Home Văn Học Khảo Luận Tức cho Voltaire và may cho một đối thủ hèn?

Tức cho Voltaire và may cho một đối thủ hèn? PDF Print E-mail
Tác Giả: Thuận Văn   
Chúa Nhật, 26 Tháng 6 Năm 2011 06:30

 
Hắn rình rập lúc Voltaire ăn tiệc để bố trí đám tay chân côn đồ hành hung.

  Thoạt đầu ai cũng thấy tức cho Voltaire.[1] Đã đổ mồ hôi ra luyện tập thế mà nhà trí thức vĩ đại này không hề có lấy cơ hội phục hồi danh dự theo lối võ biền thời ấy khi đối thủ của mình, Guy Auguste, hay Chevalier de Rohan, dù hiu hiu tự đắc với tước hiệu “hiệp sĩ”, lại hành xử như một thằng hèn [2].

Và thoạt đầu, ai cũng nghĩ rằng thế thì may mắn cho hắn quá, cái thằng “hiệp sĩ” hèn. Bởi nếu không gây chuyện với một người như Voltaire thì ngày nay chúng ta không hề biết hắn là ai. Có chết, tên hiệp sĩ dỏm Guy Auguste cũng chết như một con chó chết, thứ chó chết già, lặng lẽ, không ai hay biết, hoàn toàn rơi vào quên lãng. Tên hắn có… bất tử, có lưu lại hôm nay cũng chỉ là nhờ bám vào tên tuổi Voltaire: nhắc đến hắn, người Pháp cũng chỉ nhắc lại như một tên qúy tộc ngu dốt đã hợm hĩnh sinh sự với bậc thiên tài vĩ đại của mình.

Cả hai đều sống trong thời Khai Sáng, thời của những trào lưu tư tưởng làm nền tảng cho kỷ nguyên hiện đại nên “hiệp sĩ”, như là hình mẫu người hùng ngồi trên lưng ngựa thời Trung Cổ, đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. Cái “danh” mà Guy Auguste lấy làm vênh váo chỉ là một thứ danh xưng thiếu thực chất, một hình thức tập ấm, thứ phúc lộc tổ tiên để lại. Hắn không ưỡn ngực ra để lập thân giữa trận mạc. Hắn, như một tên võ biền hạng dỏm, chỉ mẫn cán cong mình xuống để đón nhận phước phần.

Chỉ khom lưng lạy thôi mà cũng thành danh nên “hiệp sĩ” có hèn, âu cũng là một chuyện rất thường.

Vênh váo là “hiệp sĩ” nhưng dày vò với mặc cảm tự ti khi không chút tiếng tăm hay tài cán, Guy Auguste lồng lộn ganh tức trước một Voltaire, vừa gốc gác thứ dân vừa nhỏ tuổi hơn nhiều, lại lừng lẫy tiếng tăm khắp cả Âu châu. Sau hai lần mang xuất thân của Voltaire ra chế nhạo để rồi bẽ mặt với câu trả đũa đích đáng của người thông thái hơn mình tỷ bậc, hắn càng lồng lộn ganh tức. Càng lồng lộn ganh tức, hắn càng sa đoạ hơn trong lối chơi hèn.

Hắn rình rập lúc Voltaire ăn tiệc để bố trí đám tay chân côn đồ hành hung.

Chuyện được kể lại với nhiều giai thoại khác nhau trong khi Voltaire rất kín miệng về một kinh nghiệm không vui của mình. Người chứng khả tín nhất, ghi lại nhiều chi tiết nhất, chính là Montesquieu và theo công trình biên khảo mới nhất về Voltaire của Ian Davidson, trình bày trong Voltaire: A Life, do nhà xuất bản Profile Books phát hành tại Anh vào tháng Tư năm 2010, thì Guy Auguste đã mạo danh nữ Công tước de Sully gởi thiệp để gài Voltaire lâm vào tình cảnh trớ trêu của ông khách không mời. Với tiếng tăm của Voltaire thì có cánh cửa nào mà không rộng mở nhưng, đang khi giữa tiệc, Guy Auguste đã lập kế dụ ông ra ngoài cho đám tay chân đang mai phục sẵn tại bậc thềm xúm lại hành hung trong khi hắn nấp cứng trong xe ngựa đậu bên kia đường để, sung sướng và an toàn, trải nghiệm cái cảm giác… rửa hờn. [3]

