Home Văn Học Tùy Bút Những Hội Chợ Tết Nguyên Đán

Những Hội Chợ Tết Nguyên Đán PDF Print E-mail
Tác Giả: Dư Thị Diễm Buồn   
Thứ Bảy, 12 Tháng 2 Năm 2011 09:30

 Ở xứ Mỹ vào chánh mùa đông thì thường lại nhằm vào ngày Tết Nguyên Đán của chúng ta.

 

* HỘI CHỢ TẾT CHICAGO (Illinois)

Ở xứ Mỹ vào chánh mùa đông thì thường lại nhằm vào ngày Tết Nguyên Đán của chúng ta. Gia đình tôi năm đó (1979) ăn cái Tết tha hương ở trại tị nạn Cộng Sản Đông Nam Á Ga-Lăng thuộc Indonésia quần đảo.

Lần đầu tiên ăn Tết ở xứ người, trong trại tị nạn thiếu thốn đủ mọi thứ và bịnh hoạn liên miên, nên Tết đến chẳng có gì vui mà còn buồn ơi là buồn!

Chiều 30 Tết, nhìn biển trùng khơi, trời cao vòi vọi, rừng núi âm u bạt ngàn mà cảm thấy lòng nhớ thương về cố quốc. Nơi đó năm xưa có cha mẹ, ông bà, bạn bè, chòm xóm và tổ ấm gia đình… Rồi nhớ thời niên thiếu, thời thanh xuân trong những ngày Tết Nguyên Đán, những mùa xuân an bình thời biển lặng sông trong…

Những ngày Tết ta ở trại tị nạn buồn lắm! Nhưng lòng tôi cảm thấy an ủi và phảng phất niềm vui, niềm hy vọng ngập lòng. Tôi nghĩ đến những mùa xuân sau nầy có vui hay không thì không biết, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có những cái Tết tự do không Cộng Sản, không bị Việt Cộng kềm kẹp. Đó là những Tết trên một nước tự do nào đó mà gia đình nhỏ bé của chúng tôi sẽ đến cư ngụ.

Những ngày đầu đến Chicago. Vùng nổi tiếng lạnh lẽo khắc nghiệt nhứt nhì nước Mỹ. Gia đình tôi đón những cái Tết thật sự buồn lắm! Vì thuở đó người Việt ở đây rất ít. Trong vùng rải rác một số ít gia đình đến từ năm 1975, và một số ít những du học sinh của Việt Nam Cộng Hòa (Đó là những học sinh ưu tú, được Chánh Phủ lựa và cấp học bổng toàn vẹn trong những năm lưu trú học hỏi ở xứ người) ở rải rác. Nay nước mất, nhà tan, họ xin ở lại tị nạn Cộng Sản.

Năm đó, chúng tôi nghe người trong vùng bảo nhau sẽ có hội chợ Tết tổ chức trong một trường Trung học ở thành phố Chicago (nơi đông người Việt cư ngụ). Từ nhà chúng tôi đến đó lái xe phải mất khoảng 45 phút nếu trời trong, nắng đẹp. Còn gặp bão tuyết thì mất cả nửa ngày thì thường xảy ra.

Sáng mùng một Tết sau khi cúng ông bà xong, chúng tôi dằn bụng bằng chén cơm chay rồi đi hội chợ Tết. Từ nhà đến địa điểm đại hội bằng đường xa lộ nhanh hơn. Đường trong có nhiều đèn xanh, đèn đỏ thì phải hơn cả giờ mới tới hội chợ.

Đến nơi tìm được một chỗ đậu xe thật hết sức khó khăn. Vì đêm qua tuyết rơi ngập đường ngập sá. Dù sáng nay trời trong, mây tạnh nhưng vẫn lạnh trên dưới 30 độ F (tương đương O độ C, là độ của nước đá) Nhưng rìa những đống tuyết mềm ra, rịn nước rỉ rả chảy làm ướt át, nhốp nháp cát, đất, rác rến, dầu nhớt xe rơi rớt bám đâu đó bây giờ lẫn lộn quến trong nước chảy lang trên mặt đường nhựa, trên lối đi... Để rồi xe chạy nhanh qua sẽ bị văng nước đất cát dính có đơm, có quẹt vào áo quần khách bộ hành…

Những người đi dự Hội chợ Tết ăn diện đẹp, nhưng co ro trong những chiếc áo chống lạnh dầy cui. Họ đi nhanh như chạy vào hội trường để tránh lạnh buốt giá tái tê tâm hồn của buổi sang. Bầu trời mây đục ngầu, xám ngắt, và sương mù còn rải rác giăng mắc đó đây.

Chúng tôi vừa bước lên cầu thang để vào hội trường chánh, thì nghe tiếng dõng dạc sang sảng của người điều khiển chương trình buổi lễ. Và rền vọng hùng hồn bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa “Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” Lời ca, điệu nhạc vang dội trong hội trường, vang vang trong không gian… Lời ca tiếng nhạc đó cho tôi cảm giác thân thương, ấm nồng tràn ngập cõi lòng. Cảm gía nầy đã sưởi ấm cái giá băng ngoài trời, và ngấm ngầm đi vào tâm hồn làm tôi nỗi bồi hồi xúc động! Tôi vội chụp ngay tay gượng thang lầu, đứng lặng người! Và dòng nước mắt chảy dài xuống má!

