Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Little Saigon tưởng niệm 30 Tháng Tư

Little Saigon tưởng niệm 30 Tháng Tư PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan & Nguyên Huy/Người Việt   
Thứ Hai, 30 Tháng 4 Năm 2012 06:16

Sau 37 năm tôi thấy nỗi buồn ngày đó không giảm, mà cảm giác nỗi đau lại tăng thêm theo thời gian.

WESTMINSTER (NV) - Ðúng 37 năm sau biến cố 30 Tháng Tư, lòng người dân Little Saigon vẫn còn rưng rức những nỗi niềm và cảm xúc của một ngày “trời đất Sài Gòn dường như cũng tối sầm, buồn bã,” bên cạnh những trăn trở về một xã hội tự do và nhân quyền cho cuộc sống người dân hiện tại nơi quê nhà.

Ðó là tâm trạng chung của đông đảo đồng hương Việt Nam tại Orange County, cùng tất cả các hội đoàn quanh vùng Nam California, đến với lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư trong chủ đề “Hải ngoại đoàn kết, quốc nội vùng lên” được tổ chức tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, vào chiều Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật cuối tuần.

Năm nay, lễ tưởng niệm ngày Thứ Bảy do Ủy Ban Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen, bao gồm nhiều hội đoàn, tổ chức. Lễ tưởng niệm ngày hôm sau, kết hợp kỷ niệm 9 năm thành lập tượng đài, do Cộng Ðồng Việt Nam Nam California vào một số hội đoàn tổ chức. Cũng trong ngày Chủ Nhật, Ủy Ban Thực Hiện Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam cũng tổ chức Ngày Thuyền Nhân tại Tượng Ðài Thuyền Nhân, bên trong Westminster Memorial Park.

Tuổi trẻ dấn thân cùng cộng đồng

Trong lời phát biểu khai mạc buổi lễ ngày Thứ Bảy, cô Nguyễn Thu Hà, đoàn trưởng Ðoàn Thanh Thiếu Niên Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (Vietnamese Young Marines), trong tư cách trưởng ban tổ chức buổi tưởng niệm, nói: “Ðánh dấu 37 năm quốc hận, chúng ta tề tựu nơi đây không phải chỉ để tưởng niệm đến những quân nhân cán chính đã hy sinh để bảo vệ cho miền Nam Việt Nam trong suốt 21 năm từ năm 1954 đến 1975, để được sống trong bầu không khí tự do cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà chúng ta ngồi nơi đây, giờ phút này, còn nhằm để chia sẻ với đồng bào Việt Nam đang bị áp bức và cưỡng chiếm đất đai, tài sản như ở Tiên Lãng, như ở Văn Giang...”

Lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, dân cử và đồng hương làm lễ cầu nguyện
trước Tượng Ðài Thuyền Nhân, bên trong Westminster Memorial Park,
hôm Chủ Nhật. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cô kêu gọi, “Chúng ta mỗi thế hệ người Việt mang căn cước tị nạn Cộng Sản hãy cùng tưởng niệm các anh linh cán chính đã hy sinh vì lý tưởng tự do và cùng nắm tay đấu tranh cho một Việt Nam tươi sáng với dân chủ và nhân quyền.”

Cũng như lời nhận xét của bà Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez, và Phó thị trưởng thành phố Westminster Trí Tạ, lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư năm nay có sự hiện diện của rất đông những người trẻ tuổi, của những hội đoàn thanh niên, đó là “một sự khác biệt với những năm trước.”

Ngoài Nguyễn Thu Hà, người tham dự còn nhận thấy có nhiều gương mặt trẻ tham gia vào ban tổ chức như Billy Lê (chủ tịch THSV), Tammy Trần Thiện Tâm, Mai Hữu Bảo, Phong Lý,... Sự góp mặt của họ cùng bạn bè tạo nên một sắc thái mới cho sinh hoạt cộng đồng tại đây.

Lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư với chủ đề “Hải ngoại đoàn kết, quốc nội vùng
lên” tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ hôm Thứ Bảy. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Là người được sinh ra năm 1975, đồng thời cũng là một thuyền nhân theo cha mẹ vượt biên khi lên 11 tuổi, cô Nguyễn Thu Hà tâm sự, “Từ giữa Tháng Hai, các hội đoàn đã ngồi lại với nhau, và quyết định bầu ra trưởng ban tổ chức, và em được giao cho trọng trách quan trọng này.”

Dù có “hồi hộp” và “rất sợ” nhưng theo cô, “với sự yểm trợ của tất cả các hội đoàn, cũng như nhiều đồng hương tề tựu lại đây thì mình cũng thấy rất là an ủi và cố gắng để làm cho trọn vẹn buổi lễ này”

Tuy nhiên, như Thu Hà nói, “Có một số bạn tham gia trong buổi này cũng chưa thực sự hiểu hết về ngày 30 Tháng Tư, cho nên nhiệm vụ của chúng em là kêu gọi những em nhỏ hơn ra đây để học hỏi, để hiểu biết thêm được lý do tại sao chúng ta ở đây.”

Người đến dự lễ có thể nghe được những tiếng cười trong vắt của các em thiếu nhi đùa giỡn với nhau quanh khu vực lễ tưởng niệm, hay nhìn thấy những nhóm bản trẻ, rất trẻ, đứng tụm lại cùng nhau nói chuyện, bàn tán những điều không thuộc về biến cố “đau thương của thế hệ cha ông.” Nhưng quả thực, sự có mặt của đông đảo giới trẻ trong những sự kiện như thế này chứng tỏ “các bạn trẻ bắt đầu dấn thân nhiều hơn và để bắt đầu cho những sự đoàn kết cho các hoạt động trong tương lai” như lời nhận xét của Thu Hà và nhiều người tham dự.

 Tâm tư người tị nạn nhân ngày 30 Tháng Tư

“Sau 37 năm tôi thấy nỗi buồn ngày đó không giảm, mà cảm giác nỗi đau lại tăng thêm theo thời gian. Vì nhìn quanh tôi thấy có một số người cũng từng có kinh nghiệm đau thương về ngày đó mà họ lại quên được. Ðồng thời bên Việt Nam có thêm nhiều sự kiện khiến mình buồn lòng hơn, thành ra mình lại thấy nó đau thêm là ở chỗ đó.” Bà Phạm Thị Phong Nhã, cư dân Orange, rời Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, cho biết.

Cũng theo bà, “Cộng đồng mình ở đây sau 37 năm, về mặt xã hội, chuyện sống còn, thì rất là tiến. Nhưng về tình cảm với tổ quốc thì mình nghĩ dường như là họ có phai lạt vì thấy họ về Việt Nam rất đông, mà không chỉ về để thăm gia đình, mà còn là để làm ăn, kiếm sống, thành ra lý tưởng và lý do chính để họ đi vì lý do chính trị không còn được khẳng định nữa, vô tình họ trở thành công cụ tuyên truyền cho chế độ bên kia, làm cho người ta nhìn thấy họ đến đây vì vấn đề cơm gạo chứ không phải vì lý tưởng tự do nữa.”

Tuy nhiên, người phụ nữ này cảm thấy “mừng là có nhiều người trẻ đang nối tiếp truyền thống của mình. Ðó là điểm tựa để mình nhìn vào và hy vọng.”

Với bà Hồng Tín, đang sống tại Laguna Hills, vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, bà đã “chứng kiến nhiều cảnh hỗn loạn lắm. Mà không hiểu sao trời đất ngày hôm đó cũng tối sầm và buồn bã lắm, mưa như cha chết mẹ chết, trời đất tối sầm, tôi có cảm giác như lúc đó là đám tang của đất nước.”

