Mười Năm PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Ngô Viết Trọng   
Thứ Sáu, 25 Tháng 11 Năm 2011 18:38

Mười Năm Ôn Lại Thuở Đầu Viết Văn.

MƯỜI NĂM
 
Tôi đến với giới bút mực khá muộn màng. Thuở còn đi học, tuy rằng cũng sính văn thơ, cũng ưa chuốt câu trau chữ nhưng chỉ ấm ớ được vài bức thư tình, năm ba vần thơ vớ vẩn. Khi sáng tác được bài nào thích ý, tôi cũng có gởi lên vài tờ báo để cầu may được đăng. Nhưng gởi lần nào cũng chẳng có hồi âm. Ra đời làm việc, tôi lại càng xa cách thêm cái mộng ước bút mực! Một anh chàng Cảnh Sát Dã Chiến hết ở cao nguyên bụi đỏ Bảo Lộc, Lâm Đồng lại lăn lộn vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị làm gì còn cơ hội để theo đuổi chuyện viết lách?
Sau biến cố 1975, tôi đã phải trải qua nhiều năm tù đày đau khổ cả thân xác lẫn tinh thần do cách đối xử ngang ngược, vô nhân đạo của kẻ thù. Trong thời gian đó, tôi đã trải qua hai lần bị bệnh ghẻ nặng gần chết ở trại giam Tân Hiệp Biên Hòa và khám đường Bà Rịa. Vụ bệnh ghẻ ở trại giam Tân Hiệp Biên Hòa lan mạnh đến nỗi trại này phải chữa trị bằng cách cho hàng trăm tù nhân ở truồng để tắm nước pha muối hàng ngày. Điều đáng nói là công việc này lại do hai cán bộ nữ trực tiếp điều khiển. Sự việc này về sau tôi đã trình bày lại trong bài hồi ký “Chim Ơi Vĩnh Biệt Sao Đành!”. Kế đến là những vụ chấn động thần kinh nặng nề ở khám đường Bà Rịa, nơi đã có hàng chục tù nhân chính trị phải bỏ mạng bởi những vụ đánh đập của cán bộ chỉ vì những lý do vu vơ. Cũng nơi này đã có hàng chục tù nhân chết vì bị bệnh ghẻ hành hạ...
Cú xóc khác là chuyện thế thái nhân tình. Ở trong tù cũng là nơi những cá tính, nhân cách của con người dễ biểu lộ nhất. Ở đó người ta có thể nhìn thấy nhiều mâu thuẫn về nhân cách khó tưởng tượng nổi. Một tên tù bị ghép vào hạng du đãng có thể khảng khái bênh vực lẽ phải đến tận cùng dù phải mang họa vào thân. Ngược lại, có những kẻ trước kia ở địa vị quyền thế cao sang cũng có thể quì gối uốn lưỡi trước kẻ thù, sẵn sàng làm kẻ rình mò từng lời nói sơ hở của bạn đồng tù để báo cáo lập công...
Là một tù nhân, nạn nhân trực tiếp của chế độ mới, tôi đã chứng kiến được nhiều điều nói ra ít ai tin là thật! Tôi đã từng ước ao có một ngày tháo cũi sổ lồng và sẽ dùng ngòi bút để ghi lại những điều mình đã trải qua!
Thế nhưng khi ra tù, vì bận chạy gạo nuôi thân, vì thiếu can đảm, sợ rước họa vào thân làm tù trở lại, tôi lại gắng câm nín.
May thay, chính phủ Hoa Kỳ lại mở ra chương trình tái định cư để cưu mang những cựu tù nhân chính trị Việt Nam! Thế là tôi hi vọng có cơ hội nói lên những điều mắt thấy tai nghe, để tự giải tỏa những nỗi uẩn ức trong lòng.