Bởi ngày xa xưa lúc còn đi học, ngày nào trước khi bắt đầu vào lớp học chúng tôi cũng chào cờ, hát Quốc ca. Khi đi làm thì mỗi sáng thứ hai, hoặc lễ lộc chúng tôi đều chào cờ và hát Quốc ca dưới bầu trời xanh thật xanh, có in từng cụm mây trắng, mây hồng, mây vàng, mây tím… ảo mờ bàng bạc như bức tranh thủy mạc vĩ đại, làm dịu mát lòng người. Màu nắng lụa ấm áp muôn đời của miền Nam nước Việt ướp vùng đất màu mỡ, cho cây lành, trái ngọt, ruộng lúa phì nhiêu, tôm cá sông, cá biển… thủy sản dồi dào. Nuôi dân đời đời ấm no, an nhàng… Và trong không gian của thời biển lặng sông trong đó, lá “Cờ vàng ba sọc đỏ” được từ từ kéo cao, ngạo nghễ tung bay trong gió đã ướp hồng tuổi ngọc của thế hệ chúng tôi…

Rồi quê Nam mến yêu tan tác sau ngày rơi vào tay quỷ dữ! Bẵng đi thời gian dài đến hơn 10 năm, để rồi hôm nay tôi mới được nghe lại bản Quốc ca. Tôi nghĩ rằng, không riêng mình, mà hầu hết những người Việt lưu vong đứng trước cảnh tình nồng ấm, thân thương nầy, thì không ai mà không cảm thấy lòng bồi hồi, xúc động ngậm ngùi và có cùng tâm trạng như tôi được!

Đó là Tết Nguyên Đán đầu tiên, đúng ngày mùng một Tết (nhằm giữa tuần mọi người làm việc), được quý vị bên Kháng chiến tổ chức hội chợ. Và hai mươi mấy năm qua, có biết bao nhiêu vật đổi sao dời. Dân bản xứ đã đón chào bao nhiêu vị Tân Tổng Thống của họ! Nhưng người Việt Nam lưu vong trên nước tự do ở vùng lạnh lẽo Chicago vẫn giữ được truyền thống. Họ luôn hưởng cái Tết đúng ngày trên vùng đất tạm dung.

Có nhiều người nghĩ rằng những ngày Tết Nguyên Đán không phải là ngày cuối tuần thì chắc là ít người tham dự?

Không đâu, dù là trời bão tuyết, hai bên lề đường đóng thành đá, nhưng người Việt chúng tôi tham dự hội Tết rất đông lên đến 4, 5 ngàn người. Bởi “Khó ngày giỗ cha/ Nghèo giàu 3 ngày Tết” hoặc  “Ấm hay không mùa đông mới biết/ Giàu nghèo 3 ngày Tết mới hay”. Rồi các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan lãnh đạo tinh thần trong vùng tổ chức hội chợ, Tân niên vào các cuối tuần sau Tết, kéo dài cả tháng.

* HỘI CHỢ TẾT Ở OREGON

Năm đó cũng nhờ cơ duyên văn nghệ, chúng tôi đi dự hội chợ Tết ở Oregon. Tiểu bang Oregon nổi tiếng về mùa đông có nhiều mưa đứng nhứt nhì nước Mỹ. Sáng mưa rơi, trưa sụt sùi, chiều đổ lệ… Mưa lấm tấm, mưa lai rai, mưa phai phái, mưa tỉ tê, mưa lả tả, mưa lê thê, mưa lùng bùng, mưa lết thết, mưa rạc rào, mưa lộp bộp, mưa đùng đùng… Mưa ngày nầy qua ngày khác, mưa gần hết mùa đông…

Mà Tết Nguyên Đán của chúng ta lại rơi vào mùa mưa trong vùng. Nên để an toàn cho người đi hội chợ xuân, năm nào ban tổ chức cũng mướn một phần của cái Ball Room ở giữa thành phố có nhiều người Việt Nam.

Cả cái Ball Room rộng có thể chứa được mấy chục ngàn người. Nơi tổ chức hội chợ Tết chỉ mướn một phần thôi mà vừa rộng lớn, vừa đẹp, vừa tránh được mưa gió phủ phàng ướt lạnh. Đó là nơi tổ chức hội chợ Tết rất lý tưởng, chứa khoảng trên dưới 15, 17 ngàn người cho 2 ngày hội chợ.

Thật là một hội chợ đại quy mô. Tưng bừng náo nhiệt đầy sắc thái dân tộc.

Hội chợ có cả trăm gian hàng bán đủ các mặt hàng cho ngày Tết: Các loại hoa, bánh, mứt, thức ăn, quần áo… của 3 miền Nam, Trung, Bắc.

Ngoài những trò chơi vui xuân, có thi trẻ em nói tiếng Việt giỏi, thi hoa hậu áo dài, có sổ lô tô, bầu cua cá cọp…

Có hoạt cảnh trưng bày hình ảnh chiến tranh của cựu chiến binh Việt Nam lưu vong, cựu tù nhân chánh trị (tù cải tạo Việt Cộng).

