Home Giải Trí Thắng Cảnh VN “Vắng như Chùa Bà Đanh”

“Vắng như Chùa Bà Đanh” PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và Ảnh: Trần Công Nhung   
Thứ Ba, 29 Tháng 12 Năm 2009 18:11

Thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” ai cũng đã nghe đã biết, nhưng chùa ra sao, ở nơi nào thì ít ai rõ. Chùa mà vắng là điều ít có, không người lễ bái, dựng chùa làm gì.


[Đường về chùa Bà Đanh]

Xưa nay chùa đều do Hòa Thượng, Sư Ông tạo lập và có tên chữ đàng hoàng như: Long Sơn Tự (Nha Trang), Thánh Duyên Tự (Túy Vân Huế), Thiên Ấn Tự (Quảng Ngãi)..., đây lại do một người đàn bà, điều khác thường.
 
Chùa Bà Đanh được truyền tụng qua nhiều đời chỉ vì chùa hoang vắng:
Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.
 
Thưở nhỏ, tôi đã phân vân, hỏi người lớn chẳng ai trả lời, nên chỉ hiểu cách mơ hồ, một nơi chốn hiu quạnh chứ không hình dung được gì. Chùa Bà Đanh như một bí tích. Cho đến những ngày “giang hồ lưu lạc” đó đây, dù xa xôi hóc hiểm cũng cố tìm cho ra chùa Bà Đanh, tôi nghĩ mình chạy xe máy sẽ dễ dàng hơn theo “xe ôm” (1).
 
Một buổi sáng bên bờ hồ Hoàn Kiếm tôi hỏi một ông cụ, tưởng hỏi cho có chuyện không ngờ ông lão rành rẽ cho biết: “Chùa Bà Đanh là tên Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất đồng thời với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội. Vì tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. Vào thời đó, viện Châu Lâm dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành thua trận bị bắt về, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ lễ bái. Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ dùng khu vực này xây trường trung học bảo hộ (1907) - nay là trường Chu Văn An, và chùa Châu Lâm dời về phía cuối làng Thụy Khê, đổi tên mới là Phúc Lâm. Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện còn tấm bia ghi: Bà Đanh Tự (chùa Bà Đanh). Tương truyền, Bà Đanh là người đàn bà đã có công lập chùa này, nên chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái ít dần, chùa ngày càng vắng vẻ. Một chùa Bà Đanh khác đến nay vẫn còn và dường như đang được trùng tu, chùa ấy ở huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam”.
 
Nghe qua tôi thấy rất hứng thú về đề tài “Chùa Bà Đanh”, hỏi thêm ông lão vài chi tiết đường đi Kim Bảng, hôm nào chạy xe (máy) vào sẽ tìm thăm. Tôi tin đây mới là chùa Bà Đanh như lời đồn xưa nay. Chùa Bà Đanh vậy là có thật chứ không phải chuyện ví von của người đời.
 
Sau khi thăm khu di tích Nguyễn Trãi (2) ở làng Nhị Khê và đền Dầm xã Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nam) vào đến Phủ Lý đã 12 giờ, tôi phải tìm chỗ nghỉ trước khi đi chùa Bà Đanh. Vừa qua cầu Phủ Lý, có khách sạn Thanh Thủy bên đường, tôi vào lấy phòng ngay vì trời nắng gắt lắm, không còn thì giờ chạy quanh tìm kiếm. Tiếng là khách sạn nhưng, tiện nghi “giản đơn” vừa phải thôi, cứ trông cách tiếp tân cũng đủ hiểu người nhà “gánh vác” mọi việc. Ăn qua loa ổ bánh mì, nằm nghỉ đến 2 giờ tôi hỏi đường về huyện Kim Bảng. Hỏi đường nên tránh hỏi giới xe ôm, do thói quen nghề nghiệp họ không muốn trả lời, hoặc đòi tiền hoặc chỉ bậy. Hỏi người đi đường, và hỏi ba người đều nói như nhau mới chắc đúng: “Từ cầu Phủ Lý ngược ra một đoạn rẽ trái theo đường đê là đi Kim Bảng”.
 