“Tuổi đời càng chồng chất thì càng cảm thấy buồn hơn. Nhất là khi nhìn về Việt Nam, nhìn về tuổi trẻ không còn lý tưởng, chỉ có chạy theo tiền tài, chỉ còn một số nhỏ có lý tưởng thôi, chứ xã hội thì băng hoại, phụ nữ ngày càng bị dập vùi nhiều hơn, bị coi rẻ hơn.” Bà Hồng Tín nêu cảm nghĩ.

Bà trăn trở, “Ngay tại đây thì nhiều em nhỏ cũng chưa hiểu hết được đâu là biểu tượng của đất nước, vì đâu mà mình lưu vong ra nước ngoài. Ðó là trách nhiệm của người lớn. Lứa người lớn tuổi lần lần sẽ ra đi nhưng tôi thấy tuổi trẻ hình như chưa có người kế nghiệp.”

Kể từ lúc sang Mỹ vào năm 1992, ông Nguyễn Xuân Hùng, chỉ cho biết là cư dân Little Saigon, nói, “Năm nào cũng đi dự lễ 30 Tháng Tư” và tâm tư ông “chẳng thay đổi lắm” sau 37 năm xảy ra biến cố này bởi vì “trước sau thì ngày này cũng là ngày rất buồn” và “nó đau đớn nhiều chuyện lắm.”

Theo ông Hùng, để có tương lai cho quê nhà thì “bổn phận của người bên đây là chuyển tải thông tin về trong nước để khiến người dân bớt sợ để họ có thêm can đảm đứng lên làm công việc phục quốc, làm cuộc cách mạng xanh.” Ông Hùng hy vọng “giới trẻ trong nước thức tỉnh đứng dậy giống như là Việt Khang. Và những du học sinh sang đây du học cũng nhìn thấy điều hay, điều trái chứ đừng có học cho giỏi rồi về Việt Nam lại làm quan, lại theo cha dâng nước cho Tàu thì không được.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt là “nhận xét người đến dự lễ có đông như những năm trước không,” bà Trúc Minh, cư dân Fountain Valley, nói, “Nếu nói đông thì không thể nào nói chữ đông được, mà chỉ nói tinh thần người Việt còn nhiều hay ít thôi.”

“Tôi thấy mỗi ngày sản xuất nhiều mà tham gia thì ít.” Người phụ nữ này nhận xét một cách thẳng thắn.

Lý do người ta tham gia ít, theo bà Trúc Minh là “vì 37 năm mòn mỏi quá rồi mà không nhìn thấy con đường, thấy đích mình đến. Nhiều người thấy chán nản, mất niềm tin, ‘dã tràng xe cát biển Ðông/nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.’”

Bà trăn trở thêm, “Tình người hải ngoại suy bì phân chia! Chân tôi còn đau mà tôi vẫn cố đến đây để mong có thêm một cái đầu đen để thấy tinh thần đồng bào còn nhiều hay ít, để đó là một liều thuốc an ủi mình và cho mình thêm can đảm niềm tin để mình sống qua những ngày tháng ở xứ người.”

30 Tháng Tư và Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

Sang ngày Chủ Nhật, hai buổi lễ tưởng niệm nhân biến cố 30 Tháng Tư, cách đây 37 năm được tổ chức tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Tượng Ðài Thuyền Nhân.

Tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài đã cùng Ban Ðại Diện Lâm Thời Cộng Ðồng Việt Nam Nam California và các hội đoàn quân cán chính cử hành một buổi lễ tưởng niệm lần thứ 37 biến cố đau thương 30 Tháng Tư và kỷ niệm 9 năm xây dựng tượng đài.

Trong buổi lễ này, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam cũng có mặt. Ðó là đơn vị Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ VVA, Chapter 785/Mop 752.

Dưới chân tượng đài là bàn thờ 6 vị anh hùng của QLVNCH tuẫn tiết trong những ngày cuối của cuộc chiến, nêu cao được tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam Việt Nam.

