Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Trận Hải Chiến Hoàng Sa Ngày 19 tháng 1 năm 1974

Trận Hải Chiến Hoàng Sa Ngày 19 tháng 1 năm 1974 PDF Print E-mail
Tác Giả: Theo Ý Dân   
Thứ Ba, 12 Tháng 1 Năm 2010 19:51

Ngày 19-1-1974 đã xảy ra trận hải chiến giữa Hải Quân QLVNCH và Hải Quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa.

Đây là một trận hải chiến cam go và lịch sử của lực lượng Hải Quân QLVNCH.Trận chiến dù không đem lại sự chiến thắng như mong đợi , nhưng đã nói lên được tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân QLVNCH trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lăng của đế quốc Trung Cộng.

Theo bài tường thuật của cố đại tá Hải Quân Hà Văn Ngạc, vị chỉ huy trực tiếp của trận hải chiến thì diễn tiến của trận chiến như sau: 
Vào ngày 11-1-1974, chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger rời Trung Cộng, thì đột nhiên ngoại trưởng Trung Cộng tuyên bố chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của VNCH. Liền sau đó, ngày 16-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của VNCH đã hùng hồn tuyên bố chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về VNCH.

Tiếp theo đó, nhân việc Tuần Dương Hạm HQ16 trong chuyến viếng thăm định kỳ và chở theo phái đoàn
Công Binh của Quân Đoàn I ra thám sát đảo để dự kiến thiết lập một phi đạo ngắn đã khám phá ra sự hiện diện của các chiến hạm Trung Cộng tại đảo Quang Hòa. Sự kiện nầy liền được báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I.

Vào ngày 18-1-1974, đại tá Hà Văn Ngạc được lệnh chỉ huy 4 chiến hạm gồm có : Khu Trục Hạm HQ 4 do trung tá Vũ Hữu San là hạm trưởng , Tuần Dương Hạm HQ5 do trung tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng , Tuần Dương Hạm HQ 16  do trung tá Lê Văn Thư là hạm trưởng và Hộ Tống Hạm HQ 10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng cùng một toán Hải Kích Đổ Bộ do đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy để tái chiếm đảo Quang Hòa. 

 Vào khoảng xế trưa ngày 18-1-1974, cả 4 chiếm hạm đều tập trung trong vùng lòng chảo của quần đảo Hoàng Sa. Chừng nửa giờ sau khi các chiến hạm VN vận chuyển vào đội hình hướng về đảo Quang Hòa thì hai Hộ Tống Hạm của Trung Cộng loại Kronstad mang số 271 và 274 vận chuyển chận hướng đi của hải đoàn. Trong khi hai chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 cùng hai chiếc ngư thuyền ngụy trang 402 và 407 vẫn nằm ngay vị trí sát  bờ bắc của đảo Quang Hòa. Hành động nầy chứng tỏ hải quân Trung Cộng quyết cố thủ đảo Quang Hòa  nên đại tá Hà Văn Ngạc đã buộc lòng phải đổi chiến thuật.Ông chia lực lượng thành 2 phân đoàn: phân đoàn I gồm HQ4 và HQ5 là nổ lực chính vào 12 giờ đêm đi bọc về hướng nam của đảo Quang Hòa để cho  biệt đội hải kích đổ bộ lên đảo vào 6 giờ sáng hôm sau. Phân đoàn II gồm HQ16 và HQ10 giữ nguyên vị trí để tiến về đảo Quang Hòa vào buổi sáng hôm sau. 

 Sáng sớm ngày 19-1-1974, Biệt đội hải kích tiến vào đảo bằng 2 xuồng cao su, nhưng trong những giây phút đầu đã có hai chiến sĩ phải hy sinh. Cuộc đổ bộ bị xem là thất bại.Vào 9giờ 30 sáng, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoaị, Tư  Lệnh của Hải Quân Vùng I Duyên Hải ra lệnh các chiến hạm phải khai hỏa.  Chiếc Kronstad 271 của Trung Cộng bị trúng đạn của HQ5 ngay từ phút đầu và bị chìm. Chiếc Kronstad  274 của Trung Cộng thoát nạn vì chiến hạm HQ 4 báo cáo bị trở ngại tác xạ. Sau đó, HQ 4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát chiến hạm địch trong tầm đại liên.Sau 15 phút khai chiến thì HQ16 báo cáo bị trúng đạn hầm máy. Riêng Hộ tống hạm HQ10 thì bị chìm. Các thủy thủ đã tìm cách đào thoát riêng thiếu tá Ngụy Văn Thà đã ở lại tuẩn tiết.

Kết qủa của trận hải chiến, hải quân VNCH mất HQ10 ,1 chiến hạm bị thiệt hại nặng, 2 chiến hạm bị thiệt hại nhẹ,53 chiến sĩ hy sinh, 16 bị thương, 48 bị bắt. Riêng hải quân Trung Cộng có 1 chiến hạm bị chìm, 3 chiến hạm bị thiệt hại nặng và toàn bộ cấp chỉ huy gồm 2 Đề đốc, 4 đại tá, 4 trung tá, 2 thiếu tá và 7 sĩ quan cấp uý cùng nhiều thủy thủ  bị chết vì trúng đạn đại bác .

Qủa thật, các chiến sĩ Hải Quân QLVNCH đã rất xứng đáng là con cháu của Đức Trần Hưng Đạo ,vì họ đã quyết tâm bảo vệ quê hương đến giọt máu cuối cùng ./.