Đúng là có đường đê đi Kim Bảng. Ngay đầu đường, dưới cây ngô đồng già có quán hớt tóc, tôi ghé vào hỏi bác phó cạo một lần nữa cho chắc ăn, bác vui vẻ bảo: “Đi theo đê sông Đáy đến ngã ba Quế rẽ phải... là đến chùa, nhưng bây giờ chùa có con trai con gái, không còn vắng đâu”. Câu chỉ đường như có ý tiếu lâm. Kinh nghiệm cho thấy lối chỉ đường của đa phần người mình thường có tính khái quát tượng trưng nên nghe dễ ợt. Thực tế tìm cho ra cũng hết hơi. Tuần vừa qua đi Hải Phòng tìm Cây Đa 13 gốc, hỏi người nào cũng bảo rẽ trái 500m, rẽ phải 500m, không xa chỉ 500m, song cả chục lần 500m mới thấy Cây Đa. Tôi ghi ngã ba Quế rồi cứ đường đê mà chạy.
 
Chạy xe trên đê là cái thú đặc biệt, trên cao nhìn xuống ruộng đồng sông hói, gió lồng lộng cảnh mênh mông, không khí trong lành, người có cảm giác khỏe hẳn ra. 
 
 
[Bên đê sông Đáy]
 
Gọi là đường đê, kỳ thực đường tráng nhựa hẳn hoi, rộng đủ ô tô qua lại. Đang ngày mùa nên đường trở thành sân nhà: Già trẻ lớn bé từng tốp, chỗ này phơi lúa, nơi kia phơi rơm, “máy phóng” (3) đặt ngay trên đường chạy xành xạch. Một vài chỗ dồn lúa vào bao, từng đống bao tải xanh đỏ xếp dài làm cho con đường đê đã nhộn nhịp  lại thêm màu sắc, khiến người đi đường cũng thấy vui lây, mặc dù có nhiều chỗ phải chui qua “máy phóng”, rơm rạ bắn đầy mình. Chỉ khi có xe bốn bánh, mọi thứ mới dẹp tạm sang một bên.
 
Đến ngã ba Quế, rẽ vào thị trấn, rồi lại ra đê, lại vẫn cảnh ngày mùa tấp nập lúa về. Thời này không còn “Gánh gánh gánh, gánh gánh gánh, gánh lúa về, gánh lúa về, lúa về lúa về...” như thời nhạc sĩ Phạm Duy mô tả, lúa vác dồn một chỗ có xe trâu, xe “công nông” (4) chuyển đi.
 
Một bác nông dân chỉ tay về phía núi xa: “Ông đi hết khúc quanh đàng kia sẽ thấy đường vào chùa Bà Đanh”. Vậy là đúng đường, tôi mừng. Đã nhiều lần bị lạc hướng chỉ vì lòng tốt của người vu vơ ấm ớ. Không biết chắc nhưng khi được hỏi, cũng cứ chỉ bừa, có hôm trong khu phố cổ Hà Nội về ga Hàng Cỏ mà tôi cứ chạy vòng quanh mãi. Lạc đường trong thành phố dù đêm hôm khuya khoắt không sao, nơi thôn xóm quê mùa là chuyện không ổn. 
  
 
[Đường đi Kim Bảng]
 
Nhìn dãy núi xanh thẩm phía chùa Bà Đanh, không có dấu hiệu gì làng mạc người ở, trời đã dịu nắng và như báo hiệu sắp có mưa. Đường đê đã trống, tôi rồ ga, phóng nhanh, đồng hồ mới  3 giờ hơn, tôi yên tâm kịp giờ về.

Chạy hết khúc quanh theo đúng như lời bác nông phu, có bảng chỉ lối rẽ vào chùa. Con đường rải đá dăm xuyên qua rừng nhãn sum suê chừng vài trăm mét. Cuối đường là bờ sông, cổng chùa ngay bên trái.


  [Chùa Bà Đanh]

Cổng chùa là một tiền đình nhìn ra sông, ba gian ba cửa ván rộng, mái mũi hài đơn giản hai tầng, không hoa văn rồng phượng. Hai bên có hai cửa phụ nhỏ hơn cũng hai tầng tám mái. Tất cả các cửa đều đóng kín. Nét cổ mấy trăm năm thấy rõ, riêng tường thành bao quanh nhiều chỗ đã xây lại. Cây hoa đại cổ thụ trước cổng chùa, gốc đã đổ nghiêng, khoảng trống trước chùa cách bờ sông Đáy vài chục mét, đủ chỗ cho một ngày hội vài trăm người. Nhưng chùa Bà Đanh thì chẳng phải lo chuyện đông người.
 