Chưa đánh được người mặt đỏ như vang / Đánh được người mặt vàng như nghệ, một kẻ hèn như Guy Auguste thì không thể nào ngờ nổi phản ứng của một trí thức có ý chí mãnh liệt như Voltaire khi bị thương tổn danh dự. Trước sự bao che lẫn nhau của giới qúy tộc đang cầm quyền thời ấy, Voltaire ra mặt thách đấu, gươm hay súng. [4]

Nhưng trận song đấu ấy không chỉ cho Voltaire. Như đã trình bày trong lá thư phản đối gởi lên Bá tước Maurepas sau đó, Voltaire nhấn mạnh rằng trận quyết đấu không chỉ là danh dự của mình mà còn của cả nhà qúy tộc mang danh “hiệp sĩ” kia nữa. Đơn giản bởi khi nấp cứng một chỗ để đạo diễn màn đánh trộm theo lối ném đá giấu tay thì tên “hiệp sĩ” kia đã, trước hết và trên hết, tự mình lột sạch những gì khả dĩ gọi là “phẩm giá” của mình.

Hắn, như thế, đã trở thành kẻ không còn danh dự để mà… mất nữa. Hắn phải chường mặt ra nếu muốn tiếp tục sống với phẩm cách của một con người.

Các tài liệu thời ấy kể lại rằng Voltaire đã chuẩn bị đủ súng gươm và thậm chí thuê cả huấn luyện viên. Ông nung nấu ý chí đến độ loại bỏ mọi công việc, cả ngày chúi mũi vào việc luyện tập và sự quyết liệt này đã khiến “hiệp sĩ” phát hoảng. Ru rú trong lâu đài, vẫn sợ. Lang thang hết lâu đài của dòng họ qúy tộc này sang lâu đài của dòng họ khác ẩn nấp như một kẻ tỵ nạn, vẫn sợ. Hắn, cùng cả dòng họ qúy tộc của hắn, phải vận động toàn bộ các mối quan hệ quyền lực để xin triều đình ra lệnh giam Voltaire vào ngục Bastille với cáo buộc chuẩn bị sát nhân, chỉ trả lại tự do nếu chấp nhận sống kiếp lưu đày tại Anh. [5]

Năm đó là năm 1725, khi Voltaire đã 31 tuổi. Trước đó 8 năm, năm 1717, ông đã từng nếm mùi Bastille khi bị Công tước Orleans ra lệnh tống giam 11 tháng sau khi biến Triều đình Pháp thành trò cười của công chúng suốt hai năm trời. Khi vua Louis XIV băng hà vào năm 1715 và Louis XV kế vị hãy còn nhỏ tuổi thì Orleans đã, trong vai trò phụ chính đại thần, thể hiện nỗ lực “cải cách” bằng biện pháp bán đi một nửa số ngựa tại hoàng cung để giảm bớt chi tiêu. Nhưng cái cần “cải cách” không phải là bầy ngựa mà là bầy qúy tộc ăn bám đang làm chật hoàng cung và cả Paris đã bấm bụng cười khi truyền tai nhau câu mỉa mai cay độc từ miệng Voltarie: “Giá mà đuổi cổ một nửa bầy lừa đang làm chật triều đình thì hay biết mấy!”.

Kể ra thì cái giá thật đắt nhưng đó cũng chính là tâm ý của Voltaire như thể hiện trong lời thổ lộ còn truyền lại ngày nay: “Cả đời tôi, tôi chỉ cầu xin Thượng Đế duy nhất một điều là hãy khiến người ta cười vào mũi những kẻ thù của tôi. Và ngài đã đáp ứng”. Khả năng châm biếm cay độc chính là một vũ khí của Voltaire và, như lời tự bạch lúc sinh thời, "Nghề của tôi là nói lên những gì tôi suy nghĩ", chính những phát biểu thẳng thắn nhất, trong những hình thức châm biếm xóc họng nhất, đã dẫn đến cách đối xử đầy mâu thuẫn của hệ thống quyền lực Pháp đương thời. Kính nể, hãnh diện về Voltaire cũng có. Mà thù hận, căm ghét tận xương tủy, cũng có.