Khi đã đến Sacramento, Hoa Kỳ, tôi tình cờ liên lạc được với một người bạn thân thuở nhỏ là Trần Ngọc Cư đang ở tiểu bang Oklahoma. Lúc ấy nhóm cựu học sinh Quốc Học 61-64 cả hải ngoại lẫn trong nước đang định làm một cuộn băng thơ lưu niệm. Cư kêu gọi tôi góp mặt một bài thơ. Có lẽ nhờ cảm xúc dồi dào khi tưởng nhớ thuở học trò và nhìn lại hoàn cảnh của mình hiện tại, tôi đã viết được bài thơ “Đời Một Cựu Học Sinh Quốc Học” đề tặng hai bạn học Trần Ngọc Cư và Hồ Văn Liệu.
Sacramento là nơi phát khởi của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Hội này chủ trương tạo điều kiện cho tất cả những khách “yêu thơ” đều có thể tham gia với tính cách tài tử. “Cụm Hoa Tình Yêu” là mái nhà dung chứa mọi tác phẩm thơ từ thượng vàng đến hạ cám (dĩ nhiên là không Cộng Sản), mục đích để hòa vui cùng nhau chứ không chú trọng đến vấn đề nghệ thuật tinh thô. Ưu điểm này đã giúp những ai có chút máu văn nghệ đều có thể mạnh dạn làm thơ góp mặt với Hội, với đời. Nhờ thế mà hồi ấy sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng người Việt ở Sacramento có vẻ rộn ràng, vui nhộn.
Viết xong bài thơ “Đời Một Cựu Học Sinh Quốc Học” tôi liền gởi cho Cư và đồng thời rụt rè đem gởi tuần báo Mõ ở Sacramento. Mấy ngày sau tôi mừng rỡ thấy bài thơ của mình xuất hiện trên tuần báo Mõ, nằm cạnh bài thơ “Bởi Quá Nghèo Thơ Cũng Bỏ Ta Đi” của Thành Đạt.
Bài thơ “Đời Một Cựu Học Sinh Quốc Học” chính là bài thơ đầu tiên trong đời của tôi được chính thức đăng lên một tờ tuần báo, rõ ràng, rạng rỡ! Hứng chí, tôi lại tiếp tục làm thơ. Gởi bài nào báo Mõ cũng đăng cả. Trong thời kỳ này tôi chuyên đọc báo Mõ và bắt gặp những bài thơ dễ xúc động như “Những Kiếp Phù Sinh” của Huỳnh Mai, “Hóa Kiếp Ngựa Thồ “ của Nguyễn Phúc Sông Hương, “Cô Bé Sài Gòn” của Lưu Trần Nguyễn... Vì cảm bài thơ “Cô Bé Sài Gòn” nên tôi đã sáng tác được bài thơ “Nỗi Lòng”, đề tặng LTN mặc dù lúc đó tôi chưa quen biết LTN. Bài thơ viết khá hợp với hoàn cảnh dở ông dở thằng của nhiều cựu tù nhân chính trị VN mới được định cư tại Hoa Kỳ. Sau này một số bạn bè của tôi đã mượn bài thơ này kèm vào lá thư gởi về cho những người thân ở Việt Nam để phân trần hoàn cảnh của mình khi sống trên đất Mỹ.
Tuy đã có bốn năm bài thơ đăng báo nhưng giới văn nghệ sĩ ở Sacramento, kể cả chủ nhiệm chủ bút báo Mõ cũng chưa biết tôi ngoại trừ anh chị Định Nguyên & Uyên Nguyên là những người quen biết trước 1975.
Trong lần đầu tiên đi dự một buổi sinh hoạt của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở Sacramento, khi vào rửa tay ở restroom, tôi tình cờ gặp một người mang bảng tên Thành Đạt trên túi áo. Tôi chào hỏi làm quen rồi khoe mình là tác giả bài thơ đăng song song với bài “Bởi Quá Nghèo Thơ Cũng Bỏ Ta Đi” của anh. Thành Đạt mừng rỡ kéo tay tôi:
-Trời ơi, lâu nay thấy mấy bài thơ của anh nhiều người thắc mắc không biết tác giả là ai, ở đâu. Ra đây tôi giới thiệu cho họ biết một tí.