Triển lãm tranh, ảnh, và những gian của nhiều văn nghệ sĩ tự do đến trưng bày sách báo của mình, và của các văn nghệ sĩ khác…

Có gian hàng văn hóa phẩm, có sách, báo của văn nghệ sĩ ở địa phương và các tiểu bang khác vè.

Hôm nay Có ít nhứt cũng 6 ca sĩ trình diễn trong cho 2 ngày hội chợ và dạ vũ…

Thống kê của ban tổ chức cho biết, hội chợ năm đó có khoảng 15 ngàn người đến tham dự. Theo nhận xét của cá nhân tôi, ở Oregan dân trí rất cao.

* HỘI CHỢ TẾT SAN JOSE (California)

San Jose là một thành phố giàu, nổi tiếng kỹ nghệ về computer của những hãng lớn nhứt nhì nước Mỹ. Nơi có cái tên đẹp “Thung Lũng Hoa Vàng”. Nơi có nhà cửa gần như mắc nhứt nước Mỹ. Nơi là thành đồng vách sắt chống Cộng Sản của người Việt lưu vong. Là nơi quy tựu những văn thi sĩ tài ba vang bóng một thời, đã thành danh từ trong nước trước năm 1975. Cho nên, San Jose còn được mệnh danh là cái nôi Văn Học Nghệ Thuật của người Việt hải ngoại…

Ngoài những hội chợ lớn, hộI chợ nhỏ của các hội đoàn, đoàn thể ở San Jose… Có những buổi tiệc tất niên, Tân niên tiếp trên 700, 800 đồng hương và quan khách đến tham dự như: Hội Quảng Đà, Rạch Gía, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Hội chợ Tết ở San Jose được tổ chức 2 ngày cuối tuần nào đó (trước hoặc sau Tết). Vào cửa trả tiền 8$. Trong hội chợ có Y tế (thiện nguyện của bác sĩ, y tá) tìm bịnh ung thư ngực, tiểu đường, máu cao... Thi hoa hậu áo dài, ca nhạc liên tục, múa lân.

Những gian hàng bán quà kỷ niệm, nhạc CD, phim bộ (DVD) của Tàu, Đại Hàn, và nhứt là phim Cải Lương (xuất từ VN)… Quán ăn, triển lãm tranh, ảnh…

Đó là hội chợ do liên hội Người Việt Quốc Gia mỗi năm thường tổ chức ở Fairground. Trên một vuông đất rộng nên đặc biệt có những con đường mang tên danh nhân Việt Nam (chỉ trong 2 ngày hội chợ) như là đưòng: Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Thủ Khoa Huân, Hai Bà Trưng… 

Vào năm Kỷ Sửu, hội chợ Tết cũng do liên hội người Việt Quốc Gia tổ chức ở địa điểm khác. Trong nhà vòm South Hall vào ngày 17, 18 tháng 1 (trước Tết ta 1 tuần). Hội chợ năm nay “Lơ thơ tơ liễu buông mành”! Tôi muốn nói thưa thớt khách du xuân. Bởi  vào cửa người lớn 8$, trẻ em 5$ (Có hơi cao so với tình hình kinh tế hiện tại không?) Đó là vào cửa hội chợ thôi. Còn các khoảng tiền khác người đi hội chợ xuân phải tốn như là: Bãi đậu xe, đã trả tiền vào cửa hội chợ rồi, mà muốn xem thi hoa hậu, nghe nhạc (trong khuông viên hội chợ) cũng phải mua vé nữa…

Người bình dân đi hội chợ đón Tết, mừng xuân mà phải tốn kém hơi nhiều như vậy. Cộng vào đó, ảnh hưởng chung với tình trạng kinh tế cả nước hiện tại không mấy khả quan. Gặp gia đình đông con quả cũng ngại lắm!

Còn hội chợ Tết của Cộng Đồng người Việt San Jose thường tổ chức mừng Tết ở hội trường của trường Trung học. Cũng có các gian hàng của các hội đoàn, đoàn thể, lãnh đạo tinh thần, tư nhân… Trong hội chợ có đầy đủ những hương vị, sắc thái mừng xuân, đón Tết để dân Việt trong vùng vui chơi 3 ngày quên đi những bận rộn, vất vả suốt năm qua. Những dây pháo dài nổ ròn, địa giỡn lân, những trò chơi, quán ăn, hoa tươi, bánh trái… Hàng mấy trăm bản nhạc xuân ca nhạc sĩ địa phương trình diễn suốt ngày… Mấy năm trước, hội chợ nầy vào cửa tự do không phải trả tiền.

Hội chợ ở Trung tâm thành phố San Jose được tổ chức trên mấy con đường chạy dài. Có những đoàn người diễn hành đại quy mộ. Có đại diện các đoàn thể, đại diện cựu học sinh các trường Trung học (xưa ở Việt Nam), cựu quân nhân, công chức ngày xưa. Những đoàn thanh niên nam, nữ học sinh các trường Trung học trong vùng…

Rừng cờ vàng ba sọc đỏ rợp trời, rực rỡ phấp phới tung bay cùa đoàn Thanh Niên Cờ Vàng. Cùng đoàn quân nhân đại diện các binh chủng Mỹ gốc Việt từ các chiến trường Trung Đông về tham dự… Đã tô điểm thêm cho đoàn diễn hành của hội chợ Tết ở San Jose năm nay có sắc thái riêng biệt, tươi vui và sinh động vô cùng.