Hậu quả là, dù không bị thủ tiêu như một mối nguy chính trị hay bị cấm cố bằng án chung thân, Voltarie cũng không thể sống yên. Ông rày đây mai đó như một kẻ lưu đày. Hết Anh thì sang Phổ, hết Phổ thì Thuỵ Sĩ. Thậm chí, có lúc phải nhấp nhổm tại vùng biên giới để, khi Pháp có lệnh bắt thì bỏ sang Thuỵ Sĩ và, khi Thuỵ Sĩ không vui, sẽ quay về nước Pháp. Nhưng thoạt đầu Voltaire không có ý đả phá hệ thống quyền lực ấy mà chỉ nhấn mạnh rằng, để cai trị một cách sáng suốt, bậc quân vương phải lắng nghe theo sự chỉ dẫn của các triết gia. Mà hệ thống thì tin vào sự bảo vệ của những thành trì như Bastille hơn là sự thông thái của các triết gia, nhất là khi họ có cái lưỡi cay độc như Voltaire. Với thành trì Bastille, giai tầng quý tộc thối nát những tưởng rằng họ có thể thoải mái ăn bám nhân dân. Với Bastille, họ những tưởng rằng nhân dân sẽ mãi mãi sợ hãi và không bao giờ vùng vẫy để thoát khỏi bóng tối dốt nát, mê tín và cuồng tín. Nhưng càng bám vào thành cao Bastille, hệ thống đã càng trở nên quá tải bởi sức chịu đựng của nhân dân có hạn, bởi sự ngu dốt hay mê tín nào cũng có lúc khai thông, nhất là khi những tư tưởng dân quyền nở rộ với trào lưu Khai Sáng mà Voltaire là người góp công rất lớn.

 Cuối cùng, cái cần đến đã đến. Năm 1789, chỉ 11 năm sau khi Voltaire qua đời, cái thành trì khét tiếng ấy đã bị đập vỡ, mở đầu cho cuộc cách mạng làm rung chuyển Âu châu.

Với Voltaire, đó mới chính là lịch sử. Với ông thì cái mà trước đó Âu châu gọi là “lịch sử” chẳng qua chỉ là bảng liệt kê “những tội ác và tai hoạ”, chẳng qua là câu chuyện “của những kẻ cướp đường cướp chợ" hay những “trò chơi xấu mà người chết là nạn nhân”. Cái mà Voltaire đòi hỏi ở lịch sử là những “nguyên lý” khả dĩ giúp nhân loại hiểu được lịch sử của văn minh theo những tầng bậc phát triển. Luận về sử học, ông viết:

"Lịch sử không nên đề cập đến sự thăng trầm của các ông vua mà là trào lưu tiến hoá của dân tộc, không nên đề cập đến từng quốc gia riêng rẽ mà là toàn thể nhân loại, không nên đề cập đến chiến tranh mà là đề cập đến sự phát triển của tư tưởng. Những trận đánh, những đoàn quân chiến thắng hoặc chiến bại, những thành phố bị chiếm đi hoặc lấy lại là những sự kiện quá tầm thường, không nói lên điều gì quan trọng. Tôi muốn viết lịch sử của xã hội thay vì lịch sử của chiến tranh, tôi muốn biết con người sống và suy nghĩ như thế nào qua các thời đại. Mục đích của tôi là lịch sử về ý thức con người, chứ không phải là việc riêng của các ông vua. Điều tôi muốn biết là qua những giai đoạn nào con người đi từ trạng thái man rợ đến trạng thái văn minh". [6]

Nếu lịch sử là những “nguyên lý” tiến hoá của nhân loại từ “man rợ” đến “văn minh” thì đâu là những dấu mốc phân chia chúng? Nếu cuộc tấn công vào thành trì Bastille năm 1789 là sự tấn công vào biểu tượng của sự man rợ mang tên “quân chủ” thì cuộc đập phá 200 năm sau tại bức tường Belin đã đánh vào biểu tượng của sự man rợ “cộng sản”. Và nếu cuộc tấn công vào nhà tù Bastille đã đánh dấu cho sự mở đầu của kỷ nguyên “hiện đại” thì vụ đập phá bức tường Berlin, theo sự đồng ý của rất nhiều sử gia, lại đánh dấu cho sự mở đầu của kỷ nguyên “hậu hiện đại”. Từ “hiện đại” đến “hậu hiện đại”, con người chúng ta đã tiến hoá và thoái hoá như thế nào trong ý nghĩa “man rợ” và “văn minh” ấy?