Rồi Thành Đạt kéo tôi đến giới thiệu với một nhóm bốn năm người trong đó có hai nhà thơ nữ (tôi không còn nhớ là ai). Tuy Thành Đạt tỏ vẻ rất tâm đắc với những bài thơ của tôi nhưng chúng tôi lại không có duyên gần gũi nhau. Chẳng bao lâu sau đó anh đi tiểu bang khác rồi qua đời. Thôi rồi một kiếp phù sinh!
Những bài thơ tôi viết hồi ấy hầu hết rất buồn. Nó chất chứa tâm trạng phẫn hận của một kẻ lưu vong bất lực trong cuộc sống mới và mang nhiều nuối tiếc quá khứ... Một lần có một người bạn mời tôi đến ăn mừng nhà mới. Khi ngồi vào bàn, tôi tình cờ ngồi gần một thiếu phụ có vẻ sang trọng chưa hề gặp. Trong bàn tiệc dĩ nhiên người ta vẫn hay nói chuyện lung tung. Khi nói đến chuyện thơ văn, thiếu phụ ấy vô tình nhắc đến bài thơ “Những Người Lỡ Vận” của tôi vừa đăng trên báo Mõ. Bà khen hay và cho biết đã cắt bài thơ ấy để giữ lại. Tôi rất mừng khoe với bà chính tôi là tác giả. Đó là bài thơ tôi đã gắng lột tả những cảnh khốn cùng của người tù “... Cục phẩn tụ nhiều ngày rặn mãi không đi! Máu chảy dầm dề không giấy lau nước rửa...” để rồi kết thúc với lời nguyền “... Tuổi càng già, hận càng già, Ai còn trao kiếm thì ta cũng cầm!”. Qua cuộc nói chuyện tôi mới biết thiếu phụ ấy là chị Tina Thanh Hương, một thành viên của hội thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại.
Thấy khả năng tiến bộ của tôi, Trần Ngọc Cư khuyên tôi nên viết truyện ngắn cho dễ chuyển tải tư tưởng của mình. Nghĩ có lý, tôi khởi sự viết truyện đầu tay “Món Quà Xuân” vì lúc đó Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Sacramento đang kêu gọi viết bài cho đặc san Bất Khuất và tuần báo Mõ cũng thông báo kêu gọi viết bài cho số Xuân. Truyện “Món Quà Xuân” viết không khó lắm vì chỉ thuật lại một sự việc đã thật sự xảy ra khi tôi còn ở trong tù. Viết xong, tôi đưa cho mấy người bạn gần gũi xem trước nhưng anh nào cũng lắc đầu. Có anh khuyên: Thôi, anh làm thơ cũng được, nên tiếp tục làm thơ đi, đừng tham lam nữa. Tôi lại về sửa đi sửa lại nhiều lần rồi đưa họ coi tiếp nhưng vẫn tiếp tục bị chê. Tự mình thấy cái truyện rất ý nghĩa mà bị chê quá, tôi đâm ra nghi ngờ khả năng duyệt văn của mấy anh bạn này. Thế rồi tôi cứ liều đem gởi các báo.
Mấy lần trước, mỗi lần gởi thơ cho báo Mõ, tôi rón rén cầm sẵn bao thư đựng bài thơ viết tay vào văn phòng chờ lúc không ai để ý bỏ đại xuống bàn rồi rút lui êm. Nhưng lần gởi truyện ngắn này không thể làm như thế được. Ngoài việc gởi báo Mõ, tôi còn phải gởi cho Hội CTNCT nữa nên phải sao thêm một bản. Tôi đến cái máy photo hí hoáy một hồi mà không sử dụng được. Một người đàn ông trẻ thấy vậy đến giúp tôi. Anh quay lại hỏi tôi “Anh là NVT à?”. Tôi đáp “Phải”. “Anh đã đăng đây nhiều bài thơ rồi mà bây giờ tôi mới biết”. Đó là anh Tâm chủ bút tuần báo Mõ hồi ấy. Từ đó tôi không còn phải rón rén khi vào đây nữa.
