhiên động từ “ngủ” và “thức” ở đây thực ra không mang đúng cái nghĩa đen thức ngủ đâu. Lão tiền bối tác giả hai câu thơ thượng dẫn nói riêng và mọi người nói chung chắc chắn đều hiểu vậy, và hơn nữa đều thừa biết rằng, bất cứ đêm ngày, nơi đâu, lúc nào mà chẳng có người thức kẻ ngủ, canh khuya lục đục là chuyện bình thường ở khắp mọi nơi.


     Cũng như ăn uống, giấc ngủ ban đêm rất quan trọng cho mọi sinh vật, thế mà rất nhiều nơi, nhiều người với nhiều lý do, ban đêm còn đầu tắt mặt tối, lục đục có khi mãi tới canh ba mới được đi nằm.

     Canh một dọn cửa, dọn nhà
     Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.

     Đó là chưa kể, vì hoàn cảnh, vì nhu cầu, thời buổi khó khăn, người ta phải chấp nhận những việc mưu sinh ban đêm, ngày này qua ngày khác như các công nhân làm ca, người gác dan, “đón Giao Thừa một phiên gác đêm”…v…v..


     Ngày xưa mình bị ảnh hưởng văn hóa Tầu về nhiều phương diện nói chung, thậm chí cả việc đặt tên, phân chia thời gian cũng vậy. Căn bản thời lượng một ngày vẫn là 24 tiếng đồng hồ, nhưng mấy vị con trời không chia ra 12 tiếng ban ngày (AM) cộng với 12 tiếng ban đêm (PM) một cách khoa học và đồng nhất như hiện tại. Theo nhà nghiên cứu Hồ-Ngọc-Đức họ đi lối khác và gọi đó là âm lịch, đó là loại thiên văn tính toán dựa vào mặt trời, trái đất và cả mặt trăng nữa.


     Một giờ tính theo lối ấy bằng 2 tiếng ngày nay, như vậy mỗi ngày chỉ có 12 giờ. Mỗi giờ trong ngày có tên gọi tượng trưng bằng 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Bắt đầu là giờ Tý từ 11 PM đến 1 AM. Và cứ thế tuần tự tiếp nối rồi lại trở về…”nửa đêm, giờ Tý, canh ba.”
     Theo một bài viết, Hàn-Lâm Nguyễn-Phú-Thứ cho rằng: Cổ lịch của Trung- Quốc từ năm 2637 trước thiên chúa, ban ngày có 7 giờ chia ra thành 6 khắc và ban đêm chỉ có 5 giờ. Năm giờ ban đêm có thể gọi là năm canh, canh 1 thuộc giờ Tuất, canh 2 thuộc giờ Hợi, canh 3 thuộc giờ Tý, canh 4 thuộc giờ Sửu và canh 5 thuộc giờ Dần.
     Ban đêm gọi là canh hay giờ cũng được vì thời lượng như nhau.
     Ban ngày nên gọi thời gian bằng giờ, ít người dùng khắc vì với 7 giờ mà chỉ có 6 khắc nên mỗi khắc bằng 1 giờ + 1/6 giờ rất khó hình dung.
     Ở một vài nước bên Âu Châu và hầu hết giới nhà binh trên toàn cầu người ta cùng quy ước chia một ngày ra 24 giờ nhưng không có AM, PM ngày đêm gì cả. Lúc 1 giờ sáng là 1 giờ, rồi lúc 1 giờ chiều là 13 giờ v…v…


     Lại nữa, còn nhớ mẩu chuyện, một người cư ngụ tại bờ biển phía tây Đại-Tây-Dương, đêm khuya đang mơ màng giấc điệp thì nhận cú điện đàm từ bên Âu Châu đại khái như vầy:
     - A lô! Paris đây! Khỏe không? Toa đang làm gì thế ?
     - Khỏe! Ngủ chứ làm gì.
     - Chết chửa, ở bển chắc mới gần 2 giờ sáng nhỉ, bên này moa vừa ăn điểm tâm xong. Ồ xin lỗi nhé.

     Tạo hóa an bài, ngày thì sinh hoạt, đêm thì nghỉ ngơi, ngủ để lấy lại sức sau thời gian làm việc nhọc nhằn. Kẻ gọi điện từ bên Tây làm mất giấc ngủ cần thiết lúc 2 giờ sáng của người bạn vì vô tình quên, rồi ngay lập tức đã nhớ ra là ở mỗi nơi giờ giấc có thể khác biệt nhau.
     Mấy lời đàm thoại này rất bình thường, nhất là đối với chúng ta, những kẻ di tản buồn rải rác khắp năm châu từ hồi 1975, nhưng nó nói lên một điều: thời khắc sáng tối còn tùy theo vị trí ở trên mặt đất nữa. Một cách ngắn gọn, xin hình dung trái đất như quả cam với 24 múi, múi nọ cách múi kia một giờ.

