Home Đời Sống Pháp Luật Tìm Hiểu Luật Di Trú: Trục Xuất

Tìm Hiểu Luật Di Trú: Trục Xuất PDF Print E-mail
Tác Giả: Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.   
Thứ Sáu, 02 Tháng 7 Năm 2010 04:47

Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp.

 Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên

 
môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 226,388 luật sư nhưng chỉ có 151 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Trục xuất tiếng Anh là “removal” và trục xuất có hai loại. Loại trục xuất thứ nhất là “Removal Under Inadmissibility Grounds” theo điều luật 212 của bộ Luật Di Trú và được áp dụng để trục xuất những người đang xin nhập cảnh Hoa Kỳ. Loại trục xuất thứ nhì là “Removal Under Deportation Grounds” theo điều luật 237 của bộ Luật Di Trú và được áp dụng để trục xuất những người nào đã nhập cảnh Hoa Kỳ.

Loại trục xuất thứ nhất (Removal Under Inadmissibility Grounds) có 4 trường hợp xảy ra thường xuyên:

-Trường hợp thứ nhất: Những người đang xin nhập cảnh Hoa Kỳ, nhưng không theo thủ tục di trú, hoặc không hợp lệ. Ðiển hình là đương đơn muốn nhập cảnh Hoa Kỳ với diện du lịch, nhưng khi tới Port of Entry, tức là cửa khẩu nhập cảnh, đương đơn chỉ có vé máy bay một chiều, Sở Di Trú có thể cho rằng đương đơn không có ý định du lịch, mà có ý định thường trú Hoa Kỳ. Dựa vào lý do đó, Sở Di Trú sẽ từ chối nhập cảnh.

-Trường hợp thứ nhì: Thường trú nhân ở ngoài Hoa Kỳ quá 6 tháng. Theo Luật Di Trú, khi thường trú nhân rời Hoa Kỳ quá 6 tháng, ngày trở lại Hoa Kỳ được xem là người đang xin nhập cảnh Hoa Kỳ. Sở Di Trú sẽ xét lại trường hợp của người đó có được nhập cảnh hay không tùy theo điều luật trục xuất 212 của bộ Luật Di Trú. Cũng có thể vì trường hợp thứ hai này mà chúng ta nghe nhiều người nói “thường trú nhân về Việt Nam dưới 6 tháng không cần reentry permit.” Nhưng câu nói đó không hoàn toàn đúng sự thật vì thường trú nhân vắng mặt Hoa Kỳ dưới 6 tháng vẫn có thể bị Sở Di Trú không cho phép nhập cảnh. Ngoài sự chứng minh đương đơn là thường trú nhân, đương đơn phải là người không có ý định bỏ rơi sự thường trú của mình. Vấn đề chính là người thường trú nhân phải chứng minh rằng họ không bỏ rơi sự thường trú của họ và những yếu tố để chứng minh người thường trú nhân có bỏ rơi sự thường trú của họ hay không là: liên hệ gia đình ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, tài sản ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, việc làm ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có phải chính thức được gọi là nhà hay không, lý do rời khỏi Hoa Kỳ, và thời gian ở ngoài Hoa Kỳ, v.v...

-Trường hợp thứ ba: Ðó là những người đã nộp đơn Adjustment of Status để thay đổi tình trạng di trú sang diện thường trú. Trong thời gian chờ đợi ngày để được Sở Di Trú phỏng vấn, hoặc đã đi phỏng vấn nhưng đang chờ đợi hồ sơ được chấp thuận, lại rời Hoa Kỳ mà không xin giấy phép trước. Vì những người này đã không xin giấy phép trước để trở vô Hoa Kỳ, nên khi trở lại Hoa Kỳ, sẽ bị trục xuất tại Port of Entry (tức là cửa khẩu nhập cảnh). Hồ sơ Adjustment of Status coi như bị hủy bỏ. Người đó phải trở về quốc gia của mình, không được ở lại Hoa Kỳ. Nếu muốn trở lại Hoa Kỳ thì phải làm đơn bảo lãnh lại từ đầu. Khi nộp đơn lại từ đầu, lúc đi phỏng vấn tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, vấn đề ở Hoa Kỳ bất hợp pháp quá 180 ngày hoặc quá 1 năm, sẽ bị áp dụng (xin xem phần ghi chú) và chiếu khán có thể bị từ chối. Tôi biết có vài trường hợp những người chưa có sự thường trú đi thăm gia đình hoặc bạn bè ở San Diego, gần biên giới Mễ và Hoa Kỳ. Nhiều khi vô tình đi lạc quá lố sang Mễ khi quay về thì bị chận tại cửa khẩu nhập cảnh và bị Sở Di Trú giam giữ và đưa ra tòa di trú để trục xuất. Cho nên khi đi đâu gần biên giới nên cẩn thận để tránh chuyện phiền phức.