Truyện ngắn “Món Quà Xuân” chính là truyện ngắn đầu tay của tôi được chính thức đưa lên một lần hai tờ báo. Tuy vậy hồi ấy tôi vẫn có chút không hài lòng vì bài mình viết tay, người khác đánh máy lại sai khá nhiều.
Lúc bấy giờ đọc mấy truyện ngắn của Lập Phương, của Trần Kiêm Đoàn tôi rất thèm thuồng và thấy mình còn xa cách các anh ấy quá! Mới viết một truyện đã vất vả như thế làm sao mình có thể ra một cuốn sách? Trong lúc tôi đang nản chí thì may sao, Trần Kiêm Đoàn lại gọi tôi nói chuyện. Anh Đoàn khen: “Truyện ngắn Món Quà Xuân của anh viết được lắm. Anh nên tiếp tục viết đi!”. Thật tình lúc ấy tôi mới biết TKĐ, chưa có gì thân tình cho nên tôi nghĩ lời khen của anh là khách quan, thành thật. Lời khuyến khích của một nhà văn đã thành danh giúp tôi thêm tự tin và lại tiếp tục viết. Tôi bắt đầu chuyên chú viết văn đến nỗi quên luôn việc làm thơ. Bài nào cũng sửa đi sửa lại mất nhiều thì giờ lắm chứ không phải “viết cái rẹt trong vòng vài tiếng hay một ngày” mà nên câu chuyện như nhiều người vẫn tưởng. Những truyện ngắn khác của tôi đã lần lượt ra đời. Người đầu tiên phong tước “nhà văn” cho tôi là anh Trần Văn Ngà chủ nhiệm bán nguyệt san Tiếng Vang. Một động lực khác khiến tôi càng vững tâm là khi Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn ở San Jose tổ chức cuộc thi thơ nhân dịp xuân 1999, tôi gởi bài thơ “Đêm Cuối Năm” tham dự đã được chấm trúng giải tưởng lệ (cuộc thi chỉ lấy 3 giải: giải nhì, giải ba và giải tưởng lệ).
Đã có được một số thơ cùng một số truyện, tôi bắt đầu nghĩ đến việc góp một tác phẩm với đời. Tôi cứ sợ dại nếu mình “ngỏm” bất tử, những công trình đó mà bỏ hết thì uổng quá. Vì nỗi sợ vẩn vơ ấy, tôi đã tính chuyện làm một tuyển tập hỗn hợp thơ văn cho sớm! Thế nhưng khi thăm dò việc in sách, anh Phan Dương cũng đang viết văn nói với tôi nửa đùa nửa thật “Tôi phải đợi khi nào mua được nhà mới để có cái garage rộng rãi mới dám ra sách” làm tôi cụt hứng. Tới khi hỏi mấy người đã ra sách như anh Nguyễn Phúc Sông Hương, anh Lưu Trần Nguyễn tôi lại càng thêm chùn chân. Trong thời gian dật dờ ấy mà tôi đã viết thêm được mấy truyện ngắn nữa.
Đã có thêm truyện, lại nghe nhiều người nói thơ rất khó bán, tôi không còn giữ ý định ra một tuyển tập hỗn hợp văn thơ nữa mà phải gắng ra một tập truyện ngắn thuần túy. Thế nhưng khi đem tất cả số truyện đã viết ra ướm thử được bao nhiêu trang tôi đâm ra thất vọng. Một tập truyện ngắn mà bề dày chỉ khoảng 100 đến 120 trang thì coi sao được? Lúc đầu trí óc còn phong phú đề tài còn đỡ, càng về sau đề tài càng cạn, việc viết lách càng khó khăn hơn. Nhiều truyện viết đi viết lại rất nhiều lần vẫn thấy không vừa ý đành phải bỏ dở. Với tình trạng đó, bao giờ mình ra được tập truyện đây?