Trong khắp khuôn viên, nhiều bức tường đen nhỏ trưng bầy la liệt tội ác của Cộng Sản đã gieo rắc trên khắp quê hương xứ sở. Nhiều khẩu hiệu nhắc đến lời ca của nhạc sĩ Việt Khang “Tôi không thể ngồi yên...” được treo dọc theo mặt tiền khuôn viên tượng đài.

Trong buổi lễ, nhiều quan khách Việt Mỹ đã bày tỏ những ý nghĩ chia sẻ đau thương mất mát cùng cộng đồng người Việt tị nạn và mong mỏi cuộc chiến đấu vì tự do của mọi người chóng đến kết quả.

Trong số những vòng hoa tưởng niệm được đặt trước tượng đài có Liên Hội Cựu Tù Nam California, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, VVA Chapter 785/MOP 752, Ðồng Hương Quảng Ngãi, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Cộng Ðồng Việt Nam Nam California, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Ðoàn Thanh Niên Cờ vàng...

Ngày Thuyền Nhân

Về Ngày Thuyền Nhân, vào lúc 1 giờ chiều, hàng trăm đồng hương từ nhiều nơi đã tập trung về trước Tượng Ðài Thuyền Nhân để cùng làm lễ cầu nguyện cho những thuyền nhân đã không may mắn đến được bến bờ Tự Do.

Ðây là năm thứ ba Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Thuyền Nhân tổ chức Ngày Thuyền Nhân vào dịp 30 Tháng Tư để cộng đồng người Việt cùng nhớ đến những đau thương mất mát mà Cộng Sản đã mang đến cho đất nước và dân tộc.

Phát biểu trong dịp này, nhà thơ Thái Tú Hạp, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Thuyền Nhân, nhắc đến biến cố khiến cho hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy chín chết may ra còn một sống. Hàng trăm ngàn người đã không may mắn đến được bến bờ tự do phải bỏ thân trên biển cả, trên đường vượt biên.

“Tưởng nhớ đến những thương đau này chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho những vong linh thuyền nhân không may mắn sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Ngày Thuyền Nhân cũng là dịp nhắc nhở cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt hải ngoại hiểu và nhớ đến nguồn gốc và những sự hy sinh, gian lao của thế hệ cha anh để tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có được cơ hội thăng tiến cho cuộc đời của mình,” nhà thơ này nói.

Cũng trong ý nghĩa này, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, một trong những thành viên của ủy ban, phát biểu: “Ngày Thuyền Nhân nhằm để chúng ta tưởng nhớ và vinh danh những thuyền nhân, bộ nhân đã hy sinh trê biển cả hay trong rừng sâu. Ngày Thuyền Nhân cũng là để nhớ đến và vinh danh hàng trăm ngàn chiến sĩ Việt Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam. Và sau chót, Ngày Thuyền Nhân cũng là để giúp cho các thế hệ trẻ hiểu đến nguồn cội của mình và hiểu đến những giá trị mà cha anh mình đã trả để cho mình có cơ hội như ngày nay.”

Nhiều quan khách Việt Mỹ cũng đã phát biểu trong dịp này. Giám Sát Viên Quận Cam Janet Nguyễn kể lại mình cũng là một thuyền nhân và được chứng kiến những gian nguy khổ cực của thuyền nhân khi chính gia đình của mình là người trong cuộc. Vì thế nên Giám Sát Viên Janet Nguyễn hứa quyết tranh đấu đến cùng cho tự do của Việt Nam.

Sau phần phát biểu của quan khách, ban tổ chức đã mời các vị lãnh đạo các tôn giáo ra trước Tượng Ðài Thuyền Nhân để cùng cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo của mình. Ðặc biệt Cao Ðài Giáo, các tín hữu đã cùng nhau cất lên tiếng cầu kinh vang dội theo một đoạn kinh cầu nguyện trong Cao Ðài Giáo.

Buổi lễ cầu nguyện trong Ngày Thuyền Nhân chấm dứt bằng một màn thả hàng chục bong bóng xanh trắng thể hiện lòng mong mỏi cho anh linh các thuyền nhân không may mắn sớm được siêu sinh tịnh độ.