Home Gia Đình CSQG Văn Chương Tại Sao Tôi Viết Cuốn Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc?

Tại Sao Tôi Viết Cuốn Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc? PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Ngô Viết Trọng   
Thứ Ba, 06 Tháng 3 Năm 2012 21:22

 Tại Sao Tôi Viết Cuốn Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc?

Sau khi cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc” (CBN:AHCQ) của tôi ra đời, có một số đồng hương chưa đọc đã đặt vấn đề đại khái như sau:


1.Nhân vật anh hùng của Việt Nam không thiếu chi tại sao lại viết cuốn sách ca ngợi một nhân vật nước ngoài từng chống lại Việt Nam?


2.Trong tình trạng đất nước đang đứng trước hiểm họa xâm lược của Trung Cộng tại sao anh lại khơi dậy tinh thần dân tộc của người Chiêm, một đề tài nhạy cảm có thể gây nên sự chia rẽ trong cộng đồng Đông Dương tạo điều kiện cho ngoại bang khai thác thủ lợi?


Tuy đó là những câu hỏi hay thật nhưng tôi lại đâm ra lười trả lời vì tôi nghĩ nội dung cuốn sách tôi viết đã giải thích đủ rồi. Chưa thấy ai “đã đọc xong” cuốn CBN: AHCQ của tôi mà còn hỏi những câu như thế! Có thể tôi đã suy nghĩ hơi chủ quan.
Mới đây, trong dịp một số bạn bè cũ gặp gỡ nhau, có vài bạn đã gọi đùa tôi là Chế Bồng Trọng. Đùa thân tình hay mỉa mai đây? Tôi hỏi lý do thì các bạn ấy cho biết là có rất nhiều người dị ứng với cuốn sách CBN:AHCQ của tôi. Một anh cho biết thêm có người còn cho tôi là kẻ vong bản, phản quốc nữa! Một người hỏi trong sách nó nói thế nào thì người kết án tôi trả lời “Tôi đâu có thèm đọc, chỉ nghe cái tựa đề là biết nó phản quốc rồi”. Dữ dằn đến thế mà tôi nào có biết! Nhưng không sao! Tôi cũng đã từng quen bị người ta kết tội phản quốc rồi! Chỉ tiếc một điều là trong số những người kết án tôi như vậy cũng có một vài người bạn của tôi nữa! Chuyện như vậy nếu không lên tiếng cũng ngặt!


Như nhiều độc giả đã biết, trước đây tôi đã từng viết nhiều tác phẩm tiểu thuyết lịch sử như Lý Trần Tình Hận, Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm, Công Nữ Ngọc Vạn, Trần Khắc Chung. Trong đó tôi đã nhắc nhở và đề cao không biết bao nhiêu công lao khó nhọc, hi sinh xương máu của nhiều anh hùng liệt nữ đã mở nước và giữ nước rồi sao lại bảo không?
Còn về Chế Bồng Nga, rõ ràng đó là một nhân vật kiệt hiệt nổi bật của dân tộc Chiêm. Theo lẽ vạn vật tranh đấu để sinh tồn thì việc chống lại Đại Việt của ông ta không có lỗi với ai hết! Điều đáng kể là ông ta đã sáng suốt nhận biết mối hiểm họa từ giống Đại Hán rất sớm, trong khi các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng nhà ta trải gần 6 thế kỷ sau (1360-1958) vẫn chưa nhận ra được. Bằng chứng là các vị này đã sẵn sàng gởi một phần lãnh thổ lãnh hải VN nhờ Trung Hoa giữ hộ!
Cuối cùng, sau một thời gian kình chống nhau, nước Chiêm nay đã trở thành miền Trung của nước Việt Nam. Dân Chiêm Thành hầu hết cũng đã trở thành công dân Việt Nam! Tất nhiên lịch sử Chiêm Thành cũng trở thành một phần của lịch sử Việt Nam chứ! Kẻ thù là kẻ thù giữa mặt trận đang đánh nhau chứ khi một kẻ đã chết hoặc chịu qui phục kẻ kia, đã chịu sống chung với kẻ kia thì còn thù hằn nỗi gì? Cái quá khứ ấy đã chôn vùi hơn 600 năm rồi! Hơn nữa, sau khi Chế Bồng Nga mất, hai người con của ông là Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Nô đều lánh nạn La Ngai, chạy sang Đại Việt và đã trở thành con dân Việt Nam vĩnh viễn!