* HỘI CHỢ SAN FRANCISCO (California)

Trên phi cơ nhìn xuống, vùng Cựu Kim Sơn đất hẹp, nhà đông. Đường của bộ hành lên đồi, xuống núi. Đường xe hơi, xa lô chằng chịt như màn nhện. Thành phố San Francisco nằm sát bờ biển quanh năm dồn dập sóng vỗ rì rầm, lồng gương nước trong của biển cả mênh mông. Có cầu Golden Bridge bắc ngang qua eo biển nước xanh lơ. San Francisco nổi tiếng đó đây là vùng biển sinh động, đẹp và thơ mộng.

Nhưng khi lái xe chỉ quên một chút xíu thôi, thì sẽ lạc ngay! Tìm đường ra, phải mất cả giờ có khi còn hơn. Trong lúc nói chuyện, bạn bè tôi thường bảo: “Quý vị nào lái xe ở San Francisco được, không bị lạc thì thuộc về tài xế giỏi rồi đó nghen! Chúc mừng! Chúc mừng…”

Nằm chen chúc trên thành phố San Francisco còn có dinh thự ngoại giao của đảng Cộng Sản Việt Nan nữa. Cho nên việc chống Cộng của Cộng Đồng người Việt ở địa phương nầy thật hết sức vất vả và khó khăn! Nhưng tinh thần dân tộc, dân quân cán chánh của Việt Nam Cộng Hòa lưu vong ở đây đoàn kết chặt chẽ và được sự ủng hộ tiếp tay của các hội đoàn, đoàn thể bạn, của người Việt ở các thành phố lân cận, nên các cuộc biểu tình chống Cộng ở San Francisco luôn luôn thành công.

Có lẽ nhờ sự đoàn kết đó, năm nào Tết Nguyên Đán, hội chợ mừng xuân ở San Francisco được chánh quyền địa phương yễm trợ tối đa. Họ cho đóng một quãng đường dài và mấy con đường kế cận để làm hội chợ. Dân đi xe bus 24/24 giờ, đến dự trong ngày hội chợ Tết Việt Nam ở thành phố San Francisco không phải trả tiền. Để giúp cho người không có phương tiện, được vui vẻ tưng bừng đi đón Tết, mừng xuân…

Ngày hội chợ, có 8, 9 ca sĩ ca, hát, cho mười mấy ngàn người Việt và ngoại quốc thưởng thức. Có cả trăm gian hàng, đại diện các hãng, xường, ngân hàng, cơ quan thương mại, công tư sở, văn nghề sĩ…

Sự tốn kém trong việc tổ chức hội chợ Tết ở San Francisco không thua hội chợ Tết ở bất cứ thành phố lớn nào trên đất Mỹ. Nhưng người vào cửa để dự hội chợ không phải trả tiền.

Và dân ở đây rất nặng tình với Thương Phế Bịnh còn kẹt ở bên kia bức màn tre. Bởi suốt ngày hội chợ, ban tổ chức chưa lần nhắc đến, nhưng những người đi dự đại hội Tết hăng say tự động nhét tiền vào thùng “Cứu Trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa” đặt ở một góc rất khiêm nhường, trong gian hàng của hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị Cộng Sản Việt Nam.

Như thế, chúng ta nghiệm thấy rằng: “Dù ở chân trời góc biển, dù ở hoàn cảnh nào, người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa luôn chiếm một địa vị rất quan trọng: Kính phục, biết ơn, và thương mến… trong lòng người dân Việt…”

* HỘI CHỢ TẾT STOCKTON (California)

* Vào trước Tết thì, quý cụ cao niên ở Stockton “Tống cựu nghinh tân” (từ giả năm cũ, đón mừng năm mới), đãi tiệc trong nhà hàng. Số người tham dự khoảng 200 (cụ ông cụ bà và gia đình).

* Hội chợ Tết Cộng Đồng ở thành phố Stockton chỉ tổ chức có 1 ngày trong cái Ball Room chia 2 phòng rộng lớn (ở trung tâm thành phố Stockton). Có bãi đậu xe rộng rải và số người tham dự cũng có trên dưới trên 3000, 4000 (kéo dài trong ngày hội chợ). Hội chợ Tết ở Stockton năm nay do các anh chị sinh viên đứng ra tổ chức. 

Buổi hội chợ được khai mạc lúc 10giờ 30 sáng. Trong một phòng lớn, rộng và dài. Trên khán đài có bàn thờ Tổ Tiên với bộ lư đồng, hai mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, và 2 cây hồng lạp sáng lung tinh. Vách giữa trên khán đài được trang hoàng bằng những hình vẽ đền Hùng, có cửa Tam Quan… Pha trộn nhiều màu sắc rực rỡ và nhu nhã qua nét vẽ độc đáo của họa sĩ Trần Cang.

Ở phía dưới khán đài, khoảng 300 ghế ngồi có dựa lưng, dành cho quan khách. Được đặt ngay hàng thẳng lối, lịch sự ở giữa phòng.

