Home Đời Sống Danh Nhân Người phụ nữ của đời thường

Người phụ nữ của đời thường PDF Print E-mail
Tác Giả: Phụng Linh / Viễn Đông   
Thứ Tư, 30 Tháng 12 Năm 2009 07:24
  "Có những đêm vắng lạnh, tôi đau lòng nhớ tới cảnh nhà; nghĩ tới chồng cũng đang giam mình trong xà lim; nghĩ tới hai đứa con bất hạnh thiếu vắng mẹ cha, nghĩ tới các bậc sinh thành tuổi già sức yếu."

Bà Dương Thị Nguyệt Ánh (bìa trái) khi còn ở Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh sát Quốc gia, Việt Nam.

(ghi theo lời kể) 

Không nổi danh như cồn như nữ khoa học gia Mỹ gốc Việt ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn trùng tên họ, nhưng bà Dương Thị Nguyệt Ánh, phu nhân của cựu thiếu tá cảnh sát quốc gia Phan Tấn Ngưu, cư dân thành phố Garden Grove, Nam California, lại có một ý chí phi thường của một người phụ nữ một nách hai con thơ liều chết vượt biển tìm tự do.

Bà chỉ muốn tâm sự cùng tôi như một người thân trong gia đình để cùng thấu hiểu, sẻ chia. Tôi phải năm lần bảy lượt thuyết phục, năn nỉ xin được phép trải lòng với bạn đọc gần xa, sau khi nghe lại những câu chuyện của bà...

Xưa...

Những năm trước 1975, gia đình tôi rất nghèo, cùng đùm đậu dưới mái nhà đơn sơ ở huyện châu thành Cà Mau. Cha tôi làm thầy giáo dạy kèm trẻ ở nhà kiếm chút tiền nuôi ba đứa con gái ăn học. Là người chị cả trong gia đình, tôi tự thấy phải ráng học, và nhờ đó mà vượt lên từng chặng, lên lớp từng bước. Từ trường quê nhà lên Bạc Liêu, lên Sóc Trăng, rồi đến thành phố Cần Thơ, đậu được bằng tú tài, ai nấy đều mừng cho tôi. Thế nhưng khi hai em lớn dần, chi tiêu trong nhà mỗi lúc một nhiều hơn, tôi nghĩ đến chuyện phải làm một việc gì đó để kiếm tiền. Tình cờ, biết Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Sài Gòn tuyển học viên, tôi ghi danh vào trường chỉ để có việc làm, có lương thôi. Tôi không có chỗ khác để chọn lựa.
Tôi và người chồng hiện nay gặp nhau ở học viện. Hồi đó, ai cũng biết rằng nhóm học viên chúng tôi gồm một đám con trai, con gái được tuyển vào trường huấn luyện nhân viên ngành cảnh sát. Thỉnh thoảng, chúng tôi cùng tham gia các buổi công tác chung, nhưng ít có cơ hội làm quen nhau.

Một hôm trong buổi sơn sửa trại, trong khi mọi người lăng xăng với công việc thì tôi chạy xuống bếp vì nghĩ rằng "mình là đàn bà con gái, xuống bếp kiếm việc là tốt nhất". Chúng tôi làm nước chanh để các anh uống cho đỡ khát trong khi lao động cật lực.

Tình cờ, hai chúng tôi gặp nhau ở gian bếp, chào nhau rồi mạnh ai nấy lo việc của mình. Không ngờ, đó là lần gặp gỡ đầu tiên hình như do duyên trời dung rủi cho những người đã có nợ với nhau từ kiếp nào, gặp nhau. Chúng tôi bắt đầu quen nhau, hẹn hò đi chơi, và cuối cùng làm lễ thành hôn, cùng được bổ nhiệm về tỉnh Tây Ninh làm việc.

Năm 1975, tôi mang lon đại úy bị bắt một lượt với chồng tôi tại tỉnh Tây Ninh. Cả hai đều bị giam ở Cây Cầy, Tây Ninh thuộc vùng biên giới. Hai đứa con nhỏ gồm một trai khoảng 5 tuổi và một gái 3 tuổi để ở nhà với ngoại tại tỉnh Long An. Cha mẹ tôi đã chuyển từ Cà Mau đến Long An để ở gần gia đình chồng tôi.

Ở tù, tôi mới hiểu tâm trạng của người lâm vào cảnh ngộ "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Có những đêm vắng lạnh, tôi đau lòng nhớ tới cảnh nhà; nghĩ tới chồng cũng đang giam mình trong xà lim, khám tối; nghĩ tới hai đứa con bất hạnh thiếu vắng mẹ cha, nghĩ tới các bậc sinh thành tuổi già sức yếu... Từ trước đến giờ, họ vẫn sống bằng những đồng lương của chúng tôi. Đùng một cái, tất cả đều tan biến, không biết họ sinh sống ra sao, ốm lạnh thế nào.