     Hai người cách mấy múi giờ,
     Kể công kia nọ còn chờ mai sau.
     ( Trong tập thơ BBNT-2001.)

     Nói tóm, ngoài điểm son tháng âm lịch luôn luôn có trăng tròn vào đêm rằm, vấn đề chia thời gian một ngày như phương Đông quá phức tạp. Đó là chưa kể lại còn tháng nhuận (năm có 13 tháng) rất rắc rối nữa. Ấy thế mà người ta vẫn còn duy trì tới ngày nay trừ nước Nhật Bản dứt khoát chỉ theo tây lịch thôi. Âm lịch còn tồn tại, hấp dẫn phải chăng vì nhiều chiêm tinh gia đã nhìn thấy mối liên hệ, ảnh hưởng hỗ tương giữa số mạng và các vì sao để tiên đoán tương lai qua tử vi nên vẫn dập khuôn đi theo con đường này, chứ riêng việc chỉ định thời điểm thì quả thực nó chẳng hay ho bao nhiêu.
     Mà sao ban ngày có 7 giờ, ban đêm chỉ có 5 giờ ? Thực ra ban ngày và ban đêm dài ngắn vẫn thường xuyên thay đổi chứ đâu có cố định như vậy. Nhất là ở vị trí hai cực quả địa cầu. Tục ngữ chẳng có câu “Tháng Năm chưa nằm đã sáng” hay “Tháng mười chưa cười đã tối” là gì!
     Ở Hoa-Kỳ, để tiết kiệm năng lượng và để thuận với thiên nhiên, tùy lúc, người ta đã uyển chuyển kéo sớm hoặc đưa lùi thời gian một tiếng đồng hồ cho phù hợp với thực tế đêm ngày phần nào. Chứ giả dụ mới canh một ( 7 PM) trời mùa hè còn sáng chưng mà có tiên sinh đã cùng năm bà vợ bắt đầu sinh hoạt như trong bài ca dao sau đây thì…sớm quá, thời gian gà lên chuồng, học sinh tiểu học chưa đi ngủ.
     
      Đêm năm canh năm vợ ngồi hầu
      Vợ cả đun nước, têm trầu chàng sơi,
      Vợ hai trải chiếu chia bài
      Vợ ba coi sóc nhà ngoài nhà trong
      Vợ tư quạt muỗi giăng mùng
      Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa
      Chè thưng, cháo đậu bưng ra
      Chàng sơi một bát kẻo mà hết gân.

     Bài này chép từ internet nó có hai chữ cuối cùng khác với sách của Nguyễn-Văn-Ngọc. Đó là “Công lênh” thay vì “Hết gân”. Tựu chung thì nhiệm vụ của mấy bà vợ trong hai văn bản không có gì khác nhau. Công việc “ngồi hầu”  tương đối nhẹ nhàng, không giãi nắng giầm mưa, good job, có thể đôi khi cũng phải làm over time chút đỉnh không sao. Tuy nhiên trong cuộc sống chung,  thế nào cũng có sự “đứng núi này trông núi nọ” sinh ra so sánh, phân bì, níu kéo ngấm ngầm. Như hai câu ca dao:
    
     Anh ơi ngoảnh mặt vào trong,
     Sớm mai đi chợ em mua bún với lòng anh ăn.

     Bài ca dao kể chuyện về năm vợ vì ông này chỉ có năm vợ! Năm bà được gọi vợ cả, vợ hai, vợ ba…là do tình trạng thâm niên công vụ chứ thực ra “Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả”.


     Trong thiên hạ, nói chung, tùy hoàn cảnh mỗi vị có số vợ nhiều ít khác nhau. Người đạo Hồi có quyền lấy bốn vợ. Lại thấy “Có Ông Bẩy Vợ” là nhan đề bài ca dao nơi cuốn sách của Đào Thản do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành với hai câu kết thúc có vẻ một lời hối hận muộn màng:
    
     Than rằng đất hỡi trời ơi
     Trời cho bẩy vợ như tôi làm gì!

     Hồi xưa, trong giới đại gia, việc tề gia cũng gần như trị quốc. Khác nhau chăng là ở lãnh vực lớn nhỏ mà thôi. Gia trưởng cũng có đất đai để sinh lợi, có luật lệ, có gia nhân để điều hành công việc, để giữ gìn an ninh, đề phòng trộm cướp, và dĩ nhiên là phải có.. vợ. Vợ con là của cải, nên năm nào làm ăn phát đạt, gặt hái được mùa, sau khi vị quản gia búng bàn toán lách cách rồi trình lên bảng tổng kết thu chi thấy rõ lời nhiều hơn lỗ, người ta lại sắm thêm vợ cho…vui!