Thủ tục hành lễ rước Quốc kỳ hát Quốc ca là phần lễ cổ truyền thân thiết, tôn nghiêm, do các vị cao niên đảm trách cúng bái. Rồi đại diện các hội đoàn bạn lần lượt lên chúc Tết…

Sau những hàng ghế ngồi của quan khách là các gian hàng: Gian hàng bán đồ chơi trẻ em, hàng sách báo, hàng giới thiệu thuốc Nam, hàng trưng bày hình ảnh sinh hoạt của đảng Việt Tân, hàng bán quân hiệu, quân kỳ (các binh chủng), và cờ Việt, cờ Mỹ. Và các gian hàng đại diện các cơ quan thương mại trong vùng…

Trong một phòng trang nhã, sau các gian hàng là phòng tiếp tân của hội phụ nữ. Nơi đây thật ấm cúng, có bàn, ghế ngồi, có bánh mì thịt nguội, cà-phê, nước ngọt, bánh, mứt, nước lọc chai tinh khiết, nước trà… Do ban tổ chức khoản đãi (tất cả ở phòng nầy đều miễn phí).

Phần nghi lễ vừa chấm dứt, thì ban tổ chức cho bốc số lô tô liên tục hết bàn nầy tới bàn khác, không ngừng nghỉ… Người trúng giải không được trả bằng hiện kim mà trả bằng những món quà hậu hỉ như là: Máy truyền hình, máy chiếu phim, máy quay phim…

Quan khách đến tham dự hội chợ xuân mỗi lúc một đông… Họ xuống phòng bên dưới nhiều hơn (chỉ cách phòng làm lễ gian hàng, khán đài một tấm vách và cửa lớn luôn mở). Phòng bên dưới rộng rãi và sáng sủa hơn phòng trên.

Phòng bên dưới là các gian hàng bán thức ăn, chè, cháo, nước uống, cà-phê, hủ tíu… Hàng ăn uống được khách vui xuân thưởng thức rần rần. Người đứng bán hàng bận rộn không hở tay, bán không kịp…

Và đối diện bên kia, nhiều dãy bàn dài được kê theo hàng dọc, hàng ngang bày những trò chơi vui xuân như là: Bầu cua cá cọp, nhiều loại bài, đổ hột… Nơi nầy không ai mời mọc, không ai khuyến khích… Mà lại được nhiều người chiếu cố tận tình, nên đông ơi là đông! Họ tựu tập trong phòng nầy (ăn uống, games) đông nhứt, chen chân không lọt trong ngày hội chợ mừng xuân Kỷ Sửu. Họ sát phạt để giải trí, vui xuân một cách háo hức, rầm rộ… Có đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu… đều hăng hái vi vút tham gia, không chút đắn đo, lo ngại… Có lẽ làm lụng vất vả, một năm ở đây chỉ có một ngày thì vui chơi cho thỏa thích ấy mà!

Có những nhóm người dụm năm, dụm ba… Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng chúc phúc, chúc lành năm mới… Họ vui vẻ kể cho nhau nghe về con cái học hành. Có người rên hù hù vừa bị mất việc. Kẻ khoe về Việt Nam tiêu tiền như bươm bướm bay… Có nhóm kể những chuyện tào lao, những mẫu câu chuyện tiếu…

Kẻ khoái chí vỗ đùi đen đét, người cười ngả nghiêng, ngả ngửa, cười ha hả muốn vở nóc ngói. Có nhóm nói chuyện trời trăng mây gió, kể chuyện thời sự... Nhứt là những chuyện, những tin nóng bỏng: “Đảng Cộng sản Việt Nam cắt đất bán cho Tàu Cộng. Trung Quốc đã thả hơn năm trăm ngàn thanh niên của họ vào nước Việt Nam cưới vợ, lấy chồng, buôn bán, làm ăn… Ý đồ cấy người, để đồng hóa dân Việt Nam thành người Tàu. Để tương lai nước Việt Nam trở thành cái “quận” của Tàu như những nước khác mà Tàu đã cưỡng chiếm từ mấy chục năm trước và nay đang cay trị, như là: Tề, Sỡ, Tần, Yến, Thục…”

Bỗng có một ông lên tiếng:

-  Quý vị xem, không biết tại sao từ sáng sớm cho đến 10giờ hơn khai mạc hội chợ, và bây giờ là 2 giờ 30 chiều, mà hội chợ Tết nầy không có một bài nhạc, bài hát nào dù là bài hát hay bài nhạc phát ra từ trong máy hát dĩa, sao kỳ vậy cà? Nhạc mừng xuân trong CD thiếu gì, sao không hát cho bà con nghe chơi, để cảm thấy mùa xuân thắm tươi, rộn ràng, vui vẻ? Quý vị để ý xem, từ sáng tới giờ chỉ có hát bài Quốc ca Mỹ, Việt và bài tưởng niệm những người quá cố lúc hành lễ thôi!