Tổ tiên ta từng mở lòng bao dung khi khuyên con cháu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, sao ta nỡ quên đi? Tổ tiên ta cũng dạy rằng “Kinh đô cũng có người dồ, Man di cũng có sinh đồ, trạng nguyên”, cái tâm, cái tài đã chắc ai hơn ai? Tại sao ta đem cái lòng hẹp hòi, tự cao ra loè thiên hạ để có thể gây nên mối họa chia rẽ giữa những người cùng sống trên một dải đất? Không phải các chính phủ miền Nam ta đã từng nêu cao khẩu hiệu “Kinh Thượng Một Nhà” đó sao? Vậy thì việc đề cao anh hùng Chế Bồng Nga không những chẳng làm hại gì đến uy tín của dân tộc Việt mà còn làm vui lòng những dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam nữa!


Điểm thắc mắc thứ nhất tôi bày tỏ như vậy quí vị có đồng ý không?


Giờ tôi xin bước sang điểm thắc mắc thứ hai: Tại sao tôi lại cho ra đời một cuốn sách với cái tựa đề đầy nhạy cảm rất bất lợi cho đất nước trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng? Xin mời quí vị theo dõi:


-Tháng 2 năm 2009, Web www.tinparis.net đã cho đăng bài viết “Người Chàm Đòi Lại Đất Đai?” của tác giả Phan Cao Sơn, một đề tài thời sự nóng bỏng đã khiến cộng đồng người Việt ở hải ngoại khá ngỡ ngàng. Bài viết nêu ra những hoạt động của một số tổ chức thuộc cộng đồng người Chăm mà tác giả cho là không được thuận lẽ, coi như đó một dấu hiệu “quay lưng” với cộng đồng Việt Nam tị nạn (VNCH).


-Ngày 17 tháng 2/2009 trên vài trang web của cộng đồng người Chàm tị nạn Cộng Sản lại xuất hiện bản “Kháng Nghị Thư” của ông Musa Porome, chủ tịch tổ chức International Office of Champa (IOC-Champa) tiếng Việt gọi là Văn Phòng Quốc Tế Champa, đáp trả bài viết của ông Phan Cao Sơn.


-Ngày 5 tháng 3/2009 lại có thêm bài viết của BBT Harak Champaka với tựa đề “Trả Lời Bài Viết Người Chiêm Đòi Đất Đai của tác giả Phan Cao Sơn”.


-Tiếp đó, ngày 24 tháng 3 năm 2009, Web Người Việt online lại lên bài viết “Chiến Lược Của Trung Cộng Nhằm Biến Tây Nguyên VN Thành Tây Tạng 2” của Ts Mai Thanh Truyết. Bài viết này có mục đích cảnh giác khả năng TC xúi giục và hậu thuẫn cho một vài tổ chức trong cộng đồng người Chàm thành lập chính phủ lưu vong để đòi lại đất cũ của họ ở miền Trung VN.


-Ngày 13 tháng 4/2009 lại xuất hiện bài viết “Vấn Đề Người Chăm Đòi Đất Đai” của ông Từ Công Nhượng, TTK Hội IOC-Champa trả lời những thắc mắc của Ts Mai Thanh Truyết v.v...


Những bài viết trên đứng về 2 phía rõ rệt. Một bên thì nêu ra những điều khả nghi, những điểm thắc mắc, cảnh giác về những mối hại có thể xảy đến cho tổ quốc Việt Nam. Một bên thì thanh minh, biện bác hoặc chống lại những luận điểm của phía bên kia mà các ông cho là ngộ nhận hoặc cố ý bóp méo.


Quí vị có thể tìm những bài viết này trên internet. Không biết khi đọc qua những bài viết này quí vị sẽ suy nghĩ thế nào? Riêng tôi, tôi không sao khỏi sợ hãi, lo âu!