Thời gian dằng dặc trôi, nhiều chị em dần dần được thả, chỉ còn mình tôi bị nhốt riêng trong một cái chòi tranh, bốn bề kẽm gai, canh phòng cẩn mật. Tôi lo buồn mỗi khi nghĩ tới tương lai. Tôi biết các con tôi đang thất học, lêu lổng giữa chợ đời. Tôi đoán rồi tôi cũng sẽ bị vất lại đâu đó giữa đời tăm tối.

Thấy Ngoại khó nghèo quá, tôi xin cho hai đứa con cùng vào tù. Thỉnh thoảng má tôi đến vùng biên giới Cây Cầy thăm nuôi. Cán bộ trại giam cho tôi mua gạo, nấu ăn cho hai đứa nhỏ. Mấy đứa nhỏ vẫn hồn nhiên rong chơi trong sân trại giam.

 
             Hai con nhỏ của bà Nguyệt Ánh và ông Phan Tấn Ngưu.

Cháu không hiểu rằng mắt tôi đã ráo hoảnh vì không còn có thể khóc cho phận đời bất hạnh. Hồi ấy, nếu không có hai đứa con làm niềm an ủi, chắc tôi đã nổi điên vì tuyệt vọng.

Sau ba năm bị giam cầm, tôi được thả. Trước đó, ba má tôi bị ép rời nhà ở Long An, đẩy tới vùng rừng hoang Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Họ chỉ đám rừng trước mặt và bảo "hãy tự đi tìm cuộc sống". Cha tôi đã ngoài 70 tuổi, vẫn lặn lội vào rừng đốn cây dựng chòi mà ở, để chờ con mình trở về có một chỗ nương thân.

Khi ra tù, tôi và hai con nhỏ tìm đến. Tôi xin được dùng chút sở học dạy kèm cho các cháu, cũng để có cơ hội dạy chữ cho hai đứa con dốt đặc của mình, và để khỏi vào rừng đốn củi. Nhưng họ từ chối, nói: "Bà đi dạy sẽ làm hư hỏng con của dân" (?)

Cùng đường, tôi xuống Cà Mau sống lang thang kiếm mối vượt biển. Biết cực khổ, biết đối diện với sự hiểm nguy, chết chóc nhưng chúng tôi không còn con đường nào khác. Lần đầu tiên ý định vượt biên không thành, tôi bị bắt cùng với chủ tàu. Mọi người chạy tán loạn, nhảy ùm xuống sông nên thoát thân. Tôi kẹt hai đứa con nhỏ nên không thoát được. Tôi có mang theo trong mình mấy sự vụ lệnh tuyển dụng, đêm đó ở trong tù đã nhai nuốt hết. Đúng như suy đoán của tôi, đêm đó cán bộ trại giam xét giỏ đồ, và không tìm được giấy tờ gì hết.

Ở tù ra, tôi lại về Bến Súc, Bình Dương. Từ chòi ra lộ phải đi 5 cây số đường rừng. Về ở tạm, mà tính đường đi tiếp, những chuyến vượt biên trần ai, thấy cái chết trước mắt.

Lần thứ hai, tôi lại xuống tàu, nhưng hai - ba lần nữa đều bất thành, có khi ra giữa biển thì mới biết tàu không có tài công phải quày trở vô. Chủ tàu thả mình ở chỗ nào thì mình phải lập tức tản liền trong đêm để tránh công an. Lần chót, họ đậu giữa con sông nhỏ, bắt một cái cây nhỏ để mình đi lên. Tôi dẫn đứa con gái nhỏ lên ghe được rồi, tới thằng con trai, nó loay hoay thế nào mà té ùm xuống sông. Phản xạ tự nhiên của tôi là nhào theo, chụp được nó, cả hai mẹ con cùng chìm xuống dòng sông. May nhờ tôi mặc chiếc áo gió nên hai mẹ con nổi lên, nhờ vậy mà lóp ngóp bò vào bờ sống sót, trở về Cà Mau với đôi chân không vì mất hết guốc dép.