Anh bạn đứng cạnh cười hì hì, nói:

-  Gấp chi dữ vậy cha nội? Nầy, bộ ông không có đọc chương trình hội chợ xuân sao? Mấy ổng (ban tổ chức) nói sau phần lô tô, bầu cua cá cọp… ăn uống (games and food booths) đã đời, cho tới 3giờ 30 chiều mới có hát, hò văn nghệ. Đến 8 giờ 30 tối có nhảy đầm đến 10 giờ khuya. Vội chi, lúc đó tha hồ ông muốn hò hát, múa may biểu diễn gì cũng có mà…

Một bà mặc áo dài hở cổ màu hồng phấn, có thêu hoa lan tím trên tà áo trông rất trang nhã. Tóc bà búi cao có vẻ đẹp của mệnh phụ. Bà nhoẻn miệng cười tươi như hoa nở mùa xuân, bảo:

-  Chương trình như vậy, thì quý vị thấy có hơi nhạt nhẽo lắm không? Hội chợ xuân mà, không hát ca nhạc sống thì ít ra cũng có nhạc xuân CD từ máy phát ra chớ.

Nói đến đây, bỗng bà dừng lại chỉ về hướng bên kia. Mấy người đứng cạnh nhìn theo hướng tay bà chỉ. Bà cười nhẹ, rồi nói tiếp:

-  Quý vị nhìn xem, ông cụ đi hội chợ xuân với con cháu. Mà con cháu đứa thì đi ăn, đứa thì lo đánh bài rần rần tranh hơn thua ở phòng dưới… Cụ ngồi đó ngoẻo đầu gối trên thành ghế ngủ ngáy khò khò… Nét mặt trong lúc ngủ của cụ thật thản nhiên, như đưa hồn mình nhẹ nhàng đi vào giấc mơ xuân…

    * HỘI CHỢ SACRAMENTO (THỦ PHỦ CALIFORNIA)

Sáng nay, chúng tôi ngồi xe bon bon trên đường giong ruổi đến hội chợ Tết ở Sacramento. Bầu trời trong sáng, từng cụm mây dầy màu bạch ngọc cao sang cuồn cuồn giăng mắc, in trên nền trời xanh biêng biếc. Nắng lụa ấm áp trải trên cỏ cây hoa lá, trên từ cánh đồng nầy qua cánh đồng khác chạy dài mút mắt, xa tít mờ xa, loang loáng nước mưa tràn đồng tràn sá trong những ngày qua.

Ánh nắng sáng chiếu rọi trên mặt nước gợn nhăn sóng chấp chóa, phát ra những tia chói lập lòe, lóng lánh. Gió mơn man lành lạnh nhẹ quét lên da thịt. Cái lạnh của mùa đông pha chớm xuân về nên dễ chịu vô cùng “Gió xuân mang mát, hồn xuân phơi phới, hơi sương mong manh…” Rồi tiếp theo:“…Xuân nÖi Çây có rÜ®u ngon, bánh ng†t/ Có thiŒp xuân chúc phúc, chúc an lành/ Có mây xám giæng khung tr©i giá buÓt/ Có hoa tuy‰t tr° ÇÀy cành long lanh/  Xuân nÖi Çây có ti‰ng lòng nÙc nª/ Ti‰ng thª dài trong héo h¡t nh§ thÜÖng/ Có n‡i lòng cûa nh»ng ngÜ©i xa xÙ/ ñón xuân vŠ hÒn th°n thÙc bâng khuâng...” Nghe giọng hát khàn khan, trầm bổng của ca sĩ từ trong CD đưa tôi về một thuở xuân thì, của thời thanh xuân mật ngọt. Nó đã gợi tâm hồn tôi nhớ thương, thương nhớ mênh mông!

Nhưng chỉ trong phút chốc, tôi cảm thấy lòng mình đầy niềm phấn khởi, rộn ràng và ấm nồng theo ngoại cảnh! Bởi khi xe chạy trên xa lộ, đến lối rẽ để vào khu phố người Á Đông. Thì kia, trên các cửa tiệm, các quán ăn, cơ sở thương mại… phấp phới dưới trời xanh là rừng cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa rực rỡ lồng lộng tung bay trong gió.

Màu cờ vàng ối treo san sát nhau dọc hai bên con đường Stockton dài hun hút. Con đường lớn có phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật, tiệm uốn tóc, tiệm bán tạp hóa lớn tên A A A (3 chữ A) Có tiệm Vĩnh Phát, đối diện bên kia đường là nhà quàn Vĩnh Biệt! Con đường nầy có nhiều, thật nhiều các cơ quan thương mại của dân Á Đông. Có khách hàng tấp nập, xe cộ dập dìu, kẻ bộ hành qua lại nhộn nhịp, rộn ràng mua sắm Tết.

Đó là khu phố buôn bán phồn thịnh có sự sinh hoạt náo nhiệt, sầm uất nhứt của người Việt lưu vong ở Thủ phủ Sacramento. Có những con đường chạy cắt ngang như đường 47, đường 65 (bên chợ Thuận Phát), đường Florin… Đại đa số chủ các quán, tiệm… ở dọc ngang đây chủ là người Việt Nam, người Á Châu.

“Chân thành biết ơn quý vị, đã treo cờ vàng ba sọc đỏ để cho người dân Việt lưu vong, cho tôi sống lại chuỗi ngày đã qua dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nơi quê hương êm ấm, thân thương chứa chan tình người…”

* Ngày 17 tháng 1 năm 2009. Vào lúc 1 giờ trưa hội Văn Nghệ Sĩ Việt Mỹ Sacramento cũng đãi tiệc trong một phòng họp “Tiễn Năm Cũ Đón Mừng Năm Mới”. Có đại diện các hội đoàn và thân hữu đến tham dự đông đảo.