     Người chiến sĩ vô danh trên đây với năm bà vợ an hưởng hạnh phúc, thanh bình thật là sướng. Hình ảnh cuộc sống của kẻ sinh ra từ trong bọc điều này là nỗi thèm thuồng của biết bao trai tráng nơi lũy tre xanh, những kẻ ngày ngày âm thầm đổ mồ hôi, đánh trâu ra đồng cầy xâu cuốc bẫm.


     Khách quan thì phải công nhận ổng là kẻ không những có lực mà còn có tài nên tương đối mới giữ được cảnh êm ấm, yên ổn ngày đêm như thế.   
     Cũng khách quan, về cuộc sống tình cảm, ta thấy “cha nội” này, dù, thế nào chẳng có lúc bị rầy rà ngắt véo vì lưỡng lự không biết ngoảnh mặt vào trong hay ngoảnh mặt ra ngoài nhưng nói chung thì tương đối còn ngon lành hơn cả… vua Gia-Long lận!
     Một hôm vua Gia Long (1802-1819) đã tâm sự với Michel Đức Chaigneau, vị công thần người Pháp đã góp công sức giúp vua khai quốc, thống nhất sơn hà, như sau:    
     - Khanh đừng tưởng rằng sau khi hoàn tất công việc hành chánh là trẫm được nghỉ ngơi trong nội cung của trẫm. Khanh sẽ không ngờ cái gì sẽ đợi trẫm ở đây.(Chỉ vào hậu cung). Ở bên ngoài trẫm rất hài lòng vì nói chuyện với những người xứng đáng. Họ lắng nghe, hiểu biết và vâng lời trẫm. Còn ở hậu cung trẫm phải đương đầu với một đàn quỷ cái thực sự! Chúng cãi nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau…rồi sau đó cùng chạy đi tìm trẫm để yêu cầu phân xử.
     Michel Đức Chaigneau tâu:
     -Việc đó rất dễ! Hoàng thượng có thể giảm bớt mối sầu khổ bằng cách hạn  chế bớt số cung phi.
     -Suỵt! Hãy nói khẽ. Gia-Long ngắt ngang.

     Nhà vua truyền cho đám thị vệ lui ra ngoài, rồi nói tiếp:
     -Ồ! Ông Đức! Nếu các quan đồng liêu của khanh nghe được điều mà khanh vừa nói ra đó, họ sẽ trở thành những kẻ thù vĩnh viễn của khanh. Khanh không biết rằng các cung phi hầu hết đều là con cái các quan ư? Nay mặc dù số tuổi của trẫm cũng đáng kể, nhưng không bao lâu nữa một vị quan sẽ dâng hiến trẫm con gái của ông ta. Trẫm không thể từ chối được. Vì nếu làm như thế vô tình trẫm sẽ chọc tức ông ta và làm cho ông ta vô cùng đau đớn. Ở đây có con gái được tuyển vào cung là một vinh dự và sự đắc ý của một ông quan. Đó là sự bảo đảm chắc chắn nhứt về sự trung thành của ông ta. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhứt là thế giới đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông. Nếu trẫm ghét bỏ một trong số các cung phi của trẫm, nó sẽ than phiền với thân phụ nó ngay, và nếu không xỉ nhục, to tiếng trước tuổi già của trẫm thì ông ta cũng gieo rắc giữa các quan những sự đồn đãi vụn vặt về trẫm, sẽ làm cho trẫm mang đầy những sự lố bịch trước con mắt của thần dân.


     Trên đây là mẩu đối thoại trích từ cuốn “Sau Bức Cấm Thành Nhà Nguyễn” của giáo sư Hứa-Hoành do Đại-Nam xuất bản năm 1994 ở Hoa-kỳ.
     Than ơi! Sau khi nghe giải thích, Michel Đức Chaigneau chắc cũng hiểu, là, lời khuyên để giảm bớt mối sầu khổ cho vua Gia-Long chẳng thể thực hiện được, mặc dù ông đã cùng khoảng 20 người Pháp theo Bá-Đa-Lộc chở súng đạn sang Gia-Định giúp Nguyễn-Vương…bấm đốt tay, từ tháng 6 năm 1789, thoắt thôi, cũng đã mười mấy năm trời, đã hội nhập, thu lượm bao nhiêu kinh nghiệm, nhưng đôi khi vẫn ngỡ ngàng về nền văn hóa, phong tục bản xứ.