Có lẽ phải viết cả pho sách dày nhưng, ít ra, trong khuôn khổ của bài viết này, và qua một kinh nghiệm không vui của Voltaire, chúng ta cũng có thể phác ra vài nét chấm phá về bước tiến và bước lùi của con người trong hai ý nghĩa đó.

Kinh nghiệm không vui của Voltaire bắt nguồn từ mặc cảm tự ti của một tên “hiệp sĩ” dở muà. “Hiệp sĩ”, đẳng cấp xã hội hình thành tại Âu châu từ thế kỷ thứ 10 hay 11, 12 tùy vùng địa lý, là mẫu người hùng hình thành nhờ chiến tranh, sống nhờ chiến tranh và thành danh nhờ … xác chết. Như thế, đó là một nghề man rợ. Nhưng có man rợ, mẫu hiệp sĩ ấy vẫn “văn minh” với những quy phạm đạo đức của giới võ biền. Hiệp sĩ thì không thể đánh lén từ sau lưng. Hiệp sĩ thì không thể ra đòn khi đối phương ngã ngựa. Và cao hơn hết, hiệp sĩ phải dám chơi dám chịu, không ném đá giấu tay, không ru rú nấp kín trong xó kín hay chạy trốn như một thằng hèn.

Từ mẫu hiệp sĩ ngồi trên lưng ngựa thời Trung Cổ đến mẫu “hiệp sĩ” như Guy Auguste của thời Khai Sáng, ý nghĩa của “man rợ” và “văn minh” đã tiến thoái một cách rất… lộn sòng. Guy Auguste đã “văn minh” hơn khi “thành danh” hiệp sĩ bằng cách ăn bám qùy lạy chứ không bằng cách dâng xác chết. Nhưng hắn ta đã kém “văn minh” hơn rất nhiều khi hèn hạ nấp kín một xó để đạo diễn cho tay chân đánh lén Voltaire. Mà cả hệ thống quân chủ tại Pháp thời ấy cũng đã hèn hạ tương tự khi a tòng cùng tên tội phạm Guy Auguste để tống giam và lưu đày Voltaire với tội “cố ý sát nhân”. Chính cái hèn của hệ thống chính trị này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng 1789.

Khi một hệ thống quyền lực to lớn phải vật vã giữ gìn chỗ đứng của nó bằng những lối chơi nhỏ mọn thì nó hoàn toàn không còn lý do để tồn tại lâu dài và sự kết thúc chỉ là vấn đề thời gian. Một hệ thống chính trị to lớn phải tồn tại dựa trên những lý do to lớn. Khi một hệ thống lớn phải nương tựa vào những thủ đoạn vặt thì có nghĩa là nó đã rệu rã tận nền móng.

 Đó chính là một “nguyên lý lịch sử” và, không đâu xa, nguyên lý này đang thể hiện trên quê hương chúng ta ngày hôm nay.

Đó là cái “nguyên lý” mà ông thủ tướng “hiệp sĩ cối mù u” đã sử dụng để vu khống và đánh lén một trí thức như Cù Huy Hà Vũ sau khi bị “thách đấu” bằng những đơn kiện trước toà, hoàn toàn hợp pháp. Năm ngoái, trong nỗ lực tranh giành quyền lực với Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng đã cố tô vẽ ở mình hình ảnh của một “anh hùng chiến tranh” qua hình ảnh cái cối gỗ thoát nạn khôi hài và vô lý. Và cũng năm ngoái “hiệp sĩ cối” ấy đã hèn hạ cho tay chân rình rập khi mang hai cái “condom đã qua sử dụng” để dở trò đánh lén trí thức họ Cù. [7]