Bên kia sông Đáy là Ngũ Động Sơn, còn gọi Núi Cấm, dãy núi như bức trường thành, một vùng sông núi âm u vắng lặng, trời không bóng chim, sông không  bóng thuyền, cảnh tịch liêu. Tôi hiểu phần nào ý nghĩa tên ngôi chùa.
 
Đang tìm xem vào chùa bằng lối nào thì có một tốp thanh niên đi ra phía cuối tường. Hỏi, họ bảo đi tuốt vào trong. Đám nam nữ, một xe hai người, ăn nói bô bô lấc cấc, không có vẻ gì là học sinh đi ngoạn cảnh. Tôi dựng xe khóa hẳn hoi, chờ cho đám choai choai đi hẳn mới vào chùa. Đây là lối riêng ra sau mấy gian nhà phụ. Ngôi chánh điện phía trái đã tháo dở hoàn toàn. Một đám thợ đang hì hục cưa, đục dưới lều bạt căng tạm. Vừa lúc một bà sãi bước ra tôi xin phép vào thăm và chụp vài tấm hình. Nghe vậy bà lên tiếng ngay:
- Ông vào cúng xin phép Thánh trước đã, không là bị Thánh quở đấy. (5)
 
Tôi theo bà thầy vào ngôi nhà nhỏ ba gian bày biện tượng thờ chật kín. Gian giữa tượng Phật tượng Thánh hàng hàng lớp lớp từ trên cao xuống dần. Một án thờ lớn phía trước dành thờ Bà Chúa Đanh tức Thần Pháp Vũ. Gian trái thờ các Tổ trụ trì. Gian phải thờ Thánh, bàn thờ nào cũng đặt một “Hòm công đức” to tướng, rất khó coi (6). Cũng tương tự các chùa đền khác, hầu hết tượng đều sơn son thếp vàng, râu ria áo mão, khó mà phân biệt ngôi thứ danh vị. 
 
 
[Tượng Thần Pháp Vũ (Bà Đanh)]
 
Bà thầy đốt cho tôi mấy cây nhang, tôi đặt tiền cúng vào đĩa con để sẵn trên bàn thờ rồi khấn xin về công việc của mình. Chỉ một phút tôi quay ra hỏi vị chủ chùa:
- Thưa tại sao người ta thường nói: “Vắng như chùa Bà Đanh”?
- Chuyện là thế này: Ngày trước đây là thôn Đanh, rừng núi cheo leo, người ít thú nhiều, đời sống cơ cực, bệnh dịch thiên tai, sau có một vị nữ thánh hiện xuống cứu độ dân chúng, giúp cho mưa thuận gió hòa, để nhớ ơn, dân lập miếu thờ Bà. Từ đó có tên chùa Bà Đanh.(7)
 
Tôi ngờ chuyện chùa Bà Đanh không chỉ  tóm tắt đơn giản như vậy nhưng thấy bà thầy muốn cho qua nên xin phép đi loanh quanh chụp ảnh.
 
Chánh điện chỉ còn khung sườn trống rỗng, tất cả dời về nhà Tổ nơi tôi vừa cúng hương. Trong không gian u tịch, tiếng dùi đục nghe chan chát. Nhóm thợ mộc cắm cúi đục đẽo chạm trổ, làm lại những phần lâu ngày bị mối mọt. Ngổn ngang cây gỗ từ trong ra ngoài. Thợ phần lớn còn trẻ có cả nữ, trong Nam hiếm thấy phụ nữ làm nghề mộc. Lần về chợ quê Sơn Vi (8), tôi cũng gặp một cô thợ chạm, tay dùi tay đục mà nhan sắc đậm đà tuyệt đẹp, vẻ đẹp lành mạnh trong sáng, gái thị thành khó sánh kịp. Tôi hỏi thăm bác thợ cả:
- Thưa bác, đây là thợ ở đâu về làm?
- Hà Tây.
 