Sau nhiều ngày nóng ruột suy nghĩ nát óc tôi mới sực nhớ tới cái môn học sở trường của mình thuở nhỏ là môn sử ký. Thế là tôi gắng viết thử mấy truyện mang tính lịch sử. Trong mấy tháng tôi đã đưa lên báo được bốn năm truyện sử cả Tàu lẫn ta. Nhờ những truyện này mà tôi được một nhà văn rất thầm lặng chú ý, đó là anh Tô Hòa Dương. Điều tôi không ngờ cuộc gặp gỡ giữa anh Dương và tôi đã trở thành một cuộc gặp gỡ cá nước. Chính anh Dương là người đã giúp đỡ, khuyến khích tôi viết thành công những truyện dài sau này.
Hồi đó vợ chồng tôi đều có việc làm nên không trở ngại mấy trong việc in ấn một tập sách. Sau khi dồn được 20 truyện, tôi quyết định ra tập sách đầu đời với tựa đề “Vết Hằn Mùa Xuân”. Vết Hằn Mùa Xuân là tên một truyện ngắn viết về chuyện một người em họ của tôi, một nữ sinh Đồng Khánh, đã bị Công Sản chôn sống trong tết Mậu Thân. Tôi đã nhờ Trần Kiêm Đoàn đề tựa cho tập truyện này. Hoàn thành xong bản thảo là tôi đưa đi in ngay.
Thời gian chờ đợi tập sách đầu tiên ra đời là thời gian tôi mất ăn mất ngủ nhất! Những câu hỏi như tiêu thụ bằng cách nào? Có nên tổ chức ra mắt sách không? Lắm việc búi beng nhờ ai giúp đỡ? v.v...
Một lần đến ăn cỗ tại nhà một người bạn làm xe lunch, nhân khi mọi người nói chuyện trên trời dưới đất, tôi khơi chuyện ra mắt CD của một nhạc sĩ kia để thăm dò dư luận thì một người vọt miệng nói: “Mấy anh làm văn thơ nhạc họa đó chuyên bày chuyện để moi tiền thiên hạ! Tôi dứt khoát không bao giờ cho bọn nó một xu! Thà để uống vài chai bia còn lợi hơn!” Câu nói phũ phàng của vị thực khách ấy như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Ý nghĩ tổ chức ra mắt sách trong tôi tưởng như tan biến hết. Nhưng rồi tưởng tượng tới 1200 cuốn sách mỗi cuốn dày ngót 300 trang nằm chình ình trước mắt tôi lại thấy ớn! Hơn nữa, tôi đã lỡ khoe với bà xã sẽ tổ chức ra mắt sách rồi! Muốn cho chồng được thỏa chí, vợ tôi đã bấm bụng bỏ mấy nghìn bạc vào đó lẽ nào giờ lại coi như pha? Nghĩ đi nghĩ lại tôi lại phải nhất quyết liều!
Một cuộc ra mắt sách thành công hay không phần nhiều tùy thuộc vào khả năng khéo léo của người MC và người giới thiệu tác phẩm. Giờ biết nhờ ai đây? Trong đám văn nghệ sĩ VN hồi đó ở Sacramento tôi chỉ mới quen thân được một mình Lưu Trần Nguyễn. Khổ nỗi trước đây mấy năm LTN đã ra tập thơ Mái Tóc Trầm Hương, thơ hay, anh đã được nhiều người biết tên tuổi, nhưng rụt rè không dám tổ chức ra mắt! Vì thế, tôi chỉ nhờ LTN giới thiệu tác giả. Vai MC tôi phải nhờ đến Trần Duy Phô, một người thân của tôi, ăn nói giỏi nhưng lại mới sang Mỹ, chưa quen biết nhiều. Vẫn còn thiếu một vai trò rất quan trọng nữa, đó là người giới thiệu tác phẩm, linh hồn của cuộc ra mắt. Trong lúc bấn ruột suy nghĩ, tôi chợt nhớ tới một bài báo của nhà văn Hoàng Ngọc Liên viết trên báo Tiếng Vang khen chị Cao Thanh Tâm là một MC giỏi của cộng đồng người Việt ở Sacramento. Nếu được chị Tâm giới thiệu tác phẩm thì tốt biết mấy! Thật tình hồi ấy tôi chưa tiếp xúc với chị Tâm lần nào, nay bỗng nhiên đến nhờ cậy sao tiện? Nhưng túng quá, cuối cùng tôi cũng đành phải liều gõ cửa! May sao, anh Tôn Thất Sang và chị Cao Thanh Tâm đã sốt sắng nhận lời! Thì ra trước nay anh chị Sang, Tâm đều đã đọc và cũng rất tâm đắc với những truyện tôi viết!