Không chỉ là cá nhân ông thủ tướng mà là cả chế độ quyền lực. Trước đó, vào tháng 10 năm 2009, để có cớ bắt nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy, chế độ ấy đã dàn dựng cảnh ẩu đả trước cửa nhà rồi trưng ra bức ảnh người đàn ông máu me dầm dề như là bằng chứng buộc tội. Ngay sau đó, các bằng cớ bộc lộ trên mạng Internet đã chứng minh rằng đó chỉ là ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp hơn bốn năm về trước thế nhưng, cả khi đã bị vạch trần, chế độ ấy vẫn bình thản thủ tục ra toà với một án tù thật nặng. Và trước đó nữa, chế độ ấy đã hèn hạ nấp kín một chỗ để đạo diễn cho đám đông dốt nát, mê tín và cuồng tín tại địa phương đấu tố nhà tranh đấu Hoàng Minh Chính và, thậm chí, còn đạo diễn cái màn vứt cứt vào ông.

 Nếu muốn tồn tại lâu dài, một chế độ mệnh danh “độc lập – tự do – hạnh phúc” chỉ có thể tồn tại bằng những lý do “vĩ đại” bao hàm trong ý nghĩa “độc lập - tự do - hạnh phúc”. Nó không thể tồn tại bằng những thủ đoạn hèn hạ và lắt nhắt như cái bô chứa cứt hay hai cái condom sắp vứt.

 Và sau cùng, trở lại với một kinh nghiệm không vui của Voltaire, có lẽ chúng ta chẳng nên cảm thấy… tức làm gì. Đời của ông là một hành trình trí thức tấn công vào bóng tối của sự cuồng tín và mê tín, của sự ngu dốt và sợ hãi. Đó phải là một hành trình chông gai và, mặc cảm ganh tức dẫn đến chơi hèn của một qúy tộc ngu dốt, chẳng qua, chỉ là một thứ “gai” nhỏ mọc ở bên đường. Và nếu thế thì cũng chẳng có gì đáng gọi là “may” cho hắn, cái tên hiệp sĩ hèn. Nếu Voltaire đã làm tên tuổi hắn trở thành “bất tử” thì cái sự “bất tử” ấy cũng chẳng vinh dự gì. Có “bất tử” thì chẳng qua hắn cũng “bất tử” như là một thứ ám ảnh mà chúng ta không thể dứt ra khỏi cái đầu của mình khi tình cờ gặp một cục phân bốc mùi, một con chó hay một con chuộc chết xác đã trương phình đâu đó trên đường để rồi lợm giọng khi ngồi trước mâm cơm. Không gây sự với Voltaire thì có thể chết trong quên lãng như một con chó chết nhưng dẫu sao hắn vẫn có thể sống rồi yên nghỉ với phẩm giá của một con người. Nhưng hắn đã nhâng nháo gây sự và, qua những gì đã xảy ra, cả việc so sánh với loài chó cũng đã là một thứ vinh dự cho hắn.

 Chó cũng có những “phẩm cách” của loài chó. Chó bao giờ cũng có hai tầng phản ứng là suả và cắn: chúng ngửng đầu lên suả để cảnh cáo và chúng xông lên cắn là để tự vệ hay để trả miếng. Còn hắn thì còn tệ hơn rất nhiều. Cần cắn thì hắn chỉ biết cắn trộm. Cần sủa thì hắn cũng chỉ biết có sủa trộm. Cắn trộm và sủa trộm, thứ phẩm cách đó, xem ra, còn làm nhục cả loài chó.

Như thế thì chúng ta cũng chẳng nên nhắc lại tên hắn ra nữa. Muốn viết tên hắn ra, có lẽ chúng ta cũng phải bặm môi và nín thở nghĩ đến cái cảnh một nhân vật của Jorge Amado trước khi viết tên người mình khinh ghét là phải “nhúng sâu ngòi bút xuống dưới bùn dơ”. [8]

Hắn đã hèn như thế thì cái tên chính xác và đầy đủ của hắn phải hiện ra bằng những thứ dơ dáy đã làm nên bản chất của hắn, bồi đắp nên cái môi trường mà hắn đã chọn lấy hay đã thuộc về…
 