Tôi chưa có cơ hội tìm hiểu tính chân xác về những vấn đề mà các tác giả trên đã nêu ra nhưng tôi nghĩ có một sự việc rất đáng lưu tâm là Trung Cộng có thể xúi giục, gây sự hiểu lầm, tạo mối chia rẽ giữa hai dân tộc Chàm - Việt để thủ lợi lắm. Trong quá khứ việc đó đã xảy ra nhiều lần! Nhà Nguyên cũng từng dụ vua Chế Mân cùng “chia thịt” Đại Việt. Đến thời Minh, họ cũng dụ vua Chế Bồng Nga “chia thịt” Đại Việt một lần nữa. Điều may là hai vị vua Chiêm này sáng suốt biết trước cái thế “môi hở răng lạnh”, nếu Đại Việt mất thì Chiêm Thành cũng khó giữ được, nên cả hai vị đều cố tìm cách thoát khỏi âm mưu đen tối đó. Nhưng biết đâu lại chẳng có một số ít người Chàm ngày nay vẫn có thể mắc mưu bọn gián điệp Trung Cộng? Có thể có những người chưa hiểu được một khi Trung Cộng đã tràn sang Đông Dương thì người Việt cũng phải tiêu diệt, người Chiêm cũng phải tiêu diệt, Lào hay Miên cũng phải tiêu diệt để rảnh đất cho giống Đại Hán sinh sôi nẩy nở chứ! Khi đó thì nhất định không còn chuyện khuyên bầu bí chung một giàn thương yêu lấy nhau nữa mà chỉ có chuyện “bầu bí kéo nhau vào nằm chung một nồi” thôi vì đại đa số dân Hán nông thôn ngày nay đang đói lắm!


Trung Hoa vốn là nguồn gốc phát sinh ra những mưu hay kế lạ mà họ đã đúc kết thành bộ cẩm nang “Tam thập lục kế”. Chuyện không làm cho ra có (kế thứ 8: “Vô Trung Sinh Hữu”) đối với họ đâu có khó khăn gì! Hơn nữa, trong thực tế, cũng có một vị tiến sĩ người Chiêm tên Thành Đài đang ở Thụy Điển cũng đang hô hào thành lập “chính phủ Champa lưu vong” thật (dù chẳng thấy ai trong cộng đồng người Chăm ủng hộ mà chỉ coi đây là một trò hề)! Muốn biết chi tiết này xin đọc bài “Chung Quanh Vấn Đề Chính Phủ Chăm Lưu Vong của Ts Thành Đài” của Abdul Karim trong Harak Champaka 36.
“Nước mất hay còn kẻ thất phu cũng có phần trách nhiệm”! Tôi là một trong số những người lính VNCH bại trận, đã lâm cảnh nước mất nhà tan. Nước Việt Nam bây giờ đang ở trong tay đảng CSVN mà đảng này lại đang bị đảng CS Trung Hoa khống chế. Tuy phải đem thân lưu lạc quê người nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng canh cánh lo nghĩ về cố quốc! Nay tuổi già sức yếu tôi đâu có thể làm được gì ngoài việc dùng ngòi bút để đóng góp chút ích lợi nào trong công cuộc cứu nguy tổ quốc? Đó là lý do tại sao cuốn sách CBN:AHCQ của tôi ra đời!


Tôi đã viết gì trong cuốn CBN:AHCQ?


Trước hết tôi thuật lại một cách tổng hợp về một giai đoạn lịch sử giữa lúc hai nước Việt Chiêm tranh hùng đã xảy ra vào hậu bán thế kỷ 14 dựa trên những tài liệu của các sử gia mọi phía cùng với một số chuyện truyền thuyết dân gian của hai dân tộc qua hình thức một tập tiểu thuyết lịch sử để cho dân chúng dễ đọc, dễ nhớ. Trong phần mở đầu tập sách, tôi đã lạm đưa ra quan điểm của mình về hai chữ “anh hùng”. Tôi nghĩ danh hiệu anh hùng phải được quốc dân thẩm định và thừa nhận chứ không thể tự phong như kiểu “Bác, Tôi, Tôi, Bác cũng anh hùng!” hoặc “Việt Nam là một nước nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc to (và chỉ chịu khuất phục trước Trung Quốc)”! Tôi phải nhấn mạnh ở điểm này vì hiện nay ở Việt Nam giới lãnh đạo CS luôn tự mệnh là anh hùng mà lại làm những việc hoàn toàn phản dân hại nước!


Biết bao nhiêu công lao, xương máu của tổ tiên ta đã phải đổ ra để gây dựng, vun bồi, phát triển mới có được một dải đất hình chữ S ngày nay, thế mà họ thản nhiên xén cắt lần từng mảnh hiến dâng cho giặc Tàu tham tàn! Tại sao lại có một lớp người lãnh đạo một đất nước như thế? Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân gây nên cái hiện tượng kỳ quái ấy là sự thiếu hiểu biết về lịch sử tiến hóa của nhân loại cũng như lịch sử nước nhà của đám lãnh đạo này mà ra cả!