Thấy thằng con trai khóc lóc không muốn đi. Con gái thì nói "đi nữa mẹ, đi nữa". Có đứa con gái nâng đỡ tinh thần, tối hôm đó, tôi quyết định quày trở về chỗ cũ đi nữa, chiếc ghe giấu trong bụi bị teo, bị rò nước, mọi người phải thay phiên nhau tát nước, rồi đến một chỗ kín đáo trét ghe kín xong mới đi nữa. Lần đó chúng tôi thoát được đến Thái Lan.

Những ngày lang thang trên sông nước, trong bụi rậm, tôi không ăn uống gì cũng no. Mấy đứa nhỏ xin cơm của người lạ, thấy ai có thì xin ăn cho đỡ đói. Tôi không chuẩn bị gì hết, chấp nhận hoặc được tất cả hoặc chết.

Đó là lần đi trót lọt. Tháng Ba, năm 1980, chúng tôi tới Thái Lan, tháng 6 năm đó, ba mẹ con tôi tới Mỹ, và đó là chuyến chót mà trại tị nạn Thái Lan còn nhận người. Những chuyến khác sau này phải đổi hướng qua Nam Dương.

Khi vừa đặt chân tới bờ biển Thái Lan, tôi nằm trên bãi cát Songla khóc nức nở, khóc hoài, khóc mãi, khóc hàng giờ đồng hồ. Khóc cho đã vì biết từ nay mình không còn khổ như thế nữa. Tôi nghĩ, Thái Lan tuy chưa phải là nơi mình muốn, nhưng đến được đất lạ thì cuộc đời mình có thể thay đổi tốt hơn. Hồi ở nhà, tôi không được nói những gì mình nghĩ, trước khi muốn nói điều gì phải dòm trước, dòm sau, vì sợ quá. Lúc mới ở tù ra, họ tới nhà kiểm soát từng chập, nói với tôi: "Sao chị thuộc bài quá". Đó là những bài học, nếu không thuộc, chắc tôi đã "mồ xanh cỏ".

...Nay

Định cư tại thành phố San Jose, Bắc California, tôi vừa đi may kiếm sống, vừa đưa đón con đi học mỗi ngày, sau này mới về Nam California. Lúc đầu, tôi dạy mấy con tôi học Anh văn, nhưng về sau thì nó dạy lại cho mình. Mình lớn tuổi, trở nên chậm chạp, khó nhớ.

Trong 15 năm, hai đứa nhỏ thiếu vắng ba, một mình tôi bươn chải nuôi con. Sau 18 năm xa cách, gia đình chồng vợ, cha con mới được trùng phùng. Nhưng hồi đó tôi không thấy khổ chút nào, vì nghĩ rằng mình đã ở tù được thì khổ cỡ nào cũng trải qua được. Tôi nghĩ, có trợ cấp của chính phủ hay không vẫn sống được, bằng giá nào, với đồng lương cỡ nào cũng sống được.

Làm lụng thì ai sao mình vậy. Tôi chấp nhận hiện tại vì nghĩ mình vẫn còn may mắn, nhờ có hai con nhỏ mà bị tù 3 năm, chứ bạn đồng khóa của tôi có người tù tới 12 năm.


                Ông bà Nguyệt Ánh - Tấn Ngưu (bên trái) tại Hoa Kỳ.

Nay thì tình hình kinh tế khó khăn, tôi bất đắc dĩ mới phải ở nhà ngồi không. Cũng như bao nhiêu người đàn bà khác, có chồng, có con thì phải lo cho con nhiều hơn, vì nó là tương lai của mình sau này. Hồi còn ở trong nước, kẹt phải lo cho cha mẹ và các em, nên phần lo cho con không được tươm tất. May thay, không có đứa nào nghiện ngập là hạnh phúc lớn nhất đời rồi.

Tôi vẫn nhớ lúc cháu đi học, thỉnh thoảng nói phải ở lại học thêm, tôi vào tận lớp, chỉ yên tâm khi tận mắt nhìn thấy con đang ngồi trong lớp. Trong xã hội bây giờ, các em học sinh cặp bồ khi đang đi học làm mình cũng lo.

Con gái lớn của tôi nay là bác sĩ giải phẫu, làm việc ở tiểu bang khác. Mỗi khi được nghỉ cuối tuần thì tôi bay lên nấu nướng cho con ăn.

Mẹ tôi qua đời tại Hoa Kỳ cách nay 4 năm, còn ông cụ ở cạnh chúng tôi, trên 90 tuổi vẫn còn khỏe.

Chúng tôi rất mãn nguyện về cuộc sống hiện tại của mình. Tôi vẫn chân thành thấy, nhiều chị còn đáng kính nể hơn mình nhiều. Nỗi gian truân của mình đã qua chỉ thường thôi. Nhiều người khác, còn gian truân bội phần.