Tôi cũng đoán thế, Hà Tây xưa nay nổi tiếng về các nghề thủ công. Ngôi nhà cổ (9) trong Thanh Hóa cũng do thợ Hà Tây vào làm.
- Bao giờ thì hoàn thành hả bác?
- Cũng phải sang năm, còn tùy ngân khoản nữa.
- Tôn tạo là do tiền nhà chùa hay ai tài trợ?
- Nghe nói nhà nước đầu tư trên chục tỉ.
 
Trong những năm gần đây chính quyền có chủ trương tôn tạo phục dựng nhiều đền chùa di tích, điều đáng mừng, song không hiểu sao còn rất nhiều lệch lạc cộc kệch. Những di tích mang ý nghĩa lớn về văn hóa lịch sử rất cần chăm sóc thì lại gần như lãng quên hoang phế rất đau lòng (10). Chùa Bà Đanh theo như bác thợ mô tả thì khi hoàn thành sẽ là ngôi chùa “hoành tráng”, thập phương bá tánh sẽ tấp nập đổ về. Chùa được ưu thế nằm bên hữu ngạn sông Đáy, sơn thủy hữu tình lại là nơi thanh vắng xa khu cư dân. Nếu lùi lại mươi thế kỷ thì quả thực nơi nầy chẳng ai dám đến. “Vắng như chùa Bà Đanh” là phải. Chỉ sợ một khi chùa trở thành tự viện nguy nga mà cũng là trung tâm mua bán thì chúng ta đã trần tục hóa cửa Thiền. Thực tế cho thấy nhiều di tích tôn tạo chỉ là cách sơn phết hào nhoáng để câu khách du lịch. Tôi có dịp tâm sự với nhiều anh em hiểu biết trong giới văn học nghệ thuật thì đa số cho rằng “tất cả đều lấy danh nghĩa bảo tồn bảo tàng để kinh doanh trục lợi (nôm na là buôn thần bán thánh) (11).
 
Đã hiểu được phần nào ngôi chùa có tiếng xưa nay, tôi quay ra ghé thăm Núi Ngọc. Núi Ngọc nằm bên phải ngoài đầu lối vào chùa, sát mé sông. Cạnh núi có ngôi miếu nhỏ, cửa ván kín mít chẳng biết gì bên trong, chung quanh cây cỏ um tùm. Trên vách một cáo thị viết vôi trắng ngăn cấm xâm phạm di tích. Núi Ngọc là một đụn đá cao phủ cây xanh. Có cây si (nghe nói) 1000 năm tuổi, trông không có vẻ đại thụ, gốc nhiều chi tủa xuống hơi lạ, ngoài ra toàn cây hoang bụi rậm. Núi Ngọc không phải là nơi cho du khách leo trèo như núi Hàm Rồng (Thanh Hóa) hay núi Rồng ở Sapa. 
 
 [Quanh chùa Bà Đanh]
 
Người mình thường tự hào con Rồng cháu Tiên nên quê hương nơi nào cũng địa linh nhân kiệt, nơi nào cũng ao Tiên, núi Ngọc, hang Rồng. Nhiều nơi lập danh mục các khu di tích du lịch nghe kêu như chuông đồng, thực tế quá tầm thường ngoại trừ tên gọi, có đi mới biết. Nói vậy nhưng vẻ đẹp của quê hương bàng bạc mọi miền, nhiều nơi không được VHTT công nhận nhưng không vì thế mà kém rung cảm lòng người. Đến chùa Bà Đanh được cái thú là ngoạn cảnh dọc đường, cảnh đồng quê ngày mùa, tuy đất nước đã “điện khí hóa, công nghệ hóa, hiện đại hóa...” nhưng đời sống mộc mạc, chân lấm tay bùn vẫn còn nguyên, điều làm tôi thấy gần gũi với quê hương hơn là cảnh nhốn nháo thị thành.
 
Dọc đường Bắc Nam còn nhiều cảnh trí đa dạng phong phú hơn, chiều tà miền sơn cước, hay bình minh vùng biển làng chài đều là cảnh đậm đà tình tự nếu chúng ta đã có một thời gắn bó với quê hương. Càng đi tôi càng có nhiều hứng thú, nhiều khám phá bất ngờ. Chính lẽ đó tôi luôn luôn thấy mới mẻ và không hề mệt mỏi trong mọi cuộc hành trình, những cuộc hành trình mà nhiều năm trước tôi không nghĩ là mình có cơ hội thực hiện được.