* Ngày mùng một Tết, đài phát thanh “Tiếng Nước Tôi” mừng Tân niên Kỷ Sửu. Có sự tham dự hầu hết của các hội đoàn, đoàn thể trong vùng. Sau phần chúc mừng, ăn uống hàn huyên tâm sự. Có phần trực tiếp truyền thanh chúc Têt dân Việt mến yêu ở quốc nội, và chúc Tết những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản lưu vong khắp nơi trên thế giới.

* Hội Cao Niên tổ chức Tân niên trong một nhà hàng lớn. Có khoảng 200 hội viên và quan khách được mời tham dự. Ông bà ta lúc nào cũng ăn chắc mặc dầy, chắt chiu cho con cháu… (buổi tiệc hoàn toàn miễn phí).

Không khí buổi tiệc tân niên thật ấm nồng tình nghĩa với những đóa hoa hồng, ly rượu chát đỏ, CD nhạc… của con cháu chúc mừng và tặng quý cụ trên 70 tuổi. Rồi những bản nhạc, những vầng thơ, được quý cụ, con cháu hát, diễn ngâm (trong phần giúp vui văn nghệ). Và theo lời báo cáo của thủ quỹ hội, chúng tôi được bết, hội Cao Niên vẫn còn tiền tồn quỹ khắm khá…

* Và những buổi mừng xuân, đón Tết Nguyên Đán ở chùa, nhà thờ, hội Thánh Tin Lành, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, tư nhân… Tổ chức rải rác vào mỗi cuối tuần kéo dài qua đến cuối tháng Giêng.

* Riêng năm nay ban đại diện Cộng Đồng người Việt ở Sacramento tổ chức mừng xuân Kỷ Sửu tưng bừng trong 3 ngày (cũng như mọi năm). Chiều thứ sáu gây quỹ đãi tiệc trong nhà hàng. Tròn 2 ngày sau là thứ bảy và chủ nhật hôi chợ ở ngoài trời.

Những ngày hội chợ mừng xuân Kỷ Sửu theo lẽ tổ chức vào ngày 29, 30 Âm Lịch, của tháng chạp. Nhưng vì dự đoán thời tiết báo động mưa, cho nên ban tổ chức dời lại cuối tuần sau.

Như vậy là có sự thất thiệt cho những gian hàng bán bánh, mứt, kẹo, hoa, trái… để cúng trong ba ngày Tết!

Đa số dân Việt trong vùng đều lo, nhứt là ban tổ chức. Vì Tết ta đã qua cả tuần, ngại sẽ không đông người tham dự hội chợ. Nhưng thật ngoài dự đoán của mọi người, hai ngày hội chợ dập dìu người đi thưởng xuân. Thiệt đúng với câu người xưa đã nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”

Nơi tổ chức hội chợ Tết mừng xuân của Sacramento thường ngày chỉ là cái bãi đậu xe của một dãy chợ dài ít ai để ý. Vậy mà hôm nay cách sắp xếp và trưng bày hội chợ Tết rất đẹp mắt. Những gian hàng san sát nhau với màu cờ vàng ba sọc đỏ trên cao. Tiếp theo là những dây cờ tơ, lụa ngũ sắc hình bướm giăng mắc khắp đó đây, tung bay phầm phập trong gió dưới ánh nắng ban mai rực rỡ chói chang.

Những cây trồng rải rác đó đây trong sân hội chợ, da xám ngắt, trụi lá, cao lêu nghêu dưới trời giữa mùa đông. Thời tiết của mùa đông làm cho cây trơ trọi, khẳn khiu. Và bị cái giá rét của mùa đông áp đảo, các cây chưa lên mầm, chưa nẩy lộc, chưa hé nụ hoa. Hôm nay được nhờ những bàn tay chịu khó, khéo léo… kết vào những cành lá xanh, cánh hoa mai vàng, cánh hồng nhung tươi thắm… Tạo cho khu hội chợ Tết thêm phần sinh động và có một sắc thái hết sức trẻ trung, vui tươi, lạ mắt…

Và nổi bật nhứt trong hội chơ Tết là ban thờ Tổ Tiên trên khán đài được trang hoàng bộ lư đồng sáng chói, có hoa, quả, kẹo, mứt, trái… Bánh chưng, bánh tét, bánh ích… Đặc trưng cho ngày Tết Nguyên Đán của chúng ta.