-Trường hợp thứ tư: Theo Luật Di Trú, khi thường trú nhân phạm pháp và bị buộc tội được xem là “Crimes of Moral Turpitude” tức là những án có tính cách suy đồi đạo đức, rời Hoa Kỳ, khi trở lại sẽ bị cho là người đang xin nhập cảnh Hoa Kỳ. Sở Di Trú sẽ xét lại trường hợp của người đó có được nhập cảnh hay không tùy theo “Ðiều Luật Trục Xuất.” Những án được xem là có tính cách suy đồi đạo đức là: 1) Mang một vũ khí được giấu với chủ ý để sử dụng; 2) Child hoặc spousal abuse (tạm dịch là bạo hành trẻ em hoặc người phối ngẫu; 3) Disorderly conduct (tạm dịch là hành vi gây rối); 4) Kidnapping (tạm dịch là bắt cóc); 5) Murder và volutary manslaughter (tạm dịch là tội giết người và tội ngộ sát); 6) Robbery (tạm dịch là ăn cướp); 7) Theft (ăn cắp); 8) Embezzlement (tạm dịch là biển thủ); 9) Prostitution (tạm dịch là tội mãi dâm); 9) Forgery (tạm dịch là giả mạo giấy tờ hoặc chữ ký như những tội cổ phiếu giả); 10) Fraud (tạm dịch là gian lận); 11) Những tội về ma túy; 12) Những tội rửa tiền. Những tội vừa trình bày không phải là toàn bộ tội được coi là tội ác có tích cách suy đồi đạo đức. Ngoài ra còn nhiều tội khác. Quí vị nên tham khảo với một luật sư thực thụ về Luật Di Trú để biết rõ thêm.

Loại Trục Xuất Thứ Nhì (Removal under Deportation Grounds) có 4 trường hợp xảy ra thường xuyên.

Trường hợp thứ nhất là ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Trường hợp thứ nhì là khai gian với Sở Di Trú để hưởng quyền lợi di trú. Trường hợp thứ ba là không làm đúng điều kiện mà người đó đã cam kết với Sở Di Trú. Trường hợp thứ tư là những người không phải công dân Hoa Kỳ bị kết án phạm hình luật.

Trường hợp thứ nhất: Ở Hoa Kỳ bất hợp pháp, trường hợp này xảy ra rất nhiều. Theo luật di trú, ở Hoa Kỳ bất hợp pháp có rất nhiều trường hợp. Ðiển hình trong trường hợp du lịch, có người ở Hoa Kỳ quá thời hạn Sở Di Trú cho phép, hoặc người đó đi làm hay đi học trong khi giấy chiếu khán của người đó ở Hoa Kỳ là du lịch, và vì vậy tự động người đó trở thành lưu trú tại Hoa Kỳ bất hợp pháp. Ðiển hình khác là trong trường hợp du học, có người chỉ đi học được một hoặc hai mùa sau đó bỏ học, hoặc đi làm mà không có giấy phép do Sở Di Trú cấp.

Trường hợp thứ hai: Khai gian với Sở Di Trú, hoặc tòa đại sứ, hoặc tòa lãnh sự Hoa Kỳ, để được hưởng quyền lợi về di trú. Ðiển hình trong trường hợp diện Public Interest Parole (thường được gọi là diện PIP). Những người con là công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho cha mẹ, khi cha mẹ được đi Hoa Kỳ, những người con còn ở lại trên 21 tuổi được đi theo cha mẹ nếu chưa có gia đình. Theo luật di trú, không có gia đình tức là không có vợ hoặc có chồng. Có những người khai với Sở Di Trú là họ không có vợ hoặc có chồng, sự thật người đó đã có gia đình nhưng giấu để được đi Mỹ theo cha mẹ. Mười năm sau khi vào Mỹ, được thẻ xanh, người đó lại bảo lãnh cho chồng hoặc cho vợ còn ở lại Việt Nam. Ðương đơn dùng giấy hôn thú đã có trước khi qua Mỹ để nộp cho Sở Di Trú, vì họ nghĩ rằng chuyện đó đã quá lâu, và hồ sơ đó chính phủ Mỹ không còn lưu giữ lại. Sau khi Sở Di Trú chấp thuận hồ sơ bảo lãnh và gửi hồ sơ cho lãnh sự phỏng vấn. Lãnh sự phát giác là người bảo lãnh đã có hôn thú trước khi nhập cảnh Hoa Kỳ, tòa lãnh sự sẽ chuyển những hồ sơ đó về Sở Di Trú để giải quyết. Khi nhận được những hồ sơ đó, Sở Di Trú bắt đầu tiến hành thủ tục trục xuất người đã làm đơn bảo lãnh cho vợ hoặc chồng ở Việt Nam.