Nước ta đã trải qua 4 lần Bắc thuộc và bao nhiêu cuộc xâm lăng khác của người Tàu rồi. Cái gương trước mắt là sau khi đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, Trung Cộng liền xâm lược Tây Tạng ngay (1950)! Thế mà tại sao các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng lại tin tưởng người Tàu có thể giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư, không vụ lợi? Cái gì đã che mắt các ông? Tại sao ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta lại ủy thác cho ông Phạm Văn Đồng ký cái công hàm nhường hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển của Việt Nam cho Trung Quốc?


Ngày xưa các chúa Nguyễn đã từng tìm cách thuyết phục các vua Chân Lạp cho dân Việt vào nước này để khai thác đất hoang, các vị vua Chân Lạp đã nhẹ dạ nghe theo. Kết quả những đám di dân Đại Việt này đã trở thành gốc rễ vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chinh phục đồng bằng Nam bộ của các chúa Nguyễn! Bài học ấy rõ ràng đến thế mà tại sao Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí của ông ta lại còn nhẹ dạ cho người Trung Quốc vào khai thác tài nguyên ở Tây Nguyên là cái xương sống của dải đất Việt Nam? Tại sao chính quyền nhiều tỉnh lại đua nhau cho ngoại quốc vào thuê rừng, mướn đất và để cho người nước ngoài đến cư ngụ bừa bãi mà không kiểm soát? Kinh nghiệm lịch sử, những hiểu biết về tham vọng của dân Đại Hán họ để đâu hết? Các ông có ý thức được việc làm của các ông sẽ đưa đất nước VN về đâu không?


Tôi có làm gì quá đáng ngoài việc thuật lại những sự việc và những trận chiến đã xảy ra thật giữa hai nước Việt Chiêm như sử sách đã chép sẵn! Nêu rõ tinh thần sáng suốt của vua Chiêm Chế Bồng Nga khi ông vua này triệt để cảnh giác với lòng dạ bất trắc của người Hán là phản bội dân tộc Việt ư? Nêu rõ việc Chế Bồng Nga chủ trương không chiếm đóng nước Việt vì biết dân Việt quật cường rất khó cai trị là một hành động phản bội dân tộc Việt ư? Vua Chế Bồng Nga nuôi ý định dùng Trần Húc hay Trần Nguyên Diệu để làm trái độn, làm hàng rào ngăn cách nước Chiêm với nước Tàu, để cho dân Chiêm đỡ khổ, một ông vua thương dân, lo cho dân như vậy có đáng tôn vinh không? Mặt nào tôi không biết chứ mặt ý thức bảo vệ quốc gia dân tộc, nhìn xa thấy rộng, tôi thấy ông Chế Bồng Nga đã vượt qua ông Hồ Chí Minh rất xa! Tôi nghe nhà viết sử Trần Xuân Sinh trong cuốn Thuyết Trần cho rằng “Chế Bồng Nga chỉ là một tướng cướp biển cừ khôi”, không biết có thật không? Tôi chưa đọc được tập sách này. Nhưng nếu quả ông Trần Xuân Sinh có nói như vậy thì ông Sinh nghĩ sao về vụ đạo quân phạt Chiêm gồm tới 12 vạn của vua Trần Duệ Tôn lại tan tành dưới tay của Chế Bồng Nga bằng một trận phục kích năm 1377 mà các cuốn sử cổ Việt Nam đều có chép?


Trong tập tiểu thuyết lịch sử CBN:AHCQ này, tôi cũng cố trưng dẫn những mối liên hệ mật thiết giữa hai dân tộc Việt Chiêm, ước muốn của tôi là để dân hai bên cùng hiểu mà xóa đi những mặc cảm kẻ thắng người bại, hầu sát cánh nhau chống lại kẻ thù phương Bắc khi cần đến. Ngoài ra tôi cũng muốn nhắc đồng bào Chiêm nhớ rằng họ đã từng có một bậc tiền bối anh hùng và sáng suốt đến thế đó! Tôi mong những người anh em Chiêm không coi thường những sự suy nghĩ, lo lắng về họa hại Đại Hán như thế nào của vị anh hùng Chế Bồng Nga để khỏi mắc mưu kẻ gian nếu những chuyện tương tự chuyện ông Ts Thành Đài là có thật!


Như vậy CBN:AHCQ của tôi là một ống thuốc chích ngừa để đề phòng bệnh phân hóa tổ quốc chứ đâu phải là một ống thuốc độc hại nước như ai đó đã lầm tưởng!
 
Ngô Viết Trọng