Hai dải, có nhiều lều tiền chế dựng dọc bên lối đi của hội chợ, có gian hàng của Cựu Tù Nhân Chánh Trị, gian hàng của cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, gian hàng của các hội từ thiện, các hội lãnh đạo tinh thần như chùa, nhà thờ, hội Thánh Tin Lành, gian hàng sách báo, phim ảnh, may mặc áo dài (mỗi kiểu, qua nhiều thời kỳ), chương trình y tế. Thi áo dài, thi trẻ em nói tiếng Việt giỏi… Những quán ăn lộ thiên, có những món ăn chay, có những móm ăn mặn… Mỗi thứ một hương vị ngon tuyệt… làm hài lòng thực khách…

Năm nào chúng ta cũng thấy anh bốc số lô tô có dáng người phú quý, có nụ cười xinh như ngọc, tươi như hoa. Miệng anh dẽo đeo dí dõm gọi mời mọi người tham dự những bàn lô tô hào hứng.  Anh vừa bốc ra, vừa đọc những con số có ca có kệ, vừa hát, vừa diễu, vừa múa … rất là hài hước và có duyên…

Năm nay cũng có lẽ vì ảnh hưởng kinh tế, nên ban tổ chức hội chợ Tết không mời nhiều ca sĩ về hát giúp vui như những năm qua. Kháng thính giả ngồi chật cả các hàng ghế…Có biểu diễn của những đoàn múa lân đại quy mô, những màn múa vũ của dân tộc bạn đến giúp vui như người: Chàm, Phi, Miên, Lào… Có biểu diễn võ thuật, múa những vũ điệu dân tộc làm cho hội chợ Tết thêm nhiều sắc thái riêng biệt, vui tươi, hào hứng, sống động…

Chương trình ca nhạc của giúp vui của những ca sĩ địa phương trình diễn văn nghệ trong 2 ngày hội chợ thật phong phú. Có những anh chị ca Vọng cổ mùi rệu, và những bản tân nhạc rộn rả vui tươi thấm đậm tình xuân. Có người điệu bộ và hát chưa được điêu luyện cho lắm. Nhưng giọng hát của họ hay hơn ca sĩ được mời giúp vui trong ngày hội xuân nầy.

Tôi bật cười thành tiếng, bởi nghe một bà già trầu, ngồi kế bên trề môi dài cả thước, háy nguýt, vo vảnh, càm ràm: “Nồi đất nồi đồng ơi! Không biết sao mấy ông trong ban tổ chức lại mời ca nhạc sĩ gì hát dở òm mà nói hoài hà! Sau khi nói còn yêu cầu khán giả vỗ tay cho thật lớn nữa! Ôi chu mẻ mẹt ơi, mình vỗ tay rồi hắn ta khen: “Quý vị ngoan quá!” Thiệt tình, nghe sao mà nó chướng cái lỗ tai quá chừng chừng đi thôi!”

Ba ngày Tết xôn xao rồi cũng qua! Nhận xét chung của nhiều người: “Ở đâu cũng vậy, những chuyện phiền toái luôn bám theo những người ra làm việc cho cộng đồng. Bởi họ tiếp xúc với dân trong vùng, thập phương, tứ xứ… Mỗi người một ý, ít ai giống ai nên luôn gặp phải những điều phiền phức! Càng đông người càng nhiều ý kiến, càng nhiều phức tạp, nhiều đụng chạm, nhiều phiền toái, và lắm cảnh bằng mặt không bằng lòng… Rồi lời qua tiếng lại, lúc bực bội, tức giận không kềm được thì tha hồ nói, tha hồ cãi, tha hồ chửi, tha hồ bới xới nhau… Bằng miệng, bằng báo chí, bằng internet… Những chuyện như vậy, xảy ra hàng ngày như cơm bữa lúc nào cũng có, nơi nào đông người cũng có. Đó là cuộc đời, làm sao tránh khỏi hỷ nộ ái ố của kiếp người phải không? Hơn nữa, chúng ta đang sống trong xứ tự do chớ có phải nước Cộng Sản đâu mà bị bịt mồm, bịt miệng! Tự do ngôn luận gần như đứng hàng đầu trong các quyền tự do của con người ở các nước tự do mà!”

Phải, quyền tự do ở nước tự do được Luật pháp bảo vệ và tôn trọng tối đa. Nên chúng ta mới thấy chuyện ông Clinton bị đưa ra Tòa vì lẹo tẹo với nàng Monica! Quý vị thử nghĩ coi, trên thế giới tự cổ chí kim có đương kiêm Chủ Tịch nào của nước Cộng Sản mà bị dân đưa ra Tòa chưa? Chỉ có ở nước tự do mà thôi! Nói đi thì phải nghĩ lại! Cũng bởi vì quý vị trong người Việt chúng ta có quan tâm và suy nghĩ tới nhau, mới có những việc đụng chạm, tố khổ ồn ào thường tình như vậy.

Theo thiển nghĩ của riêng tôi thì không sao hết! Cứ tha hồ chửi rủa, tha hồ chỉ trích, tha hồ đào xới nhau để xả xui… cuối năm. Không phải ông bà ta đã nói: “Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” sao? Tốt lắm, như vậy cũng nên! Hãy chỉ trích nhau trong xây dựng để sửa đổi! Để cùng nắm tay nhau chống kẻ thù chung là đảng Cộng Sản Việt Nam đang bán nước, và hà hiếp đày đọa dân mình. Đó mới là sự quan trong nhứt cho người Việt lưu vong.

Chân thành cảm ơn, cảm ơn thật nhiều ban tổ chức các hội chợ Tết Nguyên Đán. Quý vị đã dành rất nhiều thì giờ quý báu, và công lao vất vả để tổ chức hội chợ cho người Việt Nam tha hương có những ngày đón xuân nơi đất khách.

California, mùa Tết Nguyên Đán

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An