Được chị Tâm nhận lời giới thiệu tác phẩm xong tôi mới dám tiến hành việc tổ chức ra mắt tác phẩm “Vết Hằn Mùa Xuân”. Hội CTNVN/CT Sacramento trực tiếp bảo trợ cho cuộc ra mắt này (ban tổ chức hầu hết là người của Hội CTNVN/CT Sacramento). Địa điểm ra mắt là nhà hàng Lucky ở đường Stockton Blvd, Sacramento. Lỡ phóng lao đành phải theo lao chứ lúc ấy tôi lo hết sức.
May mắn, buổi ra mắt VHMX ấy đã thành công ngoài dự tính. Nhà hàng Lucky chật ních độc giả đến tham dự, một số đến muộn phải đứng ngoài. Có nhiều độc giả đã đến trước giờ khai mạc buổi ra mắt cả nửa tiếng như Bs Hà Hữu Tâm, anh Nguyễn Văn Oai... Hình ảnh đó đã làm tôi rất cảm động và nhớ mãi. Buổi sinh hoạt văn hóa này đã diễn ra rất sống động, vui vẻ. Nhờ sự thương mến, ủng hộ của quí độc giả, trong lần ra mắt ấy tôi đã thu được một khoản tài chánh đáng kể, đủ trang trải mọi chi phí in ấn lẫn chi phí cho buổi ra mắt sách. Đó là một niềm khích lệ lớn đã giúp tôi hăng hái tiếp tục sáng tác.
Tôi rất nhớ ơn quí anh chị đã góp phần làm cho cuộc ra mắt sách đầu tiên của tôi được thành công mỹ mãn. Nhất là các anh Lê Quang Sinh, Nguyễn Thông, Nguyễn Ngọc Danh, Ngô Đức Thừa, Nguyễn Quý Nhượng, Nguyễn Hữu Tân, Lưu Trần Nguyễn, Trần Duy Phô, Tôn Thất Sang, chị Cao Thanh Tâm và cả anh chị Nhật Thịnh nữa (mặc dầu sau này anh NT đã nhiều lần mạt sát tôi tàn tệ vì những nguyên nhân trời-ơi).
Tới lúc này tôi đã góp mặt với đời được 3 tập truyện ngắn và 6 truyện dài trong đó có 5 tác phẩm tiểu thuyết lịch sử.
Năm nay, đúng 10 năm sau lần ra mắt tác phẩm “Vết Hằn Mùa Xuân” tôi lại ra mắt tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc” ở Sacramento. Lần ra mắt sách này tôi cũng được độc giả ủng hộ không kém mấy so với lần trước. Nhưng có điều trái ngược, lần này lòng tôi không rộn rã vui như lần trước, thay vào đó là một trạng thái ngùi ngùi... Anh Tô Hòa Dương, người anh tinh thần, người đã hà hơi tiếp sức giúp tôi tiến bước trong lãnh vực sáng tác văn học đã không còn nữa. Các bạn văn thơ như anh Ngô Đức Thừa, anh Thành Đạt cũng đã khuất bóng. Anh Lê Quang Sinh, người anh cả của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại có công làm cho bầu không khí văn nghệ Sacramento khởi sắc một thời cũng đã đi xa.
Và chính bản thân tôi, sức khỏe và sức sáng tác cũng đang đổ dốc như bóng chiều...
 
                                                                                                                 Ngô Viết Trọng
                                                                                                                         (2011)