Trường hợp thứ ba: Không làm đúng điều kiện đã cam kết với Sở Di Trú. Trường hợp này tôi thấy xảy ra rất nhiều trong cộng đồng Việt Nam của chúng ta. Công dân Hoa Kỳ về Việt Nam để lập gia đình với một người ở Việt Nam, và sau đó làm đơn bảo lãnh người ấy qua Hoa Kỳ. Theo luật di trú Hoa Kỳ, khi một công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho chồng hoặc vợ để được sang Mỹ, người được bảo lãnh phải chấp thuận điều kiện là chỉ có thẻ xanh tạm, có hiệu lực 2 năm thôi, khoảng 2 năm sau khi vào Hoa Kỳ, người công dân Hoa Kỳ cùng với người được bảo lãnh phải làm đơn để xin thẻ xanh vĩnh viễn. Sở Di Trú chỉ cấp thẻ xanh nếu hai người vẫn còn hôn thú và vẫn còn chung sống với nhau như vợ chồng. Nếu khoảng 2 năm sau khi vào Hoa Kỳ, mà người được bảo lãnh không được người bảo lãnh làm đơn xin thẻ xanh vĩnh viễn, thì có thể sẽ bị trục xuất, ngoại trừ điều kiện đó được miễn.

Trường hợp thứ tư: Trường hợp của những người nào không phải là công dân Hoa Kỳ và đã bị kết án phạm hình luật. Tôi đã thấy nhiều trường hợp, có những người bị cáo về hình luật, đã chấp nhận plea bargain (điều đình) với District Attorney, hoặc nhận tội, dù người đó có tội hay không, vì họ nghĩ rằng, ở tù vài tháng sau đó thêm vài năm tù treo là xong, họ muốn chấm dứt sự đối đầu với pháp luật, để bắt đầu lại cuộc đời. Nhưng thật ra chính vì những sự nhận tội cho xong đó, hoặc chấp nhận điều đình đó, lại có thể làm cho họ bị trục xuất.

Một phần trong điều luật 237 nói rằng, khi người thường trú nhân phạm tội Moral Turpitude (tạm dịch là có tính cách suy đồi đạo đức) trong vòng 5 năm được sự thường trú và tội đó có thể bị án tù một năm trở lên thì sẽ bị trục xuất. Quí vị nên chú ý rằng có thể bị án tù một năm trở lên chứ không phải là bị án tù một năm trở lên. Nghĩa là dù rằng đương sự bị án 6 tháng nhưng tội đương sự phạm phải có thể bị phạt 1 năm tù trở lên, đương sự cũng sẽ bị trục xuất.

Một phần khác trong điều luật 237 nói rằng, nếu đương sự bị phạm 2 tội có tính cách suy đồi đạo đức thì đương sự có thể bị trục xuất. Theo điều luật này, nếu đương sự phạm 2 tội ăn cắp vặt sẽ bị trục xuất.

Một phần trong điều luật 237 nói rằng, nếu đương sự bị phạm tội được coi là aggravated felony thì sẽ bị trục xuất. Những tội được coi là aggravated felony là: 1) Murder (giết người), 2) rape (hãm hiếp), 3) ăn cướp và bị án trên một năm, 4) Buôn lậu ma túy, 5) Buôn lậu vũ khí, 6) Những tội hành hung và bị án tù trên một năm, 7) Những tội giả mạo chữ ký hoặc giấy tờ và bị án tù trên một năm, 8) Những tội gian lận và sự thiệt thòi cho nạn nhân trên $10,000.

Những tội nêu trên chỉ là một phần của những tội có thể bị trục xuất và sự trình bày trên không bao gồm tất cả tội mà đương sự có thể bị trục xuất. Ðương sự nên tham khảo với một luật sư thực thụ về luật di trú để biết rõ thêm.

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 7 năm 2010.

Ưu tiên 1 - priority date là ngày 1 tháng 4 năm 2005, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A - priority date là ngày 1 tháng 7 năm 2008, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B - priority date là ngày 1 tháng 5 năm 2003, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 - priority date là ngày 1 tháng 9 năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 - priority date là ngày 1 tháng 1 năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.