 
Chú thích:
[1] Voltaire là bút hiệu, tên thật là François-Marie Arouet (1694 –1778).
[2] Guy Auguste de Rohan-Chabot (1683 – 1760), có danh hiệu là Chevalier de Rohan (Hiệp sĩ Rohan) và sau là Comte de Chabot (Bá tước thành Chabot),
Tước hiệu qúy tộc của Pháp được phân chia thành: Duc (duchy - duché), Marquis, Comte, Vicomte, Baron, dịch theo lối Việt Nam là công, hầu, bá, tử, nam.
Trong cách xưng hô với thành viên các gia đình hoàng gia hay quý tộc, triều đình Pháp còn chia thứ bậc: “Fils de France”, con của vua, “Petit-fils de France”, là con của hoàng tử; “Prince du Sang”, tức hàng con cháu thuộc dòng vua; “Prince étranger”, con cái của hoàng gia ngoại quốc được triều đình Pháp thừa nhận, đang sống ở Pháp; “Chevalier”, thuộc các gia đình qúy tộc hàng đầu; “Écuyer”, các gia đình quý tộc còn lại.
[3] Hai lần, tại nhà hát và một hý viện, Guy Auguste đã chế nhạo Volataire “Anh bạn, tên anh là Monsieur de Voltaire hay Monsier Arouet?”. Voltaire trả lời: "Tôi bắt đầu bằng tên của tôi, ngài kết thúc bằng tên của ngài."
[3] Sách đã dẫn, trang 54 – 56.
[4] Pháp đã chính thức cấm từ năm 1626 tuy nhiên các hình thức gỡ danh dự theo kiểu quyết đấu (duel) vẫn tiếp tục và được xã hội thừa nhận như một luật bất thành văn. Theo thống kê thời ấy thì từ năm 1685 đến 1716 đã các sĩ quan quân đội Pháp đã tổ chức 10,000 trận song đấu để gỡ danh dự, khiến trên 400 người bị mất mạng. Thậm chí hình thức gỡ danh dự này còn diễn ra tới tận thế kỷ 20 với trận song đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1967 khi Gaston Deferre sỉ nhục René Ribière tại Nghị viện Pháp. Sự việc dẫn đến cuộc đấu gươm và René Ribière bị thua với hai vết thương.
[5] Roger Pearson, (2005), Voltaire Almighty, London: Bloombury Publishing. Tr. 66 – 67.
[6] Trong tiểu luận mang tên “Essay on the Customs and the Spirit of the Nations”, được Voltaire công bố năm 1756.
[7] Xem: Giang Thành, ““Ân nhân của Thủ tướng”, Người Lao Động. 5.09.2010.
Bài báo kể chuyện ông Tư Kiên (Phan Trung Kiên) ở huyện Kế Sách đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào đầu năm 2010 và chuyện ông Kiên cứu Nguyễn Tấn Dũng vào năm 1970. Việc phong anh hùng rất trễ cho ông này là việc có tính toán, để làm “nền” cho “thành tích anh hùng” của Nguyễn Tấn Dũng. Trích một đoạn trong bài báo: “Đến nhà dân, Tư Kiên hết sức thất vọng vì xuồng ba lá của họ đã bị địch bắn tan nát. ‘Nhìn quanh quẩn, tôi thấy chiếc cối giã gạo bằng gốc cây mù u rộng hơn 1 m² bèn nảy ra một ý táo bạo. Tôi vần chiếc cối xuống sông rồi cõng Dũng đặt nằm lọt trong lòng cối và lấy lục bình phủ lên ngụy trang. Vừa kéo chiếc cối vượt qua được bờ kia sông thì bên này, hơn chục tên địch đang lần theo vết máu của Dũng. Chỉ chậm vài phút là chúng tôi đã bỏ mạng giữa rừng” – ông Tư Kiên hồi tưởng.”
Cối bằng đá hay bằng gỗ gì thì kích thước cũng chỉ hơn hơn nửa mét, lòng cối hình tròn để bỏ lúa vào giã thì đường kính chỉ chừng trên dưới ba tất tây. Cho dù cối rộng 1 mét vuông thì cũng không thể nào bỏ Nguyễn Tấn Dũng “nằm lọt trong lòng” được. Nguyễn Tấn Dũng dàn dựng khá công phu nhưng lại bị hớ ở điểm này!
[8] Nhà văn Ba Tây (1912 – 2001), hình tượng trên được dẫn từ cuốn Terras do Sem Fim, xuất bản năm 1943, bản tiếng Anh là The Violent Land (Vùng đất hung bạo).